Lớn Lên Trên Đảo Vắng

Phần II – Chương 2



SAU MÙA MƯA – CON CÁ VOI – MÁY CHÈO THUYỀN ĐỘC MỘC – THĂM TRẠI CHĂN NUÔI – KHAI THÁC ĐẢO CÁ VOI – NHỮNG TẤM VẢI ĐẦU TIÊN – MỘT KẺ THÙ GHÊ GỚM – BỊ GIAM LỎNG TRONG ĐỘNG

Cũng như năm trước, chúng tôi lại thấy thiên nhiên tươi trẻ lại giữa cảnh phá hoại và hoang tàn vừa mới xảy ra. Chúng tôi vui vẻ đi ra dãy núi chạy dọc bờ biển. Khao khát tự do và hoạt động, chúng tôi trèo lên những đỉnh núi cao một cách thích thú và từ trên đó chúng tôi đưa mắt nhìn quanh, ngắm cảnh cánh đồng trải dài dưới chân… Phrê-đê-rích vốn mạo hiểm nhất và có đôi mắt tinh thanh không kém chim cắt, đã trèo lên được đỉnh cao nhất. Nó nhìn thấy xa xa, trên hòn hảo nhỏ ở Vịnh hồng hạc có một điểm đen. Chưa thể xác định được tính chất và hình dáng vật đó, nó ngỡ là một chiếc thuyền bị dạt. Éc-nét trèo lên sau và cũng nhìn thấy và lại đoán là một con hải sư khổng lồ. Qua nhận xét của chúng, tôi có ý kiến nên ra hẳn chỗ đó để xem cho rõ sự thật. Chúng tôi bèn cùng nhau ra ngay bờ biển, tát hết nước mưa đọng trong thuyền độc mộc, căng lại cánh buồm qua loa rồi tất cả cùng xuống thuyền. Hai mẹ con thằng Phrít bản tính ít sôi nổi và ít hiếu kỳ, không tha thiết với chuyến đi này thì ở lại trên bờ.

Chúng tôi càng đi ra, ý kiến đoán già đoán non lại càng lắm. Cho đến khi tới tầm nhìn rõ thì chúng tôi vô cùng ngạc nhiên thấy một con cá voi lớn dạt lên trên bãi cát, chìa cạnh sườn về phía chúng tôi. Vì chưa hiểu rõ nó đã chết hẳn hay chỉ nằm ngủ, tôi rất thận trọng khi tiến lại gần, đề phòng mọi nguy hiểm xảy ra cho người và thuyền nếu con vật cựa quậy.

Khi biết chắc chắn nó đã chết thật, tôi mới quyết định quay trở về lấy dụng cụ đem ra mổ xẻ con vật. Sóng xô vào thuyền dữ quá, cản không cho thuyền tiến lên, mặc dầu đã chèo cật lực. Mấy tay chèo trẻ tuổi đều ta thán không tiếc lời cái công việc chèo thuyền vất vả của chúng.

– Bố thân yêu – Chúng nó bảo tôi – Kể ra bố cũng nên nghĩ một cách gì để chèo thuyền cho đỡ vất vả chứ!

– Các con gán cho bố nhiều tài năng mà bố không có – Tôi trả lời – tuy nhiên nếu có được một cái bánh xe bằng sắt đường kính độ một bộ, thì bố cũng thử làm xem sao, ít ra thì cũng để cho các con vui lòng.

– Một bánh xe bằng sắt ư? – Phrê-đê-rích hỏi lại ngay – Trong đống sắt vụn ở nhà có hai chiếc đấy. Con đoán là trước kia nó ở một cái bàn quay thịt và con có thể tìm thấy ngay cho bố, miễn là mẹ con chưa lấy dùng vào một việc nào đó.

Tôi không dám đi sâu hơn nữa, không hứa hẹn gì thêm mà cũng không có ý từ nan. Tôi chỉ khuyến khích các tay bạn chèo hãy gắng lên nữa. Chúng hò nhau chèo thật khỏe đến mức một lúc sau, chúng tôi đã cập bến và gặp mẹ chúng nó đương đứng chờ. Vừa nói rằng tôi định chiều nay sẽ trở lại hòn đảo nhỏ ấy để mổ xẻ con cá voi, lấy một số lớn dầu, bà vợ đảm đang của tôi đã ngỏ ý cũng muốn chia xẻ nỗi gian truân đó. Tôi rất vui mừng và vội vàng cho đưa xuống thuyền lương thực đủ ăn trong hai ngày. Tôi cũng ngại tình hình sóng gió biến khơi có thể giam giữ chúng tôi trên hòn đảo nhỏ lâu hơn là chúng tôi dự định ở đó. Tốt nhất là cứ chuẩn bị chu đáo, đề phòng mọi bất trắc.

