Lửa Yêu Thương Lửa Ngục Tù

CHƯƠNG 11



Một đoàn tù phát lưu vừa tới buổi chiều. Khoảng 500 người đang cố lê bước lên đồi. Trái với dự đoán của mọi người, đoàn tù mới tới chẳng có bao nhiêu kẻ tàn phế. Dọc đường, những người không đủ sức theo đoàn đều bị bắn bỏ cả rồi.
Phải trải qua một thời gian khá lâu, thủ tục nhập trại mới hoàn tất. Bọn SS cùng đi với họ cứ đếm đi đếm lại mãi vì chúng quên trừ con số vài mươi người chết ở dọc đường. Trong khi đó, bọn SS của trại đương nhiên phải dè dặt, chúng chỉ nhận những người có mặt và còn đủ sức đi qua cổng trại. Và vấn đề bỗng trở thành một trò thú vị của bọn SS. Trong khi đoàn tù phát lưu còn đứng ngoài cổng, thêm vài tù nhân ngã lăn ra. Bọn đồng cảnh toan lôi họ theo nhưng bọn SS ra lệnh phải đi mau gấp đôi nên số người bất hạnh kia bị bỏ mặc cho số mạng. Khoảng hơn hai mươi người nằm rải rác trên đoạn đường 200 thước cuối cùng, có kẻ kêu rú, tru tréo như những con thú bị thương, có kẻ không còn đủ hơi sức để rên rỉ nữa chỉ biết nằm yên với đôi mắt trợn trừng kinh hãi. Họ biết nếu còn tiếp tục nằm đó, việc gì sẽ phải tới. Trên đường lưu đày, hàng trăm người đồng cảnh đã chết với một viên đạn xuyên qua cổ.
Quang cảnh bi thảm trước mắt bị bọn SS biến thành trò đùa. Steinbrenner lên tiếng trước:
– Coi kìa, tụi nó đang van lạy xin nhập trại.
Trong khi đó bọn SS bên ngoài la hét không ngừng:
– Mau lên! Mau lên!
Toán tù kiệt sức cố nhổm dậy để bò đi. Steinbrenner lại bảo:
– Rùa chạy đua! Tôi bắt cá tên sói đầu ở giữa!
Người tù sói đầu đang bò tới trên mặt đường nhựa trơn tuột. Hắn vượt qua một tù nhân khác đang chỏi tay cố nhổm lên nhưng không nổi. Mỗi người tù bò đi đều nghểnh cổ một cách khác thường… họ nhìn tới cổng trại cứu tinh trước mặt nhưng đồng thời sợ hãi chờ nghe một tiếng súng nổ ở phía sau.
– Cố lên! Tiến tới nữa, sói đầu!
Bọn SS đứng thành hai hàng dài. Thình lình hai phát súng nổ vang. Đó là hai phát súng của một gã Đội trưởng trong đoàn áp giải. Hắn vừa nhăn mặt vừa cho khẩu súng lục vào bao. Hắn chỉ mới bắn chỉ thiên.
Tuy nhiên, tiếng súng đã làm cho toán tù đang bò sợ điếng hồn. Họ cho là đã có thêm hai người bạn phía sau đã bị bắn. Trong cơn kinh hoàng, tay chân họ như co rút lại. Một người sụm xuống hai tay duỗi thẳng ra và chấp lại, miệng lẩm nhẩm cầu kinh, mồ hôi tươm đầy trán với từng hột lớn. Một người nữa sụm theo, im lặng và bằng lòng với số mệnh, hai tay ôm lấy mặt. Vài giây sau, hắn không còn động đậy nữa.
Steinbrenner hô lớn:
– Còn 60 giây nữa! Một phút đúng! Cửa thiên đàng sẽ đóng lại sau một phút! Đứa nào không tới kịp sẽ ở ngoài luôn!
Hắn nhìn vào đồng hồ và lay động cửa trại như sắp đóng lại. Cuộc bò đua với tử thần trở thành vô vọng hơn. Chỉ có người tù úp mặt vào lòng bàn tay là không nhúc nhích. Hắn đã vĩnh viễn bỏ cuộc.
Lại có tiếng reo hò của Steinbrenner:
– Hoan hô! Đầu sói của tao thắng cuộc rồi!
Hắn đá vào mông của người tù để giúp bò mau hơn. Cùng lúc ấy, một số tù nhân khác cũng đã bò qua cổng, nhưng hơn một nửa vẫn còn ở bên ngoài.
Steinbrenner lại hô to:
– Còn 30 giây!
Tiếng kéo lê của tay chân và tiếng rên rỉ nổi lên. Hai tù nhân nằm sấp trên mặt đường, hai tay quơ quào như người đang bơi. Họ không còn sức để nhổm lên nữa. Một trong hai người khóc rú lên.
Lại cũng Steinbrenner tuyên bố sau khi nhìn đồng hồ:
– Còn lại 15 giây!
