Lolita

Chương 20



Có một con hồ trong rừng (Hourglass Lake – không như tôi đã viết sai chính tả ở mấy đoạn trước[1]) cách Ramsdale mấy dặm, và hồi cuối tháng Bảy, khi chúng tôi thường tới đây hàng ngày, có một tuần rất nóng. Giờ đây, tôi buộc phải mô tả, với một số chi tiết nhàm chán, cuộc đi bơi chung cuối cùng của chúng tôi vào một buổi sáng thứ Ba nồng nực.

[1] Hourglass là đồng hồ cát. Ở trên, H. H. đã hai lần viết nhầm là Our Glass, đồng âm nhưng khác nghĩa (xem thêm chương 11, Phần Một). Dù sai hay đúng, cả hai cái tên đó đều đầy hàm ý, Our Glass (Chiếc gương của chúng ta) gợi lên khuynh hướng duy ngã của H. H., còn Hourglass thể hiện sự ám ảnh về thời gian.

Chúng tôi để xe ở một bãi đậu xe không xa đường cái và theo con đường tắt qua rừng thông xuống hồ; vừa đi, Charlotte vừa kể là Chủ nhật vừa rồi, Jean Farlow, vốn thích tìm hiệu quả ánh sáng hiếm thấy (Jean thuộc trường phái hội họa cũ) bắt gặp Leslie nhảy xuống nước “trong trang phục gỗ mun” (theo lối nói châm biếm của John) vào năm giờ sáng.

“Chắc là nước lúc đó lạnh lắm,” tôi nói.

“Đó không phải là vấn đề,” người thân yêu mệnh bạc của tôi nói một cách lô-gích. “Hắn ta kém thông minh, mình thấy không. Và,” nàng nói tiếp (theo cái lối kiểu cách đặc trưng của nàng, nó đã bắt đầu tác động đến sức khỏe của tôi), “em có cảm giác chắc chắn là Louise nhà mình đã phải lòng gã đần độn đó.”

Có cảm giác! “Chúng tôi có cảm giác Dolly chưa làm được tốt lắm”, vân vân (trích từ một phiếu điểm của nhà trường).

Ông bà Humbert bước tiếp, mình khoác áo choàng, chân đi dép xăng đan.

“Mình biết không, Hum: em có một ước mơ đầy tham vọng,” Hum phu nhân thốt ra, đầu cúi thấp – ra vẻ ngượng nghịu vì ước mơ ấy – như giao hòa với mặt đất màu vàng hung. “Em rất muốn có một hầu gái được đào tạo chính qui như cô gái Đức mà vợ chồng Talbot nhắc đến; và cho cô ta tá túc luôn ở nhà mình.”

“Làm gì có chỗ,” tôi nói.

“Nào, nào,” nàng tủm tỉm cười giễu cợt, “chắc chắn là có đấy, chéri*, mình đánh giá thấp khả năng của ngôi nhà Humbert rồi. Chúng ta sẽ xếp cho cô ta ở phòng của Lo. Dù sao, em cũng đã có ý định biến cái hõm ấy thành phòng dành cho khách. Đó là phòng lạnh nhất và tồi tàn nhất trong nhà.”

“Mình nói gì vậy?” tôi hỏi, da mặt ở chỗ lưỡng quyền căng lên (tôi nhấn mạnh chi tiết này chỉ vì da con gái tôi cũng phản ứng cách đó khi có cảm giác tương tự: không tin, ghê tởm, bực tức).

“Mình bối rối vì những Liên Tưởng Lãng Mạn chăng?” vợ tôi hỏi – ám chỉ lần đầu tiên nàng chịu qui hàng.

“Chết tiệt, không,” tôi nói, “tôi chỉ tự hỏi là mình sẽ xếp con gái mình ngủ đâu khi mình có khách nghỉ lại hoặc cho hầu gái đến ở.”

