Lớn Lên Trên Đảo Vắng

Phần III – Chương 3



BỨC THƯ CHUYỂN TỪ CHIẾC CAI-ẮC – PHRÊ–ĐÊ–RÍCH TRỞ VỀ – NGƯỜI BẠN BỊ NẠN Ở NÚI BỐC KHÓI – THÊM MỘT ĐỨA CON – TIỂU THƯ GIEN – NY – BA NĂM SỐNG ĐƠN ĐỘC TRÊN ĐẢO VẮNG.

Mờ sáng hôm sau, chúng tôi bừng dậy và bắt tay ngay vào việc thu thập chiến lợi phẩm do cuộc chiến đấu đêm qua để lại, tức là lột da hai con sư tử. Con sư tử đực đã cho chúng tôi một tấm da lông dày nhất và đẹp nhất không gì bằng. Lông nó mềm và đều, trừ chỗ bờm lại là những sợi lông dài và dày, chạy dài từ trán xuống phía trên vai.

Trong khi đó thì ánh sáng cũng nung nóng những con ngọc trai chất đống trên bờ đã hai hôm nay, biến chúng thành một đống thịt rữa. Mùi hôi thối đến lợm giọng bắt chúng tôi phải quyết định quay trở về ngay Nhà trong động. Công việc sửa soạn cũng không hết mấy chút thì giờ và độ nửa buổi là chúng tôi đã căng buồm lên đường trở về.

Ruýt–ly không còn thiết tha cùng ngồi trong chiếc cai-ắc với anh nó nữa và cho rằng cái lối chèo hai tay quả là quá mệt đối với nó. Nó thích ngồi bên cạnh chúng tôi trong thuyền độc mộc có buồm lại có cả bánh xe quay cho mái chèo đạp nước, khỏe khoắn hơn mặc dầu không nhanh bằng chiếc cai–ắc.

Chiếc cai-ắc đi trước chúng tôi như để dẫn đường. Nhưng khi thuyền độc mộc đã yên ổn ra khỏi dãy đá ngầm thì Phrê–đê–rích bỗng quay trở lại và chuyển cho tôi một lá thư buộc vào đầu mái chèo, lấy cớ rằng không thể chuyển sớm hơn là vì khi bưu điện đưa tới thì chúng tôi đương ngủ!

Tôi cũng vui vẻ hòa vào tấn hài kịch của cậu con cả vừa dựng lên, trịnh trọng đón lấy bức thư rồi quay vào trong thuyền để đọc cho kỹ. Tôi cũng không chờ đợi nội dung bức thư ấy nên không khỏi ngạc nhiên khi được biết rằng Phrê–đê–rích không hề một phút lãng quên sự việc bất ngờ đã xảy ra với con chim báo bão và người bị nạn ở Núi bốc khói. Trong bức thư, nó báo cho tôi biết là nó xin tạm chia tay để đi tìm con người bất hạnh mà nó nhất quyết cứu cho được để trả về cho xã hội loài người.

Tôi có cả ngàn ý kiến để phản đối cái ý đồ lãng mạn đó, nên vội quay trở ra ngoài sạp thuyền. Nhưng đã chậm mất rồi! Chiếc cai-ắc đương lướt nhanh vùn vụt trên sóng; tôi cố gắng nói với theo một câu dặn ngắn gọn, không chắc nó đã nghe thấy: “Nhớ mau trở về. Hãy cẩn thận đấy!”.

Gió thổi mất những lời đó và chiếc cai-ắc cùng viên thuyền trưởng chẳng mấy lúc đã mất hút thành một chấm đen ở tận chân trời xa tít. Chúng tôi đặt tên mũi đất chỗ đó là Mũi tạm biệt và mong ước sao cho anh chàng mạo hiểm ấy sớm trở về. Tôi bảo hai đứa con mạnh tay chèo để về Nhà trong động cho sớm, bà vợ thân mến rất tốt của tôi chắc rất nóng lòng sốt ruột về chuyến đi dài đến ba ngày này.

