Lối tư duy của người thông minh

Chương hai. Tạo ra những thói quen thông minh và thay đổi hành vi



Tâm trí được thiết kế để suy nghĩ ít nhất có thể.

Thói quen được tạo thành bởi sự sắp đặt nhất quán và lặp lại.

Thay đổi thói quen phải là thay thói quen xấu bằng những thói quen tốt.

Tôi gõ cuốn sách này qua chiếc máy tính sử dụng bàn phím QWERTY. Tên bàn phím bắt nguồn từ vị trí của sáu ký tự đầu tiên trong dãy cao nhất của bàn phím. Tôi học gõ bàn phím từ lớp 8. Mẹ tôi nghĩ bất cứ ai cũng cần biết cách đánh máy không cần nhìn bàn phím nên tôi nghiêm túc đăng ký đi học. Ngồi trước chiếc máy đánh chữ cơ học lách cách gõ “asdfjkl”. Qua thời gian, những ký tự cũng dần thêm vào tổ hợp này cho đến khi tôi có thể gõ mà không phải nhìn bàn phím.

Tôi chưa bao giờ nghĩ nhiều về bố cục của bàn phím vì tưởng người ta sắp xếp chúng ngẫu nhiên. Nhưng bố cục này không đơn giản như tôi nghĩ. Bàn phím QWERTY hiện đại được Christopher Sholes phát triển từ máy đánh chữ cơ học. Hầu hết những máy đánh chữ đầu tiên có những thanh sắt gắn mẫu chữ ở cuối từng thanh, cái sẽ đóng mạnh vào giấy để in ra các ký tự. Nếu người gõ nhấn hai phím cạnh nhau quá nhanh, thanh kim loại sẽ bị kẹt. Người gõ sẽ phải dừng lại và gỡ chúng ra trước khi tiếp tục. Thiết kế của Sholes giúp giảm thiểu khả năng các thanh kim loại bị mắc kẹt. Có rất nhiều câu chuyện khác nhau về điều mà ông thực sự muốn đạt được. Vài người cho rằng ông cố giảm tốc độ gõ lại. Những người khác tin rằng cách sắp xếp này giúp người gõ không gõ vào những phím nằm trên những thanh kim loại cạnh nhau.

Dù ông đã cố làm gì đi chăng nữa thì cũng không phải vì mục đích ông đang cố gắng gia tăng tốc độ gõ. Vào những năm 1870, khi những máy đánh chữ sản xuất hàng loạt lần đầu xuất hiện, gõ nhanh không phải là vấn đề. Chiếc máy đó đã đủ tuyệt vời để một người thông thường có thể hoàn thành một bản đánh chữ trông chuyên nghiệp. Do đó, trong khi bàn phím QWERTY thành công trong việc giữ những thanh kim loại của máy gõ chữ cơ động khỏi bị mắc kẹt, nó không hiệu quả trong việc gõ nhanh và gõ mất ít sức. Chỉ có vài ký tự phổ thông nhất trong tiếng Anh nằm trên dãy phím giữa nơi bạn đặt ngón tay mình lên khi bắt đầu gõ. Chỉ có một trong sáu ký tự mà bạn thường sử dụng nhất (A) nằm trên dãy phím giữa và được gõ bằng ngón út tay trái, ngón yếu nhất của con người. Bốn ký tự phổ thông (E, T, O và I) nằm ở dãy phím trên cùng, và một ký tự phổ thông khác (N) nằm ở dãy dưới cùng. Bên cạnh đó, cách sắp xếp những ký tự đảm bảo tiêu chí các từ phải được gõ bằng cách sử dụng một tay và rất nhiều tổ hợp ký tự phổ biến (như UN, TR và GR) phải được gõ bằng cùng một ngón tay.

Sau nhiều năm, người ta đã tạo ra những bàn phím ít đòi hỏi chuyển động ngón hơn, cho phép gõ nhiều chữ hơn từ dãy phím giữa, và cho phép người gõ di chuyển tay xen kẽ lên xuống khi gõ. Bàn phím đáng chú ý nhất là bàn phím Dvorak do August Dvorak, một nhà tâm lý học giáo dục sáng chế. Ông định thiết kế một bàn phím giúp tối đa hoá tốc độ gõ và sáng chế này của ông đã thành công. Trong những năm 1930, khi các cuộc thi giữa những người đánh máy còn phổ biến, những người sử dụng bàn phím Dvorak thường đánh bại những người sử dụng bàn phím QWERTY.

Bất chấp thành công của thiết kế này, rất ít người trong số chúng ta sử dụng bàn phím Dvorak. Thay vào đó, bàn phím QWERTY vẫn là bàn phím tiêu chuẩn. Câu chuyện về những chiếc bàn phím là ví dụ kinh điển của phụ thuộc lối mòn. Một sản phẩm ra đời vì một lý do khác (giúp khỏi kẹt phím) trước đó ảnh hưởng đến hành vi rất lâu sau này dẫu nó không còn ý nghĩa nữa. Hiện tại hầu hết chúng ta gõ trên bàn phím máy tính không có các thanh kim loại bị mắc kẹt. Bên cạnh đó, ở hầu hết các máy tính đều có những phần mềm cho phép bạn sắp xếp lại các phím để bàn phím của bạn có thể sử dụng bố cục Dvorak ngay lập tức. Nhưng bạn chắc hẳn sẽ không chuyển bố cục bàn phím của mình thành hệ thống bàn phím Dvorak dù nhiều hiệu quả hơn và chắc hẳn cũng không nên làm thế.

Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự phụ thuộc theo lối mòn, nhưng ở đây tôi chỉ quan tâm một yếu tố: thói quen. Thậm chí dù bố cục Dvorak có thể giúp tôi gõ nhanh hơn hiện tại thì rốt cuộc tôi đã phát triển thói quen gõ bằng bàn phím QWERTY rồi. Và đây là thói quen tuyệt vời mà tôi có được. Tôi viết tay rất chậm và không thể đọc nổi những gì đã viết. Nhưng tôi có thể gõ đủ nhanh để theo kịp những gì mình đang nghĩ. Do đó, có khả năng gõ chữ không cần suy nghĩ là một thói quen tốt.

Tôi nhớ lại giá trị của thói quen này khi đi ra nước ngoài. Vài năm trước tôi ở Đức. Bàn phím tiêu chuẩn ở Đức thay đổi vị trí của phím Y và Z trong bàn phím QWERTY. Trên bàn phím Đức, nếu bạn vẫn sử dụng những chuyển động quen thuộc và cố gắng gõ chữ “you” thì sẽ ra là “zou.” Kết quả là, khi sử dụng máy tính của một đồng nghiệp ở Đức, cứ sau vài chữ tôi lại phải dừng và gõ lại. Tôi cảm thấy khó khăn và bực mình khi sử dụng bàn phím đó vì tôi phải phân tán suy nghĩ dành cho việc gõ phím, trong khi thông thường, tôi chỉ phải suy nghĩ về điều muốn nói.

Đó là bản chất của thói quen thông minh. Hệ thống nhận thức được lập trình để không phải suy nghĩ nhiều nhất có thể. Có rất nhiều công việc bạn làm đều đặn mà bạn không phải nghĩ về chúng. Những thói quen cho phép bạn biến những công việc này thành những hành vi tự động để tập trung sự chú ý của mình vào những thứ quan trọng hơn.

Để cảm nhận được thói quen ảnh hưởng lớn thế nào trong cuộc sống của bạn, hãy nghĩ về một ngày điển hình. Đồng hồ báo thức kêu. Bạn lảo đảo thức dậy và ngần ngừ đi vào nhà tắm. Bạn đánh răng, tắm vòi sen, pha cà phê rồi gói ghém đồ đạc chuẩn bị rời khỏi nhà. Bạn lái xe đến chỗ làm, đỗ xe, và đi qua những căn phòng lớn để đến bàn làm việc của mình. Bạn mở máy tính ra và kiểm tra email đầu tiên trong ngày. Lúc đó mới 9 giờ 15 phút sáng và cuộc sống của bạn đã bị chi phối bởi những thói quen. Đúng vậy phải không?

