Lolita

Chương 26



Nàng gấp đôi tuổi Lolita và bằng ba phần tư tuổi tôi: một phụ nữ trưởng thành vóc dáng rất mảnh dẻ, tóc đen, da trắng trẻo, nặng khoảng năm chục kí, với đôi mắt không đối xứng song rất duyên, một nét bán diện có góc cạnh như được kí họa nhanh, và lưng mềm mại với một ensellure*(đường hõm nơi thắt lưng) cực kì hấp dẫn – tôi nghĩ nàng có chút máu Tây Ban Nha hay Babylone trong người. Tôi vớ được nàng vào một đêm tháng Năm trác táng ở đâu đó giữa Montreal và New York, hay chính xác hơn, giữa Toylestown và Blake[1] trong một quán bar đèn mờ dưới tấm biển Bướm-Hổ [2], nơi nàng đang say ngọt xớt: nàng khăng khăng là chúng tôi đã học cùng trường và nàng đặt bàn tay nhỏ bé của mình vào bàn tay gấu của tôi. Giác quan của tôi chỉ hơi rung động chút xíu, nhưng tôi quyết định thử nàng một keo; tôi thực thi – và chọn nàng làm người bầu bạn thường xuyên. Nàng thật hảo tâm, Rita, vui vẻ chấp nhận cuộc chơi, đến nỗi tôi dám nói rằng nàng sẵn sàng cống hiến hết mình với bất ki sinh vật hay ảo tưởng thương tâm nào, một cái cây già bị gây hay một con nhím đơn côi, đơn thuần vì ý thức hữu hảo và tình thương.

[1] Blake: địa danh đặt theo tên nhà thơ William Blake (1757-1827). Còn Toylestown là một trò chơi chữ của H. H. – “toil’s town” (thành phố lao khổ) – để ghi nhớ bài thơ “London” của Blake.

[2] Tiếng Anh: “Tiger-moth”, một loài bướm có thật, đồng thời lại qui chiếu đến bài thơ “The Tiger” của W. Blake.

Khi tôi gặp nàng lần đầu tiên, nàng vừa mới li dị với người chồng thứ ba – gần đây hơn chút nữa, bị chàng cavalier servant* (người tình săn đón ân cần) thứ bảy bỏ – còn những người khác, loại tạm thời trong khi chờ đợi, thì quá nhiều và quá cơ động, không sao kể hết. Anh trai nàng từng, và chắc bây giờ vẫn, là một chính trị gia nổi bật, sắc diện xanh bủng, mặc quần có đai đeo, thắt cà vạt có họa tiết vẽ tay, thị trưởng và là người có công với thành phố quê hương, một thành phố chơi bóng chày, đọc Kinh Thánh và kinh doanh hạt ngũ cốc. Trong tám năm qua, ông đã trả cho cô em gái tuyệt vời của mình mỗi tháng mấy trăm đô la với điều kiện nghiêm ngặt là không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ đặt chân vào thành phố nhỏ Grainball tuyệt vời. Nàng kể với tôi, vừa nói vừa rền rỉ vì ngạc nhiên, rằng không biết vì lí do chết tiệt nào mà mọi gã bạn trai mới của nàng, ngay từ chuyến đi chơi xa đầu tiên với nhau, đều đưa nàng đến Grainball như bởi một hấp lực định mệnh; và nàng chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo ra sao, thì đã thấy mình bị hút vào quĩ đạo mặt trăng của thành phố đó và trôi theo con đường vành đai chan hòa ánh đèn chiếu – “cứ đi vòng vòng hoài như một con ngài tằm chết tiện” nói theo cách của nàng.

