Lolita
Chương 35 phần 1
Sáng hôm sau, tôi rời Lữ quán Mất Ngủ vào quãng tám giờ và loanh quanh ở Parkington một lúc. Nỗi lo rằng mình có thể làm hỏng cuộc hành quyết ám ảnh tôi hoài. E đạn trong ổ súng có thể thối qua một tuần không hoạt động, tôi lấy ra và thay vào một loạt mới. Tôi cho Anh Bạn tắm đẫm dầu đến nỗi giờ đây tôi không sao gột được hết mùi. Tôi lấy một mảnh vải băng cho Anh Bạn như một cánh tay bị thương và gói một nắm đạn dự trữ bằng một mảnh vải khác.
Một con giông theo tôi suốt chặng đường trở lại Grimm Road, nhưng khi tôi tới Pavor Manor, mặt trời lại ló ra, bùng cháy như một con người, và chim chóc hót vang lừng trong những lùm cây ướt sũng bốc hơi. Ngôi nhà kiểu cách và xập xệ dường như đứng sững trong một cơn bàng hoàng, có thể nói nó phản ánh chính tâm trạng của tôi, vì khi chân tôi chạm mặt đất rùng rình một cách bất an, tôi không khỏi nhận thấy là mình đã quá lạm dụng rượu như chất kích thích tinh thần.
Một im lặng mỉa mai đầy thận trọng đáp lại tiếng chuông bấm của tôi. Tuy nhiên, trong nhà để xe, có xe của hắn, lần này là một chiếc mui trần màu đen. Tôi thử gõ cửa bằng chiếc vòng sắt. Lại vẫn không ai trả lời. Với một tiếng gầm gừ giận dữ, tôi đẩy cửa trước – và tuyệt vời làm sao, nó mở toang như trong một truyện cổ tích [1] thời Trung cổ. Sau khi nhẹ nhàng đóng nó lại sau lưng, tôi đi ngang qua một cái sảnh rộng xấu ơi là xấu; ngó vào một phòng khách bên cạnh; nhận thấy một số cốc bẩn mọc ra từ tấm thảm; cả quyết rằng chủ nhân vẫn còn ngủ trong phòng ngủ của chủ nhân.
[1] Ví với truyện cổ tích ở đây là thích hợp, vì đây là chương huyền hoặc nhất của cuốn tiểu thuyết. Người ta đã thu băng đĩa giọng Nabokov đọc riêng chương này (đĩa Spoken Arts LP 902, mặt 2 có bảy bài thơ trong đó có một bài bằng tiếng Nga). Các sinh viên và nghiên cứu sinh văn học ở Mỹ được khuyến cáo nên nghe đĩa này để cảm nhận, qua giọng đọc diễn cảm và sắc điệu sinh động của tác giả, chiều sâu của chất hài cũng như chủ đề của tác phẩm.
Vậy là tôi hì hụi lên gác. Tay phải tôi riết chặt bịt miệng Anh Bạn trong túi, tay trái vỗ nhẹ tay vịn cầu thang dính nháp. Một trong ba phòng ngủ tôi đã củ soát, rõ ràng là đã có người ngủ đêm đó. Có một phòng đọc sách đầy hoa. Có một phòng khá trống trải, với những tấm gương rộng và sâu, và một tấm da gấu Bắc Cực trên sàn gỗ trơn. Còn có những phòng khác nữa. Một ý hay chợt đến trong đầu tôi. Nếu, và khi nào, chủ nhân từ cuộc đi dạo dưỡng sinh trong rừng trở về, hoặc nhô ra từ một hang ổ bí mật nào đó, có lẽ điều khôn ngoan đối với một tay súng không vững được giao một công việc tốn thời gian, là ngăn không để người bạn chui lọt vào một phòng nào đó rồi khóa trái cửa lại. Nghĩ vậy, tôi bèn đi quanh nhà, ít nhất là trong năm phút – điên cuồng một cách sáng suốt, bình tĩnh một cách rồ dại, một thợ săn bị mê hoặc và say mèm – xoay tất cả các chìa trong mọi ổ khóa trong nhà và bỏ tuốt vào túi quần bằng bàn tay trái còn rảnh rỗi của mình. Ngôi nhà, vốn được thiết kế theo lối cổ, có nhiều không gian riêng tư theo qui hoạch hơn ở những tòa nhà hiện đại lộng lẫy trong đó, phòng toa lét, nơi duy nhất có thể khóa, phải được sử dụng để đáp ứng những như cầu vụng trộm của sinh đẻ theo kế hoạch.
