Lolita
Chương 32
Tôi nhớ một ngày trong chuyến hành trình đầu tiên của chúng tới – tầng đầu thiên đường của chúng tôi – hôm đó, để bình yên tận hưởng các huyễn tưởng của mình, tôi kiên quyết quyết định phớt lờ những gì tôi không thể không cảm nhận thấy, cụ thể là, đối với em, tôi không phải là một bồ trai, không phải một chàng trai đầy sự hấp dẫn, cũng không phải một bạn cánh hẩu, thậm chí không phải là một con người, mà chỉ là hai con mắt và một cái chân đầy cơ bắp co quắp – để chỉ nhắc tới những gì có thể nhắc tới được. Có một hôm khác, sau khi rút lại lời hứa đầy tính thực dụng đã thỏa thuận với em hôm trước (bất cứ điều gì trái tim bé nhỏ đồng bóng của em đã chọn – một sân trượt pa tanh có sàn đặc biệt bằng plastic hay một bộ phim chiếu buổi sáng mà em muốn đi xem một mình), tôi tình cờ chớp nhìn thấy từ buồng tắm, nhờ sự kết hợp ngẫu nhiên của độ chếch tấm gương với khe cửa he hé, một vẻ trên khuôn mặt của em… cái sắc diện tôi không thể mô tả chính xác được… một vẻ bất lực hoàn toàn đến nỗi dường như chuyển thành một vẻ ngu ngơ bình thản, chính bởi vì đây là giới hạn tột cùng của bất công và thất vọng – và mọi giới hạn đều bao hàm một cái gì đó bên kia nó – do vậy mà bừng sáng một cách trung lập. Và khi mà nhớ đây là cặp lông mày nhướn lên và đôi môi he hé của một bé gái, có lẽ bạn sẽ hiểu rõ hơn rằng tôi đã toan tính nhục dục sâu xa nhường nào và tuyệt vọng nhường nào trong suy nghĩ thì mới không phủ phục dưới đôi chân yêu dấu của em mà vỡ òa thành nước mắt con người, và hi sinh lòng ghen của mình để đáp ứng bất kì khoái thú nào mà Lolita hi vọng tìm thấy trong việc đàn đúm với bọn trẻ bẩn thỉu và nguy hiểm trong một thế giới bên ngoài mà đối với em là có thật.
Và tôi còn có những kỉ niệm tắc nghẹn khác giờ đây đang bung ra thành những quái vật không chân không tay của nỗi đau. Một lần, trên một con phố ở Beardsley, với cảnh mặt trời lặn phía cuối đường, em quay sang Eva Rosen (tôi đưa cả hai tiểu nữ thần đến một cuộc hòa nhạc và đang đi đằng sau, bám sát đến nỗi người tôi gần như chạm vào họ), phải, em quay sang Eva khi cô bé này nói thà chết còn hơn phải nghe Milton Pinski, một nam học sinh sở tại mà cô quen, bàn về âm nhạc, và đáp lại nhận định đó, Lolita của tôi hạ một lời bình hết sức thản nhiên và hết sức nghiêm túc:
“Cậu biết không, điều cực kì khủng khiếp khi ta chết là ta hoàn toàn trơ trọi một mình”; và, trong khi đôi đầu gối rô-bốt của tôi nhấc lên hạ xuống, tôi chợt nhận ra rằng tôi hoàn toàn không biết gì về tâm tư cục cưng của mình và rằng rất có thể đằng sau những từ ngữ gớm ghiếc đám trẻ ưa dùng, trong em có một khu vườn và một hoàng hôn, và cánh cửa vào một cung điện – những vùng mơ tối và đáng yêu mà rõ ràng là tôi bị cấm tuyệt đối không được đặt chân vào với bộ đồ rách rưới nhớp nhúa và những co giật khốn khổ của tôi; vì tôi nhiều lần nhận thấy rằng, sống như cách chúng tôi, em và tôi, đang sống, trong một thế giới của cái ác bao trùm, chúng tôi ắt sẽ trở nên bối rối lạ lùng mỗi khi tôi thử bàn luận về một điều gì đó mà em và một người bạn lớn tuổi hơn, em và một người bà con, em và một bồ trai thực sự lành mạnh, tôi và Annabel, Lolita và một ông Harold Haze cao cả, đã được phân tích, thanh lọc, thánh hóa, có thể đã từng bàn luận – một ý tưởng trừu tượng, một bức tranh, một Hopkins lốm đốm [1]hay một Baudelaire bị xén trụi lông [2], Thượng Đế hay Shakespeare [3], bất kì đề tài nào thuộc loại thứ thiệt. Chẳng sao! Em sẽ che đậy chỗ yếu của mình bằng sự ngược ngạo tầm thường và vẻ chán ngấy, còn tôi thì đưa ra những bình luận tưng tửng bằng một giọng giả tạo đến độ làm ghê hết cả những chiếc răng còn lại của chính mình, và như thể khuấy lên trong cử tọa những cơn bùng nổ lỗ mãng khiến không thể nào tiếp tục trò chuyện được, ôi, bé em bị bầm giập tội nghiệp của tôi.
