Lolita

Chương 16



Lòng bàn tay tôi vẫn còn đầy chất ngà đậm đặc của Lolita – đầy cái cảm giác về thăn lưng tiền-dậy thì của em, về làn da nhẵn mịn như ngà qua chiếc áo mỏng mà tôi xoa lên xoa xuống trong khi ôm em trong tay. Tôi bước vào căn phòng lộn xộn của em, mở toang tủ quần áo và lục bới một đống đồ nhàu nhĩ đã từng chạm vào thân thể em. Đặc biệt, có một mảnh vải hồng vừa bẩn vừa rách, có mùi hăng hắc ở đường chỉ khâu. Tôi lấy nó bao quanh trái tim to tướng sung huyết của Humbert. Một mớ hỗn độn đến thắt lòng dâng đầy trong tôi – nhưng tôi phải bỏ lại những thứ này và vội vã lấy lại vẻ bình thản khi chợt nhận ra cái giọng êm như nhung của chị hầu gái khẽ gọi tôi từ cầu thang. Có một lá thư cho tôi, chị ta nói; và đáp lại lời cảm ơn như máy của tôi bằng một câu “không dám” nhã nhặn, Louise đôn hậu đặt vào bàn tay run rẩy của tôi một bì thư không dán tem và sạch lạ lùng.

Đây là một lời thú nhận: tôi yêu ông (bức thư mở đầu như vậy; và trong một khoảnh khắc bối rối, tôi lầm tưởng những dòng loằng ngoằng thác loạn này là chữ viết nguệch ngoạc của một nữ sinh). Chủ nhật vừa rồi, ở nhà thờ – ông thật tệ, không chịu đến xem những tranh kính ghép màu mới, tráng lệ của chúng tôi! – phải, mới Chủ nhật vừa rồi thôi, người thương của tôi ơi, khi tôi thỉnh Chúa xem nên làm như thế nào và đã được dạy là hãy hành xử như tôi đang làm lúc này đây. Ông thấy đấy, không còn cách nào khác. Tôi đã yêu ông ngay từ phút đầu gặp mặt. Tôi là một người đàn bà đam mê và cô đơn, và ông là mối tình của đời tôi.

Giờ đây, người thân yêu, thân yêu nhất của tôi, mon cher, cher monsieur* (ông thân yêu, rất thân yêu), ông đã đọc những lời này; giờ thì ông đã biết. Vậy thì xin ông hãy đóng gói hành lí và đi khỏi ngay lập tức. Đây là lệnh của bà chủ nhà. Tôi đang đuổi một người thuê nhà. Tôi đang tống cổ ông ra khỏi nhà đấy. Đi đi! Xéo đi!Départez!* (Đi đi)[1] Tôi sẽ về nhà vào khoảng giờ ăn tối, nếu tôi phóng một trăm ba muơi km/giờ [2] cả đi lẫn về và không gặp tai nạn (nhưng điều đó thì có quan trọng gì?), và tôi không muốn thấy ông ở trong nhà nữa. Xin ông, xin ông làm ơn đi ngay đi, ngay tức thì, thậm chí đừng đọc nốt bức thư dở hơi này. Đi đi. Vĩnh biệt.

[1] Bà Haze dùng sai từ tiếng Pháp, đáng lẽ phải là: Partez!

[2] Theo nguyên bản là tám mươi “mile”, chúng tôi chuyển sang hệ mét, quen thuộc hơn với độc giả Việt Nam.

Tình thế là rất giản đơn, chéri* (bạn thân yêu). Dĩ nhiên, tôi tuyệt đối biết chắc rằng tôi chẳng là gì đối với ông, chẳng là gì hết. Ôi, phải, ông thích trò chuyện với tôi (và giỡn cợt mụ đàn bà tội nghiệp là tôi đây), ông đã trở nên gắn bó với ngôi nhà thân thiện của chúng tôi, với những cuốn sách mà tôi yêu thích, với khu vườn xinh đẹp của chúng tôi, thậm chí với cả những thói quậy phá của Lo – song tôi chẳng là gì đối với ông. Đúng chứ? Đúng thế. Chẳng là bất cứ gì đối với ông. Nhưng nếu, sau khi đọc “lời thú tội” này của tôi, ông quyết định, theo cái thói lãng mạn đen tối kiểu châu Âu của ông, rằng tôi đủ hấp dẫn để khiến ông lợi dụng bức thư này mà ve vãn tôi, thì ông là một tên tội phạm – xấu xa hơn cả một kẻ bắt cóc hãm hiếp một đứa bé. Ông thấy đấy,chéri*. Nếu ông quyết định ở lại, nếu tôi thấy ông ở trong nhà (điều mà tôi biết sẽ không xảy ra và chính vì thế mà tôi mới có thể tiếp tục làm như thế), việc ông ở lại chỉ có nghĩa một điều: rằng ông muốn có tôi không kém gì tôi muốn có ông: như một nguời bạn trọn đời; và rằng ông sẵn sàng gắn kết đời ông với đời tôi mãi mãi và mãi mãi và làm một người cha cho đứa con gái nhỏ củatôi.

