Lửa Yêu Thương Lửa Ngục Tù

CHƯƠNG 15



Hai trăm người tù đi thành một hàng dài trên phố. Đây là lần đầu tiên họ được dùng trong công việc dọn dẹp bên trong thành phố. Từ trước tới nay họ chỉ được cho làm việc tại các cơ xưởng bị tàn phá ở ngoại ô.
Lính SS trấn giữ tại các ngã đường và chia thành từng tiểu đội canh gác phía bên trái. Bom chỉ rơi bên phải. Tường và mái nhà đổ tràn ra ngoài đường khiến cho lưu thông gián đoạn.
Vì không có đủ xẻng, cuốc nên một số tù nhân phải làm việc bằng tay không. Bọn trật tự viên và giám thị cuống quít lên, chúng không biết nên đánh đập để thúc hối đoàn tù hay phải tự kềm chế. Mặc dầu thường dân bị cấm qua lại nơi này nhưng gia chủ của các ngôi nhà sup đổ vẫn còn ở lại.
Lewinsky và Werner làm việc gần nhau, cả hai đều tình nguyện xung vào đoàn khai quang với một số tù nhân chánh trị khác mà sinh mạng đang bị đe dọa. Tuy công việc ở đây vất vả hơn nhưng ít ra nó cũng giúp họ khỏi bị bọn SS bắt gặp trong trại lúc ban ngày.
Werner hỏi nhỏ:
– Có thấy tấm bảng tên đường không?
Lewinsky nhăn mặt. Con đường mang tên Hitler.
– Thấy. Tên của thánh thần đó nhưng vẫn cứ bị ăn bom.
Lưng áo rằn của họ ướt đẫm mồ hôi. Họ gặp Goldstein khi được di chuyển tới một nơi khác. Hắn cũng tình nguyện đi mặc dầu đang đau tim. Werner và Lewinsky không ngăn cản vì thừa hiểu tù chánh trị còn ở lại trại lúc ban ngày là khó thoát khỏi tay bọn SS. Mặt hắn lúc này đã xám xịt. Cánh mũi hắn phồng lên, xệp xuống:
– Có mùi thúi ở đây. Chắc là của xác chết đã lâu ngày.
– Đúng rồi.
Họ đã quen đánh mùi và mùi xác chết lại càng quen thuộc hơn. Họ chất đống những gạch ngói bể nát dài theo một bờ tường. Những mảnh vụn nát được chất lên xe kéo đi nơi khác. Phía sau họ, bên kia đường là một cửa hàng thực phẩm. Tất cả các cửa sổ đều bị thổi bay nhưng một số hộp giấy đã được gom chất đống trước cửa. Một gã đàn ông có râu mũi từ phía sau đống hộp nhìn ra. Đó là một trong những khuôn mặt quen thuộc vào năm 1933 khi xuống đường với những biểu ngữ: Không mua đồ của người Do Thái. Cái đầu hắn như bị cắt ngang bởi bức tường nơi cửa sổ.
Trong một cái sân không bị trúng bom, trẻ con đang đùa nghịch. Bên cạnh chúng là một người đàn bà mặc áo đỏ đang nhìn những người tù. Thình lình mấy con chó từ chỗ đó phóng chạy qua đường. Chúng ngửi giày và quần áo tả tơi của các tù nhân. Một con chó bỗng chồm lên như mừng đón người tù có số 7105. Tên trật tự viên của toán này không biết phải làm sao. Mặc dầu chỉ là chó chớ không phải người nhưng việc làm bạn với một tù nhân không được cho là thích hợp – nhất là trước mặt bọn SS.
Người tù mang số 7105 cũng luống cuống. Hắn vẫn cắm cúi làm việc như con vật chẳng hề có mặt. Nhưng con chó vẫn theo hắn. 7105 cúi xuống cố gắng làm việc hăng hái hơn. Hắn lo sợ: cử chỉ quấn quít của con vật cũng có thể mang tới sự chết chóc.
Tên tù giữ trật tự đưa dùi cui lên và quát:
– Đi! Đi chỗ khác, đồ lông xù hôi hám!
Lúc này hắn đã có chủ ý. Phải tỏ ra cứng rắn trước mặt bọn SS. Tuy nhiên, con vật vẫn phớt lờ, nó cứ nhảy nhót chung quanh 7105, thỉnh thoảng lại chồm lên.
Tên trật tự viên ném mấy hòn đá về phía con vật. Hòn đá đầu tiên trúng vào đầu gối 7105, cho tới hòn thứ ba mới trúng ngay vào bụng chó. Con vât nhảy qua một bên và sủa kẻ ném đá. Tên trật tự viên lượm một viên đá khác vừa ném vừa chửi rủa:
– Đồ quái vật! Cút mau!
Con chó tránh thoát nhưng không bỏ chạy. Nó phóng tới và chụp vào người tên trật tự viên. Hắn té ngửa ra trên đống gạch vụn. Con chó nhe răng gầm gừ. Cuống cuồng, hắn kêu to:
– Cứu tôi! Mau cứu tôi!
Bọn SS gần đó cười rộ lên.
