Lolita
Chương 3 phần 2
Đến đây, tôi phải thú thật một điều kì cục. Các vị sẽ cười tôi – nhưng thực sự và thật tình, chẳng rõ tại sao tôi không tài nào biết được đích xác hiện trạng trên bình diện pháp lí là như thế nào. Điều đó tôi vẫn chưa biết. Ồ, tôi có nghe lỏm đây đó một vài điểm vặt vãnh. Luật của bang Alabama cấm người giám hộ không được đổi chỗ ở của đứa trẻ được giám hộ mà không có lệnh của tòa án; Minnesota – tôi xin ngả mũ bái phục bang này – thì qui định rằng một khi có một người bà con đảm nhận việc trông nom, nuôi dạy bất kì đứa trẻ dưới mười bốn tuổi nào, nhà chức trách pháp lí sẽ không can thiệp. Câu hỏi đặt ra là: liệu một ông bố dượng của một bé gái cưng mới ở tuổi dậy thì xinh đẹp đến độ khiến người ta phải há hốc miệng, một ông bố dượng mới thực thụ được một tháng, một người đàn ông đứng tuổi góa vợ, loạn thần kinh, có tài sản nhỏ nhưng độc lập, kéo theo sau những lan can cầu của châu Âu[7], một cuộc li hôn và một vài trại điều dưỡng tâm thần, có thể coi là một người bà con và, do đó, là người giám hộ tự nhiên, được không? Và nếu không, liệu tôi có nên và có thể đánh liều báo cho một văn phòng Cứu tế Xã hội nào đó và đệ đơn kiến nghị (cách thức đệ đơn như thế nào nhỉ?) để một nhân viên tòa án điều tra con người nhu nhược và đáng ngờ là tôi và con người nguy hiểm của Dolores Haze? Những cuốn sách, khá nhiều, về hôn nhân, hiếp dâm, nhận con nuôi, vân vân mà tôi tra cứu tham khảo với mặc cảm phạm tội ở các thư viện công cộng của những thành phố lớn, nhỏ, chẳng mách bảo cho tôi gì hơn ngoài việc ám chỉ một cách bí hiểm rằng Nhà nước là người siêu giám hộ của trẻ vị thành niên. Pilvin và Zapel, nếu tôi nhớ chính xác tên của hai tác giả, trong một tập sách đồ sộ bàn về khía cạnh pháp lí của hôn nhân, hoàn toàn không lí gì đến những ông bố dượng bồng trên tay, trên đầu gối những bé gái mồ côi mẹ. Liên minh đáng tin cậy nhất của tôi, một cuốn chuyên khảo về cứu tế xã hội (Chicago, 1936), mà một cô gái già hồn nhiên đã tốn bao công moi ra cho tôi từ đáy một kho dự trữ bụi bặm, nói: “Không có nguyên tắc nào qui định tất cả trẻ vị thành niên phải có một người giám hộ; tòa án giữ thái độ thụ động và chỉ vào cuộc khi tình thế của đứa trẻ trở nên nguy hiểm một cách rõ rệt.” Một người giám hộ, tôi kết luận, chỉ được bổ nhiệm khi anh ta chính thức và long trọng nói lên ý nguyện muốn làm phận sự ấy; nhưng có thể là nhiều tháng trôi qua trước khi anh ta được gọi ra điều trần trước tòa và mọc đôi cánh xám, và trong thời gian ấy, bé gái quỉ quái xinh đẹp được hành xử theo ý mình một cách hợp pháp, mà chung cuộc, đó chính là trường hợp của Dolores Haze. Rồi phiên tòa điều trần đến. Một vài câu hỏi của quan tòa, một vài câu trả lời bảo đảm của luật sư, một nụ cười mỉm, một cái gật đầu, tiếng lào xào nhỏ nhẹ bên ngoài, thế là xong thủ tục bổ nhiệm. Vậy mà tôi vẫn không dám. Hãy tránh xa ra, hãy là một con chuột nhắt co mình trong hang của mày. Các tòa án chỉ trở nên sốt sắng quá đáng khi dính dáng đến vấn đề tiền nong: hai giám hộ tham lam, một đứa trẻ mồ côi bị cướp đoạt, một kẻ thứ ba còn tham lam hơn. Nhưng ở đó, mọi thứ đều hoàn toàn ổn đâu vào đấy, một bản liệt kê đã được lập và tài sản nhỏ bé của mẹ em vẫn nguyên vẹn chờ Dolores Haze lớn lên. Có vẻ như chính sách khôn ngoan nhất là đừng có đâm đơn gì hết. Nhưng nếu tôi cứ án binh bất động quá đáng, ngộ nhỡ có một kẻ phá đám hoặc một Hội Từ Thiện nào đó xía vô thì sao?
