Lý Gia Thành – “Ông Chủ Của Những Ông Chủ”

2. Lời hứa



Khi Lý Gia Thành cùng gia quyến tới Hồng Kông vào năm 1940, họ chỉ là một gia tộc nhỏ trong số 600 nghìn người tị nạn chạy trốn khỏi tỉnh Quảng Đông và ách thống trị hà khắc của quân Nhật. Lúc bấy giờ, Hồng Kông là một nơi lý tưởng để tổ chức các buổi chiêu đãi hoàng gia, các bữa tiệc nhậm chức và sinh nhật. Các buổi tiệc tại Dinh thống đốc, ở đường Upper Albert, chủ yếu là liên hoan khiêu vũ chỉ dành cho tầng lớp chính trị và xã hội thượng lưu của thực dân Anh, những người đi xe hơi và xe kéo.

Sau Ấn Độ, Hồng Kông là món trang sức quý giá thứ hai trên vương miện lấp lánh sao của đế quốc Anh. Dù chưa phải là thuộc địa chính thức của Anh cho tới ngày 26 tháng 6 năm 1843, nhưng Hồng Kông đã thuộc quyền kiểm soát của đế quốc Anh vì những mục đích thực tiễn. Chủ quyền của Anh được xác lập tại Hồng Kông vào ngày 26 tháng 1 năm 1941 chính là kết quả của hiệp ước chung giữa Charles Eliot, Tổng Giám sát Ngoại thương Anh và Kì Sơn, Toàn quyền Quảng Đông.

Tuy nhiên, đối với Ngoại trưởng Anh, Bá tước Palmerston, việc chiếm được Hồng Kông mà không thu được vùng lãnh thổ nào của Trung Quốc chẳng khác nào sở hữu “một hoang đảo”. Palmerston còn muốn hơn thế nữa. Vì vậy, bằng việc bổ nhiệm Henry Pottinger thay thế vị trí của Eliot, Palmerstion đã tìm được người sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân đội nhằm ép buộc Trung Quốc chấp nhận quyền bảo hộ của Anh quốc. Cuối cùng phần thuộc địa này sẽ không chỉ dừng lại ở một hòn đảo rộng 83 km2. Tới năm 1860, Hồng Kông nhập thêm 9 km2 gồm bán đảo Côn Luân và đảo Ngang Thuyền Châu (Stonecutters Island). Và tới năm 1898, triều đình nhà Thanh đã cho nước Anh thuê 919 km2 phía bắc đảo Hồng Kông với tên gọi Tân Giới, trong thời hạn 99 năm. Tuy nhiên, năm 1842, Palmerston muốn hoàn toàn chắc chắn rằng Hồng Kông thuộc về nước Anh mà không vấp phải bất cứ ràng buộc hay trở ngại nào. Cuối cùng, có thể chắc chắn về sự đầu hàng của triều đình nhà Thanh khi Điều 3 của Hiệp ước Nam Kinh ghi: “Đảo Hồng Kông vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu của nữ hoàng Anh Victoria cũng như những người kế vị, và phải tuân thủ các nguyên tắc do họ đặt ra”.

Đối với nước Anh, Hồng Kông không chỉ là một vũng nước đọng yên ả trong hệ thống thuộc địa, và lợi nhuận không phải là thứ duy nhất mà những nhà cầm quyền Anh quốc quan tâm. Với người Anh, Hồng Kông không chỉ là một nhà nước đơn thuần, bởi chính họ là những người đầu tiên coi Hồng Kông như là một tổ chức sống được mường tượng, tạo ra và phát triển trong tư tưởng đế quốc của nước thượng đẳng phương Tây, cùng với sự tàn bạo và suy đồi của Trung Quốc. Người Anh tin rằng họ có thể khai sáng văn minh cho đất nước Trung Quốc hạ đẳng. Thực vậy, họ lý luận rằng Hồng Kông có thể trở thành một kiểu phòng thí nghiệm về con người của thế giới, dưới sự quản lý của những người Anh theo thuyết Đácuyn về sự sống còn của kẻ mạnh nhất, theo ý niệm về kinh doanh tự do, sự khai sáng của phương Tây, chủ nghĩa tự do, dân chủ, lẽ phải, tư duy thực dụng và khảo sát khoa học. Sự thành công của Hồng Kông với vai trò thuộc địa trong hệ thống thuộc địa của đế quốc Anh đã hợp pháp hóa sự tồn tại của ách cai trị thực dân. Ý tưởng rất đơn giản: tạo một thuộc địa phồn vinh không chỉ đem lại lợi nhuận lớn cho các công ty mà còn cung cấp việc làm cho lực lượng lao động thất nghiệp của Anh. Thuộc địa được cai trị tốt sẽ chia phần lợi nhuận cho nước Trung Quốc lục địa, nhờ vậy họ có thể cùng chia sẻ “sự huy hoàng” của cuộc sống thuộc địa. Điều đó đã tạo ảnh hưởng rộng lớn tới việc truyền bá văn minh vào Trung Quốc.