Người đàn bà mặc áo đỏ chạy qua đường gọi con vật:
– Về đầy! Về ngay đi! Con quỷ này cứ rắc rối hoài!
Vừa nói bà ta vừa kéo lôi con chó về nhà. Vẻ sự sệt, người đàn bà nói với tên lính SS đứng canh gần đó:
– Nó bứt dây mà tôi không hay. Để tôi cột nó lại.
Tên lính SS lên mặt:
– Chút nữa nó đã ngoạm tên kia một miếng.
Người đàn bà cười gượng:
– Để tôi xích nó lại ngay.
Tên trật tự viên đã đứng lên và phủi bụi trên quần áo. Một tên lính trong bọn SS hỏi gã trật tự viên:
– Sao không cắn nó?
Gã trật tự viên lặng thinh. Đó là phương cách tốt nhất. Hắn tiếp tục phủi bụi một lúc nữa rồi hùng hổ bước tới chỗ các tù nhân đang làm việc. 7105 đang cố lôi một cái bàn ngồi vệ sinh ra khỏi đống gạch vụn thì bị gã trật tự viên đá ngã nhào. Nhóm tù chung quanh không dám ngừng tay song vẫn theo dõi bằng khóe mắt. Tên lính lúc nãy nói chuyện với người đàn bà xồng xộc đi qua. Hắn đá mạnh vào mông tên tù giữ trật tự:
– Để yên cho nó! Có phải lỗi của nó đâu! Sao hồi nãy mày không cắn lại, đồ chim ục!
Ngạc nhiên, gã tù chuyên thói hống hách quay lại. Nét giận dữ trên mặt đã nhường chỗ cho một cái cười như mếu:
– Vâng, vâng. Tôi chỉ muốn…
– Làm phận sự đi!
Tên trật tự viên lại lãnh thêm một giày vào bụng. Hắn cố đứng nghiêm rồi quay mình về chỗ.
Lewinsky hỏi nhỏ Werner:
– Có để ý gì không?
– Chắc là tại có mặt dân chúng quanh đây.
Thỉnh thoảng, các toán tù len lén nhìn qua bên kia đường và bờ đường bên kia nhìn sang họ. Mặc dầu chỉ cách nhau mấy thước nhưng khoảng cách lại xa diệu vợi như khoảng cách giữa hai lục địa. Đa số tù nhân mới có dịp nhìn tận mắt thành phố lần đầu kể từ khi vào trại. Họ lại bắt gặp dân chúng đi đi lại lại với công việc hàng ngày. Đối với họ hình như cảnh tượng đó chỉ có trên Hỏa tinh.
Một thiếu nữ giúp việc nhà mặc áo xanh đốm trắng đang lau chùi những cánh cửa sổ còn nguyên vẹn của một ngôi nhà. Hai tay áo xăn cao, cô ta vừa làm vừa hát nho nhỏ. Ở một cửa sổ khác, một bà lão thò đầu ra, tóc trắng xóa. Ánh nắng rơi trên tóc, chói sáng trên những tấm màn và những bức ảnh trong phòng. Mắt bà buồn bã nhìn về phía đoàn tù. Ở góc đường là một nhà thuốc Tây. Người chủ hiệu đứng trước cửa ngáp dài. Một thiếu nữ mặc áo màu da beo đi ra phố, chân mang giày, tay mang bao len. Bọn SS nhường cho cô ta đi qua. Nhiều người tù chưa bao giờ trông thấy một phụ nữ từ nhiêu năm. Tất cả đều chú ý đến cô gái, chỉ trừ một mình Lewinsky là nhìn sững phía sau.
Werner cảnh giác:
– Coi chừng! Giúp tôi một tay!
Hắn vừa nói vừa chỉ một mảnh vải từ trong đống gạch đổ nát ló ra:
– Chắc có người bị chôn lấp ở đây.
Họ cuốc những mảnh gạch đá qua một bên. Ít phút sau, một khuôn mặt nát bấy, bê bết máu lộ ra. Bên cạnh đó là một bàn tay. Có lẽ người này đã đưa tay lên che mặt khi tòa nhà đổ xuống.
Bọn SS bên kia đường đang chọc phá cô gái với những lời đùa cợt. Cô ta cười và liếc mắt với chúng…
Bỗng nhiên còi báo động rú vang.
Người chủ hiệu thuốc Tây biến mau vào trong. Cô gái áo da beo chạy quýnh quáng. Vấp phải một đống gạch ngói, thiếu nữ té dài, bít tất rách toạt, đôi bao tay xanh dính đầy vôi cát. Tù nhân đứng thẳng người lên.
– Đứng yên! Nhúc nhích sẽ bị bắn bỏ!
Bọn SS từ các ngã đường chạy ùa ra:
– So hàng lại! Đứng hàng tư! Bước đều, bước!
Đoàn tù hoang mang không biết phải nghe theo lệnh nào. Một vài phát súng nổ. Bọn SS cuối cùng họp thành một nhóm. Các tên Tiểu đội trưởng phân vân không biết phải làm gì. Còi chỉ mới báo động lần đầu nhưng bọn chúng đều sợ sệt ra mặt, cứ nhìn lên không. Nền trời tươi sáng dường như trong chốc lát tươi sáng hơn lên nhưng đồng thời cũng tối sầm lại.