[7] Âm vang từ câu 84 trong bài thơ “Le Bateau Ivre” (Con tàu say) của thi hào Pháp Arthur Rimbaud (1851-1891): “Je regrette l’Europe aux anciens parapets” (Ta luyến tiếc châu Âu với những lan can cầu cổ kính).
Ông bạn Farlow, vốn cũng là một thầy cò và đáng ra có thể cho tôi một vài lời khuyên vững chắc, thì lại quá bận bịu với sự nghiệp của Jean nên không thể làm gì hơn những điều ông ta đã hứa – cụ thể là chăm nom những tài sản còm cõi của Charlotte trong khi tôi hồi phục lại dần dần sau cú sốc do cái chết của nàng. Tôi đã thuyết phục được ông ta hoàn toàn tin rằng Dolores là con gái ngoài giá thú của tôi và do đó, có thể yên trí không sợ ông ta sẽ thắc mắc về điểm này. Như độc giả giờ đây hẳn đã nhận thấy rõ, tôi là một tay kinh doanh tồi; nhưng không phải sự ngu dốt hay lười nhác ngăn tôi cầu kiến những nhà chuyên môn ở nơi khác. Điều ngăn tôi lại là cái cảm giác đáng sợ rằng nếu tôi giỡn mặt số phận bằng bất kì cách nào và tìm cách hợp lí hóa cái năng khiếu huyền hoặc của em, nó sẽ bị tước đoạt khỏi tay tôi, giống như cái tòa lâu đài trên đỉnh núi trong truyện cổ tích phương Đông lập tức biến mất hễ người khách định mua hỏi viên quản lí tại sao từ xa lại nhìn thấy rõ mồn một một mảnh trời hoàng hôn xen giữa khối đá đen và nền nhà.
Tôi quyết định là đến Beardsley (nơi có trường Đại học Beardsley cho nữ sinh viên), tôi sẽ cố kiếm bằng được những tác phẩm tham khảo mà tôi chưa có dịp nghiên cứu như cuốn khái luận “Luật về quyền giám hộ ở Mĩ” của Woerner và một xuất bản phẩm của Ban Bảo Vệ Trẻ Em của Mĩ. Tôi cũng quyết định rằng đối với Lo, bất kì cái gì cũng tốt hơn là cảnh sống nhàn rỗi đến trệ người hiện tại. Tôi đã thuyết phục được em làm rất nhiều điều – những việc đó, nếu liệt kê đầy đủ, có thể khiến một nhà giáo dục chuyên nghiệp phải sửng sốt; nhưng tha hồ cho tôi nài nỉ hay nổi cáu, cũng không sao khiến được em đọc bất kì loại sách nào khác ngoài những cuốn gọi là truyện tranh hoặc những truyện đăng trong những tạp chí dành cho phụ nữ Mĩ. Bất kì thể loại văn học nào cao hơn một chút, đối với em, đều sặc mùi trường học, và mặc dù trên lí thuyết, em sẵn lòng thưởng thức Một cô gái vùng Đầm lầy Limberlost [8], hayNghìn lẻ một đêm, hay Những người đàn bà bé bỏng[9] nhưng chắc chắn em sẽ chẳng phung phí “kì nghỉ” của mình vào việc đọc những của trí thức rởm như vậy.
[8] A Girl of the Limberlost, tiểu thuyết của nữ văn sĩ Mĩ Gene Stratton Porter (1863-1924), từng một thời nổi tiếng và đặc biệt được hâm mộ trong giới nữ học sinh.
[9] Little Women, tác phẩm của nữ văn sĩ Louise May Alcott (1832-1888). Xuất bản lần đầu vào năm 1869, tác phẩm này đến nay vẫn được đông đảo độc giả đón nhận.
