Lolita
Chương 6
Đôi lời về Gaston Godin. Lí do chủ yếu khiến tôi thích – hoặc ít ra thì cũng chịu đựng một cách nhẹ nhõm – sự qua lại giao du với lão là vì con người kích cỡ dài rộng của lão trùm một cái bóng tuyệt đối an toàn lên bí mật của tôi. Không phải là lão đã biết rõ sự tình; tôi chẳng có lí do đặc biệt nào để dốc bầu tâm sự với lão và lão thì quá vị kỉ và đãng trí để nhận thấy hoặc ngờ ngợ bất cứ điều gì có thể dẫn tới một câu hỏi thẳng thắn, về phía lão, và một câu trả lời thẳng thắn, về phía tôi. Lão nói tốt về tôi với những người Beardsley, lão là người cổ động tốt cho tôi. Nếu như lão phát hiện ra mes goûts (những sở thích của tôi) và cương vị thật của Lo, thì lão cũng chỉ quan tâm đến điều đó trong chừng mực nó làm sáng tỏ phần nào thái độ bình dị của tôi đối với lão, một thái độ không mang tính chất lễ độ cứng nhắc, cũng chẳng nhả nhớt tục tĩu; vì, mặc dù đầu óc lão mờ xỉn và trí nhớ lão nhập nhoạng, có lẽ lão vẫn ý thức rằng tôi biết về lão nhiều hơn đám dân tỉnh lẻ Beardsley. Lão là một người độc thân sầu muộn, mặt bệu, nhẽo nhèo, thân hình thon dần từ dưới lên đến một đôi vai hẹp, hơi lệch, rồi đến một cái đầu quả dưa hình chóp nón, một bên tóc đen mượt và bên kia chỉ lơ thơ vài túm dán bết vào da đầu. Nhưng phần thân dưới thì thật đồ sộ, và lão dạo quanh với dáng voi đi rón rén trên đôi chân to lạ to lùng. Bao giờ lão cũng mặc đồ đen, cả đến cà vạt cũng đen; lão rất ít khi tắm; tiếng Anh của lão thì hề ơi là hề. Và mặc dầu vậy, ai nấy đều coi lão là một tay cực kì đáng yêu, lập dị một cách đáng yêu! Hàng xóm láng giềng chiều chuộng lão; lão thuộc tên tất cả bọn con trai trong khu chúng tôi (lão ở cách chỗ tôi mấy khối nhà) và gạ được mấy đứa trong bọn quét dọn phần vỉa hè của lão, đốt lá khô trong sân sau nhà lão, mang gỗ từ kho chứa vào nhà và thậm chí làm những việc vặt quanh nhà, và lão đãi bọn chúng những thỏi sô-cô-la chất lượng cao có rượu thật bên trong – rất kín đáo trong một sào huyệt bài trí theo kiểu phương Đông dưới hầm nhà, với những dao găm, súng lục ngộ nghĩnh dàn thành bộ trên những bức tường mốc phủ thảm, giữa những ống dẫn nước nóng. Trên gác, là một xưởng họa – lão cũng vẽ tí ti, lão bợm già ấy. Lão trang trí những bức tường chênh chếch (thực sự đây chẳng hơn gì một căn gác xép) bằng những tấm ảnh chân dung khổ lớn những con người trầm tư: André Gide, Tchaikovsky, Norman Douglas, hai văn sĩ Anh nổi tiếng khác [1], Nijinski (phô toàn đùi vế và lá nho), Harold D. Doublename (một giáo sư cánh tả, mắt mơ màng, dạy ở một trường Đại học miền Trung Tây) và Marcel Proust[2]. Tất cả những con người tội nghiệp này dường như sắp sửa rơi xuống đầu ta từ các mặt phẳng nghiêng nghiêng của họ. Lão cũng có một cuốn album với những tấm hình chụp nhanh tất cả các Jacky và Dicky của khu phố, và khi tôi tình cờ lần giở những trang ảnh này và tiện miệng bình luận đôi câu, Gaston bèn bĩu cặp môi dày thì thầm với một vẻ buồn buồn: “Oui, ils sont gentils (Phải, họ rất tử tế).” Đôi mắt nâu của lão lượn lờ suốt lượt trên cái mớ đồ linh tinh ở đó, gồm những vật lưu niệm có tính chất nghệ thuật và tình cảm và cả những toiles (bức tranh) tầm thường của chính lão (đôi mắt theo phong cách nguyên thủy, cây đàn ghi ta cắt rời từng khoanh, những núm vú xanh lơ và những môtip kỉ hà thời thượng), và với một cử chỉ mơ hồ về phía một cái bát gỗ sơn lòe loẹt hoặc một cái bình có vân nổi, lão nói: “Prenez donc une de ces poires. La bonne dame d’en face m’en offre plus que je n’en peux savourer (Hãy ăn một trong những trái lê kia đi. Bà tốt bụng ở nhà trước cửa biếu tôi nhiều quá tôi không thưởng thức hết)” Hoặc: “Mississe Taille Lore [3] vient de me donner ces dahlias, belles fleurs que j’exècre (Bà Taylor vừa cho tôi những bông thược dược này, loài hoa đẹp mà tôi thậm ghét)” (U ám, buồn bã, đầy nỗi chán chường nhân thế).