Chúng tôi tới nhà yên ổn. Những tài sản đưa về được đón mừng nhiệt liệt. Da sư tử, ngọc trai là đầu đề của hàng trăm câu hỏi. Nhưng rồi tất cả những thứ đó cũng không làm khuây được nỗi lo âu vì sự vắng mặt của Phrê–đê-rích. Vợ tôi nói rằng bà rất sẵn lòng đánh đổi cả một thuyền lớn chở đầy ngọc trai để được thấy con bà trở về với gia đình. Tôi an ủi vợ tôi và nói cho bà biết rõ tài năng và lòng dũng cảm của Phrê–đê–rích. Nhưng tất cả những lời lẽ và bằng chứng hay ho của tôi đều vấp vào bức tường đá đồ sộ là sự lo lắng của người mẹ luôn luôn suy nghĩ về những nguy cơ có thể đến với con mình, đồng thời cũng tính toán đến tận cùng những điều may mắn con mình có thể gặp.

Tôi chưa nói cho vợ tôi biết những ý định của chàng thanh niên gan dạ ấy để tránh cho bà sau này khỏi phải buồn tiếc nếu kết quả không được như ý, như là tôi và Phrê–đê–rích đã bàn với nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp này tôi thấy cần phải nói rõ cho vợ tôi biết nguyên nhân chính của sự vắng mặt đó. Tôi đã không tính nhầm kết quả do câu chuyện tâm linh ấy đem lại. Khi hiểu rõ đây không phải là một chuyến phiêu lưu vớ vẩn mà đúng là một hành động đầy lòng nhân đạo, vợ tôi yên tâm ngay. Bà rất mực tán thành việc làm của con, luôn miệng cầu chúc cho con đạt được kết quả tốt.

Năm ngày trời đã trôi qua với nhiều công việc lặt vặt, thế mà Phrê–đê–rích vẫn chưa thấy tăm hơi, và mẹ nó đã lại bắt đầu lo lắng. Tôi bàn nên đưa chiếc xuồng lớn xuống biển và lại đi một chuyến nữa đến Vịnh ngọc trai. Thật trúng với lòng mong mỏi nhất của bà mẹ thương con, vì bà cũng thừa hiểu là tôi thực sự muốn đi tìm kiếm đứa con trai đầu lòng. Ý kiến của tôi được hoan nghênh bằng những tiếng reo vui không tả. Tất cả chúng tôi đều đồ rằng nhất định Phrê–đê–rích sẽ trở về qua phía ấy, và lúc chúng tôi hướng tới Vịnh ngọc trai, thể nào hai bên cũng gặp nhau. Chúng tôi không để mất thì giờ: chuẩn bị đầy đủ cho chiếc xuồng rồi tảng sáng hôm sau là giương buồm chạy về hướng đã định. Gió thuận, mặt biển hơi gợn sóng, thế là chỉ chốc lát chúng tôi đã tới ngay Vinh ngọc trai.

Bỗng nhiên Éc–nét kêu lên, làm chúng tôi kinh hoàng:

– Có một người! Kia kìa! Một thổ dân! – Và nó chỉ cho cả nhà thấy ở khá xa một thứ xuồng nhỏ lướt trên lưng sóng. Người ngồi xuồng hình như cũng đã trông thấy chúng tôi, bởi vì ngay lúc đó anh ta hướng về phía chúng tôi mà tiến tới. Cuối cùng, chiếc xuồng nhỏ tiến lại gần và Éc–nét nhận ra người thổ dân chèo thuyền chính là anh nó thực sự.

– À – Nó kêu lên – Chính là anh Phrê–đê–rích, chính là anh Phrê–đê–rích! Kia kìa, chiếc cai-ắc đặc biệt của anh ấy đấy! Chính anh Phrê–đê–rích chứ chẳng phải là một người thổ dân nào cả!

