Lối tư duy của người thông minh

Chương tám. Hình thành văn hóa thông minh



Văn hoá thông minh là gì?

Văn hoá tác động đến Tư duy thông minh.

Mười cách để tạo ra Văn hoá thông minh.

Người trưởng thành hiếm khi làm việc một mình. Hầu hết các công ty đều hình thành các nhóm để giải quyết những vấn đề khó khăn. Vì thế, chỉ một người trong nhóm thực hiện Tư duy thông minh là không đủ. Tất cả thành viên của nhóm đều cần có được điều đó.

Tuy nhiên, Tư duy thông minh không được phổ cập tới tất cả mọi người. Hệ thống giáo dục tập trung chính vào nhiệm vụ và trách nhiệm cá nhân. Do đó, chúng ta không tự nhiên có được Văn hoá thông minh.

Trọng tâm của chương này là mở rộng phạm vi của Tư duy thông minh từ các cá nhân sang các tổ chức.

Mạng lưới xã hội và Văn hoá thông minh

Bạn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những người xung quanh mình. Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy, trọng lượng của con người chịu tác động như thế nào từ trọng lượng của những người xung quanh họ. Dữ liệu phân tích số lượng lớn những cá nhân chỉ ra rằng nếu bạn có những người bạn thừa cân thì khả năng bạn thừa cân sẽ tăng cao. Có rất nhiều lý do tại sao cho điều này. Một trong những lý do là khái niệm lây truyền mục tiêu. Nghiên cứu cho rằng, bạn thường áp dụng mục tiêu và hành vi của những người xung quanh bạn. Nếu những người xung quanh bạn đang ăn quá nhiều thì bạn cũng sẽ muốn cùng ăn với họ. Nếu những người xung quanh bạn đang tập thể dục, bạn cũng sẽ muốn tập luyện. Lây truyền mục tiêu là một cách mà hệ thống nhận thức của bạn giúp bạn giữ được quan hệ gần gũi với những người xung quanh.

Mạng lưới xã hội của bạn không chỉ ảnh hưởng tới thức ăn bạn ăn, nó còn ảnh hưởng đến thói quen suy nghĩ của bạn. Khi một văn hoá thúc đẩy những hành vi tuân theo các nguyên tắc của cuốn sách này thì nó trở thành Văn hoá thông minh.

Văn hoá ảnh hưởng đến Tư duy thông minh vừa hiển nhiên dễ thấy vừa tinh tế khó nhận ra. Mục tiêu của chương này là cung cấp những đề xuất cụ thể mà bạn có thể ứng dụng nhằm nâng cao Tư duy thông minh cùng những người xung quanh bạn. Tuy nhiên trước khi bắt đầu, bạn cũng cần biết những loại ảnh hưởng của văn hóa lên suy nghĩ của bạn.

Ở mức độ hiển nhiên nhất, văn hoá ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn về các hành động đáng để thực hiện và nhiệm vụ nào tương xứng với bạn. Học những thông tin mới là một công việc tốn công sức. Những người xung quanh bạn giúp bạn nhận ra liệu mình có nên thực hiện công việc đó không. Khi ban quản lý của một công ty lớn nói với nhân viên rằng họ nên tham dự những lớp đào tạo các lĩnh vực nằm ngoài lĩnh vực chủ đạo của công việc, đó rõ ràng là một dấu hiệu thúc đẩy Tư duy thông minh. Theo cách này, văn hoá tổ chức có thể thúc đẩy mọi người học những điều mới có thể giúp ích họ trong một công việc nhiều năm sau đó hoặc có thể hình thành nền tảng cho phép loại suy trong một dự án mới.

Văn hoá cũng nâng tầm vóc của những người thực hiện các hành động được coi trọng trong nền văn hóa đó. Rất nhiều trường đại học đã bị chỉ trích vì dành hầu hết những sự tán thưởng và nguồn lực cho các khoa đạt hiệu suất cao trong nghiên cứu, bất chấp hiệu quả trong giảng dạy. Đáp lời, các đại học bắt đầu đưa ra những danh hiệu giảng dạy cao cấp được công bố rộng rãi trong và ngoài cộng đồng đại học để gửi đi tín hiệu rằng giảng dạy là giá trị cốt lõi.

Tuy nhiên, vài cấu trúc xã hội không phải lúc nào cũng thúc đẩy Tư duy thông minh. Phố Wall đã từ lâu coi trọng (kèm theo những khoản tiền thưởng hậu hĩnh) những người mang lại các khoản doanh thu lớn bất chấp chất lượng của khoản đầu tư. Trong những năm trước khủng hoảng tài chính 2008, rất nhiều người trong ngành ngân hàng và cầm cố đã nhận những khoản tiền thưởng này như một tín hiệu cho thấy doanh thu quan trọng hơn cả sự chính trực. Điều này khiến nhiều tay bán trái phiếu và những chuyên viên tư vấn tài chính chọn đi đường tắt và bán những sản phẩm tài chính mà họ không thực sự hiểu. Những tay cho vay cầm cố khác tham gia vào những vụ lừa đảo trắng trợn. Dù cho rất nhiều người trong số này kiếm được những khoản lợi nhuận kếch xù trong thời gian ngắn, họ không thể phát triển loại Kiến thức chất lượng cao cho phép họ dự đoán về lâu dài sự phân nhánh trong những hoạt động của mình. Một tổ chức muốn thúc đẩy Văn hoá thông minh cần tìm ra những nhân viên thường xuyên sử dụng Tư duy thông minh và trao cho họ các vị trí lãnh đạo để họ gửi đi những tín hiệu rõ ràng rằng Tư duy thông minh cần thiết cho sứ mạng của tổ chức. Các công ty thường nhanh chóng tưởng thưởng những người đóng góp vào lợi nhuận chung nhưng ít tập trung vào việc tưởng thưởng những nhân viên khiến những người xung quanh làm việc hiệu quả hơn.