Tiếp theo đó là một phát súng nổ. Lần này không phải là phát súng chỉ thiên. Người nằm sấp, mặt úp vào hai bàn tay, co giựt liên hồi rồi duỗi người ra như lún sâu xuống mặt đường. Máu đọng thành vũng đen quanh đầu hắn… như một vòng hào quang đen. Người tù đang cầu nguyện phía trước cố vùng dậy, nhưng hắn chỉ mới chống gối lên là lật ngửa ra. Mắt nhắm nghiền nhưng tay chân hắn bơi đạp tới tấp vào không khí giống như đứa bé nằm nôi. Một tràng cười rộ lên.
Một trong những tên lính SS hỏi gã Đội trưởng vừa bắn chết người tù kia:
– Mình xử hắn bằng cách nào? Từ phía sau xuyên ngực hay xuyên mũi?
Gã Đội trưởng chậm chạp bước quanh người tù đang đạp không khí. Hắn dừng lại ra dáng suy nghĩ rồi nổ một phát đạn xuyên xéo qua đầu. Người tù cong mình ngược lên, chân hắn đập mạnh xuống mặt đường rồi duỗi người ra. Một chân hắn chậm chạp nhấc lên, duỗi ra, co vào và duỗi ra…
– Coi bộ phát súng không linh hả, Robert?
Gã Đội trưởng lạnh lùng:
– Linh lắm chớ. Đó là phản ứng của thần kinh.
Steinbrenner dõng dạc tuyên bố:
– Hết giờ rồi! Đóng cửa lại!
Bọn lính canh từ từ khép cửa lại. Nhiều tiếng thét hãi hùng vang lên. Mắt Steinbrenner ngời sáng:
– Xin đừng chen lấn, thưa quí vị! Cứ bò vào từng người một, kẻo người ta lại bảo chúng tôi không được bình dân.
Ba người tù bò gần tới nơi rồi kiệt sức. Robert bình tĩnh bắn thêm hai người xuyên qua cổ. Người thứ ba vẫn còn ngồi được cứ trơ mắt nhìn Robert. Lúc gã Đội trưởng này bước ra phía sau, người tù cũng quay đầu theo dường như với cái thế đối diện đó, hắn sẽ làm cho Robert không bắn được. Robert đổi chỗ hai lần, nhưng đầu người tù vẫn không chịu giữ yên, cứ quay theo… Cuối cùng tên Đội trưởng nhún vai:
– Tại mày muốn vậy.
Hắn vừa nói vừa nổ súng vào giữa mặt người tù. Hắn cho súng vào bao rồi tính gọn:
– Vậy là chẵn bốn mươi.
Steinbrenner tới gần, hỏi:
– Bắn tất cả bốn chục hả?
Robert gật đầu:
– Tính chung từ lúc khởi hành.
Steinbrenner nhìn chăm chú vào mặt Robert với vẻ thán phục của kẻ đang đứng trước một lực sĩ vừa phá kỷ lục:
– Cừ khôi lắm.
Một Đội trưởng lớn tuổi hơn cằn nhằn Robert:
– Anh cứ bắn và bắn mãi thì làm sao điều chỉnh sổ sách?
Sau ba tiếng đồng hồ, thủ tục sổ sách vẫn chưa xong. 36 người ngã gục, 4 người chết.
Đoàn tù phát lưu từ sáng sớm tới lúc bấy giờ vẫn chưa được phát nước. Nhân lúc bọn SS ít chú ý, hai tù nhân của lao xá 6 lén lút trao nước cho họ. Cả hai người này bị bắt và đang bị treo trên giá tréo gần lò thiêu người.
Thủ tục vẫn tiếp diễn. Hai giờ sau, thêm 7 người chết và 50 người ngã gục. Đến 6 giờ, tình trạng tệ hại hơn: 12 ngưới chết và trên 80 người ngã lăn ra. Tới 7 giờ, lại thêm 120 người ngã xuống và không ai còn biết nổi số người chết là bao nhiêu vì những kẻ bất tỉnh cũng trơ ra như xác chết.
Khoảng 8 giờ, việc kiểm nhận những người tù còn đứng nổi kết thúc. Trời đã tối và bầu trời đầy những mây quyền. Đoàn tù lao tác vừa về tới. Họ phải làm thêm giờ phu trội nên đoàn tù phát lưu được lo tới trước. Một lần nữa họ lại tìm thấy một số võ khí. Đây là lần thứ năm, cũng tại một chỗ. Nhưng lần này còn có thêm một mảnh giấy với hàng chữ: Chúng tôi vẫn nghĩ tới các bạn. Ít lâu nay, tù nhân đã hiểu rằng chính những công nhân tại xưởng võ khí đã giẩu các khẩu súng ấy dành cho họ.
Werner bảo nhỏ:
– Đang hỗn loạn thế này, chắc mình sẽ thoát.
Lewinsky ép sát cái gói nho nhỏ vào cạnh sườn:
– Tiếc là chẳng có thêm. Qua hai ngày nữa là chẳng còn cơ hội nào khác vì thành phố đã được thu dọn sạch sẽ cả rồi.
