Lửa Yêu Thương Lửa Ngục Tù

CHƯƠNG 4



Đếm lại! Đồ chó lợn bẩn thỉu!
Các toán lao tác của Đại trại đứng dài từng hàng ngang mười người, tùy theo lao xá, trên sân điểm danh. Trời đã chập choạng vào đêm nên đám tù nhân trong các bộ y phục có sọc trông giống như một bầy ngựa rằn đông đảo đang mệt lả.
Công việc điểm danh đã kéo dài hơn một tiếng đồng hồ vẫn chưa xong. Đó là do cuộc oanh tạc. Các toán làm việc tại xưởng đồng đã phải chịu thiệt hại về nhân mạng. Một trái bom rơi vào đó làm cho một số tù chết và bị thương. Chẳng những thế, sau phút kinh hoàng đầu tiên, bọn lính SS bắt đầu nổ súng vào những người tù toan tìm chỗ ẩn núp. Chúng sợ tù tẩu thoát, do đó lại có thêm năm, sáu người ngã gục.
Sau trận mưa bom, tù nhân lôi xác của các bạn đồng lao ra khỏi các đống gạch vụn – có người chỉ còn lại một tay hoặc một chân. Vì vậy mà giờ điểm danh kéo dài hơn. Đối với bọn SS thì sinh mạng tù chẳng có nghĩa gì, chết hay sống cũng vẫn phải hiện diện đủ số. Công việc sổ sách không thể bị ngưng trệ bởi những xác người.
Các toán lao tác đã cẩn thận mang theo về trại những gì còn lại của những kẻ đã nát thây: có người mang một cánh tay, có người vác theo hai cái chân hoặc mấy cái đầu nát bét. Họ cũng làm tạm vài chiếc cáng để khiêng theo những người bạn cụt chân hay lủng ruột. Số tù nhân bị thương còn lại thì được đồng bạn dắt dìu hoặc kéo lê đi. Một vài tù nhân may mắn được băng bó sơ sài bằng bất cứ gì mà đồng bạn lượm được. Số người ra máu quá nhiều thì được cột chận động mạch bằng dây kể cả dây kẽm. Những kẻ bị thương ở bụng nằm trên cáng, hai tay phải ôm giữ đùm ruột đã lòi ra.
Đoàn tù đi lên núi vừa mệt ngất vừa đau đớn. Thêm hai người tắt thở dọc đường. Xác họ bị kéo lôi. Cảnh tượng này khiến cho sáng kiến của Đội trưởng Steibrenner trở thành cổ quái. Ngay tại cổng vào, ban nhạc của trại vẫn tấu một khúc quân hành như thường lệ trong khi đoàn tù mắt nhìn thẳng, chân bắt buộc phải nhấc cao, đi ngang qua viên sĩ quan Trại trưởng Weber và thuộc cấp của hắn. Ngay cả những tù nhân bị trọng thương nằm trên cáng cũng phải quay đầu sang phải với tư thế nhà binh mặc dầu đang chờ chết. Chỉ có những kẻ chết rồi mới khỏi chào. Ngay lúc đó, Steibrenner bỗng để ý một tù nhân bị kéo lê bởi hai đồng bạn, không chịu ngẩng đầu lên. Hắn không để ý tới hai chân kéo lết của người này nên nhảy bổ tới dùng súng lục đập vào mắt y. Đầu người chết bật ngửa ra bởi cú đánh và hàm dưới rơi xuống, chừng như cái miệng đỏ ngòm máu với cử động kỳ dị cuối cùng của xương sọ, đã ngoạm vào khẩu súng. Bọn SS cười rộ lên khiến Steibrenner tức tối. Hắn chợt nhận ra là uy tín của hắn trong việc dùng ắc-xít hydrochloric để giết người đã mất đi.
