Lolita

Chương 29 phần 1



Tôi ra khỏi xe và sập mạnh cửa. Cái tiếng sập cửa ấy nghe mới thản nhiên và dứt khoát biết bao trong khoảng trống của cái ngày vắng mặt trời này! Gâu! con chó bình luận ngắn gọn. Tôi bấm nút chuông, nó rung lên suốt dọc cơ thể tôi.Personne. Je resonne. Repersonne [1]* (Không có ai. Tôi lại bấm chuông. Vẫn không có ai). Cái trò vớ vẩn lặp lại này từ độ sâu nào mà ra? Gâu, con chó nói. Một chuyển động hối hả, một tiếng chân bước, rồi cánh cửa kêu kẽo kẹt gâu-gâu.

[1] Một ngón lặp âm hài hước. Âm lặp ở đây là “sonne”.

Cao hơn trước độ năm phân. Kính gọng hồng. Kiểu tóc mới độn cao, tai mới. Thật đơn giản xiết bao! Cái thời điểm, cái chết mà ba năm nay tôi không ngừng hình dung trong tưởng tượng lại đơn giản như một mẩu gỗ khô khốc. Em chửa to tướng, chửa thẳng thừng. Đầu em nom có vẻ bé đi (thực tế, mới chỉ có hai giây trôi qua, nhưng hãy để tôi cho nó trọn vẹn độ dài gỗ mộc mà cuộc đời có thể chịu đựng) và đôi má trắng lấm tấm tàn nhang của em hóp vào, cánh tay và bắp chân trần đã mất màu rám nắng, khiến cho những sợi lông nhỏ lộ rõ ra. Em mặc một chiếc áo dài vải bông màu nâu cộc tay và đi một đôi dép lê dạ nhếch nhác.

“A-a-a!” Em thốt lên với tất cả vẻ ngạc nhiên và đon đả sau một thoáng dừng.

“Chồng có nhà không?” tôi nói, giọng khàn đặc, nắm tay thủ trong túi quần.

Cố nhiên, tôi không thể giết em, như một số người có thể nghĩ vậy. Quí vị biết đấy, tôi yêu em. Đó là thứ tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, cho đến phút cuối giao mắt nhau, thứ tình yêu mãi mãi vĩnh cửu.

“Vào đi,” em nói, giọng sôi nổi và vui vẻ. Dolly Schiller dán mình hết mức có thể (thậm chí kiễng cả chân lên) vào cánh cửa bằng gỗ chết nứt nẻ, để lấy chỗ cho tôi qua, và trong một lúc, như bị đóng đanh câu rút trên thánh giá, mắt nhìn xuống, mỉm cười với cái ngưỡng cửa, má hóp càng lộ rõpommette* (lưỡng quyền) tròn, hai cánh tay trắng như sữa pha nước dang ra trên vách gỗ. Tôi đi qua mà không chạm vào đứa bé trong cái bụng căng phình. Mùi Dolly cộng thêm chút mùi thức ăn rán. Răng tôi va vào nhau như một thằng ngốc. “Không, mày ở ngoài ấy” (nói với con chó). Em đóng cửa và chúng tôi – cái bụng của em và tôi – vào phòng khác của căn nhà búp bê.

“Dick ở đằng kia,” em nói, chỉ bằng một cái vợt tennis vô hình, mời cái nhìn của tôi bỏ qua căn phòng khách kiêm phòng ngủ u ám, nơi chúng tôi đang đứng, xuyên thẳng qua căn bếp, rồi qua của sau, nơi hiện ra trong một khung cảnh có phần ban sơ một gã tóc đen lạ mặt mặc đồ bảo hộ lao động, tức thì được hoãn án, vắt vẻo trên một cái thang, quay lưng về phía tôi, đang chỉnh sửa một cái gì đó bên cạnh hay trên căn nhà gỗ của người hàng xóm, một tay mập hơn, cụt một tay, đang đứng ngước nhìn lên.

Cái kiểu ấy (“Đàn ông bao giờ cũng vẫn là đàn ông”), em bình luận từ xa; có phải gọi Dick vào không?

Không.

