Lối tư duy của người thông minh

Chương bốn. Hiểu cách sự vật vận hành



Kiến thức nhân quả là thông tin bạn biết về cách thức thế giới vận hành.

Chất lượng kiến thức nhân quả của chúng ta cũng không tốt như chúng ta nghĩ. Chúng ta có thể cải thiện chất lượng của kiến thức đó thông qua hành động tự lý giải. Johannes Kepler là một nhà thiên văn học sống vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Ông được biết đến nhiều nhất trong khoa học hiện đại bởi những phương trình chuyển động của các hành tinh. Thời ông, người ta tin rằng các hành tinh chuyển động theo một quỹ đạo vòng tròn hoàn hảo quanh mặt trời. Nhìn vào các phép đo do những nhà thiên văn học như Tycho Brahe thực hiện, Kepler nhận thấy quỹ đạo vòng tròn không dự đoán chính xác vị trí của các hành tinh trên bầu trời đêm. Ông xác định rằng các hành tinh chuyển động theo một quỹ đạo hình êlíp và đã xây dựng những phương trình mô tả các chuyển động này.

Hầu hết mọi người biết đến Kepler là biết đến thành tựu này của ông. Cũng quan trọng không kém là những phương trình kia của ông đã đặt nền tảng cho lý thuyết mang tính cách mạng hoá ngành vật lý học của Newton về chuyển động của các hành tinh. Kepler không chỉ hứng thú với đường chuyển động của các hành tinh quanh mặt trời mà còn muốn biết cái gì khiến chúng chuyển động. Ông liên tục đặt ra câu hỏi “Tại sao?”

Ông nhận ra một điều là những hành tinh cách xa mặt trời hơn chuyển động chậm hơn so với những hành tinh gần mặt trời. Ông cũng biết rằng, khi bạn càng ở xa mặt trời thì ánh sáng mặt trời càng trở nên yếu đi và do đó những hành tinh xa mặt trời hơn sẽ nhận ít ánh sáng hơn những hành tinh gần mặt trời. Ông suy luận rằng, có thể mặt trời tác động một lực nào đó khiến cho các hành tinh chuyển động vòng quanh nó, tác động lực tới những hành tinh xa hơn sẽ yếu hơn so với những hành tinh ở gần và vì thế, chúng chuyển động chậm hơn.

Trong một số bài viết của mình, ông suy đoán về một lực chuyển động hướng ra từ mặt trời (như ánh sáng), lực ấy bằng cách nào đó đẩy những hành tinh chuyển động vòng quanh quỹ đạo của chúng. Ông gặp khó khăn trong việc chứng minh ý tưởng này. Thật không may, ông không tìm ra cách để biến lực chuyển động hướng ra từ mặt trời thành lực chuyển động vòng quanh mặt trời. Để cố giải quyết vấn đề này, Kepler sử dụng kiến thức từ những lĩnh vực khác. Vì lúc đó Kepler cũng hứng thú với khoa học nam châm và hiện tượng từ, ông chơi đùa với ý tưởng mặt trời là một nam châm kéo những hành tinh hướng tâm. Song, một lần nữa, ông gặp rắc rối trong việc lý giải làm thế nào một lực kéo hướng tâm trở thành một quỹ đạo chuyển động xung quanh mặt trời. Rốt cuộc thì một chuyển động hướng tâm sẽ khiến các hành tinh đâm sầm vào mặt trời.

Kepler đã đến rất gần với lý do chính xác tại sao các hành tinh chuyển động theo quỹ đạo quanh mặt trời. Một nam châm hút sắt về phía nó. Lực hấp dẫn của mặt trời cũng hút các hành tinh về phía nó. Cái Kepler thiếu là một cơ chế cho phép các hành tinh chuyển động trong điều kiện có một lực kéo hướng tâm. Khoảng 80 năm sau, Isaac Newton đã cho ra những định luật chuyển động và trả lời câu hỏi đó. Newton là người hiểu ra rằng, các lực thay đổi chuyển động của vật thể và không nhất thiết phải giữ cho vật thể chuyển động. Tất nhiên, Newton là một cái tên lớn trong lịch sử. Danh tiếng của Kepler, nếu được nhắc đến, chỉ là những phương trình cho quỹ đạo chuyển động của các hành tinh. Lịch sử tưởng thưởng người thành công.

Câu hỏi lớn: Tại sao?

Điểm quan trọng trong Tư duy thông minh của Kepler là mối quan tâm dành cho câu hỏi tại sao. Hoá ra, ở mức độ này hay mức độ khác, ai cũng muốn biết tại sao thế giới vận hành như hiện tại. Tuy nhiên, việc sử dụng Tư duy thông minh lại đòi hỏi câu trả lời cực kỳ xuất sắc cho câu hỏi đó.

Trả lời câu hỏi tại sao đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày: Bạn đi vào phòng khách và bật công tắc đèn lên. Công tắc đèn được dùng để điều khiển cái đèn nằm trên bàn cạnh ghế sofa nhưng khi bạn bật công tắc thì không có gì xảy ra cả.

Có một chút ánh sáng lọt vào qua cửa sổ nên phòng không tối om. Bạn đi về phía cái đèn và lúc lắc nó nhưng căn phòng vẫn chìm trong bóng tối. Bạn kiểm tra sợi dây điện đằng sau đèn và lần đến ổ cắm thì thấy nó vẫn cắm vào ổ. Bạn xem công tắc ở chân đèn thì nó đã được bật rồi. Cuối cùng, bạn tháo bóng đèn ra và lắc nó. Nghe tiếng nổ lốp bốp quen thuộc, bạn liền đi về phía tủ đồ và thay vào một trong những cái bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm năng lượng mới. Bạn bật lại công tắc đèn trên tường và ánh sáng trở lại với cuộc sống.

Đó là Tư duy thông minh.

Khi thực hiện một bài tập xử lý sự cố như trên, ngay cả với những thiết bị trong gia đình, bạn đang thực hiện những suy luận khá phức tạp. Bạn sử dụng kiến thức về cách sự vật vận hành để giải quyết vấn đề. Bạn biết rằng bật công tắc đèn sẽ khiến điện trở nên khả dụng ở ổ cắm và do đó bạn kiểm tra xem liệu cái đèn có cắm điện chưa. Bạn biết rằng đôi khi cái đèn đó bị lỏng, nên bạn lúc lắc xem có thể khiến nó hoạt động lại không. Bạn biết rằng có một công tắc trên đèn có thể vô tình bị tắt. Cuối cùng, khi tất cả đều không thành công, có nghĩa là bóng đèn có thể bị cháy. Bạn biết rằng khi bóng đèn cháy, sợi dây tóc bóng đèn không tạo ra sự kết nối điện nữa. Những mẩu dây tóc bị đứt sẽ kêu lốp bốp bên trong bóng đèn khi bạn lắc nó. Bài tập này liên quan đến việc kiểm tra từng lý giải cho lý do tại sao đèn có thể không hoạt động được.

Khả năng suy nghĩ về lý do tại sao sự vật vận hành và nguyên nhân của các vấn đề khi sự việc không diễn ra như mong đợi dường như là một đặc tính hiển nhiên trong cách tư duy của chúng ta. Chính khả năng suy nghĩ về lý do tại sao các sự việc xảy ra (và chúng gặp vấn đề gì) là một trong những khả năng chủ chốt để phân biệt loài người với các loài động vật khác trên hành tinh.

Câu hỏi tại sao cho phép con người đưa ra các lý giải. Isaac Newton không chỉ nhìn thấy quả táo rơi từ trên cây xuống. Quan sát đó được ông sử dụng để tìm ra lý do tại sao nó rơi. Thợ máy ô tô của bạn không chỉ quan sát chiếc xe không hoạt động mà anh ta tìm ra nguyên nhân khiến nó không hoạt động bằng cách sử dụng kiến thức làm thế nào bình thường nó hoạt động trơn tru. Bác sĩ của bạn không chỉ nhìn vào những triệu chứng bệnh tật mà cô ấy suy luận về nguyên nhân căn bệnh để có thể chữa trị cho bạn. Và bất kỳ ai đã từng dành thời gian chơi với một đứa trẻ năm tuổi sẽ hiểu rằng, trẻ con ở độ tuổi này có thể thử thách lòng kiên nhẫn của bạn bằng cách cố gắng tìm kiếm những lý giải cho lý do tại sao mọi thứ lại vận hành như thế.

Các nhà tâm lý học gọi khả năng đưa ra lý giải cho các sự vật là suy luận nhân quả. Tại sao việc hiểu về căn nguyên sự vật lại quan trọng như vậy?

