“Luận Ngữ” Ứng Dụng Trong Kinh Doanh

NO.5 TRUNG THÀNH



Xuất hiện không nhiều (tổng cộng là 18 lần), nhưng, “trung” lại là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong “Luận Ngữ”.
Tổng quan 18 chữ “trung” trong “Luận Ngữ”, đều có một nghĩa: Phải tận tâm, tận sức với những việc mình làm và với cấp trên. Ví dụ “vi nhân mưu nhi bất trung hồ” (mưu việc cho người khác đã thành tâm hay chưa), “dự nhân trung” (Giúp việc người thì tận lực), “Sự quân dĩ trung” (thờ vua phải trung thành)…
Cho nên có thể thấy, “trung” trong “Luận Ngữ” có nghĩa là trung thành, liên hệ với công sở, “trung” tức là kính nghiệp.
Trong “Luận Ngữ” đã nhấn mạnh nhiều lần rằng bề tôi cần phải trung thành với sự nghiệp của bản thân – làm chính trị, phải trung thành với quân vương. Tương tự, ngày nay nhân viên cũng cần phải trung thành với công việc của bản thân, trung thành với cấp trên.
Một người không trung thành với công việc của mình thì sẽ không cố gắng làm việc, bỏ qua nhiều cơ hội, kết
quả công việc cuối cùng cũng sẽ khó khiến người khác hài lòng. Một người không thể trung thành với cấp trên thì sẽ vi phạm chỉ thị của cấp trên, đồng thời, khi cấp trên đưa ra quyết sách sai lầm, họ sẽ làm ngơ như không biết. Có trường hợp thậm chí, nhân viên còn chống đối lại cấp trên, làm việc với một thái độ lơ là, thậm chí còn gây chuyện thị phi trong công ty, gây mất đoàn kết, hoặc lợi dụng quyền lực để mưu lợi cá nhân…
Là một trong những người sáng lập của tập đoàn, Từ Kiến Hoa đã trở thành tổng giám đốc của công ty con, lương hàng năm cao đến hơn ba trăm ngàn Nhân dân tệ được công ty cấp cho một căn hộ ba phòng và một chiếc xe hơi. Nhưng, khi thấy lợi nhuận của tập đoàn lên đến hàng trăm triệu Nhân dân tệ mỗi năm, Từ Kiến Hoa thấy vẫn chưa hài lòng. Thế là, ông bắt đầu gây rối trong tập đoàn, trước tiên là loại trừ hai người đồng sáng lập công ty để bản thân kiêm nhiệm chức tổng giám đốc của ba công ty con, tiếp đến, thông qua hình thức bỏ phiếu, ông còn chiếm được vị trí phó chủ tịch của tập đoàn.
Ở vị trí phó chủ tịch tập đoàn chưa được một năm, Từ Kiến Hoa đã nhận khoản tiền hoa hồng gần sáu triệu Nhân dân tệ. Hội đồng quản trị tập đoàn đã triệu tập hội nghị, cuối cùng quyết định đưa vụ việc này ra pháp luật.
“Trung thành? Đừng nói với tôi từ trung thành, ban đầu nếu tập đoàn không có tôi, thì tuyệt đối không thể phát triển như ngày hôm nay. Dựa vào cái gì mà đòi tôi trung thành với bọn họ? Tại sao bọn họ không trung thành với tôi? Khi có người nhắc đến hai từ trung thành, Từ Kiến Hoa phẫn nộ.
“Việc ông nhận hoa hồng chúng tôi đã sớm phát giác, nhưng niệm tình ông là người sáng lập ra công ty, nên chúng tôi mới cảnh cáo, nhưng ông không chịu sửa đổi, cuối cùng, số tiền hoa hồng ông nhận được là gần sáu triệu Nhân dân tệ thì khiến người khác không thể chịu đựng nổi nữa!” Chủ tịch tập đoàn đã nói Từ Kiến Hoa như vậy.