Tất cả những thực tiễn này phát đi những thông điệp rõ ràng và hiển nhiên về việc liệu những nguyên tắc cốt lõi của Tư duy thông minh có được một tổ chức đánh giá cao hay không. Rất nhiều đề xuất tôi trình bày trong phần tiếp theo là những điều bạn có thể sử dụng tạo nên Tư duy thông minh trong nhiều người.

Tạo ra Văn hoá thông minh

Các quá trình suy nghĩ của bạn chịu sự tác động mạnh mẽ của những người xung quanh. Bạn vừa tiếp nhận công thức cho Tư duy thông minh và bạn có thể sử dụng chúng để tác động lên những người khác. Theo cách này, bạn có thể tạo ra Văn hoá thông minh. Phần còn lại của chương này cung cấp mười để xuất hướng đến thúc đẩy

Tư duy thông minh trong các nhóm và tổ chức mà bạn sống. KHUYẾN KHÍCH MỌI NGƯỜI HỌC NHIỀU HƠN VỀ TƯ DUY

Trong các hội thảo của tôi về tư duy, tôi yêu cầu những người tham dự cho tôi biết kỳ vọng của họ về những gì sẽ nhận được từ hội thảo. Tôi làm như thế để khiến mọi người suy nghĩ nhiều hơn về những khía cạnh trong cuộc sống của họ. Các khía cạnh này có thể được tác động bởi việc học cách suy nghĩ tốt hơn. Cuối cùng, cách tốt nhất để sử dụng một cách thường xuyên những nguyên tắc của Tư duy thông minh là nhận ra rằng trong nhiều tình huống chúng ta có thể ứng dụng những nguyên tắc này.

Một bước thiết yếu để hình thành Văn hoá thông minh là mở rộng hiểu biết của mọi người về tư duy của chính họ.

Sự khích lệ này mang tính lây truyền. Ngạn ngữ cổ nói rằng: “Đưa con cá cho một người chỉ giúp anh ta ăn được trong một ngày, dạy người đó cách bắt cá thì anh ta sẽ có cá ăn cả đời.” Nghiên cứu gần đây cho rằng ngạn ngữ này phản ánh cách đưa ra lời khuyên hiệu quả nhất. Thông thường, mọi người sẽ hỏi xin ý kiến của bạn về một hành động họ muốn thực hiện hay một sản phẩm muốn mua. Tình huống này cám dỗ bạn trả lời thẳng cho họ biết làm cái gì là tốt nhất. Tuy nhiên, mọi người sẽ có khả năng sử dụng lời khuyên của bạn nhiều hơn khi bạn đưa cho họ kỹ năng hỗ trợ việc ra quyết định của chính họ. Tự mình đi đến một quyết định là một cảm giác đầy quyền lực. Do đó, trao cho ai đó kiến thức liên quan đến quyết định là một cách tuyệt vời để giúp ích cho họ.

Các sinh viên chương trình danh dự ngành tâm lý học của đại học Texas thực hiện những dự án nghiên cứu kéo dài cả năm dưới sự giám sát của một nhân viên khoa. Tôi làm việc cùng các sinh viên này để giúp họ phát triển các kỹ năng đọc và tích hợp những nghiên cứu tâm lý học sơ cấp vào nghiên cứu của họ. Một trong những kỹ năng chính tôi chỉ cho họ bao gồm Vai trò của 3 – tìm ra ba điểm chính trong từng bài viết họ đọc. Tôi khích lệ họ dành một chút thời gian hoàn thành từng bài viết và tóm lược ba điểm chính vào một cuốn sổ tay nghiên cứu hay trên một tờ giấy có thể đính kèm vào một bản sao bài viết.

Nếu tôi chỉ đề nghị như thế, những sinh viên có thể làm theo và nâng cao khả năng thu thập Kiến thức chất lượng cao từ những bài viết họ đọc. Tuy nhiên, tôi trình bày mẹo này cùng với một cuộc thảo luận về vài nguyên tắc cơ bản của ký ức, tương tự như những gì đã mô tả ở Chương 3. Bằng cách cung cấp một bối cảnh cho đề xuất này, tôi trao cho sinh viên một cơ hội tự mình quyết định cách áp dụng Vai trò của 3 khi gặp phải một tình huống mới.

TẠO RA MÔI TRƯỜNG NUÔI DƯỠNG THÓI QUEN THÔNG MINH

Những Thói quen thông minh là trung tâm của Tư duy thông minh. Vì môi trường điều chỉnh rất nhiều những hành vi mang tính thói quen, tạo ra những bối cảnh hỗ trợ các yếu tố của Tư duy thông minh sẽ cải thiện chất lượng tư duy trong cả nhóm.

Như đã thảo luận trong Chương 2, những thói quen hình thành mỗi khi có sự tương thích giữa hành động với môi trường và khi hành động đó lặp lại. Do đó, nếu bạn muốn hình thành Thói quen thông minh trong một nhóm, hãy chắc rằng môi trường phù hợp để thói quen được hình thành. Bài trí của văn phòng cần được tổ chức sao cho thúc đẩy các thói quen tốt. Từ việc thiết kế những địa điểm trung tâm để lấy văn phòng phẩm, gửi thư, cho đến việc thiết lập quy trình xử lý những vấn đề liên quan đến vận hành của toà nhà hay tạo ra những quy trình nhất quán (nhưng linh động) sẽ giảm thiểu lượng thời gian tiêu tốn để tìm kiếm các đồ vật hay tìm ra cách hoàn tất công việc. Mỗi khi các phòng ban di dời hay một quy trình thay đổi, mọi người trong công ty cần dành thời gian điều chỉnh thay đổi này và thiết lập những thói quen mới. Nguyên tắc này cũng sẽ ứng dụng cho cách một công ty lọt vào mắt người tiêu dùng. Một lý do mà chuỗi cửa hàng ăn nhanh như McDonal thành công là vì người tiêu dùng có thể nhanh chóng phát triển thói quen khi ăn hàng của mình nhờ vào một thiết kế nhất quán xuyên suốt. Thói quen được phát triển ở một địa điểm có thể được sử dụng tại bất kỳ địa điểm nào khác.