Sau bữa chiều ăn sớm hơn ngày thường, tôi đi kiếm thùng lớn để chứa mỡ cá voi. Tôi không muốn đem dùng những chiếc thùng gỗ lớn và rỗng ở Tổ chim ưng và Nhà trong động. Mùi mỡ hôi thối sẽ ngấm vào khiến cho thùng sẽ phải bỏ đi, không dùng được nữa. Vợ tôi nhắc rằng còn có bốn cái thùng nữa ở cái thuyền chậu có thể dùng vào việc này. Tôi bèn buộc ngay những cái thùng ấy vào sau thuyền độ mộc và bảo lũ trẻ đem theo dao, búa, cưa cùng mọi dụng cụ sắc bén cần thiết. Chúng tôi nhổ neo nhắm thẳng hướng Đảo cá voi xuất phát. Mặt biển phẳng lặng, chúng tôi ra tới nơi không mệt nhọc gì lắm, mặc dầu thuyền chở nặng.

Công việc trước tiên là cất giấu cẩn thận chiếc chuyền và mấy cái thùng, tránh những làn sóng dữ, Hai mẹ con thằng Phrít mới thấy cá voi lần đầu nên có vẻ kinh ngạc. Nhất là thằng bé con thì không ngừng đảo mắt nhìn đi nhìn lại con vật khổng lồ nằm dài trên đất. Con cá voi này giống in như loại cá voi Grô-en-lăng lưng xanh đen, bụng vàng nhạt, vây đen và đuôi cũng thế. Tôi tìm cách đo và thấy nó dài chừng sáu bảy mươi bộ, cao ba bốn mươi bộ, như thế cũng là bình thường đối với loại cá voi này. Lũ trẻ rất kinh ngạc ngắm cái đầu khổng lồ của nó chiếm hết độ một phần ba toàn thân. Cái miệng mới mênh mông làm sao. Lại hai hàm răng, ít nhất cũng phải đến mười hai bộ, chi chít những sợi dây dài và dẻo. Những sợi dây ấy là một món hàng được ưa chuộng trên thị trường châu u và được gọi là “gọng ô”. Đây là một tài sản mới, thể nào chúng tôi cũng phải gỡ ra đưa về.

Phrê-đê-rích và Ruýt-ly chiếm cứ ngay cái đầu cá voi. Cùng nhau dùng búa và cưa cắt hết những cái “gọng ô” chuyển cho Phrít và mẹ chúng nó đưa dần ra thuyền. Chúng tôi lấy được gần hai trăm chiếc “gọng ô” to nhỏ khác nhau đủ loại. Tôi và Éc-nét thì lấy búa bổ vào tảng mỡ lá dày ở hai cạnh sườn con vật. Mồ hôi chúng tôi đổ ra như tắm vì những bức tường mỡ dầy tới ba bốn bộ này.

Tôi lại bóc ngay trên lưng con vật một băng da dài và rộng sau này sẽ dùng làm những bộ yên cho con lừa và hai con trâu. Cũng vất vả lắm mới cắt được; không ngờ da cá voi lại dày và dai đến thế. Tôi lại kéo hết ruột nó ra, rửa thật kỹ để rồi sẽ dùng làm những chiếc thùng túi chứa dầu lấy ở mỡ ra. Chúng tôi khuân những chiếc thùng mỡ vào thuyền rồi chở về nhà. Những của cải ấy có giá trị lớn nhưng chuyên chở khá lôi thôi, lùng nhùng rối rắm và tanh tưởi khó chịu. Tới bờ, chúng tôi dỡ cả xuống cho con lừa, con bò cái, con trâu và con lừa rừng tải ngay về nhà.