Bây giờ bên kia đường đã náo nhiệt hơn. Những người trước đây không thấy đâu, lúc này tràn ra ngoài. Trẻ con la khóc. Người chủ cửa hàng tạp hóa phóng vọt ra khỏi tiệm và bò trên các đống gạch đổ nát trông như một con giòi. Một thiếu phụ vừa chạy vừa xách theo một lồng chim. Có gái ở thuê, váy tốc cao, chạy hối hả. Lewinsky nhìn theo cô ta. Giữa khoảng bít tất đen và quần lót xanh nổi bật làn da trắng của hai chân.
Trong một thoáng, cảnh vật đã biến đổi: bờ đường thanh bình và tự do phía bên kia bây giờ bỗng tràn ngập những người chạy tìm nơi trú ẩn vơi nét mặt kinh hoàng, trong khi bên này đường, tù nhân đứng lặng câm trước cảnh đổ nát, nhìn sang.
Một gã Tiểu đội trưởng SS dường như nhận ra điều đó. Hắn hô to:
– Tất cả, đằng sau, quay!
Bây giờ, đoàn tù đứng đối diện cảnh hoang tàn.
Còi bẳt đầu đổi giọng. Bọn SS chạy nhào tới một hầm núp tại căn nhà gần đó, chỉ chừa lại một vài tên canh giữ hai đầu đường:
– Trật tự viên! Cấm chúng cử động! Đứa nào nhúc nhích sẽ bị bắn ngay!
Sắc mặt của tù nhân căng thẳng. Họ nhìn đăm đăm vào các bức tường sụp đổ và chờ đợi. Họ không được lệnh cho nằm xuống. Bọn SS muốn họ đứng để dễ kiểm soát. Thình lình con chó lúc nãy hiện ra. Nó lại bứt dây và đi tìm 7105. Vừa gặp hắn, con vật chồm lên liếm mặt.
Trong một thoáng, mọi tiếng động ngưng bặt. Trong sự im lặng bất thần dường như bứt xé thần kinh ấy, đột nhiên có tiếng dương cầm nổi lên. Tiếng đàn vọng lên rõ ràng và trong sáng nhưng chỉ trong phút chốc lại tan biến. Tuy nhiên, Werner đã nhận ra đó là nhạc điệu của tù nhân từ Fidelio. Nhất định không phải là một bản nhạc qua máy thu thanh. Đài phát thanh không hề cho chơi nhạc trong khi có báo động… có thể đó là một điệu nhạc từ một máy quay dĩa mà người nào đã quên vặn tắt, cũng có thể một người nào đó đang đánh dương cầm bên cửa sổ.
Tiếng đàn lại nổi lên. Werner cố tập trung tinh thần theo nhịp điệu, cắn chặt răng, hắn cố lắng nghe. Hắn không muốn nghĩ tới những quả bom và sự chết chóc. Hắn không thể chết lúc này. Không thể chết một cách phi lý. Hắn cố nhớ bản nhạc, một bản nhạc mà các tù binh kia đã hát lên khi lấy lại tự do. Bàn tay nắm chặt, hắn cố nghe từng tiếng dương cầm, nhưng điệu đàn đã chìm trong sự đổ vỡ loảng xoảng của kim khí.
Cả thành phố rung chuyển với quả bom đầu tiên. Tiếng bom rú ngắt khoảng giọng hú của còi báo động. Một mảng tường từ từ long ra. Một số đông tù nhân cuống cuồng ném mình lên những đống gạch vụn. Bọn giám thị chạy tới:
– Đứng lên! Đứng cả lên!
Tiếng quát tháo của chúng chìm khuất. Chúng lôi những người tù quá sợ đứng lên. Goldstein nhìn thấy đầu của một người tù vừa ném mình xuống lúc nãy bị đổ máu. Người tù bên cạnh hắn ôm lấy bụng rồi ngã sấp. Họ không bị thương vì mảnh bom mà là bởi những phát súng không nghe thấy của bọn SS.
Goldstein thét lớn với Werner:
– Cái hầm kìa! Chui vô đó! Bọn chúng không dám tới đâu!
Họ nhìn một căn hầm bỏ trống của ngôi nhà đổ nát. Căn hầm như rộng thênh thang. Bóng tối trong nó là sự an toàn. Căn hầm như có sức cuốn xoáy khiến họ không cưỡng nổi. Những người tù đứng đó, nhìn chằm chặp vào căn hầm như bị thôi miên. Họ bắt đầu lảo đảo. Werner cố cưỡng lại:
– Không.
Và hắn thét to lên:
– Không được. Tất cả sẽ bị bắn! Cứ đứng yên!
Goldstein quay nhìn Werner. Mắt hắn đục ngừ như diệp thạch. Miệng hắn xoay động:
– Không phải chạy để núp. Phải đào tẩu! Chạy luôn qua đó! Có một lối ra ở phía sau!