Hãy thử đối chiếu khung cảnh thường ngày này với buổi sáng đầu tiên ở phòng khách sạn trong một chuyến đi công tác. Đồng hồ báo thức kêu. Chắc hẳn bạn không nghe thấy tiếng radio quen thuộc và mọi thứ có vẻ như đã không thoải mái chút ít rồi. Bạn ra khỏi giường và đi về phía nhà tắm. Nhưng giờ bạn phải suy nghĩ xem bàn chải đánh răng để đâu. Bộ điều khiển vòi sen không quen thuộc và bạn mất một phút để điều chỉnh nhiệt độ thích hợp. Bạn có thể treo quần áo trong tủ nhưng phải kiểm tra tới hai ba lần để chắc rằng bạn không quên bất kỳ thứ gì. Trên đường ra khỏi phòng, bạn mất 10 giây để tìm công tắc tắt đèn trong phòng. Bạn đá phải chân vào cửa trong lúc lo lắng rằng mình có thể quên thẻ chìa khóa cửa phòng trên bàn.

Sau đó bạn leo lên một chiếc xe thuê. Trời mưa phùn và bạn mất một phút để tìm công tắc mở cần gạt nước và sau đó điều chỉnh chúng theo chế độ mưa nhẹ. Bạn lái chậm chạp từ khách sạn đến văn phòng nơi bạn sẽ làm việc ngày hôm đó, kiểm tra bảng tên đường cẩn thận để chắc rằng bạn không bỏ qua một ngã rẽ nào. Biển báo trước văn phòng khó đọc và không rõ khách phải đỗ xe ở đâu nên bạn hỏi ai đó trong khu đỗ xe. Khi bạn vào bên trong tòa nhà, bạn không biết phải đi đâu nên bạn hỏi người tiếp tân và đợi trong sảnh. Sau vài phút, ai đó đến và dẫn bạn vào căn phòng nơi bạn tham dự cuộc họp đầu tiên.

Lúc đó mới 9 giờ 15 phút và bạn đã mệt nhoài.

Sự khác biệt giữa hai tình huống này chính là thói quen. Tâm trí của bạn được thiết kế để suy nghĩ ít nhất có thể. Khi có một hành vi mà lúc nào bạn cũng làm y như thế, bạn đã tạo một thói quen cho nó để không phải cố tâm nghĩ về nó nữa.

Ở nhà, bạn biết phải tìm bàn chải ở đâu trong phòng tắm. Bạn có một trật tự đặc biệt cho hành vi mà bạn sử dụng để tắm gội vào buổi sáng. Bạn có thể vận hành tất cả những tính năng của chiếc xe của mình mà không phải suy đi nghĩ lại. Bạn đi cùng một con đường tới chỗ làm mỗi ngày, chỉ thay đổi khi bị kẹt xe hay có tai nạn. Bạn biết tất cả những ngõ ngách trên đường đến văn phòng.

Đó là những Thói quen thông minh. Bạn không cần phải suy nghĩ về tất cả các chi tiết phải làm trong cuộc sống hàng ngày của mình. Khi bạn bị bắt buộc phải suy nghĩ về những chi tiết này (ví dụ khi bạn đi đến một địa điểm mới hay vừa dọn tới nhà mới), sẽ rất căng thẳng và mệt mỏi. Cuộc sống sẽ tốt hơn khi bạn không phải bận tâm suy nghĩ về cách thức làm những công việc vặt vãnh và lặp đi lặp lại.

Những thói quen thông minh cho phép bạn thực hiện tự động những hành vi mong muốn. Khi lái xe, bạn không phải nghĩ ngợi về hành động đạp chân ga hay bật đèn báo hiệu để chuẩn bị rẽ. Thực tế, nếu tôi hỏi bạn ngay sau khi bạn vừa rẽ rằng bạn có sử dụng đèn tín hiệu không, bạn có thể cũng không chắc. Bạn cho rằng mình làm điều đó vì bạn thường làm nhưng không thể chắc chắn.

Có khả năng bạn đã từng quên mất những hành vi tự động trước đây. Đôi khi bạn cũng đã từng trải qua khoảnh khắc hoang mang vì sợ quên khoá cửa nhà nhưng thực ra cửa nhà bạn vẫn được khoá. Sự không chắc chắn của bạn phản ánh rằng bạn từng có thói quen rời khỏi nhà và khoá cửa. Vì bạn đã thực hiện hành vi đó một cách tự động nên bạn không nhớ chút nào về chuyện khóa cửa, nhất là khi bạn đang nghĩ về thứ gì đó khác trên đường đi ra khỏi nhà.

Tôi gặp khó khăn khi nhớ xem liệu tôi đã đóng cửa nhà xe lúc vào nhà chưa. Tôi thường nhấn công tắc đóng cửa nhà xe sau khi đỗ xe. Nhưng cùng lúc đó tôi lại hay suy nghĩ về thứ gì đó khác. Một lúc lâu sau khi vào nhà, tôi phải ngó vào nhà xe để chắc chắn cửa nhà xe đã đóng. Sau nhiều lần phải kiểm tra như thế, rốt cuộc tôi đã phải lắp một cửa sổ để tiện nhìn xuống nhà xe xem đã đóng cửa chưa.

Phần giới thiệu về thói quen tôi vừa trình bày có hai bài học chính. Đầu tiên, dấu hiệu chính của một thói quen nằm ở chỗ nó là hành động bạn có thể thực hiện một cách vô thức mà không phải cố tâm suy nghĩ. Thứ hai, hầu hết thói quen của bạn là những Thói quen thông minh. Không may thay, chúng ta thường sử dụng từ thói quen để chỉ những hành vi muốn thay đổi. Không có thói quen, chúng ta sẽ phải ngày ngày tập trung một cách bực bội vào những công việc nhỏ nhặt nhất của cuộc sống. Các thói quen chính là một phần chính yếu của Tư duy thông minh.

Công thức cho Thói quen thông minh

Cũng như Tư duy thông minh, Thói quen thông minh cũng có công thức của nó, bao gồm hai thành phần:

• Khớp hành động với môi trường một cách nhất quán

• Thực hiện lặp đi lặp lại hành động đó

Hãy bắt đầu với thành phần đầu tiên của công thức thói quen: khớp một cách nhất quán – tạo ra một liên kết – giữa môi trường và hành vi. Trong hai yếu tố này, phải có một yếu tố đáng tin cậy nào đó về một hành động cần được thực hiện. Trong phạm vi của chúng ta, môi trường bao gồm cả thế giới bên ngoài và nội tâm bên trong – những mục tiêu, cảm xúc và suy nghĩ của bạn.

Vài ví dụ dưới đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn.

Hãy quay lại trường hợp bàn phím QWERTY: Vì từng ký tự được quy định cho một phím riêng biệt, mỗi khi muốn gõ một ký tự – chẳng hạn T – bạn đều nhấn cùng một phím. Bên cạnh đó, khi học gõ chứ, bạn bắt đầu bằng việc đặt tay của mình lên cùng một vị trí quy định: các ngón trỏ đặt trên phím F và J. Như vậy, để gõ chữ, cần phải có bàn phím là môi trường bên ngoài. Môi trường tâm trí bên trong là mục tiêu gõ chữ T. Hành động được thực hiện trong trường hợp này là di chuyển ngón trỏ tay trái lên và nhấn phím T.

Có rất nhiều trường hợp sự sắp đặt dựa vào sự nhất quán của thiết kế của vật thể trong môi trường. Chân ga và phanh ở xe ô tô hình thành một hệ thống sắp đặt nhất quán. Các nhạc cụ cũng được thiết kế theo những sắp đặt nhất quán. Công tắc đèn khi đẩy lên thì đèn bật sáng và khi kéo xuống thì đèn tắt cũng là một dạng sắp đặt nhất quán. Sắp đặt nhất quán cũng bao gồm sự nhất quán trong sắp đặt khái niệm. Những phép toán số học căn bản tạo thành một sắp đặt nhất quán. Khi mục tiêu của bạn là cộng hai con số, và hai con số này là 1 và 4 thì câu trả lời sẽ luôn là 5. Không quan trọng là bạn đang đọc, đang nghe hay suy nghĩ về những chữ số, tổng đó luôn không đổi. Kết quả là, bạn có thể tạo ra những thói quen cho các phép toán số học căn bản.

