Lớp học cuối cùng

Chương 13



PHUƠNG TIỆN NGHE NHÌN
Tác giả: Mitch Albom
Được khuyến khích bởi sự đón tiếp nồng nhiệt của khán giả, chương trình Câu chuyện hàng đêm quyết định thực hiện tiếp cuộc gặp gỡ với thầy Morrie. Trong ngôi nhà của thầy lần này, những người làm chương trình cảm thấy như đang ở nhà mình, đặc biệt là Ted Koppel. Ông này không còn bị thầy Morrie căn vặn trước khi chấp nhận tham gia chương trình. Câu chuyện giữa hai người thân mật hơn. Họ kể cho nhau thời ấu thơ của mình: Ted lớn lên ở England còn thầy Morrie sinh trưởng trong khu Bronx. Bữa nay, thầy Morrie mặc chiếc áo dài tay màu xanh đa trời. Lúc nào ông cũng cảm thấy lành lạnh trong người, mặc dù nhiệt độ trong phòng trên hai chục độ. Koppel cởi áo vét, chỉ mặc mỗi áo sơmi thắt cà vạt trong khi ngồi phỏng vấn. Tôi có cảm giác thầy Morrie đã bóc đi lớp vỏ hào nhoáng bao bọc bên ngoài của ông ta.
“Cụ trông còn khoẻ lắm”. Koppel mở lời khi máy quay bắt đầu hoạt động.
“Ai cũng nói với tôi như thế cả.”
“Giọng của cụ vẫn còn sang sảng.”
“Mọi người đều bảo vậy.”
Vậy làm sao cụ biết sức khoẻ mình đang đi xuống?”
Thầy Morrie thở dài. “Không ai biết. Ted. Nhưng tôi biết”.
Điều này thật rõ ràng khi nhìn thầy nói chuyện. Khác với cuộc phỏng vấn trước, lần này bàn tay ông không còn đủ sức phác những cử chỉ bổ sung cho lời nói. Khó khăn lắm thầy mới phát âm trọn vẹn một từ. Chữ l dường như bị tắc lại trong cổ họng. Không khéo chỉ vài tháng nữa, thầy sẽ không còn nói được.
“Cảm xúc của tôi như thế nào à?”, thầy Morrie trả lời câu hỏi của Ted. “Khi xung quanh có bạn bè, tôi thấy mình phấn khởi. Tình yêu thương nâng đỡ tôi. Nhưng không giấu gì anh, cũng có những ngày tôi cảm thấy chán nản. Tôi thấy sức khoẻ bản thân mỗi ngày một suy sụp mà lấy làm khiếp sợ. Tôi sẽ phải làm gì với hai bàn tay bị liệt hay khi không còn mở miệng nói được nữa? Tôi không quan tâm tới chuyện ăn uống. Người ta có thể đặt ống qua thực quản và đưa vào dạ dày tôi mọi thứ họ thích. Thế nhưng còn giọng nói, bàn tay? Thiếu những bộ phận tối cần thiết đó, tôi sẽ giao tiếp với mọi người ra sao?”
“Thế cụ sẽ làm thế nào khi không còn nói được?”, Koppel hỏi.
Thầy Morrie nhún vai:. “Có lẽ, tôi sẽ đề nghị mọi người đưa ra những câu hỏi mà câu trả lời chỉ có thể là có hoặc không”.
Câu trả lời giản dị khiến Koppel bất giác mỉm cười. Ông quay sang hỏi thầy Morrie chuyện khác. Koppel nhắc tới Maurie Stein, người đầu tiên gởi cho tờ Địa cầu Boston những câu phương ngôn của thầy. Cùng với thầy Morrie, Stein giảng dạy ở trường Đại học Brandeis từ đầu thập kỷ 60. Họ là những người bạn thân. Hiện giáo sư Stein bị điếc. Koppel tưởng tượng một ngày nào đó hai ông bạn già, một câm một điếc, gặp gỡ. Họ sẽ làm thế nào để nói chuyện với nhau.
“Chúng tôi sẽ nắm tay nhau,” thầy Morrie đáp. “Tình cảm sẽ truyền giữa hai người như dòng điện. Ted này, chúng tôi đã kết bạn với nhau từ 35 năm nay nên không cần nói và cũng chẳng cần nghe cũng hiểu được nhau”.
Trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Ted đọc cho Koppel nghe một bức thư ông nhận được. Sau khi cuộc phỏng vấn thứ nhất được phát hình, thầy Morrie nhận được rất nhiều thư đề tên ông. Bức thư thầy đang cầm là của một cô giáo ở Pennsylvania, người đang dạy dỗ chín đứa trẻ mồ côi.
“Tôi viết trả lời cô ta thế này.” thầy Morrie nói với Koppel, tay đặt cặp kiếng lên sống mũi. “Cô Barbara thân mến!… Bức thư của cô khiến tôi vô cùng cảm động. Cô đang làm một công việc quan trọng là chăm sóc chín đứa trẻ mất cha mẹ. Tôi cũng đã từng mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ…”
Trong lúc máy quay vẫn còn kêu ro ro, thầy Morrie sửa kính, cắn môi và đột nhiên nấc lên. Những giọt nước mắt chảy xuống mũi ông: “Tôi đã từng mồ côi mẹ khi còn nhỏ… Đó là cú đấm nặng nề để lại dấu ấn suốt đời… Tôi ước được có những người bạn như lớp học của cô để được chia sẻ nỗi đau mất mát của mình. Tôi mong được thành học trò của cô vì…”
Giọng thầy như vỡ ra.
“… Vì tôi cô đơn quá…”
“Thưa cụ,” Koppel rụt rè. “Thế có nghĩa là nỗi đau mất mẹ vẫn đeo đẳng cụ suốt 70 năm qua cho tới hôm nay?”
“Anh đoán không sai”, Thầy Morrie thì thào.

