Lời Vàng Của Bố

Giới thiệu



“Tao chỉ yêu cầu mày một việc, đó là hãy dọn dẹp đống rác rưởi của mày để khi mày bước ra ngoài, phòng ngủ của mày không giống như bãi chiến trường. À, chia buồn với việc mày bị bạn gái đá đít nhé.”

Năm hai mươi tám tuổi, tôi sống ở Los Angeles và mối tình phương xa đã bước sang năm thứ ba, vì bạn gái tôi sống ở San Diego. Hầu như thứ Sáu nào tôi cũng rong ruổi suốt ba tiếng rưỡi trên đường, trong khi chiếc Ford Ranger 1999 của tôi bò gần 200 cây số trên quốc lộ 5 đi San Diego. Cứ được một lúc, chiếc xe lại quyết định chết máy một lần. Trong khi đó, chiếc radio lại bị hỏng nên tôi chỉ dò được một kênh duy nhất chuyên phát những bài hát của ca sĩ nhạc rap mới nổi Flo Rida. Chẳng có gì giống với việc lông nhông trên đường cao tốc chỉ để động cơ bị ngỏm, tay lái chết cứng, còn tay nhạc công thì gào lên, “Và đây là CHÀNG TRAI CỦA TÔI, Flo Rida, với ca khúc ăn khách mới ‘Right Round’! Nào chúng ta hãy cùng thưởng thức!”

Nói cho gọn thì việc chạy đi chạy lại trên quãng đường xa xôi này làm tôi rạc cả người. Vì vậy, vào tháng Năm năm 2009, khi Maxim.com mời tôi một công việc cho phép không cần phải ngồi cố định một chỗ, tôi vồ ngay lấy cơ hội này. Tôi có thể chuyển đến San Diego và sống cùng bạn gái. Khó khăn duy nhất trong kế hoạch này là nàng lại không hào hứng được như tôi. Và khi nói “không hào hứng,” là tôi muốn nói rằng lúc tôi xuất hiện trước ngưỡng cửa để đích thân mang tin tốt đến cho nàng, nàng chia tay béng với tôi.

Lái xe ra khỏi nhà nàng, tôi nhận thấy rằng lúc này không những độc thân mà tôi còn chẳng có chỗ nào để ở, bởi vì tôi đã báo cho ông chủ nhà ở Los Angeles là cuối tháng này sẽ chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Rồi xe lại chết máy. Khi hùng dũng bước vào xe để thử nổ máy trở lại, trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ rằng người duy nhất mà tôi biết ở San Diego may ra có phòng cho tôi trú ngụ chính là bố mẹ tôi. Bụng tôi bắt đầu bồn chồn khi tôi hết bật lên lại tắt xuống chiếc chìa khóa trong ổ. Tôi cũng lóe lên ý nghĩ rằng gia đình đang tổ chức tiệc nướng trong ngôi nhà ngay trước chỗ chiếc xe tôi chết máy, có thể nghĩ rằng tôi là một tên biến thái vừa dừng xe lại để thủ dâm. May thay, chưa đầy một phút thì chiếc xe nổ máy trở lại và tôi nhấn ga phóng đến nhà bố mẹ.

Lý do tại sao tôi nhanh chóng cảm thấy căng thẳng như vậy là vì nhờ bố tôi giúp đỡ chẳng khác gì biện hộ trước Tòa án Tối cao: Anh phải trình bày rõ ràng các chi tiết, sắp xếp chúng thành chủ đề đàng hoàng, sau đó viện dẫn các tiền lệ trong những vụ trước đó để có lợi cho trường hợp của mình. Chẳng lâu lắc gì sau khi xuất hiện không kèn không trống trong ngôi nhà ba phòng ngủ khiêm tốn của bố mẹ tôi ở khu vực lân cận với vùng quân sự rộng lớn của San Diego có tên là Mũi Loma, tôi đã phải biện hộ trước bố mẹ cho trường hợp của mình trong phòng khách. Tôi lập tức viện dẫn “Bố và anh trai Daniel Halpern của tôi”, có ý nhắc đến ông anh trai Dan sống ở nhà lúc hai mươi chín tuổi để vượt qua ‘thời kỳ quá độ’.” Tôi trình bày được nửa chừng thì bố tôi ngắt lời.

“Được rồi. Lạy Chúa, mày không cần phải diễn hết cả cái tiết mục văn nghệ thối hoắc đó. Mày biết là mày có thể ở lại đây. Tao chỉ yêu cầu mày một việc, đó là hãy dọn dẹp đống rác rưởi của mày để khi bước ra ngoài, phòng ngủ của mày không giống như bãi chiến trường,” ông nói. “À, chia buồn với việc mày bị bạn gái đá đít nhé.”