Ngắt quãng thói quen có thể gây ảnh hưởng phá hủy thói quen của người tiêu dùng. Khi Microsoft thay đổi giao diện những sản phẩm Office từ hệ thống trình đơn cơ bản sang giao diện ribbon (giới thiệu trong Office 2007), các khảo sát ước tính rằng 80 phần trăm người dùng phản ứng tiêu cực với thay đổi này. Lý do là người tiêu dùng sử dụng các phiên bản trước của Word, Excel và PowerPoint phải thay đổi tất cả thói quen làm việc với những sản phẩm này để thích nghi với hệ thống mới. Kết quả là, rất nhiều người dùng lựa chọn thà không nâng cấp sản phẩm còn hơn đổi sang hệ thống mới.

Do đó, các công ty cần bảo đảm hỗ trợ thói quen nội bộ cho nhân viên và thói quen tiêu dùng cho khách hàng.

CỞI MỞ VỚI Ý TƯỞNG

Xét ở nhiều cấp độ, loạt phim Harry Porter rất thú vị. Có lẽ, một trong những mong chờ lớn nhất của người trưởng thành là xem dàn diễn viên ngôi sao người Anh thủ những vai diễn lắm mưu mô trong tiểu thuyết của J. K. Rowling.

Có rất nhiều cảnh diễn tuyệt vời đầy lôi cuốn diễn ra trong phòng học của Severus Snape, do Alan Rickman thủ vai. Snape, người dạy những phù thủy trẻ cách pha chế độc dược, là một giáo viên đáng sợ. Những sinh viên ngồi trong phòng học với khuôn mặt luôn nơm nớp với nỗi sợ nếu họ làm hay nói gì đó sai sẽ nhận được một nhận xét khinh miệt của Snape. Thậm chí những sinh viên được ông ấy ưu ái cũng ngồi trong lớp đầy sợ hãi.

Cũng hài hước như những cảnh diễn trong bộ phim này, bối cảnh trên không lý tưởng cho Tư duy thông minh. Con người nhanh chóng thích ứng với môi trường xã hội. Trong một bối cảnh làm việc hay học thuật căng thẳng, con người sẽ hạn chế những đóng góp mà họ sẵn sàng thực hiện vì lo bị chỉ trích. Họ cũng có thể ít tình nguyện đưa ra những đề xuất với cấp trên khi cảm thấy chúng sẽ bị đánh giá một cách tàn nhẫn. Cuối cùng, khi các thành viên của một nhóm tự khép mình lại trước những ý tưởng mới, những thành viên khác cũng nhanh chóng ngừng đưa ra những phương án mới để cân nhắc.

Nói rõ hơn thì, không phải tất cả các ý tưởng đều hay và một phần quan trọng của việc tạo ra Văn hoá thông minh cho một tổ chức là có khả năng phân biệt giữa những ý tưởng hay và những ý tưởng dở. Nhưng quá trình đánh giá một ý tưởng đòi hỏi việc thử nghiệm trước khi phát hiện những lỗi sai của nó. Dù vậy, các thành viên của nhóm thường xuyên phản ứng tiêu cực trước một ý tưởng chỉ vì ý tưởng đó mới và không quen thuộc.

Vài người có tính cách cởi mở trước các ý tưởng. Một trong những khía cạnh cốt lõi của tính cách này được gọi là cởi mở với kinh nghiệm, và nó phản ánh cách một người đón nhận một ý tưởng hay tình huống mới thế nào. Song, người ít có tính cởi mở cũng có thể rèn luyện cách xem xét những ý tưởng mới sâu hơn thay vì chỉ từ chối mà không cân nhắc kĩ càng.

Một văn hoá cởi mở tạo ra hiệu ứng đáng kể tác động lên những con người trong đó. Tất cả mọi người sẽ cảm thấy tự tin hơn trong việc trình bày những ý tưởng khi họ tin rằng môi trường xung quanh sẵn sàng hỗ trợ mình. Đón nhận ý tưởng của ai đó tức là bạn đã tôn trọng nỗ lực tâm trí của họ, dù cho rốt cuộc bạn rất e dè với đề xuất của người này.

Để phát triển tính cởi mở của bản thân, hãy suy nghĩ về cách bạn phản ứng trước những đề xuất mới. Bạn có thấy ngay lập tức mình suy nghĩ về lý do tại sao ý tưởng mới sai không? Bạn có cảm thấy sự bực bội dâng trào khi đối diện với một đề xuất khác biệt so với cái của bạn? Bạn có căm giận ai đó vì đã đưa ra một quan điểm mới sẽ làm chậm lại quá trình đi đến quyết định không?

Khi bạn thấy bản thân mình khép kín trước những kinh nghiệm, hãy thử hai bài tập. Đầu tiên, đừng phản ứng ngay. Hãy cho bản thân cơ hội suy nghĩ thông suốt ý tưởng mới trước khi nói rằng nó sai. Thứ hai, hãy tập trung vào những lợi ích của ý tưởng và bắt đầu đánh giá với một phát biểu tích cực.

Thể hiện tính cởi mở trước những ý tưởng mới không chỉ giúp nuôi dưỡng một môi trường trong đó mọi người trình bày những ý tưởng tốt nhất của mình mà còn giúp nhóm tìm ra các lợi ích chính từ những cách tiếp cận mới mẻ. Một ý tưởng tuyệt vời có thể phôi thai từ những yếu tố tích cực của một bản đề xuất đầy lỗi. Tính cởi mở giúp nhóm nắm bắt những phần tốt nhất trong từng ý tưởng của mỗi thành viên trong nhóm.

