Lolita
PHẦN HAI – Chương 1
Đó là lúc khởi đầu cuộc viễn du lớn của chúng tôi qua khắp các vùng miền nước Mĩ. Trong tất cả các loại lữ quán du lịch, tôi sớm trở nên ưng nhất loại Motel Tiện Dụng[1] – sạch sẽ, gọn gàng, an toàn, nơi lí tưởng để ngủ nghê, cãi cọ, làm lành, ái ân vụng trộm vô độ. Thoạt đầu, vì sự gây nghi ngại, tôi hăng hái thuê cả hai phần của một đơn nguyên kép, mỗi phần có một giường đôi. Tôi tự hỏi không biết cách bố trí này nhằm dành cho hai cặp đôi kiểu gì, bởi lẽ cái bức vách dở dang ngăn căn phòng hay lều gỗ thành hai tổ uyên ương thông nhau chỉ có thể bảo đảm đạt tới một độ riêng tư giả tạo kiểu Phari[2] mà thôi. Dần dà, chính những khả năng do sự chung chạ thẳng thắn ấy gợi ý (hai cặp trẻ vui vẻ trao đổi bạn tình hoặc một đứa bé giả vờ ngủ để có thể làm nhân chứng tai nghe cho những độ âm vang nguyên thủy) khiến tôi mạnh bạo hơn và thỉnh thoảng tôi lấy phòng một-giường-lớn-một-giường-con hoặc hai giường sóng đôi, một cái xà lim thiên đường với mành cửa sổ màu vàng kéo xuống để tạo ảo tưởng một buổi sớm mai ở Venice đầy nắng, trong khi thực tế là đang ở Philadelphia dầm dề mưa.
[1] Từ ghép kết hợp “motor” và “hotel”, chỉ loại khách sạn thực dụng (functional motel) có chỗ để xe gần nơi ngủ. Cũng gọi là “court”.
[2] Giáo phái Do Thái cổ đại nổi tiếng là nghiêm cẩn tuân thủ truyền thống, nghi thức nghi lễ. Ý nói đạo đức giả.
Chúng tôi lần lượt làm quen với – nous connûmes* (chúng tôi đã tùng biết, từng trải qua) để dùng một giọng có hơi hướm Flaubert[3] – những kiểu nhà thôn dã xây bằng đá dưới những cây to tướng vóc dáng Chateaubriand[4], loại đơn nguyên xây bằng gạch sống, gạch nung, những motel trát vữa xtuych-cô trên những mảnh đất mà sách hướng dẫn du lịch của Hội Xe Hơi mô tả là “đầy bóng râm”, “rộng rãi”, “phong cảnh ngoạn mục”. Loại nhà bằng gỗ súc, hoàn thiện bằng gỗ thông nhiều mắt, với nước láng bóng nâu-vàng, khiến Lo nhớ đến những khúc xương gà rán. Chúng tôi coi khinh loại Kabin quê kệch nẹp ván gỗ quét vôi trắng, thoang thoảng mùi nước cống hoặc một thứ mùi hôi thê lương sượng sùng nào khác, chẳng có gì để khoe khoang (ngoại trừ “giường tốt”), và một bà chủ cau có luôn luôn sợ quà tặng của mình (“… vâng, tôi có thể dành cho quí khách…”) bị từ chối.
[3] Gustave Flaubert, nhà văn Pháp (1821-1880) trong cuốn tiểu thuyết bất hủ Madame Bovary của mình, dùng động từ “connaître” (biết đến, trải qua) ở thì quá khứ đơn (passé simple) để tả các trải nghiệm của Emma Bovary với những người tình của nàng.
[4] Các nhà văn và họa sĩ Pháp đầu tiên sang Mĩ đều có ấn tượng mạnh về những cây to ở đây, và hình ảnh “những cây to tướng vóc dáng Chateaubriand” bắt nguồn từ tác phẩm Atala của nhà văn Pháp Franҫois René de Chateaubriand (1768-1848).