VỊ GIÁO SƯ

Thầy Morrie tròn 8 tám tuổi khi gia đình nhận được bức điện tín gởi từ bệnh viện báo tin mẹ thầy qua đời. Ông cụ thân sinh ra thầy – một người đàn ông Nga di cư – không biết đọc tiếng Anh nên cậu bé Morrie là người đầu tiên đón tin dữ. Bằng một giọng chầm chậm, rành mạch như lối học trò đánh vần trả bài, cậu đọc to những dòng chữ thông báo về cái chết của mẹ: “Chúng tôi lấy làm tiếc báo tin…”.
Buổi sáng hôm đưa tang, những người họ hàng của thầy chậm rãi bước xuống cầu thang chung cư nơi gia đình thầy trú ngụ – khu Lower East Side nghèo nàn của quận Manhattan. Những người đàn ông đi đưa đám đều mặc đồ vét sẫm màu, phụ nữ trùm khăn voan đen kín mít. Bọn trẻ con trong khu đổ ra đường tới trường đúng vào lúc đám ma diễu qua đường phố làm cậu bé Morrie cúi mặt nhìn xuống đất, sợ bọn bạn cùng lớp nhìn thấy mình. Một bà cô béo chắc nịch túm lấy vai cậu bé than thở rền rĩ. “Thiếu mẹ, chúng mày rồi sẽ ra sao đây, con ơi là con?”
Cậu bé Morrie òa khóc. Bọn trẻ học cùng lớp bỏ chạy tán loạn.
Trong nghĩa địa, cậu bé Morrie đăm đăm nhìn mấy người phu mai táng hất từng xẻng đất lên cỗ quan tài người mẹ nằm dưới huyệt. Cậu nhớ lại những kỷ niệm dịu dàng với mẹ khi bà còn sống. Sinh thời, mẹ cậu trông coi cả một gian hàng nhỏ bán kẹo. Từ khi lâm bệnh, phần lớn thời gian bà nằm thiêm thiếp trên giường hay ngồi lặng lẽ bên cửa sổ. Thỉnh thoảng, bà thu hết sức lực gọi con trai đưa thuốc. Nhưng khổ nỗi cậu bé còn mải thổi bong bóng xà bông ngoài phố và cố tình lờ đi tiếng gọi khàn khàn của mẹ. Cậu tin rằng cái chết sẽ bỏ qua nếu người ta cứ phớt lờ nó.
Liệu một đưa trẻ lên tám có cách nào khác khi chạm mặt tử thần?
Từ khi rời bỏ nước Nga, người đời đã quên lãng tên thật của ông thân sinh thầy Morrie và chỉ gọi ông bằng một cái tên Mỹ là Charlie. Ông làm công cho một xưởng sản xuất lông thú vì thế không mấy khi có nhà. Học hành chẳng bao nhiêu, tiếng Anh vừa đủ lõm bõm, cuộc đời ông luôn bị cảnh nghèo đeo bám. Gia đình thường xuyên sống nhờ trợ cấp xã hội. Căn phòng của gia đình ông nằm sau cửa hàng kẹo vừa tăm tối, vừa chật chội. Dĩ nhiên, trong nhà chẳng có món gì được liệt vào hàng xa xỉ. Đôi khi, để kiếm thêm đồng ra đồng vào giúp cha mẹ, thầy Morrie và cậu em trai David nhận cọ rủa cầu thang lên xuống tòa chung cư.
Sau đám ma, hai cậu bé được gởi tới một nhà nghỉ nhỏ rẻ tiền trong vùng rừng bang Connecticut. Ở đấy, vài gia đình chia nhau chỗ nằm trong một căn phòng lớn và dùng chung một căn bếp. Những người họ hàng tốt bụng nghĩ rằng không khí trong lành của rừng cây sẽ có lợi cho hai anh em. Morrie và David chưa bao giờ được thấy nhiều cây cối đến thế. Chúng chạy nhảy đùa giỡn trên những thảm cỏ. Buổi tối nọ, sau khi ăn cơm, cả hai đứa lôi nhau đi chơi. Mặc trời đổ mưa, hai đứa trẻ té nước, la hét mấy giờ liền.