Chúng tôi hết sức vui mừng đón anh chàng mới trở về; nhất là mẹ nó thì lại không thể cầm được những giọt nước mắt cảm động và sung sướng. Sau khi đã gỡ ra khỏi sự săn đón đầy thân tình của cả nhà, Phrê–đê–rích khẽ kéo tôi ra một chỗ:

– Con đã thành công, bố ạ! – Nó nói, giọng rất sôi nổi – Con đã tìm được đến phía bờ biển mà người bị nạn đang tạm trú. Người đã viết dòng chữ ấy là một phụ nữ. Con đã tìm được hòn Núi bốc khói và người phụ nữ ấy, cô ta đã sống ở đó từ ba năm nay. Trơ trọi một mình! Bố ạ! Tay trắng! Bố có thể tưởng tượng ra được điều đó không? Thực thế đấy! Nhưng mà người con gái dũng cảm và đáng thương ấy (cô mặc quần áo thủy thủ) đã yêu cầu con đừng có nói cho ai biết cô ta là nữ giới, trừ bố và mẹ con. Có lẽ cô ấy còn e ngại về các em con, mặc dầu con đã hết sức yên ủi cô ấy với tất cả những gì thân mật và nồng nhiệt nhất. Con đã đưa cô ấy về cùng với con và cô ấy hiện đương trú tạm gần đây, trên một hòn đảo nhỏ bên Vịnh ngọc trai. Bố nghĩ bố có nên tự đến đón cô ấy cùng với mẹ con và các em con không? Ồ, bố khoan nói lộ cho chúng nó biết! Để xem các cậu ấy sẽ sửng sốt tới mức nào và như thế có lẽ sẽ thú vị đấy, bố ạ!

Tôi vui vẻ nghe theo ý con tôi và không nói gì thêm với cả nhà. Tôi ra lệnh nhổ neo, căng buồm và sửa soạn đầy đủ để tiếp tục chuyến đi. Chẳng nói thì ai cũng rõ Phrê–đê–rích không thể là người chậm trễ hoặc hờ hững trong việc chuẩn bị hối hả này. Anh chàng mạo hiểm can trường này, ngồi trong chiếc cai–ắc, lại làm hoa tiêu cho chúng tôi và dắt chiếc xuồng lớn len lỏi giữa những hòn đá ngầm rải rác khắp ven bờ biển. Sau chừng một giờ đồng hồ, nó bỗng rẽ ngang và đưa chúng tôi đến một hòn đảo nhỏ cây cối tốt tươi, ở cách một quãng cũng xấp xỉ với đường đi tới Vịnh ngọc trai. Đó là một dải đất nhỏ chạy dài ra biển, kín đáo, bờ biển bằng phẳng; chúng tôi có thể cập bến rất dễ dàng, neo xuồng vào một thân cây trên bờ không chút khó khăn, có điều khi nước triều rút thì xuồng có cơ nằm trơ lại trên cát, Phrê–đê–rích đã lên bờ và chúng tôi thấy nó chạy vụt ngay về hướng một cánh rừng nhỏ cách bờ biển một quãng ngắn. Xoay xở cho chiếc xuồng lớn cập bến cũng không đơn giản và dễ dàng như chiếc cai–ắc, cho nên chúng tôi cũng phải mất thì giờ và lên bờ chậm hơn. Tuy thế, hành động có vẻ kì quặc của anh chàng kia đã bắt buộc mấy cậu trai của tôi phải chú ý và bồn chồn một cách lạ, nên chỉ chốc lát chúng tôi đã neo xong xuồng.

Việc chúng tôi nhảy lên bờ rồi chạy thẳng về phía Phrê–đê–rích vừa mới vút đi chỉ là việc làm trong chớp mắt. Chúng tôi lao theo vào cánh rừng nó vừa mất hút. Nhưng chỉ chạy thêm vài bước là chúng tôi đã thấy ngay trước mặt một nếp lều dựng theo kiểu nhà thổ dân Hốt–tăng–tốt. Bên cạnh lều là một bếp lửa nhóm rất đúng cách, trên bắc một cái vỏ ốc biển lớn thay nồi và đương nấu cá.

