Lolita

Chương 35 phần 2



“Hay đấy, ông ạ. Hay ra phết.”

… khi ta đứng trần truồng nhưAdam trước một điều luật liên bang chi chít sao nhói buốt

“Ôi, bất hủ!”

… Vì ngươi lợi dụng một tội lỗi

khi ta trơ trọi, trụi lông, ướt át và âu yếm

hi vọng điều tốt đẹp nhất

mơ tới một hôn lễ ở bang núi đá

ờ phải, của một bầy Lolita…

“Chỗ này tôi không hiểu.”

Vì ngươi lợi dụng

bản chất ngây thơ cốt lõi của ta

vì ngươi đã ăn gian…

“Hơi lặp lại, phải không? Tôi đọc đến đâu rồi nhỉ?”

Vì ngươi đã ăn gian khiến ta khôn đường cứu chuộc

vì ngươi xài em

ở tuổi mà bọn con trai bắt đầu

chơi trò mân củng

“À, chuyển gam tục tĩu đây!”

một bé gái mơn mởn lông tơ chân còn đi tất ngắn

còn ăn bỏng ngô trong bóng tối nhập nhoạng sắc màu

nơi những nguời Anhđiêng da bánh mật ngã nhào từ lưng ngựa để kiếm tiền

vì ngươi đánh cắp em

khỏi tay người giám hộ trang nghiêm với vầng trán nhợt nhạt

nhổ vào cặp mắt hùm hụp của ông

xé toạc chiếc áo choàng vàng hung và rạng sáng

bỏ lại con lợn lăn lóc trên cái ổ ghê sợ

sự gớm ghiếc của ái tình và những bông hoa vi-ô-lét

ăn năn tuyệt vọng trong khi ngươi

tháo rời một con búp bê rầu rĩ ra từng mảnh

và ném đầu nó đi

vì tắt cả những gì ngươi đã làm

vì tất cả những gì ta đã không làm

ngươi phải chết

“Chà, thưa ông, rành là một bài thơ đẹp. Bài thơ hay nhất của ông, theo thiển ý của tôi.”

Hắn gấp tờ giấy lại và trao trả tôi.

Tôi hỏi hắn có điều gì nghiêm túc cần nói trước khi chết không. Khẩu súng lại sẵn sàng để được sử dụng, nhằm vào người hắn. Hắn nhìn nó và thở dài đánh sượt.