Hãy cho tôi xả hơi nói quàng xiên một chút xíu nữa, bạn thân yêu nhất, vì tôi biết lúc này ông đã xé lá thư này và vứt những mảnh của nó (không đọc được vào xoáy nước của bồn cầu. Bạn thân yêu nhất của tôi, mon très, très cher*, ông không thể hình dung nổi tôi đã xây dựng một vũ trụ yêu đương như thế nào vì ông trong cái tháng Sáu kì diệu này đâu! Tôi biết tính ông rất dè dặt, rất “Anh”, sự kín đáo truyền thống của Cựu Lục Địa nơi ông, ý thức lịch thiệp của ông có thể bị sốc bởi sự táo tợn của một người con gái Mĩ! Là người biết giấu những tình cảm mãnh liệt nhất của mình, hẳn ông nghĩ tôi là một con ngốc trơ trẽn nên mới mở banh trái tim bầm giập tội nghiệp của mình ra như thế này. Trong những năm qua, nhiều nỗi thất vọng đã đến với tôi. Ông Haze là một con người tuyệt vời, một tâm hồn cao quí, nhưng ông ấy hơn tôi những hai mươi tuổi và… nhưng thôi, ta đừng nói phiếm về chuyện đã qua. Bạn thân yêu nhất, trí tò mò của ông chắc sẽ được thỏa mãn nếu ông bỏ qua yêu cầu của tôi và đọc đến hết đoạn cuối cay đắng của bức thư này. Không sao. Hãy hủy nó và đi đi. Đừng quên để lại chìa khóa ở trên bàn trong phòng ông. Và một mảnh giấy ghi địa chỉ để tôi có thể hoàn trả mười hai đô la số dư tiền nhà cho đến hết tháng này. Tạm biệt. Hãy cầu nguyện cho tôi – nếu có khi nào ông cầu nguyện.

C. H.

Những gì tôi trình bày ở đây là những gì tôi nhớ được từ bức thư và những gì tôi nhớ được từ bức thư là nhớ nguyên văn từng lời từng chữ (kể cả thứ tiếng Pháp dễ sợ). Bức thư ít nhất dài gấp đôi thế. Tôi đã bỏ qua một đoạn dài rất trữ tình mà hồi ấy tôi đọc có phần nhảy cóc, nói về đứa em trai Lolita chết lúc hai tuổi khi em lên bốn, mà nếu còn sống, chắc sẽ được tôi rất cưng. Để xem tôi còn có thể nói thêm điều gì nữa nhỉ? À có. Cũng có thể cái cụm từ “xoáy nước của bồn cầu” (mà trên thực tế, cuối cùng, bức thư cũng đi đến chỗ đó) là phần đóng góp nôm tục của riêng tôi. Hình như bà ta xin tôi nhóm một ngọn lửa đặc biệt để hỏa táng nó.

Phản ứng đầu tiên của tôi là ghê tởm và co mình lại. Phản ứng thứ hai tựa như một bàn tay bè bạn vỗ vào vai, khuyên hãy bình tĩnh và nhẩn nha. Tôi nghe theo. Bứt ra khỏi trạng thái bàng hoàng, tôi thấy mình vẫn ở trong phòng của Lo. Một trang ảnh quảng cáo xé ra từ một họa báo in láng bóng được gắn vào tường phía trên giường, giữa khuôn mặt của một ca sĩ sến và hàng mi của một nữ minh tinh màn bạc. Trên trang quảng cáo là một anh chồng trẻ tóc đen với vẻ mệt mỏi trong cặp mắt Ailen; đó là người mẫu trình diễn kiểu áo choàng do Gì-Gì-Đó thiết kế, tay cầm một cái khay giống hình cây cầu của hãng Nọ-Kia, đựng hai suất điểm tâm. Lời chú thích của Đức Cha Thomas Morell[3] gọi gã là “anh hùng chinh phục”. Tân giai nhân bị chinh phục hoàn toàn (không thấy trong ảnh) chắc đang dựa vào chồng gối ngồi dậy để nhận suất điểm tâm của mình trên khay. Chẳng ai biết người bạn chung giường của nàng làm thế nào để chui dưới gầm cầu mà không mắc chuyện rắc rối phiền toái. Lo đã vẽ nghịch một mũi tên chỉ vào bộ mặt phờ phạc của gã người tình và ghi bằng chữ to: H. H. Mà quả thật, giống lạ lùng, tuy có chênh nhau mấy tuổi. Bên dưới là một tấm ảnh khác, cũng dạng quảng cáo tô màu. Một kịch tác gia lỗi lạc đang trịnh trọng hút một điếu Drome. Ông ta bao giờ cũng hút Drome. Hình này thì chỉ hao hao thôi. Dưới đó là cái giường trinh trắng của Lo, la liệt truyện tranh. Khung giường đã tróc men, để lộ những vết tròn tròn trên nền trắng. Sau khi chắc chắn là Louise đã đi khỏi, tôi nằm lên giường Lo và đọc lại bức thư.

[3] Thomas Morell (1703-1784), học giả cổ điển Anh, người viết ca khúc nổi tiếng “Hãy nhìn người anh hùng chinh phục tới” mở đầu bằng câu: “Hãy nhìn người anh hùng chinh phục tới. Rúc kèn và nổi trống lên”. Bài hát được nhiều tác giả danh tiếng sử dụng, đặc biệt là nhạc sĩ lớn George Frederic Handel (1685-1759) và đại văn hào James Joyce. Handel dùng nó trong hai vở oratorio Joshua và Judas Maccabeus. Joyce dẫn nó trong Ulysses để chỉ gã đàn ông quyến rũ Molly.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.