Nói về phòng toa lét – tôi đang sắp sửa thăm cái thứ ba thì chủ nhân bước ra khỏi đó, để lại một thác nước ngắn sau lưng. Một góc hành lang không đủ để che khuất tôi. Mặt xám ngoét, mắt hùm hụp, mái tóc lưa thưa và hơi bù rối trên cái đầu đang hói dần, nhưng vẫn hoàn toàn có thể nhận ra, hắn bệ vệ đi qua bên tôi trong chiêc áo choàng tắm màu tím, rất giống một chiếc của tôi. Hoặc hắn không thấy tôi, hoặc hắn chỉ coi tôi như một hoang tưởng quen thuộc và vô hại – hắn tiếp tục đi như người mộng du, phô với tôi những bắp chân lông lá, và xuống tầng dưới. Tôi bỏ túi chiếc chìa khóa cuối cùng và theo hắn vào tiền sảnh. Hắn hé miệng và hé cửa tiền, ghé mắt dòm ra ngoài qua một khe đầy nắng, như kiểu nghĩ rằng mình vừa nghe thấy một vị khách tần ngần, bấm chuông rồi rút lui. Rồi, vẫn không thèm đếm xỉa đến cái bóng ma mặc áo mưa dùng lại ở lưng chùng cầu thang, chủ nhân đi ngang qua tiền sảnh, vào một thứ khuê phòng ấm cúng đối diện với phòng khách; tôi đi ngang qua phòng khách – ung dung thư thái vì đã biết chắc vị trí của hắn – rời xa khỏi hắn và vào một nhà bếp có quầy bar, nhẹ nhàng mở tấm vải bọc Anh Bạn lem luốc ra, thận trọng không để dây vết dầu nào trên mặt crôm – tôi nghĩ có lẽ mình đã chọn nhầm loại dầu rỏm, nó đen sì và nhớp nhúa dễ sợ. Theo cái cung cách cẩn trọng thường lệ của mình, tôi chuyển Anh Bạn trần truồng sang một chỗ kín đáo sạch sẽ trên người tôi và đi về phía khuê phòng nhỏ. Bước chân của tôi, như tôi đã nói, chệnh choạng – có lẽ là quá chệnh choạng để bảo đảm thành công. Nhưng tim tôi rộn ràng một niềm vui của mãnh hổ và tôi giẫm nát một chiếc li cocktail dưói chân.
Chủ nhân dối mặt tôi trong cái khuê phòng kiểu phương Đông của mình.
“Ông là ai?” hắn hỏi bằng một giọng khàn khàn, mạnh mẽ, hai tay thọc sâu trong túi áo ngủ, mắt dán vào một điểm ở phía Đông Bắc đầu tôi. “Có phải là Brewster?”
Lúc này, hẳn mọi người đều thấy hiển nhiên là hắn đang ở trong một màn sương mù và dưới cái gọi là quyền sinh sát của tôi. Tôi sắp sửa có thể tận hưởng niềm vui.
“Đúng vậy, “ tôi đáp, giọng ngọt ngào. “Je suis Monsieur Brustère [2] (Tôi là ông Brustère). Ta hãy chuyện gẫu một lát trước khi bắt đầu”.
[2] Brewster, phiên âm bằng chính tả tiếng Pháp.