Nói một cách công bằng, Từ Kiến Hoa là một người rất có tài năng. Nhưng, trong ông thiếu lòng trung thành với sự nghiệp, với cấp trên. Với ông, tư lợi cá nhân là quan trọng nhất. Do đó, ông không ngừng tranh quyền đoạt lợi, cuối cùng đã đi vào con đường phạm tội.
Một người không có lòng trung thành, sẽ thiếu tận tâm với công việc thành ra không coi việc gì là quan trọng, thậm chí là xem thường pháp luật, lợi dụng chức quyền để mưu lợi tư như Từ Kiến Hoa. Vậy, thế nào mới được gọi là trung thành? Khổng Tử đã giải thích như sau:
Thứ nhất, trung thành với chức trách. Trung thành trước hết là phải trung với chức vụ mình nắm giữ, phải làm được “Cư chi vô quyện, hành chi dĩ trung” (Giữ chức vụ thì không mệt, không chán, chính lệnh thì trung thành.)
Thứ hai, trước tiên phải chăm chỉ làm việc, sau đó mới tính đến được công nhận và đãi ngộ, đó chính là “kính kỳ sự nhi hậu kỳ thực” (Phải tận tâm rồi mới nghĩ đến bổng lộc).
Thứ ba, “Bất tại kì vị, bất mưu kì chính” (Không ở vị trí ấy thì đừng bàn về việc ấy). Không phải là chuyện trong phận sự của mình, thì tự nhiên không cần phải xử lý, nhưng, công việc trong phạm vi phận sự của mình thì phải xử lý thỏa đáng.
Thứ tư, không được lừa gạt người khác, nhưng có thể trực tiếp trách mắng họ. Trung thành không có nghĩa là tuân thủ mệnh lệnh mù quáng. Khi quan điểm của cấp trên chính xác thì phải thực hiện nghiêm túc chỉ lệnh của cấp trên; Nếu quyết sách của họ sai, thì có thể nói thẳng ra khuyết điểm, cho dù có xảy ra mâu thuẫn với họ.
Bài học:
Nhân viên phải trung thành với công việc của bản thân, trung thành với cấp trên của mình.
Trung ư chức thủ
Trung thành với chức vụ
Cư chi vô quyện, hành chi dĩ trung.
Giữ chức không được trễ nải, làm việc phải giữ trung thực.
– Nhan Uyên – Chương 12.14
Một lần, Tử Trương đã thỉnh giáo Khổng Tử về cách cai trị. Khổng Tử đáp: “Trong tâm mình lúc nào cũng lo việc dân việc nước, chẳng biết mệt chán; Thi hành việc gì vẫn giữ niềm trung chính, hết tình.” Khổng Tử cũng nhấn mạnh hai điều: Không được coi thường chức trách, phải luôn luôn duy trì trạng thái công tác tốt; thực hiện các sự việc trong phạm vi nhiệm vụ mà không bớt xén. Ý tứ của ông cũng rất rõ ràng: Phải trung thành với cương vị công tác.
Trung thành với chức trách là một trong những tố chất quan trọng nhất của nhân viên, bởi vì, nó không chỉ quyết định sự thành bại của công việc, mà còn quyết định sự thành bại cuộc sống, thậm chí là quyết định sự phát triển và thành bại của doanh nghiệp.
Gần đây, Cố Cường đã từ chức. Trước đó, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty đã từng nhiều lần không hài lòng với kết quả làm việc của anh ta. Từ khi đảm nhận chức quản lý kinh doanh của công ty, Cố Cường đã thay đổi thái độ làm việc, suốt ngày chỉ tay năm ngón, rồi ngồi chơi không làm đúng chức trách của trưởng phòng. Anh ta đã phân hết công việc thuộc phận sự của mình cho cấp dưới làm, cả ngày không làm việc gì cả. Không những vậy, anh ta còn không tôn trọng tổng giám đốc mới nhận chức, thường xuyên xảy ra tranh chấp với tổng giám đốc trong cuộc họp, thậm chí còn bôi nhọ và nói xấu tổng giám đốc sau lưng.
