Lớn Lên Trên Đảo Vắng

Phần I – Chương 11



CON LỪA NHÀ VÀ CON LỪA RỪNG – CHUỒNG GIA SÚC – CÂY “LANH” – MÙA MƯA TỚI – TỔ CHIM ƯNG BỊ DỘT – CUỘC SỐNG TẠM BÊN CHUỒNG GIA SÚC TRONG MÙA MƯA – ỐNG KHÓI – DỰ KIẾN ĐỤC HANG ĐÁ.

Một buổi sáng, trong khi sửa chữa lần cuối cùng cầu thang, chúng tôi bỗng ngạc nhiên khi nghe thấy từ xa xa đưa tới những tiếng lạ lùng. Tiếng hét chói tai kéo dài như tiếng gầm của con thú dữ nào đó, nhưng lại có lẫn vào một tiếng hí, kì lạ đến nỗi tôi không thể đoán được là tiếng con vật gì. Mấy con chó vểnh tai lên và sẵn sàng chiến đấu. Tôi gọi cả nhà lên trên nhà cao, lấy súng ra. Sau khi đóng chặt cửa dưới cầu thang, tôi lên đứng sau cửa sổ, lo lắng nhìn ra khắp nơi bên ngoài.

Trong khi chúng tôi đương hồi hộp chờ đợi và lo lắng như thế thì tiếng kêu lạ lùng ấy lại nổi lên, lần này có vẻ gần hơn nhiều. Phrê-đê-rích lúc đó cúi hẳn người ra ngoài cửa sổ, bỗng bật lên một chuỗi cười sặc sụa. Nó đã nhận ra kẻ địch.

– Ê, nó đây kìa! – Phrê-đê-rích kêu lên – Nó đây kìa, chính là con lừa của nhà ta! Đúng, chính nó đã trở về với chúng ta và tấu lên khúc nhạc “hồi hương” êm ái theo giọng của nó!

Quả thế, một tiếng “hi han” nữa, thong thả và đường bệ kéo dài ra và chúng tôi nhận được ngay tiếng ồm ồm của chú lừa đáng quý! Chẳng mấy chốc đã thấy nó hiện ra trong đám cây. Nhưng ngạc nhiên xiết bao! Nó không đi một mình. Một con vật khác cùng loại, đẹp hơn, lớn hơn và dáng dấp thanh tao, băm nước kiệu bên cạnh nó. Quan sát kỹ con vật mới lạ này, tôi nhận ra ngay đó là con lừa rừng và hết sức vui mừng. Đây sẽ là một cuộc săn bắt quan trọng vô cùng đối với chúng tôi. Mặc dầu các nhà vạn vật học đã nhắc đi nhắc lại rằng giống lừa rừng không thể nào rèn luyện được, chúng tôi vẫn kiên quyết thử dạy dỗ nó. Nhưng trước hết phải tìm mọi cách để bắt sống nó cho được đã!

Tôi dặn cả nhà hãy im lặng rồi tôi cùng Phrê-đê-rích xuống để tìm cách bắt con vật. Phrê-đê-rích bàn với tôi để nó dùng dây thòng lọng ném tròng lấy chân con lừa rừng. Tôi chưa đồng ý, sợ rằng không may bắt trượt thì bị kích động sẽ chạy trốn mất và không bao giờ trở lại nữa. Tôi chọn một cách khác: lấy một sợi dây thừng, buộc một đầu vào một cái rễ nổi, đầu kia thắt một cái thòng lọng. Xong xuôi, tôi chẻ một thanh tre với hai phần ba chiều dài, làm một cái cặp để cặp lấy mũi con vật khi đến được gần nó. Trong khi ấy, con lừa và bạn nó vẫn tiến lại gần. Con lừa nhớ lại chốn cũ, có vẻ tự hào khoe khoang với bạn mới, và cả hai con vật yên trí gặm cỏ dưới bóng cây im mát.