Từ xưởng đồng về tới trại đã mất nhiều thời gian nên việc điểm danh trễ hơn thường lệ. Theo quy lệ, người chết và bị thương phải đặt nằm thật đúng theo thứ tự của từng lao xá. Ngay cả đến những kẻ bị thương quá nặng cũng chưa được đưa đến bệnh xá ngay hay băng bó: điểm danh là điều quan trọng hơn tất cả.
Nhanh lên! Làm lại! Lần này mà không xong thì biết!
Trại trưởng Weber ngồi dạng chân trên một chiếc ghế cây đặt ở sân điểm danh. Hắn 35 tuổi, người tầm thước, rắn chắc. Mặt hắn bạnh ra, da ngâm với một cái thẹo chạy dài từ khóe miệng bên phải xuống quá cằm – kỷ niệm của một trận ẩu đả với đám đông thuộc phe Reich vào năm 1929. Tay lựa vào lưng ghế, Weber bực dọc nhìn đám tù nhân trong đó có cả lính SS, đại diện lao xá và trật tự viên chạy tới chạy lui vừa đánh đập vừa la hét.
Các đại diện lao xá đã ướt mồ hôi lại hô to: Một, hai, ba… Tiếng hô của họ vang lên buồn lặng.
Chuyện lộn xộn xảy ra là do những thây tù bị tan nát ở xưởng đồng. Đoàn tù đã cố hết sức gom góp đầu, tay, thân mình nhưng làm sao để tìm thấy những bộ phận đã mất mát hoặc tan nát hẳn. Họ cố gắng cách mấy rồi cũng thấy thiếu mất hai người.
Giữa cảnh tranh tối, tranh sáng, các toán tù lao tác đang cấu xé nhau để giành cho toán của mình những tứ chi rời rạc và nhất là phải cố tranh cho được những cái đầu. Mỗi lao xá đều cố làm cho phần mình đủ số người để tránh khỏi hình phạt tàn khốc vì không báo cáo đúng. Họ giành giựt lôi kéo các bộ phận thân thể loe loét máu cho tới khi có lệnh “Ngừng lại!” vẫn còn thiếu hai người. Có lẽ quả bom đã làm họ tan thành mảnh vụn hoặc, thi thể của họ bị tống bay lên trên mái xưởng đồng.
Tên SS phụ trách việc điểm danh báo cáo với Weber:
– Bây giờ chỉ còn thiếu có một người rưỡi. Bọn Nga có được ba cái chân cho một xác còn bọn Ba Lan thì một cánh tay cho nhiều xác.
Weber ngáp dài:
– Gọi từng tên để coi đứa nào vắng mặt.
Một luồng xao động khó nhìn thấy đang chạy dài qua các dãy tù đang đứng lắc lư. Gọi tên từng người có nghĩa là họ phải đứng thêm một hoặc hai giờ nữa – bởi vì người Nga và Ba Lan không hiểu Đức ngữ thường lầm lẫn về tên của họ.
Việc gọi tên bắt đầu. Tiếng xì xào nổi lên rồi tiếng đánh đập và chửi rủa. Bọn lính SS sẵn bực tức vì mất thời giờ giải trí bắt đầu sử dụng roi vọt. Trật tự viên và đại diện lao xá cũng quất túi bụi vào các bạn đồng lao vì không thể làm khác hơn. Đây kia, một vài người ngã sụm trên vũng máu đen ngòm đang từ từ lan rộng dưới những người bị thương. Những khuôn mặt xám trắng đã phảng phất bóng dáng của tử thần trong màn tối. Họ lờ đờ nhìn sang các đồng bạn đang đứng nghiêm, tay kẹp thẳng hai bên, và chẳng làm sao giúp được những kẻ đang đổ máu chí chết. Đối với một số trọng thương, khu rừng chen chúc những chân ngựa rằn dơ bẩn hôm đó là cảnh tượng cuối cùng mà họ được nhìn thấy trên cõi thế.