“Này, ông bạn,” hắn nói. “Ông thì say mà tôi lại là một người ốm. Ta hãy hoãn vấn đề này lại. Tôi cần yên tĩnh. Tôi phải chữa trị chứng liệt dương của mình. Chiều nay, các bạn tôi đến để đưa tôi đi dự một trận đấu. Cái trò hề vung vẩy súng đang trở nên chán phèo. Chúng ta là người trong giới thượng lưu, về mọi mặt – tình dục, thơ tự do, xạ kích. Nếu ông có điều hận tôi, tôi xin đền bù tới mức phi thường. Thậm chí một rencontre* (cuộc gặp gỡ) theo lối cổ [11], súng hay gươm, ở Rio hay một nơi nào khác – cũng không loại trừ. Trí nhớ và tài hùng biện của tối hôm nay không ở đỉnh cao phong độ, nhưng thật tình, thưa ông Humbert thân mến của tôi, ông không phải là một người bố ghẻ lí tưởng và tôi đã không cưỡng ép cô bé mà ông bảo hộ phải theo tôi. Chính cô đã yêu cầu tôi đưa cô đến một mái ấm hạnh phúc hơn. Ngôi nhà này không hiện đại bằng cái nông trại chúng tôi sở hữu. chung với những người bạn thân. Nhưng nó rộng, mát mẻ về mùa hè cũng như mùa đông, và nói tóm lại, tiện nghi, cho nên tôi đề nghị ông dọn đến đây mà ở, vì tôi định về ở hẳn Anh quốc hoặc Florence. Tôi cho không ông đấy. Với điều kiện ông đừng có chĩa cái khẩu súng (hắn văng một chữ rất tục) ấy vào người tôi nữa. Nhân thể, tôi không biết ông có thích cái dị thường không, nhưng nếu ông thích, tôi có thể biếu ông, cũng miễn phí, coi như vật kiểng trong nhà, một của lạ nho nhỏ khá lí thú, một cô nàng ba vú, một trong đó thuộc loại thượng thặng, đó là một kì quan hiếm thấy và tuyệt vời của thiên nhiên. Thôi nào, soyons raisonnable? (ta hãy biết điều). Ông sẽ chỉ có thể làm tôi bị thương gớm ghiếc rồi sau đó ngồi rũ tù, trong khi tôi dưỡng thương hồi sức trong một khung cảnh nhiệt đới. Tôi xin bảo đảm với ông, Brewster, ở đây ông sẽ sung sướng với một hầm rượu hết sẩy và toàn bộ nhưận bút vở kịch sắp tới của tôi – hiện tại tôi không có nhiều tiền trong ngân hàng, nhưng tôi sẽ borrow (vay mượn), như người Du Ca, với cơn cảm lạnh trong đầu, nói to borrow and to borrow and to borrow[12], ông biết đấy. Còn có những thuận lợi khác nữa. Ở đây chúng tôi có một nữ lao công rất đáng tin cậy và dễ mua chuộc, bà Vibrissa [13] – cái tên thật kì – bà ta ở trong làng mỗi tuần đến hai lần, đáng tiếc, hôm nay thì không, bà ta có nhiều con gái, cháu gái, và tôi biết đôi điều về tay cảnh sát trưởng địa phương khiến hắn trở thành nô lệ của tôi. Tôi là một kịch tác gia. Người ta gọi tôi là Maererlinck của nước Mĩ, Maeterlinck-Schmetterling [14], tôi xin nói vậy. Thôi nào! Toàn bộ chuyện này thật là nhục nhã, và tôi không dám chắc mình có làm điều đúng ctắn không. Đừng bao giờ xài herculanita [15] với rượu rum. Giờ thi hãy vui lòng đặt khẩu súng đó xuống như một người lịch sự. Tôi có quen biết bà vợ thân yêu của ông tí chút. Ông có thể dùng quần áo của tôi. A, còn một điều này nữa – chắc ông sẽ thích đây. Tôi có một bộ sưu tập dâm thư thực sự độc nhất vô nhị ở trên gác. Chỉ cần kể một thí dụ: cuốnBagration Island (Đảo Bagration) ấn bản đặc biệt, khổ hai, của nhà thám hiểm kiêm tâm phân học, Melanie Weiss [16], một phụ nữ xuất sắc, một tác phẩm xuất sắc -hãy buông khẩu súng đó xuống – với ảnh chụp khoảng trên tám trăm bộ phận sinh dục đàn ông mà bà ta đã xem xét và đo ở đảo Bagration trên biển Barda [17] vào năm 1932, những biểu đồ rất bổ ích được thực hiện với đầy tình yêu dưới những bầu trời quang đãng – buông khẩu súng đó xuống nào – và ngoài ra, tôi còn có thể thu xếp cho ông dự các cuộc hành quyết, không mấy ai biết là chiếc ghế điện được sơn màu vàng đâu..”

[11] Ý nói một cuộc đấu tay đôi

[12] Xuyên tạc câu “To-morrow and to-morrow” trong bi kịch Macbeth (hồi V, lớp 7) của Shakespeare.

[13] Lông cứng mọc tua tủa quanh miệng nhiều loại động vật, như ria mèo chẳng hạn.

14] Tiếng Đức: bướm. Về Maeterlinck, xem thêm ở chương 13, Phần Hai

[15] Một loại heroin rất mạnh của Nam Mĩ

[16] Melanie, từ chữ “melanin” (chất nhưộm màuđen); Weiss, tiếng Đức: trắng. Melanie Weiss, do đó, có thể hiểu là: Đen-Trắng. Bà “đo” thực tại theo tiêu chuẩn đen-trắng. Tên của bà tựa như phản ánh trong gương của Blanche Schwarzman (xem thêm “Lời nói đầu”).