“À,” Humbert phu nhân mỉm cười nói, vẻ mơ mộng, kéo dài tiếng “À” cùng lúc với một cái nhướn mày và một hơi thở nhẹ. “Em e rằng bé Lo không ăn nhập gì vào đây, hoàn toàn không. Từ trại hè, bé Lo sẽ đến thẳng một trường nội trú tốt, có kỉ luật nghiêm ngặt và nề nếp giáo dục tôn giáo thuần thục. Và sau đó là Đại học Beardsley. Em đã dự liệu toàn bộ chuyện ấy, mình khỏi lo.”

Nàng nói thêm rằng nàng, Humbert phu nhân đây, sẽ phải vượt qua thói biếng nhác thường lệ để viết thư cho em gái của Miss Phalen dạy ở St. Algebra. Con hồ chói lóa xuất hiện. Tôi nói tôi phải quay lại lấy cặp kính râm để quên trong xe và sẽ đuổi kịp nàng.

Xưa nay tôi vẫn nghĩ vặn xoắn hai tay vào nhau là một cử chỉ giả tưởng – có lẽ là tàn tích tăm tối của một nghi thức nào đó từ thời Trung cổ; nhưng khi tôi dấn sâu vào rừng để chìm đắm trong tuyệt vọng và suy tư một cách tuyệt vọng, thì chính cái cử chỉ ấy (“lạy Chúa, xin Người hãy nhìn những xiềng xích này!”) là cách biểu tỏ câm lặng sát đúng nhất với tâm trạng của tôi.

Nếu Charlotte là Valeria, thì hẳn tôi đã biết cách ra tay xử lí tình huống; và “ra tay” là từ chính xác tôi muốn dùng. Vào thời xưa tốt đẹp, tôi chỉ cần vặn cái cổ tay giòn dễ gãy của Valeria béo bệu (cái cổ tay nàng chống xuống đất trong một lần ngã xe đạp) là có thể khiến nàng phải đổi ý ngay lập tức. Nhưng với Charlotte thì không thể nghĩ đến bất kì một hành xử nào theo kiểu ấy. Charlotte, người phụ nữ Mĩ tẻ nhạt này, làm tôi sợ. Mơ ước nông nổi của tôi: lợi dụng việc nàng say mê tôi để khống chế nàng, là hoàn toàn sai lầm. Tôi không dám làm điều gì có thể phương hại đến hình ảnh về tôi mà nàng đã dựng lên để tôn thờ. Tôi đã quị lụy nịnh bợ nàng khi nàng là nữ giám hộ ghê gớm kè kè bên người yêu dấu của tôi và một cái gì khúm núm vẫn còn lại dai dẳng trong thái độ của tôi đối với nàng. Chủ bài duy nhất tôi nắm giữ là việc nàng không hay biết gì về mối tình quái gở tôi dành cho bé Lo của nàng. Nàng khó chịu khi thấy Lo thích tôi; nhưng nàng không thể đoán được tình cảm của tôi. Giá như với Valeria thì tôi đã có thể nói: “Này, nàng béo ngu ngốc, c’est moi qui décide* (chính ta mới là người quyết định) cái gì là tốt cho Dolores Humbert.” Với Charlotte, thậm chí tôi còn không thể nói (dù là với giọng nhẹ nhàng để lấy lòng): “Thứ lỗi cho tôi, mình yêu quí, tôi không đồng ý. Chúng ta hãy cho cô bé một cơ hội nữa. Hãy để tôi kèm cặp riêng nó khoảng một năm gì đó. Chính mình chả đã có lần bảo tôi thế là gì…” Thực tế, tôi không thể nói với Charlotte bất cứ điều gì về Lo mà không lộ tim đen của mình. Ôi, quí vị không thể tưởng tượng được (cũng như tôi trước đây chẳng bao giờ tưởng tượng được) những phụ nữ một mực giữ nguyên tắc ấy là như thế nào đâu! Charlotte vốn không hề nhận thấy tính giả trá của mọi qui ước và qui tắc ứng xử thường nhật, của thực phẩm cũng như sách vở, của những người nàng say mê, nhưng nàng sẽ lập tức phát hiện ra âm sắc giả dối trong bất cứ điều gì tôi nói nhằm giữ Lo lại bên tôi. Nàng giống như một nhạc sĩ mà trong đời thường có thể là một kẻ phàm phu tục tử bỉ ổi, không có lấy một xu nhã thức và tế nhị, nhưng trong âm nhạc, thì nhận định chính xác một cách ma quái, nghe cực tinh, không để lọt một nốt sai nào. Muốn đập tan ý chí của Charlotte, tôi ắt phải đập tan trái tim nàng. Nếu tôi đập tan trái tim nàng, hình ảnh tôi trong nàng cũng sẽ tan luôn. Nếu tôi nói: “Hoặc là mình để tôi thỏa nguyện với Lolita và giúp tôi giữ kín chuyện, hoặc là chúng ta chia tay ngay lập tức,” nàng sẽ tái nhợt như một tượng nữ bằng thủy tinh mờ và chậm rãi trả lời: “Được thôi, dù mình có nói thêm hay bớt gì, đây cũng là kết thúc.” Và sẽ là kết thúc thực thụ.