Mặt trời vừa hé đằng đông, chúng tôi đã ra khỏi giường. Chúng tôi đặt lên xe quẹt – như trên một cái bệ – bốn chiếc thùng đầy nở rồi ép thật mạnh cho thứ dầu tốt nhất và trong nhất chảy ra. Được bao nhiêu đem đựng vào mấy cái túi ruột vừa mới phơi khô. Chỗ mỡ còn lại thì bỏ vào nồi hơi đem nấu trên lửa nhỏ ngọn cho tan thành nước. Chúng tôi lấy một cái môi sắt lớn đã đem ở trên tàu về, múc mỡ nước đổ vào thùng và túi ruột. Tất cả những việc này đều làm ở xa Nhà trong động để tránh mùi mỡ tanh tưởi khỏi lan đến khu nhà ở.

Trong khi làm công việc này thì vợ tôi gợi ý lập một trại chăn nuôi mới trên Đảo cá voi. Tôi cũng thấy dải đất nhỏ này rất màu mỡ, mát mẻ, không khai thác được cũng uổng.

– Nếu cả nhà đồng ý – Vợ tôi nói tiếp – chúng ta sẽ đặt một cơ sở chăn nuôi lũ gà vịt; ở đây, ít nhất cũng tránh được lũ khỉ và chó rừng, kẻ thù của gà vịt. Còn lũ chim biển thì chúng sẽ dễ dàng nhường chỗ khi thấy chúng ta muốn đến ở bên cạnh chúng.

Tôi nhận thấy ý kiến của vợ tôi rất hay, còn lũ trẻ thì reo lên mà tán thành, hăng hái đến nỗi muốn nhảy xuống thuyền ngay tức thì để trở ra Đảo cá voi xây dựng cơ sở chăn nuôi. Nhưng ngày đã bắt đầu tàn, tôi bèn tìm cách làm cho bọn trẻ bình tĩnh lại. Tôi tuyên bố rằng hôm trước đã hứa thì hôm nay tôi sẽ thực hiện việc lắp cho chiếc thuyền một bộ máy giúp nó vượt sóng dễ dàng và nhanh hơn.

– A! – Ruýt-ly kêu lên – Thế là chiếc thuyền sẽ tự đồng lướt trên sóng biếc! Thú quá!

– Tự động! Đi một mình! Hãy khoan đã, chú nhỏ! Tất cả những gì tôi làm nếu thành công thì cũng chỉ mới giảm nhẹ phần nào cho đôi cánh tay của chú chèo thuyền, đồng thời cũng gắng giúp cho chiếc thuyền đi nhanh hơn tí chút mà thôi.

Tôi bắt tay vào việc ngay. Tất cả vật liệu chỉ là một cái bánh xe sắt lắp vào một cái trục răng cửa. Với những vật liệu như thế, chẳng thể có được một công trình vĩ đại phát minh hay phát kiến được, nhưng dẫu sao thì cũng là một cái máy có thể hoạt động theo hướng đã định. Một tay quay buộc chặt vào vòng bánh xe để quay máy, hai miếng da cá voi rộng và bẹt, buộc chữ thập và đóng chặt vào mỗi đầu trục giữa, nhìn từa tựa cái guồng bánh xe ở tàu thủy. Khi bánh xe quay, những tấm da cá voi đập đều xuống nước đẩy thuyền lướt đi. Càng quay mạnh và nhanh thì thuyền đi càng nhanh. Có thể quay chừng mười lăm hai mươi vòng một phút.

Thấy chiếc thuyền chuyển mình rồi lướt vùn vụt trên sóng, bọn trẻ vui không thể tả. Chúng vỗ tay reo, nhảy lên trong khi tôi và Phrê-đê-rích cho thuyền bơi thử khắp Vịnh cứu sống. Chính tôi cũng có phần ngạc nhiên khi thấy thuyền đi nhanh đến thế! Thuyền vừa trở về bến, tất cả mọi người đã ùa xuống và ai cũng muốn thử một chuyến đi ra Đảo cá voi mà không nhọc mệt. Tôi chưa chuẩn y đòi hỏi đó và hoãn đến ngày mai sẽ tổ chức một chuyến đi thử trang trọng cho chiếc thuyền “máy”: Dùng đường thủy đi về trại chăn nuôi ở Miền trù phú để kiểm tra lại tình hình nuôi gia súc ở đây.

Ý định của tôi được cả nhà hoan nghênh và bắt ngay tay vào chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho chuyến đi, sửa soạn khí giới và lương thực. Tôi quyết định đi nghỉ sớm hơn để mai có thể lên đường sớm sủa.