Hành vi, cử chỉ của Cố Cường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý nội bộ của công ty. Mục đích tuyển dụng tổng giám đốc mới của công ty chính là hoàn thiện hệ thống quản lý nội bộ, tạo ra nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi mô hình tiếp theo của công ty. Bộ phận kinh doanh là bộ phận quan trọng nhất, nhưng thái độ bất hợp tác và không làm đúng với chức trách quản lý của Cố Cường khiến cho phương án quản lý của đội kinh doanh không thể nào thực thi được.
“Tôi tạm thời không nói đến việc anh và Tổng giám đốc Ngô (tổng giám đốc mới bổ nhiệm) có chỗ nào bất hòa, tôi chỉ muốn bàn bạc với anh về tố chất cơ bản nhất của một nhân viên. Anh hãy thử nghĩ xem, là quản lý kinh doanh của công ty, anh đã tận tâm tận sức vì chức trách chưa? Anh có trung thành với cương vị công tác không?” Chủ tịch hội đồng quản trị đã nói với Cố Cường, trong khi ký vào đơn xin từ chức của anh.
Biểu hiện của Cố Cường đã khiến người ta cảm thấy thất vọng. Nếu anh ta tiếp tục đảm nhận chức quản lý kinh doanh thì sẽ gây ra hậu quả như thế nào?
Thứ nhất, thành tích của bộ phận kinh doanh không tiến triển, điểm này đã được chứng thực trong quá trình anh ta đảm nhận chức quản lý kinh doanh.
Thứ hai, cản trở nghiêm trọng đến cơ cấu chuyển đổi mô hình của công ty. Chuyển đổi mô hình của công ty phải phối hợp với mục tiêu chiến lược, một khi chuyển đổi cơ cấu thất bại, rất có thể sẽ khiến công ty rơi vào khó khăn, thậm chí phá sản.
Không còn nghi ngờ gì nữa, hai hậu quả này sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng cho công ty. Trên thực tế, mỗi một nhân viên đều phải có liên quan mật thiết với vận mệnh của công ty, bất kể là người đó đảm nhận chức vụ nào.
Bài học:
1. Không được coi thường chức trách, phải luôn luôn có thái độ công tác tốt.
2. Chấp hành công việc do cấp trên bố trí và nằm trong phận sự của mình, không bớt xén việc gì.
3. Mỗi nhân viên đều có liên quan mật thiết đến vận mệnh của doanh nghiệp.
Tiên nhận chân công tác, hậu kế giảo báo thù
Trước tiên phải chăm chỉ làm việc, sau đó mới tính đến thù lao, bổng lộc.
Sự quân kính kỳ sự, nhi hậu kỳ thực
Thờ vua phải tận tâm, sau mới nghĩ đến bổng lộc.
– Vệ Linh Công – Chương 15.38
Kính là nghiêm túc, tích cực, “kính kỳ sự” là xử lý các sự việc nghiêm túc, tích cực. “Thực” là bổng lộc, cũng giống như “thù lao” mà nhân viên ngày nay nhận được, “hậu kỳ thực” là đặt bổng lộc nhận được về phía sau. Tóm lại, ý nghĩa của câu nói này là: làm việc tích cực rồi hãy tính đến thù lao, bổng lộc – đây chính là trung thành.
Ai cũng muốn bỏ ra sức lực và thời gian thì sẽ được báo đáp xứng đáng. Nhưng, nếu một người chỉ làm việc vì báo đáp thì không cần bàn đến lòng trung thành nữa. Nếu ở đâu trả mức lương cao hơn thì nhất định họ sẽ lựa chọn nhảy việc. Những trường hợp như thế không phải là hiếm.
Chúng tôi đã làm bảng câu hỏi sau khi kiểm tra nhân viên của mình:
“Khi có công ty trả lương cao hơn, bạn sẽ lựa chọn thế nào?”