Nous connûmes (cái này thật chúa là ngộ) tính chất câu khách của những cái tên lặp đi lặp lại – tất cả những Sunset Motel, U-Beam Cottage, Hillcrest Court, Pine View Court, Mountain View Court, skyline Court, Park Plaza Court, Green Acre, Mac’s Court. Đôi khi, có một dòng đặc biệt trong bản giới thiệu như “Hoan nghênh trẻ em, chấp nhận thú cảnh” (em được hoan nghênh, em được chấp nhận đấy). Buồng tắm đa số là vòi hương sen nền gạch hoa, với nhiều loại cơ chế phun nước cực kì đa dạng, nhưng với một đặc tính duy nhất, chung cho tất cả, hoàn toàn phi-Laodicea[5], cụ thể là có khuynh hướng, trong khi được sử dụng, đột ngột trở nên nóng khủng khiếp hoặc lạnh cóng, tùy theo người ở phòng bên vặn vòi lạnh hay nóng, tước đi của ta phần bổ sung cần thiết cho cuộc tắm vòi hương sen mà ta đã pha hòa xiết bao công phu. Một số motel dán bản nội qui bên trên toa lét (mà trên nắp két nước, người ta chất hàng đống khăn một cách hết sức mất vệ sinh) yêu cầu khách đừng vứt rác, lon bia, hộp các tông, thai nhi chết, vào bồn cầu; một số khác lồng kính những chỉ dẫn đặc biệt, như Điều Nên Làm (Kị mã: Quí khách sẽ thường thấy những kị sĩ phóng dọc theo Phố Chính trên đường trở về từ những cuộc phi ngựa lãng mạn duới ánh trăng. “Thường là vào ba giờ sáng,” cô bé Lo không chút lãng mạn của tôi mỉa mai bình luận).
[5] Theo Kinh Thánh, sách Khải huyền, ch. 3; 14-16, đặc điểm của nhà thờ ở xứ Laodicea là “không nóng cũng chẳng lạnh”.
Nous connûmes nhiều loại quản lí motel khác nhau: kẻ tội phạm hoàn lương, thầy giáo về hưu và nhà kinh doanh thất bại, trong số nam giới; và cả loạt phiên bản, từ dạng mẹ hiền, dạng ngụy mệnh phụ phu nhân cho đến dạng mụ dầu, trong số nữ giới. Và thi thoảng, trong đêm ẩm ướt và nóng ghê gớm, những đoàn tàu hỏa rú lên với một âm thanh ai oán, xé lòng và đầy điềm gở, hòa trộn sức mạnh với cuồng loạn thành một tiếng thét tuyệt vọng.
Chúng tôi tránh những Nhà Nghỉ Du Lịch, anh em họ thôn dã của các Nhà Tang Lễ, lỗi mốt, điệu đàng và không có vòi tắm hương sen, với những bàn trang điểm cầu kì và những tấm ảnh chụp các con bà chủ ở mọi giai đoạn phát triển trong những phòng ngủ nhỏ màu trắng pha hồng não nề. Nhưng thi thoảng, tôi cũng phải nhượng bộ ý thích của Lo muốn ở những khách sạn “đích thực”. Trong khi tôi âu yếm vuốt ve em trong chiếc xe đậu trong im lặng của một con đường nhánh sẫm bóng hoàng hôn huyền bí, em giở sách hướng dẫn du lịch chọn một lữ quán ven hồ nào đó được đánh giá cao, giới thiệu đủ mọi hình ảnh mà em lấy đèn pin soi kĩ từng chi tiết, chẳng hạn như cảnh khách khứa vui vẻ hòa đồng, những bữa ăn nhẹ xen giữa những bữa chính, những cuộc nhậu thịt nướng ngoài trời – nhưng trong trí tôi, những cái đó gợi lên hình ảnh bỉ ổi của những học sinh trung học hôi hám, sơ mi đẫm mồ hôi và một cái má đỏ rực như than hồng áp vào má em, trong khi tiến sĩ Humbert Humbert chẳng có gì mà ôm ngoại trừ hai cái đầu gối đàn ông, đành xoa dịu cơn đau trĩ của mình bằng cái lạnh trên vạt cỏ ướt. Cũng cực kì hấp dẫn em là những Lữ quán “Thuộc Địa”: ngoài “không khí thanh lịch” và những cửa sổ nhìn ra phong cảnh như vẽ, những nơi này còn hứa hẹn nhiều “siêu-siêu đặc sản với số lượng vô hạn độ”. Hồi ức thân thiết về cái khách sạn lộng lẫy của cha tôi ngày xưa đôi khi khiến tôi tìm kiếm một cái gì tương tự trên miền đất xa lạ chúng tôi đang rong ruổi. Chẳng bao lâu, tôi đã nản chí; nhưng Lo thì vẫn kiên trì theo đuổi dấu vết của những áp-phích về đồ ăn phong phú, trong khi tôi thì sướng rơn – mà không phải chỉ vì lí do tiết kiệm – mỗi khi nhìn thấy những tấm biển ven đường đại loại như TIMBER HOTEL, Trẻ em dưới 14 tuổi miễn phí. Mặt khác, tôi rùng mình khi nhớ lại cái khu nghỉ mát soi-disant* (gọi là) “thượng hạng” ở một bang Trung Tây tự quảng cáo là phục vụ bữa ăn mặn lúc nửa đêm “thoải mái mở tủ lạnh”; tại đây, người quản lí, thắc mắc vì giọng phát âm của tôi, đã yêu cầu cho biết tên người vợ quá cố của tôi và người mẹ quá cố của cô gái. Hai ngày lưu lại ở đây thiến mất của tôi một trăm hai mươi đô la. Và, em còn nhớ không, Miranda[6], cái sào huyệt kẻ cướp “cực kì sang trọng” với cà phê sáng miễn phí và nước đá lưu thông, nhưng không tiếp nhận trẻ em dưới mười sáu tuổi (kể cả Lolita, tất nhiên).
