Lolita

Chương 27



Hòm thư của tôi, đặt ở cửa vào, thuộc loại cho phép người ta thấy được bên trong có gì qua một khe gắn kính. Đã mấy lần, như bởi một trò xiếc, một tia sáng lóng lánh, qua khe kính, rọi vào một tự dạng xa lạ, làm nó méo mó thành gần giống như chữ của Lolita, khiến tôi suýt gục xuống trong khi tựa vào một cái bình kế đó, hầu như là bình đựng tro cốt của chính tôi. Mỗi lần điều đó xảy ra – mỗi lần những dòng chữ trẻ thơ nguệch ngoạc đáng yêu, đầy những nét vòng của em hóa thân một cách khủng khiếp thành cái tự dạng chán ngắt của một trong số ít kẻ giao lưu với tôi – tôi đều ôn lại, với một niềm thích thú pha lẫn đau đớn, cái quãng thời gian hồn nhiên cả tin trong quá khứ tiền – Dolores của mình, khi mà tôi thường bị lạc hướng bởi một cửa sổ lấp lánh như kim cương ở bên kia đường, trong đó con mắt tọc mạch của tôi, chiếc tiềm vọng kính luôn luôn tỉnh táo phục vụ cho cái thói tật bỉ ổi của tôi, phát hiện từ xa thấy một tiểu nữ thần gần như trần truồng im sững trong tư thế chải mái-tóc-Alice-ở-Xứ-Sở-Thần-Tiên. Cái huyễn tưởng mãnh liệt ấy có một sự hoàn hảo nó làm cho niềm khoái thú cuồng khấu của tôi cũng trở nên hoàn hảo, chính bởi vì hình ảnh đó ở ngoài tầm, không sao với tới được để làm hoen ố nó bằng cách gán nó trong ý thức một loại húy kị; quả thật, có thể chính sự hấp dẫn của lứa choai choai chưa đến độ chín đối với tôi không nằm ở cái trong vắt của vẻ đẹp tinh khiết, trẻ thơ, thiên đồng, cấm kị, mà chính là ở sự an toàn của tình huống trong đó vô vàn nét hoàn hảo lấp đầy khoảng trống giữa phần ít ỏi được cho và phần tuyệt vời được hứa hẹn – phần tuyệt vời hồng-xám không bao giờ đạt được. Mes fenêtres!* (những cửa sổ của tôi). Lơ lửng bên trên ánh tà dương lổ đổ và đêm đang dâng lên, nghiến răng kèn kẹt, tôi dồn ép tất cả lũ quỉ dục vọng của mình tì riết vào lan can một ban công bồi hồi: nó sắp sửa cất cánh bay đi trong hoàng hôn ẩm ướt màu mơ chín và đen; nó bay đi thật – và ngay sau đó, cái hình ảnh rực sáng liền chuyển động và Eve trở lại là một khúc xương sườn, và ở của sổ chẳng còn gì ngoại trừ một gã đàn ông béo ị mặc đồ lót đang đọc báo.

Vì thi thoảng tôi cũng giành được phần thắng trong cuộc chạy đua giữa trí tưởng tượng của tôi với thực tế của tự nhiên, nên sự thất vọng còn khả dĩ chịu đựng nổi. Nỗi đau khôn chịu nổi chỉ bắt đầu khi nhân tố Tình Cờ vào trận và tước đi của tôi nụ cười dành cho tôi. “Savez-vous qu’à dix ans ma petite était folle de vous?* (Ông có biết, mới mười tuổi, con bé nhà tôi đã mê ông đến phát cuồng không),” một mệnh phụ nói vậy với tôi tại một buổi tiệc trà ở Paris, và petite(con bé) ấy vừa mới lấy chồng cách đấy dăm cây số, và tôi thậm chí không thể nhớ là tôi có lúc nào để ý đến cô trong khu vườn, cạnh mấy cái sân quần vọt, khoảng mười hai năm trước. Và giờ đây cũng vậy, cái triển vọng rạng rỡ ấy, sự hứa hẹn trở thành hiện thực, một sự hứa hẹn mà ta hi vọng được thấy không những chỉ mô phỏng một cách quyến rũ, mà còn được thực hiện một cách cao đẹp – tất cả những cái đó, Tình Cờ đều từ chối không cho tôi – Tình Cờ và việc người viết thư trắng trẻo yêu dấu của tôi chuyển sang viết chữ nhỏ hon. Trí tưởng tượng của tôi trở nên vừa mang hơi hướm Proust vừa nhiễm tính cách Procustes [1]; vì vào cái buổi sáng đặc biệt đầu tháng Chín năm 1952 ấy, khi tôi xuống dưới nhá dò dẫm tìm lục hòm thư, người gác cổng rầu rĩ, ăn mặc chải chuốt, mà quan hệ giữa bác ta và tôi rất xấu, bắt đầu phàn nàn rằng một gã đàn ông gần đây đưa Rita về nhà đã “nôn ọe như một con chó” trên bậc thềm nhà. Trong khi nghe rồi “boa” cho bác ta tí chút và sau đó nghe một dị bản khác ôn hòa và lịch sự hơn về sự việc đó, tôi có cảm giác là một trong hai bức trong chuyến thư chết tiệt này là của mẹ Rita, một người đàn bà nhỏ bé điên khủng mà chúng tôi đã một lần đến thăm ở Cape Cod, bà ta đã liên tục viết thư cho tôi theo những địa chỉ khác nhau, nói rằng con gái bà và tôi thật là một cặp xứng hợp biết bao, và nếu chúng tôi thành hôn thì thật tuyệt vời biết mấy; bức thư thứ hai mà tôi mở ra và đọc lướt nhanh trong thang máy, là của John Farlow.