Hắn có vẻ thích thú. Bộ ria nhưốm bẩn của hắn giật giật. Tôi cởi bỏ áo mưa. Bộ đồ tôi đang mặc màu đen, một chiếc sơ mi đen, không cà vạt. Chúng tôi ngồi xuống hai chiếc ghế bành rộng.
“Ông biết không,” hắn vừa nói vừa gãi má sồn sột, cái má nung núc thịt, xám ngoẹt, ram ráp, và nhe hai hàm răng nhỏ như ngọc trai cười vẹo vọ, “nom ông không giống Jack Brewster. Tôi muốn nói, không đặc biệt giống đến mức đập ngay vào mắt. Có người nói với tôi rằng Brewster có người em trai làm ở cùng công ti điện thoại.”
Bẫy được hắn sau ngần ấy năm ăn năn vá hóa dại… Nhìn những sợi lông đen trên mu bàn tay mập mạp của hắn…Đưa cả trăm con mắt dạo trên chiếc áo lụa tím của hắn, bộ ngực lông lá xồm xoàm của hắn, hình dung trước thấy người hắn lỗ chỗ thủng, máu me bê bết và khúc nhạc của đau đớn… Biết rành tên bịp bợm nửa người nửa ngợm ấy đã kê dâm người yêu dấu của tôi – ôi, cục cưng của anh, thật là một diễm phúc to lớn đến độ không chịu nổi!
“Không tôi e rằng tôi không phải là bất kì ai trong hai anh em nhà Brewster.”
Hắn nghênh nghênh cái đầu, vẻ thích thú hơn bao giờ hết.
“Đoán lại đi, Punch [3].”
[3] Gã gù mũi khoằm, nhân vật chính trong vở diễn truyền thống Punch and Judy. Dùng ở đây với nghĩa “thằng hề”.
“A,” Punch nói, “vậy ra không phải ông đến để ngầy ngà tôi về mấy cuộc gọi đường dài ấy?”
“Thỉnh thoảng ông vẫn gọi những cuộc như thế, phải không?”
“Xin lỗi, tôi không hiểu?”
Tôi nói là tôi đã nói rằng tôi nghĩ hắn đã nói là hắn không bao giờ…
“Mọi người,” hắn nói, “mọi người nói chung, tôi không kết tội riêng ông đâu, Brewster, nhưng ông biết đấy, cái cách mọi người xâm nhập ngôi nhà chết tiệt này mà thậm chí không thèm gõ cửa, thật là quái gở. Họ dùng vaterre [4], dùng bếp, dùng điện thoại. Phil gọi Philadelphia. Pat gọiPatagonia. Tôi không chịu trả phí. Ông có một giọng phát âm thật ngộ đấy, Đại úy.”
[4] “Water”, phát âm theo tiếng Pháp, tức “water closet” (phòng vệ sinh, nhà xí).
“Quilty,” tôi nói, “ông có nhớ một cô gái tên là Dolores Haze, Dolly Haze? Dolly tức Dolores ở Colorado [5]?”
[5] Nabokov, người say mê săn bướm, bắt được mẫu bướm quan trọng nhất của mình ở Telluride, gần Dolores thuộc bang Colorado, vì vậy ông đã chọn tên Dolores để đặt tên cho tiểu nữ thần của mình.
“Có chứ, tất nhiên, có thể cô ta đã gọi những cuộc đó, chắc chắn thế. Từ bất kì nơi nào. Paradise, bang Washington, Hell Canyon. Ai quan tâm đến chuyện ấy?”
“Tôi, Quilty. Ông biết đấy, tôi là cha của Dolly.”
“Tào lao,” hắn nói. “Không phải ông. Ông là một đại diện văn học ngoại quốc. Có lần một người Pháp dịch vở Proud Flesh của tôi là La Fierté de la Chaie [6]*(Sự hãnh diện của xác thịt). Thật ngớ ngẩn.”
