Lolita

Chương 23



Tôi lao ra ngoài. Đầu đằng kia con phố dốc của chúng tôi phô ra một cảnh tượng kì lạ. Một chiếc xe Packard to tướng màu đen bóng loáng đã leo lên bãi cỏ thoai thoải nhà Miss Opposite, theo một góc nhọn từ vỉa hè (nơi một tấm chăn ca rô được quăng đại xuống thành một đống) và đứng đó lấp lánh dưới nắng, các cửa mở phanh ra như những cái cánh, hai bánh trước ngập sâu vào một đám cây bụi thường xuân. Bên phải thân xe, trên bãi cỏ dốc được tỉa gọn gàng, một ông già ria mép bạc trắng, ăn mặc sang trọng – com lê màu xám, vét-tông cài chéo, nơ buớm điểm chấm tròn nhỏ – nằm ngửa, hai chân dài chụm lại, như một tượng sáp cỡ tử thi. Tôi phải diễn tả cái chấn động của một hình ảnh thoáng chốc bằng một chuỗi lời chữ nối tiếp; sự chồng chất vật thể của những lời chữ ấy trên trang giấy làm giảm thiểu lóe chớp thực, tính nhất quán sắc nét của ấn tượng: cái đống phủ chăn, chiếc xe hơi, con búp bê hình ông già, cô y tá của Miss Opposite áo váy loạt xoạt, tay cầm cốc nước đã cạn một nửa, chạy trở lại hiên nhà có bình phong che – ở đó ta có thể tưởng tượng ra bà già lụ khụ, bị cầm tù giữa những chồng gối, đang gào lên, nhưng không đủ to để át những tiếng sủa nhịp nhàng của con chó săn lông xù nhà Đồng Nát đang đi từ nhóm này sang nhóm khác – từ một đám hàng xóm đã tụ tập trên vỉa hè gần cái chăn ca rô, quay trở lại chỗ chiếc xe hơi mà, cuối cùng, nó đã hạ gục, rồi lại tới một nhóm khác trên bãi cỏ gồm có Leslie, hai cảnh sát và một gã lực lưỡng đeo kính gọng đồi mồi. Đến đây, tôi cần giải thích rằng sự xuất hiện nhanh chóng của cảnh sát tuần tra, chỉ hơn một phút sau khi xảy ra tai nạn, là do họ đang dán thẻ phạt lên những xe hơi đậu trái phép trong một ngõ ngang ở mé dưới cách đây hai khối nhà; rằng gã đeo kính gọng đồi mồi là Frederick Beale (con), người lái chiếc Packard; rằng ông bố bảy chín tuổi của gã mà cô y tá vừa tưới nước cho trên băng cỏ xanh, nơi ông ta đang nằm – một chủ nhà băng nằm băng, có thể nói thế – không phải là đang ngất xỉu, mà là đang thoải mái hồi phục theo đúng phương pháp sau một cơn đau tim nhẹ, hay khả năng về một cơn đau tim; và, sau rốt, rằng tấm chăn trên vỉa hè (nơi nàng hay dè bỉu chỉ cho tôi thấy những kẽ nứt xanh rêu) là để che cái thi thể nát bấy của Charlotte Humbert bị chiếc xe của cha con nhà Beale tông ngã và kéo lết đi mấy mét, khi nàng vội vã qua đường để bỏ ba bức thư vào thùng thư bưu điện ở góc bãi cỏ nhà Miss Opposite. Một bé gái xinh xắn mặc một chiếc áo váy hồng nhem nhuốc, nhặt mấy bì thư lên, đưa cho tôi và tôi hủy chúng bằng cách dùng móng tay xé nát chúng trong túi quần.

Ba bác sĩ và vợ chồng Farlow mau chóng tới và tiếp quản hiện trường. Kẻ góa vợ, một con người tự chủ phi thường, không khóc cũng chẳng nói sảng. Của đáng tội, hắn có chệnh choạng tí chút; nhưng hắn chỉ mở miệng để truyền đạt những thông tin hoặc chỉ dẫn tôi cần thiết cho việc nhận dạng, xem xét và dọn xác một phụ nữ mà đỉnh đầu chỉ còn là một mớ lộn nhèo những xương vụn, óc, tóc màu đồng và máu. Mặt trời vẫn còn đỏ chói chang khi hai người bạn, John hòa nhã và Jean hồn nhiên, đặt hắn vào giường trong phòng Dolly; cặp này, để ở gần hắn, qua đêm ở phòng vợ chồng Humbert; và bữa ấy, theo như tôi biết, xem ra họ không qua đêm một cách ngây thơ vô tội như sự trang trọng của tình thế đòi hỏi.