[1] Proust ở đây dĩ nhiên là Marcel Proust, còn Procustes (còn gọi là Damastes hay Polypemon) là một tên tướng cướp hung ác thường bắt các nạn nhân của minh nằm cho vừa khít một trong hai chiếc giường kích thước khác nhau; những người cao lớn đặt trên giường nhỏ bi cắt ngắn chân đi và những người thấp bé đặt giường lớn bị căng ra, cho vừa kích thước của giường. Do đo, có thành ngữ “bed of Procustes” (giường của Procustes) có nghĩa là luật lệ tàn bạo nhằm đồng dạng hóa và gò vào khuôn khổ khắc nghiệt bằng mọi giá.

Tôi thường hay nhận thấy rằng chúng ta thường có khuynh hướng gán cho bạn bè của mình sự ổn định về tính cách mà các nhân vật văn học in dấu được vào tâm trí độc giả. Bất kể chúng ta mở lại cuốn “Vua Lear” bao nhiêu lần, không bao giờ chúng ta thấy ông vua đôn hậu trong cơn bốc hơi men đập mạnh li rượu xuống mặt bàn, quên hết ưu phiền, trong một cuộc họp mặt vui vẻ có cả ba con gái cùng những con chó kiểng của họ. Không bao giờ Emma hồi tỉnh, ngay cả chất muối đồng cảm trong những giọt nước mắt đúng lúc của cha của Flaubert cũng không làm nàng sống lại [2]. Cho dù nhân vật được yêu thích này nọ có trải qua những triển diễn như thế nào giữa hai bìa cuốn sách, số phận của họ vẫn cố định trong tâm trí chúng ta, và tương tự như vậy, chúng ta chờ đợi các bạn mình cũng theo cái mô hình lô-gích và ước lệ này nọ mà chúng ta đã ấn định cho họ. Như vậy, X sẽ không bao giờ soạn được một tác phẩm âm nhạc bất tử khác hẳn những bản giao hưởng hạng hai mà ông ta đã khiến tai chúng ta quen nghe. Y sẽ không bao giờ phạm tội sát nhân. Trong bất kì hoàn cảnh nào, Z cũng không thể phản bội chúng ta. Tất cả đã đâu vào đấy trong đầu chúng ta, và càng ít thấy những con người khác biệt, ta càng hài lòng khi nhận thấy họ ngoan ngoãn ứng xử theo đúng ý niệm của chúng ta về họ mỗi khi ta nghe nói về họ. Bất kì một rẽ ngang nào trong các số phận mà chúng ta đã ấn định đều khiến chúng ta cẩm thấy không chỉ là bất bình thường mà còn phi đạo lí nữa. Chúng ta hẳn thích là đã không hề biết từ trước ông hàng xóm của mình vốn là người bán xúc xích hot-dog ngoài đường đã về hưu, nếu té ra ông vừa cho ra đời tập thơ tuyệt vời nhất mà thời của ông từng thấy.