Mặt trăng có quầng nhô lên phía sau lò thiêu. Bầu trời vẫn đục. Trăng dường như sựng lại một lúc lâu phía trên ống khói, ánh sáng mờ ảo từ nơi đó như phát hiện những oan hồn chỗi dậy từ ngọn lửa lạnh tanh bốc ánh ra.
Trong dãy hàng mười của lao xá Mười Ba, tù nhân Goldstein đang đứng đó. Hắn là người đứng chót về cánh trái, bên cạnh hắn là những bạn đồng lao xá chết và bị thương. Một trong những kẻ bị thương là bạn thân của hắn tên Scheller, nằm sát bên chân hắn. Bằng khóe mắt, Goldstein nhìn thấy máu từ một chân gãy của bạn bỗng túa ra mau hơn lúc nãy. Sợi dây băng quá nhỏ đã sút ra và Scheller chắc chắn không thoát chết. Goldstein thúc cùi tay người bên cạnh là Muenzer rồi ngã quỵ xuống như ngất xỉu. Hắn đã nhắm trước nên lúc ngã, hắn đã nằm vắt qua Scheller.
Thật là một sự mạo hiểm. Tên SS lao xá trưởng bực bội đang rảo quanh như một con quân khuyển chực táp người. Một cú đá với chiếc giày ống nặng chịch của hắn vào thái dương là đủ kết liễu cuộc đời của Goldstein. Những người tù gần đó vẫn không nhúc nhích nhưng đều thừa hiểu việc gì đã xảy ra.
Rất may là lúc đó tên SS lao xá trưởng đang nói gì đó với người đại diện lao xá ở cuối hàng. Người đại diện cũng phát giác ra thủ đoạn của Goldstein nên dài dòng hơn để cố lưu tên lao xá trưởng lại thêm được lúc nào hay lúc ấy.
Goldstein mò tìm sợi dây. Ngay trước mắt hắn, máu luôn xối xả và hắn ngửi thấy mùi thịt sống. Scheller thều thào:
– Đừng, kệ nó.
Goldstein đã mò ra nút dây bị sút và siết lại. Máu vẫn tuôn ra. Scheller rên nhỏ:
– Rồi bọn chúng cũng chích cho một mũi là xong đời. Với cái chân gãy này…
Cái chân chỉ còn dính lủng lẳng với một vài dây gân và mảng da. Với cái té giả vờ lúc nãy, Goldstein đã làm cho bàn chân của bạn quặp lại như xương chân của Scheller có thêm một khớp thứ ba. Hai bàn tay của Goldstein đã ướt máu. Hắn siết mạnh gút dây nhưng một lần nữa sợi dây lại trợt ra. Scheller co giựt cả người:
– Buông ra đi.
Goldstein phải tháo mối dây ra. Những mảnh xương bể như chạm vào tay hắn. Hắn buồn nôn, cố dằn xuống rồi mò vào đống thịt bầy nhầy tìm ra sợi dây, kéo nó lên phía trên và… bỗng giật nẩy người. Muenzer vừa đá vào chân hắn. Tên SS lao xá trưởng vừa đi tới vừa càu nhàu:
– Lại thêm một con heo! Nó muốn gì đây?
Người đại diện lao xá nói mau:
– Thưa Đội trưởng, hắn ngất xỉu.
– Đứng lên, đồ tạp chủng biếng nhác!
Tên lao xá trưởng vừa quát vừa đá vào cạnh sườn Goldstein. Cú đá mạnh hơn dự định. Lập tức, người tù đại diện lao xá đá bồi theo. Có thế hắn mới ngăn được sự nổi cơn của tên Đội trưởng. Goldstein vẫn không nhúc nhích. Máu của Scheller loang dần tới mặt hắn.
Tên lao xá trưởng bỏ đi:
– Kệ nó, cho nó nằm luôn. Chó má, biết chừng nào mới xong?
Người đại diện lao xá đi theo. Goldstein chờ một lúc rồi quấn sợi dây quanh chân bạn, siết mối thật chặt. Máu ngưng chảy, chỉ còn ri rỉ.