Đứng giữa căn phòng hơi dốc, thi thoảng thốt ra những tiếng “hử?” dò hỏi, em uốn éo cổ tay và bàn tay theo những động tác quen thuộc của vũ nữ Java, ra cái điều lịch sự mời tôi chọn giữa cái ghế xích đu và cái đi văng (sau mười giờ tối là giường ngủ của họ). Tôi nói “quen thuộc” là vì một hôm, em đã chào đón tôi cũng bằng vũ điệu cổ tay ấy khi tôi tới dự cuộc liên hoan của em ở Beardsley. Cả hai chúng tôi cùng ngồi xuống đi văng. Thật kì lạ: mặc dù vẻ ngoài của em đã thực sự tàn phai, tôi bỗng nhận ra, rõ rành dứt khoát, nhưng than ôi quá muộn, rằng em mới giống nàng Venus nâu nâu của Botticelli [2] biết bao – không phải chỉ lúc này mà từ xưa tới nay bao giờ cũng vẫn thế – y sì cái mũi thanh tú ấy, cái vẻ đẹp mờ ảo ấy. Trong túi quần, ngón tay tôi khẽ buông vũ khí chưa sủ dụng tới và quấn lại một chút chỗ đầu mút bằng chiếc khăn tay vẫn dùng để bọc nó.

[2] Trong bức “Sự ra đời của Venus”.

“Đó không phải kẻ ta cần tìm,” tôi nói.

Cái vẻ khoáng đạt niềm nở biến khỏi mắt em. Trán em nhíu lại như trong những ngày cay đắng năm xưa.

“Không phải ai?”

“Hắn ở đâu? Nói mau.”

“Này,” em nói, đầu nghiêng về một bên và lắc qua lắc lại trong tư thế ấy. “Này, đấy không muốn khói lại chuyện ấy đấy chứ?”

“Nhất định là ta muốn thế,” tôi nói và trong một khoảnh khắc – lạ thay, đó lại là khoảnh khắc duy nhất nhân hậu, có thể chịu nổi trong suốt cuộc trò chuyện – chúng tôi sửng cồ lên với nhau như thể em vẫn còn là của tôi.

Như một cô gái khôn ngoan, em trấn tĩnh lại.

Dick chẳng biết tí gì về toàn bộ vụ lộn xộn này. Gã tưởng tôi là cha của Lo. Gã tưởng em đã trốn khỏi một gia đình thượng lưu để đi rửa bát đĩa trong một quán ăn. Gã tin bất kì điều gì. Tại sao tôi lại muốn xới tung cả đống bùn ấy lên để làm cho tình hình càng thêm khó khăn?

Nhưng, tôi nói, em phải biết điều, em phải ứng xử như một cô gái biết điều hơn lẽ thiệt (với cái trống trần trụi dưới lớp da mỏng nâu nâu), em phải hiểu rằng nếu mong muốn tôi đến tận đây để giúp đỡ, thì ít ra cũng phải cho tôi hiểu rõ tình hình chứ.

“Nào, tên hắn là gì?”

Em ngỡ tôi đã đoán ra từ lâu rồi chứ. Đó là (với một nụ cười vừa nghịch ngợm vừa buồn buồn) một cái tên giật gân đến nỗi, có nói ra, chắc tôi cũng chẳng bao giờ tin. Bản thân em hầu như cũng không tin nổi.

Tên hắn, tiểu nữ thần mùa thu của tôi.

Cái đó chẳng mấy quan trọng, em nói. Em đề nghị tôi cho qua đi. Tôi có muốn hút một điếu thuốc lá không?

Không. Tên hắn cơ.

Em lắc đầu, rất kiên quyết. Em cho rằng đã quá muộn để làm ầm ĩ và tôi sẽ không bao giờ tin điều bất khả tín không cách nào tin được…

Tôi nói tôi nên đi thì hơn, chào thân ái, rất vui được gặp em.

Em nói quả thật là vô ích, em sẽ không bao giờ khai ra đâu, nhưng mặt khác, xét cho cùng… “Có thật ba muốn biết đó là ai không? Thôi được, đó là…”

Và khẽ khàng, vẻ bí mật, nhướn cong cặp lông mày mỏng và dẩu đôi môi khô, như trong một cú huýt gió câm, em thốt ra một cách hơi giễu cợt, hơi điệu đàng, nhưng không kém phần âu yếm, cái tên mà người đọc tinh tường đã đoán ra từ lâu.

Waterproof [3]. Tại sao một hình ảnh của Hồ Hourglass lại lóe lên như một ánh chớp trong tâm thức tôi? Cả tôi nữa cũng đã biết cái tên này từ đầu mà không biết là mình biết. Không sốc, cũng không bất ngờ. Sự hòa quyện diễn ra bình lặng và mọi thứ đã lại đâu vào đó, đúng chỗ trong cái mô hình cành nhánh mà tôi đã dệt nên trong suốt tập hồi ức này với mục đích rõ ràng là khiến được trái chín rụng đúng lúc; phải, với mục đích rõ ràng và phi lí là thể hiện – em vẫn đang nói nhưng tôi cứ ngồi hòa tan trong niềm an tĩnh vàng của mình – là thể hiện cái niềm an tĩnh hoàng kim và quái đản ấy thông qua việc đáp ứng sự công nhận rành là hợp lí [4], sự công nhận mà người đọc ác cảm nhất với tôi ắt cũng phải trải nghiệm.

