“Luận Ngữ” Ứng Dụng Trong Kinh Doanh

NO.1 NHÂN ÁI



Bạn nhấn mạnh nhiều lần về tầm quan trọng của nhân ái, nhưng nhân ái thì có quan hệ gì đến cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta?
Nhân ái không những rất gần chúng ta, mà còn có quan hệ mật thiết đến cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta, thậm chí có thể nói rằng, đó là nền tảng căn bản cho sự thành công trong cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta.
Một nhân viên đạt tiêu chuẩn thì cần phải có những phẩm chất nào?
Quan tâm và tôn trọng đồng nghiệp, yêu nghề, mạnh dạn đảm nhận trách nhiệm mà không phàn nàn người khác, giúp đỡ và ủng hộ người khác, kiên trì quan điểm đúng đắn, chính xác. Đó là những phẩm chất mà một nhân viên cần có. Tất cả những phẩm chất này chính là yêu cầu mà “Luận Ngữ” đặt ra đối với nhân ái.
Trong “Luận Ngữ”, nhân ái bao gồm các mặt sau: “nhân giả ái nhân” (người nhân từ biết yêu thương người khác), “chấp sự kính” (làm việc phải nghiêm túc, cẩn thận), “kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn làm, thì không bắt người khác làm), “thành nhân chi mỹ” (ủng hộ điều tốt đẹp của người khác), “đương nhân bất nhượng” (làm việc nhân đạo thì không phải khiêm nhường),…
Trong hội nghị bình chọn công nhân viên diễn ra cuối năm 2009, Lưu Dương nhận được sự tán thành và ủng hộ cao, được bầu chọn là một trong những nhân viên ưu tú nhất của công ty. Sự thay đổi của Lưu Dương khiến tất cả mọi người đều cảm thấy kinh ngạc. Trong hoạt động bình chọn nhân viên thường niên nửa đầu năm 2009, dù là khả năng giao tiếp, thành tích của cá nhân, hay là cùng tập thể, biểu hiện của Lưu Dương đều rất kém, cấp trên thậm chí còn xếp cô vào danh sách những nhân viên chờ ngày bị sa thải.
Vậy thì, điều gì đã làm Lưu Dương thay đổi thành một nhân viên ưu tú? Đó chính là nhờ đọc “Luận Ngữ”. Tháng 6 năm 2009, để nâng cao tố chất nhân viên, công ty đã mua một số lượng lớn sách “Luận Ngữ” về phát cho nhân viên. Rất nhiều người sau khi nhận sách, bỏ ngay vào ngăn kéo bàn làm việc, và chẳng bao giờ ngó ngàng đến nó nữa. Lưu Dương thì lại nghiền ngẫm đọc “Luận Ngữ”, và viết ra những cảm nhận sau khi đọc, đánh giá lại các vấn đề còn tồn tại của bản thân, đồng thời dựa vào các bài học trong “Luận Ngữ” để lập ra phương án chấn chỉnh bản thân. Rất nhanh sau đó, các đồng nghiệp đều nhận thấy sự thay đổi của Lưu Dương, không còn thấy Lưu Dương của ngày nào tâm hồn luôn treo ngược cành cây, khi đối mặt với khó khăn thì đùn đẩy trách nhiệm, oán trách người khác mà thay vào đó là một Lưu Dương biết quan tâm, giúp đỡ người khác, mạnh dạn nhận trách nhiệm, tận tâm, tận lực thực hiện chức trách.
“… Tôi rất cảm ơn cấp trên đã cho tôi một quyển “Luận Ngữ”, không có “Luận Ngữ”, tôi không thể nào hiểu được nhân ái là gì, không thể hiểu được thế nào là yêu nghề, lại càng không có cách nào có thể gần gũi, chan hòa, thân thiện với các đồng nghiệp.” Lưu Dương đã xúc động phát biểu trong lễ nhận khen thưởng.
Bài học:
1. Nhân ái có quan hệ mật thiết với cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta, là nền tảng căn bản cho sự thành công trong cuộc sống và trong sự nghiệp của chúng ta.
2. Một người có nhân ái hay không, sẽ quyết định họ có thể trở thành một nhân viên đạt tiêu chuẩn hay không.
Phàn Trì vấn nhân,
Tử viết: “Nhân giả ái nhân”
Phàn Trì hỏi thế nào là nhân, Khổng Tử đáp: “Người nhân từ là biết yêu người khác”.
Nhan Uyên – Chương 12.22
Phàn Trì là đệ tử của Khổng Tử. Có một lần, Phàn Trì thỉnh giáo Khổng Tử rằng: Thế nào gọi là “nhân”, Khổng Tử trả lời rất ngắn gọn: “Ái nhân” (yêu người). “Yêu người” được chia ra làm hai cấp: trước tiên là tôn trọng người khác; sau đó là quan tâm, yêu mến người khác. Không biết tôn trọng người khác thì không thể nào thực sự quan tâm và yêu mến họ được. Do đó, “yêu người” chính là tôn trọng, quan tâm, yêu mến người khác, người có tấm lòng nhân ái là người biết tôn trọng, quan tâm và yêu mến người khác.