[17] Có nhiều đảo trên Thái Bình Dương do các nhà thám hiểm Nga phát hiện và đặt tên, nhưng cả hai “địa danh” này, Bagration và Barda, đều là “rởm”. Bagration là một danh tướng Nga, Công tước Piotr Ivanovich Bagration (1765-1812), người đã anh dũng chiến đấu chống Napoléon ở Borodino và bị tử thương tại đó. Còn Barda, ở Nga, là một thứ nước sắc được chắt từ quá trình cất rượu Vodka, để cho gia súc.

Feu* (Bắn). Lần này tôi bắn trúng một vật gì cứng: lưng một chiếc ghế xích đu màu đen, gần giống chiếc của Dolly Schiller -viên đạn của tô: trúng mặt trong của lưng ghế, khiến nó liền đu đua rất nhanh và rất hào hứng, đến nỗi nếu ai tình cờ vào phòng lúc ấy ắt sẽ không khỏi sững sờ vì hai điều kì lạ: chiếc ghế ấy tự nó chao đảo như thể hoảng loạn và chiếc ghế bành, nơi một phút trước cái mục tiêu màu tím của tôi còn đó, giờ trống trơn, không còn chứa vật gì sống động. Ngó ngoáy những ngón tay trong không khí, thoăn thoắt cất cao cặp mông, hắn lao vút sang phòng nhạc: và một giây sau, chúng tôi lại hổn hển co kéo nhau từ hai phía của một cánh của mà tôi đã bỏ sót không rút chìa khóa. Lần này, tôi lại thắng và với một động tác đột ngột, Clare-Kẻ-Khó-Lường, ngồi xuống trước cây đàn piano và đánh mấy hòa âm hung dữ khủng khiếp, rền rĩ, về cơ bản là điên dại, hai má sệ rung rung, hai bàn tay xòe ra dập mạnh xuống và hai lỗ mũi phát ra những tiếng khò khè trên rãnh ghi âm, vắng thiếu trong cuộc ẩu đả của chúng tôi. Vẫn tiếp tục tấu lên những âm thanh quái gở, hắn ráng lấy chân mở một thứ hòm của thủy thủ ở cạnh piano, nhưng không được. Viên đạn thứ hai của tôi trúng đâu đó bên mạn sườn hắn và hắn đứng dậy khỏi ghế, mỗi lúc một cao hơn, như lão già điên Nijinski tóc bạc, như Old Faithful [18], như một cơn ác mộng cũ của tôi, vươn tới một độ cao kì lạ, hoặc dường như là thế – toàn thân vẫn rung lên với thứ âm nhạc đen đậm đặc kia – trong khi xé không khí bằng một tiếng rú, đầu ngật ra đằng sau, một tay ấp lên trán, tay kia túm chặt nách như thể bị ong đốt, rồi khuỵu xuống, nhưng liền đó, lại trở lại hoàn toàn bình thường – một gã đàn ông mặc áo ngủ lao khỏi phòng và chạy biến vào hành lang.

[18] Suối phun hình nón ở Vườn Quốc gia Yellowstone, Hoa Kì, được đặt tên đó vào năm 1870 và là suối phun đầu tiên của Vườn Quốc gia này được đặt tên. Cạnh đó, là Quán Old Faithful, cả hai đều thuộc Khu Lịch sử Old Faithful (Old Faithful Historic District).

Tôi thấy lại hình ảnh mình truy đuổi hắn qua hành lang, với những cú nhảy hai bước, ba bước kiểu căng gu ru, người vẫn thẳng đuỗn trên đôi chân thẳng đuỗn trong khi chồm lên hai lần theo sau hắn, rồi vọt lên giữa hắn và cửa trước bằng một cú nhảy điệu đàng như vũ ba lê nhằm chặn đầu hắn vì cửa này đóng không chặt.

