Lolita

Chương 28



Thưa quí bà trong đoàn bồi thẩm! Xin hãy lượng thứ cho tôi! Cho phép tôi lợi dụng chút xíu thời gian vàng bạc của quí bà! Vậy là đã đến le grand moment* (thời điểm quyết định). Tôi để Lolita lại một mình, em vẫn ngồi trên mép chiếc giường hun hút, giơ cao đôi chân ngái ngủ, sờ soạng tìm dây giày và do vậy, để lộ đùi trong đến tận bẹn, nơi rìa xi líp – em vẫn luôn luôn lơ đễnh hoặc trơ trẽn lạ thường như vậy, hoặc cả hai, trong việc phô phang chân cẳng. Vậy đó là hình ảnh kín bưng của Lolita mà tôi đã khóa trái lại – sau khi kiểm tra chắc chắn là cửa phòng không có then cài bên trong. Chiếc chìa khóa, với miếng gỗ khắc số lủng lẳng, từ đây trở thành câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa!” cho một tương lai mê li rùng rợn. Nó là của tôi, nó là bộ phận khăng khít gắn liền với bàn tay nóng bỏng và lông lá của tôi. Trong ít phút nữa – cho là hai mươi phút, hay nửa giờ, sicher ist sicher[1] như ông chú Gustave của tôi thường nói – tôi sẽ tự cho phép mình vào phòng “342” và thấy tiểu nữ thần của tôi, người đẹp và cô dâu của tôi, cầm tù trong giấc ngủ pha lê. Thưa các vị bồi thẩm! Nếu niềm hạnh phúc của tôi biết nói, hẳn nó đã hét đinh tai, làm rur.g chuyển cả cái khách sạn màu mè này. Và bây giờ đây, điều tiếc nuối duy nhất của tôi là đã không lặng lẽ đặt chiếc chìa khóa “342” ở quầy tiếp tân và rời bỏ thành phố này, nước này, lục địa này, bán cầu này – thực chất là trái đất này – ngay cái đêm hôm ấy.

[1] Tiếng Đức: chắc chắn là chắc chắn.

Xin cho tôi giải thích. Tôi không bối rối một cách quá đáng vì những lời bóng gió tự buộc tội của em. Tôi vẫn quyết tâm sắt đá theo đuổi chính sách của mình là giữ nguyên sự trong trắng của em bằng cách chỉ lén lút hành động trong đêm và chỉ trên một tấm thân trần nhỏ bé đã bị gây mê hoàn toàn. Kiềm chế và tôn trọng vẫn là phương châm của tôi – ngay cả nếu sự “trong trắng” ấy (nay bị khoa học hiện đại coi rẻ hoàn toàn, tiện đây xin nói thế) đã bị sứt mẻ tí chút qua một vài trải nghiệm gợi dục trẻ dại, chắc là đồng giới, ở cái trại chết tiệt ấy. Dĩ nhiên, với cung cách lỗi thời, cựu lục địa của mình, tôi, Jean-Jacques Humbert[2] đây, khi gặp em lần đầu, tôi coi em đương nhiên là trinh nguyên như cái khái niệm rập khuôn về “trẻ con bình thường” được qui ước là thế, kể từ khi Cựu Thế Giới trước Công nguyên cùng những thông lệ hấp dẫn của nó kết thúc một cách đáng tiếc. Trong cái kỉ nguyên ánh sáng này, xung quanh chúng ta, không còn những đóa-hoa-nô-lệ mà chúng ta có thể tùy tiện ngắt giữa thời gian giao dịch và tắm táp như vào thời những người La Mã; và chúng ta cũng không dùng xả láng từ đầu đến đuôi những gái làng chơi nhỏ xíu để mua vui giữa món thịt cừu và món nước quả như các nhà quyền quí phương Đông vào những thời còn xa hoa hơn. Toàn bộ vấn đề là mối liên hệ cũ gắn kết thế giới người lớn với thế giói trẻ con, ngày nay đã bị những tập quán mới và luật lệ mới chặt đứt hoàn toàn. Mặc dù từng tập tọng làm nghề thầy thuốc tâm thần và tham gia công tác xã hội, tôi thực sự hiểu biết rất ít về trẻ con. Xét cho cùng, Lolita chỉ mới mười hai tuổi, và cho dù có tính đến hoàn cảnh thời gian và nơi chốn – thậm chí lưu ý tới ứng xử thô tục của học sinh Mĩ – tôi vẫn có cảm giác rằng bất kì điều gì có thể xảy ra trong đám choai choai ngược ngạo ấy, ắt phải xảy ra ở một độ tuổi lớn hơn và trong một môi trường khác. Do vậy (để nối lại dòng mạch của lời giải thích này), nhà đạo đức học trong tôi tránh né vấn đề bằng cách bám chặt vào những khái niệm qui ước về con gái mười hai tuổi phải như thế nào. Ông thầy thuốc khoa nhi trong tôi (một lang băm như đa số bọn họ – nhưng không sao) nhai đi nhai lại cái món lí thuyết tân-Freud xào xáo lại và gợi lên một Dolly mơ mộng và huyễn hoặc đang trong thời kì “phát triển tiềm ẩn” của tuổi thiếu nữ. Sau rốt, tên hám nhục dục trong tôi (một con quái vật lớn điên khùng) không hề phản đối một chút đồi bại nơi con mồi của hắn. Nhưng đâu đó đằng sau diễm phúc mê cuồng ấy, những hình bóng hoang mang đang hội đàm – và tôi rất tiếc là đã không lưu tâm đến họ! Hỡi những con người, hãy nghe đây! Lẽ ra tôi nên hiểu rằng Lolita đã tỏ ra có cái gì rất khác với Annabel ngây thơ, và rằng cái ác độc đang thở hít qua từng lỗ chân lông của cô bé quyến rũ kì lạ mà tôi sửa soạn cho niềm lạc thú bí mật của mình, sẽ khiến mọi bí mật trở thành bất khả và lạc thú trở thành nọc độc chết người. Lẽ ra tôi nên biết (qua cái tín hiệu mà một cái gì đó nơi Lolita – cô bé Lolita đích thực hay một thiên thần ngơ ngác sau lưng em – ra dấu cho tôi) kết cục của niềm sung sướng mong đợi sẽ chỉ là đau đớn và kinh hoàng. Ôi, các quí ông có cánh trong bồi thẩm đoàn!