Cầm dây thòng lọng và chiếc cặp tre trong tay, chúng tôi tiến dần lại gần hai con lừa. Tôi đi lẩn sau những thân cây, Phrê-đê-rích cầm dây thòng lọng và đi cho tới khi hết chiều dài sợi dây. Thấy thằng bé đi trước, con lừa rừng ngẩng đầu lên và lùi lại, vì kinh ngạc hơn là vì sợ hãi: chắc hẳn đây là con người đầu tiên nó gặp! Thấy Phrê-đê-rích đứng im như tượng, con vật lại bình tĩnh tiếp tục gặm cỏ. Thằng bé chìa ra cho con lừa nhà một nắm thóc có trộn chút muối. Con lừa nhà nhận ra chủ cũ và bước lại gần ngay. Con lừa rừng cũng bước theo bạn nó không chút ngờ vực. Khi nó tới vừa tầm tay, Phrê-đê-rích khéo léo quàng ngay dây thòng lọng qua đầu nó và bắt được con vật. Con lừa rừng nhảy một bước thật xa mong trốn chạy, nhưng nó chỉ kéo cho dây thòng lọng thắt thêm chặt vào cổ. Nó nhảy mạnh quá nên dây thắt lại quá chặt đến nỗi con vật ngã nhào xuống, lưỡi thè ra, gần như bị ngạt. Tôi chạy ngay lại, nới thòng lọng ra một chút rồi lấy cặp tre cặp ngay vào mũi nó, cuộn dây nẹp hai tay cặp lại thật chặt, con vật không sao giật ra được. Đau quá, nó phải thuần lại chút ít, đủ cho chúng tôi lại gần không sợ nguy hiểm lắm. Chúng tôi ràng chân nó lại như khi những người thợ rèn đóng móng cho một con ngựa bất kham. Tôi cởi dây thòng lọng và choàng ngay cái vòng cổ con lừa thay vào, rồi dùng những sợi dây khác ràng chắc con vật vào những rễ nổi gần đó. Xong xuôi chúng tôi để yên cho nó một lúc để nó thật tỉnh lại.

Cả nhà đã ùa ra xem con vật mới bắt được. Ai cũng khen sức khỏe và dáng dấp thanh tao của nó, giống loài ngựa nhiều hơn là lừa. Mọi người bàn tán ồn ào về những sách sử dụng con ngựa mới này. Nhưng bây giờ thì hãy phải trị cho nó bớt hung hăng để dễ lại gần, vì con vật hoang dã cứ phát khùng lên khi thấy có người gần nó. Nhận thấy những sợi bây buộc bên phải và bên trái đều rất chắc, tôi mở dây ràng cẳng cho nó rảnh rang bốn chân. Như thế có lẽ hơi sớm! Nó lợi dụng tình thế đó, nhảy dựng lên, đá hâu liên tiếp. bất chấp ngay cả cái cặp rất chặt còn mang ở mũi, nó cứ nghiến răng kèn kẹt và, đôi mắt nảy lửa, nó tìm cách cắn cho được những gì với tới. Chúng tôi đành tạm thời để yên mặc nó ở đó và buộc con là nhà vào bên cạnh, mong rằng gần một con vật đồng loại, nó có thể dịu đi phần nào chăng! Thế rồi, hôm sau, khi đưa thức ăn cho nó, tôi thấy nó cũng đã có vẻ bớt ương ngạnh ít nhiều. Phần vì bị trói buộc và bỏ đói, nhưng phần lớn là vì nhọc mệt: nhờ có sợi dây thừng vòng qua bụng con vật, chúng tôi đã luồn vào đó một thứ dây thắng, treo ngược lên, khiến nó cứ phải đứng thẳng chân, không sao nằm ngủ được. Thấy kết quả đầu tiên được tốt đẹp như thế, với một sự kiên nhẫn chưa bao giờ tôi có thể có, tôi tiếp tục chăm sóc con gia súc mới này. Chừng một tháng sau, nó đã thuần dần và có thể bắt đầu rèn luyện được. Công việc này đã mất nhiều thời gian, lại gặp nhiều khó khăn. Trước hết, tôi tập dần cho nó quen mang một vật nặng trên lưng và tìm cách hạ dần cái tính hung hãn hoang dã ở nó, luyện thành một con ngựa cho mấy cha con cưỡi. Nhưng chính tối vẫn chưa dám nhảy lên lưng nó nếu chưa ràng chân nó lại. Tôi đương lung túng thì bỗng nhớ ra phương pháp luyện cho thuần những con ngựa rừng ở châu Mỹ, tôi bèn áp dụng ngay. Mặc dầu nó nhảy, nó đá hậu rất hăng, tôi cứ nhày lên lưng và nắm lấy một tai dài của nó mà cắn cho đến chảy máu ra. Kết quả thật là kỳ diệu: con vật dịu ngay lại và hầu như ngoan ngoãn mặc cho tôi cưỡi. Từ đó, chúng tôi hoàn toàn làm chủ con lừa rừng. Lũ trẻ thay nhau cưỡi và đặt tên cho nó là Chân nhẹ. Thật không có con vật nào xứng cái tên ấy hơn.