– Không!
Hắn tưởng là mình đang nói nhỏ nhưng sự thật thì hắn đang hét thật to giữa những tiếng ầm ĩ hỗn loạn “Không!” Chẳng phải là để nói với Goldstein mà là để nói với chính hắn. “Ngay lúc này không được! Không được đâul” Hắn biết đó là sự điên cuồng, bao nhiêu công trình xây dựng ngấm ngầm của anh em sẽ lâm nguy, bạn bè sẽ bị giết chết như trùng dế. Cứ mỗi tù nhân vượt ngực là mười tù nhân khác bị giết chết. Máu sẽ đổ đầy đường.
– Không!
Werner hét lên và giữ chặt Goldstein lại đồng thời cũng giữ chính mình.
Các bửc tường rung chuyển. Một sức lay động mãnh liệt xảy ra rất gần và một mảng tường lớn đổ ập xuống. Một tù nhân gần đó bị mảng tường nát vụn úp chụp lên, nhưng hắn vẫn còn đứng ngơ ngác không hiểu vì sao thình lình có một đống gạch vôi và cát phủ xuống tới tận hông mà hắn vẫn còn sống. Bên cạnh hắn, một số tay chân từ trong đống gạch ló ra, giãy giụa vài phút rồi bất động.
Áp lực từ từ lắng xuống. Thoạt tiên, không một ai chú ý, chỉ thấy là cái gì siết kẹp quanh đầu bỗng như nới lỏng ra. Rồi lần làn tiếng ồn ào khác với tiếng va chạm của kim khí và gạch đá nổi lên. Tới lúc đó, họ biết là đã xong rồi.
Bọn SS từ hầm núp chui ra. Werner nhìn bức tường trước mắt, nhìn căn hầm bỏ trống, không còn cảm thấy sức cuốn xoáy đen ngòm của nó nữa. Dưới chân hắn, khuôn mặt bê bết máu lúc nãy vẫn còn đó, đằng kia là chân tay bị vùi lấp không trọn vẹn của các người đồng cảnh. Rồi hắn bỗng nghe một lần nữa tiếng dương cầm nổi lên trong những tràng súng cao xạ. Hắn mím môi.
Khẩu lệnh vang lên. Người tù sống sót giữa đống gạch đổ nát trèo ra khỏi nơi đó. Bàn chân phải của hắn cong vẹo. Hắn đứng một chân cố giữ cho khỏi ngã. Một tên SS chạy tới:
– Làm việc đi! Đào những đứa chết ra!
Toán tù xông lại đào xới bằng cuốc, xuổng và tay không. Vài phút sau, họ đã thấy bốn người bạn lẫn lộn trong đó. Ba người đã chết. Họ khiêng người còn ngoắc ngoải ra. Werner nhìn quanh tìm phương tiện cứu cấp. Hắn chợt thấy thiếu phụ áo đỏ bước ra khỏi nhà. Bà ta không chạy vào hầm núp. Bây giờ trên tay bà ta có một ca nước và một cái khăn. Người đàn bà nhìn thẳng, đi ngang qua bọn SS, tới trước chỗ người tù bị thương, đặt ca xuống. Bọn SS nhìn nhau chẳng biết nên có thái độ nào. Thiẽu phụ bắt đầu rửa sạch mặt người tù. Hắn ói ra từng ngụm máu. Người đàn bà lại lau sạch. Một tên SS bỗng bật cười.
Tiếng súng cao xạ im bặt. Trong không khí yên lặng, tiếng dương cầm lại nổi lên. Bây giờ Werner đã biết rõ người đánh dương cầm ngồi bên cửa sổ lầu nhất cửa hiệu tạp hóa. Ông ta đeo kính và đúng là đang chơi bản nhạc nói về những người tù được tự do. Bọn SS nhíu mày. Một tên vỗ tay vào trán. Werner không hiểu người đàn ông ấy đánh đàn để quên sự sợ hãi hay còn một ý nghĩa nào khác. Hắn muốn rằng bản nhạc đó là một thông điệp ngầm cho hắn và cho các người đang sống cảnh tù ngực.
Dân chúng bắt đầu rời hầm trú ẩn. Bọn SS lấy lại cung cách nhà binh. Khẩu lệnh lại vang lên đây đó. Một tên SS được cắt đặt ở lại với đám tù chết và bị thương, rồi đoàn tù được lệnh di chuyển tới một miệng hầm bị bom lấp kín.
Hố bom còn nồng nặc mùi lưu huỳnh. Bên miệng hố, một vài thân cây trốc gốc ngã nghiêng, lòi rễ ra ngoài. Quãng đường sắt gần bên công viên vặn vẹo và chĩa mũi nhọn lên. Quả bom đã không rớt ngay trên hầm mà chỉ rơi một bên làm bịt miệng hầm lại.
Suốt hai tiếng đồng hồ, đoàn tù cố gắng mở lại miệng hầm. Họ moi sạch đất cát tại các bậc thang. Họ làm việc thật hăng dường như những người trong hầm là bạn đồng lao.