Cùng xem một ví dụ về sự khác nhau trong cách loài người và loài tinh tinh – họ hàng gần của chúng ta – sử dụng công cụ. Theo nhà tâm lý học Daniel Povinelli, một khác biệt lớn giữa loài khỉ (như tinh tinh) và loài người là loài người suy luận một cách tự nhiên về lý do vận hành của sự vật, nghĩa là loài người rất giỏi suy luận nhân quả, trong khi loài tinh tinh thì không.

Công cụ không khu biệt hoá loài tinh tinh với loài người, bởi tinh tinh cũng sử dụng công cụ. Trong đời sống hoang dã, có những cộng đồng tinh tinh sử dụng đá để đập vỡ hạt đậu và những cộng đồng khác sử dụng cây sậy mỏng để câu con mối trong các ụ đất. Trong phòng thí nghiệm, tinh tinh cũng có thể học cách sử dụng công cụ nhưng dường như chúng không học được cách làm thế nào để các công cụ vận hành.

Hãy lấy một ví dụ từ nghiên cứu của Povinelli. Ông đưa một mẫu thức ăn vào chính giữa một ống trong suốt, ống này quá nhỏ để tinh tinh có thể lấy được. Con tinh tinh nhìn thấy thức ăn và muốn lấy chúng. Có mấy cái que gần đó và cuối cùng con tinh tinh học cách đút chiếc que vào trong ống để đẩy thức ăn ra ngoài. Một người thực hiện nhiệm vụ này nhận ra rằng, cái que đẩy thức ăn dọc theo ống theo hướng ra xa hơn so với lúc mà que được đút vào.

Tinh tinh dường như không nhận ra điều này. Sau khi tinh tinh học cách sử dụng cái que lấy thức ăn ra khỏi ống, Povinelli đặt một cái bẫy ở đầu kia của ống để thức ăn rơi vào bẫy nếu bị đẩy về phía đó. Ban đầu, tinh tinh sẽ chọn đầu ống một cách tuỳ tiện để đút que vào mà không nhận ra rằng đẩy thức ăn theo một chiều sẽ khiến nó rơi vào cái bẫy chứ không rơi ra ngoài. Sau một lúc, tinh tinh học được cách đút que vào phía gần với cái bẫy nhất để thức ăn bị đẩy ra ở đầu ống bên kia.

Tuy nhiên, thậm chí ngay cả như vậy, tinh tinh cũng tỏ ra không hiểu điều chúng đang làm. Một khi tinh tinh học cách xử lý cái bẫy, Povinelli liền bỏ thức ăn vào phía bên kia cái bẫy chứ không phải giữa ống. Giờ đây, nếu tinh tinh tiếp tục đưa que vào phía gần với cái bẫy nhất, thức ăn sẽ bị đẩy xuống bẫy. Và đó chính là điều đã xảy ra. Con tinh tinh không hiểu rằng cái que đẩy thức ăn đi qua cái ống.

Trò chơi tiếp diễn. Tinh tinh cuối cùng cũng sẽ học được cách xử lý tình huống này và khi chúng thực sự học được, Povinelli lại thay đổi để một con tinh tinh thực sự hiểu cách công cụ vận hành sẽ phản ứng chính xác, còn con tinh tinh chỉ học được một chiến lược cụ thể sẽ không làm được. Mỗi lần như vậy, tinh tinh đều thất bại cho đến khi chúng đã trải qua các thử nghiệm trong việc sử dụng công cụ theo nhiều cách khác nhau.

Nghiên cứu này cho thấy rằng tinh tinh không thực hiện suy luận nhân quả. Chúng không có khả năng tìm ra lý do tại sao sự vật vận hành theo cách ấy. Chúng dường như tìm kiếm một cách ngẫu nhiên những hành động mang lại hiệu quả. Sau đó, chúng học được mối quan hệ giữa một tình huống, một hành động và một kết quả. Nếu chúng tìm ra một hành động mang lại kết quả thì sau đó chúng sẽ tiếp tục hành động như thế. Do đó, chúng học được rằng, hành động cụ thể đó hiệu quả mà không học được tại sao nó lại hiệu quả. Khi không biết lý do tại sao, tinh tinh không thể đối phó với các tình huống có thay đổi ít nhiều khiến hành động của chúng trở nên vô hiệu.

Từ khi còn nhỏ, con người đã hành động khác biệt. Cũng như tinh tinh, con người học cách làm sao cho hành động của mình tác động đến thế giới. Dù vậy không giống tinh tinh, con người tìm hiểu hiểu lý do tại sao. Kết quả là, khi một công cụ chúng ta đang sử dụng không phát huy hiệu quả, chúng ta không tiếp tục bằng cách thử đi thử lại cho đến khi tìm ra cách khiến nó phát huy tác dụng. Thay vào đó, chúng ta tìm ra lý do tại sao công cụ đó không còn hoạt động nữa và sau đó giải quyết vấn đề.

Tất nhiên, có những lúc bạn không hiểu quan hệ nhân quả của điều gì đó và không có cách rõ ràng nào để hiểu nó trong hoàn cảnh đó. Khi ấy, bạn có thể dùng cách thử đi thử lại để tìm ra lỗi sai. Ví dụ, tôi nhớ đã từng thấy ông mình xử lý chiếc tivi trong phòng khách. Thỉnh thoảng, hình ảnh bị mờ. Đầu tiên ông sửa chiếc ăng ten trên đầu tivi. Nếu không thành công, ông sẽ kiểm tra dây nối giữa ăng-ten với tivi. Nếu tất cả đều không thành công, ông sẽ vỗ mạnh vào cạnh tivi. Ông dường như không có bất kỳ hiểu biết nhân quả rõ ràng nào về cách tivi vận hành nhưng trong quá khứ những hành động như thế thường giải quyết vấn đề. Vì rất khó để hiểu cách tivi vận hành và không có nhiều nguồn tài liệu để học thêm về tivi, ông không thể sử dụng Tư duy thông minh để giải quyết vấn đề hình ảnh trên màn hình tivi được.

Nhà tâm lý học Michael Tomasello cho rằng khả năng suy nghĩ về lý do tại sao sự việc xảy ra là nguyên nhân chính yếu mà con người có nền văn minh phức tạp còn tinh tinh thì không. Hãy hình dung bạn đang xem ai đó sử dụng một công cụ mới. Bạn không chỉ tập trung vào những chuyển động mà cô ấy thực hiện và kết quả của những chuyển động đó. Bạn còn quan tâm đến một loạt những khía cạnh nhân quả của tình huống. Bạn muốn hiểu mục tiêu người đó đang cố đạt được bằng cách sử dụng công cụ. Bạn muốn hiểu gì đó về cách thức công cụ vận hành. Bạn có thể không hiểu tất cả các chi tiết song bạn cố gắng có được chút kiến thức về lý do tại sao công cụ thành công trong việc đạt được mục tiêu.

Hãy suy nghĩ về lần đầu tiên bạn thấy ai đó trong nhà sử dụng máy hút bụi. Có lẽ mẹ bạn đang dọn phòng khách. Đối với một đứa trẻ, chắc hẳn đó phải là một cảnh tượng rất kỳ lạ khi thấy mẹ mình đẩy tới đẩy lui một vật thể to lớn ồn ào trên sàn. Nếu không thể hiểu bà đang làm gì, bạn chắc hẳn sẽ hỏi tại sao bà lại có hành động kỳ lạ gây ồn ào đến thế và bà sẽ giải thích rằng bà đang cố làm sạch sàn nhà. Sau đó, chắc hẳn bạn sẽ hỏi tại sao cỗ máy ồn ào đó có khả năng dọn sạch sàn nhà và bà chắc hẳn cho bạn một lý giải liên quan đến việc bụi bị hút vào chiếc máy đó. Lúc đó, bạn chắc hẳn không hiểu tường tận chi tiết về cách hoạt động của máy hút bụi (hay thậm chí tại sao người ta lại quan tâm chuyện dọn dẹp khi căn phòng sẽ lại bẩn), nhưng một phần của việc học về máy hút bụi bao gồm một lượng nhất định những kiến thức nhân quả. Bởi muốn biết lý do của những hành động người khác đang làm, cũng như tại sao những công cụ mọi người sử dụng mang lại hiệu quả, con người cũng có thể suy nghĩ tới cách cải tiến những công cụ này. Trở lại chuyện chiếc máy hút bụi. Con người luôn luôn muốn làm sạch môi trường xung quanh. Khái niệm sạch sẽ đã xuất hiện trong những văn bản cổ đại. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những dạng thức cổ xưa của chổi và giẻ lau. Máy hút bụi chỉ là một cách khác để đạt được cùng mục tiêu lau dọn bằng cách sử dụng một công cụ phức tạp hơn. Ý tưởng chế ra một máy hút bụi chỉ đến với ai đó nếu họ hiểu rằng con người muốn tìm cách làm sạch môi trường sống, đồng thời biết rằng sự kết hợp giữa ống hút và một bộ lọc để làm sạch bề mặt. Tương tự như thế, James Dyson có khả năng phát minh ra máy hút bụi buồng khí xoáy một phần vì ông nhận ra rằng một khi bạn có một máy hút bụi, vấn đề khó khăn cần giải quyết là tách bụi khỏi không khí được hút vào trong.