Bất kể khi nào, giao tiếp qua lại giữa con người với con người đều là mối quan hệ tương hỗ. Trong doanh nghiệp, một người biết tôn trọng, quan tâm, yêu mến người khác nhất định sẽ nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của người khác. Ngược lại, nếu một người không biết tôn trọng, quan tâm, yêu mến người khác thì họ nhất định sẽ bị người khác bài xích, thậm chí là sẽ bị người khác bỏ rơi.
Tháng 4 năm 2010, Vương Khải bị công ty cho thôi việc với nguyên nhân duy nhất là: Không tôn trọng, quan tâm và yêu mến đồng nghiệp, khiến cho nội bộ ban ngành thiếu cộng tác, không phối hợp ăn ý với đồng nghiệp. Trong khi đó, Vương Khải là một nhân viên kế hoạch rất thông minh, nhưng chính vì quá thông minh nên anh luôn cho rằng, mình ở vị trí cao hơn người khác, bản lĩnh hơn người khác, luôn cười nhạo và công kích ý tưởng của người khác trong các buổi thảo luận sáng kiến ý tưởng mới. Một lần, khi một đồng nghiệp trình bày hết sáng kiến của mình xong, Vương Khải nói: “Đây là một cách nghĩ cực kỳ ngu xuẩn, chỉ có thằng ngốc mới nghĩ ra được như vậy.” Sau đó, bất kể buổi thảo luận nào chỉ cần có Vương Khải tham gia thì mọi người đều giữ im lặng, để tránh bị Vương Khải cười nhạo và phỉ báng. Cuối cùng, toàn thể nhân viên của ban kế hoạch đều gửi một bản báo cáo, trong báo cáo có ghi rõ “nếu Vương Khải còn tiếp tục làm ở bộ phận kế hoạch, thì các nhân viên sẽ xin từ chức tập thể”, kết quả như thế nào chắc ai cũng rõ.
Một người muốn đứng vững trong doanh nghiệp, muốn lập được thành tích xuất sắc, nếu chỉ dựa vào tài trí thông minh và năng lực không thì chưa đủ, mà còn phải có một trái tim “yêu người”.
Bài học:
Trong tập thể, học được cách tôn trọng, quan tâm, yêu mến người khác, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ của đồng nghiệp cũng như lãnh đạo.
Nhân thị kính nghiệp
Con người yêu quý nghề nghiệp
#Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân trung
Khi ở nhà, mình giữ gìn dung mạo cho khiêm cung; khi ra làm việc, mình thi hành một cách kính cẩn; khi giao thiệp với người, mình giữ dạ trung thành.
– Tử Lộ – Chương 13.19
Khi trả lời câu hỏi “nhân” của Phàn Trì, Khổng Tử đã nêu ra ba cách làm cụ thể: Bình thường khi gặp gỡ phải cung kính; làm việc phải nghiêm túc, cẩn thận; giao tiếp với người khác phải trung thành, giữ chữ tín.
Cũng có thể Phàn Trì muốn hiểu được cách làm cụ thể của “nhân giả ái nhân”, cho nên, ông đã tìm cơ hội, xin thỉnh giáo thầy một lần nữa rằng: “thế nào là ‘nhân’?”
Khổng Tử vẫn nghiêm túc tuân thủ lời hứa “hối nhân bất quyện” (dạy người không biết mệt mỏi), không nề hà mà trả lời rằng: “bình thường khi gặp gỡ phải trang trọng, cẩn thận, xử lý sự việc phải nghiêm túc, tích cực, giao tiếp với người khác phải trung thành, giữ chữ tín. Cho dù có rơi vào hoàn cảnh nào đi nữa cũng phải kiên trì không buông xuôi.”
Đối với Khổng Tử, cả ba việc này đã tạo nên chữ “nhân”, và lần lượt liên quan đến ba phương diện sinh hoạt, công tác và giao tiếp trong đời sống.
Trong đó “chấp sự kính” liên quan đến công việc, khiến cho chúng ta đặc biệt phải chú ý: “Chấp” là xử lý, “sự” là chức trách công tác mà chúng ta phải đảm nhiệm, là nghiêm túc, tích cực. (“chấp sự kính” có nghĩa là khi xử lý công việc phải thực hiện nghiêm túc, tích cực). Trong ba chữ “chấp”, “sự”, “kính” thì chữ “kính” là quan trọng nhất. Bởi ai cũng phải xử lý công việc, nhưng nếu không có “kính”, không có thái độ nghiêm túc, tích cực thì sẽ không bao giờ xử lý tốt được công việc cần phải xử lý và công việc đáng ra phải xử lý tốt sẽ không được xử lý thỏa đáng, như vậy tất sẽ nảy sinh vấn đề.
Người làm việc đạt yêu cầu luôn luôn không bao giờ bỏ quên chữ “kính”, với họ biểu hiện tôn trọng, yêu kính nghề nghiệp quan trọng nhất là nghiêm túc, tích cực xử lý tốt sự việc thuộc phạm vi chức trách của bản thân.