Nửa giờ sau, miệng hầm được khai thông. Trước đó khoảng mười phút, họ nghe thấy tiếng kêu la từ bên trong. Lúc miệng hầm vừa được mở ra một khoảnh, tiếng kêu la vang dậy hơn. Một cái đầu thò ra và kêu thét. Tức khắc có hai hàn tay từ bên dưới ló lên moi moi vào đống gạch đất đổ nát trông như một con chuột khổng lò bươi đất để ra khỏi miệng hang.
Một tên trật tự viên la lớn:
– Coi chừng! Lại sập nữa bây giờ!
Cái đầu bị kéo vào rồi một cái đầu khác ló ra, kêu réo. Nhưng cái đầu thứ hai lại cũng bị kéo thụt vào. Những người trong căn phòng nghẹt thở đang tranh nhau một chỗ có ánh sáng.
– Đẩy họ vào! Bị thương cả đám bây giờ! Phải moi lỗ hổng lớn thêm ra! Đẩy họ vào!
Toán tù dùng tay đẩy họ vào trong khi những tù nhân khác dùng cuốc xuổng đào xới. Họ tận lực như để cứu thoát chính sinh mạng họ. Sau cùng miệng hầm được mở ra khá rộng vừa đủ cho một người chui qua. Ông ta có vẻ khỏe mạnh. Lewinsky nhận ngay ra người chủ hiệu tạp hoa có râu mũi. Ông ta tự lực bươn tới vừa rên hừ hừ. Tới khoảng giữa bụng thì ông ta bị vướng. Tiếng la hét bên trong nổi dậy lớn hơn. Họ nắm chân ông ta lôi xuống. “Cứu tôi. Cứu tôi ra! Tôi hứa sẽ… cho…”, ông ta la thét lên lanh lảnh.
Chới với, người có râu mép cố bấu tay vào miệng hầm van xin các tù nhân:
– Mau cứu tôi! Quý vị ơi! Xin cứu tôi!
Bộ râu Hitler đảo qua đảo lại, trông ông ta như một con hải cẩu mắc bẫy.
Mấy người tù nắm tay ông ta lôi ra. Vừa được buông ra, người chủ hiệu tạp hóa rụng xuống, cố đứng lên ngay rồi bỏ chạy không một lời cám ơn. Cửa hầm lần lần được nới rộng thêm. Toán tù lùi bước lại.
Những người trốn bom lần lượt kéo ra. Đàn bà, trẻ con, đàn ông… Một số hấp tốp, mặt xanh như chàm, áo ướt mồ hôi… một số khác khóc lóc rên la, chửi rủa… và rồi tới phiên những người câm lặng, những người không quá sợ.
Goldstein thì thầm:
– Quý vị! Bạn có nghe không? Quý vị, hắn gọi mình thế…
Lewinsky gật đầu rồi nhái giọng của người có râu mũi:
– Tôi hứa sẽ cho… Rồi chẳng có gì cả. Trông hắn như con khỉ.
Bỗng nhiên hắn chú ý tới Goldstein:
– Thật là kỳ dị! Thay vì họ cứu mình thì mình lại cứu họ.
Goldstein lảo đảo rồi ngả nghiêng ra. Nhanh tay, Lewinsky và Werner chụp kịp đặt hắn nằm xuống một mô đất.
Họ đứng bên miệng hầm, họ là những người từ của năm này qua năm khác, họ đứng nhìn những người chỉ bị giam hãm trong giây lát đi ngang qua. Lewinsky nhớ lại một cái gì tương tự đã xảy ra… khi đoàn tù đi ngược chiều với đám dân chúng trên đường di tản khỏi thành phố. Hắn chợt thấy cô gái áảo xanh đốm trắng vừa chui ra miệng hầm. Cô ta vừa phủi áo vừa cười với hắn. Một phế binh chống nạng theo ra. Người lính tàn phế này kéo sát hai chiếc nạng lại để đứng nghiêm rồi chào các tù nhân theo kiểu nhà binh trước khi khập khểnh ra đường. Người sau cùng ra khỏi hầm là một ông lão, da mặt nhăn nheo. Ông lão hom hem nhìn những người tù và nói giọng run run:
– Cám ơn lắm. Trong đó còn mấy người bị đất vùi.
Chậm chạp và thanh thoát, ông lão bước lên các nấc thang xiêu vẹo. Toán tù cứu cấp vào trong hầm.
Bây giờ, họ đang trên đường về trại, mang theo những người bạn đã chết và bị thương. Nắng chiều nhuộm thắm cả bầu trời. Không khí trong mát, trời đất xinh tươi tưởng chừng như thời gian ngừng lại… không có chết chóc và tàn phá.
– Tụi mình cũng là những anh hùng chớ bỏ sao!
Goldstein đã có vẻ tươi tỉnh lại. Hắn nói thêm:
– Đào xới đau nhức cả xương ngón tay để cứu những kẻ chẳng ngó ngàng gì tới mình cả.
Werner ném một cái nhìn nghiêm khắc:
– Bạn không nên đi với toán khai quang nữa. Đi thế này có ngày sẽ mất mạng.
– Chớ ở lại trại để bọn SS tóm cổ à?
