Lớn Lên Trên Đảo Vắng

Phần II – Chương 6 – Phần 2



Rồi Phrê-đê-rích nói tiếp:

Tới đây thưa bố mẹ thân mến, con xin bố mẹ hãy thứ lỗi cho con đã mang theo một ít nhựa xương rồng mà không xin phép bố mẹ. Con cần đến chất ấy vào một việc cần thiết, nhưng con lại sợ nói ra có thể sẽ không được bố mẹ giao cho cái chất độc nguy hiểm ấy. Con rất hối hận, tự coi mình như một tên gian phỉ, con xin thú lỗi và mong bố mẹ quên đi cho.

Trước khi trời tối, chúng con chuẩn bị mọi thứ để bố trí một cái bẫy lớn, săn bắt trả thù lũ khỉ quái ác. Tất cả mọi đồ dùng như vỏ dừa, vỏ bầu v.v… có trong tay đều đem ra dùng hết. Chúng con bỏ đầy những thứ ấy nào gạo, nào ổi, rượu cọ, nói chung là tất cả những thức ăn ngon lành. Con thêm vào cho mỗi phần như thế một liều nhựa độc rồi đem bày rải rác khắp trong rừng. Sau đó, chúng con rút lui về, chờ sự việc xảy đến. Trời đã gần tối, chẳng con làm được việc gì thêm nữa, chúng con nằm dài trên những bao tải đầy bông. Vừa thiu thiu thì bản đồng ca chói tai từ cánh rừng thông đã đưa tới. Trước hết là một bản độc tấu, rồi chuyển qua hòa tấu, những tiếng gắt và cộc hình như từ tất cả các cây trong rừng dội xuống, thêm giọng ngăn the thé nghe rất khó chịu, không phải chỉ “Điếc tai” mà còn “long óc” nữa. Bản nhạc quái đản ấy thỉnh thoảng ngừng lại, rồi lại tiếp tục phát lên dữ dội hơn. Cứ như thế, nó kéo dài trong khoảng bốn tiếng đồng hồ rồi bỗng im bặt.

Không cần phải nói thì bố mẹ và Éc-nét cũng thấy là đêm hôm ấy chúng con khá thấp thỏm. Phải lo giữ cho lửa cháy đều, lại còn bị quấy rầy vì tiếng hú gần như không dứt của lũ chó đã bị buộc vào cột lều để khỏi xổ ra đuổi bầy khỉ không đúng lúc. Chốc chốc, những hồi sủa dồn, báo hiệu cho biết là bọn kẻ trộm đang mò lại gần và thế là chúng con buộc phải thức chờ. Tuy nhiên, về gần sáng thì đâu đó đều trở lại yên tĩnh và chúng tôi mới được ngủ yên vài tiếng đồng hồ. Mặt trời lên, chúng con mới trở dậy và chạy ra ngoài, nóng ruột muốn biết kết quả tối qua ra sao, chắc chắn là các nhạc công ban đêm đã góp phần chính vào việc đến tội. Ô hô! Chúng con đã thấy tất cả các nhạc công ấy đã nằm thẳng cẳng trên mặt đất, yên hưởng giấc ngủ ngàn thu. Chính là các ngài khỉ, sau khi xơi ngấu nghiến các thức ăn trộn thuốc độc, chúng đã bị trúng độc nặng và suốt đêm đã đãi chúng con một buổi điếc tai và khúc nhạc lìa đời của chúng.

Mặt đất đầy những xác khỉ; nhựa xương rồng quả đã có tác dụng ghê gớm! chúng con vứt xuống biển tất cả những xác con khỉ bị trúng độc và tất cả những đồ dùng đã đựng thức ăn trộn thuốc độc rồi quay về lều. Bây giờ thì được yên ổn ngủ lại một giấc nữa sau cái việc ghê tởm và khó chịu đã chiếm mất đến nửa ngày trời. Chính lúc đó, Ruyt-ly cao hứng đã sáng tác ra lá thư kiệt tác mà chắc là ở nhà chưa nhận được. Nguyên văn bức thư như sau, quả là văn Chương bất hủ:

Miền trù phú, ngày 11, 12, hay 13 tháng này.