“Chấp sự kính” chính là tôn trọng, yêu quý nghề nghiệp. Rất nhiều người không hoàn thành được công việc trong phạm vi nhiệm vụ của mình không phải là do thiếu năng lực, mà là do thiếu tinh thần trách nhiệm, không đủ nghiêm túc, tích cực đối với công việc.
Tiên nan nhi hậu hoạch
Trước khó sau dễ định ngày lên cao
– Ung Dã – Chương 6.20
Phàn Trì có thể là môn sinh có hứng thú với “nhân” nhất trong số các môn sinh của Khổng Tử, ông đã từng nhiều lần thỉnh giáo thầy thế nào là “nhân”, còn Khổng Tử lại có nhiều đáp án khác nhau với mỗi câu hỏi của môn sinh. Ngoài “ái nhân” (yêu người), “Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân trung” thì “tiên nan nhi hậu hoạch” cũng là một trong những đáp án của Khổng Tử.
Có một lần, đầu tiên Phàn Trì thỉnh giáo Khổng Tử thế nào là “đức trí”, Khổng Tử đáp: “Chuyên làm việc nghĩa giúp người, kính trọng quỷ thần, nhưng không hay gần, tức là không ưa cầu thỉnh vái van quỷ thần; như vậy có thể gọi là trí.” Tiếp đó, ông lại thỉnh giáo thầy thế nào là “nhân”, Khổng Tử đáp: Người nhân trước phải làm những việc khó, sau thì thâu hoạch cuộc thành tựu của mình.
“Tiên nan nhi hậu hoạch” chính là “trước tiên phải cho đi, sau đó mới thu về thành quả”. Điều mà “tiên nan nhi hậu hoạch” theo đuổi chính là “phải cho đi mới có nhận lại”, tương tự, đây cũng là biểu hiện của kính trọng nghề nghiệp.
Xét về mặt bản chất, trao đổi giữa doanh nghiệp và nhân viên là sự trao đổi ngang giá trị: Nhân viên bỏ ra kiến thức, thời gian và sức lực, còn doanh nghiệp chi trả thù lao tương ứng, tạo môi trường làm việc thuận lợi. Mỗi người đều phải tuân thủ theo nguyên tắc trao đổi “lao động nhiều hưởng nhiều, lao động ít hưởng ít, không lao động thì không được hưởng thành quả”, nếu không sẽ không có cái gọi là công bằng. Biểu hiện không tôn kính nghề nghiệp tương ứng của “có cho đi mới có nhận lại” chính là có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho – không chịu cho đi, nhưng lại mong muốn có được thành quả. Ngày nay, chúng ta có thể gặp rất nhiều kiểu người không thích lao động, ngồi chờ sung rụng, hay ngồi mát ăn bát vàng, họ đã hoàn toàn quên đi đạo đức nghề nghiệp và nguyên tắc nghề nghiệp tối thiểu.
Hân Hân bốn năm liền được bình chọn là nhân viên ưu tú của công ty, cũng giống như trước đây, cô có vẻ xấu hổ, gượng gạo khi đứng trên bục lĩnh thưởng. Khi có người hỏi cô có cảm xúc gì khi lại một lần nữa được bình chọn là nhân viên ưu tú, cô thực thà trả lời: “Kỳ thực, tôi chỉ làm việc nên làm, chỉ cần là việc liên quan đến công ty, thì nhất định là chuyện quan trọng, cũng nhất định phải có người làm. Nếu mọi người đều không tình nguyện làm thì tôi sẽ làm. Tôi không ngờ làm những việc như vậy lại trở thành nhân viên ưu tú. Tôi chỉ hy vọng công sức của tôi có thể xứng đáng với tiền lương mà công ty đã trả cho tôi.” Nếu mỗi một nhân viên đều có thể nghĩ được như Hân Hân thì chắc hiện tượng không tôn kính nghề nghiệp sẽ không còn tồn tại.
Bài học:
1. Nghiêm túc, tích cực xử lý tốt mọi công việc trong phạm vi, nhiệm vụ của bản thân.
2. Trước tiên phải nỗ lực làm việc, sau đó mới thu được thành quả. Không có cho đi, thì sẽ không thể nhận bất cứ thứ gì.
Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân
Điều mình không muốn làm thì đừng làm cho người khác.
Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân
Điều mình không muốn làm thì đừng làm cho người khác.
– Nhan Uyên – Chương 12.2
Ý của câu nói này là: Bản thân mình không muốn thì không làm với người khác.
Dường như tất cả môn sinh đều từng thỉnh giáo Khổng Tử thế nào gọi là “nhân”, câu trả lời của Khổng Tử trước mỗi câu hỏi đều khác nhau. “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân” là câu trả lời của Khổng Tử khi Trọng Cung thỉnh giáo thế nào gọi là “nhân”.
Một lần, Trọng Cung thỉnh giáo thầy giáo thế nào là “nhân”, Khổng Tử đáp: “Khi ra khỏi nhà, mình phải giữ cho nghiêm trang, kính cẩn dường như sắp gặp khách quý; Khi sai dân làm việc công, mình thận trọng như thừa hành một cuộc cúng tế lớn. Điều mà mình không muốn làm thì không nên cố bắt người khác làm. Như vậy, trong nước chẳng ai oán mình, ở nhà chẳng ai ghét mình”. Trọng Cung khiêm tốn đáp: Học trò tuy không đủ thông minh, nhưng cũng sẽ cố gắng thực hiện theo câu nói này của thầy.