– Chúng tôi sẽ lo cho bạn một chỗ khác.
Goldstein cười thiểu não:
– Vậy là tôi đã thích hợp với Tiểu trại?
Werner vẫn lạnh lùng:
– Tại sao không? Ở đó an toàn hơn, vả lại cũng nên có người của mình ở đó.
Gã trật tự viên đã đá 7105 lúc nãy đi ngang chỗ người tù này. Hắn đi bên cạnh một lúc rồi dúi vào tay 7105 một vật và bước chậm lại. 7105 nhìn xuống tay, ngạc nhiên lẩm bẩm:
– Một điếu thuốc.
Lewinsky ra vẻ suy tư:
– Bọn chúng đã bớt hung hăng. Có lẽ chúng đang nghĩ tới tương lai.
Werner gật đầu:
– Cũng nên để ý tới gã trật tự viên này. Có thể còn nhiều việc phải nhờ tới anh ta.
Họ lê chân dưới nắng chiều dìu dịu. Muenzer bỗng lên tiếng:
– Thành phố. Nhà cửa. Dân chúng tự do. Chỉ cách mình mấy thước. Dường như không phải đang sống trong cảnh ngục tù.
7105 ngẩng mặt lên:
– Chẳng biết họ nghĩ gì về mình.
– Nghĩ gì à? Có trời mới biết họ hiểu thế nào về chúng ta. Vả lại, chính họ bây giờ cũng chẳng sung sướng chút nào.
Họ bắt đầu đi lên đồi. 7105 nói với giọng tiếc rẻ:
– Ước gì tôi có con chó đó…
Muenzer chêm ngay vào:
– Nướng thì tuyệt diệu. Ít lắm cũng phải 15 kí.
– Không phải. Tôi không nói tới chuyên ăn. Tôi chỉ muốn có nó bên cạnh.
Chiếc xe không thể vượt qua. Hầu hết các con đường đều nghẽn lối. Neubauer bảo tài xế:
– Lái trở lại, Alfred! Chú chờ tôi ở trước nhà.
Hắn xuống xe để đi bộ. Hắn trèo qua một bức tường đổ ụp ra đường. Phần còn lại của ngôi nhà vẫn đứng yên. Một người đàn ông đứng nơi chỗ tường đổ, mình mẩy vấy máu. Ông ta cứ nhìn đăm đăm vào khoảng trống của ngôi nhà, không nhúc nhích. Phía sau ông ta, một người đàn bà chạy tới chạy lui thu dọn những vật dụng, bàn ghế tung tóe khắp gian phòng.
Neubauer nghe có gì động đậy trong đống gạch đá vụn dưới chân. Đống gạch đá tiếp tục động đậy. Hắn cúi xuống bới những viên đá gạch sang một bên. Một cánh tay người lộ ra. Hắn kêu to:
– Có ai đó không? Tại đây có người bị… Mau đi!
Không ai nghe tiếng kêu của hắn. Hắn nhìn quanh. Trên đường không một bóng người. Hắn gọi người đàn ông đứng chỗ bức tường đó:
– Ông ơi, lại đây mau! Có người bị lấp ở đây!
Người đàn ông đưa tay chùi vết máu trên mặt nhưng không quay đầu lại. Neubauer dời một tảng gạch sang bên. Hắn nhìn thấy một mảng tóc, vội vàng quay lại gọi:
– Alfred, lại đây mau!
Chiếc xe không còn đó. Hắn chửi lớn:
– Đồ trâu chó! Lúc mình cần tới thì chẳng có ai!
Hắn tiếp tục dùng tay bươi móc. Mồ hôi đã thấm ướt mặt và cổ. Hắn không quen với công việc tay chân. Hắn nghĩ tới cảnh sát, các toán cấp cứu. Bọn chúng đâu cả rồi?
Một mảnh tường bể vừa được ném đi, Neubauer bỗng cảm thấy một cái gì mới nhìn thì trông giống như một khuôn mặt nhưng nhìn kỹ hơn thì là một đống bầy nhầy. Không thể gọi là khuôn mặt vì cái mũi đã bị thụt vào, hai con mắt chỉ là hai lỗ trũng đầy đất cát và cái miệng chẳng còn vành môi cũng mất hết răng, sở dĩ còn nhận ra được vì phía trên đống bầy nhầy đó là một mớ tóc bê bết máu. Đống bầy nhầy cũng đang ứa máu.
Neubauer nấc nghẹn rồi ói ra. Xúc xích, khoai tây, bánh ngọt và cà-phê từ miệng hắn tuôn ra òng ộc gần chỗ cái đầu xẹp lép. Hắn cố bấu víu vào một vật gì nhưng chẳng có gì để bấu víu cả. Hắn xoay người đi và tiếp tục nôn ra.
– Cái gì vậy?
Có tiếng hỏi phía sau hắn và một người bước tới với cái xuổng trong tay. Neubauer vừa nôn oẹ vừa chỉ vào cái đầu dưới đám gạch vun.