Trong khi chúng tôi đổ dồn vào những công việc đó thì đàn gà vịt đã tăng lên và ba ổ gà đã nở thêm tới bốn chục con gà chích nữa. Gà vịt ăn không tốn mấy mà lại cung cấp khá dồi dào trứng và thịt trong mùa mưa. Mùa đông ở đây sắp sửa bắt đầu cho nên chúng tôi không thể đi săn bắt xa nhà được.

Vợ tôi đã gợi ý giúp tôi nghĩ ra rằng mùa đông sắp tới rồi, cần phải bảo vệ gia súc, làm chuồng cho chúng, che mưa gió liên miên trong ngày này. Chúng tôi dựa ngay vào những cái rễ nổi để làm sườn, chẻ tre ghép lên từ ngoài vào trong, vong quanh thân cây thành cái mái rồi trộn rêu với đất khô trát kín những khe hở, quét một lớp dày nhựa dính lên trên. Cái mái vững chắc đến mức có thể dùng ngay làm sân cho nhà ở và có lan can chạy quanh, ra khỏi chân cầu thang là bước vào dạo chơi được. Chúng tôi lại lấy ván ngăn chuồng thành một số gian, gian nhốt tất cả gia súc, gian cất lương ăn của người. Chuồng trâu bò, chuồng gà, xưởng sữa, lò bánh, chạn cỏ khô, tất cả đều ở đó, vậy mà vẫn còn thừa một khoảng rộng dùng làm kho chưa thức ăn của gia đình. Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ sắp xếp dần các thứ vào kho.

Trong thời gian này ngẫu nhiên chúng tôi được một món quà quý. Éc-nét lấy đâu về một thứ lá cho em nó làm đồ chơi: lá hẹp bản, rất bền, dẻo đến nỗi thằng bé định rọc ra thành lạt nhỏ để tết một cái roi xinh. Tôi xem xét kĩ càng và thấy nó có rất nhiều sợi dài, mượt và chắc. Thì ra đó là loại cây “lanh khỏe” ở Niu-Di-lơn. Quả là một phát hiện vô cùng quan trọng: được tin ấy vợ tôi vui thích khôn xiết.

– Lấy ngay về cho mẹ những cái lá ấy – Vợ tôi bảo – có bao nhiêu đem về tất! Mẹ biết cách lấy sợi gai và lanh. Khi nào đập được lá thành từng bó sợi, bố sẽ làm cho mẹ một cái xa hoặc một cái vòng. Tối tối mẹ sẽ đánh sợi đủ dùng để sang năm máy áo quần, bít tất, áo choàng bằng thứ vải lanh hảo hạng này.