LÝ GIẢI THƯỜNG XUYÊN VÀ LÝ GIẢI RÕ RÀNG

Một chướng ngại chính cho Kiến thức chất lượng cao là rất nhiều người không tự mình lý giải khi học. Kết quả là, ảo tưởng về chiều sâu của lý giải có thể khiến con người tin rằng họ biết nhiều về cách các sự vật vận hành hơn là họ thực sự biết. Một khi bạn thành thạo thói quen tự lý giải và tránh được bẫy của ảo tưởng về chiều sâu của lý giải, bạn sẽ có khả năng cung cấp những lý giải rõ ràng dễ hiểu cho phép mọi người hiểu rõ hơn những thông tin được trình bày. Tuy nhiên, quan trọng ngang với nó là việc những người khác được khích lệ để tự lý giải. Đó quả là một Thói quen thông minh giúp họ thu thập Kiến thức chất lượng cao và còn giúp nhận diện những lỗ hổng trong kiến thức của bạn.

Dù vậy, để hỗ trợ một Văn hoá thông minh, quan trọng là phản ứng phù hợp khi mọi người gặp khó khăn trong việc đưa ra những lý giải tốt. Cũng như bạn muốn cởi mở trước những ý tưởng mới mà các thành viên trong nhóm trình bày, bạn muốn phản ứng phù hợp khi ai đó không thể cung cấp một lý giải tốt. Những lỗ hổng trong kiến thức của ai đó là một vấn đề với tổ chức vì những lỗ hổng hạn chế tính hiệu quả trong giải quyết vấn đề. Do đó, quan trọng là người đó xem những lỗ hổng được nhận diện trong kiến thức của mình như những lời mời gọi học tập thêm. Thêm vào đó, khi con người nghĩ rằng họ đương nhiên phải đưa ra những lý giải cho lập luận của mình trong các bài thuyết trình, nhìn chung họ sẽ chuẩn bị kĩ hơn cho những lý giải đó. TẠO RA NHỮNG KHÓ KHĂN ĐÁNG MONG ĐỢI

Đến thời điểm nào đó, tất cả chúng ta đều là những giáo viên; tất cả mọi người đều có cơ hội truyền đạt các thông tin cho những người xung quanh. Trong những tình huống đó, bạn có thể cải thiện chất lượng kiến thức của người khác bằng cách tạo ra những khó khăn đáng mong đợi.

Mỗi năm, nhóm Hướng đạo sinh Cub Scout địa phương thường tổ chức cuộc đua Pinewood Derby. Mục tiêu của sự kiện này là để các hướng đạo sinh tự chế tạo ra một chiếc xe đua từ một khối gỗ thông. Một phần thích thú của sự kiện là tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có thể xuất sắc hơn so với tất cả những tác phẩm khác. Khi từng chiếc xe được trình làng, bạn có thể nghe thấy lũ trẻ nói chuyện một cách đầy phấn khích về chiếc xe tuyệt nhất của ai đó. Nhưng tâm điểm chính của sự kiện là cuộc đua. Những chiếc xe xếp hàng ở bờ dốc. Người ra lệnh xuất phát thấy một nhánh cây mềm và những chiếc xe lăn xuống đường chạy. Chiếc xe nhanh nhất trong mỗi cuộc đua sẽ tiếp tục vào vòng trong cho đến khi người thắng cuộc được quyết định.

Mỗi hướng đạo sinh có cách thực hiện nhiệm vụ riêng của mình. Một số cậu bé rõ ràng đã tự mình chế tạo ra những chiếc xe. Các thiết kế mang đường nét thô sơ. Những cái bánh không phải lúc nào cũng thẳng hàng. Những chiếc xe này lăn và trượt xuống rãnh theo phong cách đồ thủ công của những học sinh lớp hai hay ba.

Những chiếc xe khác có dung mạo nhìn chuyên nghiệp hơn. Một chiếc xe có những đường cong rất đẹp, chỉ có thể được tạo ra bằng những công cụ chạy điện đắt tiền. Những cái bánh xe thẳng hàng hoàn hảo. Tất cả các cạnh thô được đánh bóng cẩn thận. Những chiếc xe này chắc chắn là những công trình nghệ thuật nhưng cũng là những sản phẩm cho thấy sự cộng tác với phụ huynh và đứa trẻ ngả theo hướng phụ huynh nhiều hơn.

Cái nào tốt hơn? Bạn có thể tranh luận rằng những chiếc xe do phụ huynh chế tạo ra tốt hơn. Những cậu bé với chiếc xe lăn xuống rãnh với tốc độ kinh hoàng được tưởng thưởng vào buổi tối đó bằng những chiếc cúp tuyệt đẹp. Khi đó, những cậu bé với chiếc xe cộc kệch lăn chầm chậm xuống rãnh có thể nhìn món đồ thủ công của mình một cách tự hào, dù cho nó không nhận được một phần thưởng nào.

Dù vậy, quan sát kỹ các thí sinh vẫn còn một nhóm xe thứ ba. Vài chiếc trong số này cũng mang thiết kế trẻ con, do những bàn tay non trẻ tạo ra nhưng thực sự chạy rất nhanh. Nói chuyện với phụ huynh những đứa bé này, tôi khám phá ra rằng những chiếc xe này là sản phẩm của một sự cộng tác thật sự. Những phụ huynh chỉ cho đứa trẻ cách sử dụng các công cụ khác nhau trong nhà xe. Họ dạy con về lực ma sát và chỉ cho chúng cách mài những cái đinh và bánh xe, cách bảo đảm rằng các bánh xe thẳng hàng khi ráp vào xe.