Trạm trú chân của đoàn lữ hành tại Miền trù phú đã được quét sạch và lại được sửa sang để có thể trú ngụ yên trí. Công việc đó đã lấy của chúng con nhiều mồ hôi, nhưng bọn thủ phạm đã phải trả lại bằng giá máu của chúng. Nê-mê-dít đã rót thuốc độc vào chén hạn tửu và đại dương đang cuốn thây xác lũ phản bội trong muôn lớp sóng cồn. Vầng thái dương vô cùng chói lọi chứng kiến chúng coi sửa soạn lên đường và chiều hôm nay sẽ gặp lại chúng con tài đường độc đạo chốn thảo nguyên.

Va-le-tơ

Ở nhà, chúng tôi cũng đã nhận được bức thư của Ruyt-ly. Qua những hình ảnh thần thoại về Nê-mê-dít và chén rượu rửa hận, bức thư chứa đựng nhiều chi tiết chẳng rõ đầu cua tai nheo ra sao cả. Ví dụ: thây lũ phản bội mà đại dương cuốn đi trong muôn lớp sóng cồn, và v.v…

Đọc xong bức thư, lại có thêm những mối lo ngại mới dồn dập đến với chúng tôi hơn trước.

Thế rồi chiều hôm sau nữa, một bức điện mới lại làm cho chúng tôi hoang mang đến tột bậc:

“Bức lũy ở đường độc đạo sang đồng cỏ đã bị phá hủy. Bao nhiêu mía bị bẻ sạch và dẫm nát không còn gì nữa. Nhận thấy trên cát những vết chân to tướng có thể là dấu chân voi, và những dấu chân nhỏ hơn gần giống vết móng ngựa. Bố mẹ ơi! Hãy đến giúp chúng con! Phải làm khá nhiều chuyện để bảo đảm an toàn cho địa phận chúng ta đấy! Bố mẹ nên gắng thu xếp đến ngay”.

Tôi đóng ngay yên cương vào con lừa rừng. Tôi bảo Éc-nét ở lại nhà với mẹ nó và dặn hai mẹ con sáng hôm sau sẽ đến gặp mấy cha con ở con đường hẻm, rồi tôi lên yên đi lập tức. Tôi đang ở cách mấy đứa con chừng sáu dặm và sau độ ba giờ đồng hồ phi nước đại, tôi đã tới con đường hẻm trước khi mặt trời lặn.

Tai hại gây ra ở đây còn to lớn hơn là tôi tưởng tượng rất nhiều. Bao nhiêu mía đều bị phá sạch; cây nào không bị bẻ gãy thì cũng bị bóc hết lá. Phải là một con vật tinh khôn và khéo léo như loài voi mới có thể gây ra sự phá hoại triệt để như thế này.

Bao nhiêu cột lớn đã trồng bằng rất nhiều mồ hôi của chúng tôi đều bị quật gãy, nhổ lên và quăng bừa bãi khắp nơi như những sợi cói; tất cả cây cối chung quanh đều bị bóc hết vỏ. Tre cũng bị phá hại không kém mía và suốt trong khu trồng trọt bây giờ không còn lấy được một cái mầm non.

Tôi cho dựng lên thật nhiều đống củi xung quanh lều rồi đốt lửa cháy suốt đêm, chia nhau ngồi canh giữ. May sao cả đêm không xảy ra chuyện gì đáng lo.