Đột nhiên trở nên trang nghiêm và phần nào lầm lì, hắn bước lên cầu thang rộng, và tôi chuyển vị trí nhưng không theo hắn lên các bậc, liên tiếp nổ súng ba, bốn lần thật nhanh, phát nào cũng đả thương hắn; và mỗi lần tôi làm thế với hắn, làm cái điều kinh khủng đó với hắn, mặt hắn lại nhăn nhó theo cái kiểu hề xiếc đến là lố bịch, như thể hắn cố tình phóng đại sự đau đớn; hắn bước chậm dần, mắt liên láo và lim dim, và mỗi lần trúng đạn lại kêu lên một tiếng “ối!” rất đàn bà và rùng mình như thể tôi cù hắn, và mỗi lần những viên đạn chậm chạp, vụng về, mù lòa của tôi găm vào hắn, hắn lại rì rầm bằng một giọng Anh giả tạo – trong khi tiếp tục quằn quại một cách ghê sợ, run rẩy, cười gằn, nhưng dù vậy vẫn nói một cách vô tư lạ lùng và thậm chí hòa nhã nữa: “Ôi, đau quá, ông à, đủ rồi! Ôi, đau khủng khiếp, ông bạn của tôi. Tôi xin ông, hãy thôi đi. Ôi… đau lắm, đau lắm, thật đấy… Lạy Chúa! Chao! Thật gớm ghiếc, quả tình ông không nên thế. Giọng hắn kéo dài ra khi lên tới thềm đầu cầu thang nhưng hắn vẫn vững vàng bước tới bất chấp tất cả lượng chì tôi đã nhồi vào thân thể phì nộn của hắn – và hoang mang, lo sợ, tôi hiểu ra rằng thay vì giết hắn, tôi lại bơm vào người tên khốn này những tia năng lượng, như thể những viên đạn của tôi là những viên thuốc con nhộng trong đó nhảy múa một thứ thần dược gây hưng phấn ngất ngây.

Tôi nạp lại đạn bằng đôi bàn tay đen nhẻm và vấy máu – tôi đã chạm phải một vật gì nhưốm máu hắn. Rồi tôi bắt kịp hắn trên gác, những chiếc chìa khóa loẻng xoẻng trong túi như vàng.

Hắn đang khó nhọc lê từ phòng này sang phòng khác, lẫm liệt đổ máu, cố tìm một cửa sổ mở, đầu lắc lư, và vẫn cố thuyết phục tôi đừng có giết người. Tôi nhằm vào đầu hắn và hắn rút lui về phòng ngủ của chủ nhân với một vỡ toác màu tím vương giả ở chỗ truớc kia là tai hắn.

“Cút ra! Cút ra khỏi đây!” hắn nói, vừa ho vừa khạc, và trong một ác mộng kì diệu, tôi thấy con người bê bết máu nhưng vẫn linh hoạt này leo lên giường và vơ mớ chăn mền lộn xộn quấn quanh mình. Tôi bắn hắn qua tấm mền tù khoảng cách rất gần, thế là hắn ngã ngửa ra và một cái bong bóng hồng hồng to tướng đầy hàm ý trẻ thơ hiện ra trên môi hắn, phình lên tới cỡ một quả bóng đồ chơi rồi tan biến.

Có thể tôi đã lãng khỏi thực tại mất một vài giây – ồ, hoàn toàn không giống cái kiểu biện minh bọn tội phạm thông thường “tôi-bị-ngất xỉu”; trái lại, tôi muốn nhấn mạnh sự việc là tôi chịu trách nhiệm về từng giọt ứa ra từ cái bong bóng máu của hắn; nhưng một thứ chuyển đổi nhất thời xảy ra, như thể tôi đang ở trong phòng ngủ của vợ chồng tôi và Charlotte ốm nằm trên giường. Quilty là một bệnh nhân rất nặng. Thay vì khẩu súng, tôi lại cầm một chiếc dép lê của hắn – tôi ngồi lên nó. Thế rồi tôi ngồi cho thoải mái hơn một chút trong ghế bành cạnh giường và xem giờ ở chiếc đồng hồ đeo tay. Mặt kính đã vỡ nhưng nó vẫn tích tắc chạy. Toàn bộ công việc buồn thảm này mất hơn một tiếng. Cuối cùng, hắn cũng chịu yên. Chẳng những không hề nhẹ nhõm đi tí nào, tôi còn cảm thấy một trọng lượng ghê gớm thậm chí còn nặng hơn cả cái gánh nặng mà tôi tưởng đã trút bỏ được, xâm chiếm tôi, đè gí tôi xuống, bao trùm lấy tôi. Tôi không dám quyết định sờ vào người hắn để biết chắc và yên trí là hắn đã chết thật. Có vẻ là thế thật: một phần tư mặt hắn đã biến mất, và hai con ruồi sướng rơn vì nhận ra dịp may bất ngờ không thể tin nổi. Tay tôi ở trong tình trạng rất xấu hầu như không hơn gì tay hắn. Tôi tắm rửa thật kĩ trong phòng tắm kế bên. Giờ tôi có thể đi được rồi. Khi ra đến thềm đầu cầu thang, tôi sửng sốt phát hiện ra rằng cái tiếng ong ong rộn rã mà tôi ngỡ chỉ là do mình ù tai, thực ra là một âm thanh hỗn hợp cả giọng người lẫn tiếng nhạc đài phát thanh vọng lên từ phòng khách dưới nhà.