Chế tạo những chiếc xe này chắc hẳn đã gây ra nhiều bực dọc cho cả phụ huynh lẫn con trẻ. Một mình phụ huynh kiểm soát một quá trình phức tạp và để đứa con ngồi quan sát sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng sự cộng tác cũng tạo ra những khó khăn đáng mong đợi cho việc học. Những đứa con thực sự tham gia vào quá trình chế tạo ra chiếc xe đã học được rất nhiều về vật lý và các công cụ trong quá trình đó.

Tất cả các tình huống giảng dạy nên cố gắng tạo ra loại cộng tác này. Một người học không nên bị bỏ lại một mình như những đứa trẻ tự chế tạo chiếc xe của chúng. Giảng dạy tích cực có thể cung cấp một khung sườn để các học viên tiến xa hơn kiến thức hiện tại của họ, trình bày những khái niệm mới và đưa ra những đề xuất chủ chốt để tiến bộ. Cùng lúc đó, người học phải làm rất nhiều việc giúp cho bài học thành công. Học viên sẽ phạm sai lầm và thường thì việc thực hành của họ sẽ không đạt đến trình độ xuất sắc như người có nhiều kiến thức chuyên môn hơn.

Nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotsky đã tập trung nghiên cứu sự cộng tác giữa giáo viên và học viên trong học tập. Ông cho rằng giảng dạy tốt nhất là tập trung vào vùng cận phát triển. Nghĩa là, mỗi học viên tiềm ẩn những năng lực và kiến thức mà họ chưa với tới được. Giáo viên lý tưởng tạo ra một cấu trúc giúp học viên thành công trong việc có được những kỹ năng và thu thập mẫu kiến thức tiếp theo mà không hoàn toàn làm việc đó thay học viên.

Giáo dục nên giống như giàn giáo được sử dụng để xây khung sườn cho một toà nhà mới. Giáo viên tạo ra những cấu trúc tạm thời giúp học viên học được những điều mới. Sau khi học viên đã có được kiến thức mới, giàn giáo sẽ bị gỡ bỏ và sinh viên có thể hoạt động hiệu quả mà không cần nó.

SỬ DỤNG VAI TRÒ CỦA 3

Trong tất cả những đề xuất mà tôi đưa ra trong cuốn sách này, cái có ảnh hưởng nhanh nhất đến Tư duy thông minh của tất cả mọi người xung quanh bạn là Vai trò của 3 – nguyên tắc trong đó bạn chỉ nhớ đại ý ba điều từ mỗi trải nghiệm.

Để giúp bạn phát triển Thói quen thông minh trong việc sử dụng Vai trò của 3 thường xuyên, dù đang phát triển một bài thuyết trình hay đang điều hành một cuộc họp, hãy sử dụng mẫu sau đây để tập trung và sắp xếp các ý tưởng của bạn:

TIÊU ĐỀ BÀI THUYẾT TRÌNH:

Liệt kê ba ý tưởng chính trong bài thuyết trình:
1.

2.

3.

SẮP XẾP BÀI THUYẾT TRÌNH

Tóm tắt ý chính trong một câu:
1.

2.

3.

PHÁT TRIỂN NHỮNG Ý TƯỞNG CHÍNH. TÌM RA CÁC QUAN HỆ

1. Ý tưởng 1 liên quan đến kiến thức nào mọi người đã biết?
2. Ý tưởng 2 liên quan đến kiến thức mọi người đã biết thế nào, bao gồm ý tưởng 1?

3. Ý tưởng 3 liên quan đến kiến thức mọi người đã biết thế nào, bao gồm ý tưởng 1 và 2?

Ba câu hỏi giúp mọi người nhớ và tự lý giải các ý tưởng.

1.
2.

3.

Sử dụng mẫu này sẽ giúp bạn phát triển Thói quen thông minh. Hãy chia sẻ mẫu này với những người khác trong tổ chức để giúp truyền bá kỹ năng trình bày và tập trung vào các bài thuyết trình, cuộc họp và những báo cáo. Những đề xuất này bảo đảm rằng, mọi người bước ra với một ký ức chắc chắn về điều đã được thảo luận.

Cuối cùng, quan trọng là kết thúc mỗi cuộc họp và bài thuyết trình bằng cách rà soát lại những phần chính đã được thảo luận. Hoạt động đánh giá lại này sẽ giúp tạo ra Thói quen thông minh, từ đó làm vững chắc cũng như làm rõ ký ức về một tình huống. Cách làm này cũng sẽ khích lệ tất cả mọi người xem lại các cuộc họp, bài thuyết trình, các cuốn sách, bài viết và báo cáo trước khi chuyển sang một hoạt động khác.

THƯƠNG LƯỢNG NGHĨA

Cốt lõi của Kiến thức chất lượng cao là hiểu biết về cách sự vật vận hành hay kiến thức nhân quả. Như đã thảo luận trong Chương 4, có hai lỗi chính trong kiến thức nhân quả của con người. Một là, có thể có những lỗ hổng trong kiến thức mà con người tưởng đã biết. Thứ hai là, con người có thể sử dụng những thuật ngữ không rõ nghĩa trong lý giải của mình. Những thuật ngữ không rõ ràng có thể lan truyền nhanh chóng trong một tổ chức và mang đến một ảo tưởng về sự hiểu biết những vấn đề phức tạp.

Học giả Luật và Ngôn ngữ Lawrence Solan xem luật như một ví dụ về sự khó khăn trong việc tìm kiếm ngữ nghĩa của các thuật ngữ chính. Các luật gia dành rất nhiều thời gian để soạn ra các diễn giải cho các đạo luật nhằm giảm thiểu số lượng những cách hiểu khác nhau về nó. Khi kết thúc công việc này, những nhà làm luật thường hy vọng rằng họ đã viết một đạo luật rõ nghĩa. Ví dụ, người này trích một đoạn từ luật hối lộ liên bang như sau:

Bất cứ ai, trực tiếp hay gián tiếp, trao, mời chào hay hứa hẹn một cách sai lệch bất kỳ thứ gì có giá trị cho quan chức chính phủ với dự tính gây ảnh hưởng lên hành vi của quan chức đó sẽ bị trừng phạt.