[3] Xem chương 20, Phần Một. Cuối chương này, Jean Farlow đã suýt nhắc đến “một câu chuyện cực kì tục tĩu” về Clare Quilty. Xem thêm ở chú thích phần “Về một cuốn sách nhan đề Lolita”.

[4] Cả đoạn này (“mọi thứ đã lại đâu vào đó… đáp ứng sự công nhận rành là hợp lí”) và sự diễn tiến của cuốn tiểu thuyết, đã được dự báo trong một tác phẩm khác cũng rất nổi tiếng của V. Nabokov, Phòng thủ(The Defense) xuất bản năm 1930, kể lại bi kịch của một quán quân cờ vua, Aleksandr Luzhin. Nabokov mô tả về hai cuốn sách mà Luzhin “yêu mê cuồng suốt đời mình”, Hai vạn dặm dưới biển của Jules Verne và Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmescủa Conan Doyle, như sau: “… (Luzhin) lưu giữ chúng (chỉ hai cuốn sách nói trên – Người dịch) trong trí nhớ như dưới một chiếc kính lúp và nghiệm sinh chúng mãnh liệt đến nỗi hai mươi năm sau, khi đọc lại, ông chỉ thấy một bản rút gọn, như thể chúng bị vượt xa bởi những hình ảnh bất tử, không thể lặp lại mà ông đã lưu giữ…”

Em vẫn đang nói, như tôi vừa nói ở trên. Lúc này, lời lẽ em tuôn ra lưu loát thoải mái. Hắn là người đàn ông duy nhất mà em từng yêu đến cuồng dại. Còn Dick thì sao? À, Dick là một con cừu non, tụi này chung sống rất hạnh phúc, cơ mà em muốn nói một điều khác kia. Còn tôi, dĩ nhiên là chẳng bao giờ đáng kể?

Em nhìn tôi đăm đăm như đột nhiên chợt hiểu ra cái sự thật không thể tin nổi – và, cách nào đó, tẻ ngắt, rối rắm và không cần thiết – là con người bốn mươi tuổi ốm yếu, mảnh khảnh, trang nhã, tách biệt, mặc vét-tông nhung đang ngồi cạnh em đã biết tỏ tường và tôn thờ từng nang, từng lỗ chân lông trên cơ thể dậy thì của em. Trong đôi mắt màu xám nhạt của em – nom đến lạ với cặp kính! – hồi quang cuộc huê tình thiểu não của chúng tôi ánh lên trong thoáng chốc, được cân nhắc suy tính tí chút rồi dứt khoát bãi bỏ như một cuộc liên hoan chán phèo, như một cuộc pích-ních đúng ngày mua chỉ có những kẻ thộn đáng ngán nhất mò đến, như một bài tập nhàm chán, như một mảng bùn khô cứng đóng bánh lên tuổi thơ của em.

Tôi vừa kịp dịch đầu gối ra ngoài tầm tay em, tránh được một cái vỗ nhẹ an ủi – một trong những động tác em đã thành thạo.

Em bảo tôi đừng có ngốc thế. Cái gì đã qua là đã qua. Em nghĩ tôi đã là một papa tốt – khuyên son cho tôi điểm đó. Tiếp tục đi, Dolly Schiller.

Thôi được, tôi có biết rằng hắn quen mẹ em không nhỉ? Rằng thực tế, có thể nói hắn là một người bạn cố tri của gia đình? Rằng hắn đã đến thăm ông chú ít ngày ở Ramsdale? – à, cách đây vài năm – và có nói chuyện ở câu lạc bộ của ma-măng, và đã từng túm cánh tay trần của em, Dolly ấy, và kéo em lại ngồi lên lòng hắn trước mặt tất cả mọi người, và hôn lên mặt em, hồi ấy em lên mười và em nổi cáu với hắn? Tôi có biết là hắn đã thấy tôi và em ở cái lữ quán, nơi hắn đang viết chính cái vở kịch mà em phải tập ở Beardsley, hai năm sau? Tôi có biết… em thật bỉ ổi với cái mánh nói trệch đi để cho tôi tin rằng Clare là một phụ nữ lớn tuổi[5], có thể là một người bà con của hắn hoặc một người tình cũ – và ôi, thật hú vía! Khi tờ Nhật báo ở Wace đăng ảnh của hắn.

[5] Xem chương 15, Phần Hai.