Hai mẹ con Éc-nét cũng đến họp mặt ngày hôm sau và chúng tôi quyết định chữa ngay cho xong bức rào ở đường hẻm thành hẳn một bức chiến lũy rồi mới trở về Nhà trong động. Nhưng như thế cũng chưa đủ, chúng tôi còn uốn dựng thêm ở đó một cái chòi để lúc nào đi qua sẽ ghé lại ở tạm. Chúng tôi không đủ sức lực để xây dựng một pháo đài đúng kiểu, ấy là chưa kể đến những hiểu biết về kiến trúc của mình về loại đó còn quá nghèo nàn. Thế là lại phải moi óc ra xem có thể bắt chước kiểu nào cho vừa sức mà lại được chắc chắn. Cuối cùng, may mắn sao Phrê-đê-rích lại nhớ rất rõ ràng cách làm nhà của người Ca-sa-đan-lơ vừa đơn giản vừa tiết kiệm, lại đẹp và chắc chắn vừa ý.

Kiểu nhà sàn Cam-sa-đan-lơ chỉ gồm đơn giản có bốn cái cột chắc chắn đóng sâu xuống đất, cao thấp tùy ý. Trên những cái cột ấy, bắc sáu xà gỗ ngang dọc lát thành sàn, cao hơn mặt đất độ từ mười lăm đến hai mươi bộ. Quanh sàn che phên ken bằng sậy, bên trên lợp một kiểu mái che bằng cành cây và vỏ cây.

Chúng tôi đã chọn bốn cây to mọc cách nhau vừa khéo thành một hình chữ nhật để có thể làm cột. Những cành lá phía trên đều để nguyên và rủ xuống quanh nhà, nhìn tươi mát và duyên dáng không khác cảnh trí ở Tổ chim ưng. Mặc dầu đã trổ nhiều lỗ châu mai bốn phía, chúng tôi vẫn muốn coi ngôi nhà giản dị này là một chốn nghỉ ngơi thoải mái hơn là một pháo đài tiền tiêu thực sự. Đứng trên đó, chúng tôi có thể thấy xa xa con sông lớn quanh co lượn như một dải bạc giữa bãi sa mạc. Dùng kính viễn vọng, thỉnh thoảng có thể nhìn thấy được những đàn trâu rừng hoặc các loài dã thú khác đến uống nước trên bờ sông.

Làm một toàn pháo đài đơn giản như thế mà cũng đòi hỏi mất nhiều tuần lễ khổ công. Nhưng trong khoảng thời gian này, chúng tôi đồng thời cũng tìm ra được nhiều sản vật quí giá. Một hôm, Phre-đê-rích dạo chiếc cai-ắc ngược dòng sông lớn ở đồng cỏ và thấy đám cây cối um tùm tươi tốt ở hai bên bờ có mấy cây nhỏ khá đặc biệt. Nó bèn nhổ một vài cây; cây nào cũng có rất nhiều hoa nhỏ, nhưng lại có quả lớn giống như quả dưa chuột.

Sau khi xem xét kỹ, tôi nhận ra ngay là một sản vật quí báu ở nhiệt đới: quả ca-cao, dùng để chế biến sô-cô-la. Bọn trẻ vội vã nếm ngay cái thứ quả nổi tiếng này, nhưng hương vị nó chẳng xứng với lòng mong mỏi chút nào. Hạt nhân ca-cao nằm giữa một chất lầy nhầy, giống như là kem đặc, nhưng đã không có hương vị kem mà lại còn nhạt thếch, và đến hạt nhân thì đắng không thể chịu nổi!

Tuy vậy, trong việc làm quen với cây ca-cao, bước đầu không may như thế vẫn không làm cho lũ trẻ nản lòng. Chúng nó đã khá quen thuộc với sô-cô-la và cũng biết rõ rằng đã phát hiện ra được quả ca-cao có nghĩ là hứa hẹn biết bao nhiêu mứt kẹo ngon lành, thỏa mãn tính háu ăn của chúng.

– Nhưng mà, bố ạ, đây là ca-cao, đây là sô-cô-la! – Tất cả chúng nó cùng kêu ầm lên, thèm khát. – Nhất định chúng ta phải làm cho được Sô-cô-la.