Vì quan tâm đến quan hệ nhân quả, con người thường thấy các sản phẩm rất lôi cuốn khi chúng kèm theo vài chỉ dẫn về cách hoạt động. Trong một máy hút bụi theo kiểu cũ, túi chứa bụi sẽ phồng lên ngay khi máy hút bụi được mở và bạn có thể nghe thấy tiếng những hạt bụi bị hút vào trong. Máy hút bụi Dyson sử dụng nhựa trong để mọi người có thể quan sát nó hoạt động.

Nhìn chung, khả năng hỏi và trả lời câu hỏi tại sao dẫn chúng ta đến việc tạo ra các công cụ mới phức tạp hơn dựa trên những cải tiến của các thế hệ trước. Tomasello gọi quá trình này là tăng cường sự phức tạp của nền văn minh. Trong nền văn minh mà mọi người hỏi câu hỏi tại sao, mỗi thế hệ có thể bắt đầu với một bộ công cụ đang được sử dụng làm cơ sở, từ đó cố gắng cải tiến công cụ từ điểm khởi đầu đó.

Hãy quay lại ví dụ những con tinh tinh: Trong đời sống hoang dã, tinh tinh cũng có nền văn minh riêng của nó. Nếu một con tinh tinh vô tình biết rằng đập một hòn đá vào hạt đậu sẽ khiến nó vỡ ra thì cuối cùng tất cả những con tinh tinh khác trong đàn cũng sẽ học cách đập hòn đá làm vỡ những hạt đậu. Chúng học điều này bằng cách bắt chước hành động của con tinh tinh kia. Chúng sẽ đập những hòn đá khi thấy đá ở gần những hạt đậu. Cuối cùng, một trong những hạt đậu vỡ ra và con tinh tinh đã học được rằng đập một hòn đá có thể giúp làm vỡ một hạt đậu.

Dù vậy, tinh tinh không dạy lẫn nhau. Để có thể dạy phải có ai đó khác muốn học. Và để học từ ai đó khác, bạn phải suy nghĩ cái họ đang cố đạt được. Tinh tinh không thực sự giải thích được tại sao những con tinh tinh khác đang hành động như chúng đang làm, và do đó chúng không hiểu dạy học có ý nghĩa gì.

Cũng như vậy, văn minh sử dụng công cụ của tinh tinh không thể phức tạp thêm chút nào nữa. Không có con tinh tinh nào cố gắng tìm ra một cách tốt hơn để làm những gì nó đang làm. Tinh tinh không thực sự tự lý giải vì sao những con tinh tinh khác lại hành động như vậy vì từ đầu chúng đã không suy nghĩ về lý do vận hành của các công cụ.

Khả năng suy nghĩ về lý do tại sao sự vật vận hành là một phần quan trọng khiến con người trở nên thông minh. Bạn càng có nhiều kiến thức nhân quả thì chất lượng kiến thức của bạn nhìn chung càng cao. Và Kiến thức thất lượng cao là trọng tâm của công thức cho Tư duy thông minh.

Tổ chức kiến thức nhân quả

Để hiểu sức mạnh của kiến thức nhân quả, quan trọng là phải nhận ra cách kiến thức nhân quả của bạn được tổ chức và cách nó được sử dụng để giải quyết những vấn đề mới.

Kiến thức nhân quả của bạn được tổ chức xung quanh những lý giải. Nghĩa là kiến thức nhân quả luôn liên quan đến một câu hỏi tại sao cụ thể nào đó. Có hai khía cạnh quan trọng của kiến thức nhân quả mà trong đó kết quả được rút ra từ mối quan hệ giữa nguyên nhân và các lý giải.

Khía cạnh quan trọng đầu tiên là thường có nhiều lý giải khác nhau cho cùng một sự việc. Những lý giải này, nhìn chung, giải thích cho nhiều yếu tố khác nhau có thể tác động lên một tình huống. Một vài trong số những yếu tố này có thể mang tính vật chất, trong khi những yếu tố khác có thể mang tính xã hội hay thậm chí tâm lý.

Một công ty sản xuất ô tô có thể ra một lệnh thu hồi một triệu chiếc xe có chân ga bị lỗi. Tại sao lại có lệnh thu hồi này? Những câu trả lời cho câu hỏi này lý giải về các yếu tố dẫn đến lệnh thu hồi. Một vài lý giải có thể mang tính vật chất (một bộ phận bên trong chân ga bị hỏng khiến nó đôi khi bị kẹt). Một vài lý giải có thể liên quan đến phương diện xã hội của việc kinh doanh (mong muốn nhanh chóng tăng thị phần dẫn đến sụt giảm trong khâu kiểm soát chất lượng và giám sát những nhà sản xuất các bộ phận). Những lý giải khác có thể liên quan đến tâm lý người tiêu dùng (khởi động một lệnh thu hồi có thể nâng nhìn nhận công chúng về việc công ty quan tâm đến sự an toàn).

Mỗi lý giải này có thể được đánh giá dựa vào những dữ kiện của tình huống. Lý giải đầu tiên cho lý do tại sao chân ga mắc kẹt có thể là có một bộ phận bị hư hỏng bên trong. Tuy nhiên, lý giải này có thể kiểm tra được, có lẽ bằng cách tháo vài chân ga lỗi ra. Những kiểm tra này có thể sẽ cho thấy lý giải ban đầu là sai và sự thật là chân ga mắc kẹt vì một lò xo bị khiếm khuyết bên trong.

Dù vậy, với bất kỳ sự việc nào, có một số những lý giải khác nhau có thể đều cùng lúc chính xác. Mỗi lý giải này phản ánh các phần khác nhau của sự việc. Do đó, mỗi loại thông tin nhân quả đều xác đáng để giúp ta trả lời những loại câu hỏi khác nhau. Một người đang học cách thiết kế một chân ga mới có thể học hỏi kinh nghiệm từ những sai lầm vật lý mắc phải trong máy móc. Một người khác đang học về cách các doanh nghiệp xử lý lệnh thu hồi có thể học hỏi từ lý giải về tâm lý tiêu dùng.

Khía cạnh quan trọng thứ hai của kiến thức nhân quả là chúng xếp lồng vào nhau. Nghĩa là, mỗi khi bạn đưa ra một lý giải, luôn có khả năng để hỏi tại sao một lần nữa và đưa ra một lý giải ở mức độ cụ thể hơn. Những đứa trẻ năm tuổi học mẹo này rất nhanh và chúng thường liên tục thúc ép người lớn để tìm ra những lý giải cụ thể và cụ thể hơn nữa cho một sự việc.

Quay lại ví dụ về công ty xe hơi, một lý giải tổng quát cho lệnh thu hồi có thể là chân ga của xe bị mắc kẹt dẫn đến việc gây ra tai nạn. Hỏi tại sao chân ga của xe mắc kẹt dẫn đến lý giải sâu hơn là một bộ phận bên trong chân ga bị mòn và dính vào bộ phận thứ hai. Hỏi tạo sao bộ phận này bị mòn lại dẫn đến một lý giải khác thậm chí còn sâu hơn rằng nhựa sử dụng để làm bộ phận đó bị nở khi nóng khiến nó chà xát vào vỏ đựng. Hỏi tại sao bộ phận bị nở ra dẫn đến một lý giải sâu hơn nữa về trạng thái của các phân tử của loại nhựa đó khi nóng lên.

Mấu chốt ở đây là mỗi lý giải trả lời một câu hỏi riêng biệt. Tuy nhiên, một khi bạn đưa ra lý giải đó, luôn có khả năng hỏi một câu hỏi khác cụ thể hơn. Trả lời câu hỏi đó đòi hỏi đưa ra một lý giải khác cụ thể hơn nữa. Và cứ tiếp tục như thế. Quá trình không bao giờ kết thúc.