Weber ra lệnh:
– Cho bọn chúng vào trong. Điểm danh sau.
Goldstein tỏ ý tiếc:
– Khốn nạn! Mình có mang cả khẩu đại bác vào cũng lọt tuốt!
Họ đi thẳng vào lao xá. Weber cao giọng:
– Tống bọn tù mới vào phòng khử trùng! Đừng để phải chứa thêm sốt rét hay ghẻ ngứa! Trật tự viên đâu?
Một gã tù trình diện. Weber hách dịch:
– Quần áo bọn này cần được khử trùng, có còn gì để chúng thay không?
– Thưa Trại trưởng vẫn còn đủ. Tháng trước mình có thêm được hai ngàn bộ.
Weber chợt nhớ ra. Hai ngàn bộ quần áo đó từ Auschwilz gởi tới. Các trại thủ tiêu luôn luôn có thừa quần áo để gởi đi những trại khác. Hắn ra lệnh:
– Cho bọn chúng vô thùng! Mau lên!
Lệnh được truyền đi:
– Lột quần áo ra! Vào nhà tắm! Quần áo để phía sau, vật dụng để trước mặt!
Tiếng xì xào chạy dài theo các dãy tù trong bóng tối. Hiệu lệnh rõ ràng là bảo đi tắm rửa nhưng tắm rửa đối với tù nhân còn có nghĩa là vào phòng hơi ngạt. Tại mấy trại thủ tiêu, tù nhân trần truồng bị đưa tới phòng hơi ngạt và được bảo là cho đi tắm. Nhưng trong các phòng tắm này, thay vì túa nước ra, các vòi gương sen lại tỏa ra hơi ngạt giết người.
Tù nhân Sulzbacher hỏi Rosen bên cạnh:
– Làm sao bây giờ? Ngã lăn ra chăng?
Đoàn tù bắt đầu cởi quần áo ra. Kinh nghiệm cho biết họ chỉ có mấy giây để quyết định thôi. Họ chưa hề biết trại này. Nếu đây là loại trại tuyệt diệt thì giả bộ bất tỉnh là tốt hơn. Làm như thế có thể sống thêm được ít lâu vì quy lệ không cho kéo xểnh những tù nhân bất tỉnh vào phòng hơi. Biết đâu nhờ thế họ còn có thể sống thêm được ít lâu và hy vọng được sống sót vì không phải tất cả những ai bị đưa tới trại thủ tiêu đều phải chết. Tuy nhiên, nếu đây không phải là loại trại đó thì giả vờ bất tỉnh lại nguy hiểm hơn, bởi vì những tù nhân không còn dùng được vào việc gì nữa sẽ bị chích thuốc độc cho chết luôn.
Rosen nhìn lướt qua những người đang bất tỉnh. Hắn nhận thấy không ai chú ý đến những người này. Hắn hiểu ngay là không phải bị đưa vào phòng hơi ngạt nên trả lời thật nhỏ:
– Không. Chưa phải lúc…
Những dãy hàng lúc này tối mò mò bây giờ trắng đục ra. Đoàn tù đứng trần truồng. Họ vẫn còn hình dáng con người nhưng đã quên điều đó từ lâu.
Họ bị đẩy vào một phòng tắm có nhiều thùng nước lớn chứa nước sát trùng cực mạnh. Qua tới phòng y phục, mỗi người được ném cho vài mảnh vải che thân. Bây giờ họ lại ra đứng thành hàng trên sân điểm danh.
Họ hối hả mặc quần áo vào. Gọi là quần áo thì không đúng hẳn nhưng họ cũng hân hoan biết mình không đang ở tại một trại thủ tiêu. Sulzbacher được phát cho một cái quần lót đàn bà có reng đỏ. Rosen thì được ném cho một cái áo lễ rộng của một linh mục. Chẳng có gì vừa vặn cả. Đó là quần áo còn lại của những người đã chết. Cái áo thầy tu của Rosen có vết đạn xuyên qua và lờ mờ còn dấu máu. Một số tù nhân khác nhận được các đôi guốc gỗ trước kia là của những người tù tại một trại tập trung ở Hòa Lan. Với những người chưa hề đi guốc quả là một cực hình.
Công việc phân phối tù về các lao xá vừa bắt đầu thì còi báo động từ thành phố phía dưới rú lên. Tất cả đều đưa mắt về phía Trại trưởng Weber.
Hắn hét thật to giữa tiếng ồn ào:
– Cứ tiếp tục!
Lính SS và trật sự tự viên lăng xăng chạy tới chạy lui. Đoàn tù đứng tại chỗ hoàn toàn yên lặng, mặt hơi ngẩng lên phản chiếu màu xanh mờ của ánh trăng. Weber lại thét:
– Cúi đầu xuống!
Lính SS và bọn trật tự viên lại chạy tới chạy lui truyền lệnh. Thỉnh thoảng chúng nhìn lên trời. Tiếng ho của chúng chìm trong sự huyên náo. Chúng lại sử dụng dùi cui.
