Lưới Điện Tử Thần

CHƯƠNG 50



Lại cái mùi đó.
Liệu Amelia Sachs có bao giờ thoát khỏi được nó không?
Và thậm chí nếu cô có kỳ cọ và kỳ cọ và vứt hết quần áo đi, liệu cô có bao giờ quên được nó? Dường như ống tay áo và tóc của một nạn nhân đã bốc cháy trong buồng thang máy. Lửa không lớn nhưng khói dày đặc và cái mùi thật kinh tởm.
Sachs và Ron Pulaski đang chui vào bộ áo liền quần. Cô hỏi một trong số các sĩ quan Đơn vị Phản ứng nhanh, “Tử vong ngay tại chỗ à?” Cô ra hiệu về phía buồng thang máy lờ mờ khói.
“Phải.”
“Các thi thể đâu rồi?”
“Ở đầu hành lang. Tôi biết chúng tôi đã làm xáo trộn hiện trường, thám tử, nhưng nhiều khói như thế, chúng tôi không biết tình hình ra sao. Chúng tôi phải dập hết lửa.”
Sachs bảo anh ta không vấn đề gì. Kiểm tra tình trạng nạn nhân là ưu tiên số một. Hơn nữa, không có gì phá hủy hiện trường vụ án bằng lửa. Vài dấu chân của nhân viên cấp cứu cũng chẳng làm thay đổi hiện trường là bao.
“Sự việc đã diễn ra như thế nào?” Sachs hỏi viên sĩ quan Đơn vị Phản ứng nhanh.
“Chúng tôi không biết chắc chắn. Người quản lý tòa nhà nói rằng buồng thang máy dừng ngay bên trên tầng trệt. Rồi khói bắt đầu tỏa ra. Và những tiếng thét. Cho tới lúc họ đưa được buồng thang máy xuống đến tầng chính, mở cửa, thì tất cả đã xong”
Sachs rùng mình. Những mảnh kim loại nóng chảy đã đủ khủng khiếp, nhưng, nỗi hoảng sợ trước tình cảnh bị giam hãm, cô thậm chí có cảm giác đau đớn hơn với ý nghĩ về bốn con người kia trong một không gian đóng kín dầy điện… và một người bốc cháy.
Viên sĩ quan Đơn vị Phản ứng nhanh rà soát qua ghi chép của mình. “Các nạn nhân bao gồm một người làm biên tập tạp chí nghệ thuật, một luật sư và một kế toán trên tầng tám. Một nhân viên bán phụ tùng máy tính trên tầng sáu. Đấy là nếu chị quan tâm.”
Sachs luôn luôn quan tâm đến bất cứ thứ gì khiến các nạn nhân trở nên xác thực. Một phần vì nó sẽ động viên tinh thần cô, nó sẽ đảm bảo cho cô không bị chai sạn đi trước những va chạm trong công việc. Nhưng một phần còn vì quan điểm mà Rhyme đã truyền sang cho cô. Là một nhà khoa học thuần túy, một người theo chủ nghĩa duy lý, sự tài ba của Rhyme trong lĩnh vực khám nghiệm hiện trường còn nhờ ở anh có khả năng phi thường đọc được suy nghĩ của thủ phạm.
Nhiều năm trước, ngay lần đầu tiên họ cùng làm việc, một hiện trường khủng khiếp cũng liên quan tới hệ thống phục vụ công cộng – trong vụ án đó là hệ thống hơi nước nóng – Rhyme đã thì thào với Sachs cái điều cô thuộc nằm lòng mỗi khi đi theo ô bàn cờ, “Anh muốn em trở thành hắn”, anh nói về thủ phạm. “Hãy chui vào đầu óc hắn. Em vốn vẫn tư duy theo cách của chúng ta. Anh muốn em hãy tư duy theo cách của hắn.”
Rhyme từng bảo Sachs mặc dù anh tin tưởng rằng khoa học khám nghiệm hiện trường có thể học được, khả năng thấu cảm này là năng khỉếu bẩm sinh. Và Sachs tin tưởng rằng cách tốt nhất để duy trì mối liên hệ này – sợi dây điện này, bây giờ cô hình dung như thế, giữa kỹ năng và con tim – là không khi nào quên đi các nạn nhân.
“Sẵn sàng chưa?” Cô hỏi Pulaski.