KIẾN THỨC NHÂN QUẢ VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THEO CHUYÊN MÔN

Lý do chúng ta quan tâm đến kiến thức nhân quả là vì nó quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề mới.

Chương 2 đã khảo sát về Thói quen thông minh. Thói quen là những hành động bạn thực hiện để giải quyết các vấn đề đã quen thuộc mà không cần suy nghĩ. Nghĩa là nếu bạn đã biết câu trả lời cho một câu hỏi rồi, tất cả phụ thuộc vào trí nhớ của bạn về giải pháp đó và lặp lại điều tương tự. Ví dụ tôi chơi kèn saxophone. Kèn saxophone là một nhạc cụ phức tạp với rất nhiều nút bấm, lò xo và các cần gạt. Vì thế nhiều thứ trong cây kèn saxophone có thể bị hư hỏng khiến nó phát sai nốt nhạc. Thỉnh thoảng khi tôi chơi nốt C thăng, cây kèn của tôi đột ngột phát ra âm thanh rất ngang. Do đã sở hữu cây kèn đó nhiều năm, tôi biết lỗi này xảy ra vì miếng che một cái van gần cổ kèn đã bị kẹt vào van và nó cần được thông. Tôi không cần suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề vì có thể gọi ra giải pháp từ trí nhớ của mình.

Dù vậy, lần đầu tiên gặp vấn đề này, tôi đã phải sử dụng nhiều những kiến thức nhân quả tổng quát hơn về cách hoạt động của kèn saxophone. Khi bắt đầu học chơi kèn, tôi biết rằng khi một nốt trên nhạc cụ này không phát ra âm thanh đúng thì thường có vấn đề với chính cây kèn. Một vài nốt nhạc sai xuất phát từ việc miếng che dính vào những cái van. Có khi xuất phát từ việc những cái lò xo không đẩy các phím trở lại vị trí tĩnh ban đầu. Cũng có khi vấn đề bắt nguồn từ những con ốc lỏng. Khi lần đầu tiên gặp phải một nốt C thăng ngang phè, tôi kiểm tra những chiếc lò xo và những miếng che vì biết rằng chúng có thể gây ra vấn đề với âm thanh. Cuối cùng, tôi tìm ra miếng che bị dính vào và kéo nó ra khỏi cái van. Tôi đã sử dụng những kiến thức nhân quả thô sơ để giúp mình giải quyết một vấn đề mới.

Tất nhiên, kiến thức nhân quả của tôi càng sâu thì tôi càng có thể giải quyết những vấn đề phức tạp hơn. Trong trường hợp cây kèn saxophone, kiến thức nhân quả của tôi không vượt quá hiểu biết về những miếng che có thể dính, những lò xo có thể quá yếu để đẩy những miếng che miệng van lên và những con đinh vít có thể bị lỏng. Vì không có kiến thức nhân quả sâu về cách nhạc cụ này hoạt động nên khi gặp phải vấn đề nghiêm trọng, tôi sẽ phải mang nó ra tiệm sửa để người có nhiều kiến thức hơn về nhạc cụ có thể “chẩn đoán” và sửa chữa nó. Những người ở tiệm sửa chữa là những chuyên gia về các nhạc cụ.

Để nhận diện một chuyên gia, cần tính đến hai đặc điểm chuyên môn quan trọng. Thứ nhất, chuyên gia phải có những kỹ năng (hay thói quen) cho phép họ thực hiện những hành động mà những người không phải chuyên gia không thể thực hiện. Chuyên gia sửa kèn saxophone biết cách gỡ và thay những miếng che trên các nắp đậy van. Họ cũng có những công cụ chuyên dụng như loại đèn có thể thọc vào cây kèn để tìm ra chỗ nứt. Qua luyện tập, những chuyên gia này trở nên cực kỳ thành thạo trong tất cả những hành động liên quan đến hoạt động sửa chữa này.

Thứ hai, chuyên gia có kiến thức nhân quả sâu hơn những người không phải chuyên gia. Một chuyên gia sửa kèn saxophone có thể phân tích vấn đề bằng cách tìm mối liên hệ giữa những triệu chứng của một vấn đề với những yếu tố có thể gây ra các triệu chứng đó. Sau đó, chuyên gia có thể sử dụng kiến thức nhân quả này để đề xuất cách giải quyết vấn đề. Chúng ta đánh giá cao dạng chuyên môn này (và trả tiền cho nó), vì kiến thức nhân quả như thế cung cấp những cách mới để giải quyết các vấn đề khó khăn.

Hai yếu tố chìa khoá của kiến thức nhân quả là có nhiều những lý giải cho cùng một hiện tượng và kiến thức nhân quả đan lồng vào nhau. Điều này giải thích tại sao rất khó để phát triển kiến thức nhân quả một cách rộng rãi bao quát. Một chuyên gia phải biết rất nhiều lý giải liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình, đồng thời cũng phải có kiến thức về rất nhiều cấp độ đan lồng vào nhau của các lý giải đó. Chuyên gia cần một khối lượng kiến thức rất lớn, không thể có chuyện ai đó trở thành chuyên gia trong mọi lĩnh vực được.

Thực tế, thậm chí ngay cả với các chuyên gia, dường như có sự đánh đổi giữa tính tổng quát và chiều sâu của kiến thức. Trong ngành y, mỗi bác sĩ là một chuyên gia y khoa ở một mức độ nào đó (khi so sánh với những người không phải bác sĩ). Tuy nhiên, cũng có những bác sĩ có chuyên môn tổng quát. Các bác sĩ gia đình biết rất nhiều về những nỗi ưu phiền phổ biến mà mọi người thường mang tới phòng khám. Vị bác sĩ này có thể cho bạn lời khuyên từ bệnh cúm cho đến những chấn thương nhẹ và các bệnh ngoài da.

Nhưng sẽ có lúc một bệnh nhân nào đó đến với một triệu chứng hiếm gặp. Các triệu chứng này đòi hỏi những kiến thức nhân quả đặc biệt để có cách chữa trị hiệu quả. Bác sĩ gia đình sẽ gửi bệnh nhân này đến một bác sĩ chuyên khoa để được tận dụng những kiến thức nhân quả chuyên biệt về chứng bệnh đó. Bác sĩ chuyên khoa này biết rất nhiều về một chứng bệnh cụ thể, nhưng nhiều khả năng là chuyên môn tổng quát không bằng một bác sĩ gia đình.

Vì thế, kiến thức nhân quả là một phần quan trọng trong khả năng giải quyết những vấn đề mới của bạn. Nếu hiểu tại sao điều gì đó vận hành thì bạn có thể sử dụng thông tin đó để xác định sự cố đã xảy ra. Kiến thức nhân quả sẽ hữu ích trong việc giúp bạn đưa ra các phương án giải quyết sự cố.

Chuyên môn bao gồm cả những kỹ năng giải quyết vấn đề và kiến thức nhân quả vượt xa những tiêu chuẩn thông thường. Kiến thức nhân quả là một phần quan trọng cho phép các chuyên gia giải quyết những vấn đề mà người không chuyên cảm thấy khó khăn.

Tóm lại, kiến thức nhân quả chính xác là loại Kiến thức chất lượng cao mà bạn cần để có Tư duy thông minh.

Thông minh hơn tức thì

Tận dụng kiến thức chuyên môn xung quanh bạn

Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu nói: Quan trọng là phải biết những gì bạn biết và biết những gì bạn không biết. Tương tự như vậy, biết những người biết kiến thức mà bạn không biết cũng rất quan trọng.

Tất nhiên, từ khi còn nhỏ chúng ta đã bắt đầu khám phá ra rằng, những người khác nhau có thể có nhiều chuyên môn khác nhau. Nghiên cứu của Frank Keil và các đồng nghiệp đã chỉ ra, thậm chí ngay cả những đứa trẻ năm tuổi cũng tin rằng nếu ai đó biết cơ chế vận hành của tủ lạnh thì người này sẽ nhiều khả năng biết cơ chế vận hành của lò nướng hơn là biết làm mọi người vui hay buồn.

Nếu muốn trở nên thông minh, bạn hiển nhiên muốn cải thiện chất lượng kiến thức của bản thân. Thêm vào đó, bạn muốn chắc chắn rằng bạn biết phải nhờ vả ai khi chạm đến giới hạn kiến thức của bản thân. Hãy dành thời gian chú ý xem những ai bạn gặp gỡ có thể có những kiến thức quan trọng mà bạn đang thiếu. Hãy sử dụng những người này như nguồn lực giúp bạn phát triển những gì bạn biết.