[1] “Strippled Hopkins”: Gerald Manley Hopkins (1844-1889), nhà thơ Anh. Từ “stripple” (đốm) được dùng trong bài thơ “Pied Beauty” (Vẻ đẹp lốm đốm) của ông: “Glory be to God for dappled things… For rose-moles all in stipple upon trout that swim”, tạm dịch: “Vinh quang thuộc về Thượng Đế vì đã sinh ra những vật lốm đốm… Vì những nốt ruồi hồng lốm đốm khắp trên mình cá hồi đang bơi”. Theo lời của chính Hopkins: “Bài thơ này là sự mô tả ưa thích nhất của tôi về những điều kì diệu của Thượng Đế”.
[2] Ám chỉ cái đầu trọc trứ danh của thi hào Pháp. Trên tấm ảnh do Carjat chụp ông năm 1863, pho tượng của nhà điêu khắc Raymond Duchamp Villon năm 1911 và bức chân dung khắc kẽm củaa Jacques Villon, em trai nhà điêu khắc nói trên (1920), cũng như chân dung tự họa (vào khoảng năm 1860), tóc Baudelaire nom như bị vặt trụi.
[3] Nhại lời kêu cầu của Stephen Dedalus: “God, the sun, Shakespeare (Thượng đế, mặt trời, Shakespeare)” trong tác phẩm bất hủ Ulysses của James Joyce, phần “Nighttown”.
Anh yêu em. Anh là một con quái vật năm chân, nhưng anh yêu em. Anh thô bạo, đáng khinh, và xấu xa đê tiện, và đủ mọi thứ, mais je t’aimais, je t’aimais!* (nhưng anh yêu em, anh yêu em). Và có những lần anh biết em cảm thấy thế nào và điều đó là một cực hình địa ngục đối với anh, bé yêu của anh, Lolita kiều nữ, Dolly Schiller trung hậu.
Tôi nhớ một số khoảnh khắc, ta hãy gọi chúng là những tảng băng trôi nơi thiên đường, những khoảnh khắc mà sau khi đã no nê em – sau những chầu dốc sức hoang đường điên dại khiến tôi lử lả đầu váng mắt hoa – tôi gom em trong vòng tay với, rốt cuộc, một tiếng rên câm lặng của âu yếm tình người (da em lấp lánh trong ánh đèn nê ông từ ngoài sân lọt vào qua những khe mành cửa sổ, hàng mi đen nhánh bết vào nhau, cặp mắt xám nghiêm nghị xa vắng hơn bao giờ hết – hình ảnh hoàn hảo của một bệnh nhân nhỏ còn mụ mị vì thuốc mê sau một cuộc phẫu thuật quan trọng) – và niềm âu yếm lắng sâu để chuyển thành hổ thẹn và tuyệt vọng, và tôi vỗ về và ru Lolita mảnh dẻ cô đơn của tôi trong đôi cánh tay cẩm thạch, và rên lên trong mái tóc ấm của em, và vuốt ve em khắp chỗ, và thầm xin em ban phước và tới đỉnh điểm của cơn âu yếm quên mình, xé lòng, đầy tình người ấy (hồn tôi thực sự lơ lửng quanh thân thể trần truồng của em, sẵn sàng sám hối) thì đột nhiên, mỉa mai làm sao, lòng dục lại bùng lên một cách khủng khiếp – và “ồ, không,” Lolita nói với một tiếng thở dài như phân bua với trời, và phút sau, âu yếm và màu thiên thanh – tất cả đều vỡ vụn.