Tôi chẳng có lí do gì để mô tả kĩ, trong tập hồi ức rất đặc biệt này, về những thủ tục cần phải tiến hành trước tang lễ, cũng như về bản thân tang lễ, nó cũng lặng lẽ như đám cưới khi trước. Nhưng cần phải ghi lại một số sự kiện liên quan đến bốn, năm ngày sau cái chết đơn giản của Charlotte.

Đêm đầu tiên lâm vào cảnh góa bụa, tôi say xỉn đến nỗi ngủ thiếp đi như cô bé đã từng ngủ trên chiếc gường này. Sáng hôm sau, tôi vội vã xem những mẩu thư trong túi quần. Chúng đã quá lộn tùng bậy không thể soạn lại thành ba bức trọn vẹn. Tôi đồ rằng đoạn “… tốt hơn là con phải tìm ra nó, bởi vì mẹ không thể mua được…” nằm trong bức gửi cho Lo; và những mẩu khác có vẻ chỉ rõ ý đồ của Charlotte muốn đưa Lo trốn đến Parkington, hoặc thậm chí trở về Pisky, sợ con kền kền sẽ chộp bắt con cừu non quí báu của mình. Những mảnh rách tơi tả khác (chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có những móng vuốt sắc thế) rõ ràng liên quan đến một đơn xin học không phải ở St. A., mà là một trường nội trú mà người ta nói là xám xịt hoang vu và rất khắc nghiệt trong phương pháp (mặc dù có sân chơi cricket dưới bóng hàng cây du) đến nỗi nó mang cái biệt danh “Nhà cải tạo thiếu nữ”. Cuối cùng, lá thư thứ ba hiển nhiên là viết cho tôi. Tôi đọc ra những đoạn như “… sau một năm li thân, chúng ta có thể…”, “… ôi, người thân yêu nhất của tôi, ôi người…”, “… còn đau đớn hơn cả trường hợp mình đi bao gái…”, “hoặc tôi sẽ chết, có lẽ thế…”. Nhưng nói chung, những gì tôi gạn đọc được đây đó không mang ý nghĩa gì nhiều; những mảnh rời rạc của ba bức thư viết vội còn sót lại trong lòng bàn tay tôi cũng rắm rối như chất liệu của chúng đã từng ngổn ngang trăm mối trong đầu Charlotte tội nghiệp.

Hôm ấy, John phải gặp một khách hàng và Jean phải cho chó ăn, nên tôi tạm thời bị tước đi sự cận kề của những người bạn. Những người thân sợ nếu để tôi một mình, tôi có thể tự sát, và vì không kiếm được người bạn nào khác rảnh rỗi (Miss Opposite thì không được để cho biết, vợ chồng McCoo đang bận xây nhà mới cách đây mấy cây số, vợ chồng Chatfield mới đây phải đi Maine giải quyết một chuyện rắc rối gì đó trong nội bộ gia đình), Leslie và Louise được giao nhiệm vụ ở bên cạnh tôi, lấy cớ là để giúp tôi chọn và đóng gói hàng lô những đồ vật mồ côi. Trong một khoảnh khắc cảm hứng tuyệt vời, tôi cho vợ chồng Farlow tốt bụng và cả tin (chúng tôi đang đợi Leslie đến thực thi cuộc hẹn hò huê tình có thù lao của gã với Louise) xem một tấm hình nhỏ của Charlotte tôi tìm thấy trong tư trang của nàng. Từ trên một mỏm đá, nàng mỉm cười qua làn tóc gió thổi tung. Ảnh được chụp vào tháng Tư năm 1934, một mùa xuân đáng ghi nhớ. Trong một chuyến đi công chuyện ở Mĩ, tôi đã có dịp qua mấy tháng ở Pisky. Chúng tôi gặp nhau – và đã có một cuộc tình điên dại. Tôi đã có vợ, than ôi, và nàng đã đính hôn với Haze, nhưng sau khi tôi trở về châu Âu, chúng tôi vẫn thư từ cho nhau qua một người bạn nay đã chết. Vừa thì thầm rằng mình có nghe một số tin đồn, Jean vừa nhìn tấm hình chụp nhanh, rồi chuyển cho John nhưng vẫn không rời mắt khỏi nó; John cất chiếc tẩu khỏi miệng, ngắm nàng Charlotte Becker yêu kiều và lanh lợi, rồi đưa trả lại tôi. Rồi họ đi khỏi cả mấy tiếng đồng hồ. Cô ả Louise sung sướng cười rúc rích và rầy la gã tình nhân trẻ ở dưới tầng hầm.