[2] Mạo danh văn hào và triết gia Pháp gốc Thụy Sĩ Jean-Jacques Rousseau (1712- 1778), như đã từng mạo danh Edgar Poe. Một trong những tác phẩm chủ yếu của J.-J. Rousseau là Confessions (Xưng tội). Tập hồi ức này của H. H. cũng là một lời xưng tội.

Và em là của tôi, em là của tôi, chiếc chìa khóa nằm gọn trong tay tôi, tay tôi đút trong túi, em là của tôi. Trong quá trình mơ tưởng và bày mưu tính kế đã khiến tôi bao đêm mất ngủ, tôi dần dần loại bỏ mọi cái lờ mờ không cần thiết và, bằng cách chồng những hình ảnh tưởng tượng trong suốt lên nhau, lớp nọ phủ lớp kia, cuối cùng tôi đã dựng lên được một bức tranh hoàn chỉnh. Khỏa thân hoàn toàn, trừ một chiếc tất và chiếc vòng nạm đá quí, nằm dang tay chân trên chiếc giường nơi liều thuốc mê của tôi đã hạ gục em – đó, tôi đã mường tượng trước ra em như vậy; tay em vẫn nắm chặt một dải ruy băng nhung buộc tóc; thân thể màu mật ong của em, với vạt trắng âm bản của một chiếc áo tắm sơ sài còn in hình trên nền da rám nắng, phô ra trước mắt tôi đôi núm vú mới nhú; trong ánh đèn hồng hồng, một nạm lông tơ óng ánh trên gò mu nây nẩy. Chiếc chìa khóa lạnh với miếng gỗ đeo âm ấm nằm trong túi tôi.

Tôi lang thang qua mấy phòng công cộng khác nhau, phía dưới lộng lẫy, còn phía trên thì lại ảm đạm: vì cái vẻ ngoài của lòng dâm dục bao giờ cũng ảm đạm; lòng dâm dục không bao giờ dám chắc hoàn toàn – ngay cả khi nạn nhân nhung lụa đã bị nhốt trong hầm giam khóa chặt của anh – rằng một ác quỉ kình địch[3] nào đó hoặc một vị thần đầy uy lực nào đó, còn chưa quyết xóa bỏ chiến thắng được chuẩn bị kĩ càng của anh. Nói theo cách thông thường, tôi cần uống một li; nhưng không có phòng bar nào trong cái nơi khả kính đầy những kẻ phàm phu tục tử đầm đìa mồ hôi và những đồ vật cổ lỗ này.