[6] “Proud Flesh” là Nốt sùi. Dịch chính xác sang tiếng Pháp phải là “Fongosité” hay “Tissubourgeonnant”. Dịch thành La Fierté de la Chair là kiểu dịch bám từng chữ theo nghĩa đen (mot à mot). Đúng là ngớ ngẩn.
“Dolly là con tôi, Quilty.”
Trong trạng thái hiện tại của hắn, bất cứ điều gì cũng không thể làm hắn thực sự sửng sốt, nhưng cung cách hung hăng của hắn đã mất sức thuyết phục. Một ánh dè chừng thắp lên một thoáng tựa như là sinh khí trong mắt hắn, rồi lại mờ xỉn đi ngay.
“Bản thân tôi cũng rất yêu trẻ,” hắn nói, “và những người làm cha nằm trong số những người bạn tốt nhất của tôi.”
Hắn quay đều sang hướng khác, tìm một cái gì đó. Vỗ vỗ túi. Toan đứng dậy khỏi ghế.
“Ngồi xuống!” tôi nói – có vẻ lớn giọng hơn nhiều so với ý định.
“Ông không cần quát tôi,” hắn phàn nàn theo một cách rất đàn bà đến kì lạ. “Tôi chỉ muốn hút một điếu thuốc thôi mà. Tôi đang thèm thuốc muốn chết.”
“Dù sao ông cũng sắp chết rồi.”
“Ô, chậc,” hắn nói. “Ông bắt đầu làm tôi phát phiền rồi đấy. Ông muốn gì? Ông có phải là người Pháp không, thưa ông? Woolly-Woo-boo-are [7]? Ta đến quầy bar làm một quắn đi.
[7] Phiên âm kiểu Anh câu tiếng Pháp “Voulez-vous boire?” (ông có muốn uống không?).
Hắn trông thấy thứ vũ khí nhỏ màu đen nằm trong lòng bàn tay tôi, như thể tôi đang biếu nó cho hắn.
“Này!” hắn dài giọng (lúc này bắt chước những tên đầu đất thuộc giới tội phạm trong phim ảnh), “ông có khẩu súng nhỏ oách đấy nhỉ. Ông cần bao nhiêu?”
Tôi phát mạnh vào bàn tay chìa ra của hắn và hắn quệt đổ nhào một chiếc hộp trên một cái bàn nhỏ bên cạnh. Thuốc lá văng ra cả nắm.
“Thì ra nó đây,” hắn vui vẻ nói. “Ông nhớ Kipling chứ: une femme est une femme, mais un Caporal est une cigarette [8]*(một người đàn bà là một người đàn bà, nhưng một Hạ sĩ lại là một điếu thuốc lá)? Giờ ta cần có diêm.”
[8] Nhại câu: “And a woman is only a woman, but a good cigar is a smoke” trong bài “The Betrothed” (Hôn thê) của nhà văn Anh Rudyard Kipling (1865-1936). “Caporal”, trong câu nhại tiếng Pháp của Quilty, vừa có nghĩa là Hạ sĩ, vừa là một nhãn hiệu thuốc lá.
“Quilty,” tôi nói. “Tôi muốn ông tập trung. Ông sắp sửa chết trong giây lát. Cõi bên kia, trong phạm vi hiểu biết của chúng ta, có thể là một trạng thái vĩnh viễn điên dại đau đớn cùng cực. Hôm qua, ông đã hút điếu thuốc cuối cùng của đời mình. Hãy tập trung. Hãy cố gắng hiểu điều gì đang xảy đến với ông.”
Hắn tiếp tục xé tơi điếu Drome và nhai những mẩu thuốc. “Tôi đang cố gắng hiểu đây,” hắn nói. “Ông là một người Úc, hoặc một người Đức tị nạn. Ông cần nói chuyện với tôi ư? Ông nên biết đây là nhà của một người quí tộc. Có lẽ ông nên né đi thì tốt hơn đấy. Và hãy thôi đừng giương oai với khẩu súng kia. Tôi có một khẩu Stern-Luger cũ ở trong phòng nhạc.”