Vợ chồng Farlow vừa đi khỏi, một viên chức cằm xanh râu đến liền – và tôi cố làm sao cho cuộc phỏng vấn thật ngắn gọn mà không làm y mếch lòng, cũng không khiến y nghi ngờ. Vâng, tôi sẽ cống hiến cả đời tôi cho an sinh của con bé. Nhân thể, đây là một cây thánh giá nhỏ Charlotte Becker tặng tôi khi cả hai chúng tôi còn trẻ. Tôi có một người chị họ, một bà gái già đáng kính, ở New York. Ở đó, chúng tôi sẽ tìm được một trường tư thục tốt cho Dolly. Chà, Humbert quả là mưu trí!

Cố tình để cho Leslie và Louise nghe thấy với hi vọng là họ sẽ thưa lại với John và Jean (và quả là họ làm thế thật), tôi khéo léo diễn một màn điện đàm liên tỉnh, cất tiếng oang oang làm như đang nói chuyện với Shirley Holmes. Khi John và Jean trở lại, tôi đã cho họ vào xiếc hoàn toàn bằng cách làu bàu kể lại với giọng giận dữ và bối rối rằng Lo đã theo một nhóm nữ sinh trung cấp đi dã ngoại năm ngày và không cách gì liên lạc được.

“Lạy Chúa,” Jean nói, “làm thế nào bây giờ?”

John nói, chuyện nhỏ, anh ta sẽ yêu cầu cảnh sát Climax tìm đoàn dã ngoại – họ chỉ mất không đầy một tiếng đồng hồ là tìm ra thôi. Trên thực tế, anh biết rành vùng này và…

“Này,” anh ta nói tiếp, “có lẽ tôi nên lấy xe phóng thẳng tới đó, còn anh có thể ngủ với Jean”… (thực tế, anh không nói thêm như thế, song Jean ủng hộ đề xuất của anh một cách cuồng nhiệt đến nỗi có thể hiểu với hàm ý đó).

Tôi gục xuống. Tôi nài nỉ John cứ để yên sự thể như thế này. Tôi nói tôi sẽ không chịu nổi nếu có con bé ở bên cạnh nức nở, níu chặt lấy tôi, cháu nó rất dễ bị kích động, trải nghiệm này có thể ảnh hưởng đến tương lai của cháu, các bác sĩ tâm thần từng phân tích những ca tương tự. Tiếp theo là một im lặng đột ngột.

“Thôi được, đó là việc của anh,” John nói, hơi cộc cằn. “Nhưng tựu trung, tôi vẫn là bạn và cố vấn của Charlotte. Dù sao, người ta hẳn muốn biết anh sẽ làm gì với con bé.”

“John,” Jean kêu lên, “đó là con của anh ấy chứ không phải của Harold Haze. Mình không hiểu ư? Humbert mới là cha đẻ của Dolly.”

“Tôi rõ rồi,” John nói. “Tôi xin lỗi. Vâng, tôi rõ rồi. Trước đây, tôi chưa hiểu ra. Dĩ nhiên, như vậy, mọi vấn đề trở nên đơn giản. Và bất kể anh cảm thấy thế nào, cũng đều phải lẽ.”

Người cha quẫn trí tiếp tục nói là sẽ đi tìm đứa con gái yếu ớt của mình ngay sau tang lễ và sẽ làm hết sức mình để cho nó vui vẻ trong một môi trường hoàn toàn khác, có thể là một chuyến đi đến New Mexico hay California – dĩ nhiên nếu hắn sống qua được đận này.