Lúc đầu, mọi người vẫn còn cẩn trọng, suy xét xem cấp trên của mình bây giờ có đang thử mình hay không? Khi biết rõ đây là tình huống giả định, có người đã mạnh dạn nói ra suy nghĩ của bản thân: “Đến nơi nhiều tiền hơn mà không muốn thì há chẳng phải là thằng ngốc hay sao?” Câu này vừa thốt ra đã được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng.
Chúng tôi hỏi tiếp rằng: “Vậy, là một nhân viên có cần phải trung thành hay không?”
“Anh đùa hả? Trung thành? Trung thành đáng giá bao nhiêu tiền?”
Rất nhiều người coi nhẹ giá trị của “trung thành”. Nhưng trong “Luận Ngữ”, trung thành là căn bản và nền tảng để làm người, một người không có lòng trung thành thì sẽ không thể tồn tại và đứng vững được.
Trên thực tế, trong chốn công sở ngày nay, không có lòng trung thành cũng có nghĩa là không thể trụ vững được. Một người không ngừng thay đổi công ty vì lương nhiều hơn, cao hơn, cuối cùng tất nhiên sẽ để lại ấn tượng không tốt cho người khác, không có lòng kiên định, sự kiên trì, không hợp tác được lâu dài. Như vậy, sẽ không bao giờ được trọng dụng.
Tiền Phong được bạn bè gắn cho mác “nhảy việc”, bởi vì một năm anh đổi đến bốn công ty, nhưng tự anh ta cảm thấy rất hài lòng. “Cứ mỗi lần chuyển công ty, tiền lương lại tăng thêm một ít, như vậy chẳng phải là rất tốt hay sao?”
Cuối năm 2009, khi các bạn đại học họp lớp, Tiền Phong đã rất tự đắc khoe “bí quyết không ngừng tăng lương” của mình cho mọi người.
“Vậy lương cậu hiện nay được bao nhiêu?” Một bạn học hỏi.
“4500 Nhân dân tệ” – Tiền Phong rất đắc ý trả lời. Nghe câu trả lời này, mọi người cùng cười lớn.
“Nói cho cậu biết sự thực, tiền lương của cậu cơ bản không cao đâu, cậu biết lương của Lưu Hải bao nhiêu không? Cao hơn gần gấp hai lần, ngay cả lương của tớ cũng cao hơn cậu một chút đấy.” Một bạn học khác nói với Tiền Phong.
Lưu Hải lúc ra trường đến nay vẫn làm việc ở Tập đoàn công nghiệp Trung Đại, hiện nay đã được đề bạt làm giám đốc cửa hàng của công ty. “Trong một thời gian ngắn, trung thành không đem lại lợi ích gì, nhưng trong một thời gian dài, bạn sẽ phát hiện ra rằng, trung thành đích thị là một phẩm chất không thể thiếu.” Đây là cách nhìn nhận của Lưu Hải về lòng trung thành.
Tiền Phong không lâu trước đó cũng lại chuyển công ty, bởi vì anh ta không hài lòng về mức lương hiện tại nữa. Nhưng, lần này anh không may, một vài công ty xem xong lý lịch của anh đều đặt câu hỏi trước tần số chuyển công ty quá nhiều của anh, và có yêu cầu Tiền Phong giải thích rõ lý do.
Một người luôn đòi hỏi lương cao không có gì để phê phán hay chê trách họ được, nhưng khi không có lòng trung thành, chỉ biết đòi hỏi lương cao, cuối cùng chỉ nhận được kết quả trái ngược. Hơn nữa, bất kỳ công ty nào cũng không thể coi trọng nhân viên xem tiền lương là điều kiện hàng đầu.