Ảo tưởng về chiều sâu của lý giải

Kiến thức nhân quả của bạn tốt thế nào? Hãy nghĩ lại về những kỳ thi và những bài kiểm tra mà bạn đã trải qua trong đời mình. Chắc hẳn bạn đã làm tốt rất nhiều bài trong số đó nhưng không phải tất cả đều suôn sẻ. Tồi tệ nhất là khi bạn bước vào phòng thi với cảm giác lo lắng chính đáng về viễn cảnh điểm số của mình. Có thể bạn không có nhiều thời gian học, hay đơn giản chỉ là không có động lực chuẩn bị cho bài kiểm tra. Có thể bạn đã học hành chăm chỉ nhưng cảm giác như các khái niệm then chốt vẫn chưa nắm vững. Bạn bước vào phòng thi trong tâm trạng lo lắng rằng có thể mình không qua nổi. Nỗi sợ đó là chính đáng.

Nhưng cũng có khi, bạn đi vào phòng thi với tâm trạng tự tin. Bạn cảm giác như mình thực sự hiểu những nội dung chuẩn bị kiểm tra. Bạn thậm chí cảm thấy tự tin sau khi đọc câu hỏi đầu tiên của bài kiểm tra. Bạn nghĩ rằng mình có thể trả lời tốt. Tuy vậy, khi bắt đầu đặt bút trình bày câu trả lời, bạn phát hiện ra rằng mình không hiểu khái niệm này kỹ càng như đã nghĩ. Dù rất tự tin, kiến thức bạn cần cho bài kiểm tra không có. Đến giữa giờ thi, hy vọng của bạn sụp đổ. Đến cuối giờ, bạn nhận ra rằng mình không hiểu chút gì về tài liệu đã học cả.

Sao lại có thể như thế được?

Dạng trải nghiệm này phản ánh một đặc tính quan trọng của kiến thức nhân quả. Phán đoán về khả năng lý giải sự vật của bạn không phải lúc nào cũng đúng. Tôi không bắt bạn phải tin lời tôi. Chỉ cần bạn làm một bài tập đơn giản.

Hãy nhìn vào danh sách những đồ vật thông thường sau. Với từng đồ vật, hãy thử nghĩ xem bạn tin rằng mình biết bao nhiêu về cách nó hoạt động. Nếu có một cây bút trong tay, bạn hãy điền vào danh sách đó một con số, trong khoảng từ 1 đến 7, 1 nghĩa là “Tôi không biết gì cả” và 7 nghĩa là “Tôi biết chính xác từng chi tiết trong cách hoạt động của chúng.”

Liệu có mục nào trên đây bạn tin chắc rằng mình hiểu và có thể giải thích được không? Nếu không, thử nhìn xung quanh nhà bạn hay nơi bạn đang ở hiện tại và tìm cái gì đó bạn tin chắc rằng mình có thể giải thích cho ai đó hiểu được.

Bây giờ, tôi muốn bạn thực sự giải thích cách nó hoạt động. Nếu có một tờ giấy trong tay, bạn hãy thử viết ra điều đó. Nếu không, cũng cứ thử đưa ra lý giải trong đầu. Hãy bắt đầu với bước đầu tiên và từng bước một đi xuyên suốt qua chuỗi liên kết nhân quả cho đến bước cuối cùng trong cách thức hoạt động của nó. Hãy cố gắng trình bày một lí giải hoàn chỉnh nhất có thể mà không để lại lỗ hổng nào. Nếu cảm thấy vẫn còn lỗ hổng thì hãy viết từ lỗ hổng trong lý giải của mình.

Sau khi đã viết xong lý giải của mình, bạn hãy đọc lại nó với một cái nhìn khách quan nghiêm ngặt. Bạn đã làm thế nào?

Có lỗ hổng nào trong lý giải của bạn không? Có chỗ nào đó bạn cảm thấy không chắc chắn về cách các phần nối kết với nhau không? Bạn có bất ngờ về những lỗ hổng trong kiến thức nhân quả của mình không?

Nếu thấy những lỗ hổng trong kiến thức nhân quả của bản thân thì không có gì phải lo lắng vì bạn không phải là người duy nhất. Giáo sư tâm lý đại học Yale – Frank Keil và sinh viên tốt nghiệp của ông – Leonid Rosenblit đã tiến hành một nghiên cứu tương tự những gì bạn vừa làm với những sinh viên đại học. Đầu tiên, họ yêu cầu mọi người đánh giá sự hiểu biết của bản thân về một số thiết bị khác nhau. Sau đó, yêu cầu họ đưa ra lý giải về các thiết bị mà họ cho rằng mình hiểu.

Phát hiện quan trọng của nghiên cứu này cho thấy rằng có rất nhiều thiết bị mọi người tin rằng mình hiểu nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Họ thể hiện sự tự tin vào khả năng lý giải cách thức các thiết bị hoạt động nhưng khi phải thực sự đưa ra những lý giải đó, họ không làm được. Rosenblit và Keil gọi khoảng cách giữa niềm tin về chất lượng kiến thức nhân quả của con người với khả năng thực tế để hình thành một lý giải là ảo tưởng về chiều sâu của lý giải.

Tôi sẽ đưa ra ví dụ về một chỗ tôi thấy có những lỗ hổng trong kiến thức nhân quả của mình. Khi lần đầu tiên đọc những nghiên cứu về kiến thức nhân quả của con người, tôi đã thử áp dụng đối với bản thân mình. Tôi bắt đầu bằng việc thử lý giải cách thức hoạt động của cần giật nước bồn vệ sinh. Tôi nhớ lại ký ức lúc còn nhỏ, khi mình mở nắp đậy khoang chứa nước và giật nước liên tục để xem cơ chế hoạt động của nó (cho đến khi bố mẹ bảo tôi ngừng lại). Chắc chắn là sau tất cả quãng thời gian chơi đùa cùng bồn vệ sinh, tôi có thể lý giải cách nó hoạt động.

Tôi hiểu rõ một vài cơ chế hoạt động của nó. Tay cầm ở khoang chứa nối với một sợi dây xích kéo cái nút chặn ở đáy khoang lên. Nút chặn được gắn với một bản lề. Khi nút chặn được kéo ra khỏi van, nước trong khoang chảy xuống. Khi tất cả nước đã chảy hết, nút chặn không còn bị nước làm cho nổi nữa sẽ hạ xuống đậy cái van lại, đồng thời, một quả bóng chìm xuống theo mực nước mở một công tắc khiến nước mới bắt đầu chảy vào. Nước tiếp tục chảy đầy khoang cho đến khi quả bóng nổi đủ cao để đóng công tắc lại.

Tới đó thì vẫn ổn.

Nhưng nước chảy đi đâu? Trong toàn bộ thời gian quan sát, tôi chưa bao giờ tháo bồn vệ sinh ra để xem nước chảy đi đâu sau khi thoát ra khỏi khoang. Đó chính là lỗ hổng đầu tiên trong kiến thức của tôi. Bằng cách nào đó, nước chảy ra khỏi khoang và vào bồn vệ sinh. Lỗ hổng thứ hai là tôi không biết tại sao nước thoát ra khỏi bồn khi mực nước trong đó lên đủ cao. Nhưng không phải tất cả mà vẫn còn một lượng nước nhỏ ở lại. Dù vậy, tại sao điều này xảy ra vẫn còn là một bí ẩn với tôi.

Trải nghiệm của tôi về điều này là khá phổ biến. Rõ ràng tôi đã trở thành nạn nhân của ảo tưởng về chiều sâu của lý giải.

Tại sao chuyện này xảy ra?