Hai bàn tay trong túi áo, Weber đi tới đi lui ở bìa sân. Hắn không buồn ra lệnh nữa. Neubauer từ nhà riêng chạy vụt ra:
– Cái gì đây, Weber? Sao chúng chưa vào lao xá?
Weber thản nhiên:
– Phân phối chưa xong.
– Cần gì. Đừng để chúng đứng ở đây. Bọn phi công sẽ tưởng lầm là binh sĩ.
Còi báo động đổi giọng. Weber đáp:
– Trễ rồi. Cho chúng đi càng dễ bị phát giác hơn.
Hắn đứng yên nhìn Neubauer. Tự nhiên Neubauer hiểu hắn muốn gì. Hắn chờ đợi Neubauer chạy về hầm trú ẩn. Bực mình, Neubauer cũng đứng yên và chửi trổng:
– Đưa bọn này tới thật là dại. Ở đây còn chưa xong lại phải gánh thêm nữa. Khùng cả đám! Sao không đưa chúng tới các trại thủ tiêu?
– Các trại thủ tiêu còn ở quá xa về phía Đông.
– Chú định nói gì?
– Ở quá xa về phía Đông. Xa lộ và thiết lộ phải dành cho nhu cầu quân sự.
Một lần nữa, Neubauer bỗng nghe đau nhói ở dạ dầy. Hắn nói để tự trấn an:
– Phải rồi. Còn phải gởi quân ra mặt trân.
Weber không trả lời. Neubauer liếc xéo hắn rồi bảo:
– Cho chúng nó nằm xuống. Như vậy không thấy có đội hình.
Weber bước lê tới trước quát lớn:
– Nằm xuống hết!
Bọn lính SS lặp lại:
– Nằm xuống hết!
Đoàn tù nằm rạp xuống. Weber trở về chỗ cũ. Neubauer muốn bỏ vào nhà, nhưng có cái gì trong thái độ Weber khiến Neubauer khó chịu. Hắn vẫn phải đứng yên, nghĩ thầm, lại thêm một gã vong ơn. Mới vừa giúp hắn được ban thưởng Chiến tranh bội tinh, bây giờ hắn trở mặt. Đồ thiển cận! Nghĩ cho cùng thì hắn có gì mất mát đâu? Một vài miếng kẽm đeo trên ngực để làm anh hùng, hắn chỉ có thế, quân làm thuê!
Trận không tập không xảy ra. Một lúc sau, có hiệu còi chấm dứt báo động. Neubauer nhìn quanh:
– Càng ít ánh sáng càng tốt. Cho phân phối mau lên. Phần còn lại để mai giao cho đại diện lao xá và văn phòng lo.
– Vâng!
Neubauer vẫn còn đứng. Hắn nhìn đoàn tù mới. Họ đứng lên hết sức khó khăn, có người đã ngủ vì quá mệt đến nỗi phải lay mạnh mới thức dậy. Một số người khác vẫn còn nằm như không dậy nổi.
– Cho đem xác chết qua sân lò thiêu. Để bọn chúng khiêng mấy tên bất tỉnh đi.
– Vâng.
Đoàn tù sắp thành hàng bắt đầu đi về các lao xá.
– Bruno! Bruno!
Neubauer quay người lại. Vợ hắn đang tới gần cổng trại, giọng nói lộ vẻ xúc động mạnh:
– Bruno! Anh đứng đâu? Có gì xảy ra không? Anh có…?
Bà ta ngừng nói vì vừa nhìn thấy chồng. Phía sau bà là cô con gái.
Giận dữ, nhưng Neubauer phải nói qua hơi thở vì sợ Weber nghe:
– Tới đây làm gì vậy? Làm sao ra được chỗ này?
– Lính canh biết tôi mà. Anh không trở về nên tôi tưởng có chuyện gì xảy ra. Tất cả những người này…
Người đàn bà lại ngưng nói như vừa chợt tỉnh. Neubauer vẫn phải nói qua hơi thở:
– Tôi đã dặn kỹ là cứ ở trong đó. Tôi cấm tới đây…
Freya nói thay cho mẹ:
– Ba, hồi nãy má sợ quá nên mất trí. Còi rú lớn quá, gần quá…
Đoàn tù mới đi vào con lộ chánh, sát với chỗ ba người đang đứng. Selma hỏi nhỏ:
– Ai vậy?
– Cái gì? Có gì đâu. Tù mới tới bữa nay.
– Nhưng…
– Không nhưng gì cả. Bà tới đây làm gì? Đi về cả.
Neubauer đẩy vợ con sang một bên và ra lệnh:
– Về hết! Về mau!
Selma nhìn đăm đăm vào mặt của những người tù vừa đi ngang qua một mảng sáng trăng.
– Trông họ dường như…
– Như cái gì? Chúng là tù. Bọn phản bội Tổ quốc! Còn muốn trông họ như cái gì? Như các ông chủ Ngân hàng hả?