Tôi chĩa Anh Bạn vào bàn chân đi dép lê của hắn và bóp cò. Cạch. Hắn nhìn chân mình, nhìn khẩu súng, rồi lại nhìn chân mình. Tôi làm một cố gắng ghê gớm nữa và lần này thì nó nổ, với một âm thanh yếu ớt và trẻ con đến lố bịch. Viên đạn cắm vào tấm thảm dày màu hồng và tôi có cảm giác lo sợ đến tê người rằng nó chỉ thấm vào như một giọt nước và có thể lại rỉ ra.
“Thấy tôi muốn nói gì chứ?” Quilty nói. “Ông nên cẩn thận hơn một chút. Vì Chúa, hãy đưa cho tôi cái của nợ ấy.”
Hắn với tay định lấy. Tôi đẩy hắn trở lại ghế. Niềm vui bốc lên đầu đang lụi dần. Đã đến lúc thích hợp để tiêu diệt hắn nhưng hắn cần phải hiểu tại sao tôi tiêu diệt hắn. Tình trạng của hắn lây sang tôi khiến tôi cảm thấy khẩu súng mềm oặt và kềnh càng trong tay.
“Hãy tập trung,” tôi nói, “và nghĩ đến Dolly Haze mà ông đã bắt cóc…”
“Tôi đâu có bắt cóc!” hắn kêu lên. “Ông nhầm to. Tôi đã cứu Dolly khỏi tay một tên đồi trụy thú vật. Cho tôi xem phù hiệu của ông thay vì bắn vào chân tôi, đồ đười ươi. Phù hiệu của ông đâu? Tôi không chịu trách nhiệm về những vụ hiếp dâm do kẻ khác gây ra. Thật phi lí! Chuyến du hí bằng xe hơi ấy, tôi thừa nhận với ông, là một trò ngu xuẩn, nhưng ông đã giành lại được cô bé, phải không nào? Thôi nào, ta hãy làm một li đi!”
Tôi hỏi hắn muốn được chết ngồi hay chết đứng.
“A, để tôi nghĩ xem,” hắn nói. “Đây không phải là một câu hỏi dễ. Nhân đây xin nói… tôi đã mắc một lỗi lầm. Và tôi thành thật hối tiếc về điều đó. Ông thấy đấy, tôi chẳng vui thú gì được với Dolly của ông. Để nói ra sự thật đáng buồn, tôi hồ như liệt dương. Và tôi đã mang lại cho cô bé một kì nghỉ tuyệt vời. Cô bé đã gặp một số nhân vật lỗi lạc. Không biết ông có biết.
Và với một cú bổ nhào kinh thiên động địa, hắn chồm lên người tôi, làm khẩu súng văng xuống gầm một cái tủ com mốt. May sao, hắn hung hăng hơn là khỏe, và tôi không mấy khó khăn để đẩy lùi hắn trở về ghế.
Hắn thở dốc một chút và khoanh tay trước ngực.
“Ông ngon đấy,” hắn nói. “ Vous voilà dans de beaux draps, mon vieux? (Ông đang gặp rắc rối đấy, ông bạn).”
Tiếng Pháp của hắn có tiến bộ.
Tôi nhìn quanh. Có lẽ, nếu… có lẽ, tôi có thể… bò bốn chân? Liều thử xem?
“Alors, que ferait-on?* (Vậy ta làm gì đây)” hắn vừa hỏi vừa chăm chú canh chừng tôi.
Tôi cúi xuống. Hắn không động đậy. Tôi cúi xuống thấp hơn.
“Ông thân mến,” hắn nói, “hãy thôi, đùng đùa giỡn với sự sống và cái chết nữa. Tôi là kịch tác gia. Tôi đã viết nhiều bi kịch, hài kịch, kịch tự do. Tôi đã làm nhiều phim cho riêng mình, dựa theoJustine [9] và một số dâm thư khác của thế kỉ mười tám. Tôi là tác giả của năm mươi hai kịch bản. Tôi rành mọi mánh lới. Hãy để tôi xử lí chuyện này. Chắc phải có một cái que còi đâu đây, để tôi đi kiếm nó, rồi ta sẽ kều vật sở hữu của ông ra.”