Hiện tình là bế tắc như vậy đó. Tôi còn nhớ khi đó tôi quay về tới bãi đậu xe, vốc một vốc nước có mùi gỉ sắt, uống ừng ực nghiến ngấu như thể nó có thể mang lại cho tôi sự thông tuệ màu nhiệm, sức trẻ, tự do, một nàng hầu tí hon. Hồi lâu, tôi ngồi bên một cái bàn thô sơ, mình khoác chiếc áo choàng màu tía, chân bủn rủn, dưới rặng thông rì rào. Không xa đó, hai thiếu nữ mặc soọc và xu chiêng bước ra từ một khoang vệ sinh lốm đốm nắng, có ghi chữ “Women (nữ)”. Miệng cần mẫn nhai kẹo cao su, Mabel (hay diễn viên đóng thế Mabel) lơ đãng cưỡi lên một chiếc xe đạp và Maria vừa hất tóc để xua ruồi vừa ngồi lên poóc-ba-ga, hai chân giạng ra; và ngật ngưỡng, chậm rãi, lãng đãng, họ hòa lẫn vào ánh nắng và bóng râm. Lolita! Cha và con gái hòa tan vào những cánh rừng này. Giải pháp tự nhiên là xóa bỏ Humbert phu nhân. Nhưng bằng cách nào?

Con người không ai có thể làm một cuộc ám sát hoàn hảo; nhưng sự tình cờ may mắn thì có thể. Từng có vụ giết một Mme Lacour nào đó, một vụ khét tiếng ở Arles, miền Nam nước Pháp, vào cuối thế kỉ trước. Một kẻ không rõ tung tích cao khoảng một mét tám mươi, để râu, mà sau này người ta đoán là người tình bí mật của phu nhân đó; một hôm không lâu sau khi nàng cưới đại tá Lacour, giữa phố đông nghịt, xịch tới đâm chết nàng bằng ba nhát dao trong khi viên đại tá, một người nhỏ thó dáng dấp như một con chó bò, níu lấy cánh tay kẻ sát nhân. Do một sự trùng hợp kì diệu tuyệt vời, đúng lúc kẻ hành thích đang cố gỡ khỏi hàm ông chồng nhỏ con giận dữ (trong khi mấy kẻ hiếu kì xáp tới), một gã kì quặc người Ý trong căn nhà gần đó nhất ngẫu nhiên làm nổ tung một loại thuốc nổ gã đang mày mò, và lập tức, con phố bỗng biến thành một khối hỗn loạn, nào khói, nào gạch rơi vỡ, nào người chạy nhốn nháo. Vụ nổ không làm ai bị thương (ngoại trừ đại tá Lacour dũng cảm bị quật ngã); nhưng người tình quyết chí báo thù thì chạy thoát cùng đám người chạy tháo thân khác – và sống sung sướng đến hết đời.

Hãy thử xem điều gì xảy ra khi bản thân kẻ hành thích lên kế hoạch cho cuộc ám sát hoàn hảo của mình.