Nàng có một chiếc xe nhỏ hai cửa xinh xẻo và chúng tôi dùng nó để đi California cho chiếc xe già lão tôn quí của tôi được ngơi nghỉ một chút. Tốc độ tự nhiên của nàng là 140 km/giờ. Ôi Rita thân yêu! Chúng tôi cùng nhau chu du trong hai năm mờ ảo, từ mùa hè 1950 đến mùa hè 1952, và nàng quả là một Rita dịu dàng nhất, bình dị nhất, tử tế nhất, đần độn nhất, mà ta có thể tưởng tượng. So với nàng, Valechka là một Schlegel và Charlotte là một Hegel [3]. Chẳng có lí do nào trên đời khiến tôi phải kể rông dài về nàng bên lề thiên hồi ức u ám này, nhưng hãy cho phép tôi nói (chào Rita – dù là em ởđâu, say xỉn hay khật khừ rát cổ vì uống quá nhiều, Rita, xin chào em) rằng nàng là người bầu bạn thông cảm nhất, vỗ về an ủi nhất mà tôi có được và nàng đã cứu tôi khỏi phải vào nhà thương điên, đó là cái chắc. Tôi nói với nàng là tôi đang cố truy tìm dấu vết của một cô gái và bắn bỏ tên khốn dụ dỗ cô ta. Rita trịnh trọng tán thành kế hoạch đó – và trong quá trình một cuộc điều tra mà nàng tự ý tiến hành (mặc dù chẳng thực sự biết mô tê gì về sự việc), bản thân nàng đã bị dính líu với một tên bịp bợm gớm ghiếc ở quanh vùng San Humbertino; tôi phải mất bao thời gian xoay xở chật vật mới gỡ được nàng ra thoát – phờ phạc, ê ẩm, nhưng vẫn dương dương tự đắc. Rồi một hôm, nàng đề nghị chơi trò ru lét Nga [4] với khẩu súng lục tự động chết tiệt của tôi; tôi nói em không thể, đây không phải là một khẩu súng có ổ quay, và chúng tôi đánh vật với nhau giành lấy nó, cho đến khi, rốt cuộc, nó tự nổ, viên đạn sượt qua một tia nước nóng rất mảnh và rất khôi hài phọt ra từ cái lỗ trên vách phòng mà nó xuyên thủng. Tôi vẫn còn nhớ nhịp cười ré lên của nàng.

[3] Friedrich Schlegel (1772-1829) và Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831), hai nhà triết học Đức này chẳng liên quan gì với ngữ cảnh này, mà chỉ là một sự gieo vần tùy tiện vô nghĩa của H. H.

[4] Trò chơi thử thách sự gan dạ bằng cách tự gí một khẩu súng lục có ổ quay vào thái dương mình rồi bóp cò (trong ổ quay chỉ có một viên đạn).

Cái nét cong ở lưng nàng – kì lạ thay, nó non tơ như ở một bé gái trước tuổi dậy thì – làn da trắng như gạo, những nụ hôn chậm rãi mơ màng như cánh hoa, ngăn tôi giở trò bậy bạ. Không phải năng khiếu nghệ thuật là tính chất tình dục thứ yếu như một số thầy mo và lang băm nói, mà ngược lại: tình dục chỉ là phụ gia của nghệ thuật. Tôi cần nêu một cuộc đú đản khá bí hiểm đã gây những tác động thú vị. Tôi đã từ bỏ cuộc tìm kiếm: con quỉ hoặc đã ở tận xứ Tartary hoặc đang cháy rụi trong tiểu não của tôi (những ngọn lửa do trí tưởng tượng và nỗi sầu đau của tôi thổi bùng lên), nhưng chắc chắn giờ đây hắn không thể làm cho Dolores Haze thành quán quân quần vợt ở khu vực bờ biển Thái Bình Dương. Một buổi chiều, trên đường trở về miền Đông, tại một khách sạn xấu xí, thuộc loại thường cho thuê họp hội nghị, trong đó những me-xừ béo ị, hồng hào, đeo phù hiệu, chệnh choạng đi loanh quanh, mở miệng toàn chuyện kinh doanh, xưng danh, gọi đồ nhậu – Rita thin yêu và tôi khi thức dậy, thấy một người thứ ba trong phòng mình, một gã trai trẻ tóc vàng rom, gần như bạch tạng, lông mày trắng, tai to trong suốt, mà cả tôi lẫn Rita đều không nhớ là đã bao giờ gặp trong cuộc đời buồn của chúng tôi. Mồ hôi nhễ nhại trong bộ đồ lót dày bẩn thỉu, chân đi ủng nhà binh cũ kĩ, gã nằm ngáy khò khò trên chiếc giường đôi, bên kia Rita trong trắng của tôi. Gã mất một chiếc răng cửa, trán lấm tấm những mụn màu hổ phách. Ritochka vớ lấy chiếc áo mưa của tôi – vật đầu tiên trong tầm tay nàng – quấn quanh tấm thân trần uốn éo của mình; tôi xỏ vội một chiếc quần soọc hồng; và chúng tôi xem xét tình hình. Năm chiếc cốc đã được dùng, chứng tỏ quá dồi dào của cải. Cửa đóng hờ. Trên sàn, một chiếc áo pun cổ chui và một chiếc quần màu da bò. Chúng tôi lay chủ nhân của chúng dậy, gã vẫn ngất ngư chưa tỉnh hẳn. Gã chẳng nhớ gì hết. Với một âm sắc mà Rita nhận ra là giọng Brooklyn đặc sệt, gã làu bàu nói bóng gió rằng chúng tôi đã dùng mẹo gì đó tước đi nhân thân (vô giá trị) của gã. Chúng tôi thúc gã mặc quần áo vào và để gã lại một bệnh viện gần nhất, rồi trên đường đi, sau những khúc cua vòng vèo không nhớ nổi, chúng tôi chợt nhận ra rằng quanh queo thế nào, chúng tôi lại đang ở Grainball. Nửa năm sau, Rita viết cho viên bác sĩ điều trị để hỏi tin. Jack Humbertson, theo cái biệt danh rẻ tiền người ta đặt cho gã, vẫn cách biệt với quá khứ riêng tư của mình. Ôi, Mnemosyne [5], nàng thơ tuyệt vời nhất và tinh nghịch nhất trong các nàng thơ!