Viễn cảnh ấy đến quá sớm với óc tưởng tượng của vợ tôi khiến tôi phải mỉm cười. Nhưng bọn trẻ con, bao giờ cũng sẵn sàng hưởng hứng những ước muốn của mẹ, vừa nghe thấy đã nhảy ngay lên ngựa. Phrê-đê-rích cưỡi con lừa rừng, Ruýt-ly con nghé, hăng hái ra đi và chừng hai giờ đồng hồ đã trở về, mang theo mỗi đứa một bó cây “lanh khỏe”, đặt ngay dưới chân mẹ. Vợ tôi tạm hoãn tất cả mọi công việc khác để lo việc mới này, mang cây lanh tới Đầm hồng hạc ngâm cho mủn hết thịt lá, sau đó vớt lên, phơi khô, đập đập, lấy từng nắm sợi ra dùng. Chúng tôi chỉ ngâm và phơi cây lanh, còn những việc khác thì dành lại những ngày mưa sắp tới. Tôi hứa sẽ đóng một cái máy gỡ sợi, những chiếc khổ rẽ sợi, thoi, ống suốt và cả một khung cửi nữa mặc dầu việc đó có thể vượt quá xa tài cán của tôi. Nhưng tôi cũng đã làm được biết bao nhiêu thứ rồi – xem ra thì cũng không phải là dễ ăn – cho nên lần này tôi cũng hy vọng thành công tốt đẹp.

Chúng tôi bắt tay vào việc thu góp lương thực cho người và vật. Xe bò chở không biết bao nhiêu chuyến những bao tải đầy các thứ quả ngọt, sắn, khoai tây, củi và cỏ khô, mía. Nói tóm lại tất cả những gì cần thiết trong cả mùa mưa chưa biết rõ sẽ kéo dài đến bao giờ. Nhân những ngày nắng ráo cuối cùng, chúng tôi gieo tất cả những hạt lúa mì và các thứ hạt khác còn lại. Qua mùa mưa, chúng sẽ nảy mầm và chuẩn bị cho chúng tôi một vụ thu hoạch lớn.

Nhưng rồi cũng tới ngày phải dừng tất cả những công việc ấy. Những trận gió hung bạo gầm thét trong rừng sâu; biển gào lên ầm ầm và những đám mây nặng trĩu đã kéo đen nghịt bốn phương trời. Chẳng mấy chốc, những cơn mưa như trút nước đổ xuống suốt ngày đêm không ngớt. Các suối ngòi đều dâng lên đầy nước lũ, tràn khắp nơi, bao lấy nơi ở của chúng tôi như một cái hồ mênh mông. May mắn sao doi đất chúng tôi ở lại cao hơn tất cả mọi chỗ khác trong thung lũng, cho nên nước không tràn đến được. Nhưng cách xa độ vài trăm thước thì thì nước bao lấy mỏm đất như là một cái đảo nhỏ giữa cơn hồng thủy. Một nỗi buồn sâu sắc xâm chiếm tâm hồn chúng tôi khi nhìn thấy cái khối nước mênh mông đó còn có cơ tăng thêm nữa. Chẳng bao lâu chúng tôi đã phải rời ra khỏi cái nhà trên cây: mái dột lung tung, nước mưa lọt vào khắp nơi. Những cơn gió giật trong các trận giông cứ như muốn cuốn phăng cả nhà lẫn người. Thế là chúng tôi quyết định dời chỗ ở, xuống tạm trú bên dưới, trong gian kho cạnh chuồng gia súc. Ở đó quá chật chội vì lỉnh kỉnh những đồ dùng và lương thực chất đống từ trước. Chúng tôi lại ở ngay cạnh đàn gia súc, mùi phân xông vào tận nơi nằm. Nhất là những lúc khói không bốc lên được, ùa ra khắp nhà không sao chịu nổi. Chúng tôi phải tìm cách lấy hai miếng vỏ cây úp vào nhau, bên trong trát đất sét, dựng một cái ống khói thông ra ngoài. Gian nhà dành cho chuồng gia súc xem ra còn khá rộng, chúng tôi bèn thu dọn lại. Những con vật nào sinh trưởng ở đây đã quen thung thổ và có thể chịu đựng được thời tiết thì cho ra ở bên ngoài. Con nghé và con lừa rừng được thả ra nhưng vẫn bị ràng chân lại để không thể đi xa được; chúng có thể trú mưa dưới bóng chùm lá cây rậm rạp quanh nhà.