Khi được hỏi liệu có biết cách thức thứ gì đó hoạt động hay không, bạn không đưa ra một lý giải hoàn chỉnh trước khi trả lời. Thay vào đó, bạn phán đoán dựa trên những con đường tắt. Đầu tiên, bạn cố gắng tưởng tượng ra cơ chế của nó khi hoạt động. Do đó, nếu bạn có thể mường tượng trong đầu một hình ảnh về thiết bị đang hoạt động, sự tự tin về khả năng lý giải sẽ gia tăng. Tất nhiên, nếu có những yếu tố quan trọng của quá trình nằm ngoài quan sát của bạn (như cách nước chảy vào bồn vệ sinh), thì những yếu tố này thường đi kèm với một lỗ hổng trong kiến thức nhân quả của bạn. Thứ hai, như đã thảo luận ở phần đầu chương, các lý giải thường đan lồng vào nhau. Khi đang quyết định xem liệu có thể giải thích điều gì đó không, bạn cố gọi ra vài lý giải. Bạn cho rằng nếu có thể gọi ra vài lý giải thì những phần còn lại cũng sẽ được giải đáp. Tuy nhiên, đôi khi bạn đưa ra một lý giải rất chung chung mà không có bất kỳ kiến thức cụ thể nào khác làm cơ sở cho nó. Tôi biết rằng nước rời khỏi khoang chứa và bằng cách nào đó chảy vào bồn vệ sinh nhưng không biết cơ chế dẫn và phân phối nước từ khoang chứa đến bồn. Lỗ hổng chỉ xuất hiện khi tôi thử tìm lý giải tổng thể về bồn vệ sinh.

Thực tế, rất nhiều sản phẩm được thiết kế theo cách nâng cao ảo tưởng về chiều sâu của lý giải. Tôi đã từng đề cập rằng máy hút bụi Dyson sử dụng nhựa trong cho phép người dùng thấy cách máy hút bụi hoạt động. Có thể việc thấy chiếc máy hút bụi đang hoạt động cũng giống như nhìn vào khoang chứa nước bồn vệ sinh khi nước đang chảy xuống. Hình ảnh khí xoáy mang đến ảo tưởng về sự hiểu biết. Tuy nhiên, các nguyên tắc của buồng khí xoáy công nghiệp khá phức tạp và chỉ nhìn nó hoạt động không đủ để có thể hiểu cách thức nó vận hành.

Khi nghe đến ảo tưởng về chiều sâu của lý giải, có thể bạn nghĩ rằng, niềm tin về tính chính xác của bất kì loại kiến thức phức tạp nào cũng đều là thiếu xót. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều dạng kiến thức phức tạp trong đó bạn đánh giá khá chính xác trình độ kiến thức của mình. Ví dụ, nhìn chung bạn đánh giá khá chính xác liệu mình có biết cốt truyện của các bộ phim, cuốn sách và các câu chuyện hay không. Chúng phức tạp, nhưng nếu bạn tin rằng bạn biết cốt truyện thì thường là bạn biết.

Hãy xem trường hợp một số những câu chuyện, bộ phim mà bạn từng biết qua như Romeo và Juliet, Moby-Dick, Truy tìm Nemo, Đại chiến Thế giới (War of the Worlds), Anh em nhà Karamazov. Bạn nghĩ rằng có thể mình biết rất rõ vài trong số chúng như Romeo và Juliet hay Truy tìm Nemo. Một vài chuyện khác có thể bạn chỉ biết lờ mờ hoặc không biết gì cả. Nếu bạn nghĩ rằng mình biết cốt truyện của Romeo và Juliet thì chắc hẳn bạn thực sự biết. Bắt đầu với cuộc đọ kiếm giữa hai gia tộc thù địch, rồi cuộc gặp giữa Romeo và Juliet, cảnh trên tháp nổi tiếng và kết thúc với hành động tự sát đầy bi kịch.

Sự khác biệt lớn giữa các cốt truyện và kiến thức nhân quả là các cốt truyện chạy theo chiều tuyến tính trong khi kiến thức nhân quả đan lồng vào nhau. Trong một cốt truyện, sự kiện này dẫn đến sự kiện tiếp theo, do đó, nếu có thể nhớ khởi đầu một câu chuyện, nhìn chung bạn có thể nhớ được những sự kiện kế tiếp cho đến khi hoàn thành việc thuật lại câu chuyện. Ngược lại, kiến thức nhân quả đan lồng vào nhau. Do đó, ngay cả khi có khả năng nhớ một phần của lý giải, cũng không có nghĩa là bạn sẽ biết những phần khác trong kiến thức nhân quả làm cơ sở lý giải ban đầu. Giải quyết ảo tưởng về chiều sâu của lý giải thông qua lối tư duy cụ thể

Có thể cải thiện phán đoán của bạn về chất lượng kiến thức nhân quả của bản thân bằng lối tư duy cụ thể. Bất kỳ lúc nào, bạn cũng có rất nhiều lựa chọn cho cách bạn suy nghĩ về những sự vật trên thế giới. Bạn có thể suy nghĩ về chiếc máy hút bụi Dyson DC25 của mình. Như thế là bạn đang suy nghĩ về một mẫu máy cụ thể, nghĩa là bạn đang tư duy khá cụ thể. Bạn cũng có thể suy nghĩ về máy hút bụi nói chung, thậm chí có thể suy nghĩ một cách rất trừu tượng và xem xét chiếc máy hút bụi của mình dưới góc độ một thiết bị làm sạch.

Yaacov Trope và Nira Liberman là những nhà nghiên cứu cho rằng bạn có thể thay đổi cấp độ tri nhận. Đây là một thuật ngữ mà các nhà tâm lý học sử dụng để mô tả cách một người thu nhận, lĩnh hội và diễn giải thế giới. Nghĩa là bạn có thể thiết lập lối tư duy để suy nghĩ về sự vật theo lối cụ thể hay trừu tượng. Có rất nhiều cách để tác động lên việc rốt cuộc bạn sẽ suy nghĩ bằng tư duy trừu tượng hay cụ thể. Một cách đơn giản để tác động lên mức độ tri nhận của bạn là thay đổi cách bạn nhìn nhận về vị trí của một sự vật trong không gian hay thời gian.

Ví dụ, tôi thường phải đi công tác. Thường thì tôi nhận được một email hay cuộc gọi mời tôi thuyết trình hay tham dự một hội nghị vài tháng trước chuyến đi. Vì còn vài tháng nữa mới đến chuyến đi nên tôi thường suy nghĩ về nó một cách trừu tượng. Tôi tập trung vào những vấn đề như liệu có nhiều người thú vị tham dự hội nghị hoặc liệu điểm đến có gì đáng tham quan hay không. Sau khi đồng ý tham dự chuyến đi đó, tôi đưa nó vào lịch làm việc của mình. Khi ngày đi đến gần hơn, những vấn đề cụ thể hơn bắt đầu nảy sinh. Tôi phải sắp xếp lại lịch họp để dành thời gian cho chuyến đi. Tôi phải sắp xếp mọi việc với gia đình để đảm bảo bọn trẻ vẫn đến trường. Tôi bắt đầu tự hỏi tại sao mình lại tham gia chuyến đi này trong khi lịch làm việc đang kín đặc.

Dù vậy, thật bất ngờ là không có vấn đề nào cụ thể liên quan đến chuyến đi. Mỗi ngày trong tuần, tôi đều phải họp hành và thực hiện nghĩa vụ gia đình. Các nghĩa vụ hôm nay không khác với những gì tôi sẽ làm trong vài tháng tới. Những cuộc hẹn vài tháng nữa còn lâu mới tới, nên chúng không dễ dàng xuất hiện trong tâm trí và do đó ít có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của tôi về chuyến đi bằng những yếu tố trừu tượng.

Điều tương tự cũng đúng với những vật thể ở gần bạn trong không gian. Khi ở xa cái máy hút bụi thì nhiều khả năng bạn nghĩ về nó chủ yếu với vai trò một thiết bị giúp làm sạch sàn. Còn khi nó ở cạnh thì bạn phải nghĩ về trọng lượng của nó, vị trí của những cái nút và cách làm sạch bụi trong máy. Những quan tâm cụ thể đó, nhìn chung, xác đáng khi bạn ở gần máy hút bụi hơn là khi ở cách xa nó.

Nhưng bạn lại thường đưa ra phán đoán về việc liệu mình có biết cách thức vận hành của các vật thể hay không khi bạn ở xa chúng. Hiện tại, khi đang đọc cuốn sách này, chiếc máy hút bụi của bạn có thể đã được xếp gọn gàng trong tủ, còn bạn đang không ở gần cái tủ. Kết quả là, tình huống ấy khuyến khích một lối tri nhận trừu tượng về máy hút bụi.