Liên quan đến “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân”, trước tiên phải trả lời câu hỏi là tại sao phải: “Điều mình không muốn làm, thì không nên bắt người khác làm”?
Muốn trả lời câu hỏi này, trong công việc phải tìm cho ra điều mình không muốn là gì? Xoay quanh câu hỏi này, chúng tôi đã từng làm một cuộc điều tra rộng rãi: Câu trả lời lần lượt là: Thất bại, trách mắng, phê bình…
Mọi người trong chúng ta sẽ không ai xa lạ với hai hiện tượng sau.
Thứ nhất, công ty đã đưa ra một dự án hoàn toàn mới mà không hề có bất cứ cơ sở thị trường nào, khi cần xác định ứng cử viên phụ trách công việc, mọi người sẽ luôn mượn nhiều lý do để chứng thực mình không có thời gian hoặc không có sức lực để đảm đương nhiệm vụ này, nên đổ cho người khác.
Thứ hai, sau khi nảy sinh vấn đề, trong cuộc họp phân tích vấn đề, mọi người luôn than trách và đùn đẩy trách nhiệm, ai cũng muốn chứng minh vấn đề phát sinh không hề liên quan đến mình.
Tại sao lại xuất hiện hai hiện tượng này? Nguyên nhân rất đơn giản: Ai cũng không muốn thất bại, cũng không muốn bị phê bình hay bị quở trách. Nếu đảm đương một dự án khó khăn, tính khả thi của thất bại sẽ rất lớn, vì vậy mỗi người đều hy vọng nhiệm vụ này sẽ được giao cho người khác; Tương tự, thừa nhận vấn đề là bởi vì sai lầm của bản thân gây ra, sẽ phải đối mặt với sự quở trách và phê bình của công ty. Bất kể là thất bại, hay là quở trách và phê bình thì cũng đều là điều mọi người không mong muốn, cho nên đã xuất hiện tình trạng “mình không muốn làm nhưng vẫn bắt người khác phải làm”.
Mục đích của “điều mình không muốn làm nhưng vẫn bắt người khác làm” rất đơn giản: trốn tránh thất bại, quở trách và phê bình. Nhưng, nếu mọi người trong doanh nghiệp, ai ai cũng “điều mình không muốn làm nhưng vẫn bắt người khác làm” thì nhất định sẽ gây ra một số hậu quả đáng tiếc.
Thứ nhất, không có ai gánh trách nhiệm, cuối cùng dẫn đến hiện tượng rất nhiều dự án quan trọng của công ty sẽ không có ai chịu trách nhiệm thực thi, rất nhiều doanh nghiệp do đó đã bỏ lỡ mất cơ hội phát triển.
Thứ hai, trao đổi nội bộ không thông suốt, giữa các bộ phận sẽ đùn đẩy trách nhiệm, các nhân viên oán trách lẫn nhau, kết quả cuối cùng tất nhiên sẽ là nội bộ doanh nghiệp đánh mất sự hài hòa và phối hợp nhịp nhàng, trao đổi nội bộ không thông suốt là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu suất của doanh nghiệp.
Thứ ba, oán trách và đùn đẩy trách nhiệm sẽ phát triển thành xung đột nội bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp do mâu thuẫn nên đoàn kết nội bộ đã bị tổn thất nghiêm trọng, thậm chí là đánh mất một số lượng lớn nhân viên.
Mắc bất kì hậu quả nào trong ba hậu quả trên đều có thể đi vào con đường thất bại, do đó, là một nhân viên coi trọng sự phát triển của doanh nghiệp, thì phải làm được “điều mình không muốn làm thì không bắt người khác làm”.
Liên quan đến “điều mình không muốn làm thì không bắt người khác làm”, chúng ta cần phải làm rõ hai vấn đề: bản chất của “điều mình không muốn làm thì không bắt người khác làm” là gì?
Bản thân mình không muốn, thì người khác nhất định sẽ không muốn, do đó, không được đùn đẩy cho người khác. Chúng ta có thể rút ra kết luận như thế này: Bản chất của “điều mình không muốn làm thì không bắt người khác làm” là đặt mình vào người khác – nghĩ đến mình cũng phải nghĩ đến người khác. Bản thân mình không muốn thì phải nghĩ cho người khác là bản thân họ cũng giống mình, cũng sẽ không muốn. Như vậy, nói ngược lại, cái mà bản thân hy vọng, mong muốn đạt được thì người khác cũng mong muốn, cũng hy vọng có được.
Kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân
Mình muốn lập thân thì cũng phải giúp người khác lập thân, mình muốn thành công thì cũng phải giúp người khác thành công.
– Ung Dã – Chương 6.28
Khi bản thân muốn đứng vững thì cũng phải giúp đỡ người khác đứng vững, khi bản thân muốn phát triển thì cũng phải giúp đỡ người khác phát triển. Đây là mặt tích cực có đi có lại, cũng là một trong những nội dung quan trọng của “nhân”.