Vào giữa thế kỉ hai mươi, những ý niệm về quan hệ giữa con cái và cha mẹ đã bị ô nhiễm bởi lối diễn ngôn kinh viện rườm rà và những biểu tượng qui chuẩn hóa của cái mánh tâm phân học, nhưng tôi hi vọng là tôi đang nói với những độc giả không thiên vị. Một lần, khi cha của Avis [4] bóp còi bên ngoài nhà chúng tôi để báo hiệu là ba đến đón cục cưng của ba về nhà, tôi cảm thấy buộc phải mời ông ta vào phòng khách; ông ngồi một lát và trong khi chúng tôi trò chuyện, Avis, một cô bé mập mạp, ân cần, không có gì là hấp dẫn, xáp tới ông và cuối cùng, vắt vẻo phục phịch lên lòng ông. Tôi không nhớ kể là Lolita luôn dành cho những khách lạ một nụ cười thực sự mê hồn, dịu dàng him cặp mắt nhung với hàng mi rối, tất cả các nét mặt ngời lên một vẻ mơ màng êm dịu, sắc diện này dĩ nhiên chẳng hàm nghĩa gì, nhưng nó đẹp, nó thân ái đến nỗi người ta khó mà suy diễn vẻ ngọt ngào này chỉ đơn thuần do một thứ gien thần kì làm gương mặt em tự động bừng sáng lên như là một biểu hiện hồi tổ về một nghi thức chào đón cổ xưa – kiểu niềm nở của gái làng chơi, loại độc giả thô lỗ có thể nói vậy. Thế đấy, em đứng đó trong khi ông Byrd xoay xoay chiếc mũ trong tay và nói chuyện, và – à phải, tôi thật ngu xuẩn làm sao, lại bỏ sót không nói đến cái đặc tính chủ yếu trong nụ cười trứ danh của Lolita, cụ thể là: cái vẻ ngời sáng dịu ngọt như mật hoa và đầy những lúm đồng tiền ấy, trong khi thể hiện lên, không bao giờ hướng thẳng về phía người khách lạ trong phòng, mà bồng bềnh trong khoảng trống xa xăm đầy hoa nở của chính nó, có thể nói thế, hoặc vẩn vơ lướt nhẹ theo cách của nguời cận thị trên những đồ vật tình cờ bắt gặp – và đó là điếu xảy ra lúc đó: trong khi Avis béo rúc vào người ông bố, Lolita dịu dàng mỉm cười với một con dao bổ hoa quả, mân mê nó trên mép bàn, nơi em tì khuỷu tay cách xa tôi hàng dặm. Đột nhiên, trong khi Avis bá cổ bố và ông này, bằng một cánh tay ơ hờ, quàng quanh đứa con gái cục mịch to đùng của mình, tôi thấy nụ cười của Lolita mất hết ánh ngời và trở thành một cái bóng nhỏ đông cứng lại của chính nó, và con dao bổ hoa quả tuột khỏi bàn rơi xuống, cái cán bạc của nó đập vào mắt cá chân em khiến em hức lên và ngồi thụp xuống, đầu chúi về phía trước, rồi, nhảy lò cò một chân, mặt rúm lại như sắp sửa mếu, cái kiểu mếu mà trẻ con thường duy trì cho đến khi nước mắt trào ra, em ra khỏi phòng – và Avis liền theo em vào trong bếp để dỗ dành, Avis, cô bé có một người cha tuyệt vời, béo tốt hồng hào và một đứa em trai bụ bẫm, và một em gái sơ sinh mới toanh, và một tổ ấm, và hai con chó nhe răng cười, trong khi Lolita chẳng có gì hết. Và tôi xin kể một vế đi đôi rất xứng hợp với màn kịch nhỏ này – cũng trong khung cảnh Beardsley. Lolita đang đọc bên lò sưởi, bỗng vươn vai, rồi giơ một khuỷu