[6] Nhại câu mở đầu – cùng là điệp khúc – của bài thơ “Tarantella” (Điệu nhảy Tarantella) của nhà thơ Hilaire Belloc (1870-1953): “Do you remember an Inn,/Miranda?/Do you remember an Inn” (Em còn nhớ một Lữ quán không, Miranda?).
Ngay khi tới một trong những motel đã trở thành nơi trú chân quen thuộc của chúng tôi, Lolita lập tức mở quạt điện chạy vù vù, hoặc nài tôi bỏ một đồng hai mươi lăm cent vào radio, hoặc đọc tất cả các bảng hướng dẫn và hỏi bằng một giọng rền rĩ tại sao em không thể cưỡi ngựa dạo chơi trên một con đường nào đó được quảng cáo khắp nơi, hoặc đến bơi ở một bể nước khoáng của địa phương. Phần lớn thời gian, với cái vẻ uể oải chán ngán mà em cố công tạo dáng, Lo gieo mình, lả lơi, gợi thèm ghê gớm, xuống một cái ghế lò xo màu đỏ, hoặc một cái ghế nằm màu xanh lá cây, hoặc một chiếc ghế vải gấp kẻ sọc có chỗ để chân và tán che, hoặc một chiếc ghế đu dưới một tán dù trong vườn, trên một patio [7], và tôi phải mất hàng tiếng đồng hồ dỗ dành, dọa dẫm và hứa hẹn mới khiến được em cho mượn đôi tay đôi chân rám nắng vào cái phòng biệt lập năm đô la trong mấy giây, trước khi làm bất cứ cái gì em thích hơn là niềm vui sướng tội nghiệp của tôi.
[7] Tiếng Tây Ban Nha, chỉ một khoảng không gian ngoài trời, sân hiên.
Là một kết hợp của thật thà hồn nhiên với xảo trá, của quyến rũ với phàm tục, của những cơn hờn dỗi xanh lét với những phút hân hoan hồng tươi, Lolita, khi em muốn, có thể trở thành một đứa bé khiến người ta điên tiết. Tôi chưa thực sự được chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với những cơn buồn chán vô lối, trách móc kịch liệt và dữ dằn của em, cái kiểu nằm vật ra, rũ rượi, mắt đờ đẫn, và cái chiêu được gọi là ườn xác – một thứ trò hề lan man mà em nghĩ là cung cách sừng sỏ của bọn tiểu yêu lưu manh, về mặt tinh thần, tôi thấy em là một bé gái công thức cứng nhắc chán ngắt. Jazz “hot” mà ngọt ngào, khiêu vũ bốn cặp dàn hình vuông, kẹo trái cây bơ sữa mềm, nhạc kịch hiện đại, tạp chí điện ảnh, và những thứ đại loại như thế – những cái đó hiển nhiên là nằm trong danh sách các tiết mục yêu thích của em. Có Chúa biết tôi đã phải bỏ bao nhiêu đồng hai lăm cent vào những cái máy hát tự động bóng bẩy, làm nhạc nền cho mỗi bữa ăn của chúng tôi! Tôi vẫn còn nghe thấy những giọng mũi của các ca sĩ vô hình nỉ non hót tình ca ve vãn em, những cái tên như Sammy và Jo và Eddy và Tony và Peggy và Guy và Patty và Rex, và những bài lãng mạn ủy mị thời thượng, tất cả đều giông giống nhau đối với tai tôi, cũng như các loại kẹo khác nhau của em đối với vị giác tôi. Với niềm tin như tin vào Chúa Trời, em tin bất kì lời quảng cáo hay khuyến cáo nào đăng trên tạp chí điện ảnh Movie Lovehay Screen Land– Starasil[8] Trừ Tiệt Mụn, hoặc “Các cô gái chú ý, đừng để vạt áo sơ mi phất phơ bên ngoài quần jeans, vì Jill nói các cô không nên làm thế”. Hễ một tấm biển ven đường mời “HÃY GHÉ THĂM CỬA HÀNG LƯU NIỆM CỦA CHÚNG TÔI” là nhất thiết chúng tôi phải ghé vào, phải mua những vật lạ của người da đỏ, búp bê, đồ trang sức bằng đồng, bánh kẹo xương rồng. Những tiếng “hàng mới lạ và đồ lưu niệm” làm em mê cuồng lên thực sự bởi âm điệu trầm bổng của chúng. Hễ một tiệm cà phê nào đó trưng biển Đồ uống Ướp đá, là tự khắc em sôi sục lên, mặc dù ở đâu chả có đồ uống ướp đá. Em đích thị là mục tiêu của mọi quảng cáo: người tiêu thụ lí tưởng, đề tài và đối tượng của mọi tấm áp-phích tởm lợm. Và em chủ trương – nhưng không thành công – chỉ chiếu cố những quán ăn nơi tinh anh của Huncan Dines[9] hiển hiện trên những chiếc khăn giấy đẹp xinh và những món nộm phủ pho mát.