Tôi thấy ở đó một số người có vẻ như vừa mới tới và đang vui vẻ uống rượu của Quilty. Có một gã béo chễm chệ trong một chiếc ghế bành; và hai mĩ nhân trẻ trắng trẻo tóc đen, hẳn là hai chị em, một lớn một nhỏ (gần như một bé gái) nghiêm trang ngồi cạnh nhau trên một chiếc trường kỉ. Một gã mặt đỏ phây phây, mắt xanh màu ngọc bích, đang bưng hai li đồ uống từ trong căn bếp kiêm quầy bar, nơi hai, ba phụ nữ đang ngồi vừa buôn chuyện vừa khuấy những cục đá lanh canh trong cốc. Tôi dừng lại ở ngưỡng cửa và nói: “Tôi vừa giết Clare Quilty.” “Ông làm tốt đấy,” gã mặt đỏ vừa nói vừa đưa một li đồ uống cho cô gái lớn. “Đáng ra, ai đó phải làm thế từ lâu rồi,” gã béo nói. “Ông ta nói gì vậy, Tony?” một nàng tóc vàng bợt từ quầy bar hỏi vọng ra. “Ông ấy nói,” gã mặt đỏ đáp, “rằng ông ấy đã giết Cue.” Một người đàn ông khác khó nhận dạng, đang lúi húi, lục mấy chiếc đĩa hát trong một góc, vừa đứng dậy vừa nói: “Chậc, tôi nghĩ tất cả chúng ta lẽ ra một hôm nào đó, đều phải xịt hắn.” “Dù sao đi nữa,” Tony nói, “hắn cũng nên xuống dưới này chứ. Chúng ta không thể đợi hắn thêm nữa, nếu chúng ta muốn kịp xem trận đấu.” “Hãy mời ông ấy uống một cái gì đi,” gã béo nói. “Ông muốn uống bia không?” một nàng mặc quần thụng vừa nói vừa giơ một cốc bia lên với tôi từ xa.

Riêng hai có gái ngồi trên trường kỉ, cả hai đều mặc đồ đen, cô nhỏ hơn đang mân mê một vật lấp lánh đeo ở cổ, chỉ riêng hai cô là không nói gì, mà chỉ tủm tỉm cười, trẻ thế mà dâm đãng thế. Khi nhạc ngừng một lúc, chợt có tiếng động trên cầu thang. Tony và tôi bước ra khỏi phòng khách và vào sảnh. Quilty, thật khó tin, đã lết ra được thềm đầu cầu thang và chúng tôi trông thấy hắn đập đập cánh tay, nặng nề, và rồi rục xuống thành một đống tim tím, lần này thì ngoẻo hẳn, vĩnh viễn.

“Nhanh lên, Cue,” Tony nói với một nhịp cười phá. “Tôi tin là hắn vẫn còn…” Gã quay trở về phòng khách, tiếng nhạc át mất phần cuối câu.

Vậy đó, tôi tự nhủ, đoạn kết của vở kịch do Quilty dựng, dành cho tôi. Lòng nặng trĩu, tôi rời khỏi ngôi nhà và đi qua vùng nắng chói chang lốm đốm, về xe mình. Có hai chiếc xe khác đậu hai bên nó và tôi phải khá vất vả mới lách ra khỏi được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.