Lớn Lên Trên Đảo Vắng

Phần II – Chương 4 – Phần 2



Bỗng nhiên chúng tôi thấy từ đống đá cát bụi bay mù hiện ra bốn con đà điểu khá lớn. Việc đầu tiên của Phre-đê-rích là chuẩn bị cho con chim cắt sẵn sàng xông trận. Nhưng để ngăn nó giở lại cái trò ác hiểm lần trước thằng bé buộc chặt mỏ con chim, khiến nó gần như bất lực nếu muốn mổ. Cũng với mục đích ấy, mấy con chó cũng bị ràng mõm. Chúng tôi đứng dừng lại để khỏi kinh động đến lũ đà điểu đang tiến tới. Có ba con cái với một con đực, con này đi trước một chút như để mở đường và cũng để phát hiện những sự nguy hiểm. Những chiếc lông đuôi nó bay phất phơ một cách đường bệ và chúng tôi nhận thấy ngay là chúng tôi có trước mắt một con mồi vào hạng “ngon” nhất. Đã đến lúc phải tấn công chúng. Tôi cầm dây thòng lọng hòn chì và tập trung hết tâm trí với tài khéo của hai cánh tay cùng sự chính xác của đôi mắt tôi ném vào con chim đực. Nhưng đáng lẽ phải quấn chặt lấy chân con vật như đã định thì sợi dây lại cuốn lên mấy vòng quanh thân nó, và tôi chỉ đạt được mục đích là bó chặt đôi cánh sát vào người nó. Như vậy cũng đã giảm bớt được rất nhiều hy vọng trốn thoát của nó. Tuy nhiên, cuộc chiến chưa phải đã kết thúc. Con đà điểu hoảng sợ quay ngay về một phía khác và với đôi cẳng dài lêu đêu, nó chạy vùn vụt, nhanh như gió. Mấy con kia không theo nó mà chạy lung tung sang phải, sang trái. Chúng tôi để mặc bọn này, chỉ riêng con đực cũng đã thừa cho chúng tôi bở hơi tai rồi! Tôi thúc con lừa rừng. Phre-đê-rích giục con lừa nhỏ, cùng kèm sát nó và cũng đã mệt lử với nó rồi! May mắn sao, Ruýt-ly và Phrit đã quay trở về, vừa kịp để chặn đầu con đà điểu. Lúc này Phre-đê-rích mới thả con chim cắt hướng vào con mồi, và thế là bắt đầu một cuộc chiến đấu ác liệt giữa con đà điểu với tất cả lực lượng của chúng tôi tung ra. Ruýt-ly và Phrit một bên, tôi và Phre-đê-rích một bên, cùng quần cho nó mệt lử và thúc không cho nó nghỉ; tuy vậy chiến sĩ có tác dụng nhất trong trận này cũng vẫn là con chim cắt. Con đà điểu kinh hoảng rõ ràng khi thầy đối thủ này xuất trận. Nó cảm giác thấy con chim oai hùng ấy trên đầu và nghe rõ tiếng đập cánh của kẻ thù. Bản năng báo trước cho nó biết rằng, bên trên vòng chạy của nó đương bị chúng tôi o ép khắp các phía, còn có một kẻ địch khác đương lượn theo, mỏ và móng vừa cứng vừa sắc, không bao giờ để hụt mồi. Về phía con chim cắt thì rõ ràng nó cũng tỏ vẻ bực tức khi nhận ra mỏ đã bị sợi dây buộc chặt. Những cử chỉ của nó lại càng hung hản đến nỗi sau một cái đập cánh dữ dội vào đầu con đà điểu, con vật to lớn và khoẻ mạnh này bỗng lảo đảo như một người say rượu. Ruýt-ly lúc đó đứng vừa tầm thòng lọng, bèn ném ra rất chính xác sợi dây quấn luôn mấy vòng vào hai cẳng con đà điểu, khiến con vật khổng lồ ngã nhào xuống. Mọi người reo lên vui sướng. Phre-đê-rích gọi con cắt về và chụp cái mũ da lên đầu con chim, không cho nó hoạt động được nữa. Tất cả chúng tôi chạy ồ lại chỗ con vật thua trận, đương vùng giẫy dữ dội. Phải kềm chế cho được con chim khổng lồ này trước khi nó gỡ tung những vòng dây đã ràng buộc nó. Tôi ném trùm lên đầu nó cái túi đi săn, cái áo ngoài và tất cả những thứ gì có trong tay. Cuối cùng, như thế là đã tìm được cách bọc kín đầu nó lại. Tôi đã nắm được bí mật sức lực con đà điểu. Khi nó không thể mở mắt ra được thì tự nhiên nó dịu lại và trở nên dễ bảo. Nó để mặc cho chúng tôi tha hồ quấn quanh người nó không biết bao nhiêu là dây da, dây thừng và các thứ dây cần thiết khác để hạn chế sức hung hăng của nó. Trước hết tôi buộc quanh người nó một sợi dây bằng da chó bể, và mỗi bên lại có hai dây da khác như kiểu dây cương. Tôi lại ràng vào hai cẳng nó một sợi dây thừng vững chãi, nới hơi rộng vừa đủ cho nó đi bước một, nhưng lại cũng khá chật để nó không thể chạy thoát.