Thân trọng, Goldstein bỏ tay ra. Sợi dây không sút nữa.
Cuộc điểm danh rồi cũng xong. Bọn SS kết luận là ba phần tư thi thể của một tù binh Nga và phần thân trên của người tù Sibolski tại lao xá 5 mất tích. Kể ra thì không đúng hẳn vì hai cánh tay của người này đã bị toán tù lao xá 17 giành lấy để ráp vào phần thi thể còn lại của Josef Binswanger đã thiếu mất gần như tất cả. Ngược lại, hai tù nhân của lao xá 5 đã đánh cắp nửa thân mình dưới của người tù Nga để ráp vào Sibolski vì họ nghĩ rằng khó mà phân biệt được những cặp chân. Rất may là ngoài những phần đó ra, đám tù còn lại một số tứ chi vừa đủ để bổ sung cho một tên tù rưỡi lúc đầu bị coi như mất tích. Như thế là không có một tù nhân nào tẩu thoát trong sự hỗn loạn của trận mưa bom. Tuy nhiên, các toán tù vẫn có thể bị bắt buộc phải đứng tại sân điểm danh cho tới sáng để chờ đợi kết quả tìm kiếm những phần thi thể còn sót tại xưởng đồng. Mới hai tuần trước đó, toàn trại đã phải đứng luôn hai ngày cho tới khi một tù nhân mất tích được tìm thấy tự tử ở chuồng heo.
Weber bình tĩnh ngồi trên ghế, cằm vẫn tựa vào hai bàn tay. Suốt buổi điểm danh hắn gần như không cử động. Sau khi được phúc trình, hắn từ từ đứng lên vươn vai:
– Tụi nó đứng khá lâu, chắc cần cử động. Cho tập bài địa lý đi!
Lập tức, nhiều khẩu lệnh vang lên:
– Đặt hai tay sau đầu! Gối cong lại! Nhảy nhái về phía trước… nhảy!
Đoàn tù làm theo lệnh. Họ chậm chạp nhảy tới trước với hai gối cong lại. Trong lúc đó, trăng đã lên cao và chiếu sáng hơn. Một khoảnh sân được soi rọi. Phần còn lại chìm trong bóng tối của các dãy nhà. Đường viền của lò thiêu người, của cổng trại và cả của giảo hình đài nổi bật trên mặt đất.
– Nhảy lui!
Đoàn tù nhảy lùi vào bóng tới. Họ loạng choạng ngã té. Bọn SS, các trật tự viên và đại diện lao xá đánh đập túi bụi cho tới khi họ đứng lên. Tiếng la hét dường như lẩn khuất trong tiếng lào xào của vô số bàn chân.
– Nhảy tới! Nhảy lui! Nhảy tới! Nhảy lui! Ngừng lại!
Bây giờ đến phần tập bài địa lý. Tù nhân phải buông mình ngã sấp tới trước, bò dài trên sân, nhảy lên cao, ngã sấp xuống và tiếp tục bò. Mặt sân trong phút chốc biến thành một khối khổng lồ lúc nhúc tựa như một đàn giòi có sọc. Tù nhân vừa bò vừa che chở cho các đồng bạn bị thương, nhưng sự vội vàng và sợ hãi khiến họ khó làm tròn bổn phận đối với những kẻ không may.
Sau mười lăm phút, Weber ra lệnh cho ngừng lại. Nhưng mười lăm phút đó cũng đã đủ làm kiệt sức đoàn tù đang đói và mệt lả. Đâu đâu cũng có người không ngốc đầu lên nổi nữa.
– Xếp hàng theo thứ tự từng lao xá!
Đoàn tù gượng gạo trở về hàng. Những người khỏe mạnh cố dựng dậy những đồng bạn ngất ngư cho họ đứng tựa vào. Những kẻ không dậy nổi được khiêng ra đặt gần số tù nhân bị thương, cả trại đứng yên. Weber bước tới:
– Bài học mà các người vừa thực tập rất có lợi. Bây giờ các người đã biết làm thế nào để lẩn tránh mỗi khi có một trận oanh tạc.