Tử Cống là một trong những môn sinh thông minh nhất của Khổng Tử rất giỏi về bàn luận.
Một lần, ông hỏi Khổng Tử: “Nếu có người biết chăm sóc, lo lắng cho nhân dân, giúp đỡ mọi người, như vậy có thể gọi là người nhân được không?” Khổng Tử nghe xong liền đáp: “Sao chỉ gọi là người nhân thôi? Ắt gọi là bậc thánh mới xứng. Cho dù là vua Nghiêu, vua Thuấn cũng khó có thể làm được! Người nhân muốn đứng vững thì cũng giúp đỡ người khác đứng vững, bản thân mình muốn phát triển thì cũng giúp đỡ người khác phát triển. Hễ xử với mình thế nào thì cũng xử với người chung quanh mình thế ấy. Đó là những phương pháp thi hành để trở nên người nhân đức.”
Nếu nói “ái nhân” (yêu người) là khái niệm cơ bản của nhân, thì “kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân” chính là kim chỉ nam hành động của “yêu người” – khi bạn hy vọng thành công, cũng muốn giúp đỡ người khác thành công. Khi bạn hy vọng phát triển, cũng thúc đẩy người khác phát triển.
Thử trắc nghiệm một chút: Ai không mong muốn đứng vững trong công việc đầy sự cạnh tranh khắc nghiệt, ai không mong muốn con đường nghề nghiệp sinh nhai của mình thuận lợi, hanh thông? Nhưng nếu thành công của bạn có được là do sự thất bại của người khác hoặc gây tổn thất đến lợi ích của người khác thì bạn đã đi ngược lại với “nhân ái”.
“Nhân ái” là chỉ khi bạn gặt hái được thành công thì cũng thúc đẩy và giúp đỡ người khác gặt hái được thành công. “Nhân ái” là có đi có lại, là mọi người cùng trưởng thành, cùng nhau đi đến thành công.
Khi Lưu Vĩ mới vào bộ phận khai thác phát triển sản phẩm, bộ phận này có rất nhiều tiêu cực, tâm lý mọi người thì bi quan, tất cả các thành viên đều không quan tâm đến công việc, bộ phận tồn tại như “được ngày nào hay ngày đấy”. Lưu Vĩ là người có mong muốn đạt được thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khai thác phát triển sản phẩm, nhưng anh biết rất rõ nếu chỉ dựa vào sức lực của cá nhân thì không thể thực hiện được. Anh hy vọng các đồng sự của cả bộ phận có thể cùng nhau phấn đấu, cùng tham gia khai thác, phát triển sản phẩm. Vì thế, anh bắt đầu áp dụng các phương pháp khơi dậy lòng nhiệt tình của mọi người. Ban đầu, chỉ có vài đồng nghiệp đứng về phía anh, nhưng anh kiên trì không nản lòng, cuối cùng tất cả thành viên của bộ phận đều tham gia vào kế hoạch phát triển sản phẩm mới.
Cho đến nay, sản phẩm mà họ khai thác, phát triển đã được thị trường chấp nhận và đánh giá cao, trở thành một trong những sản phẩm có giá trị nhất của công ty, và Lưu Vĩ cũng được đề bạt lên chức trưởng bộ phận này.
Bài học:
1. Điều bản thân mình không muốn thì không nên ép buộc người khác.
2. Bản chất của “kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân” là có đi ắt có lại.
3. “Nhân ái” là khi bạn gặt hái được thành công, thì cũng phải thúc đẩy và giúp đỡ người khác đạt được thành công.
Thành nhân chi mỹ
Ủng hộ cái ác, cái xấu của người khác.
Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác
Người quân tử ủng hộ cái tốt đẹp của người khác, không ủng hộ cái ác, cái xấu của người khác.
– Nhan Uyên – Chương 12.16
So sánh với “kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân”, trở thành người có ích cho người khác còn tiến thêm một bước nữa. “Mình muốn thành công thì cũng giúp người khác thành công” là trên cơ sở bản thân mong muốn, giúp đỡ người khác, cùng nhau đi đến thành công; còn “thành nhân chi mỹ” lại chỉ khi người khác cần giúp đỡ, bạn giang tay ra giúp đỡ, để hỗ trợ đối phương thực hiện mục tiêu, kiểu giúp đỡ này cũng có thể không liên quan đến mong muốn của bản thân. “Ủng hộ cái tốt đẹp của người khác” thể hiện được tấm lòng rộng mở, bao dung, là một mỹ đức cao thượng. Ai có thể làm được việc “ủng hộ cái tốt đẹp của người khác”, người đó nhất định sẽ được người khác ca ngợi, thậm chí là được nhiều người ủng hộ, che chở.
Tháng 10 năm 2009, Ngô Kiến Hoa được đề bạt làm giám đốc bộ phận kinh doanh. Đối với anh, đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn bởi chỉ trong vài tháng vào công ty, anh đã chính thức bước vào tầng quản lý nòng cốt của công ty.