– Còn mấy người bị khiêng theo…
Neubauer gầm gừ:
– Tôi hểt chịu nổi rồi! Vậy là quá lắm! Toàn là chuyện buồn nôn! Chúng mới tới hôm nay, có việc gì dính líu tới tôi mà bảo họ trông như cái này, cái nọ. Trái lại, họ được tới đây là để nuôi cho mập ú lên. Có phải vậy không, Weber?
– Thưa Chỉ huy trưởng, đúng vậy.
Weber vừa đáp vừa liếc nhìn với vẻ hơi thích thú sang Freya và bỏ đi.
– Thôi, bà và con Freya về đi. Tuyệt đối cấm tới đây. Chỗ này không phải là sở thú.
Neubauer đẩy vợ con đi. Hắn sợ Selma lỡ lời có hại. Phải luôn luôn đề phòng mọi mặt. Không tin cậy ai được, cả tên Weber. Thật là phiền vì đã để Freya và Selma lên trên này vừa gặp lúc chuyến tù phát lưu mới tới! Hắn quên bảo họ cứ ở lại thành phố. Bây giờ thì không được nữa rồi vì đã có còi báo động. Có quỷ thần mới biết tại sao Selma lại dễ bị xúc động đến thế. Khi còi báo động rú lên, một mệnh phụ phu nhân bỗng biến thành một người đàn bà nói nhảm.
– Bọn lính canh rồi sẽ biết tôi! Tại sao chúng để bà tới đây? Cứ cái đà này thì rồi ai muốn tới cũng được cả!
Freya nhìn quanh:
– Chắc chẳng có bao nhiêu người muốn tới đây.
Neubauer bỗng tưởng chừng như nghẹt thở. Con nhỏ này lại muốn gì đây? Máu và thịt của mình đó sao? Cách mạng! Hắn nhìn trừng trừng vào khuôn mặt bình lặng của Freya. Có lẽ nó không nghĩ như nó nói. Thình lình hắn bật cười:
– Đừng tưởng vậy mà lầm. Bọn tù lúc nãy đã van lạy để xin được ở lại đây. Chúng cầu xin, chúng khóc lóc! Để rồi coi, chỉ vài tuần nữa, chúng sẽ khác hẳn đi đến không còn nhận ra được. Đây là trại tập trung tốt nhất nước. Nổi tiếng là một an dưỡng viện.
Khoảng 200 người của đoàn tù mới vẫn còn ở lại ngay phía trước Tiểu trại. Toàn là những người kiệt sức. Họ phải dựa vào nhau. Trong số này có Sulzbacher và Rosen. Tù nhân cũ đứng riêng ở ngoài. Họ biết là chính Weber sẽ đích thân giám thị việc phân phối về các lao xá. Vì lẽ đó nên Berger phái 509 và Bucher đi lấy đồ ăn để tên trại trưởng hung ác đừng chạm mặt họ. Nhưng cả hai đều bị đuổi trở lại. Nhà bếp cho biết chỉ phân phối thực phẩm sau khi phân phối xong các tù nhân mới.
Cảnh vật chìm trong bóng tối. Chỉ riêng Weber và Đội trưởng Schulte là có đèn bấm. Đại diện các lao xá lần lượt báo cáo. Weber bảo người phụ tá đại diện Tiểu trại:
– Cho bọn này vào đây.
Viên đại diện trại bắt đầu chia người. Schulte theo dõi từng ly từng tí trong khi Weber đi dài theo các dãy tù. Tới khu D của lao xá 22, hắn chợt hỏi:
– Sao ở đây ít hơn hôm trước?
Đại diện lao xá Handke đứng nghiêm:
– Thưa Trại trưởng, phòng này hẹp hơn các khu khác.
Weber bấm đèn lên. Ánh sáng chờn vờn qua các khuôn mặt hốc hác. 509 và Bucher đứng ở cuối hàng. Vòng tròn ánh sáng lướt qua làm 509 chóa mắt, tiếp tục lướt tới rồi quay trở lại.
– Tao nhớ dường như có biết mày, ở đâu?
– Thưa Trại trưởng, tôi ở trại nay lâu lắm rồi.
Đốm sáng tròn hạ xuống, dừng lại số đính bài.
Handke nói vào:
– Thưa Trại trưởng, hắn là một trong mấy đứa bị đưa tới văn phòng hôm trước.
– À, nhớ rồi.
Ánh sáng chiếc đèn bấm trở lại số đính bài rồi lướt qua trong khi Weber bảo Schulte:
– Ghi số của nó!
Đội trưởng Schulte trả lời với giọng tươi tắn:
– Dạ. Cho chúng vào đây bao nhiêu?
– Hai chục. Không, ba chục. Chen nhau mà sống.
Schulte và người đại diện lao xá đếm người và ghi sổ. Từ trong bóng tối, nhóm Lão Làng theo dõi cây bút chì của Schulte. Họ không hiểu hắn đã lấy số của 509 chưa. Weber không hề nhắc lại việc đó và bây giờ đèn bấm đã tắt rồi. Weber hỏi:
– Xong chưa?