Lần gần đây nhất tôi sống ở nhà là cách đây mười năm, khi đang học năm thứ hai ở Đại học bang San Diego. Lúc đó, cả bố và mẹ tôi đều còn đi làm – mẹ tôi là luật sư cho một tổ chức phi lợi nhuận; còn bố tôi làm y tế hạt nhân ở Đại học California-San Diego – vì vậy tôi cũng chẳng hay gặp họ cho lắm.
Mười năm sau, mẹ tôi vẫn làm việc bình thường, nhưng bố tôi đã bảy mươi ba tuổi nên đã nghỉ hưu và quanh quẩn trong nhà. Suốt-Cả-Ngày.

Sau đêm đầu tiên ở nhà, tôi bò ra khỏi giường vào lúc 8 giờ 30 sáng và sắp xếp “phòng làm việc” (vác cái laptop của tôi ra) trong phòng khách, nơi bố tôi đang xem TV, và bắt đầu viết cột báo đầu tiên. Michael Jackson vừa qua đời, vì thế tôi vẽ bức tranh mô tả Chúa Jesus bỏ qua các lời buộc tội xâm hại tình dục trẻ em của Michael Jackson và cho phép anh vào Thiên đường, bởi vì Người rất hâm mộ vua nhạc Pop. (Sau đó, biên tập viên chỉ ra rằng nên để cho Thánh Peter dẫn M.J. đi qua cánh cổng Thiên đường mới phải, nhưng đấy là chuyện khác.) Còn lâu bố tôi mới hiểu rằng thằng cu mặc bộ pyjama của ông và sục sạo Google để tìm những bức ảnh ngớ ngẩn về Chúa Jesus đang làm việc. Vì vậy ông vẫn đối xử với tôi như bình thường.

“Thế đéo nào mà Wolf Blitzer lại nói với tao về Michael Jackson nhỉ?” ông quát lên. “Tổng thống thì đang tới cái nước Nga quái quỷ kia tìm cách bảo bọn chó đẻ ngừng vũ khí hạt nhân, thế mà hắn lại nói với tao về Michael Jackson? Mẹ nó chứ, Wolf Blitzer!”

Cứ như vậy cho đến hết ngày, bố tôi thường xuyên nổi đóa lên vì một chuyện gì đó, từ nhà bếp hoặc ngoài sân hoặc bất cứ chỗ nào nhảy vọt vào phòng khách rồi hét lên những câu đại loại như, “Mày cho tương cà chua lên cái bánh hamburger tao làm cho mày à?”

“Vâng, sao ạ?”

“Sao ạ? Mày bảo sao ạ là thế đéo nào? Đấy là bánh hamburger thượng hạng. Không phải là cái đồ cứt ngựa mày nấu. Tao đã bỏ thời gian cho nó. Lần sau tao sẽ nấu cứt cho mà ăn.”

Về nhà tuyệt thật.

Theo những gì tôi biết về ông, bố tôi là người thô lỗ. Khi còn nhỏ, gần như là tôi phát khiếp lên với ông, vì vậy tôi không tài nào hiểu được rằng mình đang tiếp xúc với một người thẳng thắn nhất thế giới. Giờ đây, khi đã trưởng thành, suốt ngày tôi tiếp xúc với đủ hạng người – bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng – chẳng bao giờ họ nói thật những gì đang nghĩ trong lòng cả. Càng dành nhiều thời gian gần gũi bố trong hai tháng đầu tiên quay về nhà, tôi càng bắt đầu cảm thấy biết ơn sự pha trộn giữa tính chân thật với sự điên rồ đặc thù trong lời nói và tính cách của ông.

Một hôm, tôi đi dạo với bố, còn chú chó Angus thì đánh hơi trong bụi cây bên ngoài căn nhà hàng xóm. Bố quay sang tôi và nói, “Nhìn lỗ đít con chó kìa.”

“Cái gì? Sao cơ ạ?”

“Nhìn lỗ đít nó giãn ra là biết ngay nó sắp ỉa rồi. Thấy chưa. Đấy.”

Đúng thời điểm ấy, thời điểm chú chó ị vào sân nhà hàng xóm còn bố tôi đứng đấy hãnh diện ngắm nhìn lời tiên đoán của mình trở thành hiện thực, tôi mới nhận ra ông thông thái, thậm chí có khả năng tiên tri đến mức nào.