[8] Nhãn hiệu của một loại thuốc mỡ bôi ngoài da có thật.
[9] Nói lái tên Duncan Hines (1880-1959), tác giả của nhiều cuốn sách hướng dẫn du lịch như Adventures in Good Eating (Phiêu lưu trong ăn ngon)…
Trong những ngày ấy, cả em lẫn tôi đều chưa nghĩ ra cái chế độ úy lạo bằng tiền mà sau đó ít lâu đã ảnh hưởng tai hại đến thế đối với thần kinh của tôi và tinh thần của em. Tôi dựa vào ba phương pháp khác để khiến “nàng hầu” đang tuổi dậy thì của mình tuân phục và tương đối mát tính. Mấy năm trước đó, em đã qua một mùa hè mưa dầm dề dưới cặp mắt lờ đờ của Miss Phalen trong một ngôi nhà trại xiêu vẹo miền Appalachia vốn thuộc về một ông Haze quắt queo nào đó từ thời xa lắc xa lơ. Nó vẫn còn đứng giữa những mẫu đất đầy những que vàng ở bìa một cánh rừng không có hoa, cuối một con đường quanh năm lầy lội, cách xóm gần nhất khoảng ba mươi cây số. Chỉ nhớ lại ngôi nhà xơ xác như thằng bù nhìn rơm ấy, những đồng cỏ sũng nước ấy, cảnh quạnh hiu và hoang sơ đầy gió ấy, Lo cũng đủ ghê tởm cực kì, đến độ trẹo mồm, lè lưỡi. Và đó chính là nơi lưu đày mà tôi dọa sẽ đưa em về học tiếng Pháp và tiếng Latinh dưới sự giám sát của tôi trong nhiều tháng và, nếu cần, nhiều năm, trừ phi “thái độ hiện tại” của em chuyển biến. Charlotte, bây giờ tôi mới bắt đầu hiểu mình!
Mỗi lần, để chặn đứng những cơn lôi đình thịnh nộ của em, tôi quay đầu xe ngay giữa xa lộ, ra ý sẽ đưa thẳng em về cái ngôi nhà tối tăm sầu thảm đó, thế là cô bé Lo chất phác tưởng thật, bèn cuống cuồng níu chặt lấy bàn tay cầm lái của tôi. Tuy nhiên, chúng tôi càng đi xa hơn về phía Tây, cách đe dọa ấy càng trở nên kém hiệu quả, và tôi lại phải chọn những phương pháp thuyết phục khác.
Trong số đó, cái chiêu dọa đưa đi trung tâm cải huấn là điều khiến tôi cảm thấy xấu hổ nhất, đến độ phát rên lên mỗi khi nhớ lại. Ngay từ đầu cuộc dan díu này, tôi đã đủ thông minh để hiểu rằng mình phải đảm bảo chắc chắn có được sự hợp tác hoàn toàn của em đặng giữ bí mật quan hệ của chúng tôi, sao cho nó trở thành một thứ bản năng đối với em, bất kể em có thể ấm ức đến đâu với tôi, bất kể em có thể muốn tìm kiếm thú vui nào khác.
“Hãy lại hôn ông già của em đi nào,” tôi thường bảo em, “và hãy vứt bỏ bộ dạng cáu kỉnh vô lối ấy đi. Dạo xưa, khi ta còn là con đực mơ ước của em (độc giả có thể nhận thấy tôi khổ công như thế nào để nói theo giọng điệu của Lo), em ngất ngây khi nghe những đĩa hát của thần tượng thổn-thức-và-nức-nở số một của các bạn đồng tuế với em (Lo: “Các bạn gì của tôi? Nói tiếng phổ thông đi!”). Thần tượng mà bọn bạn cánh hẩu của em tôn thờ, em nghĩ giọng y nghe giống bạn Humbert. Nhưng giờ đây, ta chỉ còn là ông già của em mà thôi, một ông bố mơ ước che chở cho con gái mơ ước của mình.