– Dạ, xong rồi.
– Công việc sổ sách để mai rồi sẽ làm ở văn phòng.
Với dáng diệu tự tin, Weber nghinh ngang bỏ đi. Bọn Đội trưởng theo hắn, chỉ còn Handke vẫn loanh quanh ở đó. Hắn lừ nhừ ra lệnh:
– Bọn khiêng đồ ăn, bước ra!
Berger nói nhỏ với 509 và Bucher:
– Đừng đi. Hãy để hai người khác thay. Tốt hơn hết là đừng để cho Weber thấy mặt lần nữa.
– Schulte có ghi số đính bài của tôi không?
– Không thấy.
Lebenthal quả quyết:
– Không có ghi. Tôi đứng ở phía trước và để ý. Hắn quên.
Ba mươi tù nhân mới đứng bất động một lúc lâu trong bóng đêm lộng gió. Cuối cùng Sulzbacher lên tiếng:
– Trong lao xá còn chỗ không?
Người đứng bên cạnh hắn cất giọng khàn khàn:
– Nước, nước đâu! Ai có nước cho một chút.
Có người mang tới nửa thùng thiếc nước. Toán tù mới đổ xô tới. Họ nghiêng thùng xuống, dùng tay vốc nước cho vào miệng. Có kẻ nằm dài ra chui vào kẽ hở để giành nước. Có tiếng rên rỉ. Nước đổ ra đất. Bất kể, họ cứ liếm nước trên mặt đất. Môi họ dính đầy đất cát, đen sậm lại.
Berger thấy Sulzbacher và Rosen không nhập bọn. Ông ta bảo:
– Gần nhà cầu có vòi nước. Chỉ chảy rỉ rả thôi nhưng các bạn đủ uống. Lấy một cái thùng tới đó đi.
Một trong những người tù mới nhe răng:
– Đi lấy nước để mấy người trộm phần ăn của tụi này hả?
Rosen xách thùng lên:
– Để tôi đi.
Sulzbacher cũng bảo:
– Tôi đi nữa.
Berger ngăn lại:
– Bạn cứ ở đây. Để Bucher cùng đi và chỉ đường cho.
Rồi quay sang đảm tù mới, ông ta nói tiếp:
– Tôi là trưởng phòng của lao xá, có bổn phận giữ trật tự. Rất mong các bạn hợp tác, bằng cứ rối loạn mãi chắc chẳn sẽ không thể sống được lâu.
Không một ai trả lời. Chẳng biết họ có nghe thấy hay không. Một lúc sau, Sulzbacher hỏi:
– Ở trong còn chỗ không?
– Chật kín rồi. Bọn này phải ngủ thay phiên nhau. Một vài người bắt buộc phải ở ngoài.
– Còn gì ăn đỡ đói không? Tụi tôi đã đi suốt ngày rồi.
– Mấy người khiêng đồ ăn đang đi lấy.
– Tên tôi là Sulzbacher. Đây có phải là trại thủ tiêu không?
– Không.
– Chắc vậy à?
– Chắc chớ.
– Cám ơn Thượng đế! Cũng không có phòng hơi ngạt?
– Không.
Sulzbacher lại lầm bầm:
– Cám ơn Thượng đế!
Ông lão Ahasver chen vào:
– Nhưng đừng tưởng đây là khách sạn. Các bạn từ đâu tới.
– Chúng tôi đã đi ròng rã năm ngày. Đi bộ. Tất cả ba ngàn người. Trại cũ được lệnh dẹp bỏ. Người nào đi không nổi đều bị bắn.
– Nhưng từ đâu?
– Từ Lohme.
Một số tù mới vẫn còn nằm dài trên đất. Một người rên rỉ:
– Nước! Người đi lấy nước đâu rồi? Bộ nó ở đó uống cho no sao? Quân khốn kiếp!
Lebenthal hỏi hắn:
– Sao bạn không đi như anh ta?
Người tù vừa chửi rủa nhìn Lebenthal với ánh mắt vô hồn:
– Nước, làm ơn cho nước.
Ỏng lão Ahasver lại hỏi:
– Bạn từ Lohme tới?
– Phải.
– Có biết người nào tên Martin Schimmel ở đó không?
– Không.
– Còn một người tên Moritz Geweirz? Mũi bị đánh xẹp vào, đầu sóỏi.
Sulzbacher mệt mỏi đáp:
– Không.
– Biết Gedalje Gold không? Hắn chỉ còn một vành tai. Ở lao xá 12.
– Mười hai?
– Phải. Bốn năm trước.
– Trời!
Sulzbacher vừa kêu lên vừa quay mặt đi – Câu hỏi quá trẻ con – Bốn năm. Tại sao không là một trăm năm?
509 nói xen vào:
– Thôi để anh bạn mới nghỉ. Đi xa mệt lắm.
Người tù già thì thầm với mình:
– Họ là bạn của tôi. Chỉ muốn biết số phận họ.