Với ý tưởng cai trị thuộc địa kiểu này, Hồng Kông có những cách hành xử riêng. Những người Anh có quyền lực cai trị và những người Trung Quốc dưới quyền buộc phải chấp hành mệnh lệnh. Nếu tất cả đều biết vị trí của mình và cư xử đúng mực, họ đều có thể hưởng lợi từ khối cộng sinh con người rộng lớn này. Tuy nhiên, người Trung Quốc ở thuộc địa luôn là những kẻ thuộc tầng lớp thứ hai trong kế hoạch thực dân của Anh.

Đối với những người Anh thống trị, tầng lớp thứ hai cũng có nghĩa là “ít ưu tiên hơn”, đặc biệt sau khi người Nhật chiếm được Hạ Môn, Phúc Châu và Sán Đầu năm 1938 và bắt đầu thèm thuồng nhòm ngó vào con đường phía Nam, con đường trọng yếu cuối cùng của Trung Quốc dẫn ra biển. Cuối cùng, vào năm 1939, khi hạm đội thứ 14 của Nhật bắt đầu tuần tra không ngừng vùng biển Hồng Kông, với ý đồ xâm chiếm, chính quyền thuộc địa đã lộ rõ sự ưu tiên bằng việc đưa tất cả phụ nữ và trẻ em người Anh rời khỏi thuộc địa. Những thương nhân có ảnh hưởng của Trung Quốc đã lớn tiếng phản đối sự thiên vị và phân biệt chủng tộc này, nhưng vô ích. Hồng Kông đã là thuộc địa của Anh, và theo như Hiệp ước Nam Kinh, người Anh có toàn quyền quyết định đối với Hồng Kông, bao gồm cả việc bảo vệ tài sản của họ. Cũng vì thế, vào tháng 6 năm 1940, 3.474 phụ nữ và trẻ em người Anh đã rời thuộc địa tới vùng an toàn tại Australia.

Sáu tháng sau, Lý Gia Thành và gia quyến đã tới Hồng Kông. Đối với họ, cũng như đối với nhiều người khác từ nông thôn Trung Quốc trốn ra thành thị, Hồng Kông là “thiên đường may rủi”, một thỏi nam châm ai cũng biết đã cuốn hút bao kẻ tham vọng và không biết mệt mỏi. Nhưng việc đến từ Triều Châu, một vùng đất khác xa thành phố Hồng Kông, đòi hỏi người ta phải học cách thích nghi. Là một người mới tới từ nông thôn dấn thân vào khu vực thành thị đầy phức tạp, việc học tập của Lý Gia Thành đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu ở vùng thuộc địa. Các lớp học được dạy bằng tiếng Anh, tiếng Trung (tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông hay Hakka) hoặc cả hai, dạy những môn học của nước ngoài như chủ nghĩa tư bản phương Tây và mối quan hệ Trung Anh trong hệ thống thuộc địa. Cốt lõi của nền giáo dục thuộc địa là ý tưởng đào tạo cho đế quốc Anh những công dân hòa nhã, nhiệt tình, sáng dạ, nhưng luôn biết phục tùng mệnh lệnh. Tuy nhiên, dù nền giáo dục tại Hồng Kông khác xa quê hương Triều Châu thì Lý Gia Thành với sự thiên hướng học hỏi và lòng ham muốn kiến thức vô hạn, đã dậy sớm mỗi sáng để học địa lý, toán học, logic, tâm lý, đạo đức, sinh học và ông đã theo kịp các bạn học.

Trường hợp các bạn học của Lý Gia Thành cũng không khác ông là mấy, bởi ông chỉ được học “trung học” ở một trong số 91 trường được chính quyền thuộc địa bao cấp, cùng với con cái những gia đình nghèo khác. Trong khi đó, đám trẻ từ phương Tây hay những gia đình Trung Quốc giàu có được hưởng đặc quyền học ở 529 cơ sở tư tại các khu đô thị của vùng thuộc địa. Tuy nhiên, Lý Gia Thành chẳng mấy bận tâm, bởi vào năm 1941, chỉ có 1.500 học sinh tiểu học và 1.199 học sinh trung học tại Hồng Kông có cơ hội đi học, và Lý Gia Thành là một trong số đó.

Lý Gia Thành lại phải thích ứng một lần nữa khi người Nhật tiếp quản Hồng Kông. Bên cạnh mục tiêu xâm chiếm Hồng Kông trước mắt, Nhật còn muốn áp đặt văn hóa Nhật lên những thần dân mới. Nước Nhật muốn sớm gieo hạt, và giáo dục chính là phương thức tiện lợi để đạt được mục tiêu này.