Tôi đi xuôi về phía Hồ Hourglass. Nơi chúng tôi và mấy cặp “uyên ương” khác (vợ chồng Farlow, vợ chồng Chatfield) xuống tắm là một thứ vụng nhỏ; Charlotte của tôi thích chỗ này vì nó gần như là một “bãi biển tư”. Địa điểm chính để tắm (hay để “chết đuối” như tờ Nhật báo của thành phố đã có lần nói) ở phần bên trái (phía Đông) của đồng hồ cát, khuất khỏi tầm nhìn từ chỗ cái vụng nhỏ của chúng tôi. Bên phải chúng tôi, rừng thông nhường chỗ cho một vùng đầm lầy hình vòng cung mà ở bờ đối diện, rừng lại tiếp tục trải dài.

Tôi ngồi xuống bên vợ tôi lặng lẽ không một tiếng động, đến nỗi nàng giật mình.

“Chúng mình có xuống tắm không?” nàng hỏi.

“Một phút nữa chúng mình sẽ xuống. Hãy để tôi theo nốt một mạch suy nghĩ.”

Tôi suy nghĩ. Hơn một phút trôi qua.

“Tốt. Nào, xuống tắm thôi.”

“Em có ở trong mạch suy nghĩ ấy không?”

“Chắc chắn là có rồi.”

“Em hi vọng thế,” Charlotte vừa nói vừa bước xuống hồ, chẳng mấy chốc nước đã tới cặp đùi phốp pháp nổi da gà của nàng; và rồi, chắp hai bàn tay xòe ra, mím chặt miệng, mặt xấu hẳn đi vì cái mũ cao su đen, Charlotte lao mình về phía trước đánh “tùm” một cái.

Chúng tôi bơi chầm chậm ra xa bờ, trong ánh lấp lánh của mặt hồ.

Bên kia, cách chúng tôi ít nhất là nghìn bước chân (nếu người ta có thể đi trên mặt nước), tôi có thể nhận ra dáng hình nhỏ xíu của hai người đàn ông đang hùng hục làm việc như hai con hải li trên dải bờ của họ. Tôi biết đích xác họ là ai: một cảnh sát về hưu gốc Ba Lan và một thợ ống nước cũng đã về hưu, người sở hữu toàn bộ gỗ cây ở phía bên ấy của hồ. Và tôi cũng biết họ đang bắt tay vào xây một bến phà, chỉ cốt chơi vui cho đỡ buồn. Những tiếng gõ đập vọng đến chúng tôi nghe có vẻ to hơn gấp bội những gì mà những cánh tay và dụng cụ tí hon kia có thể phát ra; thật vậy, người ta ngờ rằng đạo diễn của những hiệu quả siêu thanh ấy đã mâu thuẫn với người điều khiển con rối, nhất là vì tiếng ầm của mỗi cú đập nhỏ nhoi bao giờ cũng đến sau tiếp nhận của thị giác.