Bucher và Rosen khiêng thùng nước về. Có dấu xây xát trên người Rosen. Áo anh ta bị xé toạc tới vai. Bucher nói:
– Họ đánh nhau giành nước. Nhờ có Mahner nếu không thì loạn xà ngầu. Bây giờ họ đã xếp hàng có trật tự rồi. Mình cũng phải làm như thế ở đây, nếu không thì thùng nước lại đổ nữa.
Những người tù mới đứng lên. Berger ra lệnh:
– Tất cả đứng thành hàng! Mỗi người sẽ được phát một ít. Người nào không đứng trong hàng sẽ không có nước.
Đoàn tù mới lục tục vào hàng, chỉ có hai người chạy ùa tới. Cả hai đều bị đánh gục. Ahasver và 509 đem một số ca nhôm múc nước phân phối. Bucher bảo Rosen:
– Tụi mình thử đi chuyến nữa coi. Chắc không còn lộn xộn đâu.
Sulzbacher nói giọng vô hồn:
– Chúng tôi có tất cả ba ngàn người.
Toán tù khiêng thực phẩm về tới. Không có đồ ăn cho đoàn tù mới. Hỗn loạn diễn ra. Họ ấu đả nhau trước Khu A và B. Người Trưởng phòng ở đó không biết phải làm sao. Tại Khu D, Berger bình tĩnh nói với 509:
– Mình phải chia cho họ một ít.
– Chỉ có thể cho súp thôi. Không thể cho bánh mì. Bọn mình đã chịu đói lâu hơn họ.
– Được rồi. Nhường súp cho họ.
Và Berger nói với Sulzbacher:
– Nhà bếp không phát khẩu phần cho các bạn bữa nay. Nhưng chúng tôi sẽ nhường súp cho.
– Cám ơn ông
– Cái gì?
– Cám ơn.
Tù nhân cũ nhìn hắn với những cặp mắt ngạc nhiên. Từ lâu họ đã bỏ mất hai tiếng cám ơn.
Berger bình tĩnh lại:
– Có ai trong các bạn có thể đứng ra làm trật tự viên không?
– Có Rosen với hai người bên cạnh anh ta. Việc phân phối thức ăn bắt đầu. Rosen đứng canh chừng để ngăn chận những người tới hai lần. Một số tù cũ lên tiếng than phiền. Berger trấn an:
– Đây là mình chỉ cho mượn thôi. Mai họ trả lại.
Và quay sang Sulzbacher:
– Chúng tôi cần bánh mì vì đói lâu ngày rồi.
– Cám ơn ông và các bạn. Ngày mai chúng tôi sẽ trả lại.
Sau mấy phút ăn uống qua loa cho đỡ đói, bọ bắt đầu lo chỗ ngủ. Hầu hết những người trong nhóm Lão Làng đều ở bên ngoài để nhường một ít chỗ cho tù mới. Ông lão Ahasver và thằng bé Karel cũng có mặt trong số này, kể cả con chó chăn cừu. Rosen, Sulzbacher và khoảng hơn mười tù nhân mới cùng ở ngoài với nhóm Lão Làng. Sulzbacher bực tức nói:
– Phiền quá.
– Có gì phiền đâu. Vả lại bạn đâu phải chịu hết trách nhiệm cho họ.
Trời nhuốm lạnh hơn. Từ trong lao xá thỉnh thoảng có tiếng rên rỉ và tiếng la hoảng của những người gặp ác mộng. Sulzbacher nói với 509:
– Cám ơn Trời! Thật là may mắn! Chúng tôi cứ tưởng bị giải tới một trại thủ tiêu.
509 chẳng trả lời. May mắn, hắn nghĩ thầm, có thể đúng.
Ông lão Ahasver lại bắt chuyện:
– Các anh đi đường ra sao?
– Chúng nó bắn bỏ những người đi không nổi. Chúng tôi có tất cả ba ngàn…
– Biết rồi, lúc nãy bạn đã nói tới mấy lần.
– Phải.
509 hỏi:
– Bạn có nhìn thấy gì không? Tình trạng bây giờ ra sao?
Sulzbacher suy nghĩ một lúc rồi uể oải đáp:
– Hai đêm trước đây chúng tôi vẫn còn đủ nước. Về đồ ăn thì lúc có lúc không. Chúng tôi đông lắm.
Rosen chen vào:
– Anh quên nói có người cho bốn chai bia.
509 cố giấu vẻ sốt ruột:
– Tôi không hỏi chuyện đó. Tôi muốn biết xem các thành phố hiện nay ra sao, có bị tàn phá không?
– Chúng không cho bọn này đi qua thị trấn.
– Nhưng bạn có thấy gì không?
Sulzbacher nhìn 509:
– Chẳng thể nhìn thấy bao nhiêu khi đã đi không muốn nổi giữa lúc chúng bắn phía sau. Không gặp một chuyến xe lửa nào cả.
– Tại sao trại bị dẹp bỏ?