Mờ đất, cả nhà đã sẵn sàng. Vợ tôi cũng muốn cùng đi. Chúng tôi cất đặt chu đáo mọi thứ trong nhà vì chuyến đi có thể lâu và cả nhà đều vắng mặt. Vợ tôi không quên chuẩn bị thức ăn và mang theo một miếng lưỡi cá voi đã nấu chín, gia giảm theo lời chỉ dẫn của nhà bác học Éc-nét. Cái món ăn coi là tuyệt ngon này, gói kỹ trong hai lớp lá tươi, có vẻ là món đặc biệt quý giá hôm nay.

Chúng tôi vui vẻ rời bến. Dòng Suối chó núi nhẹ nhàng đưa chúng tôi ra xa ngoài biển. Thuyền được gió và nhiều thuận lợi khác hứa hẹn một chuyến đi biến may mắn. Chúng tôi lướt trước Đảo cá voi; Trên bãi cát còn lù lù bộ xương cá voi đã bị chim biển róc hết thịt. Nhờ máy quay hoạt động tốt, chỉ trong chốc lát chúng tôi đã tới ngang tầm Miền trù phú.

Chúng tôi càng tiến lại gần thì tiếng kêu của gia súc nghe lại càng ồn ào thêm. Cuối cùng, chúng tôi ghé vào bờ và đi thẳng tới trại chăn nuôi. Chẳng có gì thay đổi, chỉ đáng ngạc nhiên là lũ dê và cừu đã bắt đầu trở nên hoang dã. Thấy chúng tôi đến gần là chúng bỏ chạy. Lũ trẻ đuổi theo, nhưng mấy cái bà râu dài ấy nhanh nhẹ hơn nên cứ thoát khỏi tay chúng nó. Bọn này bèn trổ tài ném thòng lọng hòn chì rất chắc tay và chỉ một lúc sau đã lôi về được ba bốn con. Chúng tôi lấy một ít khoai tây rắc muối chia cho chúng, chúng rất thích và đứng yên cho chúng tôi vắt được đến mấy bình lớn đầy sữa.

Vợ tôi cũng muốn bắt về vài đôi gà giò. Chỉ cần một nắm thóc là đủ tập hợp bầy gia cẩm, tha hồ chọn bắt, buộc cánh và chân lại, bỏ xuống thuyền.

Cả nhà ăn bữa trưa ở Miền trù phú. Món ăn chủ yếu là thịt nguội mang theo. Còn cái món lưỡi cá voi “quý giá” đã bị tất cả mọi người chê là tồi, không nuốt trôi được. Còn thừa bao nhiêu, chúng tôi ném cả cho con chó con của Ruýt-ly vì chỉ có nó đi theo. Con vật có vẻ tán thưởng cái món ấy lắm vì thấy nó ăn rất nhanh, còn chúng tôi thì phải uống mấy chén sữa tươi, cố gắng tẩy cho sạch cái mùi dầu khét lẹt trong miệng.

Trong khi vợ tôi lo liệu thu xếp mọi thứ để lên đường quay về, thì tôi cùng Phrê-đê-rích đi chặt hai bó mía và chọn những hom tốt đưa về trồng ở hòn đảo nhỏ.

Chúng tôi cởi dây buộc thuyền rồi nhờ một luồng gió mát và nhẹ từ biển thổi ra, chẳng mấy chốc đã tới ngang tầm Đảo cá voi.

Tới đảo, việc trước nhất của tôi là đi trồng những cây con đưa từ Miền trù phú tới. Tôi cứ ngỡ là những chú bạn trẻ của tôi sẽ thích thú giúp đỡ tôi đắc lực; không ngờ chúng lại cho rằng việc này chẳng lý thú và quan trọng gì. Thế là chúng bỏ mặc tôi với cây cối, ra bờ biển tìm sò. Vợ tôi bèn thay chúng, cùng tôi tiến hành việc đó.

Mặc dầu chúng tôi cố gắng hết sức, công việc cũng khó xong được trước khi trời tối. Chúng tôi tại giâm xuống đất những cây chưa trồng để sáng hôm sau lại tiếp tục. Sau đó, tôi gọi lũ trẻ lại, cả nhà trở về Nhà trong động. Tới nơi thì trời cũng vừa tối.