Tờ Briceland Gazette thì không đăng. Phải, rất buồn cười.

Phải, em nói, thế giới này là một chuỗi những màn hài kịch nối tiếp nhau, nếu có người lấy chuyện đời em viết thành sách, chắc chẳng có ai tin.

Đến đây, bỗng có những tiếng đồ gia dụng va nhau lách cách vẳng ra từ bếp, nơi Dick và Bill vừa huỳnh huỵch đổ bộ vào kiếm bia. Qua khung cửa, họ nhìn thấy người khách lạ và Dick bước vào phòng khách.

“Dick, đây là ba em!” Dolly hét bằng một giọng oang oang khiến tôi thấy hết sức kì lạ và mới mẻ, mà lại vui và cũ và buồn, bởi vì gã trai trẻ, cựu binh của một cuộc chiến tranh xa xưa, bị nặng tai.

Mắt xanh Bắc Cực, tóc đen, má đỏ hồng, cằm lởm chởm không cạo. Chúng tôi bắt tay nhau. Bill, một con người ý tứ nhưng hiển nhiên là tự hào vì có thể làm những điều kì diệu bằng một tay, mang vào những lon bia mà anh ta đã mở. Anh ta muốn rút lui ứng xử xã giao tuyệt vời của những con người bình thường. Chúng tôi giữ anh ta nán lại. Quảng cáo cho một hãng bia. Thực tế, tôi thích sự tình diễn ra theo cách ấy, và vợ chồng Schiller cũng thế. Tôi chuyển sang ngồi trên chiếc ghế xích đu chao đảo. Miệng nhai nghiến ngấu, Dolly nhồi nhét tôi bằng kẹo dẻo và những lá khoai tây rán. Hai gã đàn ông ngắm người cha lừ đừ, frileux*(run rẩy), nhỏ thó, đầy chất cựu lục địa, còn tương đối trẻ nhưng ốm o trong chiếc vét-tông nhung và gi-lê màu “be”, dễ thường là một tủ tước cũng nên.

Họ tưởng tôi đến ở lại lâu dài, nên Dick, lông mày cau rúm lại chứng tỏ đang rất khó nghĩ, gợi ý là Dolly và gã có thể ngủ trong bếp trên một tấm nệm dự trữ. Tôi khẽ xua tay, bảo Dolly rằng tôi chỉ tiện thể ghé thăm trên đường đến Readsburg, ở đó một số bạn bè và người hâm mộ sẽ đón tiếp tôi và em truyền đạt lại điều đó cho Dick bằng một tiếng quát đặc biệt. Lúc này, mới phát hiện ra là một trong mấy ngón tay còn lại của Bill đang chảy máu (xét cho cùng, anh ta cũng chẳng khéo tay gì lắm). Thật xiết bao nữ tính và theo một cách nào đó trước nay tôi chưa từng thấy, lộ ra cái khe tôi tối giữa hai bầu vú trắng nhờ nhờ khi em cúi xuống bàn tay của Bill! em đưa anh ta vào bếp để chữa chạy. Trong mấy phút, ba hay bốn thiên thu nhỏ thực sự tràn đầy nhiệt tình giả tạo, Dick và tôi trơ trọi một mình. Gã ngồi trên một chiếc ghế cứng, xoa xoa hai cánh tay trên, cau mày, tôi thì cảm thấy một thôi thúc mơ hồ muốn vươn dài những móng vuốt mã não của mình để nặn những chấm đen trên hai cánh mũi nhâm nhấp mồ hôi của gã. Gã có cặp mắt buồn dễ thương với hàng lông mi đẹp và hai hàm răng rất trắng. Cục hầu gã to và đầy lông. Tại sao những gã thanh niên vạm vỡ ấy không chịu cạo mặt kĩ hơn nhỉ? Gã và Dolly của gã đã làm tình xả láng trên chiếc đi văng này, ít nhất là một trăm tám mươi lần, có khi hơn nhiều nữa; và trước đó – em đã biết gã bao lâu rồi nhỉ? Chẳng hậm hực gì. Kể cũng lạ- tôi chẳng hề cảm thấy hậm hực gì hết, ngoại trừ buồn tủi và lợm giọng. Lúc này, gã đang xoa mũi. Tôi dám chắc rằng, cuối cùng, khi gã mở miệng, gã sẽ nói (vừa nói vừa khẽ lắc đầu): “Chà, Dolly là một cô gái hết sẩy, thưa ông Haze. Đó là cái chắc. Và cô ấy sẽ là một bà mẹ hết sẩy.” Gã mở miệng – và tợp một ngụm bia. Điều đó giúp gã bình tĩnh – và gã tiếp tục nhấp từng ngụm cho đến khi miệng sùi bọt. Gã đúng là một con cừu non. Tay gã đã ấp iu cặp vú miền Florence [6] của em. Những móng tay của gã vừa đen vừa giập gãy, nhưng những đốt ngón, toàn bộ xương khu bàn tay và cái cổ tay khỏe khoắn cân đối thì đẹp hơn, đẹp hơn nhiều so với tôi. Tôi đã gây quá nhiều đau đớn cho quá nhiều thân thể bằng đôi bàn tay dẹo dọ của mình để có thể hãnh diện về chúng. Vài hình dung từ tiếng Pháp, những khớp ngón của một gã nhà quê vùng Dorset, những đầu ngón tay bèn bẹt của một gã thợ may người Áo [7] – đó là Humbert Humbert vậy.