Hành động được liên kết với sự sắp đặt nhất quán có thể là sự kích hoạt một mục tiêu cụ thể xuất hiện trong tình huống đó. Khi bạn đi con đường quen thuộc từ nhà đến chỗ làm, có thể có một ngã tư nào đó nơi bạn phải rẽ trái. Khi đang lái xe về nhà trong một ngày bình thường, khi gặp phải ngã tư đó, bạn sẽ thực hiện những hành vi liên quan đến việc rẽ trái một cách tự động (như sử dụng đèn báo hiệu và quan sát dòng xe lưu thông đang đến). Tuy nhiên, giả sử như có ai đó làm rơi một cái túi trên làn đường rẽ trái ở ngã tư. Giờ đây bạn không thể rẽ vào con đường đó một cách tự động như bạn thường làm nữa. Dù vậy bạn vẫn tìm cách rẽ trái. Bạn chỉ phải suy nghĩ một chút về cách lái vòng qua cái túi. Vì thế, mục tiêu rẽ trái của bạn là tự động nhưng bạn phải suy nghĩ cách thức thực hiện để thoả mãn mục tiêu đó.

Có rất nhiều tình huống có thể liên kết chặt chẽ đến các mục tiêu. Những người nghiện thuốc có xu hướng hút thuốc khi đang uống cà phê. Kết quả là, uống hay ngửi mùi cà phê (hay đôi khi thậm chí nói về nó) cũng có thể tạo ra nhu cầu hút thuốc. Các phòng học thường được liên hệ đến hành động ngồi và lắng nghe giáo viên. Khi mọi người vào lớp, họ thường ngồi và hướng về phía trước chờ ai đó nói chuyện. Gần đây, tôi có tham dự một buổi “trở lại trường” vào buổi tối ở một ngôi trường của con tôi. Phụ huynh khi vào ngồi ghế và nhìn lên bảng đợi chờ giáo viên nói. Hầu hết những người này không đi học rất lâu rồi nhưng thói quen trong những năm đi học vẫn còn đó.

Thành phần thứ hai trong công thức thói quen là sự lặp lại. Bất cứ khi nào có sự sắp đặt nhất quán giữa môi trường và hành động, và hành động được lặp lại trong môi trường đó thì một thói quen sẽ hình thành.

Đôi khi bạn cần cấu trúc cuộc sống của mình để tạo ra sự lặp lại đó. Trong trường hợp này, bạn gọi sự lặp lại là sự luyện tập. Một nhạc công luyện tập những quãng âm để phát triển thói quen chơi nhạc. Một thiếu niên luyện tập lái xe để phát triển thói quen đạp ga và phanh, sử dụng đèn báo hiệu và nhận diện các tình huống khi tham gia giao thông. Bọn trẻ con luyện tập các bảng số học để phát triển thói quen đưa ra đáp án đúng cho những bài toán cơ bản.

Thậm chí không cần luyện tập, sự lặp lại hành vi trong một môi trường cũng tạo ra thói quen. Bạn chắc hẳn không đi ra ngoài để luyện tập cách đi trên con đường từ chỗ làm về nhà. Nhưng hành động lặp lại của việc lái xe về nhà rất nhiều ngày dẫn đến một thói quen. Tương tự như vậy, bạn không luyện tập sử dụng hệ thống email nhưng bạn nhanh chóng phát triển thói quen kiểm tra email. Bạn tự động biết cách nhìn vào hộp thư đến hay biết chỗ tìm nút trả lời trong email và cách tìm những email cũ.

Tại sao sự lặp lại lại tạo ra thói quen? Nhà tâm lý học Gordon Logan cho rằng việc tạo ra thói quen đòi hỏi chuyển dịch từ tư duy nỗ lực sang việc gọi ra hành động đúng trực tiếp từ ký ức. Khi lần đầu tiên học lái xe, bạn có thể phải mất công suy nghĩ về chuyện nhấn xi nhan mỗi khi muốn rẽ. Tuy nhiên, mỗi khi bạn muốn rẽ và nhấn nút xi nhan, ký ức liên kết giữa mong muốn rẽ với hành động bật xi nhan được lưu giữ lại. Khi bạn có đủ những ký ức này trong hệ thống của mình, việc gọi ra hành động đúng từ ký ức sẽ nhanh hơn khi suy nghĩ về nó. Lúc này, hành động diễn ra một cách tự động và một thói quen được sinh ra.

Bao nhiêu ký ức là đủ để tạo thành một thói quen? Không có con số nhất định nào cả. Có lẽ nhân tố quan trọng nhất để một hành vi trở thành thói quen là tính đặc trưng của ký ức. Chính nó sẽ điều khiển hành vi. Sẽ dễ dàng để nhớ những chi tiết của một chuyến đi đến một địa điểm nghỉ mát như Disney World vì không có ký ức nào khác cạnh tranh với ký ức đó trong trí nhớ của bạn. Tuy nhiên, chắc hẳn sẽ khó để nhớ chính xác nơi bạn đỗ xe trong bãi đỗ xe văn phòng vì bạn đã đỗ xe trong bãi đó cả trăm lần (hay ngàn lần) và mỗi chỗ đỗ xe ít nhiều giống những chỗ đỗ xe khác. Tất cả những ký ức về địa điểm nơi bạn đã từng đỗ xe sẽ cạnh tranh với nhau khi bạn cố gọi ra một ký tức từ trí nhớ của mình.

Tương tự, bạn tạo ra một thói quen nhanh hơn khi tình huống bạn thực hiện một hành động là độc nhất. Khi có nhiều hành động khác nhau được thực hiện trong những tình huống tương tự thì thói quen sẽ cần nhiều thời gian hơn để hình thành.

Hãy xem sự tương phản của hai ví dụ sau. Đầu tiên, hãy tưởng tượng bạn vừa dọn đến một thị trấn mới. Có một ngã tư trên đường từ chỗ làm đến nhà mới của bạn nơi bạn phải rẽ trái. Ngã tư đó có một nhà thờ thú vị nằm ở góc đường và một nhà hàng ở góc đường khác. Hai tòa nhà đó là những cột mốc độc nhất. Trong trường hợp này, sẽ khá dễ dàng để bạn gọi ra một ký ức về những gì cần làm khi đi tới ngã tư đó và do đó nó nhanh chóng trở thành thói quen. Sau chỉ vài lần lái xe về nhà mới, bạn đã sẵn sàng rẽ trái tại góc đó mà chẳng cần phải suy nghĩ về nó.

Giờ hãy nghĩ về khoảng thời gian bạn phải tiêu tốn để tạo ra những thói quen cho các phép toán cộng cơ bản. Có khả năng khi đang học lớp hai (hay đại loại thế), bạn mất hàng giờ tập luyện trong nhiều tuần liền để học những bảng tính cộng. Bạn có thể đã làm bài tập và luyện tập những phép tính cộng này cả trong lớp lẫn ở nhà với những thẻ học và các bảng toán.

Vì sao việc hình thành thói quen cho phép tính cộng lại khó thế? Nó khó là vì những phép toán số học đơn lẻ không mang tính đặc trưng. Không đặc trưng là vì có rất nhiều phép toán liên quan tới cùng một con số. Phép toán 2 + 4 cho ra đáp án khác với 2 + 7 thậm chí dù cả hai đều chứa con số 2 và đều là phép tính cộng.

Khi học phép cộng, có hai phương pháp cạnh tranh lẫn nhau. Một trong hai phương pháp đó đòi hỏi ít nỗ lực hơn. Bạn bắt đầu với con số lớn hơn và sau đó đếm lên. Cộng hai với bốn nghĩa là bắt đầu với bốn và sau đó đếm lên đến năm và sáu. Phương pháp còn lại thì không tốn sức. Bạn cố nhớ kết quả. Nếu bạn hoàn thành việc đếm trước khi gọi ra kết quả từ trí nhớ của mình thì phương pháp đếm đã giành chiến thắng. Nếu bạn tự tin rằng bạn gọi ra kết quả đúng từ trí nhớ trước khi đếm xong thì thói quen đã thắng.