Sáng hôm sau, vừa mở mắt Morrie liền tuột khỏi giường.
“Dậy thôi!”, cậu giục em.
“Em không…”
“Không cái gì?”
Nét mặt David lộ vẻ hốt hoảng: “Em không… cử động được.”
David bị sốt bại liệt. Dĩ nhiên, cơn mưa chiều qua không phải là nguyên nhân, nhưng cậu bé Morrie nào có hiểu điều đó. Trong suốt mấy tháng trời, David được đưa từ bệnh viện nọ qua bệnh viện kia. Người ta đeo đôi chân giả cho cậu. Người anh thấy mình có lỗi trong dáng đi khập khiễng của em trai. Sáng sáng Morrie tới giáo đường Do Thái một mình – cha cậu không tin bất cứ tín ngưỡng nào – đứng lẫn trong đám đàn ông mặc áo choàng đen đang lắc lư theo nhịp thánh ca và cầu Chúa che chở cho người mẹ đã quá cố và cậu em trai tàn tật. Tối tối, cậu co ro đứng trên những bậc thang lát đá hoa cương dẫn xuống ga xe điện ngầm, tay huơ huơ chào bán mấy tờ tạp chí kiếm ít tiền góp phần mua thức ăn đem về nhà. Đến đêm, hệt như mẹ thuở xưa, cậu ngồi nhìn cha lặng lẽ ăn bữa tối, hy vọng nhưng không bao giờ nhận được sự âu yếm.
Mới lên chín, cậu bé đã cảm nhận được sức nặng của cả quả núi đè lên đôi vai gày gò.
Nhưng chỉ một năm sau, vòng tay cứu rỗi đã đến với cậu bé Morrie. Cha cậu đi bước nữa, ông lấy dì Eva, một người đàn bà Rumani thấp người, tóc quăn màu nâu nhưng nghị lực của bà gấp đôi những người phụ nữ khác. Sự sôi nổi của dì rọi sáng bầu không khí u ám mà cha cậu tạo nên trong gia đình. Dì khéo léo phá vỡ sự im lặng của chồng. Đêm đêm dì hát cho các con chồng nghe trước khi đi ngủ. Cậu bé Morrie nhận được những lời an ủi dịu dàng, được dì kèm cặp làm bài tập ở nhà và học được tính khí mạnh mẽ của dì. Khi David trở về nhà với cặp nạng, hai anh em được xếp ngủ chung trên chiếc giường có bánh xe lăn ở trong bếp. Trước khi đi ngủ, bao giờ dì Eva cũng hôn lên trán hai đứa. Tối nào Morrie cũng trông chờ những cái hôn đó như đứa bé mới sinh ngóng bầu sữa mẹ. Tự đáy lòng, Morrie thấy mình lại có mẹ.
Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình Charlie không vì thế mà bớt nghèo. Bây giờ họ dời tới sống trong căn hộ một phòng xây bằng gạch mộc, tường không trát vữa trên phố Tremont khu Bronx. Gần đó là khu giải trí của kiều dân người Ý. Chiều chiều, các ông già kéo nhau ra chơi bóng gỗ. Dạo đó đúng vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Ở xưởng thuộc lông thú của cha Morrie công việc thất thường và dĩ nhiên là lương hướng cũng chẳng được mấy đồng. Lắm bữa, cả nhà ngồi quanh bàn ăn tối với độc món bánh mì đen.
“Còn gì nữa không ạ?”, David hỏi.
“Chẳng còn gì khác đâu, con”, dì Eva đáp.
Hàng đêm, sau khi kéo mền đắp cho Morrie và David, dì Eva nán ngồi lại bên giường hát cho chúng nghe bằng tiếng Do Thái. Những bài hát thật buồn. Cậu bé Morrie nhớ mãi lời ca của một cô bé bán thuốc lá dạo:

Xin mời mua thuốc của tôi
Trời mưa không ướt, thuốc còn thơm nguyên.
Xin thương lấy kẻ phận nghèo
Xin thương lấy kẻ phận nghèo

Nhờ dì, trong cảnh khốn khó cậu bé Morrie vẫn biết yêu thương và chăm sóc người khác. Hơn thế, dì Eva không bao giờ chấp nhận kết quả học tập của Morrie và David dưới mức “xuất sắc”. Theo bà, học tập là con đường duy nhất thoát khỏi cảnh bần cùng. Bản thân dì mỗi ngày đều đặn tới lớp đêm học thêm tiếng Anh. Từ bà, cậu bé Morrie thừa hưởng đức tính ham thích học hành.

Đêm đêm, bên chiếc bàn ăn trong căn bếp nhỏ, cậu bé Morrie miệt mài làm bài dưới ánh đèn tù mù. Sáng ra, cậu lại chịu khó dậy sớm tới nhà thờ cầu nguyện cho mẹ. Đấy là lúc duy nhất cậu nhớ rằng mình còn một người mẹ đã khuất. Ông Charlie dặn con không bao giờ được nhắc đến tên mẹ trước mặt dì Eva, ông muốn rằng đối với David, dì Eva phải thực sự là mẹ ruột. Nhưng việc này quả là gánh nặng quá sức đối với một đứa trẻ như Morrie. Trong nhiều năm, đối với thầy Morrie bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của người mẹ đẻ chỉ là bức điện báo tin về cái chết của bà mà thầy đã giấu biến nó cho riêng mình từ cái ngày tang tóc đó. Thầy sẽ giấu nó suốt quãng đời còn lại.

Khi cậu bé Morrie bước vào tuổi thiếu niên, ông Charlie dắt cậu tới xưởng thuộc lông thú xin việc làm. Thời kỳ kinh tế suy thoái vẫn chưa qua. Bước vào xưởng, cậu bé cảm thấy như mình bị nhốt giữa bốn bức tường. Căn phòng tối và nóng nục. Bậu cửa sổ đầy rác. Máy móc san sát. Chúng rít lên ken két như bánh xe lửa nghiến trên đường ray. Bụi lông bay mù mịt khiến không khí có vẻ như quánh lại. Nhũng người công nhân gò lưng khâu những tấm da sống lại với nhau trong lúc viên đốc công rảo bước sau lưng họ, miệng hò hét hối thúc mọi người nhanh tay hơn nữa. Đứng bên cạnh cha, cậu bé Morrie cảm thấy nghẹt thở vì sợ hãi, cứ như chính cậu đang bị viên đốc công chửi, mắng.

Tranh thủ thời gian nghỉ ăn trưa, ông Charlie dẫn con tới gặp viên đốc công hỏi xem có việc gì thích hợp cho thằng con ông hay không. Thật tiếc, ở đây toàn những việc cần người lớn, hơn nữa hiện chẳng còn chỗ nào trống.

Nhưng với cậu bé Morrie, lời từ chối lại là điều may. Cậu vốn ghét những chỗ như thế. Cậu quyết định suốt đời sẽ không để bất cứ ai bóc lột mình và cũng không kiếm tiền nhờ những giọt mồ hôi của người khác.
“Thế con sẽ làm gì?”, dì Eva băn khoăn.
“Con chưa biết”, cậu trả lời. Dĩ nhiên cậu sẽ không theo ngành luật vì cậu chúa ghét các luật sư. Cậu cũng không mơ tưởng làm bác sĩ vì cậu vốn sợ nhìn thấy máu.
“Con sẽ làm gì?”
Điều ai cũng có thể đoán được là cậu sẽ trở thành thầy giáo.

“Ảnh hưởng của những người thầy giáo là bất diệt.
Chính họ cũng không thể biết rõ đâu là giới hạn uy thế của mình.”

Henry Adams


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.