Tôi thể hiện sự bình thản của tuyệt vọng tột đỉnh, sự nén lặng trước một cơn bùng nổ cuồng dại với một diễn xuất điêu luyện đến nỗi vợ chồng Farlow, chu đáo mọi bề, quyết định đưa tôi về bên nhà họ. Họ có một hầm rượu tốt, theo tiêu chuẩn của hầm rượu xứ này; và điều đó thật đắc dụng vì tôi sợ mất ngủ và sợ một hồn ma nào đó.

Đến đây, tôi phải giải thích những lí do riêng tư khiến tôi cần giữ không để cho Dolores về nhà. Tất nhiên, thoạt đầu, khi Charlotte vừa bị loại và tôi trở vào ngôi nhà với tư cách là một ông bố tự do, tợp hai li whisky-xôđa tôi đã pha lúc trước, độn thêm vài panh “pin” ưa thích của tôi, rồi vào buồng tắm để tách hẳn khỏi hàng xóm và bạn bè, trong đầu tôi và trong mạch máu của tôi, chỉ có một điều duy nhất – đó là ý thức rằng trong vòng mấy tiếng đồng hồ nữa, Lolita tóc nâu, nóng hổi và rốt cuộc là của tôi, của tôi, của tôi, sẽ ở trong vòng tay tôi; trào nước mắt, những dòng nước mắt mà tôi sẽ thấm khô bằng những nụ hôn nhanh hơn nhịp tuôn chảy của chúng. Nhưng khi tôi đứng trước gương, mắt mở to, mặt đỏ bùng, John Farlow khẽ gõ cửa để hỏi xem tôi có ổn không – tôi lập tức nhận ra rằng: có họa là mình điên thì mới đưa Lolita về nhà với cả đống người rách việc này lúc nhúc khắp nơi, toan tính cướp em khỏi tay mình. Thật vậy, với bản tính khó lường, biết đâu chính Lo có thể dại dột biểu lộ một thái độ ngờ vực nào đó đối với tôi, một vẻ kinh tởm bất chợt, một thoáng sợ hãi mơ hồ hay đại loại như vậy – và thế là tan tành giấc mộng vàng kì diệu đúng vào giờ phút chiến thắng.

Lại nói về đám rách việc, tôi còn có một vị khách khác – anh bạn Beale, cái gã đã loại bỏ vợ tôi. Chắc nịch và trịnh trọng, nom như một thứ phụ tá đao phủ, với cặp má sệ chó bò, đôi mắt đen ti hí, lỗ mũi huếch hoác và cặp kính gọng dày, gã được John đưa vào nhà; ngay sau đó, John cực kì tế nhị rút lui, đóng cửa lại, để hai chúng tôi ở lại với nhau. Sau khi tự giới thiệu mình là cha của hai đứa con sinh đôi học cùng lớp với con gái vợ tôi bằng một giọng ngọt ngào, vị khách kệch cỡm của tôi giở ra một tấm biểu đồ lớn về tai nạn gã đã tự tay phác họa. Nói theo đặc ngữ con gái của vợ tôi thường dùng, đây là một “tuyệt cú mèo” với các kiểu mũi tên đầy ấn tượng và những đường thẳng chấm chấm bằng các loại mực đủ màu. Đường đi của bà H. H. được minh họa ở nhiều điểm khác nhau bằng một loạt hình người nhỏ giống như búp bê – những nữ cán bộ hoặc nữ binh bé tí xíu – mà người ta thường dùng làm biểu tượng trực quan trong các bảng thống kê. Rất rõ ràng và dứt khoát, lộ trình này tiếp xúc với một đường ngoằn ngoèo được vạch đậm nét biểu diễn hai cú ngoặt liên tiếp – đầu tiên chiếc xe của cha con Beale quẹo sang bên để tránh con chó nhà Đồng Nát (con chó không được thể hiện), cú ngoặt thứ hai thực chất là nối dài quá đáng cú thứ nhất nhằm tránh tai họa. Một chữ thập rất đen đánh dấu chỗ cuối cùng hình người bé xíu gục xuống; trên vỉa hè. Tôi tìm một dấu tương tự chỉ cái chỗ trên băng cỏ, nơi người ta đặt ông bố bằng sáp to tướng của vị khách của tôi, nhưng không thấy. Tuy nhiên ông đã kí vào tài liệu này với tư cách là nhân chứng, bên dưới những cái tên Leslie Tomson, Miss Opposite và một số người khác.