Vài tiếng cười nhạo báng khoái trá của bọn lính SS nổi lên. Weber liếc nhìn về phía đó rồi tiếp tục nói lớn:
– Hôm nay các người đã có một kinh nghiệm bằng xương thịt về hành động phi nhân của kẻ thù mà chúng tôi đang đối phó. Nước Đức lúc nào cũng chỉ mong muốn được hòa bình, đã bị tấn công một cách dã man. Bị thảm bại tơi bời khắp các mặt trận, chúng đã dùng tới những biện pháp tuyệt vọng cuối cùng. Chúng đã vi phạm quy ước quốc tế bằng cách ném bom bừa bãi và hèn nhát lên các thành phố thanh bình của nước Đức. Chúng tàn phá bệnh viện, hủy diệt giáo đường. Chúng sát hại đàn bà và trẻ con vô tội. Không còn gì để diễn tả cho đúng với những tên quái vật không phải là người đó. Chúng tôi sẽ không để cho chúng phải chờ đợi một cuộc trã đua. Bắt đầu từ ngày mai là các toán lao tác phải ra khỏi trại sớm hơn một giờ để dọn dẹp. Cho tới khi có lệnh mới, sẽ không còn ngày nghỉ chúa nhật nữa. Người Do Thái sẽ không được phát bánh luôn hai ngày. Có thế các người mới nhớ mà cảm ơn những vụ đồt phá của kẻ địch.
Weber ngưng nói. Cả trại vẫn đứng yên. Có tiếng máy xe đang tiến lần lên núi. Đó là chiếc Mercedes của Neubauer. Weber ra lệnh:
– Hát lên! Nước Đức mến yêu…
Đoàn tù sững sờ chưa biết phải làm sao. Trong những tháng qua, lệnh hợp xướng gần như không được nhắc nhở tới… vả lại trước đây, họ chỉ bị bắt phải hát những bài dân ca thôi. Theo thông lệ thì lệnh hợp xướng chỉ ban ra mỗi khi có biện pháp nhục hình.
Trong khi các tù nhân chịu khổ hình kêu thét thì các tù nhân khác phải hát lên những ca khúc trữ tình. Bản quốc ca của thời tiền Quốc Xã từ nhiều năm qua không thấy cho lệnh hát.
– Quân tạp chủng, hát lên!
Tại lao xá 13, Muenzer bắt đầu hát. Các tù nhân khác hát theo. Những kẻ không thuộc lời hoặc không biết tiếng Đức cũng phải mấp máy môi. Đó là vấn đề chính yếu.
– Sao vậy?
Muenzer hỏi nhỏ, đầu quay sang người đứng bên cạnh là Werner, và vẫn làm như đang hát.
– Cái gì?
Tiếng hợp ca lần lần nghe giống như một điệu khóc than lạc giọng. Ngay từ đầu, họ đã bắt giọng bổng nên bây giờ họ không thể hát nổi những âm thanh cao vút trong đoàn kết. Vả lại, đoàn tù còn đâu hơi sức nữa.
Tên Phó trại trưởng quát to:
– Hát cái gì mà như khóc? Hát lại ngay từ đầu. Lần này không xong thì cho đứng suốt đêm.
Đoàn tù hát lại với giọng trầm nên có vẻ khả hơn.
Werner bỗng nhận ra có một cái gì khác lạ, và hắn chợt có cảm tưởng là không phải chỉ một mình hắn nhận ra điều đó… dường như Muenzer cũng nhận thấy, dường như Goldstein nằm dưới đất cũng nhận thấy, mọi người đều nhận thấy, kể cả bọn lính SS. Bài ca bất thần mang một sắc thái khác hẳn với những lần trước họ đã hát. Tiếng hát to hơn gần như mỉa mai thách thức và lời ca chẳng dính dáng gì cùng giọng hát. Ước gì Weber không nhận thấy – Werner hy vọng thế – trong khi liếc trộm sang Weber. Nếu hắn nhận ra, trên sân sẽ có nhiều người chết hơn lúc nãy.