Cái đầu lay động nhẹ. Có cái gì co giựt trên đống thịt bầy nhầy. Neubauer lại mửa thốc ra. Người vừa tới nhảy xô vào, móc đất cát ra khỏi mũi của cái đầu rồi tiếp tục móc những gì ra khỏi nơi mà ông ta nghĩ là cái miệng.
Máu tuôn ra mạnh hơn từ khuôn mặt dập nát. Cái miệng bắt đầu cử động, những ngón tay ngọ nguậy và cái đầu lắc lư, lắc lư vài giây rồi dừng lại. Người có cái xuổng đứng lên, hắn chùi hai bàn tay vào một tấm màn lụa kẹt trong đống gạch.
– Chết rồi. Còn ai nữa không?
– Không rõ.
– Ông ở nhà này hả?
– Không.
Người có cái xuổng chỉ tay vào cái đầu:
– Thân nhân hả?
– Không phải.
Nhìn vào bãi đồ ăn Neubauer vừa mửa ra, người đàn ông lượm cái xuổng lên rồi nhún vai. Dường như ông ta không mấy có thiện cảm với một sĩ quan cao cấp SS. Neubauer cảm thấy xấu hổ, vội vàng quay mặt rồi trèo qua đống gạch vụn…
Phải mất gần cả tiếng đống hồ, Neubauer mới tới đường Friedrichs. Quãng đường này không bị bom. Hắn khấp khởi mừng thầm. Nếu những dãy nhà ở con đường đằng kia không bị tàn phá thì cao ốc cho thuê của hắn cũng còn nguyên vẹn.
Con đường kế tiếp vẫn yên lành. Một con đường nữa không có dấu vết bom đạn. Hắn bắt đầu đi mau. Nếu hai căn nhà đầu đường sắp tới không có gì xảy ra thì chắc chắn là cao ốc của hắn cũng không sao. Quả đúng là hai ngôi nhà đầu đường vẫn còn nguyên, nhưng chỉ có ngôi nhà thứ ba là đã biến thành gạch vụn.
Neubauer bỗng thấy cổ họng như bị ai siết nghẹt. Những quả bom dường như đã rơi vô cùng chính xác. Các tầng trên của cao ốc đều hoàn toàn sụp đổ. Trọn một góc lầu bị bắn tung lên sang bên kia đường, trúng vào một hiệu buôn đồ cổ. Sức va chạm làm cho một số cổ vật tại đó văng tung tóe ra mặt đường, trong số này có một pho tượng Phật. Pho tượng vẫn ngồi ngay ngắn, hai tay đặt lên đùi, miệng cười hiền dịu, mắt nhìn thẳng vào cảnh điêu tàn Tây Phương.
Neubauer cảm thấy muốn khóc. Hắn nhìn dài theo con đường, nhiều nhà vẫn còn nguyên. Hắn nghĩ, tại sao tai họa không tới đó? Tại sao tai họa chỉ đến với mình thôi? Với một kẻ yêu nước, một người chồng tốt, người cha có lương tâm?
Hắn đi vòng qua. Tất cả các cửa kính của tiệm may đều bị thổi tung, mảnh vụn nát ngấu dưới bước giày. Tấm bảng “y phục đúng thời trang của phụ nữ Đức” đổ nghiêng xuống. Hắn khom mình bước vào trong. Hắn ngửi thấy mùi khét nhưng, không thấy có gì đang cháy. Hình nộm làm mẫu nằm lăn lóc trên mặt sàn. Một số nằm ngửa ra, váy bị tốc cao, chân dở hỏng, một số khúc nằm sấp, mông và lưng lủng bấy. Một hình mẫu khác bị rách toạt cả y phục chỉ còn đôi bao tay. Trong góc phòng, một hình mẫu nữa bị gãy mất một chân, thân dựa vào tường, đầu vẫn đội nón với màn che mặt. Tất cả trong những bộ thế khác nhau, đều mỉm cười duyên dáng… khiến cảnh tượng trở thành thô bỉ lạ lùng.
Hết cả rồi, Neubauer tự nhủ. Hết cả. Selma sẽ nghĩ gì? Công lý ở đâu? Hắn thở dài chán nản và bỏ đi ra. Bỗng nhiêu hắn thoáng thấy bóng người vừa nghe tiếng chân tới gần vội vàng bỏ chạy. Phản ứng tự nhiên, hắn hô to:
– Đứng lại! Nếu không, tôi bắn!
Cái bóng dừng chân hiện thành một người thấp bé, nghèo nàn.
– Lại đây!
Người đàn ông sợ sệt tới gần. Và Neubauer hơi giựt mình khi nhận ra kẻ đối diện. Đó là người chủ cũ của cao ốc. Giọng Neubauer hơi lạc đi:
– Blank! Có phải ông không?
– Thưa Đại tá, phải.
– Ông tới đây làm gì?
Hắn đã lấy lại giọng cứng cỏi. Blank lắp bắp:
– Thưa, tôi… tôi…
– Tới đâu? Tới làm gì?
Blank cuống cuồng chỉ vu vơ vào đống gạch vụn. Neubauer trợn mắt:
– Để chứng kiến cho thỏa mãn, hả?