Phrê–đê–rích đã đứng trong lều và chúng tôi thì ngạc nhiên quá đỗi. Sau khi nghe nó kêu lên mấy lần “Ô-ê! Ô-ê!” thì thấy trên một cây cao và rậm, một chàng thủy thủ trẻ tuổi xinh trai tuột xuống. Anh chàng đưa cặp mắt rụt rè nhìn chúng tôi và trước hết là đứng dừng lại, ngơ ngác không dám bước tới nữa. Thật không thể nào nói ra được hết tất cả những mối xúc cảm vui, ngạc nhiên và trìu mến đã đến với chúng tôi trước cảnh ấy.

Đã lâu lắm rồi chúng tôi chưa hề được trông thấy một con người! Mười năm trời đằng đẵng! Xã hội loài người đối với chúng tôi đã trở nên quá chừng xa lạ đến nỗi chúng tôi cứ đứng ngẩn người ra! Lòng chúng tôi muốn bay ngay tới bên người trẻ tuổi xa lạ kia, nhưng chân chúng tôi lại cứ như bị chôn lại một chỗ, miệng chúng tôi lại cứ im như thóc.

Cuối cùng, Phrê–đê–rích phá tan không khí yên lặng và dắt tay người thủy thủ trẻ tuổi bước lại:

– Thưa bố, thưa mẹ và các em! – Nó nói, giọng đầy vui sướng và cảm động – Đây là một người bạn, một người anh em mà con rất sung sướng được giới thiệu với bố mẹ và các em, một người bạn mới “không may” của gia đình ta, Ê–đu–a Mông–trô–dơ công tử. Cách đây ba năm, anh đã bị một cơn bão cũng gần giống như cơn bão của chúng ta ném lên sống đơn độc trên bờ biển này.

– Thân mến chào đón người bạn chí thiết của gia đình. – Tất cả chúng tôi cùng reo lên, mừng mừng tủi tủi.

Tôi bước lại gần “chàng” thủy thủ, nhìn bề ngoài cũng không khó gì mà không nhận ra là nữ giới, nhưng tôi vẫn tôn trọng điều bí mật mà cô đã muốn giữ kín. Tôi an ủi cô, khuyến khích cô, bảo đảm rằng cô có thể tìm thấy ở chúng tôi đầy đủ sự giúp đỡ và sự săn sóc về tình cảm và về vật chất, chúng tôi sẽ là bố mẹ của cô, các con chúng tôi sẽ là anh em của cô.

Vợ tôi, với một tình cảm, đúng là tình mẫu tử, dang rộng cánh tay ôm lấy cô. Anh chàng thủy thủ thì liền sà ngay vào lòng bà với một niềm vui mừng tủi thân quá mức hình như khao khát được hưởng sự che chở đặc biệt ấy, gửi gắm cuộc đời vào lòng tin vô bờ của người mẹ hiền.

Một bầu không khí hoan hỉ không bờ bến bao trùm lên cuộc gặp mặt này. Trước khi trò chuyện hỏi han, chúng tôi bàn đến bữa ăn. Mấy đứa trẻ lăng xăng sửa soạn sẵn sàng mọi thứ để mở tiệc ăn mừng cuộc sum họp hôm nay mà đối với chúng tôi quả là kỳ diệu! Thỉnh thoảng chúng tôi hỏi Phrê–đê–rích một vài câu và anh chúng nó lại trả lời rất vui vẻ:

– Được rồi! Anh sẽ kể cho các chú nghe sau! Bây giờ thì hãy chú ý săn sóc đặc biệt người anh em mới tới đi đã!