Khi bạn suy nghĩ về một vật thể một cách trừu tượng, ảo tưởng về chiều sâu của lý giải đặc biệt mạnh. Bạn có một hình ảnh tâm trí chung về một vật thể nào đó và đưa ra một phán đoán về việc liệu bạn có hiểu cơ chế vận hành của nó không. Tuy nhiên, khi nghĩ về một vật thể thật sự cụ thể, bạn sẽ nhận ra dễ dàng hơn những đặc điểm mà bạn không hiểu ở nó. Điều đó có nghĩa là, nếu phải đưa ra phán đoán về việc liệu mình có hiểu biết nhân quả về một vật thể hay không, bạn nên thử tưởng tượng rằng vật thể đó đang ở cạnh mình. Bằng cách suy nghĩ một cách cụ thể, bạn sẽ phán đoán về chất lượng kiến thức nhân quả của mình chính xác hơn. LẤP ĐẦY NHỮNG LỖ HỔNG

Tất nhiên, cách làm trên chỉ giải quyết một phần vấn đề. Kiến thức nhân quả của bạn vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Làm thế nào bạn có thể giảm thiểu những lỗ hổng này? Vì Kiến thức chất lượng cao cần thiết cho Tư duy thông minh, biết rằng mình có những lỗ hổng là một khởi đầu tốt, nhưng những mảnh thông tin còn thiếu đó sẽ cản trở khả năng giải quyết những vấn đề mới của bạn.

Phương pháp chủ yếu bảo đảm có được kiến thức nhân quả chất lượng cao là học tập từ việc giảng dạy. Có một câu nói lâu đời trong giáo dục là: Cách tốt nhất để học thứ gì đó là dạy nó cho người khác. Thực tế, nền tảng của giáo dục y khoa là: Quan sát.

Thực hành. Truyền dạy. Nghĩa là, khi một bác sĩ học một phương pháp, đầu tiên cô ấy cần quan sát ai đó thực hiện. Hành động quan sát sẽ mang lại cho cô một hiểu biết tổng quát về cách tiến hành phương pháp. Sau đó, cô ấy thực hành phương pháp này cho đến khi có thể thực hiện được nó. Quá trình đó phơi bày những chỗ mà cô không hiểu trong phương pháp. Cuối cùng, việc giảng dạy cho người khác bảo đảm rằng cô có đủ kiến thức để thực sự hiểu cơ chế và nguyên tắc vận hành của phương pháp đó. Giảng dạy giúp bạn học rất hiệu quả vì khi giảng dạy gì đó cho một người, bạn phải hình thành một lý giải hoàn chỉnh và có thể hiểu được về nó.

Cả hai từ hoàn chỉnh và có thể hiểu được đều quan trọng ở đây. Hoàn chỉnh dường như là điều khá hiển nhiên. Nếu gặp phải một phần trong lý giải mà bạn không biết chắc phải tiếp tục thế nào thì nghĩa là bạn đã nhận diện được một lỗ hổng. Giả sử bạn phải dạy ai đó về cách thức khoá kéo hoạt động. Bạn biết rằng nó có những chiếc răng kim loại gắn vào và tách ra theo một cơ chế hoạt động. Tuy nhiên, khi được yêu cầu mô tả cách thức cơ chế đó gắn và tách những chiếc răng, bạn nhận ra mình không biết chính xác. Việc phải đưa ra lý giải hoàn chỉnh giúp bạn tìm ra những lỗ hỗng cần được lấp đầy trước khi có thể dạy người khác.

Những lý giải cũng cần phải có thể hiểu được. Thường khi đưa cho ai đó một lý giải, có thể bạn sử dụng những từ ngữ mà ý nghĩa không thực sự rõ ràng, ngay cả với bạn. Trong trường hợp này, bạn đã đưa ra một lý giải trông có vẻ hoàn chỉnh nhưng thực sự không dễ hiểu với bạn cũng như với người bạn đang giảng dạy.

Rất nhiều năm trước, tôi chuyển từ thành phố Champaign ở Illinois, nơi tôi tốt nghiệp Cao học đến thành phố Skokie, Illinois, để chuẩn bị cho công việc đầu tiên ở khoa thuộc trường đại học Northwestern, phía bắc Chicago. Khi tôi chuyển ra khỏi ngôi nhà ở Champaign, ai đó trong khu căn hộ phức hợp nói rằng tôi có thể nhanh chóng nhận lại khoản tiền đặt cọc của mình. Nhiều tuần trôi qua, tôi gọi tới khu nhà để tìm hiểu xem tại sao mình vẫn chưa nhận được tờ ngân phiếu chi trả khoản tiền đặt cọc.

Nhân viên lễ tân sau khi kiểm tra với người quản lý đã giải thích với tôi rằng khoản tiền đặt cọc của tôi sẽ được hoàn trả sau khi căn hộ được “phóng thích.” Tá hoả, tôi hỏi căn hộ được phóng thích nghĩa là sao. Cô ấy lại bảo tôi chờ để đi hỏi người quản lý kia.

Rõ ràng là cô lễ tân chuyển câu trả lời mà chính bản thân cô còn không hiểu. Nghe thoáng qua thì lý giải đó có vẻ ổn, nhưng thật không may, đó là một từ không rõ nghĩa chút nào. Cô lễ tân có một lỗ hổng trong kiến thức nhân quả và nó ”làm khó” cho tôi. Việc sử dụng từ ngữ không hoàn toàn rõ nghĩa là chuyện khá phổ biến. Khi mô tả cách chiếc máy hút bụi Dyson vận hành, bạn có thể nói rằng buồng khí xoáy công nghiệp sử dụng lực ly tâm để tách bụi ra khỏi không khí. Ở một cấp độ nào đó, đây là một phát biểu đúng. Tuy nhiên, nếu bạn không hiểu cấu trúc của buồng khí xoáy hay không hiểu kiến thức vật lý về lực ly tâm thì lý giải này không thực sự dễ hiểu. Trong trường hợp này, những từ ngữ dùng trong lý giải che giấu một lỗ hổng trong kiến thức nhân quả của bạn.

Nếu có những lỗ hổng này trong kiến thức nhân quả thì bạn sẽ nhận ra chúng khi giảng dạy. Để đảm bảo những lý giải của mình là tốt, bạn sẽ không chỉ nhận ra những lỗ hổng kiến thức mà còn bắt tay vào lấp đầy chúng bằng cách đọc, khám phá và học tập thêm những thông tin còn thiếu. Rốt cuộc, giảng dạy đòi hỏi bạn phải có những lý giải tốt. Theo cách này, giảng dạy cải thiện kiến thức nhân quả của bạn. TỰ HỌC

Tất nhiên, bạn không nhất thiết phải đứng trước lớp để làm tất cả những việc đó. Bạn có thể rà soát tất cả mọi vấn đề mình gặp phải như thể bạn đang chuẩn bị đi dạy. Khi đọc một tài liệu mới hay nghe nó trong một bài giảng, bạn nên thử dạy nó cho chính bản thân mình.

Hoạt động tự lý giải này sẽ giúp bạn tìm ra các lỗ hổng trong kiến thức nhân quả của bản thân. Những phần bạn không thể giải thích là lời kêu gọi bạn nên đọc nhiều hơn hoặc đặt thêm những câu hỏi để chắc rằng bạn học và hiểu được những kiến thức nhân quả còn thiếu. Thậm chí, nếu quyết định không lấp đầy một khoảng trống cụ thể nào đó trong kiến thức của mình, bạn vẫn có được nhận thức tốt hơn về chất lượng kiến thức bản thân. Nghĩa là bạn hiểu rõ hơn cái mình biết và không biết. Hiểu giới hạn kiến thức bản thân là điều rất quý giá. Tôi vẫn chưa hoàn toàn nắm rõ cách nước thoát khỏi bồn vệ sinh nhưng ít nhất tôi biết rằng tôi không biết điều đó.

Quá trình tự lý giải này đặc biệt hữu ích khi học ôn thi. Rất nhiều người học bằng cách đọc trước tài liệu sẽ được kiểm tra và xem liệu mình đã hiểu chưa. Ảo tưởng về chiều sâu của lý giải đã chỉ rõ rằng, một cảm giác hiểu biết chung chung không phải là cách tốt để dự đoán xem liệu sau đó bạn có khả năng đưa ra một lý giải tốt hay không. Nếu bài thi bạn đang chuẩn bị yêu cầu lý giải thì cách tốt nhất bảo đảm bạn có thể đưa ra một lý giải là thực sự đưa ra lý giải đó khi đang học.

Có những khác biệt rất lớn giữa mọi người trong cách tự lý giải sự vật khi học. Vài người hầu như luôn lý giải các sự vật khi đang đọc, nghe giảng hay xem một chương trình truyền hình. Những người khác hiếm khi tự lý giải các sự vật trừ khi họ thực sự bị thúc giục phải làm vậy.