Sau khi giải quyết bài toán (bằng một trong hai phương pháp), bạn lưu lại một ký ức rằng 2 + 4 = 6. Do đó, mỗi nỗ lực học một phép tính cộng cung cấp những ký ức khiến bạn nhớ câu trả lời đúng nhanh hơn trong tương lai.

Cái khó khăn với toán học là có rất nhiều phép tính giống nhau. Bạn học 2 + 4 = 6 nhưng cùng lúc đó bạn cũng gặp những phép tính như 2 + 7 = 9 hay 2 + 5 = 7. Đôi khi bạn thấy 2 + 4, bạn cũng có thể nhớ ra những phép tính tương tự. Khi nhớ ra những câu trả lời khác nhau này, bạn sẽ không chắc câu trả lời nào là đúng. Do đó, bạn sẽ hoàn thành phương pháp đếm trước khi kịp gọi ra câu trả lời từ trí nhớ.

Một khi bạn có rất nhiều ví dụ về các phép tính cộng trong ký ức, hầu hết những gì bạn gọi ra từ ký ức khi thấy 2 + 4 sẽ là những tình huống khác mà bạn cũng từng thấy 2 + 4. Lúc đó, bạn gọi ra những thông tin từ ký ức nhanh hơn bạn có thể đếm và do đó bạn có một thói quen.

Tất nhiên, mọi chuyện thậm chí còn trở nên tệ hơn. Ngay sau khi bạn học một vài phép tính cộng, giáo viên lại dạy thêm những phép tính khác. Sau đó bạn học phép trừ và sau đó phép nhân và chia. Rất nhiều những phép tính này cũng sử dụng cùng các con số. Và với phép cộng và phép nhân, cùng con số cho ra những câu trả lời khác nhau phụ thuộc vào phép toán. Kết quả là, sẽ cần rất nhiều ký ức để tạo thành một thói quen thông minh trong toán học.

Làm thế nào bạn biết bạn đã phát triển một thói quen?

Một dấu hiệu của thói quen là bạn không suy nghĩ về quá trình thực hiện hành vi đó nữa. Giờ đây khi bạn làm một bài toán cộng đơn giản, câu trả lời chắc hẳn xuất hiện ngay trong đầu bạn mà chẳng tốn chút công sức nào. Khi lái xe, bạn không phải dành thời gian để suy nghĩ về việc đạp chân ga hay chân phanh nữa. Khi lên giường đi ngủ, bạn tắt công tắc đèn mà không cần suy nghĩ.

Một cách khác để nhận ra mình đã có thói quen là bạn sẽ gặp khó khăn khi môi trường xung quanh thay đổi theo hướng bất lợi cho thói quen của bạn nữa. Năm 2002, Khoa Tâm lý của Đại học Texas nơi tôi làm việc dời sang một tòa nhà mới tinh. Chúng tôi rất hào hứng với lần dời chuyển này. Chúng tôi khá đông người nên khoa và các phòng thí nghiệm bị phân tán trong năm tòa nhà của khu đại học. Dù vậy, sau khi chuyển địa điểm, tôi nhận ra rất nhiều đồng nghiệp trông có vẻ mệt mỏi hơn bình thường. Mỗi người chúng tôi đã phải chịu đựng sự đứt đoạn của các Thói quen thông minh. Trong văn phòng mới, tôi phải dời chỗ thùng rác và thùng đựng giấy vụn của mình. Tôi rơi vào tình trạng cầm một mảnh giấy nhăn nhúm trong tay và không biết quẳng nó vào đâu. Tôi đã phải suy nghĩ rất lâu trước khi tìm ra nơi quẳng tờ giấy. Những sự đứt đọan tương tự trong suy nghĩ cũng đã xảy ra khi tôi tìm kiếm công tắc đèn, bút viết và các vật dụng khác trong cuộc sống hàng ngày. Khi chúng tôi dần ổn định ở văn phòng mới, tôi nghĩ cả Khoa Tâm lý ở Đại học Texas đã coi trọng lợi ích của Thói quen thông minh hơn.

Thông minh hơn tức thì

Hãy ngủ ngon

Bạn dành khoảng một phần ba cuộc đời mình cho việc ngủ. Có nghĩa là khi 45 tuổi, bạn đã ngủ khoảng 15 năm. Tốt hơn bạn nên làm gì đó hữu ích trong khoảng thời gian đó.

Từ rất lâu các nhà tâm lý học đã biết rằng giấc ngủ quan trọng cho sức khỏe của bạn. Những người không ngủ đủ giấc thường gặp vấn đề khi đối mặt với căng thẳng. Họ hay cáu giận và gặp vấn đề trong việc giữ sự tập trung.

Giấc ngủ cũng ảnh hưởng tới khả năng học hỏi những điều mới và phát triển thói quen mới. Khi thức, bạn có rất nhiều kinh nghiệm khác nhau. Khi ngủ, các quá trình xử lý của não giúp bạn hợp nhất những kinh nghiệm mới đó vào trí nhớ để hỗ trợ cho bạn làm việc hiệu quả hơn trong tương lai.

Giấc ngủ giúp bạn trong việc học các thói quen. Nếu bạn đang học cách ném phi tiêu, bạn có thể dành 30 phút luyện tập để phóng trúng múi số 20 ở bia mục tiêu. Việc luyện tập đó sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng của mình. Tương tự như thế, luyện tập quy trình nhập chi phí vào hệ thống kế toán cũng sẽ giúp bạn phát triển những kỹ năng với phần mềm mới.

Qua một buổi tập luyện, bạn sẽ thấy một số thứ được cải thiện. Bạn cũng sẽ cải thiện được nhiều hơn nữa nếu có một giấc ngủ ngon.

Tại sao vậy?

Giấc ngủ có rất nhiều giai đoạn. Giai đoạn quen thuộc nhất với con người là giấc ngủ di chuyển mắt nhanh (REM). Ngoài ra, còn có bốn giai đoạn giấc ngủ phi REM. Mỗi giai đoạn này thể hiện những mô hình hoạt động điện khác nhau khi theo dõi bằng một máy ghi điện não (EEG).

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa giấc ngủ và việc học cho thấy những dạng học khác nhau liên quan đến các giai đoạn ngủ khác nhau. Vài giai đoạn giấc ngủ tốt cho việc học các thói quen còn những giai đoạn giấc ngủ khác tốt cho việc học những dữ kiện mới hay các mối quan hệ giữa các dữ kiện. Do đó, chắc rằng bạn đi qua tất cả những giai đoạn giấc ngủ trong một đêm là rất quan trọng. Bên cạnh đó, thực tế có những dạng học tập hưởng lợi chính từ giấc ngủ bạn có được ở cuối chu kỳ giấc ngủ. Nếu bạn không có một giấc ngủ ngon, bạn sẽ tự động kém hiệu quả trong việc học tập cũng như phát triển những thói quen. Để tối đa hoá hiệu quả học tập, hãy ngủ ngon.

Sử dụng Thói quen thông minh một cách hiệu quả

Chúng ta đã thảo luận về hai khía cạnh của thói quen thúc đẩy Tư duy thông minh:

• Hành vi bạn thực hiện một cách đều đặn không lấy đi những nguồn lực nhận thức quý giá của bạn.

• Bạn không phải cố tâm tạo ra các thói quen. Chúng phát triển mỗi khi có một sự sắp xếp nhất quán giữa tâm trí, môi trường, vật chất và hành vi bạn muốn thực hiện.

Hiểu những nguyên tắc này, bạn có thể thành công trong việc tạo ra những thói quen giúp loại bỏ sự xao lãng. Điều này đặc biệt quan trọng để tạo ra những thói quen tốt trong môi trường làm việc của bạn hay mỗi khi bạn phải suy nghĩ sâu. Hãy giữ nơi làm việc của bạn ngăn nắp để bạn luôn có thể tìm ra thứ mình cần ngay lập tức. Hãy chọn một chỗ đựng bút viết để bạn không phải tìm kiếm chúng. Hãy chọn chỗ để thùng rác và thùng đựng giấy vụn. Những cái kẹp giấy, dập ghim và kéo không nên di chuyển lòng vòng. Khi cần tìm những đồ vật này, bạn sẽ không phải sử dụng trí lực để tìm chúng. Mất công nghĩ xem phải tìm bút viết ở đâu sẽ làm tiêu tan đi dòng ý nghĩ bạn đang cố gắng thực hiện cho công việc. Nếu tạo ra được thói quen tìm kiếm những vật dụng cần thiết, bạn có thể tập trung tư duy của mình vào những chủ đề đòi hỏi trí lực hơn.