[5] Theo thần thoại Hi Lạp, Mnemosyne là nữ thần của trí nhớ và kí ức, con gái của Uranus (Trời) và Galea (Đất).

Tôi hẳn sẽ không nhắc đến sự kiện này nếu như nó không khỏi phát một chuỗi ý tưởng dẫn đến việc tôi đưa in trên tờ Cantrip Review một bài tiểu luận “Mimir và trí nhớ” [6] trong đó, bên cạnh một số điều khác mà mà các bạn đọc thiện tâm của tờ tạp chí tuyệt vời này cho là độc đáo và quan trọng, tôi đề xuất một lí thuyết về thời gian nhận thức dựa trên sự tuần hoàn của máu, và (để tóm gọn vấn đề), trên bình diện khái niệm, tùy thuộc vào việc trí óc không những ý thức được vật chất mà cả bản ngã của vật chất nữa, do đó tạo nên một nhịp cầu liên tục giữa hai cực (tương lai có thể trữ được và quá khứ đã được trữ). Nhờ cú mạo hiểm học thuật đó – khiến cho ấn tượng về nhữngtravail* (công trình) trước đó của tôi được đẩy đến tột đỉnh – tôi được mời đến làm việc một năm ở trường Đại học Cantrip cách New York sáu trăm cây số. Ở New York, Rita và tôi sống trong một căn hộ nhỏ, từ đó nhìn xuống tít bên dưói thấy bọn trẻ mình bóng nhẫy tắm dưới những vòi phun nước trong lùm cây của Central Park. Tại trường Cantrip, người ta bố trí cho chúng tôi ở những phòng đặc biệt dành cho thi sĩ và triết gia, từ tháng Chín năm 1951 đến tháng Sáu năm 1952, trong khi Rita, mà tôi không muốn phô với ai, sống tạm bợ – có phần lúi xùi, tôi e là thế – ở một quán trọ ven đường, nơi mỗi tuần tôi đến thăm nàng hai lần. Rồi nàng biến mất – một cách đậm đà nhân tính hơn các bạn gái trước đó của tôi: một tháng sau, tôi tìm thấy nàng ở nhà tù địa phương. Nàng ứng xử très digne* (rất đàng hoàng, đầy phẩm cách), nàng đã mổ ruột thừa, nàng thuyết phục được tôi tin rằng chiếc khăn quàng lông thú lộng lẫy màu xanh nhạt mà người ta đổ cho nàng lấy cắp của một bà Roland MacCrum nào đó, thực ra, đã được chính ông Roland tự ý tặng nàng, của đáng tội trong một cơn bốc đồng vì quá chén. Tôi xoay xở chạy chọt cho nàng ra mà không phải cầu cứu đến ông anh trai dễ nổi khùng của nàng, và sau đó ít lâu, chúng tôi trở về khu phía Tây Central Park, theo lộ trình qua Briceland, nơi chúng tôi đã dừng lại mấy tiếng hồi năm trước.