Giờ đây, tôi nghĩ mình đã phạm một sai lầm lớn khi lại đi về phía Đông và cho em vào học cái trường tư thục ở Beardsley ấy, thay vì bằng cách nào đó, chuồn qua biên giới Mexico khi còn kịp, để nằm phục một vài năm, hưởng chút hạnh phúc á nhiệt đới cho tới khi có thể an toàn cưới bé Creole[10] của mình; vì tôi phải thú nhận rằng tùy theo điều kiện các tuyến và trung khu thần kinh, tôi có thể, trong cùng một ngày, chuyển từ cực này sang cực kia của sự điên rồ – từ ý nghĩ rằng vào khoảng năm 1950, tôi sẽ phải rũ bỏ được một bé gái vị thành niên khó chịu mà ma lực tiểu nữ thần đã tiêu tan – đến ý nghĩ rằng với chút may mắn và lòng kiên nhẫn, chung cuộc, tôi có thể làm cho em sinh ra một tiểu nữ thần với dòng máu tôi trong huyết mạch em, một Lolita đời II mà vào khoảng năm 1960 sẽ lên tám hoặc chín tuổi khi tôi vẫn còndans la force de l’âge* (đang độ tráng niên); quả thật, khả năng viễn vọng của tâm trí hoặc tâm bất trí tôi đủ sức phóng tới miền xa thẳm của thời gian để nhìn thấy một vieillard encore vert* (một lão già còn xanh nguyên[11]) – hay đó chỉ là một thối rữa láng xanh? – một tiến sĩ Humbert quái dị, dịu dàng âu yếm, miệng nhỏ dãi, thể hiện nghệ thuật làm ông vói một Lolita đời III kiều diễm tuyệt trần.
[10] Người gốc châu Âu sống ở quần đảo Caribê (Trung Mĩ), hoặc vùng châu Mĩ nói tiếng Tây Ban Nha; người gốc Pháp hoặc Tây Ban Nha sống ở các tiểu bang miền Nam nước Mĩ; người lai.
[11] Nghĩa là còn khả năng tình dục, còn tráng dương.
Trong những ngày rong ruổi điên cuồng ấy, tôi không một phút nào nghi ngờ rằng mình đã thất bại thảm hại trong vai trò người cha của Lolita đời I. Tôi đã gắng hết sức mình; tôi đã đọc đi đọc lại một cuốn sách có cái đầu đề mang hơi hướm Kinh Thánh mặc dù không cố ý Know Your Own Daughter (Hãy hiểu rõ con gái mình) mà tôi kiếm được ở cùng một hiệu sách, nơi tôi đã mua cho Lo một ấn bản đặc biệt của tác phẩm Nàng tiên cá của Andersen, với những minh họa “đẹp” theo thị hiếu thương mại, làm quà sinh nhật lần thứ mười ba của em. Nhưng ngay cả vào những thời khắc tốt đẹp nhất của chúng tôi, khi chúng tôi ngồi đọc trong một ngày mưa (Lo đưa mắt hết ngước ra cửa sổ lại nhìn đồng hồ đeo tay), hoặc bình thản đánh một bữa no nê trong một quán ăn đông nghịt, hoặc chơi một ván bài như trẻ con, hoặc đi mua sắm đồ, hoặc lặng lẽ, cùng một số du khách khác và lũ con họ, trân trân nhìn một chiếc xe bẹp rúm, loang lổ máu và một chiếc giày con gái văng xuống hố (Lo nói, khi chúng tôi đi tiếp: “Đó đích thị là cái kiểu giày da mộc mà em đã cố gắng mô tả cho cái cha đần độn ở cửa hàng”); trong tất cả những hoàn cảnh ngẫu nhiên đó, tôi đều tự cảm thấy mình giả tạo trong tư cách là cha, cũng như em trong tư cách là con gái. Có lẽ chuyến đi tội lỗi này đã có tác động làm suy giảm khả năng nhập vai của chúng tôi chăng? Liệu sắp tới, một chỗ ở cố định và nề nếp đi học thường ngày có cải thiện được tình hình?