Công việc trông cây hoàn thành tốt đẹp, tôi tính chuyện làm cho vợ tôi cái khung cửi. Do tình trạng áo quần tả tơi của chúng tôi, khung cửi trở nên quan trọng vào bậc nhất. Cũng may mà hồi nhỏ tôi hay tò mò đến các phân xưởng dệt xem người ta dệt vải và cũng được các bạn thợ dệt chỉ vẽ cho nhiều điều bổ ích. Bây giờ, với tất cả những hiểu biết của mình, tôi đã hoàn thành được một cái khung cửi có thể dệt được tàm tạm, tuy chưa đẹp mà cũng chưa đúng quy cách lắm. Sau biết bao nhiêu khó khăn mò mẫm, những mảnh vải đầu tiên đã ra đời tuy còn thô. Thiếu bột gạo để hồ sợi, tôi thay bằng keo da cá và tôi có thể tự hào rằng sáng kiến đó đã có nhiều công dụng hơn hồ bột gạo cổ truyền. Hồ keo da cá giữ được độ ẩm cần thiết, sợi đỡ đứt khi gặp hanh hao. Nhờ thế khung cửi có thể đặt ở nơi cao ráo thoáng mát chứ không bắt buộc người thợ phải ngồi ru rú trong hầm ẩm thấp mới dệt được.

Tuy nhiên, những công việc quanh quẩn trong nhà như thế không thỏa mãn được tính phiêu lưu mạo hiểm của lũ trẻ. Luôn luôn chúng cứ nài xin cho được đi săn bắn ngoài đồng nội. Tôi chưa ưng thuận nhưng hứa sẽ cho phép sau khi khi đã làm xong một việc khác rất cần: đan rổ, rá, bồ, bịch, thúng mủng để đựng các thứ hạt, quả và củ.

Một hôm, chúng tôi đương ngồi đan cói, Phrê-đê-rích với cặp mắt tinh anh có thể nhìn thấy rất xa, bỗng đứng dậy và như có vẻ sợ hãi nhìn một đám bụi mù bay lên bên kia suối, trên “đại lộ” đi đến Tổ chim ưng. Nó ước đoán ở đó có một con vật gì to lớn và khỏe vô cùng, cứ nhìn đám bụi bị tung lên thì biết. Hơn nữa, rõ ràng là con vật đang tiến về phía chúng tôi.

– Bố không thể đoán ra được là con gì! – Tôi trả lời nó – Những gia súc của ta đều đương yên ổn trong chuồng.

– Có lẽ chỉ là vài ba con cừu – Vợ tôi tiếp lời – Hay là một con lợn nái đang lăn lộn trong cát.

– Không phải thế đâu! – Phrê-đê-rích trả lời ngay – Đây là một con gì rất kỳ lạ, con nhận thấy cả những cử động của nó. Con vật co vào duỗi ra để tiến lên. Con thấy rõ những hình vòng tròn nó cuộn lại. Đó, nó ngẩng cổ lên kìa!

Nghe con tả như thế, vợ tôi tỏ vẻ lo sợ. Tôi chạy đi lấy kính viễn vọng đem từ tàu lên đã lâu, hướng về chỗ bụi bay mù và kêu lên:

– Đúng là một con rắn, một con rắn to khiếp!

– Nếu thế thì chuẩn bị chiến đấu thôi! – Phrê-đê-rích nói – Con sẽ nổ phát súng đầu tiên vào đầu nó! Pháo binh của chúng ta sẽ nói chuyện với nó.

Tuy vậy, cẩn thận hơn, chúng tôi đều vào cả trong động để có thể chuẩn bị đón kẻ địch được an toàn. Quả là một con trăn, không còn nghi ngờ gì nữa! Nó tiến nhanh đến nỗi chúng tôi không kịp bóc cất ván cầu, lấy Suối chó núi mà chặn đường nó lại nữa! Chúng tôi theo dõi nó di chuyển và kinh sợ nhìn nó cuộn vào duỗi ra dọc bờ biển thành từng vòng lớn. Cái lưỡi chẽ ba nhọn hoắt thò ra như ánh chớp giữa đôi hàm há hốc. Nó băng qua cầu và tiến thẳng tới động. Chúng tôi đóng chặt thật kỹ cửa ra vào và tất cả những lỗ hổng lớn nhỏ rồi cũng ngồi nép trong chuồng bồ câu. Ở đây đã có sẵn một con đường ngầm thông vào động đá rất thuận lợi. Ngón tay đặt sẵn trên cò súng, nòng súng bắc qua lưới mắt cáo trước chuồng, chúng tôi ngồi chăm chú theo dõi cử chỉ của kẻ địch. Một sự im lặng bao trùm tất cả chúng tôi, yên lặng vì khủng khiếp.