Các món ăn đã bưng lên, thêm mấy bình rượu mật ong thơm hảo hạng nữa, thế là trở thành một bữa tiệc lớn. Mọi người đua nhau trò chuyện. Mấy đứa trẻ săn sóc người bạn mới của chúng một cách quá vồn vã khiến “anh chàng nhu mì” này đôi lúc đâm ra bối rối. Thấy thế vợ tôi cũng có vẻ ái ngại dùm cho đứa con mới về. Đêm cũng đã khuya, bà ra hiệu cho dọn dẹp rồi đưa “anh chàng thủy thủ” trẻ tuổi xuống chiếc xuồng lớn. Bà lo soạn cho “anh ta” một cái giường thật êm và nói:

– Để bù lại cho thằng bé đáng thương những đêm gian khổ đã phải trải qua trong suốt ba năm trời!

Chúng tôi chia tay. Vợ tôi soạn cho người khách mới tới một chỗ nằm bằng da lông thú. Trong khi đó thì mấy đứa trẻ đốt một đống lửa trên bờ để phòng thú dữ suốt đêm.

Tất nhiên anh chàng thủy thủ mới tới là đầu đề của mọi câu chuyện.

– Tuyệt quá! – Phrít nói với Phrê–đê–rích trước tiên. – Em muốn biết anh đã tưởng tượng giỏi như thế nào mà đi tìm gặp được người bạn mới của chúng ta. Làm thế nào mà anh biết được trên bờ biển này lại có một người đắm tàu bị giạt?

Phrê–đê–rích mỉm cười, chưa đáp lại.

– Hay là anh tình cờ lại có thêm khả năng thị giác thứ hai như kiểu người Ê–cốt? – Nhà thông thái Éc–nét hỏi tiếp.

– Không đâu! – Ruýt–ly chen ngang vào – Em thì em cam đoan rằng công tử Ê–đu–a chắc là đã gửi cho anh một bức thư mà anh đã nhận được qua bưu điện của bồ câu…

– Thế này nhé! – Phrê–đê–rích trả lời – Cũng gần đúng như thế!

Và Phrê–đê–rích bắt đầu kể lại cho các em nghe câu chuyện con chim báo bão, nói cho chúng nó biết những dự kiến và công việc đã làm. Không ngờ anh chàng kể chuyện sôi nổi quá đến nỗi quên khuấy mất nhiệm vụ được giao phó một cách tin cẩn, quên khuấy mất điều bí mật mà cô thanh nữ muốn giấu mọi người. Nó quên khuấy đi đến nỗi bất thần thốt cả ra tên thật của cô ả và gọi là “Tiểu thu Gien–ny”!

– Tiểu thư Gien–ny! Gien–ny! – Cả ba chàng trai trẻ kia đồng thanh kêu tướng lên, bắt đầu chú ý đến điều bí ẩn đã lộ. – Tiểu thư Gien–ny! Anh Phrê–đê–rích lộ bí mật rồi! Công tử Ê–đu–a là một cô con gái!

Anh chàng Phrê–đê–rích này quả nhiên lăng xăn hết sức. Bực mình vì đã sơ ý, nó cố gắng một cách bẽn lẽn mong chữa lại lời mình đã vô ý thốt ra. Nhưng điều bí mật đã hé mở, anh chàng thủy thủ trá hình không còn có thể nấp sau bộ quần áo vải thô hoặc dưới chiếc mũ rộng vành nữa.

Sự phát hiện quan trọng đó cũng chẳng làm cho câu chuyện chuyển hướng mấy chút! Phrê–đê–rích bình tĩnh giải thích cho các em nó rõ vì đâu mà cô Gien–ny lại trá hình thành thủy thủ. Nhưng mấy cậu kia tuyên bố ngay rằng sự thay hình đổi dạng này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tình cảm của chúng đối với cô Gien–ny. Hơn nữa, chúng mong muốn một chị gái cũng không kém một anh trai. Đêm đã khuya lắm rồi mà lũ trẻ còn cười nói và nhắc đi nhắc lại bên đống lửa cái tên “cô Gien–ny”.