Nói chung, bạn nên thoát khỏi những những yếu tố gây xao lãng trong cuộc sống hàng ngày. Tôi thường sử dụng giấy ghi chú để làm thẻ đánh dấu khi đọc sách. Tôi viết những ghi chú cho mình và dán nó vào màn hình máy tính. Tôi dán chúng trên bàn phím máy tính vào buổi sáng để nhắc nhở bản thân những việc phải làm trước khi bắt đầu kiểm tra email. Có lúc, tôi nhận thấy tôi không có chỗ cố định để xấp giấy ghi chú. Vì thế tôi phải dừng việc suy nghĩ của mình lại để tìm một xấp giấy và đặt vào một chỗ dưới màn hình máy tính. Bằng cách tạo ra sự sắp đặt nhất quán này, tôi có thể đơn giản hoá một phần công việc hàng ngày của mình.

Việc dành thời gian để hiểu rõ những thói quen cơ bản, quan trọng trong bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn muốn phát triển cũng là rất cần thiết. Khi khoảng 35 tuổi, tôi quyết định học chơi kèn saxophone. Khi còn nhỏ tôi từng chơi đàn dương cầm và mong muốn học chơi một nhạc cụ khác, cụ thể là học chơi nhạc jazz. Tôi dành vài tháng đầu chỉ để tìm cách khiến nhạc cụ đó phát ra thứ âm thanh nghe hơi giống tiếng kèn saxophone. Trước đó tôi đã học được một vài mô hình để có thể chơi được một số quãng âm. Nhưng tôi không muốn học tất cả những thang âm vì chúng có vẻ tiêu tốn quá nhiều công sức của tôi. Giáo viên miễn cho tôi việc học chúng một thời gian nhưng rốt cuộc rõ ràng là tôi phải luyện tập chúng. Việc học thang âm mất rất nhiều thời gian và không phải lúc nào cũng hứng thú. Nhưng nó thực sự quan trọng. Tôi không thể chơi bất kỳ thứ gì thú vị nếu khi chơi phải vật lộn để nhớ từng nốt nhạc trong một âm điệu cụ thể nào đó.

Và vấn đề cơ bản của việc đạt được các thói quen tốt nằm ở đây. Khi còn nhỏ, chúng ta bực dọc khi phải dành thời gian học những thứ như bảng tính nhân, ngày tháng của các sự kiện lịch sử hay bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Và chúng ta buộc phải làm những điều không vui vẻ đó dưới sức ép của các thầy cô giáo, cha mẹ và các bài kiểm tra.

Khi chúng ta già đi, rất khó để có động lực tạo ra những thói quen mới. Việc bỏ qua tất cả những sự lặp lại đó và đi đến những vấn đề thú vị hơn nhiều. Điều này nhắc tôi nhớ lại bộ phim Ma trận. Trong một cảnh phim, diễn viên chính Neo cần phải học võ. Vì bộ não của anh được kết nối với một máy tính nên người vận hành máy tính chỉ cần gõ vài phím thì một chương trình tải trực tiếp vào não của anh. Nhắm mắt lại trong vài phút, Neo nhìn lên máy quay, nở nụ cười và nói: “Tôi biết võ công!” Buồn thay, điều đó lại không có tác dụng với chúng ta. Không có con đường tắt nào cho việc hình thành thói quen. Bạn phải chấp nhận việc thu thập những tình huống đó vào trí nhớ của mình. Nếu không có được những thói quen cơ bản trong một lĩnh vực, bạn sẽ không thể trở thành chuyên gia. Thói quen thông minh không chỉ được khuyến khích mà chúng chính là trọng tâm của Tư duy thông minh.

Khi những thói quen tốt biến thành xấu

Phần lớn các thói quen đều có khả năng tốt lúc ban đầu. Nghĩa là nhiều thói quen mà bạn không cố tình tạo ra, chắc hẳn phải có giá trị nào đó để thực hiện hành vi đó. Giá trị đó khiến bạn lặp lại hành vi đủ thường xuyên để tạo thành thói quen.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường cắn móng tay. Rốt cuộc nó trở thành thói quen rất khó bỏ. Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện hành động đó, tôi cảm thấy thoải mái, giải toả được áp lực hay ít nhất khiến móng tay của tôi ngắn hơn. Tôi làm điều đó thường xuyên đến mức khó có thể ý thức được mình đang làm nó. Cuối cùng, xuất hiện một điểm xấu trong tật cắn móng tay của tôi. Móng tay của tôi trông rất xấu nên tôi phải bỏ thói quen này.

Vài thói quen trở nên xấu vì yếu tố tưởng thưởng vào một thời điểm cũng gây ra những hậu quả tiêu cực mà chúng ta không dễ dàng nhận ra khi thói quen bắt đầu. Ăn nhiều là một thói quen như thế. Bạn có thể biết một cách chung chung rằng ăn quá nhiều là một vấn đề. Nhưng khi bạn ăn nhiều, có rất ít hậu quả tiêu cực ngay lúc đó. Tôi nghĩ rằng nếu ăn quá nhiều, bạn có thể có cảm giác buồn nôn nhưng chưa phải là tận thế. Bạn không bị bệnh nặng. Hầu hết thời gian, bạn chỉ tận hưởng bữa ăn và cảm thấy hơi no một chút. Và do đó bạn làm lại… và làm lại… và làm lại. Nếu bạn bắt đầu làm việc này khi còn trẻ, những hậu quả tiêu cực đã không nhiều đến thế. Tuy vậy, nếu cứ thu nhiều calo hơn mức bạn đốt đi, bạn sẽ bắt đầu tăng cân. Nhưng đến lúc thực sự nhận ra mình đã tăng cân, thói quen ăn nhiều đã ăn sâu vào bạn.

Thay đổi thói quen

Không phải mọi sự thay đổi thói quen đều bị thúc đẩy bởi hậu quả một hành vi. Đôi khi, môi trường thay đổi theo cách nào đó và một hành vi phát huy tác dụng trong quá khứ không còn hiệu quả nữa.

Vài năm trước, tôi mua một chiếc xe có chìa khoá thông minh. Với chiếc xe này, thay vì leo lên xe cắm chìa khoá vào và vặn chìa khoá, tôi phải cắm chìa khoá vào một rãnh trên bảng điều khiển và nhấn một cái nút. Thói quen đã duy trì trong hơn 20 năm đó bất ngờ không còn phát huy tác dụng. Tôi ngồi trong xe, với chìa khoá trong tay và cắm chìa khoá vào ổ. Lúc đó, tôi phải suy nghĩ mình cần làm gì tiếp theo. Không phải thói quen tôi đã phát triển là xấu, chỉ là chúng không còn phù hợp trong môi trường mới nữa. Không may thay, việc ngồi trong xe và muốn nổ máy xe là đủ để gọi lên hành vi mang tính thói quen cũ trong đầu.

Có hai thành phần quan trọng để thay đổi thói quen. Đầu tiên, sự hiện diện của thói quen cũ thúc đẩy bạn thực hiện một hành động. Bằng mọi cách, bạn phải ngăn cản hành vi cũ xảy ra. Thứ hai, bạn phải thay thói quen cũ bằng một thói quen mới đòi hỏi lưu giữ những ký ức mới liên kết môi trường với những hành động mới.

Thói quen được thúc đẩy bởi môi trường vật chất và tâm trí của bạn. Mỗi khi ở trong môi trường mà bạn thường thực hiện một hành vi mang tính thói quen, bạn sẽ rơi vào trạng thái tâm trí để thực hiện hành vi đó một lần nữa. Trạng thái tâm trí đó bao gồm cả sự kích hoạt mục tiêu thực hiện hành vi và sự chuẩn bị để thực hiện hành vi kia. Khi bạn có mục tiêu làm gì đó và mục tiêu này đang cố gắng ảnh hưởng đến hành vi của bạn thì những nhà tâm lý học gọi mục tiêu đó là có hiệu lực. Độ mạnh mà mục tiêu đó đang cố ảnh hưởng đến hành vi của bạn là mức độ kích hoạt.