Dải cát trắng toen hoẻn nơi bãi tắm “của chúng tôi” – từ đó, lúc này chúng tôi đã ra xa hơn một chút để đến chỗ nước sâu – vào buổi sáng những ngày làm việc, thường vắng ngắt. Chẳng có ai ngoài hai bóng người nhỏ xíu bận rộn ở bờ bên kia và một chiếc máy bay tư nhân màu đỏ thẫm đang vè vè trên đầu rồi biến mất trong bầu trời xanh thăm thẳm. Khung cảnh quả là hoàn hảo cho một cuộc mưu sát chớp nhoáng sủi bong bóng, và đây là điểm tinh tế: vị trí của nhân viên luật pháp và người quản lí nước vừa đủ gần để chứng kiến một tai nạn, song lại vừa đủ xa để không thể nhận ra đó là một tội ác. Họ ở đủ gần để nghe thấy tiếng một người tắm đang hoảng hốt vung chân đập tay, gào thét, mong có ai đến giúp hắn cứu vợ hắn sắp chết đuối; và họ ở quá xa để có thể thấy rõ (nếu họ tình cờ nhìn quá sớm) là người đang bơi ấy không hề hoảng hốt mà đang dìm đạp vợ hắn dưới chân cho đến chết. Tôi còn chưa đến cái bước ấy; tôi chỉ muốn để quí vị thấy muốn làm điều đó thật dễ ợt và khung cảnh là xiết bao thuận lợi! Vậy thì Charlotte vẫn đang tiếp tục bơi một cách vụng về cần mẫn (nàng là một nữ nhân ngư rất xoàng) nhưng không phải là không thích thú, một sự thích thú có phần trang nghiêm (nam nhân ngư của nàng chẳng đang ở bên cạnh nàng đó sao?); và trong khi, với độ sáng suốt lạnh lùng của một hồi tưởng sau này (quí vị biết đấy – cố nhìn sự việc bằng con mắt phục hiện của trí nhớ), tôi quan sát bộ mặt ướt dẫm, trắng bóng của nàng chẳng sạm đi được mấy tí mặc dù nàng đã ra công tắm nắng, đôi môi nhợt nhạt, cái trán dô trần trụi, cái mũ đen nịt chặt và cái cổ ướt phốp pháp, tôi biết rằng mình chỉ cần tụt lại sau, hít một hơi thật sâu, rồi túm lấy mắt cá chân nàng, lặn xuống thật nhanh cùng cái xác bị tôi cầm tù. Tôi nói cái xác là vì: bất ngờ, hoảng sợ và thiếu kinh nghiệm ắt sẽ khiến nàng tức thì nuốt vào hàng lít nước hồ độc hại, trong khi tôi có thể trụ lâu ít nhất là trọn một phút dưới nước, mắt vẫn mở. Cử chỉ sát hại ấy xoẹt một phát như cái đuôi của một vì sao đổi ngôi qua tấm màn đen của tội ác mà tôi đang trù tính. Nó giống như một vở ba lê câm kinh hoàng, nam diễn viên nắm chân vũ nữ và lao vút qua khoảng tranh tối tranh sáng lấp loáng như nước. Tôi có thể ngoi lên để hớp một ngụm không khí trong khi vẫn dìm nàng dưới nước, rồi lại lặn tiếp kì cho đủ số lần cần thiết, và chỉ khi nào hạ màn dứt điểm hẳn với nàng, tôi mới tự cho phép mình kêu cứu. Và, khoảng hai mươi phút sau, khi hai con rối kia mỗi lúc một lớn dần lên trên một con thuyền mới sơn lại được một nửa, chèo tới nơi, thì Humbert Humbert phu nhân tội nghiệp, nạn nhân của một cú chuột rút hay một cơn nghẽn động mạch vành, hoặc cả hai, đã trồng cây chuối trên lớp bùn đen như mực ở độ sâu mười mét dưới mặt hồ Hourglass tươi nắng.

Thật đơn giản, phải không? Nhưng, bà con biết không – tôi không thể quyết định làm thế được.