– Bây giờ thì ổn quá rồi! – Ruýt-ly kêu lên khi mọi việc đã hầu như xong xuôi – Thế là bắt được con đà điểu rồi! Nhưng bây giờ làm thế nào mà đưa nó về, và nhất là làm thế nào để nuôi dạy thuần thục cái anh chàng khổng lồ này?

– Hãy bình tĩnh – Tôi bảo nó – Bản tính độc dữ nhất vẫn phải chịu phục tùng sự giáo dục. Còn không biết những người Ấn Độ thường tập luyện những con voi hoang ngay từ cửa rừng nó vừa bị bắt và họ chỉ dùng một phương pháp rất đơn giản hay sao? Họ đưa con voi hoang vào giữa hai con voi nhà đã thuần phục. Họ trói chặt vòi nó lại không cho cử động, sau đó buộc chặt nó giữa hai con voi nhà. Đôi voi này có trách nhiệm kềm cặp cho con voi bạn còn ương bướng và còn hoang dã biết dịu nết dần. Một ông nài, tay cầm giáo nhọn, giúp đỡ hai con voi nhà, nếu con voi hoang giở chứng thì được nếm ngay những mũi giáo trừng phạt đích đáng.

– Thú quá nhỉ – Ruýt-ly nói trong một chuỗi cười như nắc nẻ – Nhưng mà bố ạ! Muốn làm như thế, ít nhất mình cũng phải có ngay một đôi đà điểu đã thuần thục, và theo ý con thì anh Phre-đê-rích hay là con đều không thuộc vào cỡ có thể thay thế chúng được.

– Thì bố cũng không nghĩ khác con! – Tôi trả lời nó – Nhưng không có đà điểu, chúng ta vẫn có kẻ giúp việc đắc lực khác thay thế rất tốt. Con bò mộng và con trâu chẳng hạn, theo ý bố, chúng rất có thể gánh trọng trách kèm chặt hai bên con chim bị bắt. Con với anh con, mỗi người một roi thay cây giáo nhọn, đóng vai hai ông nài rất thích hợp để tập cho con đà điểu phải đi vào hàng lối cùng hai con vật kia.

– Đúng quá, đúng quá! Thế thì thú quá và nhất định sẽ thành công tốt đẹp!

Nói là làm ngay. Tôi cho dắt con bò và con trâu lại, choàng vào mình chúng những sợi dây da buộc hai bên con đà điểu. Khi mọi việc đã xong xuôi, hai kỵ sĩ trẻ đã lên yên và tay cầm roi vững vàng, tôi bỏ ra tất cả những thứ còn bưng kín đầu con đà điểu.