Mặt của Goldstein và Scheller kề sát bên nhau. Môi Scheller mấp máy. Goldstein không hiểu bạn muốn nói gì nhưng nhìn vào đôi mắt lờ đờ của bạn, hắn đoán là chuyện gì xảy ra. Hắn bảo:
– Đừng có ngu! Mình có thể tin cậy ở người bạn trật tự viên tại trại cứu thương. Hắn sẽ có cách. Anh đừng lo.
Scheller lại mấp máy môi. Goldstein gầm gừ:
– Anh sẽ được cứu chữa, đừng nói gì hết!
Trước mắt hắn là màu da xám nguệch của kẻ bị thương. Hắn hét to giữa lúc bản quốc ca đang tới câu chót:
– Chúng nó không chích chết đâu. Người bạn trật tự viên sẽ hối lộ cho bác sĩ.
– Nghiêm!
Bản quốc ca chấm dứt. Đại tá Chỉ huy trưởng Neubauer vừa đi tới. Weber báo cáo:
– Tôi vừa giáo huấn chúng xong và cho lệnh mỗi ngày làm thêm một giờ.
Neubauer không để ý. Hắn nhìn lên nền trời đen:
– Chẳng biết đêm nay bọn giặc ấy có tới nữa không?
Weber nhăn mặt:
– Theo tin đài phát thanh, chúng ta đã bắn hạ chín chục phần trăm.
Neubauer không cho thế là kỳ dị. Hắn nghĩ, lại thêm một kẻ chẳng có gì để mất mát. Một tên Dietz bé nhỏ, một gã làm thuê, thế thôi. Hắn càu nhàu:
– Cho chúng tan hàng đi.
– Giải tán!
Đoàn tù đi trong hàng ngũ trở về các lao xá. Họ mang theo những người chết và bị thương. Werner, Muenzer và Goldstein khiêng Scheller đi, hắn có vẻ như không qua khỏi đêm nay. Trong khi các bạn tập bài địa lý, Goldstein lại lãnh thêm một cú đá vào sóng mũi. Bây giờ máu bắt đầu chảy ra. Trong ánh sáng nhạt nhòa, màu máu biến thành xám tím.
Gió từ thành phố thổi lên càng lúc càng mạnh và đánh thốc vào đoàn tù khi họ đi quanh một góc đường. Trong gió có mùi khói của thành phố đang bốc cháy.
Nét mặt những người tù biến đổi. Werner lên tiếng:
– Có ngửi thấy không?
– Có.
Muenzer vừa đáp vừa ngẩng đầu lên. Goldstein chợt nhận ra vị ngọt của máu trên môi. Hắn nhổ xuống đất và cố mở rộng miệng để ngửi khói.
– Làm như chỗ này cũng đang bốc cháy.
– Ờ.
Bây giờ họ có thể trông thấy được. Khói loang dài từ thung lũng tới các đường phố giống như một làn sương mù trắng mỏng và trong chốc lát, mọi ngõ ngách của lao xá đều có sự hiện diện của làn sương mù đó. Tự nhiên Werner chẳng hiểu tại sao mình đang nhận thấy rằng hàng rào kẽm gai quanh trại không thể ngăn nổi sự xâm nhập của khói… dường như trại giam thình lình không còn là nơi cách biệt với thế giới bên ngoài.
Họ tiếp tục đi. Họ đi trong khói. Bước chân của họ vững chắc hơn và đôi vai của họ thẳng cứng hơn. Goldstein khom xuống gần sát mặt Scheller:
– Ngửi đi! Hãy cố ngửi!
Hắn nói với giọng vừa tha thiết vừa thất vọng. Nhưng Scheller đã lịm ngắt từ lâu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.