“Ma chère Dolores!* (Dolores yêu quí của ta) Ta muốn che chở cho em, cưng ạ, khỏi mọi điều gớm ghiếc thường xảy ra với những bé gái ở những lán để than, những ngõ cụt, và than ôi, comme vous le savez trop bien, ma gentille*(như em biết quá rõ đấy, em dễ thương của ta), trong những cánh rừng đầy trái dâu xanh giữa những mùa hè xanh thắm nhất. Qua giông tố bão bùng, ta sẽ luôn luôn là người giám hộ của em, và nếu em ngoan ngoãn, ta hi vọng là chẳng bao lâu, một tòa án sẽ hợp pháp hóa quyền giám hộ này. Tuy nhiên, Dolores Haze, ta hãy quên cái gọi là thuật ngữ pháp lí ấy đi, cái thứ thuật ngữ chấp nhận cụm từ “ở chung chạ dâm dật và dâm đãng” là hợp lí. Ta không phải là một bệnh nhân tâm thần-tội phạm tình dục làm những điều suồng sã bậy bạ với một bé gái. Kẻ hiếp dâm bệnh hoạn là Charlie Holmes cơ; ta là thầy thuốc trị bệnh – một chút phân biệt tinh tế mà quan trọng. Ta là ba yêu của em, Lo. Nhìn đây, ta có cả một cuốn sách thông thái về con gái trẻ. Này, cưng, nhìn xem nó nói gì. Ta trích dẫn nhé: con gái bình thường – chú ý nhé: bình thường – con gái bình thường, nói chung, đều hết sức lo lắng muốn làm vui lòng cha. Nó cảm thấy ở cha mình dự báo về người đàn ông mơ ước, khó nắm bắt của nó (“khó nắm bắt” là từ chuẩn đấy, theo Polonius[10]!). Người mẹ khôn ngoan (và mẹ tội nghiệp của em, nếu còn sống, chắc cũng thuộc loại khôn ngoan) sẽ cổ xúy cho một tình bầu bạn giữa cha và con gái, vì hiểu rằng – xin bỏ qua cho cái văn phong cũ mòn này – con gái mình tạo nên những lí tưởng về tình yêu và đàn ông từ sự liên kết với cha nó. Vậy thử xem cuốn sách vui vẻ này muốn nói gì – khuyến cáo gì về mối liên kết đó? Ta lại trích dẫn: Trong cộng đồng người Sicily, quan hệ tình dục giữa cha và con gái được chấp nhận như một điều tự nhiên, và đứa con gái tham gia những quan hệ như vậy không hề bị xã hội mà nó là một thành viên phản đối. Ta rất ngưỡng mộ người Sicily, những lực sĩ cừ khôi, những nhạc sĩ cừ khôi, những con người chính trực, Lo ạ, và những người tình tuyệt vời. Nhưng thôi, chúng ta đừng lan man. Mới ngày hôm kia thôi, chúng ta đọc thấy trên báo một câu chuyện lố bịch về một người đàn ông trung niên đồi bại nhận tội là đã vi phạm Luật Mann[11] và đưa một bé gái chín tuổi qua biên giới bang vì mục đích vô luân, bất luận cái mục đích vô luân ấy cụ thể nghĩa là thế nào. Dolores yêu dấu! Em không phải mới chín tuổi mà đã gần mười ba, và ta không khuyên em tự coi mình là nữ nô lệ lưu động của ta, và ta tiếc là cái luật Mann ấy lại thuận với một trò chơi chữ dễ sợ[12], sự phục thù của các vị Thần Ngữ Nghĩa Học đối với bọn phàm phu tục tử mũ cao áo dài. Ta là cha của em, và ta đang nói cùng ngôn ngữ với em, và ta yêu em.
[10] Nhân vật trong bi kịch Hamlet của đại văn hào Anh W. Shakespeare (1564-1616). Ông già ba hoa và tự mãn này thường cảnh báo con gái là Ophelia phải đề phòng sự “khó nắm bắt” và ngón “chạy làng” của đàn ông.
[11] Luật ban hành năm 1910 cấm đưa phụ nữ từ bang này sang bang khác vì mục đích vô luân.
[12] Luật Mann, tiếng Anh là “Mann Act”. “Mann” đồng âm với “man”, nghĩa là “đàn ông”. “Act” có nghĩa là “hành động”.