Thoạt đầu, con vật đứng sững một lúc như tượng, có vẻ hoàn toàn mê mẩn vì lại thấy ánh sáng đập vào mắt. Sau đó, nó vùng vẫy, quật cường. Nhưng nó lại không tính đến những dây da kiên cố đã buộc nó vào hai ông bạn đứng cập kè bên nó; bởi thế, nó bị giữ rịt lại và ngã chúi xuống gần như quỳ. Nó giở quẻ luôn mấy lần như thế nhưng chẳng lần nào được như ý muốn. Mỗi lần vùng dậy, nó lại vướng phải sức kìm giữ ở hai bên sườn vững mạnh hơn nó, còn hai con trâu và bò kia thì chẳng hề để ý mảy may đến những cái cựa quậy của nó. Cuối cùng, vùng vằng mãi mà chẳng nước non gì, và hình như cũng đã cảm thấy có sự chênh lệch sức lực quá rõ, nó đành phải thay đổi ý định: nó đứng thẳng dậy và chịu nhận sự kèm cặp của hai bạn hai bên, nó cùng hai con kia phi nước đại. Ruýt-ly và Phre-đê-rích đều ngồi vững trên mình “ngựa” và cái bộ ba này có vẻ rất thích hợp với cái thú mạo hiểm của chúng. Chúng la hét vang ầm khắp cánh đồng cỏ và con đà điểu khi nghe những tiếng la hét này thì rất hoảng sợ, lại chạy nhanh hơn nữa. Nó cứ chạy thục mạng như thế suốt nửa tiếng đồng hồ, cho tới khi hai con vật bạn kèm hai bên, ít quen chạy trên cát bằng nó, bắt nó phải dừng chân lại và đi thong thả hơn.

Khi con đà điểu đã dịu đi đôi chút, tôi nhảy lên con lừa rừng và Phre-đê-rích lên con lừa con, còn Ruýt-ly và Phrit thì đi trước cùng kèm con đà điểu. Thỉnh thoảng chúng tôi vụt roi khá mạnh lên lưng nó và đã bắt nó phải tuân theo dần những thói lề mới. Chúng tôi đi suốt qua Thung lũng xanh không gặp việc gì mới lạ và về tới trại thật là vui vẻ. Éc-nét và mẹ nó đón chào chúng tôi với một sự ngạc nhiên chỉ có thế thấy chứ không sao tả được.

– Trời ơi – Vợ tôi kêu lên khi thấy con đà điều – Các người định đem cái con chim bồ tượng này về đây làm gì thế? Các người tưởng rằng lương ăn của chúng ta đã thừa thãi đến nỗi cần phải lặn lội vào tận trong đồng cỏ bắt về tất cả cầm thú để nhờ chúng ăn giúp cho cạn bớt đi hay sao đấy? Nghe nói đà điểu ăn cả sắt cũng tiêu được, vậy thì các người định bảo tôi nuôi nó thế nào bây giờ? Nào, thế các người định đưa nó về để làm cái nghề ngỗng gì?

– Một tuấn mã hoả tốc, mẹ ạ! – Ruýt-ly trả lời – Nếu mẹ tin lời con nói thì con ngựa mang thư này phải mang tên là Bay trước gió. Chẳng một con vật nào chạy nhanh bằng nó cả! Bởi thế con chỉ muốn cưỡi cái con vật có đôi cẳng lêu đêu này và xin nhường con Bão táp anh dũng cho anh, anh Éc-nét ạ, anh chưa có gì để cưỡi mà!

Nhưng Phre-đê-rích không đồng ý và thế là tôi lại phải lên tiếng. Cuối cùng thì đứa nào cũng xin rút lui nguyện vọng riêng và tất cả đều muốn coi đó là một thắng lợi chung.

Bây giờ mà lên đường trở về nhà thì đã quá muộn. Tôi bèn buộc chặt con đà điểu vào giữa hai thân cây rồi chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để hôm sau có thể lên đường sớm sủa. Còn phải thu dọn biết bao nhiêu của cải để đưa về bởi vì chúng tôi không muốn để mất hoặc phải bỏ lại một chút gì.

Sáng hôm sau, cả nhà lên đường. Con đà điểu vẫn bị con trâu và con bò kèm hai bên.

Vô cùng nóng ruột muốn về tới Nhà trong động sớm để mau được nghỉ ngơi trong cái dinh cơ thoải mái và đầy tiện nghi, chúng tôi quyết định không dừng lại ở đâu nữa cả. Thế mà mãi đến xế chiều, chúng tôi mới về tới nơi, mệt lử vì con đường dài, dưới chân cát bỏng, trên đầu nắng thiêu. Phải cố gắng lắm mới có đủ can đảm đứng dậy lo liệu cho lũ gia súc những việc cấp thiết nhất.