– Vì trận tuyến đã tới gần.
– Ủa, làm sao bạn biết? Nói mau đi? Lohme ở đâu? Có cách xa sông Rhin không?
Sulzbacher cố giữ mí mắt khỏi sụp xuống:
– Xa… năm mươi… bảy mươi cây… số… mai sẽ…
Đầu hắn gục xuống nhưng hắn cố nói:
– Mai sẽ… nói… buồn ngủ…
Ông lão Ahasver nói vào:
– Tôi đã từng bị giam ở Lohme. Cách sông Rhin 70 cây số.
509 vừa lẩm bẩm vừa tính nhẩm:
– Bảy mươi… và cách chỗ này… hai trăm… hai trăm năm chực cây số.
Người tù già nhún vai:
– 509, anh cứ mãi nghĩ tới cây số thôi. Sao không nghĩ là bọn nó có thể đối phó với mình như các bạn mới tới này? Dẹp trại… giải tù đi nơi khác… Chừng đó mình sẽ ra sao? Bọn mình có còn ai cất bước nổi đâu?
Rosen nói như nằm mơ:
– Đi không nổi sẽ bị bắn bỏ.
Và hắn lại ngáy ngon. Những người còn thức đều im lặng. Họ quên mất sự thật có thể xảy ra đó. Bây giờ họ bỗng thấy sợ. 509 đăm chiêu nhìn lên những cụm mây bạc bay qua. Rồi hắn nhìn xuống những con đường trong thung lũng mập mờ dưới ánh trăng. Hắn hơi tiếc là đã đồng ý chia súp. Biết chừng đâu mình còn đi nổi. Nhưng đi nổi có giủp ích được gì không? Nhất là chỉ còn đủ sức đi trong vài phút? Hắn nói gần như để mình nghe:
– Biết đâu lần này chúng không bắn những người không đi nổi?
Người tù già nói giọng mỉa mai:
– Vậy sao? Nếu vậy, chúng sẽ cho mình thức ăn ngon, phát quần áo mới rồi vẫy tay chào từ giã.
509 nhìn Ahasver. Ông lão vẫn thản nhiên. Chẳng còn gì có thể làm cho ông ta sợ được nữa.
Berger bỗng lên tiếng:
– Lebenthal tới.
Lebenthal ngồi xuống bên họ. 509 hỏi:
– C6 nghe được gì thêm không, Leo?
Leo gật đầu:
– Chúng nó đang có ý định thủ tiêu thật nhiều những tù mới. Người thư ký tóc đỏ đã mật báo với Lewinsky. Anh ta không biết họ sẽ thực hiện bằng cách nào, nhưng có lẽ chỉ trong nay mai. Rồi chúng sẽ phúc trình là những người đó chết trong lúc đi đường.
Một trong số những tù mới vùng dậy trong cơn mê ngủ, thét lên rồi ngã phịch xuống ngủ say, mồm há hốc.
– Chỉ có ý định thanh toán tù mới thôi hả?
– Lewinsky chỉ biết có bấy nhiêu. Nhưng hắn bảo mình phải đề phòng.
– Đúng vậy, cần phải đề phòng.
509 suy nghĩ một lát rồi tiếp:
– Nghĩa là bọn mình phải sập bẫy xuống, phải vậy không?
– Dĩ nhiên.
Meyer nói toạc ra:
– Nếu chúng ta cho mấy người tù mới biết, họ sẽ đề phòng. Và nếu bọn SS không tìm ra đủ số, chúng sẽ bắt bọn mình thay vào.
509 liếc nhìn Sulzbacher đang ngủ say, đầu tựa vào vai Berger.
– Đúng vậy. Nhưng phải làm sao bây giờ?
Đó là một quyết định khó khăn. Meyer đã nói đúng. Họ im lặng thật lâu. Sau cùng, Meyer lên tiếng:
– Họ không liên can gì tới mình cả. Phải lo liệu cho mình trước.
Berger đưa tay dụi đôi mắt đỏ. 509 bấu chặt tay vào cánh áo. Ahasver quay nhìn Meyer, ánh trăng mờ ảo làm mắt người tù già chiếu sáng ra:
– Nếu họ không liên can gì tới mình thì mình cũng chẳng dại gì liên can tới ai.
Berger ngẩng đầu lên:
– Ông nói đúng.
Ahasver từ từ ngã người dựa vào tường. Cái đầu xương xẩu với đôi trũng mắt sâu hoắm của ông ta dường như đang nhìn thấy một cái gì mà mọi người không thể thấy. Berger thở dài:
– Mình cho hai người bạn mới này biết, họ sẽ thông báo cho những người kia. Chúng ta không thể làm gì hơn. Có biết chuyện gì sắp xảy ra đâu.
Karel vào trong từ lúc nãy bây giờ trở ra thông báo:
– Có một người mới chết.
509 đứng lên:
– Mình vào khiêng hắn ra. Ahasver, ông cũng vào luôn nằm chỗ đó ngủ một chút.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.