“Tôi nghĩ là rồi!”
“Bọn em chuẩn bị rà soát hiện trường đây, Rhyme.” Sachs nói vào micro.
“Được, nhưng hãy làm việc ấy mà không có anh nhé, Sachs.”
Cô lo lắng. Mặc dù Rhyme phủ nhận, anh không khỏe. Cô có thể dễ dàng nhận thấy điều này. Nhưng hóa ra có một lý do khác khiến anh rút lui. “Anh muốn em rà soát hiện trường cùng anh chàng ở Algonquin.”
“Sommers?”
“Phải!”
“Tại sao?”
“Một phần, anh thích đầu óc của anh ta. Anh ta có tư duy rộng. Chắc đấy là khía cạnh của con người phát minh. Anh không biết. Nhưng ngoài ra, có cái gì đó không ổn, Sachs ạ. Anh không giải thích được. Anh cảm thấy chúng ta đang bỏ qua cái gì đó. Galt ít nhất đã phải lên kế hoạch cho sự việc cả tháng nay rồi. Tuy nhiên, bây giờ, có vẻ như các vụ tấn công đang diễn ra nhanh hơn, hai vụ trong vòng một ngày. Anh không hiểu được.”
“Có thể vì chúng ta đã đến gần hắn nhanh hơn hắn nghĩ lúc đầu.” Sachs đặt giả thiết.
“Có thể. Anh không biết. Nhưng như thế thì hắn cũng muốn chặn bước tiến chúng ta lại.”
“Chính xác!”
“Bởi vậy anh muốn một hướng nhìn nhận mới. Anh đã gọi cho Charlie, và anh ta sẵn sàng giúp đỡ… Anh ta lúc nào cũng ăn khi nói chuyện điện thoại à?”
“Anh ta thích đồ ăn vặt.”
“Ờ, khi em xem xét lưới điện, hãy bảo đảm rằng anh ta đừng nhai cái gì kêu rào rạo. Hễ em sẵn sàng là liên lạc sẽ được kết nối với em. Trở về đây càng sớm càng tốt, đem theo bất cứ thứ gì phát hiện được. Ngay bây giờ, có lẽ Galt đang bố trí một vụ tấn công nữa!”
Họ kết thúc liên lạc. Sachs liếc nhìn Ron Pulaski, cậu ta rõ ràng vẫn đang lo lắng.
Tôi cần cậu tham gia với chúng tôi, cậu tân binh.
Cô gọi cậu ta đến. “Ron, hiện trường chính ở dưới gác, nơi hắn có lẽ đã bố trí các dây điện và thiết bị của hắn.” Cô đập đập vào bộ đàm. “Tôi sẽ trao đổi với Charlie Sommers. Tôi cần anh khám nghiệm thang máy.” Cô ngừng một chút “Và xem xét các thi thể nữa. Chắc không có nhiều dấu vết để lại. Phương thức hành động của hắn là không có bất cứ tiếp xúc trực tiếp nào với nạn nhân. Nhưng việc đó là việc cần làm. Anh thấy có vấn đề gì không?”
Chàng cảnh sát trẻ gật đầu. “Bất cứ việc gì chị cần, Amelia.” Nghe chân thành một cách đau đớn. Cô nghĩ cậu ta đang cố chuộc lại lỗi gây tai nạn bên ngoài căn hộ của Galt.
“Bắt tay vào việc đi. Và đừng quên Vicks nhé.”
“Cái gì?”
“Trong hộp dụng cụ ấy. Vicks VapoRub. Nhét một ít vào mũi. Để khỏi phải ngửi cái mùi kia.”
Năm phút sau, Sachs được kết nối liên lạc với Charlie Sommers, cảm thấy biết ơn anh ta đã giúp đỡ cô xử lý hiện trường – cung cấp những “hỗ trợ kỹ thuật”, mà anh ta định nghĩa, theo cách hơi vô duyên, là giúp đỡ cô “giữ lấy cái bàn tọa”.
Sachs bật ngọn đèn đeo trước trán, bắt đầu đi xuống cầu thang, xuống tầng hầm của tòa nhà, mô tả cho Charlie Sommers chính xác những gì cô trông thấy ở bệ đỡ thang máy ẩm ướt, nhớp nháp. Cô chỉ kết nối liên lạc với anh ta qua radio, không qua video như hay làm với Rhyme.