Do có năng lực đàm phán nghiệp vụ xuất sắc, nên Ngô Kiến Hoa thường được đồng nghiệp mời cùng đi đàm phán nghiệp vụ, và phần lớn nghiệp vụ mà anh tham gia đàm phán đều thuận lợi ký kết được hợp đồng. Kể từ khi vào bộ phận kinh doanh của công ty cho đến nay, chỉ trong vài tháng, anh đã giúp đỡ được mười mấy đồng nghiệp ký kết thành công gần 20 hợp đồng, thu được khoảng ba triệu Nhân dân tệ đạt doanh thu. Anh coi việc giúp đỡ đồng nghiệp là niềm vui của chính mình, và kiên trì nguyên tắc: Chỉ cần đồng nghiệp cần, nhất định sẽ dốc sức trợ giúp.
Ngô Kiến Hoa phát huy tinh thần làm việc giúp đỡ người khác là nguồn vui, không ngừng giúp đỡ, ủng hộ người khác, dần dần thu hút sự chú ý của lãnh đạo quản lý cấp cao của công ty, và anh cũng được đồng nghiệp trong cùng bộ phận kinh doanh yêu mến, giúp đỡ. Đến tháng 10 năm 2009, tức là chưa tròn nửa năm từ ngày Ngô Kiến Hoa vào làm tại công ty, công ty đã quyết định đề bạt anh làm giám đốc phụ trách bộ phận kinh doanh.
“Nhiệm vụ của giám đốc phụ trách bộ phận kinh doanh không phải là theo đuổi thành tích, nghiệp vụ cá nhân, mà phải giúp đỡ đồng nghiệp giành được thành tích xuất sắc. Ngô Kiến Hoa hoàn toàn có được năng lực và ý thức này…” Đây là đánh giá của tổng giám đốc công ty dành cho Ngô Kiến Hoa.
“Giúp đỡ, ủng hộ người khác” là một thái độ cho đi vô tư, cũng là sự quan tâm, yêu mến chân thành, xuất phát từ tấm lòng đối với người khác. Đương nhiên, sự cho đi và quan tâm, yêu mến cuối cùng nhất định sẽ được đền đáp tương xứng, giống như trường hợp của Ngô Kiến Hoa. Bởi vì, giao tiếp là sự qua lại tương hỗ, một người khi giúp đỡ người khác thì tài nguyên và mặt bằng mà bản thân người đó đang sở hữu cũng không ngừng được tích lũy và gia tăng.
Bài học:
1. Giúp đỡ người khác là một phẩm chất tốt đẹp.
2. Giúp đỡ người khác chính là tích lũy tài nguyên, của cải cho chính bản thân mình.
Cung, khoan, tín, mẫn, huệ
Cung kính, bao dung, giữ lời, cần mẫn, ân huệ
Trong “Luận Ngữ”, chữ “Nhân” tổng cộng được nhắc tới 109 lần, ngoài “nhân ái”, “yêu quý đồng nghiệp”, “có đi ắt có lại”, “ủng hộ cái tốt đẹp của người khác”…, “nhân” còn bao gồm rất nhiều nội dung khác, nhưng, nếu cần khái quát hành vi của “nhân” một cách cao độ thì nhất định phải dựa vào năm điểm sau:
Cung, khoan, tín, mẫn, huệ
Với người khác phải cung kính, bao dung, giữ chữ tín, làm việc phải cần mẫn, với người khác phải ân huệ.
– Dương Hóa – Chương 17.6
Đây là đáp áp của Khổng Tử khi Tử Trương hỏi về “nhân”. Tử Trương thỉnh giáo Khổng Tử thế nào là “nhân”, Khổng
Tử nói rằng: “Người có thể thực hiện năm loại đức trong thiên hạ thì có thể được gọi là ‘nhân’ rồi.” Tử Trương hỏi tiếp: “Đó là năm loại đức nào?” Khổng Tử đáp: “Thái độ cung kính, đối với người khác phải khoan dung, độ lượng, có uy tín, làm việc phải cần mẫn, đối với người khác phải nhân từ, ân huệ. Thái độ cung kính là không làm nhục người khác, đối xử khoan dung với người khác sẽ được mọi người ủng hộ và che chở, giữ chữ tín với người khác sẽ được trọng dụng, làm việc cần cù, chăm chỉ sẽ có thành tích xuất sắc, với người khác phải nhân từ, ân huệ thì có thể lãnh đạo được người khác.”
Cung, khoan, tín, mẫn, huệ là năm đức của người nhân ái, cũng là năm cách để thực hiện “nhân ái”, và là năm đức mà một nhân viên cần phải có.
Cung, thái độ cung kính. Là một nhân viên, trong công tác trước tiên phải giữ thái độ cung kính, bất kể là với cấp trên, đồng nghiệp, hay là đối với cấp dưới. Cung kính với cấp trên, sẽ không mạo phạm tới cấp trên; Cung kính với đồng nghiệp sẽ tránh được tranh cãi không cần thiết; Cung kính với cấp dưới sẽ khiến cho cấp dưới không cảm thấy bị coi thường và bị sỉ nhục. Ngược lại, nếu một người không có thái độ cung kính với người khác, hành vi cử chỉ sẽ hời hợt, khinh suất, và cũng không được người khác tín nhiệm, ủng hộ.