– Thưa quí vị, đúng lắm! – Tôi trả lời chúng, dè dặt hơn – Nhưng trước khi muốn được hưởng một món kẹo ngon lành như thế thì cũng phải hiểu rõ loại cây sinh ra quả ca-cao và cách chế biến ra sô-cô-la chứ! Nếu không ai biết cả thì liệu xoay xở ra sao?

Cây nói này buộc bọn trẻ phải nín thinh một lúc. Thế rồi nhà bác học Éc-nét lên tiếng giới thiệu rất tỉ mĩ đặc tính của cây ca-cao, cách chọn và hái quả chín, đánh thành đống, lấy hạt nhân ra, ủ cho bắt đầu lên men rồi mới chở sang bán ở Châu Âu. Thứ hạt ấy đem hơ nóng cho tách vỏ ra, sấy trên lửa dịu, giã nhỏ trong cối thật nóng thành một thứ bột mịn, đem trộn với một trọng lượng đường tương đương, thế là thành bột sô-cô-la.

– Thế mới gọi là khoa học chứ! – Thằng Ruyt-ly ngốc nghếch cắt ngang – Đúng thế, cũng như nhiều người khác, con ăn sô-cô-la mà chẳng bao giờ biết tìm hiểu nguồn gốc và cách làm ra sô-cô-la v.v… Từ cái chén đến cái miệng, chẳng bao giờ con nghĩ rằng cái món sô-cô-la nóng hổi ngon lành ấy lại phải trải qua một cuộc du lịch lôi thôi như thế. Vậy thì em xin thành thực kính phục nhà bác học trứ danh Éc-nét tiên sinh và xin kính dâng nhà bác học chén sô-cô-la đầu tiên khi nào xưởng Nhà trong động chế biến ra được nó.

Vợ tôi ngỏ ý muốn đem hạt ca-cao về ươm ở vườn nhưng tiên sinh Éc-nét cho biết ngay là không thể được, vì hạt ca cao phải ươm ngay sau khi hái quả thì nó mới nẩy mầm và lớn lên. Thế là cả nhà quyết định giao cho Phrê-đê-rích nhiệm vụ ngày hôm sau chèo chiếc cai-ắc đi, tìm cách đánh hai cây ca-cao quí báu ấy về để trồng ở vườn. Vợ tôi, vốn là một nhà nội trợ lo xa, không bao giờ chịu bỏ lỡ dịp làm giàu thêm cho khu vườn nhà, cho nên hễ gặp một loại cây cỏ nào có ích là bà nhất quyết trồng bằng được. Ngày hôm sau Phrê-đê-rích ngược dòng sông trong khi chúng tôi sửa soạn mọi thứ để lên đường. Mãi đến chiều nó mới trở vê, chiếc cai-ắc kéo theo sau một mảng buộc những cây sậy ghép lại, trên chở một đống tướng những cây xanh.

– Hoan hô! Hoan hô!- Ba đứa trẻ ở nhà reo lên khi thấy anh chúng nó ra giữa một đám cây xanh. Chúng ùa chạy tới rồi cùng nhau ì ạch kéo bè cây về lều, vui sướng và thỏa thích vô kể.

Phrê-đê-rích về tới lều cuối cùng; sau bữa ăn tối, nó kể lại chi tiết ngày hôm đó. Nó nói rằng trong khi ngược dòng sông, nó vô cùng ngạc nhiên trước cảnh vật mới lạ trên bờ, những cánh rừng hùng vĩ ven sông và cảnh núi cao ngất ở chân trời. Nó cũng gặp các loài mãnh thú như voi, hổ, báo những cũng chẳng có con vật nào tỏ ra có chú ý đến anh chàng thủy thủ trẻ.