[1] Hai người này là W. H. Auden (1907-1973) nhà thơ Anh-Mĩ và W. Somerset Maugham (1874-1965). Nabokov nói sở dĩ không nêu tên hai vị này vì bấy giờ họ còn sống.
[2] Cả một điện Panthéon thực thụ của những đại nghệ sĩ tình dục đồng giới. André Gide (1869-1951), giải Nobel văn học năm 1947; Pĕtr llich Tchaikovsky (1840-1893), nhà soạn nhạc Nga, tác giả Hồ thiên nga, Eugene Onegin; Norman Douglas (1368-1952), tác giả của South Wind (Gió phương Nam); Waslaw Nijinski (1890-1950), vũ công ba lê Nga; và Marcel Proust (1871-1922), văn hào Pháp, tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ Tìm lại thời gian đã mất.
[3] Đúng ra là Mrs Taylor. Phiên âm “nhái” như trên để giễu cách phát âm của Gaston Godin.
Vì những lí do hiển nhiên, tôi ưng chọn nhà tôi hơn nhà lão để chơi cờ vua – mỗi tuần chúng tôi đấu với nhau hai hoặc ba lần. Khi ngồi với đôi bàn tay mập mạp đặt trên đầu gối, mắt trừng trừng nhìn bàn cờ như thể nó là một cái xác chết, nom lão giống như một pho tượng phật méo mó. Lão vừa thở khò khè vừa nghĩ độ mươi phút – để rồi đi một nước cờ thua. Hoặc giả sau khi nghĩ kĩ hơn, lão già đôn hậu thốt lên: Au roi! (Chiếu tướng) nghe như tiếng sủa rề rà của một con chó già kèm theo một âm thanh ùng ục trong cuống họng, khiến phần thịt sệ xuống bên dưới hàm rung rung; và rồi lão nhướn cặp lông mày dấu mũ với một tiếng thở dài đánh thượt khi tôi chỉ cho lão thấy là lão mới đang bị chiếu tướng.
Đôi khi, từ chỗ chúng tôi ngồi trong thư phòng lạnh lẽo của tôi, tôi nghe thấy tiếng chân trần của Lo đang tập các kĩ năng múa trong phòng khách dưới nhà; nhưng những giác quan xuống cấp của Gaston đã êm ái cùn mòn đi và lão không hề cảm nhận thấy các tiết tấu trần trụi ấy – một-hai, một-hai, dồn trọng lượng cơ thể len chân phải duỗi thẳng đuỗn, giơ chân lên và dang sang bên, một-hai, một-hai, và chỉ khi Lo bắt đầu nhảy lên, giạng hai chân ở đỉnh điểm của cú nhảy, rồi một chân gập lại, chân kia duỗi ra, bay người và tiếp đất trên đầu ngón chân – chỉ khi ấy đối thủ mặt tái, rầu rầu và khoa trương của tôi mới gãi đầu, xoa má như thể lão nhầm lẫn những tiếng thình thịch đằng xa kia với những đòn tung thâm khủng khiếp của quân Hậu lợi hại của tôi.
Thi thoảng Lola uể oải đi vào trong khi chúng tôi đang cắm cúi trên bàn cờ – và mỗi lần như vậy là một dịp tôi được sướng mắt nhìn Gaston, con mắt voi vẫn dán vào những quân cờ, trịnh trọng đứng dậy để bắt tay Lo, rồi lập tức buông những ngón tay mềm oặt của em và, không nhìn em lấy một cái, lại gieo mình xuống ghế để rơi tõm vào cái bẫy tôi đã giăng sẵn đợi lão. Một hôm, vào quãng Giáng sinh, sau khoảng hai tuần tôi không gặp lão, lão hỏi tôi: Et toutes vos fillettes, elles vont bien?(Thế nào, tất cả các bé gái của ông vẫn mạnh giỏi chứ)”, qua đó tôi thấy hiển nhiên là lão đã nhân Lolita duy nhất của tôi với số kiểu trang phục khác nhau của em mà con mắt ủ ê luôn cúi xuống của lão thoáng thấy trong suốt cả một chuỗi lần em xuất hiện: quần jeans, váy, quần soọc, áo choàng may chần.
Tôi bất đắc dĩ phải lan man dài dòng thế về con người tội nghiệp ấy (thật đáng buồn, một năm sau đó, trong một chuyến đi châu Âu mà từ đó lão không trở về, lão bị dính líu vào một sale affaire(chuyện rắc rối) mà trời xui đất khiến thế nào lại là ở Napoli [4] cơ chứ!). Tôi ắt đã chẳng nhắc đến lão nếu như sự tồn tại của lão ở Beardsley không tác động đến “ca” của tôi một cách kì lạ như vậy. Tôi cần viện đến lão để tự biện hộ. Này đây Gaston Godin, một kẻ chẳng có tài cán gì, một thầy giáo xoàng, một học giả vét đĩa, một lão già quàu quạu, gớm guốc, béo ị, mắc chứng đồng giới tình dục, rất khinh bỉ lối sống Mĩ, đắc chí là mình mo phú tiếng Anh – đấy, lão ở giữa cái xứ New England đạo đức giả, được đám già ve vãn và đám trẻ mơn trớn – chao, tha hồ vui chơi thỏa thích và lừa mị tất cả mọi người; và tôi, tôi cũng ở đó.
[4] Napoli ở Ý hồi ấy nổi tiếng về nhiều “đĩ đực”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.