Lí do khiến tôi chọn Beardsley không chỉ vì ở đó có một trường nữ học tương đối nghiêm chỉnh mà còn vì ở đây có cả trường đại học nữ. Trong mong muốn được case* (ổn định, yên chỗ), bằng cách nào đó gắn mình vào một bề mặt có hoa văn để những vết vằn trên người tôi có thể hòa lẫn vào, tôi nghĩ đến một người quen ở khoa tiếng Pháp của trường Đại học Beardsley; lão ta đã có nhã ý sử dụng cuốn sách giáo khoa của tôi để giảng dạy và một lần đã định mời tôi đến thuyết trình. Tôi tuyệt nhiên không muốn nhận lời vì, như tôi từng nhận xét trong quá trình ghi lại những lời thú tội này, ít có thứ ngoại hình nào khiến tôi kinh tởm hơn cái phom xương chậu nặng nề sệ xuống, đôi bắp chân bè bè và nước da thảm hại của cái típ nữ sinh viên thường thường bậc trung (tôi hình dung đây có lẽ là cái quan tài bằng thịt nữ thô mà các tiểu nữ thần của tôi sẽ bị chôn sống trong đó); nhưng tôi đang khao khát có được một cái chiêu bài, một môi trường, một hình bóng giả, và, như quí vị sắp thấy rõ dưới đây, có một lí do, một lí do khá buồn cười khiến tôi coi việc bầu bạn với lão Gaston Godin là đặc biệt an toàn.
Cuối cùng, còn có vấn đề tài chính. Thu nhập của tôi đang rạn nứt dưới sức ép của cuộc du hí này. Đành rằng tôi đã cố kết với những motel rẻ tiền; nhưng thi thoảng, cũng không khỏi sa vào một khách sạn sang trọng hào nhoáng hay một trang trại nghỉ mát khoa trương, làm sứt mẻ ngân sách của chúng tôi; ngoài ra, còn phải chi những khoản choáng người vào các cuộc tham quan thắng cảnh và quần áo của Lo, và chiếc xe già cỗi của gia đình nhà Haze, tuy còn khỏe và rất mực tận tâm tận lực, nhưng vẫn cần nhiều cuộc tiểu tu và đại tu. Trên một tấm bản đồ đi đường, may mắn sót lại trong đám giấy tờ mà nhà chức trách đã có nhã ý cho phép tôi sử dụng để viết lời khai, tôi tìm thấy mấy đoạn ghi chép, nhờ đó tôi lập được bản kết toán sau đây. Trong cái năm ngông cuồng ấy, từ tháng Tám 1947 đến tháng Tám 1948, chi phí ăn, ở của chúng tôi lên tới 5.500 đô la; xăng, dầu và sửa chữa xe: 1.234 và những phụ phí linh tinh cũng khoảng chừng nấy: thành thử trong khoảng 150 ngày thực tế di chuyển (chúng tôi đã vượt qua gần 43.000 ki lô mét![12]) cộng với độ 200 ngày dừng nghỉ xen kẽ, kẻ rentier* (người sống bằng lợi tức) khiêm tốn này đã tiêu khoảng 8.000 đô la, hay nói cho đúng hơn, 10.000 đô la bởi vì một kẻ thiếu đầu óc thực tế như tôi chắc chắn đã quên một số khoản chi khác.
[12] H. H. hãnh diện đã cùng tiểu nữ thần của mình vượt một chặng đường gấp đôi Quilty cùng vở Little Nymph (Tiểu nữ thần) của hắn: vở này được lưu diễn trên một chặng đường 22.000 km. (Xem đoạn chép lại từ mục QUILTY, Clare, ở cuối chương 8, Phần Một.)
Và như thế, chúng tôi lăn bánh về phía Đông, tôi mệt nhoài hơn là phấn chấn với niềm đam mê được thỏa mãn, còn em thì đỏ da thắm thịt, tràng hoa hai mỏm xương chậu vẫn ngắn như của một cậu thanh niên mặc dù em đã cao lên năm xăng ti mét và nặng thêm bốn ki lô. Chúng tôi đã đi khắp nơi. Thực ra chúng tôi chẳng xem được gì. Và giờ đây, tôi chợt thấy mình nghĩ rằng cuộc hành trình dài của chúng tôi chỉ quệt một vệt nhớt bẩn ngoằn ngoèo làm ô uế đất nước mênh mông, tươi đẹp, mơ mộng, đầy lòng tin cậy, mà, nhìn lại, hồi bấy giờ đối với chúng tôi, đó chẳng là cái gì khác hơn là một bộ sưu tập những bản đồ quăn góc, những cuốn sách hướng dẫn du lịch nát tươm, những chiếc lốp xe cũ và những tiếng thổn thức của em trong đêm – hằng đêm, hằng đêm – đúng lúc tôi giả vờ ngủ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.