“Cuối cùng, chúng ta hãy thử xem điều gì sẽ xảy ra nếu như em, một đứa trẻ vị thành niên, bị kết tội hủy hoại đạo đức của một người lớn trong một lữ quán khả kính, điều gì sẽ xảy ra nếu như em tố cáo với cảnh sát là ta đã bắt cóc và hiếp dâm em? Cứ giả dụ là họ tin em đi. Một gái vị thành niên cho phép một người trên hai mốt tuổi tìm hiểu xác thịt mình, khiến nạn nhân mắc vào tội hiếp dâm theo pháp định, hoặc tội kê giao mức độ hai, tùy theo kĩ thuật được vận dụng để định tội; và hình phạt nặng nhất là mười năm. Vậy thì ta đi tù. Ôkê. Ta đi tù. Nhưng còn em thì sao, cô bé mồ côi của ta? Ờ, em may mắn hơn. Em trở thành đối tượng giám hộ của Phòng Cứu tế Xã hội – ta e rằng mấy tiếng đó nghe hơi u ám đấy. Một bà đứng tuổi đoan trang, nghiêm nghị kiểu Miss Phalen, nhưng cứng nhắc hơn và không uống rượu, sẽ tịch thu son môi và những quần áo diện của em. Chấm dứt rong chơi đú đởn! Ta không biết em đã bao giờ nghe nói đến những luật liên quan đến trẻ em phụ thuộc, bơ vơ, bất trị và phạm tội chưa? Trong khi ta níu chặt song sắt nhà tù, thì em, đứa trẻ bơ vơ may mắn, sẽ được cho chọn lựa giữa những chỗ ở này nọ, tất thảy đều na ná như nhau, trường cải tạo, trung tâm cải huấn, trại giam trẻ vị thành niên, hoặc một trong các trung tâm bảo trợ thiếu nữ tuyệt vời, ở đó em sẽ phải học đàn, và hát thánh ca, và Chủ nhật thì ăn bánh kếp ôi. Em sẽ tới đó, Lolita – Lolita của ta, Lolita này sẽ rời xa Catullus[13] của mình và tới đó với tư cách là con gái ngỗ ngược như em. Nói trắng ra, nếu người ta phát giác ra chúng ta, em sẽ bị mổ xẻ phân tích và đưa vào kỉ cương, c’est tout* (có thế thôi), cưng ạ. Em sẽ ở, Lolita của ta (lại đây nào, bông hoa nâu của ta) sẽ ở chung với ba mươi chín đứa ngu ngốc khác trong một nhà ngủ tập thể bẩn thiu (không, hãy để ta nói nốt) dưới sự giám sát của những mụ trung niên gớm guốc. Tình thế là vậy đó, các phương án lựa chọn là vậy đó. Liệu em có nghĩ rằng trong hoàn cảnh đó, Dolores nên bám chặt lấy ông già của mình là hơn cả?”
[13] Xem ở chương 15, Phần Một
Bằng cách nhồi vào đầu Lo tất cả những điều đó, tôi đã khiến em sợ chết khiếp – mặc dầu có vẻ táo tợn với tác phong linh hoạt và nhiều lúc cũng hóm hỉnh, nhưng em không phải là một đứa trẻ thông minh như chỉ số IQ của em mách bảo. Nhưng nếu như tôi thiết lập được cái nền vững chắc cùng chia sẻ bí mật, cùng chia sẻ tội lỗi ấy, thì mặt khác, tôi lại kém thành công hơn nhiều trong cố gắng giúp cho em giữ được tâm trạng vui vẻ. Mỗi buổi sáng trong cuộc viễn du kéo dài cả năm của chúng tôi, tôi lại phải nghĩ ra một hi vọng nào đó, một mục tiêu đặc biệt nào đó trong không gian và thời gian để em chờ đợi cho đến giờ ngủ. Bằng không, thiếu một mục đích làm chỗ dựa và tạo hình cho nó, bộ xương của ngày hôm ấy sẽ rụn xuống và sụp đổ. Mục tiêu hướng tới có thể là bất cứ cái gì – một ngọn hải đăng ở Virginia, một hang động thiên nhiên ở Arkansas được cải biến thành tiệm cà phê, một bộ sưu tập súng và đàn violon ở vùng nào đó thuộc bang Oklahoma, một phiên bản của hang Lourdes[14] ở Louisana, mấy tấm ảnh tả về thời kì hoàng kim của công trình khai mỏ trưng bày tại bảo tàng địa phương của một khu du lịch thuộc vùng Rocky Mountains[15], bất kì cái gì – nhưng nó phải ở đó, phía trước chúng tôi, như một ngôi sao cố định, cho dù nếu có thể Lo sẽ giả vờ nghẹn ngay khi chúng tôi tới đó.
[14] Hang Massabielle ở thành phố Lourdes, tỉnh Hautes-Pyrénées, đục trong một núi đá, nơi mà Bernadette Soubirous nói là đã thấy Đức Mẹ Đồng Trinh hiện hình mười lần vào năm 1868 và theo chỉ dẫn của Người, đã tìm ra một con suối mà người ta đồn rằng nước ở đó có phép màu. Nơi này từ đó trở thành một địa điểm hành hương của tín đồ Thiên Chúa giáo.