Dù rằng đạo luật này đã được viết cẩn thận, song hoá ra vẫn rất khó nhận được sự đồng thuận về ý nghĩa của nhiều thuật ngữ khác nhau. Những người nào được tính là quan chức chính phủ? Làm điều gì đó sai lệch nghĩa là sao? Những hành động thế nào được gọi là hành vi của quan chức?

Trong hệ thống luật, những câu hỏi này được trả lời thông qua một quá trình kháng cáo đôi khi kéo dài, gian khổ và tốn kém. Khi ai đó bị buộc một tội danh dựa trên đạo luật này, những luật sư biện hộ có thể kháng cáo quyết định buộc tội bằng cách tranh luận rằng đạo luật không áp dụng cho vụ án cụ thể đó. Với đạo luật liên bang trên, một kháng cáo đã nghiên cứu xem liệu các quan chức có thể bị buộc tội vi phạm đạo luật này không nếu lương của họ đến từ quỹ liên bang, dù rằng theo lý thuyết họ là nhân viên của chính phủ. Những thử thách này rốt cuộc giúp củng cố ý nghĩa thực sự của đạo luật.

Do đó, thậm chí những thuật ngữ được xây dựng rõ nghĩa nhất cũng có thể bỏ ngỏ trong diễn dịch. Vấn đề này trở nên quan trọng hơn trong các nhóm. Khi những công ty đề ra các phát biểu mục tiêu và nguyên tắc hoạt động, các ngôn từ được sử dụng có ảnh hưởng lớn tới những hành động tương lai của các nhân viên trong tổ chức. Tuy nhiên, rất nhiều những thuật ngữ này không quan tâm đến mức độ chi tiết như khi hình thành những đạo luật.

Để tránh các sự cố do bất đồng cơ bản trong những thuật ngữ quan trọng, điều cần thiết là thực sự áp dụng một quá trình nhằm hiểu rõ điều được truyền đạt. Một công cụ chính trong việc thương lượng ý nghĩa các thuật ngữ mới là đặt câu hỏi. Khi thuật ngữ không rõ nghĩa, chúng ta thường cố hiểu nó bằng cách tìm đến bối cảnh mà nó được sử dụng. Dù vậy, với những thuật ngữ chính trong lý giải nhân quả, đặt câu hỏi trực tiếp về ý nghĩa của chúng mang đến cơ hội hiểu rõ về khái niệm, vì chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong những quyết định tương lai của tổ chức. Những câu hỏi này đóng vai trò như các kháng cáo và các phiên toà trong hệ thống toà án. Chúng mang đến cơ hội để nhóm thảo luận và chọn lọc nghĩa của thuật ngữ. Nếu không giao tiếp cởi mở, những bất đồng này sẽ không được đưa ra ánh sáng.

Những câu hỏi thẳng thắn, trực tiếp là quan trọng. Mọi người thường sợ bị chê là chậm hiểu do đó họ gật đầu một cách thông thái khi một thuật ngữ mới được sử dụng. Tuy nhiên, nếu là một thành viên giàu kinh nghiệm của một tổ chức, bạn nên hiểu điều được nói. Nếu một phát biểu khiến bạn không hiểu, đó là lỗi của người nói chứ không phải của bạn.

Một lần, tôi đang làm việc với một tổ chức lớn và một giám đốc cao cấp thuyết trình về tầm quan trọng của việc làm việc nhiều hơn với ít nguồn lực hơn trong tình hình kinh tế khó khăn. Vị giám đốc này thúc giục nhóm trong năm sau biến công ty trở nên hiệu quả hơn bằng cách tinh giản những quy trình kinh doanh. Ban đầu, tất cả mọi người trong phòng đều gật đầu đồng ý. Có vẻ tất cả mọi người đều hiểu nhiệm vụ chung đó. Khi cuộc họp tiếp diễn, từ “tinh giản” được mang ra bàn tán và có vẻ như nhóm sẽ đạt được một đồng thuận rằng đây là kế hoạch để đi tiếp.

Dù vậy, sau đó, một giám đốc ở phía cuối phòng bối rối đứng dậy. Cô ấy hỏi rằng “tinh giản” thực sự nghĩa là sao. Cuộc họp dừng lại trong im lặng. Ngay lập tức rõ ràng là không ai chắc về cái họ đồng ý làm.

Cuộc thảo luận nhanh chóng chuyển hướng sang nghĩa của từ “tinh giản”. Thuật ngữ này xuất phát từ ngành kỹ thuật, nhắc đến các phương pháp giảm thiểu các lực kéo ở các vật thể di chuyển. Vậy, “tinh giản” dùng ở đây có nghĩa là làm cho những vật thể biến chuyển với hiệu suất cao hơn. Do đó, nhóm nhận ra rằng, họ được yêu cầu phải làm việc thực sự hiệu quả hơn bằng cách làm cho những quy trình kinh doanh gọn gàng và hiệu quả hơn. Sau đó, nhóm quay trở lại cuộc thảo luận để khám phá định nghĩa cụ thể hơn khi phương pháp này được đưa vào thực tiễn. Nếu rời khỏi cuộc họp chỉ với mục tiêu tinh giản kinh doanh, họ chắc hẳn sẽ không thực sự tiến gần hơn chút nào đến việc đạt được mục tiêu.