Hoàng Vỹ bị công ty cho nghỉ việc. “Tôi thực sự không thể nào chịu đựng nổi sự tồn tại của một nhân viên như vậy, bất kể ai nhờ anh ta làm chuyện gì, anh ta đều hỏi: ‘Làm việc này, tôi có thể được bao nhiêu tiền?’ Vài ngày trước, tôi giao cho anh ta một việc, anh ta nghĩ rất lâu, bước vào phòng tôi và nói: ‘Tổng giám đốc Vương, tôi không thể nhận công việc này được, bởi vì nó không phù hợp với đãi ngộ và mức lương của tôi. Nếu thực sự muốn tôi làm, tôi xin được nâng lương.’ Tôi tức giận đến mức không nói ra lời.” Tổng giám đốc Vương phẫn nộ với chúng tôi.
“Anh nghĩ xem anh ta chả làm gì cả, mà cứ đòi nâng lương. Nếu anh ta làm thực sự xuất sắc, tôi tự nhiên sẽ nâng lương cho anh ta. Ai chả muốn giữ nhân viên ưu tú? Như Từ Phương, cô ấy mới vào công ty chúng tôi chưa được nửa năm, nhưng tôi đã nâng lương cho cô ấy. Nếu so với lòng yêu nghề của cô ấy thì Hoàng Vỹ không bằng nổi 1/10, việc gì cô ấy cũng xông xáo đi làm, nhưng chưa bao giờ xin tôi nâng lương.” Tổng giám đốc Vương nói tiếp.
Những nhân viên luôn coi việc lương lậu là hàng đầu như Hoàng Vỹ không hề hiếm. Những người này thực sự là những nhân viên không có lòng trung thành. Vậy, một nhân viên như thế nào mới được xem là có lòng trung thành? Đây chính là “kính kỳ sự nhi hậu kỳ thực”, cũng giống như những gì Từ Phương đã làm – “việc gì cũng xông xáo đi làm, nhưng chưa bao giờ nhắc đến việc nâng lương.”
Hầu hết những người quản lý đều giống như tổng giám đốc Vương, mong muốn có thể giữ được những nhân viên có tinh thần yêu nghề, kính trọng nghề nghiệp, tuyệt đối sẽ không keo kiệt với những cấp dưới có năng lực thực sự.
Bài học:
1. Trước tiên phải chăm chỉ làm việc, rồi sau đó mới tính đến thành quả được hưởng. Đây chính là trung thành.
2. Một người không có lòng trung thành thì cuối cũng sẽ không thể trụ vững được.
3. Không ai chào đón một nhân viên thiếu lòng trung thành.
Bất tại kì vị, bất mưu kì chính
Không giữ chức vụ ấy thì đừng bàn về việc ấy.
– Thiên Thái Bá – Chương 8.14
Câu nói này hiện nay lưu hành rất phổ biến trong doanh nghiệp. Mỗi khi có vấn đề xảy ra, khi truy cứu trách nhiệm, sẽ luôn có một vài người rất thẳng thắn rằng: “Việc này không liên quan đến tôi, các anh tìm tôi thì có tác dụng gì?”
“Bất tại kì vị, bất mưu kì chính”: Không giữ chức vụ gì thì đừng lo nghĩ về chức vị ấy. Ai nên lo phận người nấy. Việc người khác mình không hiểu được nội tình nên nhận xét có thể sai lạc; lại làm cho tình hình rối loạn hơn.
“Bất tại kì vị, bất mưu kì chính”: “Nhiệm vụ của chúng ta là bán hàng, hoạt động tiếp thị cho dù rất quan trọng, nhưng là việc của bộ phận thị trường, họ không có kế hoạch thì chúng ta không được tiến hành tùy tiện.” Đây là lời của người phụ trách công ty bán hàng.
“Bất tại kì vị, bất mưu kì chính”: “Nhãn hiệu sản phẩm có liên hệ gì với chúng tôi? Đây là việc của giám đốc, chúng tôi chỉ cần lên kế hoạch hoạt động thị trường hàng năm cho thật tốt, phối hợp với bộ phận bán hàng nâng cao doanh thu là được.” Đây là lời của người phụ trách bộ phận thị trường.