[3] Clare Quilty, “kình địch” của Humbert Humbert cũng trọ ở khách sạn The Enchanted Hunters và sẽ xuất hiện trong vài trang tới.

Tôi lững thững đi về phía phòng vệ sinh nam. Tại đây, một người vận đồ đen thầy tu – một “cây vui nhộn” comme on dit* (như người ta thường nói) – với sự trợ giúp của Vienna[4], đang kiểm tra xem cái ấy có còn nguyên đó không, y hỏi tôi đánh giá bài nói chuyện của tiến sĩ Boyd như thế nào và có vẻ bối rối khi tôi (Vua Sigmund[5] Đệ Nhị) nói Boyd quả là một cậu bé. Nói rồi, tôi gọn gàng vứt tờ giấy mềm tôi đã dùng để lau những đầu ngón tay nhạy cảm của mình vào chiếc sọt đựng giấy bỏ, và ra khỏi đó, đi tiếp về phía tiền sảnh. Thoải mái chống khuỷu tay trên quầy, tôi hỏi ông Potts ông có chắc vợ tôi không gọi điện tới không, và về cái giường con thì sao? Ông ta trả lời là vợ tôi không gọi (dĩ nhiên rồi, nàng có còn đâu) và ngày mai, chiếc giường con sẽ được kê nếu chúng tôi quyết định lưu lại. Từ một chỗ đông nghịt gọi là Sảnh của các Thợ Săn, vẳng lại âm thanh hỗn hợp của nhiều giọng nói bàn luận về nghề làm vườn hay sự vĩnh cửu. Một gian khác, gọi là Phòng Phúc Bồn Tử, chan hòa ánh sáng, với những chiếc bàn nhỏ rực rỡ và một bàn lớn đầy đồ “giải khát”, vẫn còn vắng tanh, ngoại trừ một nữ tiếp viên (thuộc loại phụ nữ có nụ cười đờ đẫn và cách nói của Charlotte); cô ta uốn éo xáp lại hỏi tôi có phải là ông Braddock không, nếu đúng thì Miss Beard[6]đang kiếm tôi. “Quả là một cái tên kì lạ cho một phụ nữ,” tôi nói và thủng thẳng bỏ đi.

[4] Tức “phái đoàn Vienna” (the Vienna delegation) ám chỉ S. Freud và các cộng sự của ông. Về mối ác cảm của Nabokov đối với Freud và tâm phân học, xem chú thích ở “Lời nói đầu”.

[5] Giễu Sigmund Freud. Xem thêm chú thích ở “Lời nói đầu”.

[6] “Beard” nghĩa là râu.

Dòng máu cầu vồng của tôi tuôn trào trong tim, hết chảy ra lại chảy vô. Tôi sẽ gia hạn cho em đến chín rưỡi. Quay trở lại tiền sảnh, tôi thấy ở đó có một thay đổi: một số người mặc áo váy hoa hoặc đồ đen tụ tập thành những nhóm nhỏ đây, đó, và một ngẫu nhiên tinh quái nào đó tạo cho tôi cơ hội được thấy một bé gái tuyệt vời trạc tuổi Lolita mặc một chiếc áo váy giống như của Lolita nhưng trắng tinh và thắt một dải ruy băng trắng trên mái tóc đen. Cô bé không xinh, nhưng đó là một tiểu nữ thần, và trong một khoảnh khắc đáng nhớ, đôi chân trắng ngà cùng cái cổ hoa huệ của cô tạo thành một đối âm thú vị (về phương diện âm nhạc xương sống) với nỗi lòng tôi khao khát Lolita, nâu và hồng, hứng khởi và ô uế. Cô bé trắng trẻo nhận thấy tôi đang nhìn (thực tình đó là một cái nhìn hoàn toàn ngẫu nhiên và vui vẻ thôi) và do ngượng nghịu một cách kì cục, đâm luống cuống, mắt long sòng sọc, ấp mu bàn tay lên má, giật gấu váy và cuối cùng, quay hai cái xương bả vai mảnh dẻ về phía tôi, nói chuyện với bà mẹ dáng dấp như bò cái.