Cuối cùng, đặt câu hỏi về nghĩa của thuật ngữ là một cách hiệu quả để tránh ảo tưởng hiểu biết thường đến từ việc sử dụng những thuật ngữ mơ hồ trong tổ chức. Thương lượng ý nghĩa của các thuật ngữ giúp tạo ra Văn hoá thông minh. PHÁT TRIỂN NHÃN PHÂN LOẠI ĐỂ HỖ TRỢ PHÉP LOẠI SUY

Cố vấn cao học của tôi Dedre Gentner vài năm trước đây đã viết một bài luận khoa học có tựa đề “Tại sao chúng ta quá thông minh” trong đó bà cho rằng con người, không giống những sinh vật khác, có khả năng sử dụng ngôn ngữ để tạo ra những nhãn phân loại cho các sự vật. Một phần sức mạnh của các nhãn này là chúng cho phép gọi ra những vật thể trực quan khác nhau bằng cùng một tên. Ví dụ, có rất nhiều sự vật trong thế giới mà chúng ta gọi là cây. Hoá ra, rất nhiều thứ chúng ta gọi là cây ít liên hệ đến những thực vật khác mà chúng ta gọi là bụi rậm hay hoa. Đặc điểm của cái gọi là cây là: cao, có thân gỗ và có bóng mát. Hai đặc tính cao và có bóng mát là những đặc điểm cây mà con người thường nghĩ tới. Do đó, điều thực sự khiến thứ gì đó được gọi là cây (trái ngược với bụi rậm hay cây bụi) không phải là đặc tính sinh vật nào đó mà vì mối liên hệ giữa những chúng với con người. Bằng cách sử dụng một nhãn phân loại, chúng ta có thể nhóm các sự vật lại dựa trên quan hệ này.

Các nhãn phân loại đầy sức mạnh vì chúng cho phép chúng ta phân nhóm dựa trên những dạng tương đồng khác nhau. Từ góc nhìn Tư duy thông minh, những nhãn phân loại có sức mạnh nhất là những cái cho phép chúng ta nhóm các tình huống tương tự lại với nhau. Chương 5 đã tiết lộ cho bạn những cách tạo ra nhãn cho các tương quan nhân quả mà bạn biết. Bạn có thể biết một thuật ngữ như tổn thất ngoài mong đợi ám chỉ những tổn thất không dự định dùng cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Tương tự, tôi mô tả cách sử dụng các ngạn ngữ, tiêu đề truyện và những điểm nút truyện cười như những cách nhắc đến các tình huống tương tự.

Có lẽ phần hay nhất của nhãn phân loại là chúng có thể được chia sẻ. Bằng cách dạy những người khác trong tổ chức các nhãn bạn sử dụng để nhóm các sự vật tương tự lại với nhau, bạn có thể sử dụng ngôn ngữ để tác động đến cách những người này suy nghĩ. Nhà ngôn ngữ học Dan Slobin đã thực hiện nghiên cứu cho thấy, phong cách giao tiếp bạn sử dụng tạo ra những thói quen khiến bạn suy nghĩ theo một cách nhất quán với phong cách đó. Bằng cách phát triển một kho từ vựng phức tạp với những thuật ngữ nói về các mối liên hệ và nhóm những sự vật sự việc tương đồng lại với nhau, bạn sẽ giúp những người xung quanh phát triển Thói quen thông minh trong việc tìm kiếm những phép loại suy.

KHÔNG KHUYẾN KHÍCH ĐA NHIỆM

Đa nhiệm cùng lúc tạo ra những hạn chế lên Tư duy thông minh. Nhưng có rất nhiều cách bạn có thể làm để giúp giảm thiểu sự đa nhiệm trong môi trường của mình. Thay đổi trực tiếp nhất là nghiêm cấm hoạt động đa nhiệm trong môi trường chung của nhóm bạn. Tôi đã chứng kiến rất nhiều buổi thuyết trình và cuộc họp trong đó mọi người bận rộn với việc trả lời email trên điện thoại thông minh và máy tính xách tay khi diễn giả đang trình bày thông tin.

Hầu hết các nhóm tha thứ cho hiện tượng đa nhiệm công khai này bằng cách thỉnh thoảng đảo mắt vòng quanh hay nhún vai. Không phải mọi tổ chức đều làm vậy. Vài vị lãnh đạo của các công ty có thể bảo vệ tầm quan trọng của đa nhiệm trong thế giới hiện đại, trong khi nhiều người tôi từng làm việc chung không cho phép bất cứ ai mang điện thoại thông minh hay máy tính xách tay vào những cuộc họp Ban Giám đốc cấp cao. Mọi người được mong đợi đặt tâm trí mình vào cuộc thảo luận.

Bằng cách loại bỏ tất cả những sự cám dỗ từ hoạt động đa nhiệm, những tổ chức này đã nuôi dưỡng được Văn hoá thông minh. Họ tuyên bố rõ rằng khi một hoạt động thực sự quan trọng, nó đáng nhận được sự tập trung trọn vẹn của tất cả mọi người. Cũng quan trọng không kém là dành sự tôn trọng ngang hàng cho việc tập trung trọn vẹn trong môi trường làm việc của một tổ chức. Có những lúc rõ ràng đa nhiệm là chuyện không thể tránh khỏi. Vào mỗi đầu ngày, bạn có thể kiểm tra email, nghe các tin nhắn điện thoại, lật xem thư của ngày hôm trước. Cùng lúc đó, bạn có thể đang kiểm tra website của công ty để tìm những sự kiện mới xảy ra vào ngày hôm đó. Không công việc nào trong số này đặc biệt tốn sức hay gây nguy hại thực sự nếu làm tất cả cùng một lúc.