Thu xếp tạm như vậy, chúng tôi đã thấy dễ chịu hơn. Chân cầu thang ở ngay chính giữa nhà. Chúng tôi cất đặt ở chân cầu thang khá nhiều đồ lặt vặt chẳng khác gì trong những ngăn tủ. Vợ tôi dành lấy khoang dưới cùng để làm việc bên cạnh sửa sổ cho sáng và thoáng. Dạo này, chúng tôi cũng ít khi đỏ lửa lâu, phần vì tiết trời không lạnh, phần vì thức ăn không có gì phải nấu kỹ: rất nhiều các thứ chế biến bằng sữa, lại có thịt và cá xông khói để dành từ trước. Chim ri ngâm bơ là một kho dự trữ đáng kể, nhưng vợ tôi, đúng là tay nôi trợ căn cơ, chỉ dọn ra những khi có “tiệc”.

Thường ngày, chúng tôi chăm sóc gia súc mất gần hết buổi sáng; sau đó làm bột sắn, nướng bánh trên những tấm sắt đốt nóng. Cửa ra vào tuy có lắp kính nhưng bầu trời đen nghịt, nhà lại ở dưới bóng cây vừa rộng và dày lá nên đêm tối đến khá sớm. Thế là một cây nến xanh thắp lên, cắm vào cái giá bằng gỗ đặt trên bàn, chiếu sáng cả nhà đương sum họp. Vợ tôi khâu vá lại các áo quần đã rách tả tơi của cả nhà, tôi viết nhật ký rồi Éc-nét chép lại cẩn thận. Phrê-đê-rích và Ruýt-ly dạy cho Phrít tập đọc, tập viết hoặc chơi đùa bằng cách vẽ những con vật và cây cối đã được chú ý. Đêm nào cũng đến khuya mới đi ngủ. Cuộc sống buồn tẻ và đơn điệu cứ lặp đi lặp lại như thế. Chúng tôi chưa hiểu rõ mùa mưa ở đây kéo dài đến khi nào. Trong cảnh mưa dầm dề dai dằng như thế này, chúng tôi cảm thấy bùi ngùi nhớ tiếc một cách da diết: có thể đó là tình luyến nhớ đất nước thân yêu, đầy băng tuyết trên dãy núi quê hương.

Tuy nhiên, trong thời gian cầm cố dài dằng dặc này, chúng tôi cũng đã hoàn thành một số việc bổ ích. Trước hết là một cái máy đập lanh thành sợi và mấy cái máy chuốt sợi lanh. Tuy nhiên chúng tôi cũng chưa dùng được những chiếc máy mới đó vì cây lanh phơi vội vàng và cất quá sớm nên chưa thật khô. Chúng tôi đành phải dành lại công việc đó cũng như việc kéo sợi sau khi ra khỏi gian nhà ám khói đương ở tạm. Sống khổ sống sở thế này, chúng tôi thấy nhất thiết phải chuẩn bị cho mùa mưa sau một chỗ trú khác thoáng, mát hơn và thuận tiện hơn. Phrê-đê-rích nhắc tới cách làm nhà của Rô-bin-xơn Cơ-ru-xô, đào sâu vào trong núi đá một chỗ ở, tránh được tất cả mọi sự thay đổi thời tiết. Ý kiến đó gợi cho tôi dự kiến làm một cái nhà như thế ở Nhà dưới lều. Tất nhiên đó là một công trình lâu dài và gian khổ, nhưng thử hỏi có cái gì không thể làm được với thời gian, lòng nhẫn nại và chí kiên cường? Dự kiến đó và những phương pháp cần thiết để tiến hành dần dần trở thành nội dung chính những buổi nói chuyện của chúng tôi. Trí óc mải lo toan về tương lai, chúng tôi cũng lãng quên được chuỗi ngày buổn tẻ hiện tại và khuây khỏa được nhiều.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.