– Con cảm thấy mình quả là quá nhỏ, quá yếu – Phrê-đê-rích nói với chúng tôi – khi thấy chơ vơ một mình, mặt giáp mặt với những kẻ thù ghê gớm ấy. Khẩu súng, những viên đạn chì và tài năng của con lúc đó chỉ có thể là cứu cơ quá mỏng manh. Bởi thế, con không ngần ngại gì mà không quay mũi thuyền, tất tả chèo thật nhanh để thoát khỏi chốn hiểm nghèo. Con vừa mới quay mặt chừng hai tầm súng, con thấy mặt nước sủi lên. Thế rồi ngay giữa dòng sông nhô lên một cái mõm vừa dài vừa rộng, lởm chởm hai hàm răng nhọn hoắt, rất gớm ghiếc mà từ trước đến nay con chưa hề thấy. Cái mõm kinh khủng ấy hoác rộng ra và hướng thẳng về phía con và con cũng không hiểu vì sao mà mình còn đủ sức chạy trốn thoát, bởi vì lúc đó con khiếp sợ quá đi mất! Chính ở đó, con nói thật, đúng là con đã bất ngờ được học một bài sinh vật học, tốt không kém bất cứ một bài học nào khác. Bài học ấy đã in sâu vào trí óc con đến nỗi có thể chẳng cần phải ôn lại một lần nào nữa!

Phrit hỏi:

– Thế thì cái con vật có cái mõm hoác ra, có hàm răng dài và nhọn mà anh Phrê-đê-rích gặp ở sát mặt nước ấy, nó là con gì?

– Rất có thể là một con ngạc ngư! – Éc-nét nói – Và nếu em muốn nghe một cái tên quen biết hơn thì nó là con cá sấu!

Câu chuyện của Phrê-đê-rích làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều rõ ràng là chung quanh dây đều đầy dẫy những ác thú ghê gớm và đúng là chúng tôi đã làm một việc rất kịp thời là bịt kín con đường hẻm. Nếu không thì những ông bà láng giềng không tốt ấy có thể lẻn qua lúc nào không biết để mò vào địa phận của chúng tôi.

Sắp xếp xong mọi thứ để lên đường, chúng tôi rời con đường hẻm vào lúc mờ đất và quay trở về Nhà trong động, Phrê-đê-rích xin phép được đi đường thủy bằng cai-ắc, men theo bờ biển, vòng qua Mũi Hy vọng tiêu tan mà về nhà. Tôi ưng thuận, vì rằng cũng thấy nó điều khiển chiếc cai-ắc rất tài tình, không còn gì đáng lo ngại về nó cả. Mặt khác, tôi cũng đang muốn tìm hiểu thêm mũi đất ấy cho rõ hơn, cho tới nay vẫn chưa có dịp vòng qua thăm dò.

Cả hai “đoàn” cùng lên đường một lúc và cùng về tới nhà yên ổn. Anh chàng thủy thủ trong khi đi vòng qua mũi đất đã tìm thêm được hai thứ cây và bẻ cành đưa về. Một là cây ca-pờ-ri, hoa thường được dùng để ngâm dấm, chẳng có ích gì lắm; còn cây kia là cây chè thì được cả nhà đặc biệt đón chào. Trong khi xem xét cành chè, tôi kể cho lũ trẻ biết cách trồng chè, chế biến chè và uống chè ở châu Á. Chè khi đã chế biến xong thì gọi là “Trà” và càng ngày càng được nhiều người trên khắp thế giới ưa chuộng. Số lượng trà tiêu thụ ở châu Âu tặng lên vùn vụt, nhất là người Anh uống rất nhiều và rất thích.

Những điều này hấp dẫn mấy đứa trẻ vô cùng và cả nhà đồng ý rằng năm sau, tức là sau mùa mưa, sẽ hái lá chè và rồi tổ chức một xưởng chế biến chè thật đúng phương pháp. Như vậy sẽ có thể tăng thêm một sản phẩm quan trọng chẳng những cần thiết hằng ngày cho chúng tôi mà lại còn chuẩn bị dần một nguồn lợi lớn quí giá cho những dự kiến về tương lai.

Chúng tôi trở về Nhà trong động, lòng vui sướng tưởng như người đã xa dinh cơ của mình hàng mấy tháng trời nay mới lại trở về quê cũ.