Sáng hôm sau, đúng là một cảnh tượng nực cười với thái độ rụt rè, cử chỉ lúng túng và vụng về của bọn trẻ khi chúng lại gần người bạn mà hôm qua chúng mới ôm hôn như một người bạn trai, như một người anh. Mấy đứa con đáng thương của chúng tôi đâu có được hiểu biết những kiểu cách lịch sự trong xã hội văn minh nên tất nhiên chúng tỏ ra hết sức vụng về đối với cô thanh nữ người Anh. Tiếng “Gien–ny” đã thay cho tiếng “Ê–đu–a” hôm qua, nhưng vẫn có một chút gì chưa được tự nhiên. Về phần Gien–ny thì cô có vẻ rất phật lòng về sự phát hiện của bọn trai trẻ và cô ôm chầm lấy bà mẹ như để tìm nơi trốn ẩn. Nhưng rồi, dần dần chủ động, cô mỉm cười đưa tay ra bắt tay từng chú một, rất dịu dàng và ngỏ ý mong muốn các chú đối xử thân tình với người chị hôm nay cũng như với người anh hôm qua. Cách xử sự thân ái đó phá tan ngay sự bối rối của ba chàng trai. Không khí vui thân lại trở lại và cả nhà bắt đầu ngồi ăn lót dạ có hoa quả, thịt nguội và sô-cô-la của xưởng chế biến Nhà trong động. Món quà điểm tâm này đem lại cho Gien–ny một niềm vui khôn tả, vì đã gợi cho cô những kỷ niệm êm đềm về đất nước quê hương.

Sau bữa điểm tâm, chúng tôi sửa soạn về Nhà trong động để sắp xếp nơi ăn chốn ở cho đứa con mới đến. Chúng tôi đem lên thuyền tất cả những thứ hiện có trên bờ, không quên toàn bộ tài sản của cô thiếu nữ. Đó là những thứ cô ta vớt vát được sau cơn bão hoặc tự làm lấy trong thời gian luân lạc, thế mà vẫn thấy tài khéo lạ lùng! Trong thời gian ngắn thu xếp chỗ ở tạm thời cho Gien–ny trên đảo nhỏ, Phrê–đê–rích đã đóng cho cô một cái thùng để đựng tất cả những thứ ấy và bây giờ thì chúng tôi xem xét, ngắm nghía, tò mò quá mức. Áo quần, nữ trang, đồ dùng ăn uống và tất cả những thứ cô ta đã làm được trong ba năm cô đơn với chút ít vật liệu có trong tay: những sợi dây nhỏ, xe bằng tóc của chính mình và dùng để buộc những chiếc lưỡi câu bằng xà cừ mài; dăm chiếc kim làm bằng xương vây cá, những mũi dùi tròn hoặc dẹt bằng mỏ chim, hai cái ống đựng kim rất xinh, một cái bằng lông chim lềnh đềnh và cái kia bằng xương ống con bò bể, một tấm da chó bể khâu lại để làm thùng chứa nước, một cái đèn bằng vỏ sò đốt mỡ với một ngọn bấc bằng sợi vải rút dần ở khăn trùm đầu của Gien–ny; bên trên đèn lại đặt một cái vỏ ốc khác làm ấm đun nước; một chiếc mai rùa làm nồi nấu thức ăn theo cách nung đỏ đá cuội rồi bỏ vào đó; vài chiếc bong bóng cá, đủ loại vỏ sò, vỏ ốc dùng làm cốc, môi và đĩa; một vài chiếc vỏ vẫn còn đựng các thứ gia vị như là muối vét trong những hốc đá ven bờ biển, trứng cá và cả những con cá nhỏ muối rồi đem ướp như loại cá dầu; những túi nhỏ đựng đầy các thứ hạt cỏ đã nhặt hàng ngày; hầu hết những thứ cây cỏ có đặc tính chống bệnh tê liệt tay chân như là rau cần, cải soong, thìa là… những cây cỏ này mọc rất nhiều và rất tốt trên núi, nhờ có phân chim biển tích lại hàng năm.