[15] Dãy Rocky Mountains (Núi Đá) còn gọi là Rockies ở miền Tây của Bắc Mĩ, chạy dài 4.800 km từ phần cực Bắc của British Columbia ở Canada đến bang Mexico thuộc Mĩ, đỉnh cao nhất là Núi Elbert ở bang Colorado (4.401 m)
Bằng cách huy động kiến thức về địa lí nước Mĩ, hàng giờ liền tôi cố hết sức làm sao cho em có cảm giác là đang “tham quan đất nước”, đang lăn bánh tới một nơi cụ thể nào đó, một niềm khoái thú khác thường nào đó. Tôi chưa bao giờ thấy những con đường nhẵn mịn ngon lành như những con lộ đang trải ra ngời ngời trước mặt chúng tôi, qua cái mảng chắp vá rối rắm của bốn mươi tám bang. Chúng tôi ngấu nghiến nuốt chửng những xa lộ dài dặc ấy, chúng tôi lướt trên sàn nhảy đen bóng của chúng trong im lặng ngất ngây. Lo chẳng những không thèm để mắt đến phong cảnh, mà còn cáu gắt khi tôi lưu ý em đến những nét mê hồn đây, đó của cảnh vật thiên nhiên, mà chính bản thân tôi cũng chỉ học được cách nhận ra sau một thời gian dài tiệm cận với cái đẹp tinh tế không ngừng hiện diện bên rìa cuộc hành trình không mấy bõ công của chúng tôi. Do một nghịch lí về suy tư hình ảnh, vùng nông thôn đất trũng ở Bắc Mĩ, thoạt đầu, khiến tôi giật mình thích thú, ngỡ nhận ra một cái gì quen thuộc, vì những tấm vải sơn mà hồi xưa người ta nhập khẩu từ Mĩ để treo trên những bàn để chậu rửa mặt trong các nhà trẻ ở Trung Âu; vào giờ đi ngủ, những tấm vải sơn ấy hấp dẫn đứa trẻ mắt đã díp lại bởi cảnh thôn dã xanh tươi mà chúng thể hiện – hàng cây tóc xoăn mờ đục, kho lúa, đàn gia súc, con suối, vườn cây nở hoa mơ hồ trắng nhợt, và có thể cả một bức tường rào bằng đá, hoặc những ngọn đồi xanh nhạt. Nhưng dần dà, quan sát kĩ, những mô hình thôn dã sơ đẳng ấy càng lúc càng trở nên xa lạ với mắt tôi. Bên kia mỗi dải đồng bằng được trồng cấy, bên kia những mái nhà nhỏ xinh như đồ chơi, thường ửng lên từ từ một vẻ đẹp vô dụng, một mặt trời thấp trong một làn sương bạch kim nhuốm một sắc độ nồng ấm của trái đào đã gọt vỏ, thấm đẫm mép trên của một đám mây phẳng dẹt màu xám bồ câu hòa quyện vào màn sương mù ân ái xa xăm. Đôi khi có một hàng cây thưa thớt in đậm nét trên nền chân trời và những buổi trưa nóng nực, tĩnh lặng bên trên một dải hoang vu đầy cỏ ba lá, và những đám mây theo phong cách Claude Lorrain[16] găm vào màu thiên thanh bảng lảng sương đằng xa và chỉ thấy rõ phần mây tầng in bật trên nền trung lập của hậu cảnh ngất xỉu. Hoặc nữa, có thể là một chân trời theo phong cách El Greco[17] mang thai một cơn mưa đen như mực, và thấp thoáng hình ảnh một nông phu có cái cổ của xác ướp và khắp bốn bề xung quanh, những dải nước thủy ngân xen kẽ với những luống ngô xanh mộc, tất cả xòe ra như chiếc quạt, đâu đó trong thành phố Kansas[18].
[16] Claude Gellée, biệt danh là Claude Lorain (khoảng 1600-1682), họa sĩ Pháp sống và làm việc ở Roma, người đã định hình vị thế của tranh phong cảnh như một thể loại.
[17] El Greco (1541?-1614?) họa sĩ, điêu khắc gia và kiến trúc sư Tây Ban Nha gốc Hi Lạp.
[18] H. H. phát hiện thấy một bức “Phong cảnh Toledo” của El Greco ở Kansas City và mô tả nó.