[6] Ám chỉ hình tượng Venus trong bức tranh của Botticelli. Botticelli là người Florence.

[7] Pháp, Anh, Áo, một “hỗn hống gien cùa nhiều chủng tộc” như đã nhắc tới ở đầu chương 2, Phần Một. Tuy nhiên, Nabokov đã “cẩn thận chừa Nga ra ngoài, mặc dù tôi nghi người vợ đầu của anh ta (H. H.) có mang chút máu Nga trộn với máu Ba Lan”.

Tốt. Nếu có thể im lặng thì tôi cũng có thể lặng im. Thật vậy, tôi rất có thể thoải mái nghỉ ngơi tí chút trong chiếc ghế xích đu uể oải và sợ chết khiếp này, trước khi lại lên đường tìm đến sào huyệt của con thú [8] bất kể nó ở đâu – và đến lúc đó, sã lột bao qui đầu khẩu súng của tôi và rồi tận hưởng cực điểm khoái lạc của giây phút bóp cò: tôi luôn là một tín đồ nhỏ trung thành của thầy lang thành Vienna [9]. Nhưng liền đó, tôi bỗng cảm thấy ái ngại cho Dick tội nghiệp: bằng một cách thôi miên nào đó, tôi đã tàn nhẫn ngăn gã không nói lên được cái nhận xét duy nhất gã có thể nghĩ ra (“Dolly là một cô gái hết sẩy…”).

[8] Chỉ Quilty.

[9] Chỉ Freud.

“Vậy là,” tôi nói, “cô cậu sẽ đi Canada?”

Trong bếp, Dolly đang cười một điều gì đó Bill vừa nói hoặc làm.

“Vậy là,” tôi hét, “cô cậu sẽ đi Canada? Không phải Canada”- tôi lại hét – “Tôi muốn nói Alaska, tất nhiên rồi.”

Gã mân mê li bia của mình, ngoan ngoãn gật đầu trả lời: “À, chắc ảnh ngã vào cạnh sắc của một vách đá. Ảnh mất cánh tay phải ở Ý.”

Đẹp sao những cây hạnh đào nở hoa tim tím. Một cánh tay siêu thực bị bom xén phăng và treo lơ lửng ở đó trong màu tím hoa cà thể hiện theo kĩ thuật điểm họa. Trên bàn tay, hình xăm một cô gái bán hoa. Dolly và Bill lúc này đã được băng bó xuất hiện trở lại. Tôi chợt nghĩ là vẻ đẹp nâu và trắng lập lờ của em kích thích anh chàng cụt tay. Dick đứng dậy, nhe răng cười như trút được gánh nặng. Chắc Bill và gã phải quay trở lại xử lí nốt mớ dây thép kia. Chắc ông Haze và Dolly có vẻ khối chuyện cần hàn huyên. Chắc gã sẽ gặp lại tôi trước khi tôi đi. Tại sao những con người này “chắc” lắm thế, và cạo mặt dối dả thế, và coi khinh máy trợ thính đến thế?

“Ngồi xuống đi,” em vừa nói vừa vỗ vào mạn sườn bồm bộp. Tôi lại buông mình xuống chiếc ghế xích đu màu đen.

“Vậy ra em đã phản bội ta như thế đấy? Em và hắn đã đi những đâu? Hiện hắn ở đâu?”

Em lấy trên mặt lò sưởi xuống một tấm ảnh bóng loáng, lom lõm. Một bà già mặc toàn đồ trắng, to béo, chân vòng kiềng, áo rất ngắn; một ông già mặc sơ mi, ria thõng xuống, dây đeo đồng hồ. Bố mẹ chồng em. Sống cùng gia đình anh trai Dick ở Juneau.

“Ba có chắc là ba không muốn hút thuốc không?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.