[6] Theo thần thoại Bắc Âu, Mimir là một người khổng lồ sống bên một cái giếng ở gốc cây đại thụ Ygg tượng trưng cho vũ trụ. Nhờ uống nước giếng này, Mimir biết được quá khứ và tương lai. “Cantrip” có nghĩa là bùa.

Một thôi thúc kì lạ xâm chiếm tôi: khao khát được sống lại những khoảnh khắc cùng Lolita dừng chân ở đây. Tôi đang bước vào một giai đoạn sống khi mà tôi đã từ bỏ mọi hi vọng truy tìm được em và kẻ bắt cóc em. Giờ đây, tôi ráng trở về với những khung cảnh xưa nhằm cứu vãn những gì còn có thể cứu vãn, coi như là kỉ niệm.Souvenir, souvenir que me veux-tu?* (kỉ niệm, kỉ niệm, mi muốn gì ta) [7]. Mùa thu đang reo lanh vanh trong không gian. Gửi một bưu thiếp để đặt trước một phòng có cặp giường đôi, Giáo sư Hamburg nhanh chóng nhận đưọc thư trả lời tỏ ý tiếc là không đáp ứng được yêu cầu. Tất cả các phòng đều đã có khách. Còn một phòng bốn giường không có buồng tắm dưới tầng hầm, nhưng chắc Giáo sư không ưng. Giấy viết thư của họ có in tiêu đề như sau:

THE ENCHANTED HUNTERS

GẦN NHÀ THỜ KHÔNG NHẬN CHÓ

Tất cả các đồ uống đều hợp pháp

[7] “Souvenir, souvenir, que me veux-tu? L’automne” là câu thơ mở đầu bài “Nevermore” (nhan đề bằng tiếng Anh nghĩa là: “Không bao giờ nữa”) của nhà thơ Pháp Paul Verlaine (1844-1896). H. H. khi dẫn câu này, “bớt” đi từ cuối “L’automne” (mùa thu) nhưng lại dùng từ tiếng Anh tương ứng (Autumn) để mở đầu câu tiếp sau đó. Những kí ức do khách sạn The Enchanted Hunters đánh thức dậy khiến H. H. nhớ đến câu thơ đó. Bài thơ kết thúc bằng lời thi sĩ nối với người yêu rằng khoảnh khắc đẹp nhất đời mình là khi “le premier oui” (tiếng vâng đầu tiên) thốt ra từ đôi môi yêu kiều.

Tôi tự hỏi không biết lời khẳng định cuối này có xác thực hay không. Tất cả ư? Liệu họ có, chẳng hạn, thứ xi rô lựu thường bán ở những quầy vỉa hè không? Tôi cũng tự hỏi: liệu một tay thợ săn, dù bị mê hoặc hay không, có cần một con chó săn đánh hơi tìm mồi hơn một chiếc ghế cầu kinh ở nhà thờ, và, với một nhói đau, tôi nhớ đến một “xen” xứng đáng với một nghệ sĩ lớn: petite nymphe accroupie*(tiểu nữ thần ngồi xổm): nhưng có lẽ cái con chó cộc Tây Ban Nha lông mượt ấy đã được đặt tên thánh cũng nên [8]. Không – tôi cảm thấy mình không thể chịu đựng nổi những quằn quại đau đớn khi trở lại cái sảnh khách sạn ấy. Có một cách tốt hơn nhiều để tìm lại thời gian đã mất ở nơi khác, trong thành phố Briceland êm đềm, phong phú sắc màu và phong vị mùa thu. Để Rita ở lại một quán bar, tôi tìm đến thư viện thành phố. Một nàng gái già ríu ra ríu rít rất vui vẻ giúp tôi moi ra một bộ Briceland Gazette giữa tháng Tám năm 1947 đóng bìa cứng và liền sau đó, kiếm một góc riêng biệt, dưới một ngọn đèn trần trụi, tôi ngồi giở những trang lớn và mỏng manh của một tập báo to gắn bằng Lolita, bìa đen như quan tài.