Ngày hôm sau, vợ tôi cùng hai đứa nhỏ liền bắt tay vào các công việc nội trợ: mở cửa sổ, quét tước, lau chùi và sắp xếp mọi thứ cho ngăn nắp. Ba mẹ con đã làm công việc đó thật tận tình và say sưa. Còn tôi thì cùng hai đứa lớn dỡ tất cả những thứ vừa đưa về.

Hôm qua thì con đà điểu tạm đứng ở dưới cây, một chân bị buộc chặt vào gốc cây. Nhưng hôm nay, chúng tôi thu xếp cho nó một chỗ khác, gần nhà, giữa hai cột tre rất chắc chắn chống vào trần động để giữ chặt con vật cho tới khi nó hoàn toàn thuần phục. Việc rèn luyện nó quả là một công trình đòi hỏi rất nhiều kiên trì và sáng kiến… Tôi đóng cho nó một bộ yên cương khá lạ kiểu. Nhưng mặc dầu công trình sáng chế ấy của tôi có khá nhiều ưu điểm, tôi cũng phải thú thật rằng con chim khổng lồ này đã gây nhiều khó khăn trước khi quen được với lệ bộ yên cương ấy.

Sáng kiến đáng chú ý nhất là bộ cương: thay cho hàm thiếc, tôi may một cái mũ bằng da trùm kín đầu con đà điểu, chỉ hở hai con mắt và có nắp đóng vào mở ra được; dây cương nối liền với hai cái nắp ấy. Dựa vào đặc tính của loài chim này hễ không thấy ánh sáng là đứng yên, chúng tôi điều khiển nó bằng bộ cương này rất tốt: kéo dây đóng cả hai mắt che kín mắt nó lại thì nó sẽ đứng yên, muốn rẽ qua bên nào thì để hở mắt bên ấy. Cách điều khiển này dễ dàng hơn là dùng kiểu cương ngựa. Mấy đứa trẻ tập chẳng mấy chốc là thành thạo.

Qua nhiều lần thử thách cũng khá vất vả, chúng tôi hài lòng thấy con “tuấn mã” này đã phần nào chịu đựng yên cương và phi nước đại từ Nhà trong động đến Tổ chim ưng, trước sự hoan hỷ của mọi người. Nó chạy suốt chặng đường ấy nhanh gấp ba lần những con vật nhanh nhất mà chúng tôi vẫn cưỡi.

Sau khi đã luyện tập thành thục con vật, vấn đề phải bàn bạc lại xoay quanh việc giao nó cho ai dùng! Ruýt-ly thì khoẻ mạnh, nhanh nhẹn hơn Phrit và cũng không nặng cân hơn em mấy tí, cho nên tôi giao cho nó trông coi con đà điểu với điều kiện là cả nhà đều có quyền dùng con vật. Hơn nữa con “tuấn mã hoả tốc” này phải dùng vào những chuyến đi có lợi chung cho cả nhà hơn là chạy rông vô ích theo ý thích của từng người.

Suốt hai tháng trời, con đà điểu được chúng tôi tập trung vào thường xuyên chăm nom chu đáo. Bây giờ, chúng tôi lại quay về những công việc thường ngày. Những công việc này tuy không quan trọng bằng công trình luyện tập gian khổ và liên tục vừa qua, nhưng đều cần thiết để góp phần tăng thêm tiện nghi và phương tiện nâng cao đời sống của chúng tôi tại dinh cơ Nhà trong động.

Khi lương thực đã được gặt hái đưa về gần hết, thừa thãi để đối phó với mùa mưa, không còn sợ bị đói giữa chừng, chúng tôi bắt tay vào những việc ít gấp hơn nhưng cũng khá cần thiết. Trước tiên, trong khi chờ mùa mưa tới, chúng tôi nghiên cứu làm mũ.

Tôi làm một cái khuôn bằng gỗ,giống hình cái đầu và có thể tách đôi ra được, rồi trộn keo da cá với lông chuột nước thành một thứ bột dẻo quét tráng một lớp lên trên khuôn. Bột khô và giữ nguyên hình cái khuôn, gỡ ra là thành một cái mũ nồi đơn giản. Sau đó đem nhuộm bằng nước gỗ vang, chiếc mũ ngả màu đỏ tía và bóng lên trông rất đẹp. Nắn lại vành đôi chút rồi cắm hai chiếc lông đà điểu vào, cái mũ nom cũng đã ra vẻ lắm.