Tối hôm đó, tôi ghi lại câu nói của ông và đưa lên làm trạng thái trên cửa sổ chat khi không ngồi ở máy tính. Và sau đó, mỗi ngày tôi lại lấy một câu nói buồn cười của bố để đưa lên làm trạng thái. Khi một người bạn khuyên tôi hãy tạo trang Twitter để lưu lại tất cả những phát ngôn điên rồ của ông, tôi đã lập trang “Shit My Dad Says” (Lời vằng của bố). Trong khoảng một tuần, chỉ có vài người theo dõi tôi – hai người bạn biết bố tôi và nghĩ rằng ông chỉ là nhân vật hư cấu. Rồi sau một hôm ngủ dậy tôi có cả ngàn người theo dõi. Ngày hôm sau, mười ngàn. Rồi năm mươi ngàn. Rồi một trăm, hai trăm, ba trăm ngàn, và đột nhiên ảnh bố tôi cùng những câu nói của ông xuất hiện khắp nơi. Các nhà xuất bản gọi điện, muốn giới thiệu tôi; những nhà sản xuất truyền hình mời tôi tham gia chương trình; còn phóng viên thì xin phép được phỏng vấn.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: Không ổn rồi. Cảm xúc tiếp theo chỉ có thể được mô tả bằng cụm từ: Sợ vãi đái.

Để minh họa cho việc bố tôi ghét các thể loại chú ý của công chúng thế nào, tôi xin được dẫn ý kiến của ông về các thí sinh tham gia cuộc thi Jeopardy! Bố tôi là người có học và hiểu biết, và một tối nọ khi tôi đang xem Jeopardy! thì ông bước vào phòng khách và trả lời chính xác từng câu hỏi mà Alex Trebek nêu ra. “Bố, bố nên đi thi Jeopardy! mới phải,” tôi nói.

“Mày đùa cái quái gì thế? Xem bọn chúng kìa. Chúng chẳng có tí tự trọng đéo nào cả. Mất tư cách. Tham gia một chương trình thực tế như vậy chỉ tổ khiến tao phát ốm.”

Tôi biết mình phải kể cho bố nghe chuyện từ trước đến nay tôi đưa lời ông lên mạng, và bây giờ các nhà xuất bản cũng như các chương trình truyền hình đang quan tâm đến việc chuyển thể tài liệu này. Nhưng trước khi làm vậy, tôi tính gọi cho ông anh cả Dan với hy vọng anh sẽ bảo rằng chẳng qua tôi cứ nghiêm trọng hóa sự việc, chứ với bố thì chuyện này nhỏ như con thỏ.

“Vãi cứt, mày làm cái gì thế?” Dan vừa nói với tôi vừa phá lên cười lớn. “Cậu ba ơi, bố sẽ – mà thậm chí tao cũng không biết bố sẽ làm gì nữa. Tốt nhất là mày chuẩn bị cuốn gói khỏi nhà đi. Nếu tao là mày, tao sẽ thu xếp đồ đạc trước, kiểu lánh nạn ấy. Chỉ mang món nào quan trọng để có thể xách một tay thôi.”

Tôi quyết định đi dạo một vòng quanh khu nhà để tập trung suy nghĩ trước khi đối mặt với bố tôi. Dạo một vòng quanh khu nhà đã biến thành vài dặm quanh khu nhà, và một tiếng sau đó khi trở về, tôi phát hiện thấy bố tôi đang ngồi trên bậu cửa trước nhà, trông rất vui vẻ. Tôi xác định hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ.

“Bố ơi, con phải nói với bố một chuyện… lạ,” tôi nói ngập ngừng, rụt rè ngồi xuống chiếc ghế dựa bên cạnh ông.

“Mày phải nói với bố một chuyện lạ hử? Chuyện lạ gì mà mày phải nói với bố?” Ông đáp lời.

“Vâng, có một thứ được gọi là Twitter,” tôi nói.

“Tao biết Twitter là gì, bố sư khỉ. Mày nói cứ như tao không biết cứt là gì ấy. Tao biết nó là gì. Mày phải lắp mạng mới vào được Twitter,” ông nói, tay ra hiệu xoay chiếc chìa khóa trong ổ điện khi nói đến chỗ “lắp mạng.”

Và sau đó, tôi trải hết tất cả ra: Trang Twitter của tôi, những người theo dõi, các bài báo, các nhà xuất bản, các nhà sản xuất truyền hình, tất tần tật. Ông lặng lẽ ngồi nghe. Sau đó ông bật cười, đứng dậy, lấy tay phủi quần và nói, “Mày có thấy cái điện thoại di động của bố đâu không? Mày gọi vào đấy cái, tao tìm mãi chả thấy.”

“Vậy là bố… không trách con về chuyện này? Bố đồng ý để con viết sách, đưa trích dẫn, tất cả mọi thứ?” Tôi hỏi.

“Tao quan tâm làm đéo gì? Tao không cần biết người ta nghĩ gì về tao. Cứ xuất bản những gì mày muốn. Tao chỉ có hai nguyên tắc: Tao không nói chuyện với ai cả, và mày kiếm được đồng nào thì cứ giữ lấy. Tao có mẹ nó tiền của tao rồi. Đếch cần tiền của mày,” ông nói. “Giờ thì gọi vào điện thoại di động của tao xem nào, bố sư khỉ.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.