[8] Chỉ con chó cộc Tây Ban Nha mà Lolita đã “ngồi thụp xuống để vuốt ve” khi lần đầu tiên đặt chân vào sảnh khách sạn The Enchanted Hunters(xem chương 27, Phần Một).

Hỡi Bạn đọc! Brude [9]! Cái thằng cha Hamburg này quả là một thằng cha Hamburg ngu xuẩn biết mấy! Bởi lẽ hệ thần kinh siêu nhạy cảm của hắn ngại ngùng không muốn đối mặt với cảnh thật, hắn nghĩ ít ra mình cũng có thể thưởng thức một phần kín đáo của nó – khác nào tên thứ mười hay thứ hai mươi trong đám lính xếp hàng xí phần hiếp luân phiên, trùm chiếc khăn san đen của cô gái lên khuồn mặt nhợt nhạt của cô để khỏi phải thấy đôi mắt thất thần không chịu nổi, trong khi hưởng cái khoái lạc nhà binh của mình trong ngôi làng buồn thảm bị cướp phá. Điều tôi khát khao là được thấy tấm hình in báo trong đó tình cờ lọt vào khuôn mặt chen lấn của tôi khi mà tay nhiếp ảnh của tờ Gaxettechủ yếu tập trung vào tiến sĩ Braddock và nhóm của ông ta [10]. Tôi nhiệt thành hi vọng ở đây còn lưu giữ tấm chân dung người nghệ sĩ hồi còn là một gã trai trẻ [11] cục súc. Một chiếc máy ảnh hồn nhiên chộp được tôi đang lầm lũi tiến về phía giường Lolita – một cục nam châm cực mạnh cho Mnemosyne [12]! Tôi không thể giải thích rõ bản chất thực thụ của niềm xung động đang thôi thúc tôi. Tôi đồ rằng nó có liên quan với cái thói tò mò bệnh hoạn xúi ta lấy kính lúp soi kĩ những hình nhỏ xíu mờ nhạt – hồ như tranh tĩnh vật và mọi người sắp sửa nôn ọe – tại một cuộc hành quyết vào lúc sáng tinh mơ và sắc diện của người bệnh không thể nhận ra trên trang giấy in. Dù sao tôi cũng thở hổn hển và một góc cứng của tập sách âm phủ cứ thúc vào bụng tôi trong khi tôi rà soát, lướt qua từng trang… Brute Force và Possessed [13] sắp chiếu ở cả hai rạp vào ngày Chủ nhật 24. Ông Purdom, nhân viên bán đấu giá độc lập ngành thuốc lá, nói rằng từ năm 1925 trở đi, ông chỉ toàn hút Omen Faustum [14]. Husky Hank và cô dâu nhỏ bé của ông sẽ là khách mời của ông bà Reginald G. Gore ở số nhà 58 Đại lộ Inchkeith. Một số loại kí sinh trùng lớn bằng một phần sáu của chủ thể nó bám vào. Dunkerque được xây dựng hệ thống phòng thủ vào thế kỉ mười. Bít tất nữ, giá 39 cent, giày Saddle Oxford 3 đô la 98 cent. Rượu vang, rượu vang, rượu vang – tác giả của Dark Age (Thời đại đen tối) [15] nói một cách hài hước, không chịu để cho chụp ảnh – có thể họp với một con họa mi Ba Tư đấy, nhưng tôi thì bao giờ cũng xin cho mưa, mưa, mưa trên những mái nhà lợp gỗ cho hoa hồng và cảm hứng cùng nở rộ[16]. Những lúm đồng tiền là do da dính vào các mô sâu hơn. Người Hi Lạp đấy lùi một cuộc tấn công ác liệt của du kích – và đây, cuối cùng, một dáng người bé nhỏ mặc đồ trắng và tiến sĩ Braddock mặc đồ đen, nhưng chao ôi, do một cái vai ma quỉ nào đó đang cọ vào vóc dáng hoành tráng của ông, tôi chẳng thấy mặt mũi mình đâu cả[17].