Khoan là khoan dung, nhân hậu với người khác. Mọi người luôn dễ dãi với sai lầm của bản thân, nhưng lại rất chú tâm, để ý đến sai lầm của người khác. Cho nên, Khổng Tử đã đưa ra “khoan”: Đối xử khoan dung, nhân hậu với mọi người, độ lượng, bao dung với khuyết điểm của người khác, thông cảm cho sai phạm của người khác. Trong công việc, ai cũng khó tránh khỏi phạm phải sai lầm, là đồng nghiệp hoặc cấp trên, chúng ta phải hướng dẫn nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn người mắc sai lầm, chứ không phải một mực chỉ trích và trừng phạt. Như vậy, bạn sẽ dần dần được đồng nghiệp, cấp dưới bảo vệ, che chở và kính trọng.
Tín là giữ uy tín với người khác. Chữ tín là một phẩm chất không thể thiếu trong đối nhân xử thế của con người, không ai muốn giao tiếp, qua lại với một người không giữ chữ tín, thiếu uy tín. Tại công sở, uy tín vô cùng quan trọng. Trước tiên, bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng sẽ không chấp nhận một nhân viên không giữ chữ tín. Tiếp đến, người mà thường xuyên thất hứa với người khác nhất định sẽ giảm uy tín trong mắt cấp trên, lãnh đạo không dám tiếp tục giao công việc quan trọng cho người đó. Đồng thời, một người không có uy tín sẽ không thể nào được đồng nghiệp chấp nhận và kính trọng. Một người muốn có thành công trong nghề nghiệp thì phải lấy chữ tín làm gốc rễ căn bản để đối nhân xử thế, sao cho “nói là phải làm, làm phải có hiệu quả”.
Mẫn là làm việc phải chăm chỉ. Cái gì quyết định sự thành bại của doanh nghiệp? Câu trả lời là: Hiệu suất! Vậy, cái gì quyết định hiệu suất của doanh nghiệp? Tất nhiên là hiệu quả làm việc của nhân viên. Cái mà “mẫn” nhấn mạnh là sức phản ánh và sức hành động, sức phản ứng và sức hành động chính là cơ sở của hiệu quả làm việc. Khi một nhân viên có đầy đủ sức phản ánh và sức hành động xuất sắc thì nhất định sẽ có thành tích, được cấp trên quan tâm, để ý.
Huệ là với người khác phải nhân từ, ân huệ. “Huệ” là tố chất lãnh đạo, muốn lãnh đạo người khác, muốn người khác nghe theo chỉ huy của mình thì phải có “ân huệ”. Tình cảm giữa con người với con người là loại tình cảm tương hỗ lẫn nhau, bạn tốt với đồng nghiệp, với cấp dưới, thì đồng nghiệp và cấp dưới tất nhiên sẽ dùng thái độ phối hợp tích cực và chăm chỉ làm việc để báo đáp lại cho bạn. Đây chính là sức mạnh của “ân huệ”. Khi bạn tập trung hết sức lực, phát huy hết tính tích cực cho tập thể, vắt óc suy nghĩ cho tập thể, chữ “huệ” của Khổng Tử sẽ giải quyết được vấn đề này hết sức nhẹ nhàng.
Bài học:
1. Trong công việc, phải giữ thái độ kính trọng với cấp trên, đồng nghiệp và cấp dưới.
2. Bao dung, độ lượng với sai lầm của người khác.
3. Là người giữ chữ tín, nói là làm, làm phải có hiệu quả.
4. Tích cực chủ động, tự động xử lý tốt công việc và nhiệm vụ thuộc phạm vi, chức trách của mình.
5. Quan tâm, yêu mến, tôn trọng đồng nghiệp và cấp dưới.
Đương nhân bất nhượng
Làm điều nhân thì không nhượng bộ
Có tấm lòng nhân ái, nhưng cũng phải giữ nguyên tắc nhất định – biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm.
Đối với nhân viên mà nói, còn phải đứng trên lập trường của tập thể để suy xét vấn đề, kiên trì quan điểm chính xác, phải đấu tranh có sức thuyết phục khi đối diện với quan điểm và quyết sách sai lầm, kể cả là đối mặt với lãnh đạo cũng cần phải như vậy. Đó chính là “làm việc nhân đạo thì không nên khiêm nhường” mà Khổng Tử nói đến.
Đương nhân, bất nhượng ư sư
Làm điều nhân thì dẫu thầy mình, mình cũng không phải nhường.