Nhất là khi vợ tôi lấy trong túi thần kỳ ra những mảnh lụa màu, khâu cho một vòng ruy-băng bên ngoài, cái mũ trông lại càng duyên dáng. Thế là cái mũ mới ở khuôn ra thì bị chê bai hết lời, bây giờ trở thành ước muốn của mấy đứa trẻ cứ tranh nhau đòi được đội thử. Thiếu nguyên vật liệu, chúng kéo nhau đi bẫy chuột đem về lấy lông. Và trong suốt mười ngày bận rộn, xưởng mũ của chúng tôi đã chế tạo được đầy đủ số mũ, tốt hơn và đẹp hơn lứa đầu tiên, đủ dùng cho cả cư dân trên đảo.

Kết quả tốt đẹp ấy khuyến khích chúng tôi hăng hái bắt tay vào nhiều nghề thủ công khác. Hiện nay chúng tôi đang thiếu những đồ dùng nhà bếp thích hợp và cần thiết, thế là ngành đồ gốm ra đời.

Tôi biết rất ít về cái nghề mới mẻ này và lúng túng nhất trong việc nhào trộn đất. Chúng tôi lại áp dụng phương pháp quen thuộc là cứ làm thử và rút kinh nghiệm; thế là xưởng gốm được thiết lập ngay trong một góc động.

Tôi đắp một cái lò nung, bên trong chia làm nhiều ngăn để xếp đặt mỗi loại đồ dùng định nặn và nung. Tôi lại đặt một hệ thống ống đất để dẫn hơi nóng đi cho đều khắp trong lò. Vừa làm vừa mò mẫm sáng tạo nên mất nhiều thì giờ và công sức lắm. Xong lò, tôi bắt tay vào luyện đất. Tôi dùng thử đất sét trắng tìm thấy ở ngoài cửa động, trộn với một ít bột đá “tan” mà tôi đã cùng Éc-nét phát hiện ra cả một tảng lớn trong động. Bột “tan” này sẽ làm cho đất chắc lại hơn và bền hơn. Trong khi chờ đợi đất hong khô, tôi chuẩn bị một cái bàn xoay thợ gốm đơn giản với một cái bánh xe và một mặt bàn nối liền với nhau bằng một cái trục. Với nguyên liệu và dụng cụ như thế, tôi đã nặn thành công mấy thứ đồ dùng sau nhiều lần làm thử và bị thất bại: đĩa lớn, đĩa nhỏ, dăm chiếc liễn, rồi đến chén,đĩa chén, bát lớn, nhỏ đủ cỡ. Tôi xếp các thứ ấy vào lò, đốt lửa thật to nung lên, nhiều cái bị vỡ hoặc nứt nẻ, hoặc méo mó nhưng cũng còn lại được già nửa số là những đồ dùng bằng sứ đẹp và lên nước men rất bóng. Vợ tôi vui mừng hết sức khi thấy trong bếp đã được thêm biết bao đồ dùng các loại. Để cảm ơn vợ tôi hứa sẽ chế biến cho cả nhà ăn thoả thích đủ thứ mứt và bánh ngọt trước nay đành phải nhịn vì không có đồ dùng thích hợp.

Hết nặn thì đến đúc bằng khuôn. Tôi làm nhiều kiểu khuôn gỗ, xẻ đôi ra, dùng để rập những bình sứ, chén đĩa đựng hoa quả… và trang trí nhiều hình mỹ thuật hoặc những đường viền rất đẹp. Vợ tôi và lũ trẻ kiêu hãnh bày những thứ đó lên trên những giá ván bắc ngang, thay cho tủ bát đĩa. Một vài lọ cắm hoa, hàng ngày có hoa tươi, trang điểm cho ngôi nhà thêm duyên dáng và tươi vui. Về phần tôi thì rất vui sướng được thấy các con tôi đã biết thấy vinh quang trong sự tự túc cuộc sống và biết coi như là một chiến thắng lớn tất cả những gì do óc sáng tạo và sự cần thiết của chúng tôi mà có.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.