Thi thoảng, trong cái mênh mông của những dải đồng bằng ấy, những hàng cây kếch sù tiến về phía chúng tôi để rồi khép nép cụm lại bên đường và đem lại chút bóng râm nhân ái bên trên chiếc bàn pích-ních lốm đốm những vệt nắng, và nền đất nâu ngổn ngang những chiếc cốc giấy bẹp rúm, những quả cánh và những que kem vứt bỏ. Vốn rất ưa dùng các nhà vệ sinh công cộng dọc đường, bé Lolita không câu nệ của tôi thường thích mê trước những tấm biển toa lét – Trai-Gái, John-Jane, Jack-Jill hay thậm chí Hươu-Nai; trong khi đó, chìm đắm trong một giấc mơ nghệ sĩ, tôi ngắm những dụng cụ bơm xăng chói sáng trên nền xanh lộng lẫy của những cây sồi, hoặc một con đồi xa xa – mình đầy thương tích nhưng chưa hoàn toàn khuất phục – trườn ra từ những dải đất trồng cấy đang lăm le nuốt chửng nó.
Ban đêm, những chiếc xe tải lớn nhấp nháy những chấm đèn màu, tựa những cây thông Nô-en khổng lồ dễ sợ, lù lù hiện ra trong bóng tối và gầm rú bên cạnh chiếc xe du lịch nhỏ chạy đường khuya. Và ngày hôm sau, lại một bầu trời thưa thớt mây, mất đi màu xanh trước sức nóng, tan chảy trên đầu chúng tôi, và Lo đòi đồ uống giải khát, và đôi má em miệt mài hóp lại trên cái ống hút, và bên trong xe trở thành một lò lửa khi chúng tôi lại chui vào để tiếp tục đi, và con đường trước mặt lung linh, và xa xa, như trong một ảo ảnh, một chiếc xe biến dạng dưới lớp sơn phủ bóng loáng, vuông vắn một cách lỗi mốt, tựa như lủng lẳng một lúc trên cao trong làn hơi nóng chói chang. Và khi chúng tôi lăn bánh tiếp về phía Tây, những vạt cây mà người phụ trách trạm xăng gọi là “ngải đắng” xuất hiện, rồi những đường viền bí ẩn của những con đồi phẳng như mặt bàn, rồi những sườn dốc đỏ lổ đổ những bụi cây bách xù như những vết mực, rồi một dãy núi dần dần chuyển sắc độ từ nâu xỉn sang xanh lơ và từ xanh lơ sang mơ mộng, rồi sa mạc đón chúng tôi bằng một trận cuồng phong dai dẳng, bụi mù mịt, những bụi cây gai xám và những mẩu giấy vệ sinh gớm ghiếc bắt chước những cánh hoa trắng giữa đám cành nhánh héo khô bị gió quần lên quật xuống suốt dọc xa lộ; đôi khi, những chị bò cái hồn nhiên đứng ngay giữa xa lộ, im sững trong một tư thế (đuôi bên trái, lông mi trắng bên phải), coi khinh mọi luật lệ giao thông của con người.
Luật sư của tôi đã khuyên tôi nên tường trình thành thật và rõ ràng lộ trình chúng tôi đã theo và tôi đồ rằng lúc này đã tới một điểm mà tôi không thể né tránh công việc đó. Đại khái, trong cái năm điên rồ ấy (từ tháng Tám 1947 đến tháng Tám 1948), con đường của chúng tôi bắt đầu bằng một loạt những khúc quanh co ngoắt ngoéo ở New England, rồi lượn xuống phía Nam, lên lên xuống xuống, quẹo Đông rẽ Tây; dấn sâu vào ce qu’on appelle* (cái mà người ta gọi là) Dixieland, tránh bang Florida bởi vì vợ chồng Farlow đang ở đó, quặt sang phía Tây, đi ngoằn ngoèo theo hình chữ chi qua những cánh đồng ngô và bông (tôi e rằng những chi tiết này không rõ ràng lắm, Clarence ạ, nhưng tôi không ghi chép gì cả và, để kiểm chứng những hồi ức, tôi chỉ có một bộ sách hướng dẫn du lịch gồm ba tập nhàu nát kinh khủng, nó gần như một biểu tượng cho cái quá khứ tả tơi từng mảnh của tôi); băng qua băng lại dãy Rocky, nấn ná lại những sa mạc phương Nam để nghỉ đông ở đó, tới Thái Bình Dương, ngược lên Bắc qua những dặm bông tím nhạt của những cây con nở hoa dọc những con đường rừng; tới sát biên giới Canada; và tiếp tục đi về phía Đông, qua những vùng đất tốt và xấu, trở lại vùng nông nghiệp đại qui mô, tránh xa nơi sinh của bé Lo trên một vùng sản xuất than, trồng ngô và nuôi lợn, bất chấp bé Lo tru tréo phản đối; và cuối cùng, quay về trong lòng miền Đông và kết thúc ở thành phố đại học Beardsley.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.