Điều khiển cây bút chì bay lượn khéo léo và tinh tế như con chim ruồi từ điểm này sang điểm khác, Frederick chứng minh sự vô tội tuyệt đối của mình và sự thiếu thận trọng của vợ tôi: trong khi gã đang cố tránh con chó, thì bà ấy trượt chân trên con đường rải nhựa vừa được tưới nước và lao đầu về phía trước – đáng ra bà không nên thế mà phải ngật đầu ra sau (bằng một động tác của đôi vai độn, Fred chỉ cách phải làm như thế nào). Tôi nói chắc chắn không phải lỗi tại gã và cuộc điều tra xác nhận quan điểm của tôi.

Thở phì phì qua hai lỗ mũi căng đen sì, gã vừa lắc đầu vừa lắc tay tôi; rồi với một vẻ savoir-vivre* (xã giao) hoàn hảo và hào hiệp quân tử, gã tình nguyện xin trả mọi chi phí nhà đòn. Gã chờ đợi tôi từ chối đề xuất của gã. Với một tiếng nức nở biết ơn của người say, tôi chấp nhận. Điều đó làm gã ngớ ra. Chậm rãi, gã nhắc lại những gì gã vừa nói với vẻ không tin. Tôi cảm ơn gã lần nữa, còn nhiệt liệt hơn lúc trước.

Cuộc trò chuyện kì dị ấy có tác dụng làm cho tâm hồn tôi khỏi đờ đẫn được một lúc. Điều đó chẳng có gì là lạ! Tôi đã thực sự gặp tác nhân của số phận. Tôi vừa sờ mó chính da thịt của số phận – và bờ vai độn của nó. Một đột biến rực rỡ và quái đản đã bất thình lình xảy ra và đây là công cụ của nó. Trong mớ bòng bong ngẫu hợp phức tạp của tình huống (người nội trợ vội vã, đường trơn, một con chó nhiễu sự, bờ dốc, chiếc xe hơi to đùng, gã hậu đậu[1] cầm lái), tôi có thể mơ hồ nhận ra sự đóng góp đê tiện của chính mình. Nếu tôi không dại dột – hay do một trực giác thiên tài – giữ cuốn nhật kí ấy, thì những chất lỏng nội tạng tạo nên bởi nộ khí muốn báo thù và nỗi xấu hổ cháy bỏng đã không làm lòa mắt Charlotte khi nàng bổ nhào đến thùng thư. Nhưng ngay cả nếu chúng có làm lòa mắt CharLotte thì vẫn có thể vô sự nếu định mệnh, cái con ma đồng bộ hóa chính xác ấy, không hòa trộn trong nồi cất của nó cả chiếc xe hơi lẫn con chó[2], cả ánh nắng lẫn bóng râm, cả cái ẩm ướt lẫn cái yếu, cái mạnh và sỏi đá. Vĩnh biệt Marlene[3]! Cái bắt tay trịnh trọng của định mệnh béo ị (như Beale mô phỏng lại trước khi rời căn phòng) đã kéo tôi ra khỏi cơn mụ mị; và tôi khóc. Thưa quí bà quí ông trong đoàn bồi thẩm – tôi khóc.

[1] Nguyên văn: Khỉ đầu chó.

[2] Con chó rành là một tác nhân của định mệnh, bởi “dog” (chó), theo sở thích chơi chữ của Nabokov, viết đảo ngược lại là “god” (thượng đế). Độc giả hẳn nhớ ngay buổi đầu đến Ramsdale, chiếc xe đưa H. H. tới nhà Haze đã suýt chẹt phải một con chó – như một điềm báo trước tai nạn (xem chương 10, Phần Một)

[3] Marlene Dietrich, nữ minh tinh điện ảnh Mĩ gốc Đức. Xin được nhắc lại, buổi đầu gặp mặt, H. H. đã mô tả Charlotte như là “một dung dịch loãng của một Marlene Dietrich” (xem chương 10, Phần Một).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.