Trong hầu hết các tình huống, bạn không nhận ra sự kích hoạt mục tiêu để thực hiện hành động hay sự chuẩn bị các hành động cần thiết để đạt được mục tiêu. Nếu bạn đang lái xe về nhà từ chỗ làm trên tuyến đường quen thuộc và bạn đến một ngã tư quan trọng nơi bạn phải rẽ trái, mục tiêu rẽ trái được kích hoạt. Bạn chuẩn bị và thực hiện những thao tác bật đèn báo hiệu và thực hiện việc rẽ trái. Bạn có thể làm tất cả những điều này mà không cần chủ tâm suy nghĩ.

Dù vậy, giả sử bạn cần dừng lại mua sữa trên đường về nhà. Để đến một cửa hàng tạp hoá, bạn phải tiếp tục đi thẳng ở ngã tư đó và đi qua thêm vài dãy nhà nữa. Khi bạn đến ngã tư, thói quen sẽ kích hoạt mục tiêu rẽ trái. Để ngăn bản thân khỏi hành động rẽ đó, bạn phải sử dụng những nỗ lực cố tâm để ngăn bản thân mình khỏi thực hiện hành động mang tính thói quen kia.

Nỗ lực mang tính ý thức đó có sự tham gia của thùy trước não, với chức năng chính để ngăn cản hay kìm hãm các hành động.

Trong trường hợp lái xe về nhà từ chỗ làm, bạn sẽ mua sữa thành công nếu bạn kìm hãm hành động rẽ trái và thay thế nó bằng hành động lái xe đến cửa hàng. Thật không may là việc kìm hãm những hành động mang tính thói quen rất tốn sức. Vì sẽ tốn sức để dừng một hành động, bạn sẽ tiếp tục với hành động mang tính thói quen của mình nếu bị xao lãng. Nếu radio phát một câu chuyện rất thú vị, bạn có thể trở nên quá say mê lắng nghe câu chuyện. Khi đến ngã tư nơi phải đi thẳng, bạn sẽ không sử dụng những hệ thống kìm hãm thói quen của mình vì bạn đang dồn hết tâm trí vào câu chuyện trên đài. Sau đó, khi về tới nhà, bạn sẽ nhận ra rằng mình đã quên mua sữa. Khả năng kìm hãm những thói quen cũng bị đứt đoạn bởi áp lực, bởi các khoảng thời gian dài tự kiểm soát và bởi sự ảnh hưởng liên tục của môi trường lên hành vi của bạn. Thông thường chúng ta thấy những người đang ăn kiêng hay gặp khó khăn trong việc thực hiện chế độ ăn nếu họ trải qua một ngày tồi tệ. Trong bộ phim Máy bay có một đoạn hài hước, một trò lừa phỉnh kinh điển của thể loại phim thảm hoạ, khi các phi công trên máy bay bị bệnh và viên điều khiển dưới mặt đất phải tìm ra cách giúp những hành khách hạ cánh an toàn. Trong suốt bộ phim, viên điều khiển tội nghiệp đã phá vỡ chế độ ăn kiêng của mình, bắt đầu hút thuốc lại và cuối cùng tái nghiện thói quen ngửi keo. Với bất kỳ ai, nhân vật trong phim hay con người trong đời thực, áp lực làm cho hoạt động của thuỳ não trước suy yếu và khiến việc dừng những hành động mang tính thói quen trở nên khó khăn.

Trong những tình huống khác, bạn có thể phải dùng hết khả năng để kiểm soát một hành vi mang tính thói quen nếu bạn bị tổn phí trí lực và/ hay thể lực của mình để ngăn bản thân không hành động xấu. Cuối cùng, bạn hình thành khả năng tiếp tục điều chỉnh bản thân mình theo cái mà, Roy Baumeister, nhà tâm lý học, tác giả của cuốn Sức mạnh ý chí: Sự tái khám phá sức mạnh vĩ đại nhất của con người, và những cộng tác viên nghiên cứu của ông nhắc đến như sự cạn kiệt tiềm thức.

Ví dụ, hãy xem trường hợp vị giám đốc đang cố bỏ thuốc. Sau vài tuần bỏ thuốc thành công, ông trải qua một ngày đầy bực tức vì sự cẩu thả của một nhân viên trong công việc. Dù rằng cả ngày phải đụng mặt với anh ta nhưng vị giám đốc tránh công khai khiển trách. Vào cuối ngày, vị giám đốc này thấy mình như bị kéo vào một cửa hàng tiện dụng địa phương để mua một gói thuốc vì ông không đủ khả năng để chống lại ước muốn được hút thuốc hôm đó nữa.

Về bản chất, cách tệ hại nhất để cố gắng dừng một thói quen là thông qua cái chúng ta gọi là sức mạnh ý chí. Đôi lúc bạn có thể ngăn bản thân mình khỏi một thói quen xấu nhưng sức mạnh ý chí không thể là cách duy nhất giúp bạn từ bỏ một thói quen.

Cuối cùng, môi trường gọi lên hành vi mang tính thói quen có thể kích hoạt mục tiêu liên kết đến hành động đó. Kết quả là, thậm chí nếu bạn thành công khi kìm hãm hành động, mục tiêu sẽ vẫn sẵn sàng ảnh hưởng đến hành vi của bạn. Nếu bạn đang cố giảm cân, bạn có thể cố gắng ăn ít hơn. Bạn có thói quen ăn một bát khoai tây rán vào buổi chiều. Khi chiều đến, khung thời gian và những hành động quen thuộc vào buổi chiều sẽ kích hoạt mục tiêu ăn khoai tây rán trong bạn. Dù bạn có thể ngăn bản thân không ăn khoai tây trong một dịp nào đó thì mục tiêu ăn vặt đó vẫn có hiệu lực. Lúc đó, bạn có thể bắt đầu cảm thấy thèm thuồng muốn ăn. Thèm muốn xảy ra khi bạn có một mục tiêu hiệu lực đã bị kìm hãm. Thèm muốn là cách tâm trí nhắc bạn nhớ rằng có thứ gì đó bạn chưa làm.

Để ngừng một thói quen cũ thì bạn không chỉ phải ngăn không thực hiện một hành vi mang tính thói quen mà còn phải giải quyết mục tiêu bị kích hoạt bởi tình huống. NHỮNG CÁCH HIỆU QUẢ ĐỂ PHÁ VỠ THÓI QUEN

Bạn có thể kìm hãm hành động theo thói quen bằng cách thay đổi môi trường nhằm làm suy giảm khả năng gọi ra hành vi mang tính thói quen. Nếu bạn yêu thích một nhà hàng nào đó và ăn rất nhiều mỗi khi tới thì có một cách để hạn chế bạn ăn nhiều là ngừng đi đến nhà hàng đó vì khả năng được gọi ra thói quen từ trí nhớ của bạn sẽ ít hơn.

Tất nhiên, sẽ có những lúc bạn không thể thay đổi môi trường. Nếu bạn đang cố phát triển những thói quen ăn uống mới và bạn thường ăn quá nhiều trong bếp nhà mình thì sẽ thật vô lý khi hy vọng bạn không vào nhà bếp. Trong tình huống thế này, bạn muốn phá vỡ thói quen bằng cách ảnh hưởng lên sự sắp đặt nhất quán từ môi trường đến hành vi để bạn không còn thực hiện hành vi đó một cách tự động nữa.

Có một cách để khiến một hành động khó được thực hiện tự động là loại bỏ những thứ giúp bạn thực hiện hành vi mà không cần suy nghĩ. Nếu bạn thường ăn khoai tây rán trong khi xem tivi, hãy dừng việc mua khoai tây rán. Nếu không có sẵn khoai tây rán trong nhà, bạn sẽ không thể ăn chúng một cách không suy nghĩ.