Để biết liệu bạn có thường tự lý giải các sự vật khi học hay không, hãy thử làm bài tập khi có cơ hội:

Lấy danh sách những đồ vật từ bài tập chứng minh ảo tưởng về chiều sâu của lý giải (ở trang 174/175) và tìm một đồ vật mà bạn không hiểu. Đây phải là đồ vật mà bạn không nghĩ rằng mình có thể lý giải cách nó hoạt động cho ai đó hiểu. Giờ, hãy gõ “[tên đồ vật] hoạt động thế nào?” vào thanh tìm kiếm của Google hay Bing. Trong số những đường dẫn đầu tiên sẽ cho bạn một website lý giải khá tốt về cách thức các sự vật hoạt động.

Hãy đọc lý giải đó như bạn thường làm khi đang cố hiểu về một sự vật mới.

Khi đọc xong, hãy tự giải thích cho bản thân về cách hoạt động của đồ vật đó mà không nhìn vào lý giải kia.

Bạn làm thế nào?

Nếu có thể giải thích lại một cách hoàn hảo thì bạn có khả năng tự lý giải khi gặp phải những thông tin mới.

Nếu có bất kỳ lỗ hổng nào trong lý giải của bạn hay các sự vật bạn không hiểu, hãy quay lại và đọc hướng dẫn đó một lần nữa. Hãy cố lấp đầy những lỗ hổng dựa trên lý giải mà bạn đọc.

Nếu có thể tìm ra những lỗ hổng bằng cách sử dụng đoạn văn bản bạn vừa đọc được thì chắc hẳn bạn có thể tự lý giải về đồ vật đó tốt hơn so với lần đầu tiên đọc rồi. Rốt cuộc, có thể bạn vẫn thấy còn những lỗ hổng trong lý giải của mình nhưng bạn không thể cải thiện nó từ những thông tin đang có. Trong trường hợp đó, bạn đã tìm ra hạn chế trong hướng dẫn mà bạn đang tham khảo. Khi điều đó xảy ra, bạn cần tìm một lý giải khác giúp lấp đầy những lỗ hổng còn lại.

Hãy thử tiếp tục quá trình này cho đến khi bạn hài lòng với lý giải của mình về đồ vật. HÌNH THÀNH THÓI QUEN TỰ LÝ GIẢI THÔNG MINH

Bây giờ, hãy suy nghĩ về quá trình bạn vừa trải qua. Bạn có cảm thấy tự nhiên không? Bạn có cảm thấy mình hiểu những nội dung đã đọc tới mức có thể đưa ra một lý giải tốt sau khi đọc qua một lần hay không? Với hầu hết mọi người, câu trả lời cho câu hỏi đó là không. Cảm giác khi lý giải các sự vật không được tự nhiên cho lắm. Bạn thường phải đọc các nội dung đó nhiều lần trước khi cảm thấy có thể tự lý giải chúng. Chuyện đó hoàn toàn bình thường, song cũng có nghĩa là bạn cần luyện tập để phát triển thói quen tự lý giải.

Bạn không chỉ phát triển kỹ năng đưa ra lời giải cho riêng mình mà còn có thể giúp những người khác có được thói quen này. Cách tốt nhất để làm điều đó là yêu cầu mọi người chứng minh hay lý giải những kết luận của họ trong các cuộc họp và các tình huống học tập khác. Thông thường, chúng ta không yêu cầu mọi người giải thích chuỗi lý luận khi họ trình bày một thông tin mới. Có lẽ chúng ta cảm thấy việc giải thích tốn quá nhiều thời gian. Chúng ta mặc định rằng người trình bày thông tin biết đầy đủ những lý giải dẫn đến kết luận của họ. Đôi khi, chúng ta ngại thể hiện trước mọi người rằng bản thân chúng ta có thể không hiểu căn nguyên của những kết luận của ai đó. Chúng ta sợ rằng hành động hỏi có thể để lộ ra khiếm khuyết trong kiến thức bản thân.

Ảo tưởng về chiều sâu của lý giải cho rằng con người thường thiếu những phần quan trọng trong kiến thức nhân quả của họ. Trong trường hợp này, lỗ hổng sẽ chỉ lộ diện khi họ được yêu cầu đưa ra những lý giải. Thêm vào đó, khi ai đó cung cấp cho bạn một lý giải, bạn có thể phát hiện ra mình hiểu quan điểm của họ không nhiều như vẫn nghĩ. Theo đó, lĩnh hội lý giải kia có thể giúp phát hiện ra những lỗ hổng kiến thức của chính bạn.

CƠ HỘI HỌC TẬP

Nếu khuyến khích mọi người lý giải những lập luận của họ, bạn phải coi những lỗ hổng kiến thức đó như cơ hội học tập hơn là dấu hiệu của sự yếu kém. Nghĩa là, tất cả chúng ta đều quen với những người đặt câu hỏi chỉ để chơi trò phát hiện ra rồi nhằm vạch trần yếu điểm trong lý luận hay những lỗ hổng kiến thức của người khác trong một cuộc họp. Tuy nhiên, hành động đó sẽ không giúp mọi người trở nên thông minh hơn vì nó khiến họ không muốn tự nguyện đưa ra các thông tin nhân quả trong tương lai nữa. Thay vào đó, điều quan trọng là nhìn nhận những lỗ hổng trong các lý giải nhân quả như những cơ hội học tập.

Quá trình yêu cầu người khác lý giải kết luận của họ và khuyến khích họ lấp đầy những lỗ hổng sinh ra từ câu hỏi sẽ thúc đẩy việc học. Bằng cách này, bạn đang góp phần tạo ra Văn hoá thông minh, giúp nâng cao chất lượng cũng như chiều sâu kiến thức nhân quả của những người đồng trang lứa, đồng nghiệp và các đối tác của bạn. Do đó, bằng cách yêu cầu người khác lý giải lập luận của mình, bạn khiến bản thân cũng như những người xung quanh thông minh hơn.

Kiến thức chìa khoá

Kiến thức nhân quả, kiến thức mà bạn sử dụng để trả lời câu hỏi “Tại sao?”, là cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề mới. Nó cho phép bạn đi xa hơn những giải pháp mà bạn đã gặp trước đây bằng cách trang bị những thông tin cần thiết để phân tích vấn đề và đưa ra những phương pháp mới để xử lý vấn đề đó. Lý giải nhân quả là khả năng độc nhất của con người cho phép chúng ta tạo ra những công cụ phức tạp hơn thông qua việc hiểu mục tiêu hành động của mọi người và cách các công cụ giúp họ đạt được những mục tiêu đó.

Một phương diện quan trọng của kiến thức nhân quả là nó đan lồng vào nhau: mỗi lý giải đều kết nối với một cái khác cung cấp nhiều kiến thức nhân quả hơn về lý do đúng đắn của nó.

Bạn có thể đánh giá không chính xác về khả năng đưa ra lý giải của bản thân. Trong nhiều tình huống, bạn nghĩ mình hiểu cách thức sự vật nào đó hoạt động nhưng thực tế có những lỗ hổng lớn trong kiến thức của bạn. Bạn có thể giảm thiểu ảnh hưởng của ảo tưởng này trong những phán đoán của mình bằng cách cố gắng suy nghĩ về sự vật một cách cụ thể hơn là một cách trừu tượng.

Những lỗ hổng trong kiến thức nhân quả kéo lùi bạn khỏi Tư duy thông minh vì chúng tượng trưng cho những tình huống mà bạn không có kiến thức nhân quả chất lượng cao để giải quyết những vấn đề mới. Để bảo đảm bạn có kiến thức nhân quả đáng tin cậy thì việc phát triển thói quen tự lý giải các sự vật trong khi bạn học là rất quan trọng. Một lý giải tốt là lý giải hoàn chỉnh (tức là không có những lỗ hổng) và cũng có thể hiểu được. Cần bảo đảm không có phần kiến thức nhân quả nào của bạn sử dụng những khái niệm mà chính bạn cũng chưa rõ nghĩa.

Hành động tự lý giải cũng giống như tiếp tục tự học. Và bạn phải đi qua toàn bộ quá trình dạy và học ấy. Đừng chỉ bắt đầu bằng lý giải và dừng lại ở giả định rằng bạn biết về nó. Bằng cách tự dạy mình, bạn sẽ nhận ra và lấp đầy những lỗ hổng trong kiến thức nhân quả của bản thân.

Cuối cùng, bạn cũng nên đòi hỏi cấp độ lý giải này từ những người xung quanh. Theo đó, bạn có thể tạo ra Văn hoá thông minh bằng cách thúc đẩy thói quen tư duy tốt từ đồng nghiệp và bạn bè, cũng như từ chính bản thân bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.