Blank lùi lại một bước:
– Không, không. Không phải đâu, Đại tá. Tôi thấy thảm hại quá!
– Ừ thảm hại quá. Sao ông không cười đi?
– Dạ, tôi không dám vậy đâu…
Nhìn bộ điệu thiểu não của Blank, Neubauer nghiến răng:
– Ông còn may mắn hơn, phải không? Tôi đã trả tiền ông sòng phẳng, đúng vậy không?
– Dạ, đúng vậy.
– Ông lấy tiền mặt, còn tôi thì lấy gạch vụn.
– Dạ thưa Đại tá, tôi thành thật… chia buồn.
Neubauer nhìn ra khoảng không. Hắn bỗng có ý nghĩ so sánh. Đống gạch vụn này còn đáng giá hơn khoản tiền mà hắn đã trả cho Blank để mua lại cao ốc. Hắn chỉ mua có 5.000 Marks trong khi lợi tức hằng tháng lên tới 20.000 Marks. Hết rồi.
– Sao tay ông bị tàn tật vậy?
– Dạ, chẳng sao cả. Mấy năm trước tôi bị ngã té.
Neubauer nhìn Blank với ánh mắt dò xét. Một ý nghĩ thoáng dậy. Ý nghĩ ấy đã đến với hắn lần đầu tiên khi báo quán của hắn sụp đổ tan tành. Hắn cố xua nó đi nhưng nó vẫn lì lợm tới. Có thể một ngày nào đó, gia đình Blank phục hồi không? Con người đứng trước hắn không có vẻ gì thù hận cả, chỉ là một kẻ bất lực. Những đống gạch đá chung quanh hắn cũng thế. Chúng chẳng có vẻ gì là chiến thắng cả. Hắn nhớ tới những lời tiên đoán tàn nhẫn của vợ hắn. Không kể tới những bài báo. Quân Nga đã tới gần Bá Linh. Vùng Ruhr bị phong tỏa. Đó là sự thật.
Hắn bỗng đổi giọng:
– Blank, có phải tôi vẫn đối xử tử tế với ông không?
– Dạ, rất tử tế.
– Và nhân đạo.
– Dạ, rất nhân đạo. Tôi luôn luôn nhớ ơn.
– Tốt lắm. Ông hãy nhớ điều đó. Chính tôi đã gánh thay cho ông nhiều bất hạnh.
Blank bỗng cảm thấy ớn lạnh. Theo kinh nghiệm thì khi nào bọn SS tỏ ra dịu dàng, đó chính là lúc chúng sắp sửa giở trò độc ác. Weber cũng đã từng tỏ ra như thế nhưng ngay sau đó hắn móc mất một mắt của ông ta. Blank tự mắng là đã điên cuồng rời khỏi chỗ núp để nhìn lại ngôi nhà cũ.
Neubauer nhìn thấy nét bối rối của Blank, hắn chụp lấy cơ hội:
– Ông đã được trả tự do, chắc phải biết là nhờ ai chớ?
– Dạ, thưa cám ơn Đại tá.
Blank thừa hiểu là mình được tự do không phải nhờ Neubauer và Neubauer cũng hiểu là Blank biết thế. Tuy nhiên, hắn vẫn nói vậy. Hắn lấy từ trong túi một điếu xì-gà trao cho Blank:
– Đây, ông cầm lấy. Hãy nhớ là bao giờ tôi cũng rất tử tế với…
Blank không hút thuốc nữa. Kể từ khi bị Weber dùng đầu thuốc cháy đỏ chăm vào da thịt, ông ta đâm sợ mùi khói thuốc. Dầu vậy, ông ta vẫn phải trịnh trọng đón nhận.
– Cảm ơn, Đại tá tốt quá.
Neubauer nhìn quanh. Không ai thấy hắn đã đứng nói chuyện với một người Do Thái. Hắn tiếp tục suy nghĩ nhưng có mùi gì là lạ khiến hắn lưu ý. Đúng là mùi của một vật gì đó đang ngún cháy. Hắn đi mau về nhà may. Lửa đã bốc ngọn bên trong. Hắn chạy trở về chỗ cũ gọi to:
– Blank! Blank! Ông ở đâu?
Và không thấy Blank đâu cả, hắn kêu lên:
– Lửa cháy! Lửa cháy!
Chẳng một ma nào tới. Thành phố bốc cháy quá nhiều nơi và Đội Cứu hỏa đã bất lực từ lâu. Hắn chạy trở vào, nhảy qua cửa sổ, chụp lấy một bành vải, cố sức lôi ra ngoài. Nhưng lửa đã bén gần tới tay, lửa bùng lên quanh đó, hắn chỉ còn đủ thì giờ để thoát thân.
Từ phía sau đống gạch đá đổ nát bên kia đường một đầu người nhô lên. Con mắt còn lại của Max Blank ngời sáng chiếu theo phía sau Neubauer. Lần đầu tiên từ nhiều năm, ông ta mỉm cười. Vừa cười người Do Thái vừa vò nát điếu xì-gà với những ngón tay cong vẹo vì trước đây đã bị tra tấn dã man.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.