Trong khi đó, con trăn vẫn tiến tới, hình như nó cảm thấy có con người lẩn quất đâu đây và chúng tôi có thể nhận thấy có sự ngần ngừ trong bước tiến của nó. Nó bò thong thả thêm một lúc nữa. Cũng có thể vì tình cờ mà cũng có thể vì nó đã bắt đầu nghi ngờ đôi chút khi nhận thấy cái chỗ này có ít nhiều thay đổi, nó đến nằm dài ngay trước cửa động, cách độ ba chục thước. Nó vừa nằm chưa yên thì Éc-nét, vì sợ hãi nên mất bình tĩnh chứ không phải vì ham chiến đấu, đã vô tình bóp cò súng và báo động một cách vội vàng trước khi cần thiết. Ruýt-ly và Phrít cũng bắt chước anh chúng nó. Ngay đến vợ tôi, trước cơn nguy hiểm tày trời, cũng tăng thêm dũng cảm và cầm súng như chúng tôi, cũng bắn theo các con.

Con quái vật ngóc dậy. Nhưng hoặc vì chẳng có phát súng nào bắn đúng, hoặc vì lớp vẩy giả bên ngoài thân nó đã làm cho đạn trượt đi, chúng tôi thấy nó như chẳng bị thương tích gì cả. Phrê-đê-rích và tôi bèn bắn tiếp ngay nhưng cũng chẳng may mắn gì hơn. Con trăn cứ duỗi ra cuộn vào, lướt nhanh một cách khủng khiếp về phía Đầm vịt giời và biến mất trong đám lau sậy.

Tuy vậy, cuộc sống bên cạnh con trăn khiến tôi lo lắng khác thường. Tôi không thể tìm được cách gì thắng nổi nó. Tất cả sức lực chúng tôi tập hợp lại vẫn còn quá non kém so với một kẻ địch cỡ ấy. Trong khi chờ đợi, tôi ra lệnh rất nghiêm ngặt cho cả nhà phải ở lại trong động, tuyệt đối không được mở cửa động nếu tôi chưa cho phép.

Nỗi lo sợ vì kẻ địch khủng khiếp đó đã giữ chân chúng tôi lại trong động suốt ba ngày trời. Ba ngày dài đằng đẵng, chỉ có giật mình và lo sợ. Trong thời gian đó tôi không hề khoan nhượng chút nào trong việc thực hiện nội quy sinh hoạt mới vạch ra. Những việc làm ở trong động thỉnh thoảng còn được châm chước, còn thì chỉ được tiến ra vài bước trước cửa hoặc quá lắm là tới bể chứa nước.

Con quái vật cũng không tỏ ra là còn luẩn quẩn chung quanh và chúng tôi có thể yên trí rằng nó đã biến đi đâu mất, hoặc băng qua Đầm vịt giời, hoặc do một con đường hẻm kín đáo nào đó trong núi. Nhưng cái trạng thái lo lắng và bồn chồn luôn bao trùm lũ vịt, ngỗng, khiến chúng tôi phải nghi ngờ sự có mặt của nó đâu đó. Chiều nào cũng thế, hễ gần tối là chúng bay vào bờ kêu lên những tiếng chói tai mà đi về Đảo cá mập, ở đó có chỗ trú ẩn chắc chắc hơn là ở đầm.

Cứ thế tôi lại càng lúng túng thêm. Sự im lặng của kẻ thù chỉ làm hoản cảnh chúng tôi thêm ảo não và chúng tôi lại tha hồ mà suy nghĩ, tưởng tượng về nó. Sức chúng tôi quá yếu không thể mở một cuộc tấn công tiến thẳng vào Đầm vịt giời. Một cuộc mạo hiểm như thế có thể nguy hiểm đến tính mạng của một hoặc nhiều người. Lũ chó cũng bất lực như chúng tôi và cũng là hy sinh một cách vô ích các gia súc khác nếu thả chúng ra dù chỉ một lúc. Thế nhưng mặt khác thì lương thực đã cạn dần, nạn đói có thể đe dọa. Tiết trời còn sớm quá, chưa đến lúc gặt hái nên chưa tích trữ thức ăn phòng mùa đông. Quả là không thể bi đát hơn được nữa, may sao một sự tình cờ đã xảy đến và cứu chúng tôi khỏi tai nạn tày trời đó. Cứu tinh lại là chú lừa đáng thương hại, bạn già của cả gia đình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.