Tôi rời khỏi tiền sảnh ồn ào, ra đứng bên ngoài trên những bậc thềm trắng, nhìn hàng trăm con thiêu thân cánh rắc phấn[7] xoáy lộn quanh những ngọn đèn trong đêm đen sũng nước, đầy những dập dềnh và nhộn nhạo. Tất cả những gì tôi sắp làm – tất cả những gì tôi sắp dám làm – sẽ chỉ là chuyện vặt…

[7] Nguyên văn: “powdered bugs”. Từ “bug” dùng ở đây là một đặc ngữ Mĩ (Americanism) chỉ bất kì loại côn trùng nào: mối, bướm đêm, vờ, thiêu thân… Trong tiếng Anh, “bug” thường chỉ có nghĩa là con rệp. Đám côn trùng xoáy lộn trong ánh đèn đêm nom như được rắc phấn (powdered) trên cánh.

Đột nhiên, tôi biết trong bóng tối, ngay cạnh tôi, có ai đó đang ngồi trên một chiếc ghế trong hàng hiên có cột chống. Tôi không thực sự trông thấy hắn, nhưng điều khiến hắn bị phát lộ là một tiếng kèn kẹt vặn mở nút chai, rồi một tiếng ực kín đáo và cuối cùng là tiếng vặn xoắn đóng nút. Tôi sắp rời khỏi đó thì hắn cất giọng hỏi:

“Ma xui quỉ khiến, ông vớ đâu được con bé vậy?”

“Xin lỗi, ông nói gì?”

“Tôi nói: thời tiết đang tốt dần lên.”

“Có vẻ thế.”

“Con bé là ai?”

“Con gái tôi.”

“Ông nói dối – không phải thế.”

“Xin lỗi, ông nói gì?”

“Tôi nói: tháng Bảy vừa rồi thật nóng bức. Mẹ nó đâu?”

“Chết rồi.”

“Ra thế. Rất lấy làm tiếc. Nhân tiện, xin mời hai người dùng bữa với tôi trưa mai, được không? Giờ đó, cái đám đông gớm ghiếc này chắc đã đi khỏi.”

“Giờ ấy, chắc chúng tôi cũng đã đi rồi. Chúc ngủ ngon.”

“Rất tiếc. Tôi hơi say. Chúc ngủ ngon. Cô bé của ông cần ngủ thật nhiều. Giấc ngủ là một đóa hồng, người Ba Tư nói vậy. Hút thuốc không?”

“Lúc này thì không.” [8]

[8] Cuộc đối thoại đầu tiên này giữa H. H. và Quilty báo hiệu sự kình địch giữa hai nhân vật.

Hắn đánh một que diêm, nhưng vì hắn say, hoặc vì gió say, nên ngọn lửa không hắt sáng vào hắn mà lại soi tỏ một người khác, một ông lão rất già, một trong những khách thường xuyên của khách sạn này – và cả chiếc ghế xích đu màu trắng của ông ta nữa. Không ai nói gì và bóng tối trở về chỗ ban đầu của nó. Tôi nghe thấy tiếng ông lão ho và khạc ra một bãi đờm ghê người.

Tôi bỏ đi. Ít nhất nửa tiếng đồng hồ đã trôi qua. Đáng ra tôi đã phải gọi một chút gì uống. Tôi bắt đầu cảm thấy thần kinh căng thẳng. Nếu một sợi dây vĩ cầm biết đau, thì tôi chính là sợi dây đó. Nhưng sẽ là không thích hợp nếu tỏ ra vội vã. Trong khi tôi lách qua một đám người đứng như phỗng trong một góc cửa tiền sảnh, một ánh đèn flash sáng lòa chợt lóe lên – và tiến sĩ Braddock tươi rói, hai bà nạ dòng trang sức bằng những chùm phong lan, cô bé mặc đồ trắng, và có lẽ cả hai hàm răng trắng nhởn nhe ra của Humbert Humbert len lách giữa cô bé có dáng vẻ tân giai nhân và người tu sĩ bị mê hoặc, được biến thành bất tử[9] – trong chừng mực ảnh in trên những tờ báo tỉnh lẻ có thể coi là bất tử. Một tốp ríu ra ríu rít đã tụ tập cạnh thang máy. Một lần nữa tôi lại chọn đi lối cầu thang bộ. Phòng 342 ở ngay gần thang thoát cháy. Lúc này vẫn có thể… nhưng chìa đã tra vào ổ khóa, và rồi tôi đã ở trong phòng.

[9] Ý nói: được chụp hình đăng báo. Nhưng H. H. không được “biến thành bất tử” – ông ta không có trong tấm hình đó, như bạn đọc sẽ thấy ở cuối chương 26, Phần Hai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.