Khi bạn đang thực hiện việc học tập kiến thức nhân quả sâu hay đang nỗ lực mô tả lại một vấn đề thì đa nhiệm có thể chỉ ảnh hưởng xấu đến khả năng thành công của bạn. Với những tình huống này, Văn hoá thông minh của bạn nên tìm ra nhiều cách để loại trừ hoạt động đa nhiệm. Có thể đơn giản như đề nghị mọi người tắt email, điện thoại thông minh. Có thể bao gồm việc tạo dựng những môi trường làm việc chung không bị quấy nhiễu hay thậm chí khuyến khích mọi người ngồi bên ngoài để không làm ngắt quãng công việc.

Bên cạnh những cám dỗ của công nghệ, những mục tiêu ngắn hạn do công nghệ tạo ra cũng có thể mang đến những ốc đảo đầy quyến rũ hòng thoát khỏi những công việc nặng nhọc để tạo ra Kiến thức chất lượng cao. Hầu hết những email, cuộc gọi và tin nhắn là những mục tiêu có thể đạt được dễ dàng. Một đồng nghiệp gửi bạn một email ngắn hỏi xin số điện thoại của ai đó và bạn gửi trả lời. Vợ/chồng của bạn gửi một tin nhắn nhờ lấy sữa trên đường về nhà. Danh sách công việc nhắc bạn tải xuống vài tài liệu.

Những mục tiêu ngắn hạn dễ dàng đạt được và chúng mang đến một cảm giác thoả mãn hay hoàn tất ngay tức thì. Ngược lại, đọc một bài viết phức tạp và đầy thử thách có thể tốn công sức và gây bực dọc. Những khó khăn đáng mong đợi này không phải lúc nào cũng thích thú để thực hiện, dù cho chúng thực sự khiến cho việc học tập tốt hơn. Thay vì hoàn tất việc đọc, thật là dễ dàng để chuyển sang đọc email hay tin nhắn và biến mất một lúc để chăm sóc những mục tiêu ngắn hạn.

Lúc nào đó, nghỉ ngơi một chút sau một công việc gắng sức chẳng phải vấn đề gì to tát, nhưng trải nghiệm học tập của bạn sẽ bị giảm sút nếu không có những nỗ lực duy trì liên tục. Bạn sẽ không tìm ra cách mô tả lại vấn đề và Ứng dụng kiến thức của bạn. Bạn càng tránh những công việc khó khăn Tư duy thông minh càng ít được thực hiện. Đa nhiệm là một hành vi bị những người xung quanh chi phối mạnh mẽ. Nếu bạn gửi đi tín hiệu không khuyến khích đa nhiệm một cách rõ ràng, những người xung quanh bạn sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn khi bị cám dỗ thực hiện nhiều công việc cùng lúc. ĐỪNG CẢN ĐƯỜNG CHÚNG TÔI

Nhìn bề ngoài, tạo ra Văn hóa thông minh dường như đi ngược với chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ ăn sâu vào văn hoá phương Tây. Việc châm biếm những khác biệt văn hóa quả là điều dễ dàng. Song, một trong những yếu tố lan toả rộng rãi trong văn hoá Phương Tây là sự tán dương cá nhân chứa đầy sức mạnh. Từ những nhà phát minh (như Bell và Edison) đến những nhân vật lịch sử (từ Alexander Đại Đế đến Churchill), chúng ta đều tán dương những cá nhân và ảnh hưởng của họ đến thế giới.

Văn hoá “Tôi” này bám rễ sâu đến nỗi chúng ta có thể không nhận ra sự ảnh hưởng của nó lên suy nghĩ của mình. Như đã đề cập đầu chương, hệ thống giáo dục của chúng ta nuôi dưỡng sự cạnh tranh cho sự xuất sắc của từng cá nhân. Trường học chấm điểm từng cá nhân học sinh. Khi giáo viên cho bài tập nhóm, phụ huynh lo rằng những đứa trẻ của mình sẽ không được tưởng thưởng xứng đáng với những nỗ lực cá nhân của chúng và rằng điểm của một học sinh sẽ bị ảnh hưởng nếu số còn lại không làm phần việc của mình.

Nhưng những tình huống phức tạp nhất đòi hỏi Tư duy thông minh lại diễn ra trong bối cảnh nhóm. Các doanh nghiệp có thể có những nhà lãnh đạo tài ba, còn những công ty xuất sắc nhất có văn hoá doanh nghiệp mạnh mẽ tưởng thưởng cho sự thông minh, linh hoạt và đổi mới. Những giám đốc giỏi không nhất thiết là người tràn đầy ý tưởng mà là người có trong tay những nhóm làm việc hiệu quả nhất. Nếu một nhóm làm việc trong một dự án và dự án thất bại thì không cá nhân nào của nhóm thành công cả.

Đầu cuốn sách này, tôi đã viết về Johannes Kepler người rất thích thú với cách hệ mặt trời vận hành nhưng ông không thể lý giải sự chuyển động của các hành tinh. Isaac Newton đã làm được điều đó. Newton đã đưa ra một lý thuyết, trong đó các thiên thể chuyển động trừ khi có các lực tác động lên chúng và chuyển động của các hành tinh được điều chỉnh bởi lực hấp dẫn liên tục kéo chúng về phía mặt trời. Newton biết rằng thành công của ông một phần chịu ơn thành quả của những nhà khoa học đi trước. “Nếu tôi thấy xa hơn,” ông nói, “đó là vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ.” Tư duy thông minh rốt cuộc liên quan đến cả tư duy của cá nhân và tư duy của nhóm. Góp phần vào việc tạo ra Văn hoá thông minh bằng cách cải thiện khả năng tư duy của những người xung quanh là một cách giúp tối đa hoá thành công của bạn. Rốt cuộc, Tư duy thông minh của họ cũng sẽ phản hồi trở lại bạn. Thậm chí, những ý tưởng dở của các đồng nghiệp cũng có thể khích lệ bạn suy nghĩ về vấn đề theo một cách mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.