“Bất tại kì vị, bất mưu kì chính”: “Sự ổn định của nhân viên có quan hệ gì với tôi? Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là tuyển dụng, lựa chọn nhân tài ưu tú là nhiệm vụ duy nhất của chúng tôi.” Đây là lời của chuyên viên bộ phận nhân sự.
Các trường hợp trên không hề hiếm gặp. Rõ ràng là có rất nhiều việc là của mình, nhưng họ lại đùn đẩy cho người khác. Kế hoạch khuyến mại thúc đẩy tiêu thụ đáng lẽ phải do bộ phận thị trường lập, nhưng bộ phận thị trường lại không đưa ra yêu cầu, mục đích rõ ràng và thông tin thị trường chuẩn xác, bộ phận thị trường làm sao có thể lập ra phương án khuyến mại thúc đẩy tiêu thụ được? Quảng bá thương hiệu rõ ràng là trách nhiệm của bộ phận thị trường, nhưng họ lại đẩy cho giám đốc. Tương tự, duy trì sự ổn định của nhân viên chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bộ phận nhân sự…
Trên một chức vị nào đó thì nhất định phải suy tính đến sự việc có liên quan. Tôi nghĩ đây mới là ẩn ý của Khổng Tử. Trên một cương vị mà không suy tính làm thế nào để làm tốt công tác của chức vị đó, đây chính là sự coi thường cương vị công tác, cũng không xứng đáng ở vị trí này.
Vậy, thế nào mới có thể “bất tại kì vị, bất mưu kì chính”?
Thứ nhất, là nhân viên, chúng ta cần phải hiểu đầy đủ ở chức vị này cần phải xử lý công việc như thế nào.
Thứ hai, xử lý nghiêm túc, đầy đủ mỗi một sự việc thuộc phạm vi công việc của bản thân.
Bài học:
“Bất tại kì vị, bất mưu kì chính” – làm tốt tất cả công việc thuộc chức trách của mình.
Vật khi dã, nhi phạm chi
Không được lừa dối vua, dám can ngăn dù mạo phạm tới vua.
– Hiến Vấn – Chương 14.22
Một lần, Tử Lộ thỉnh giáo thầy về đạo thờ vua, Khổng Tử đáp: “Vật khi dã, nhi phạm chi” (Không được lừa dối vua, dám can ngăn dù mạo phạm tới vua).
Điều này có thể coi là trái với đạo. Hiện nay, rất nhiều người luôn lừa gạt cấp trên, chứ tuyệt đối không xúc phạm cấp trên. Bọn họ cho rằng: Lừa gạt cấp trên, có thể giấu giếm được vấn đề của bản thân; không xúc phạm cấp trên, thì sẽ không lo lắng bị cấp trên ghét bỏ.
Nhưng sự thực thì sao? Khi một người bắt đầu nói dối lần thứ nhất, thì có nghĩa là người đó phải nói dối lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư…, cuối cùng lời nói dối của người đó cũng sẽ tự bị bại lộ.
Trong lần đầu gặp mặt phỏng vấn, để làm gia tăng cơ hội thành công, nhấn mạnh khả năng và sở thích ngoài việc viết lách của bản thân, Thẩm Cao đã nhấn mạnh mình đã từng học qua hội họa, học đàn, đọc văn học cổ… Điều đó khiến tôi vô cùng chú ý đến người này.
Nhưng, khi triển khai công việc thực tế, chúng tôi phát hiện trong lời nói của Thẩm Cao có rất nhiều điểm đáng nghi ngờ. Ví dụ như có một lần, bộ phận kế hoạch của công ty muốn vẽ một bức phác họa trên quyển tuyên truyền của công ty, chúng tôi đã giới thiệu Thẩm Cao, cô ấy lại từ chối nói: “Đã nhiều năm rồi tôi không vẽ, tôi sợ không vẽ được…” Một lần khác, chúng tôi lập ra một tuyển tập có liên quan đến văn hóa truyền thống, bởi vì Thẩm Cao đã từng nói cô ấy giỏi cổ văn, vì vậy chúng tôi đã giao cho cô ấy một phần công việc dịch có liên quan đến Chu Dịch, cuối cùng cô ấy đã sao chép trực tiếp bài dịch của Chu Chấn Nam. Cô ấy giải thích rằng: “Bản thân tôi rất tôn sùng Chu lão tiên sinh, vì vậy đã sử dụng bài dịch của ông.”