Cách thứ hai để chặn đứng những hành động mang tính thói quen là phá vỡ những hành động cụ thể hình thành thói quen. Trong phần đầu của chương này, tôi đã mô tả khó khăn của việc thức dậy trong một căn phòng khách sạn không quen thuộc. Sự phá vỡ khiến bạn bực bội khi đi xa này có thể có lợi khi bạn đang thay đổi thói quen. Hãy thay đổi vị trí bát đĩa trong nhà bếp. Hãy sắp xếp nồi, chảo ở một ví trí khác. Hãy đổi vị trí thức ăn trong tủ lạnh. Hãy bắt đầu mua sắm ở một siêu thị mới để bạn phải thực sự suy nghĩ về tất cả những gì bạn mua. Giờ đây bạn sẽ phải suy nghĩ về tất cả những hành vi từng mang tính thói quen trong nhà bếp của mình. Vì đang ở vị thế phải suy nghĩ về những hành vi này, bạn sẽ sử dụng hệ thống ở thuỳ não trước để ngăn mình không thực hiện thói quen.

Mục đích của những lời khuyên này là mang lại cho bạn cơ hội tốt nhất để tạo ra thói quen mới. Tránh các tình huống kích hoạt thói quen sẽ làm giảm khả năng thực hiện một thói quen bạn đang muốn thay đổi. Khi phá vỡ môi trường của mình, bạn tạo ra một tình huống như chiếc xe mới với chiếc chìa khoá thông minh của tôi. Những thói quen bạn đã phát triển không còn ứng dụng được nữa. Giờ đây bạn bị buộc phải suy nghĩ về hành vi của mình.

THAY THÓI QUEN CŨ BẰNG THÓI QUEN MỚI

Bạn vừa cho mình cơ hội tốt nhất để tránh thực hiện những hành vi không suy nghĩ nuôi dưỡng thói quen xấu. Giờ đây bạn cần tái lập trình bản thân với một thói quen mới để thay thế thói quen cũ.

Hiểu biết quan trọng nhất về thói quen là chúng được tạo ra bằng cách lưu giữ rất nhiều những ví dụ về một hành vi trong trí nhớ. Tuyệt làm sao nếu bạn có thể tìm ra những ký ức này và xoá bỏ chúng theo cách bạn xoá một tài liệu không cần dùng nữa trong máy tính. Nhưng thật đáng buồn là tâm trí không hoạt động như thế. Bạn không thể xoá trí nhớ như vậy được.

Thực tế, cách tốt nhất để phá vỡ ký ức là can thiệp vào nó. Trong trường hợp thói quen, điều đó có nghĩa là tạo ra những ký ức mới tương tự như ký ức cũ. Bạn phải liên kết thói quen mới với môi trường mà bạn từng thực hiện hành vi mang tính thói quen. Đây là một điểm khá quan trọng. Rất nhiều thói quen khó phá bỏ, nhất là những thói quen mà chúng ta cố thay thứ gì đó (một hành vi) bằng không gì cả (không có hành vi). Người muốn ngừng hút thuốc thường nghĩ việc ngừng một hành vi không mong muốn (hút thuốc) và thay nó bằng không gì cả (không hút thuốc). Người cố gắng loại bỏ ăn vặt giữa bữa thay một hành vi (ăn) bằng không gì cả (không ăn).

Bạn không thể thay thế thứ gì đó với không gì cả. Sẽ có những lúc hành vi mang tính thói quen được gọi ra trong tâm trí và mục tiêu thực hiện hành vi đó có hiệu lực. Nếu bạn không tạo ra những ký ức mới can thiệp vào hành vi thì những ký ức cũ sẽ tiếp tục được gọi ra. Bất chấp những dự định tốt đẹp đang vẽ ra, bạn sẽ bị buộc phải sử dụng sức mạnh ý chí để chống trả lại với thôi thúc thực hiện hành vi bạn đang cố thay đổi.

THAY THẾ BẰNG THÓI QUEN KHÁC

Cùng trở lại ví dụ cố gắng ngừng ăn vặt khi đang xem tivi. Một biện pháp khả dĩ để thay đổi thói quen này là tạo ra thú vui với tay khi đang xem truyền hình. Bạn có thể học một trò thủ công như đan len hay chơi xếp hình trên bàn uống cà phê gần TV. Có thể làm việc này khi bạn đang xem TV vì chúng không đòi hỏi sự tập trung cao độ. Khi hành vi mới này trở thành thói quen, nó sẽ được gọi ra từ tâm trí của bạn trong những tình huống từng kích hoạt hành vi cũ.

Có hai lợi ích chung cho việc thay thế thứ gì đó bằng thứ khác.

Đầu tiên, bạn bắt đầu bằng việc liên kết một hành vi mới với môi trường từng gọi ra thói quen trong quá khứ từ tâm trí. Hành vi mới khiến cho mối quan hệ giữa môi trường và thói quen mà bạn đang cố thay đổi sẽ ít chặt chẽ hơn.

Thứ hai, khi hành vi trở thành thói quen, nó sẽ có mục tiêu riêng đi kèm. Mục tiêu mới này cạnh tranh với mục tiêu cũ và giúp làm giảm những thèm muốn, ngăn cản bạn thực hiện hành vi cũ. Nghĩa là thêm vào một thói quen mới mang lại cho hệ thống động lực của bạn việc gì đó để làm, để không bị mắc kẹt vào hành vi mà bạn đang cố thay đổi.

Tổng kết lại, yếu tố chính của thay đổi thói quen là bạn phải thay đổi thói quen cũ bằng những hành vi mới. Hành vi mới thay đổi mối quan hệ giữa môi trường và thói quen cũ bằng cách liên kết những hành vi mới với môi trường từng được liên kết đến hành vi cũ. Thói quen mới cũng thêm vào một mục tiêu mới có thể được gọi lên từ tâm trí để cạnh tranh với mục tiêu của hành vi cũ. THIẾT LẬP MỘT THÓI QUEN MỚI

Dẫu vậy, bạn cũng đừng lầm tưởng rằng thay đổi thói quen là dễ dàng. Có hai thứ thường cản trở việc thay đổi hành vi thành công. Đầu tiên là thiếu cam kết thực sự để thay đổi thói quen. Thứ hai là khó nhận ra tất cả những yếu tố kích hoạt hành vi cũ. Không may thay, điểm nút của câu truyện cười cũ vẫn còn nguyên giá trị. Hỏi: Cần bao nhiêu nhà tâm lý học để thay đổi một cái bóng đèn?

Đáp: Chỉ cần một, cái bóng đèn phải muốn thay đổi.

Nhiều nghiên cứu học thuật cho rằng bạn sẽ không thành công trong việc tạo ra những thay đổi thói quen lâu bền, trừ khi bạn thực sự cam kết thực hiện quá trình đó. Cũng như bạn không có nhiều khả năng thành công khi dùng vũ lực ép buộc ai đó thay đổi một hành vi, trừ khi người đó cam kết thay đổi; bạn sẽ không thể thực hiện thay đổi trong bản thân mình nếu không có cam kết tương tự.

Thậm chí sau khi cam kết thay đổi thói quen, điều quan trọng là phải nhận diện các yếu tố hậu thuẫn cho thói quen hiện tại trong cuộc sống của bạn. Nếu không biết đâu là những yếu tố kích hoạt hành vi muốn thay đổi, bạn sẽ không thành công dù cho những dự định của bạn tốt đẹp đến mấy. Rốt cuộc thì bạn không thể thay đổi môi trường hay sử dụng sức mạnh ý chí một cách hiệu quả nếu bạn không nhận ra những tình huống thúc đẩy hành vi không mong muốn. Để bắt đầu con đường thay đổi thói quen thì bạn cần lưu tâm đến những thứ bạn làm một cách không suy nghĩ.

Đến bước này, tôi đề nghị bạn bắt đầu quá trình thay đổi thói quen bằng một nhật ký thói quen. Hãy mang theo cuốn sổ nhỏ bên mình. Mỗi khi nhận ra mình chuẩn bị thực hiện hành vi theo thói quen (hay vừa mới thực hiện nó), hãy ghi thông tin về thời gian, tâm trạng, nơi chốn và điều bạn đang suy nghĩ.