Sau khi nghỉ ngơi thoải mái mấy ngày liền, vợ tôi nhắc tôi nhớ tới Tổ chim ưng và ngôi nhà trên không hầu như đã bị lãng quên từ khi tìm khi tìm được cái động muối mỏ. Vợ tôi bảo:

Chúng ta đã sai lầm mà bỏ mặc ngôi nhà đẹp đẽ vui tươi ấy trong cảnh hoang tàn, mặc dầu nó chưa được hoàn thành hẳn. Nhà trong động quả là một chốn trú ẩn chắc chắn và vững chãi trong mùa mưa gió đấy! Nhưng chúng ta không được bỏ quên Tổ chim ưng với những cành cây khổng lồ, lá xanh tươi mát, bao giờ cũng vẫn là ngôi biệt thự mùa hè tốt nhất của chúng ta.

Vợ tôi nói rất đúng và tôi hứa ngay là trong vài ba hôm nữa, nhất định sẽ bắt tay vào việc ấy. Sao khi dọn dẹp ngăn nắp mọi thứ ở Nhà trong động, chúng tôi tạm rời bờ biển để vào nghỉ nắng trong ngôi nhà cũ im mát. Chúng tôi đem hết tài sức ra để sửa chữa nó lại, trang trí thật đẹp, xứng đáng là một biệt thự mùa hè.

Tuy nhiên, việc sửa sang lại nhà cửa ở Nhà trong động và Tổ chim ưng chỉ mới là bắt đầu một loạt những công trình mới, lớn hơn và khó khăn hơn. Phrê-đê-rích vẫn bám lấy cái ý muốn quân sự hóa Đảo cá mập, biến nơi đó thành một kiểu tiền đồn có trách nhiệm bảo vệ bờ biển. Nó nhắc đi nhắc lại mãi và trình bày hết phương án này đến đề án kia, đến nổi tôi không thể thoái thác được, và thế là mấy cha con lao vào một công trình mơ ước từ lâu. Biết bao nhiêu khó khăn trở ngại cho một người lớn và bốn đứa trẻ khi phải chuyển hai khẩu đại bác ra đảo rồi đem dặt lên trên đỉnh bằng phẳng của một ngọn đồi đá cao trên năm mươi bộ. Chúng tôi mất nhiều công sức và sáng tạo mới dựng lên được một cái trục kiểu đặc biệt để làm việc đó. Trục dựng xong, chúng tôi lên xuống cũng dễ dàng thoải mái hơn. Sửa sang chỗ đặt súng xong xuôi, chúng tôi lần lượt buộc từng khẩu đại bác vào dây cáp thật vững chãi, quay tay lái và cho chạy ròng rọc. Sau một ngày mệt bở hơi tai, chúng tôi đã đưa được cả hai khẩu đại bác lên đỉnh núi, đặt vào chỗ đã định, họng súng chĩa ra biển. Sau đó, chúng tôi dựng một cái chòi bằng tre và ván ở sau hai khẩu đại bác, đó là pháo đài của chúng tôi. Trên nóc chòi cắm một lá cờ kéo lên hạ xuống dễ dàng bằng dây thừng chạy trên một chiếc ròng rọc nhỏ.

Công trình xây dựng này đã bắt chúng tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt hàng mấy tháng ròng và chắc chắn là đã đòi hỏi chúng tôi nhiều công sức nhất từ trước đến nay. Đặt xong viên đá cuối cùng của pháo đài, chúng tôi cũng tự hào không kém những kỹ sư lành nghề vừa mới hoàn thành một cây đèn biển trên ghềnh đá cheo leo.

Sau khi đã kéo cờ trên pháo đài, tất cả mọi người đều vỗ tay reo mừng chào đón. Mặc dầu phải rất dè xẻn thuốc súng, chúng tôi cũng đã nổ sáu phát đại bác chào cờ, tiếng súng âm vang mãi trên mặt biển mênh mông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.