tav lên, làu bàu hỏi: “Đúng ra, bà ấy được chôn ở đâu?” “Ai cơ?” “Dào, ông thừa biết, bà mẹ bị ám sát của tôi chứ còn ai.” “Còn em thì thừa biết mộ bà ấy ở đâu,” tôi nói, cố tự chủ, rồi tôi nói tên của nghĩa trang ấy – ở ngay bên ngoài Ramsdale, giữa đường xe lửa và Đồi Lakeview. “Hơn nữa,” tôi nói thêm, khía cạnh bi kịch của một tai nạn như vậy bị làm rẻ đi phần nào bởi cái hình dung từ mà em thấy thích hợp để gán cho nó. Nếu em thực sự muốn thắng ý tưởng về cái chết trong đầu em…” “Hô,” Lo nói thay vì “hoan hô” và uể oải ra khỏi phòng, và hồi lâu, tôi trân trân nhìn ngọn lửa trong lò sưởi bằng đôi mắt nhức nhối. Rồi tôi nhặt cuốn sách của em lên. Đó là một thứ truyện lá cải cho đám trẻ. Nó kể về một cô gái âu sầu Marion và bà mẹ kế, bà này, ngược với mọi sự chờ đợi, hóa ra lại là một thiếu phụ tóc đỏ vui tươi, đầy lòng thông cảm, bà giải thích cho Marion hiểu rằng mẹ quá cố của cô là một phụ nữ anh hùng: biết mình sắp chết, bà cố tình giấu tình yêu cao cả dành cho Marion vì bà không muốn con gái nhớ tiếc mình. Tôi không chạy bổ lên phòng em, nước mắt giàn giụa. Xưa nay tôi vốn ưa phép vệ sinh tinh thần là không can thiệp. Giờ đây, quằn quại và biện bạch với kí ức của mình, tôi nhớ rằng lần ấy cũng như nhiều lần tương tự, thói quen và phương pháp của tôi bao giờ cũng là lờ đi không đếm xỉa gì đến tâm trạng của Lolita, trong khi vỗ về bản ngã đê tiện của chính mình. Khi mẹ tôi, trong chiếc áo dài ướt sũng nhợt nhạt, dưới sương mù đổ xuống như thác (tôi hình dung bà rõ mồn một như thế) hổn hển chạy lên tới cái đỉnh núi nhìn xuống Moulinet[5] ấy để rồi bị sét đánh ở đó, tôi mới chỉ là một đứa hài nhi, hồi cố lại, tôi không bao giờ có thể tìm thấy một khao khát thèm muốn nào khả dĩ ghép được vào bất kì khoảnh khắc nào trong tuổi trẻ của tôi, bất kể các bác sĩ tâm lí hỏi vặn vẹo tôi man rợ như thế nào trong thời kì suy sụp sau này của tôi. Nhưng tôi thừa nhận là một người có sức tưởng tuợng như tôi không thể xưng xưng cãi là cá nhân mình không hề biết đến những cảm xúc phổ biến ở mọi người. Có thể tôi đã dựa quá nhiều vào mối quan hệ giá lạnh đến độ bất bình thường giữa Charlotte và con gái. Nhưng điểm ghê sợ trong toàn bộ lập luận này là đây: Trong quá trình sống chung kì quái và thú vật của chúng tôi, Lolita công thức của tôi dần dần thấy rõ rằng ngay cả cuộc sống gia đình khốn khổ nhất cũng còn hơn cái trò giễu nhại loạn luân, điều mà, về lâu về dài, là thứ tốt nhất tôi có thể trao tặng cô bé bị bỏ rơi này.
[4] Tên đầy đủ là Avis Byrd. Một ngón chơi chữ:avis, tiếng Latinh, nghĩa là chim (bird) ghép với họ Byrd thành một điệp âm “bird bird” (chim chim).
[5] Một làng nhỏ ở vùng A pes giáp biển (Alpes-Maritimes) phía Bắc Menon.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.