[9] Xem thêm chương 30. Phần Hai
Ra vẻ lăng xăng, sốt sắng một cách xảo trá, hắn vừa nói vừa đứng dậy lần nữa. Tôi quờ tay dưới gầm tủ, đồng thời vẫn ráng để mắt đến hắn. Chợt tôi nhận thấy là hắn đã nhận thấy hình như tôi không nhận thấy Anh Bạn thò ra tù dưới góc đằng kia của tủ. Chúng tôi lại vật lộn. Quấn chặt lấy nhau, chúng tôi lăn khắp mặt sàn như hai đứa trẻ to xác hậu đậu. Dưới chiếc áo ngủ, hắn trần truồng và lông lá, và tôi cảm thấy nghẹt thở khi hắn lăn lên trên tôi. Tôi lăn trên hắn. Chúng tôi lăn trên tôi. Chúng tôi lăn trên hắn. Chúng tôi lăn trên chúng tôi.
Tôi đồ rằng người ta sẽ đọc cuốn sách này dưới dạng xuất bản phẩm vào những năm đầu của thế kỉ hai mốt (1935 cộng với tám mươi hay chín mươi năm, ta chúc em sống lâu, tình yêu của ta); và các độc giả cao tuổi, đọc đến đây, chắc chắn sẽ nhớ đến cái màn không thể thiếu trong những phim cao bồi Viễn Tây thời ấu thơ của mình. Tuy nhiên, cuộc ẩu đả của chúng tôi thiếu những cú đấm có thể hạ gục bò tót và bàn ghế bay tứ tung. Hắn và tôi là hai thằng bù nhìn lớn nhồi đầy giẻ và bông bẩn. Đó là một cuộc ẩu đả lặng lẽ, êm ả, không ra hình thù gì, giữa hai văn nhân trong đó một người đã bị ma túy làm rời rã hoàn toàn, còn người kia thì bị bất lợi vì bệnh tim và do uống quá nhiều rượu gừng. Cuối cùng, khi tôi giành được vũ khí quí báu của mình và khi nhà văn viết kịch bản bị đặt trở lại chiếc ghế bành của hắn, cả hai chúng tôi đều thở hồng hộc như gã chăn bò và gã chăn cừu không bao giờ mệt đứt hơi đến thế sau khi đánh lộn.
Tôi quyết định kiểm tra lại khẩu súng – mồ hôi của chúng tôi có thể đã làm hư cái gì đó – và lấy lại hơi trước khi chuyển sang tiết mục chính của chương trình. Để lấp đầy khoảng ngưng nghỉ, tôi đề nghị hắn tự đọc bản tuyên án – dưới hình thức thơ như tôi đã thảo nó. Cụm từ “công lí thơ” là thành ngữ đắt nhất ta có thể dùng trong trường hợp này. Tôi đưa hắn một bản đánh máy tươm tất.
“Phải,” hắn nói, “ý tưởng tuyệt hảo. Để tôi kiếm cặp kính đã” (hắn toan đứng dậy).
“Không.”
“Tùy ông thỏi. Tôi có phải đọc to lên không?”
“Có.”
“Nào thì đọc. Tôi thấy đây là bằng thơ.”
Vì ngươi đã lợi dụng một kẻ tội lỗi [10]
Vì ngươi đã lợi dụng
Vì ngươi đã
Vì ngươi đã lợi dụng thế bất lợi của ta…
[10] Giễu nhại bài thơ “Ash Wednesday” của nhà thơ Anh-Mỹ T.S. Eliot, rập theo cấu trúc mở đầu mỗi câu bằng từ “Because” (Vì)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.