[9] Tiếng Đức: người anh em. Nhái câu cuối bài “Au lecteur” (Gửi bạn đọc) thay lời tựa cho tập Les Fleurs du Mal (Ác hoa) của nhà thơ Pháp Charles Baudelaire: “Hypocrite lecteur – mon semblable – mon frère! (Hỡi bạn đọc đạo đức giả – đồng loại của tôi – người anh em của tôi!)”.

[10] Xem chương 28, Phần Một.

[11] Hiển nhiên là nhái cái đầu đề A Portrait of the Artist as a Young Man (Chân dung chàng nghệ sĩ hồi thanh niên) của James Joyce.

[12] Xem chú thích ở cùng chương này.

[13] Brute Force (Sức mạnh thô bạo), bộ phim do hãng Universal Pictures sản xuất năm 1947 và do Jules Dassin đạo diễn. Possessed (Bị ma quỉ ám) của đạo diễn Curtis Bernhardt do hãng Warner Brothers sản xuất cũng vào năm 1947. Đầu đề của cả hai phim đều phản ánh hoàn cành và tâm trạng của H. H.

[14] Tức là thuốc lá Lucky strike: “omen faustum”, tiếng Latinh nghĩa là “điềm may mắn”.

[15] Tức Quilty.

[16] Quilty nhái mấy câu trong bài thơ “The Rubáiyát” của nhà thơ Ba Tư Omar Khayyám thế kỉ 12 theo bản dịch của Edward Fitzgerald: “… Ruợu vang, rượu vang, rượu vang/ Vang đỏ”, Họa Mi nói vôi Hoa Hông…

[17] Xem chú thích ở chương 28, Phần Một. Nhưng “cái vai ma quỉ” của Quilty thì được “bất tử hóa”.

Tôi trở lại tìm Rita. Với nụ cười vin triste* (buồn buồn vì ngà ngà say), nàng giới thiệu với tôi một lão già nhỏ thó, quắt queo, say dã man, nói đây là – này, tên cậu là gì nhỉ, mình quên mất rồi – một bạn cũ học cùng trường với nàng. Lão cố níu nàng lại và trong cuộc xô xát nhẹ tiếp theo, tôi bị đau ngón cái khi đấm vào cái đầu rắn cấc của lão. Tôi đưa nàng ra công viên đi dạo một chút cho thoáng khí và trong im lặng đầy màu sắc của công viên, nàng nức nở và nói chẳng bao lâu, phải, chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ bỏ nàng như tất cả những kẻ đến trước tôi, và tôi hát cho nàng nghe một bài ba lát Pháp man mác buồn và chắp mấy vần quấy quá để làm cho nàng khuây khỏa:

“Thợ Săn Mê Mẩn ” là tên gọi nơi này

Diana, nàng dùng chất màu gì vậy

để nhuộm con Hồ Tranh với hàng cây

thành vũng máu trước khách sạn xanh biết mấy

Nàng nói: “Tại sao lại xanh trong khi màu thật của nó là trắng, lạy Chúa, tại sao lại bảo là xanh?” và lại tiếp tục khóc, và tồi dìu nàng ra xe, và chúng tôi lên đường về New York, và không lâu sau, trong làn sương mờ, tít trên sân thượng căn hộ nhỏ của chúng tôi, nàng tàm tạm vui vẻ trở lại. Giờ tôi nhận thấy rằng, cách nào đó, tôi đã trộn lẫn hai sự kiện: việc tôi cùng Rita ghé thăm Briceland trên đường đến Cantrip và lần sau, khi chúng tôi lại đi qua Briceland trên đường trở về New York, có điều những lan tỏa như vậy của sắc màu bập bềnh chảy trời, người nghệ sĩ, khi hồi tưởng, sao nỡ chẳng thèm lưu tâm?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.