Cho đến một lần, công ty tổ chức hoạt động nội bộ, yêu cầu mỗi bộ phận có hai tiết mục, chúng tôi đã tiến cử Thẩm Cao đàn một bài, lần này, cô ấy cuống cuồng đáp: “Tôi không biết đàn…” Sau việc này, cô ấy tìm cơ hội bộc bạch nói với chúng tôi: “Lúc đầu, tôi chỉ là rất muốn gia nhập vào nhóm sáng tác của công ty, kỳ thực tôi vốn chưa từng học vẽ, cũng chưa từng học đàn, đối với văn học cổ, cũng chỉ là sở thích mà thôi, chứ chưa từng học hay nghiên cứu…” Chúng tôi cười tiếp lời cô ấy: “Chúng tôi đã sớm biết điều này, nói dối có phải rất mệt không?” Cô ấy gật đầu nói: “Khi bắt đầu, bản thân đã bị cuốn vào nó, bây giờ nói ra rồi, trong lòng thanh thản hơn nhiều.” Tiếp đến, cô ấy xin thôi việc, nhưng chúng tôi từ chối yêu cầu của cô ấy.
Tương tự, không xúc phạm cấp trên không có nghĩa là bạn có thể tồn tại lâu dài trong doanh nghiệp, nếu bạn không có đủ năng lực, hoặc là thiếu đạo đức nghề nghiệp, bất kể bạn có quan hệ với cấp trên tốt như thế nào, kết cục cuối cùng vẫn là phải rời khỏi doanh nghiệp.
Không lừa gạt cấp trên nhưng tại sao có thể xúc phạm cấp trên?
Từ Kiến là người sáng lập kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty thời trang. Một lần, để giảm thiểu tổn thất, ông quyết định cấp một lô hàng không đạt chất lượng cho các cửa hàng bán hàng trực tiếp. Phương Tiểu Minh (Giám đốc khu vực của công ty) đã rất tức giận, cô vỗ bàn nói với Từ Kiến rằng: “Hành vi của anh là hành động vô trách nhiệm với người tiêu dùng, là hành động vô trách nhiệm với bản thân và với công ty. Thương hiệu của chúng ta qua hai năm mới vừa khởi sắc, anh làm như vậy chính là hủy hoại thương hiệu!” Chính vì quá kích động, cô đã có lời nói không phân biệt thứ bậc, sau khi nói xong, Phương Tiểu Minh đẩy cửa đi ra ngoài.
Hành động của Phương Tiểu Minh khiến Từ Kiến giật mình, nhưng sau đó ông lại cảm thấy bản thân mình rất may mắn, bởi vì có cấp dưới như Phương Tiểu Minh. Ngày thứ hai, trong buổi họp của công ty, Từ Kiến đã xin lỗi toàn thể nhân viên của công ty, và cảm ơn Phương Tiểu Minh. Trong cuộc họp tháng, Từ Kiến đã thưởng cống hiến đặc biệt cho Phương Tiểu Minh.
Bài học:
1. Không nên lừa gạt cấp trên, càng không nên cho rằng, cấp trên có thể “lừa gạt” được.
2. Khi cấp trên đưa ra quyết sách sai lầm nên đấu tranh bằng lý lẽ, cho dù là xúc phạm đến cấp trên.
Chú thích
[1] Thánh nhân là người hoàn hảo, thông thiên lý. Thiện nhân là người không làm ác, đầy lòng nhân. Hai loại người này chẳng có ở đời, cho nên Khổng Tử chẳng thấy. Kém hai hạng người trên, có hạng quân tử và hạng hữu bằng là bậc bền chí theo đường lành..

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.