Tòa nhà đã được Đơn vị Phản ứng nhanh kiểm tra an ninh nhưng cô rất ý thức về điều Rhyme bảo cô trước đó – rằng Galt rất có thể sẽ quyết định bắt đầu nhằm vào lực lượng truy đuổi gã. Cô nhìn xung quanh một lát, chỉ thấy mấy chỗ ngoặt hắt những bóng đen trông ngờ ngợ như bóng người.
Chúng hóa ra chỉ là những bóng đen nhang nhác giống bóng người mà thôi.
Sommers hỏi, “Chị có thấy cái gì được bắt vào hệ thống ray dẫn hướng không?”
Sachs tập trung quan sát lần nữa. “Không, không có gì. Nhưng… có một đoạn cáp Bennington được bắt vào tường. Tôi..
“Kiểm tra điện áp cái đã.”
“Cũng đang định bảo như thế!”
“A, thợ điện bẩm sinh.”
“Không hề. Sau vụ án này, tôi thậm chí sẽ chẳng còn dám tự thay ắc-quy ô tô nữa.” Sachs quét thiết bị phát hiện điện áp. “Zero.”
“Tốt. Đường dây chạy như thế nào?”
“Một đầu, nó nối với một thanh dẫn đang lủng lẳng trong trục thang máy. Nó chạy sát phía dưới đáy buồng thang máy. Chỗ có tiếp xúc cháy đen. Đầu kia nối với một sợi cáp dày chạy vào một bảng điện màu be trên tường, giống như một tủ thuốc lớn. Sợi cáp Bennington được đấu với đường dây chính bằng thiết bị chuyển mạch điều khiển từ xa, giống như ở hiện trường vừa rồi ấy.”
Sommers hướng dẫn chính xác cách gỡ những sợi cáp và bảo cô cần để ý cái gì. Tuy nhiên, trước khi lấy bất cứ thứ gì ra, Sachs đều đặt số và chụp ảnh. Rồi cô cảm ơn Sommers, nói rằng hiện tại cô mới chỉ cần đến thế. Họ kết thúc liên lạc và cô rà soát hiện trường theo ô bàn cờ, bao gồm cả các lối vào và ra – hóa ra quả là có một cái cửa ở gần đó thông ra con hẻm. Ổ khóa mỏng mảnh, gần đây đã bị nạy. Cô cũng chụp ảnh cái cửa.
Cô chuẩn bị lên gác với Pulaski thì dừng lại.
Đã có bốn nạn nhân trong thang máy này.
Sam Vetter và bốn người khác thiệt mạng tại khách sạn, một số đang nằm bệnh viện. Luis Martin.
Và nỗi sợ hãi lan khắp thành phố, nỗi sợ hãi đối với kẻ sát nhân vô hình.
Sachs tưởng tượng ra Rhyme nói, “Em phải trở thành hắn.”
Sachs đặt vật chứng xuống bên cạnh cầu thang bộ và quay lại bệ đỡ thang máy.
Mình là hắn. Mình là Raymond Galt…
Sachs gặp khó khăn khi hình dung ra kẻ cuồng tín, kẻ thập tự chinh đó, vì thứ tình cảm ấy, trong suy nghĩ của cô, không phù hợp với sự tính toán vô cùng chính xác mà gã đã thể hiện cho tới lúc bấy giờ. Bất cứ kẻ nào khác cũng sẽ chỉ nã một phát súng vào Andi Jessen hay ném một quả bom cháy vào nhà máy ở quận Queens. Nhưng Galt lại tốn biết bao công phu để chế tạo một thứ vũ khí giết người đầy phức tạp.
Thế nghĩa là sao?
Mình là hắn.
Mình là Galt.
Đầu óc cô như mặt nước phẳng lặng, rồi câu trả lời như những bọt khí dần dần nổi lên: Mình bất cần động cơ. Mình bất cần tại sao mình đang hành động như thế này. Những cái ấy không quan trọng.
Quan trọng là tập trung vào kỹ thuật, ví dụ như tạo ra chỗ đấu nối hay bộ công tắc hoàn hảo nhất có thể để gây ra thiệt hại lớn nhất.
Đó là trung tâm vũ trụ của mình.