Khi giữ bên mình cuốn nhật ký thói quen, đừng dành thời gian phân tích những gì bạn đang làm, chỉ ghi nhận lại những ấn tượng của bạn về tình huống đó.

Vào cuối mỗi tuần, hãy đọc lại cuốn nhật ký và bắt đầu tìm kiếm các mô hình. Liệu có một thời gian đặc biệt nào đó trong ngày khi bạn thực hiện hành vi đó không? Liệu có những hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà nó diễn ra trong hầu hết thời gian không? Liệu có những người đặc biệt nào đó tác động làm kích hoạt hành vi hay không? Liệu có những người nào đó trong cuộc sống của bạn giúp bạn tránh khỏi những thói quen xấu hay không? Có phải bạn có khả năng thực hiện thói quen đó nhất khi bạn đang buồn, vui hay đang lo âu?

Nhật ký thói quen cho bạn cơ hội hiểu bản thân mình và dần dần bạn sẽ hiểu rõ hơn về những yếu tố kích hoạt thói quen.

Ban đầu, bạn có thể muốn tránh những tình huống khiến bạn thực hiện hành vi không mong muốn khi đang thay đổi hành vi của mình để tạo ra Thói quen thông minh. Trong những tình huống kích hoạt khác, bạn có thể muốn thiết lập một hành vi mới để dần thay thế hành vi không mong muốn. Dù trong trường hợp nào đi nữa thì việc lưu tâm sẽ giúp bạn vận dụng chút ít sức mạnh ý chí để vượt qua các giai đoạn đầu tiên.

Thậm chí sau khi bắt đầu quá trình thay đổi thói quen, bạn nên tiếp tục giữ cuốn nhật ký một thời gian. Vẫn còn vài lý do để bạn tiếp tục làm việc đó. Đầu tiên, giữ cuốn nhật ký giúp bạn cảnh giác hơn mỗi khi thực hiện hành vi bạn đang cố thay đổi. Nhận ra hành vi này giúp bạn ngăn bản thân tiếp tục thực hiện nó một cách không suy nghĩ. Thứ hai, khi tiến bộ trong quá trình thay đổi thói quen, bạn có thể khám phá ra những tình huống mình vẫn thực hiện hành vi kia. Thứ ba, có thể bạn cũng khám phá ra những tình huống mà bạn muốn thực hiện hành vi cũ nhưng tìm cách kháng cự thành công. Thứ tư, theo thời gian bạn bắt đầu nhận ra mình đang thực hiện hành vi không mong muốn ít thường xuyên hơn. Điều này sẽ cho bạn những phản hồi tích cực rằng bạn đang thay đổi hành vi thành công.

Hầu hết những gì chúng ta đang thảo luận trong chương này tập trung vào những thói quen vật chất. Đó là những thói quen liên quan đến các hành vi, hành động trong thế giới. Ăn, hút thuốc, lái xe và tìm những giấy dán ghi chú dưới màn hình máy tính là những thói quen vật chất.

Tư duy thông minh rốt cuộc đòi hỏi bạn phát triển các thói quen tâm trí tốt bên cạnh các thói quen vật chất tốt. Thói quen tâm trí là thói quen mà bạn phát triển để hỗ trợ quá trình tư duy của bạn. Những quá trình tâm trí này có thể bao gồm vật thể vật chất (như các danh sách), nhưng bạn đã xây dựng những vật thể này để hỗ trợ khả năng suy nghĩ của mình.

Hãy cân nhắc các chiến lược tổ chức mà bạn sử dụng để hoàn thành nhiệm vụ. Có thể bạn giữ bên mình một danh sách việc cần làm hay mang theo một chiếc điện thoại thông minh lưu lịch làm việc của bạn. Bạn chắc hẳn đã phát triển những thói quen liên quan đến những thiết bị này. Bạn có thể giữ một danh sách việc cần làm trên bàn ở một vị trí cụ thể. Bạn có thể giữ danh sách những việc cần làm trên bàn ở một chỗ riêng biệt. Bạn có thể kiểm tra danh sách nhiều lần trong ngày. Bạn có thể đều đặn xoá những dòng nhật ký ngay khi bạn hoàn thành chúng và thêm vào những dòng mới ngay khi được ấn định.

Những hành vi này cũng trở thành các thói quen. Bằng cách lúc nào cũng giữ một danh sách việc cần làm ở cùng một chỗ, bạn bảo đảm sự sắp đặt nhất quán giữa môi trường và hành vi.

Trong những chương sau, tôi sẽ nói về cách bảo đảm bạn có Kiến thức chất lượng cao và bạn có thể sử dụng những kiến thức đó hiệu quả. Rốt cuộc thì bạn muốn có những Thói quen thông minh cho phép bạn sử dụng công thức Tư duy thông minh như một phần của những thói quen thường nhật.

Kiến thức chìa khóa

Tâm trí liên tục tạo ra những thói quen mới. Lợi ích chính của thói quen là biến một quá trình đòi hỏi sự chú ý để bắt đầu có thể được gọi lên không tốn sức từ trí nhớ. Vì tâm trí bạn là một cỗ máy tạo thói quen, bất cứ khi nào có một sự sắp đặt kiên định và lặp lại giữa thế giới vật chất, tâm trí và hành vi nào đó, bạn có những điều kiện hình thành các thói quen.

Bạn cần nhớ rằng hầu hết những thói quen của bạn là thói quen tốt. Chúng cho phép bạn thực hiện hành động mà không cần phải suy nghĩ. Kết quả là bạn có thể tập trung trí lực vào những vấn đề đáng quan tâm hơn thay vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống của bạn.

Để sử dụng Tư duy thông minh, bạn cần chắc rằng bạn có sự sắp xếp nhất quán giữa môi trường và những hành vi mong đợi sẽ hậu thuẫn cho các Thói quen thông minh. Hãy chắc rằng bạn không sử dụng thời gian và trí lực quý báu vào những nhiệm vụ có thể và nên trở nên tự động.

Những thói quen (tốt hay xấu) thường được tạo ra một cách vô thức. Có ba trường hợp sẽ tốn chút ít công sức để có được những thói quen tốt. Đầu tiên, bạn phải tổ chức môi trường của mình để tạo ra những sắp đặt nhất quán. Thứ hai, bạn cần phát triển một lịch luyện tập để lặp lại các hành vi nhằm tạo ra một thói quen. Thứ ba, khi cần thay đổi một thói quen hiện hữu, bạn sẽ phải tiêu tốn nỗ lực có ý thức để làm điều đó. Có hai thành phần chính yếu trong việc thay đổi thói quen. Đầu tiên là tìm ra những cách thức ngưng thực hiện hành vi cũ. Quá trình tâm trí để ngưng những hành vi cũ đòi hỏi nhiều nỗ lực và có thể dễ dàng bị can thiệp. Do đó, quan trọng là phải thay đổi môi trường kích hoạt một thói quen xấu ngay từ đầu và giảm thiểu hay loại bỏ sự tự điều chỉnh căng thẳng can thiệp vào khả năng thay đổi của bạn.

Thành phần chính yếu thứ hai của thay đổi thói quen là thay một thói quen xấu bằng một thói quen tốt. Vì thói quen là những hành động được gọi ra từ trí nhớ, bạn không thể thay đổi thói quen nếu bạn cố thay cái gì đó với không gì cả. Chỉ riêng nỗ lực của ý chí sẽ không hiệu quả, thay vào đó, hãy thay một thói quen bằng thói quen khác. Thói quen mới sẽ can thiệp vào thói quen cũ và dần cho phép nó thay đổi hành vi không mong muốn.

Cuối cùng, vì các hành vi thực hiện một cách vô thức, bạn cần lưu tâm đến những hành vi vô thức để trợ giúp cho việc thay đổi thói quen. Làm một cuốn nhật ký thói quen sẽ hữu ích cho bạn trong việc nhận ra những yếu tố kích hoạt thói quen để có thể thay đổi những yếu tố trong môi trường nhằm giảm số tình huống gọi ra thói quen và để bạn có thể chuẩn bị sử dụng sức mạnh ý chí của mình khi một tình huống cổ vũ thói quen xấu không thể né tránh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.