Nàng bơi bên cạnh tôi, một con hải cẩu vụng về, đầy lòng tin cậy, và tất cả lô-gích của đam mê thét vào tai tôi: Đây chính là thời điểm thích hợp! Và rành là tôi không thể, bà con ạ! Lặng lẽ, tôi quay vào bờ và trang trọng, ngoan ngoãn, nàng cũng quay vào theo. Địa ngục vẫn thét lên lời khuyên của nó trong khi tôi vẫn không thể quyết định dìm chết con người tội nghiệp to béo và trơn tuột kia. Tiếng thét mỗi lúc một xa trong khi tôi nhận chân ra sự thật đáng buồn là: cả ngày mai lẫn ngày thứ Sáu cũng như bất cứ ngày hoặc đêm nào, tôi đều không thể quyết định kết liễu đời nàng. Ôi, tôi có thể mường tượng mình đánh vào ngực Valeria đến xệch xẹo đôi bầu vú, hoặc làm đau ả bằng cách nào khác – và, với một độ rõ nét không kém, tôi có thể hình dung mình bắn vào bụng dưới người tình của ả, khiến hắn kêu “ối!” và ngồi phịch xuống[2]. Nhưng tôi không thể giết Charlotte – nhất là khi mà sự thể, nhìn chung, có lẽ không đến nỗi tuyệt vọng như tôi tưởng khi mới thoạt cau mắt[3] nhìn, hồi đầu buổi sáng khốn nạn này. Và cho dù tôi có gan túm lấy bàn chân chắc khỏe quẫy đạp của nàng; nhìn thấy cái vẻ kinh ngạc của nàng, nghe thấy cái giọng hãi hùng của nàng; cho dù tôi có thể vượt qua trót lọt thử thách ấy, thì bóng ma của nàng cũng sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Nếu đây là năm 1447, thay vì năm 1947, có lẽ tôi đã có thể đánh lừa bản chất hiền hòa của mình bằng cách cho nàng uống một loại thuốc độc cổ điển nào đó chắt ra từ một viên mã não rỗng, một thứ bùa ngải mang lại cái chết êm dịu. Nhưng trong cái kỉ nguyên trung lưu tọc mạch của chúng ta, sự việc sẽ không diễn ra theo cách nó thường diễn ra trong những lầu son gác tía của quá khứ. Ngày nay, anh phải là một nhà khoa học nếu muốn giết người. Không, không, tôi không phải là nhà khoa học, cũng chẳng phải là kẻ sát nhân. Thưa quí bà quí ông trong đoàn bồi thẩm, những tội phạm tình dục, thèm khát quan hệ thể xác với một bé gái theo một cách nào đó, rạo rực đến độ sướng rên lên, nhưng không nhất thiết là giao hợp, đa phần là những kẻ vô tích sự, bất túc, thụ dộng, rụt rè, những kẻ cha căng chú kiết chỉ cầu xin cộng đồng cho họ được phép theo đuổi cách hành xử gọi là dị thường nhưng hồ như vô hại của họ, được phép kín đáo duy trì tí chút hành vi tình dục trái thói, vừa nóng bỏng vừa ướt át của họ, mà không bị cảnh sát và xã hội trấn áp. Chúng tôi không phải là những tên quỉ dâm dục! Chúng tôi không hiếp dâm như đám binh sĩ hảo hớn. Chúng tôi là những người hào hoa phong nhã bất hạnh, hiền hòa với đôi mắt chó tiu nghỉu, đã hội nhập đủ mức với cộng đồng để biết kiềm chế xung động của mình trước mặt những người lớn tuổi, nhưng sẵn sàng đổi nhiều, nhiều năm sống lấy một cơ hội chung đụng với một tiểu nữ thần. Xin nhấn mạnh rằng chúng tôi tuyệt đối không phải là những kẻ giết người. Thi sĩ không giết bao giờ. Ôi, Charlotte tội nghiệp của tôi, đừng có căm ghét tôi, từ bầu trời vĩnh cửu của mình, giữa một thuật giả kim vĩnh cửu của nhựa đường và cao su và kim loại và đá – nhưng đội ơn Chúa, không có nước, không có nước!

[2] Một hình ảnh dự báo cái chết của Quilty ở cuối sách.

[3] Nguyên văn: “at first wince” (“wince” nghĩa là nhăn nhó, cau mặt), một biến thái của thành ngữ “at first glance” (mới thoạt nhìn) theo lối giỡn chữ của Humbert Humbert.

Tuy nhiên, chỉ thiếu một chút xíu nữa thôi, phải khách quan mà nói vậy. Và bây giờ đến câu chuyện ngụ-ngôn-tội-ác-hoàn-hảo của tôi.

Chúng tôi ngồi xuống trên những chiếc khăn tắm trong ánh nắng khát. Nàng nhìn quanh, nới lỏng xu chiêng và xoay người nằm sấp bụng cho cái lưng có cơ hội hưởng bữa tiệc nắng. Nàng nói nàng yêu tôi. Nàng trút một tiếng thở dài rõ sâu. Nàng vươn tay, lần tìm thuốc lá trong túi áo choàng tắm. Nàng ngồi dậy và hút thuốc. Nàng nhìn kĩ bờ vai phải của mình. Nàng ban cho tôi một cú hôn tấn bằng cái miệng há nhả khói. Bất thình lình, từ đám cây thông và bụi râm phía trên, theo bờ dốc của cồn cát đằng sau chúng tôi, lăn xuống một hòn đá, rồi một hòn nữa.

“Cái lũ nhóc dòm trộm ghê tởm,” Charlotte nói, áp chặt cái xu chiêng to mênh mông vào ngực và lại nằm sấp xuống. “Em phải mách Peter Krestovski[4] mới được.”