Mình đã nghiện quá trình này, đã nghiện dòng điện…
Và từ ý nghĩ ấy xuất hiện một ý nghĩ khác: Ý nghĩ về các góc độ. Hắn đã phải… Mình đã phải bố trí thanh dẫn một cách chính xác, sao cho nó đụng sàn thang máy khi thang máy xuống gần đến sảnh nhưng chưa xuống hẳn đến sảnh.
Nghĩa là mình đã phải ở dưới này quan sát thang máy hoạt động từ tất cả các phía, để đảm bảo cho đối trọng, bánh răng, động cơ, các cáp của thang máy không hẩy thanh dẫn sang bên cạnh cũng như không động đến sợi cáp Bennington.
Mình phải nghiên cứu trục thang máy từ mọi góc độ. Mình phải làm việc đó.
Sachs bò dưới tầng hầm nhớp nháp, xung quanh bệ đỡ trục thang máy – dừng ở tất cả những vị trí mà Galt hẳn đã trông thấy được sợi cáp, thanh dẫn và các điểm tiếp xúc. Cô không phát hiện ra dấu chân hay dấu vân tay nào. Nhưng cô quả là đã phát hiện ra những khoảng sàn có dấu vết xáo trộn còn mới, và chẳng phải vô lý khi nghĩ gã từng phủ phục tại những chỗ ấy xem xét tác phẩm giết người của mình.
Sachs lấy mẫu từ mười vị trí, cho vào các túi riêng biệt, đánh dấu theo vị trí trên la bàn: “l0’ tây bắc”, “7’ nam”… Rồi cô thu tất cả các vật chứng khác, leo lên sảnh bằng đôi chân nhức nhối vì chứng viêm khớp.
Sachs đến chỗ Pulaski, nhìn vào trong thang máy. Hư hại không nghiêm trọng. Có vài vệt khói – đi kèm là cái mùi kinh khủng ấy. Cô hoàn toàn không tưởng tượng được sẽ như thế nào khi đang ở trong thang máy và đột ngột mười ba nghìn volt xuyên qua cơ thể mình. Cô đồ rằng ít nhất các nạn nhân cũng chẳng cảm thấy gì nữa sau mấy giây đầu tiên.
Cô thấy Pulaski đã đặt số và chụp ảnh, “Anh phát hiện được gì không?” “
“Không. Tôi cũng đã khám nghiệm buồng thang máy. Nhưng bảng điều khiến gần đây không bị mở ra”.
“Hắn bố trí tất cả các thứ từ phía dưới kia. Còn các thi thể?”
Nét mặt Pulaski nghiêm trang, dằn vặt, và Sachs có thể thấy đấy ắt phải là một việc đầy khó khăn. Tuy nhiên, cậu ta nói giọng đều đều, “Không có dấu vết gì. Nhưng có một chi tiết đáng quan tâm. Tất cả ba người đều bị ướt đế giày. Tất cả những chiếc giày ấy.”
“Do lực lượng cứu hỏa à?”
“Không, lúc họ tới thì lửa đã tắt”.
Nước. Đáng quan tâm đấy. Để tăng mức dẫn điện. Nhưng hắn làm giày họ ướt bằng cách nào? Rồi Sachs hỏi, “Anh nói có ba thi thể?”
“Vâng!”
“Nhưng người ở Đơn vị Phản ứng nhanh bảo có bốn nạn nhân.”
“Bốn nạn nhân, tuy nhiên chỉ ba người thiệt mạng. Đây.” Pulaski đưa cho Sachs mẩu giấy,
“Cái gì vậy?” Trên mẩu giấy ghi một cái tên và một số điện thoại
“Người sống sót đấy. Tôi nghĩ chị sẽ muốn nói chuyện với chị ta. Chị ta tên là Susan Stringer. Chị ta ở phố Vincent 8. Bị ngạt khói và bỏng một chút. Nhưng chị ta sẽ không sao. Chừng một tiếng đồng hồ nữa, họ sẽ cho chị ta về.”
Sachs lắc dầu. “Tôi không biết bằng cách nào mà ai đó có thể sống sót. Với dòng điện mười ba nghìn volt.”
Ron Pulaski trả lời, “Ồ, chị ta là người tàn tật ngồi xe lăn. Các bánh bằng cao su, chị biết đấy. Tới nghĩ nhờ vậy chị ta đã được cách điện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.