Trong số áo quần, có một cái mũ làm bằng cả cái túi đầy lông tơ của loài chim cộc bọc ngoài cái sườn cũng bằng lông chim cộc uốn thành hình mũ tròn, có thể che nắng cho mặt và cổ; những cái túi và những chiếc chiếu lớn nhỏ đan bằng cói rất mảnh hoặc bằng sậy chẻ; một chiếc áo gi-lê có ống tay, may bằng da ngực một con bò bể, hai ống chân trước là chỗ xỏ hai cánh tay; một số áo quần khác cũng bằng da chó bể hoặc chim biển; những chiếc thắt lưng, bít tất, và dày dép cũng bằng da khâu chập đôi lại.

Đồ trang sức của cô Gien–ny chỉ là những thứ sót lại lúc đắm tàu, ví dụ một cái lược bằng vàng và đôi vòng ngọc xinh xắn đeo trong khi gặp bão. Cô lại có mấy chiếc vỏ rùa có thể đóng lại như cái hộp, trong đựng những miếng mã não, những hòn ngọc một màu đỏ tuyệt đẹp lấy ở loài ngọc trai ra, và cuối cùng là những cây bút lông làm bằng lông chim và tóc, cô thường dùng để vẽ hoặc viết. Tôi cũng không thể bỏ quên một cái túi đan mắt cáo nhỏ bằng những sợi dây da bò bể đựng một số những vỏ sò, hến, ốc, loại hiếm, được chọn lựa kỹ càng và những cành san hô nhặt trên bãi bể.

Tất cả những thứ vặt vãnh ấy đều đựng trong chiếc thùng lớn mà Phrê–đê–rích đã đóng dùm bằng những tấm ván lấy ở chiếc tàu đắm, bây giờ có thể bưng xuống đặt trong xuồng. Chuyển xong đồ đạc đầy đủ xuống xuồng thì trời cũng đã chiều. Trong bữa ăn cuối cùng trên đảo nhỏ, tài năng khéo léo và những cách tháo vát để đảm bảo cuộc sống mặc dù đơn độc của cô Gien–ny trên đảo, đó là những đầu đề hấp dẫn và lý thú với chúng tôi.

Sáng hôm sau, trước khi ra đi, cô Gien–ny còn giới thiệu với chúng tôi một kết quả khác của chí kiên nhẫn và tài năng của cô. Cô chạy đến tìm dưới một bụi cây rậm; trong những cành là rủ xuống mặt nước rồi ôm ra một con chim lớn, và giới thiệu đây là một người bạn chài giỏi. Đó là con cộc đã được cô nuôi quen và dạy cho cách bắt cá: cô đeo cho nó một cái vòng vào cổ rồi thả nó ra; thấy cá, con cộc nhà xuống bắt rất tài và vẫn ngậm trong mỏ, vì cổ vướng vòng không nuốt mất cá được. Bắt được con nào, nó đưa lên bờ cho chủ con ấy. Sau mỗi buổi như thế, cô lại mở vòng ra rồi lựa một ít cá thưởng công cho nó.

Cô Gien–ny chào vĩnh biệt bờ biển đã đón tiếp cô mấy hôm nay, những cây cối đã che chở cho cô trong thời gian ngắn ở đây. Tuy vậy, chúng tôi không muốn từ giã chốn này mà chưa đặt cho nó một cái tên xứng đáng. Cái vũng mà Phrê–đê–rích ghé vào lần đầu tiên sẽ mang tên là Vịnh hạnh phúc, có ý nhắc tới sự gặp gỡ của chúng tôi ở đây.

Chúng tôi hướng về Vịnh ngọc trai, dừng lại ở đó không lâu rồi nóng lòng trở về Nhà trong động để thu xếp nơi ăn chốn ngủ cho người bạn mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.