[4] Một cựu cảnh sát dữ dằn, sẽ còn được nhắc đến ở chương 17, Phần Hai.

Từ chỗ con đường mòn đâm ra bãi tắm, vẳng đến một tiếng lạo xạo, tiếng chân bước, và Jean Farlow với chiếc giá vẽ cùng đồ nghề đi xuống.

“Chị làm chúng tôi hết hồn,” Charlotte nói.

Jean nói vừa rồi nàng ở trên kia, náu trong một lùm cây lá xanh rờn, do thám thiên nhiên (bọn do thám thuờng thường bị xử bắn), cố hoàn thành một bức tranh phong cảnh hồ, nhưng nó chẳng ra sao, nàng chẳng có tí tài năng nào (điều này thì quá đúng) – “Còn anh, Humbert, anh đã bao giờ thử vẽ chưa?” Charlotte, vốn hơi ghen với Jean, bèn hỏi liệu John có đến không.

Có chứ. Hôm nay John về nhà ăn trưa. Trên đường đến Parkington, anh thả Jean ở đây và sẽ đến đón nàng trong chốc lát. Buổi sáng nay thật là đẹp. Nàng luôn có cảm giác là đã phản bội Cavall và Melampus[5] vì đã để chúng bị xích ở nhà vào một ngày lộng lẫy như thế này. Jean ngồi xuống cát giữa Charlotte và tôi. Nàng ta mặc quần soọc. Đôi chân dài rám nắng của nàng, đối với tôi, cũng hấp dẫn na ná như chân một con ngựa cái màu hạt dẻ vậy. Khi cười thì phô hết lợi ra.

[5] Tên hai con chó. “Cavall” từ chữ “cavalla” (ngựa) và “Melampus” là nhà tiên tri trong thần thoại Hi Lạp hiểu được tiếng các loài vật, người đã du nhập việc thờ cúng thần Dionysus. Theo một ghi chú của Nabokov, chúng được đặt tên theo hai con chó của một nhân vật lỗi lạc, hình như là Lord Byron, thi hào Anh, tuy ông không chắc chắn lắm. Dù sao đi nữa, những ẩn ý này cũng ngoài tầm văn hóa của vợ chồng Farlow.

“Thiếu chút nữa thì tôi đưa cả hai anh chị vào bức tranh hồ của tôi,” nàng ta nói lớn. “Thậm chí tôi nhận thấy đôi điều mà anh chị bỏ qua không để ý. Anh (với Humbert), anh có đeo đồng hồ ở cổ tay, đúng thế, thưa ngài, rành là có.”

“Waterproof[6],” Charlotte khẽ nói, chúm môi như mồm cá.

[6] Đồng hồ không thấm nước để bơi không phải tháo ra. Vào những năm 1940, đó là một điều kì diệu của công nghệ hiện đại.

Jean nắm cổ tay tôi đặt lên đầu gối mình và ngắm nghía món quà tặng của Charlotte, rồi để lại bàn tay của Humbert lên cát, lật ngửa lên,

“Từ chỗ chị có thể nhìn thấy mọi thứ,” Charlotte nhận xét một cách đỏm dáng.

Jean thờ dải, “Có lần tôi thấy hai đứa trẻ, một trai một gái, làm tình ngay đây vào lúc mặt trời lặn. Bóng chúng to như người khổng lồ. Và còn chuyện cái gã Tomson lúc rạng sáng nữa chứ. Lần sau, chưa chừng tôi được thấy lão béo Ivor[7] trong trang phục ngà[8] cũng nên. Đúng là một tay ngông lập dị, cái lão này. Bữa trước, lão kể cho tôi nghe một câu chuyện cực kì tục tĩu về người cháu trai của lão[9]. Hình như…”

[7] Chỉ nha sĩ Quilty.

[8] Trần truồng, khỏa thân. Jean bắt chước lối nói của John (Leslie trong trang phục gỗ mun). Đây cũng là một cách chơi chữ: Ivor/ivory (ngà).

[9] Tức Clare Quilty.

“Xin chào mọi người,” giọng John vang lên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.