[2] Qui chiếu về chương 8, phần III trong Bà Bovary, trong đó mà bào chế Homais cùng hai bác sĩ điều trị của Emma, Bovary và Carnivel, cuống cuồng tìm mọi cách cứu sống nàng, ông già Roualt, cha của Emma (“cha của Flaubert” bởi vì tác giả đã từng nói: “Emma Bovary ư? đó chính là tôi”) đến sau khi nàng chết, những giọt nước mắt của ông đâu có “đúng lúc”.

Tôi nói tất cả những điều này cốt để giải thích việc bức thư cuồng loạn của Farlow đã làm tôi hoang mang nhường nào. Tôi biết vợ anh ta đã chết, nhưng tôi chắc chắn rằng suốt trong thời kì góa bụa sùng kính của mình, anh ta vẫn nguyên là con người tẻ ngắt, điềm đạm và đáng tin cậy như bao giờ anh ta cũng thế. Giờ anh ta viết rằng sau một chuyến đi thăm Mĩ ngắn ngày, anh ta trở về Nam Mĩ và đã quyết định giao lại tất cả những vụ việc đã thụ lí ở Ramsclale cho Jack Windmuller, một luật gia ở thành phố này mà cả hai chúng tôi đều quen biết. Anh ta có vẻ như trút được một gánh nặng lớn khi rũ bỏ được cái vụ Haze “phức tạp”. Anh ta đã cưới một cô gái Tây Ban Nha. Anh ta đã cai thuốc lá và tăng trọng được mười lăm kí. Cô gái rất trẻ và là một quán quân trượt tuyết. Họ đang đi hưởng “tuần trăng mật gió mùa” [3] ở Ấn Độ. Bởi lẽ đang bận “xây dựng một gia đình”, để dùng y nguyên chữ của anh ta, từ nay trở đi, anh ta không còn thì giờ nào dành cho những vụ việc của tôi mà anh ta cho là “rất kì lạ và rất khó chịu”. Những kẻ rách việc – xem ra có hàng lô hàng lũ những kẻ như thế – đã mách cho anh ta rằng hiện không ai biết tung tích của cô bé Dolly Haze, còn tôi thì đang sống với một phụ nữ nổi tiếng, đã li dị chồng, ở California. Bố vợ của anh ta là một bá tước và giàu nứt đố đổ vách. Những người từ mấy năm nay thuê ngôi nhà của gia đình Haze, giờ muốn mua đứt nó. Anh ta đề nghị tôi mau chóng tìm cho ra Dolly. Anh ta bị gãy chân. Kèm theo bức thư là một tấm ảnh chụp anh ta và một cô gái tóc nâu mặc đồ len màu trắng đang âu yếm mỉm cười với nhau giữa tuyết rơi ở Chilê.

[3] Nguyên văn: “honeymonsoon”, một từ ghép tự chế, gộp hai từ “honeymoon” (tuần trăng mật) và “monsoon” (gió mùa).

Tôi nhớ lại lúc mình trở vào phòng như người máy và đang lẩm bẩm một mình: Được, ít ra thì bây giờ ta cũng sắp tìm ra dấu tích bọn chúng – thì bức thư kia bắt đầu nói với tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ thản nhiên:

BA THÂN MẾN,

Mọi sự ra sao? Lo đã lấy chồng và sắp có con. Lo đoán sẽ là một em bé to bự. Chắc sẽ sinh vào đúng dịp lễ Giáng sinh. Đây là một bức thư rành là khó viết. Lo phát điên vì tụi này không đủ tiền trả hết các khoản nợ để té khỏi đây. Người ta đã hứa với Dick một công việc quan trọng ở Alaska đúng vào Lĩnh vực chuyên môn của ảnh là cơ khí, về chuyện này, Lo chỉ biết có chừng nấy, nhưng mà đó thục sự là oách. Xin lỗi ba vì đã giữ bí mật địa chỉ, nhưng có lẽ ba còn cáu giận Lo, và không nên để cho Dick biết. Thành phố này là một cái gì đó. Không thấy được bọn ngu si đần độn vì sương khỏi. Ba làm ơn gửi cho tụi này một tấm séc, ba nhé. Ba, bốn trăm đô, hoặc thậm chí ít hơn một chút, tụi này có thề xoay xở được ổn, bao nhiêu cũng quí, ba có thể bán những đồ cũ của Lo đi, bởi vì một khi tụi này đến nơi đó, tiền sẽ bắt đầu vào như nước. Xin ba hãy viết cho Lo. Lo đã trải nhiều thời khắc buồn rầu và khó khăn.

Chờ thư ba,

DOLLY (BÀ RICHARD F. SCHILLER)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.