– Vệ Linh Công – Chương 15.36
Đây là nguồn gốc của thành ngữ “đương nhân bất nhượng”. “Đương nhân bất nhượng ư sư” là chỉ đối mặt với sự việc phù hợp với đạo nghĩa thì làm ngay, chẳng nhường thầy mình. Nó nhắc nhở chúng ta rằng: quyền uy không phải là tuyệt đối, chỉ cần những việc chúng ta làm là đúng đắn, phù hợp với đạo đức, đạo nghĩa thì chúng ta phải kiên quyết đến cùng. Vào thời cổ đại, thầy giáo là đại diện cho uy quyền, lời dạy “một ngày là thầy, suốt đời là cha” được lưu truyền hết đời này sang đời khác. Do đó, có thể thấy, tôn sư có lúc thậm chí còn quan trọng hơn trung hiếu. Nhưng, Khổng Tử nói với chúng ta rằng: Làm điều nhân thì dẫu thầy mình, mình cũng không nhường.
Đối với nhân viên, “thấy việc nhân đạo thì không phải nhượng bộ” có nghĩa là kiên trì bảo vệ ý kiến đúng đắn. Phải biết rằng, trong quá trình làm việc thực tế, ai cũng không thể tránh khỏi bất đồng quan điểm, với cấp trên hoặc đồng nghiệp. Nếu quan điểm hoặc kiến nghị của bạn sai, bạn nên loại bỏ. Nhưng nếu quan điểm hoặc kiến nghị của bạn là đúng đắn, thì nhất định phải, dùng sức mạnh lý lẽ để đấu tranh. Nhưng sự thực, nhiều khi mọi người luôn vì kiêng nể đối phương là cấp trên mà vứt bỏ ý kiến đúng đắn của mình.
Mùa thu năm 2009, chúng tôi tiến hành điều tra nghiên cứu một doanh nghiệp sữa đang rơi vào khó khăn do chất lượng sản phẩm kém. Chúng tôi gặp một nhân viên và anh ta không ngừng kêu ca, oán thán với chúng tôi rằng: “Lúc đó, ý kiến của tôi là không được đưa lô bột sữa có vấn đề về chất lượng vào thị trường, nhưng cấp trên lại cho rằng việc đó sẽ gây tổn thất vài triệu Nhân dân tệ cho công ty. Bây giờ thì sao? Bởi vì sản phẩm kém chất lượng trị giá chỉ có vài triệu Nhân dân tệ mà chúng tôi bị tổn thất gần 20 triệu Nhân dân tệ.” Giọng điệu của anh này tràn đầy sự oán hận và trách cứ.
Chúng tôi nghiêm túc nói với anh ta rằng: “Sự việc này cho thấy, anh không phải là một nhân viên tận tâm. Một nhân viên đúng nghĩa không bao giờ nhượng bộ khi đứng trước đạo đức và chính nghĩa, phải dùng lý lẽ đúng đắn để đấu tranh, cho đến khi đối phương, dù đó là cấp trên, chấp nhận quan điểm của mình.”
“Đương nhân bất nhượng” là khi cấp trên đưa ra quyết định sai lầm, nhất định phải đấu tranh, kiên trì bảo vệ quan điểm và kiến nghị đúng đắn.
Tại cuộc họp tổng kết tháng 5 năm 2010, Hà Phi của bộ phận kinh doanh nhận được 1000 Nhân dân tệ tiền thưởng và một huân chương “cống hiến đặc biệt”. Khi nhận tiền thưởng và huân chương, anh rất cảm kích, thậm chí còn bày tỏ: “Tôi không ngờ rằng tôi đã phản đối kế hoạch của Tổng giám đốc Dương mà vẫn được thưởng, nói thực, những ngày này tôi luôn cảm thấy bất an, tôi lo lắng sợ rằng mình sẽ bị cho nghỉ việc.”
Đầu tháng 5, công ty quyết định cho thực hiện mô hình tiếp thị hội nghị. Tiếp thị kiểu hội nghị có thể giúp công ty nhanh chóng thực hiện mở rộng và thu lợi nhuận, nhưng, tiếp thị hội nghị lại đi ngược lại với sứ mệnh mà công ty đã theo đuổi một thời gian dài, rất dễ làm mất khách hàng. Đương nhiên, đối với rất nhiều nhân viên, chỉ cần là quyết sách mà cấp trên đã đưa ra, thì sẽ thực hiện đầy đủ. Hà Phi lại cho rằng làm ngơ trước quyết sách sai là một hành vi vô trách nhiệm với công ty và thiếu trách nhiệm với nghề nghiệp. Do đó, anh đã gửi thư nêu ý kiến phản đối với Tổng giám đốc Dương, miêu tả cụ thể bất lợi mà tiếp thị hội nghị có thể đem đến cho công ty. Những miêu tả này đã làm Tổng giám đốc Dương suy nghĩ, và quyết định trì hoãn thực thi kế hoạch tiếp thị hội nghị.
Không lâu sau, nội bộ công ty cử hành đại hội toàn thể nhân viên liên quan đến việc có cần thực thi tiếp thị hội nghị hay không. Sau hai ngày thảo luận gay gắt, cuối cùng, công ty quyết định từ bỏ mô hình tiếp thị này.
Việc giữ gìn sự chính trực của những người trong công sở gồm hai phương diện: lời nói của mình phải chính trực; và khi gặp những lời nói, cử chỉ không chính trực, quyết không hùa theo.
Bài học:
Kiên trì quan điểm đúng đắn, cho dù đối mặt với cấp trên cũng phải như vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.