Không chỉ muốn biến những cư dân mới thành khuôn mẫu do mình sắp đặt, nước Nhật còn muốn mảnh đất Hồng Kông nữa. Ban đầu, Hồng Kông chỉ là một quần đảo với một bến cảng rất quy mô. Nhưng Hồng Kông đã tồn tại với vai trò là nơi sản xuất muối ít người biết tới, vì cho tới thời nhà Đường (618-907), việc định cư phía nam sông Trường Giang vẫn bị coi là ngoại bang và cũng là vùng đất của địch. Dưới triều Tống (960-1279), việc sản xuất muối quan trọng tới mức cơ sở sản xuất muối chính thức Quảng Xương đã được cả một đơn vị đồn trú canh gác ở phía bờ biển tây bắc của Côn Luân. Tuy nhiên, vào những năm đầu cai trị của hoàng đế Khang Hy (1661-1722), các cơ sở sản xuất muối đã bị giải thể, do đó, công việc buôn bán của các lao động địa phương cũng bị cắt đứt.

Một ngành khác cũng có ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động thương mại của Hồng Kông là trồng cây hương, thường được gọi là quan hương. Hai vùng nổi tiếng với loại hương đặc biệt này là Lịch Nguyên, gần Sa Điền thuộc Tân Giới, và Vịnh Sa Loa, ở phía tây bắc đảo Lạn Đầu. Bản chất là một loại sản phẩm xa xỉ, quan hương được những người có địa vị cao và các quan chức chính quyền ưa chuộng. Họ có vẻ là những người duy nhất thích thú dùng hương thơm để che đi mùi cơ thể bằng cách xức nước hoa lên quần áo. Cùng thời gian đó, do bến cảng Aberdeen, phía nam đảo Hồng Kông, chuyên hạ tàu hương liệu nên đã được đặt biệt danh là “Cảng nước hoa” và “Bến nước hoa” hay còn gọi là Hương Cảng.

Tới thế kỷ XX, Hồng Kông nhanh chóng trở thành một trung tâm buôn bán, với cảng nước sâu và ngành công nghiệp lâu đời nhất của Hồng Kông là đóng và sửa chữa tàu. Năm 1939, 16 nghìn lao động Trung Quốc đã làm việc cho các xưởng đóng tàu dưới sự cai quản của 280 người châu Âu. Xưởng đóng tàu nổi tiếng nhất là xưởng Thái Cổ ở vịnh Mặc Ngư, mở cửa năm 1908 bởi Butterfield & Swire. Vào năm đó, xưởng này đã đóng được hai con tàu với trọng tải xấp xỉ 10 nghìn tấn. Gắn liền với Hồng Kông và Công ty Whampoa Dock sáng lập năm 1863, tính đến năm 1941, xưởng Thái Cổ đã đóng được tổng cộng 1.400 chiếc tàu.

Ngành dệt cũng đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển nền kinh tế Hồng Kông; năm 1939, số người làm nghề quay sợi và dệt vải nhiều hơn bất cứ các ngành nghề nào. Đồng thời, các nhà máy khác sản xuất sản phẩm đậu nành, đường tinh luyện, hàng dệt kim công nghiệp và đồ mây tre đan. Nhiều nhà máy ồ ạt tung ra các sản phẩm như giày cao su, đèn pin, pin, dây cáp, xi măng, nước hoa, xà phòng và pháo đốt.

Biết rõ Hồng Kông là một trong những mục tiêu của Nhật và sớm muộn gì quân Nhật cũng sẽ đánh chiếm, chính quyền thuộc địa đã bày ra chiến lược quân sự nhằm ngăn cản bước tiến của quân Nhật. Đầu năm 1938, Thiếu tá Makato Matsutani của quân đội đế quốc Nhật đến Hồng Kông với mục đích là thay mặt quân đội Nhật tại phía nam Trung Quốc bày tỏ lòng tôn kính tới ngài Thống đốc Hồng Kông cùng các ngài tổng chỉ huy lực lượng quân đội và hải quân hoàng gia, các quan chức vùng thuộc địa đã dự cảm một hiểm họa sắp xảy ra. “Cuộc thăm viếng nhã nhặn” của Matsutani, chỉ năm ngày sau khi Quảng Châu thất thủ là một điềm gở báo trước tương lai.

Bởi cuộc chiến với Nhật đang gần kề, Thống đốc Geoffrey Northcote và các quan chức dưới quyền tại Hồng Kông đã lên kế hoạch hàng phòng thủ Gindrinkers, rải quân 13 dặm từ vịnh Gindrinkers ở phía tây đi qua vịnh Tide rồi tiến tới Port Shelter ở phía đông. Mục đích là bảo vệ cảng biển không bị tấn công trên bộ trong khi ngăn cản tấn công đường biển với súng thần công cỡ lớn. Khi nước Anh từ bỏ hàng phòng thủ này vào năm 1939 do lực lượng trang bị quá mỏng, chính quyền thuộc địa đã quyết định chỉ bảo vệ đảo Hồng Kông. Sau khi bị dỡ bỏ, hàng phòng thủ được chia ra thành hai lữ đoàn. Lữ đoàn thứ nhất đóng tại đảo Hồng Kông, nơi hầu hết người phương Tây sinh sống, bao gồm hạt Middlesex, Royal Rifles thứ nhất của Canada và Winnipeg Grenadiers. Lữ đoàn thứ hai, với vẻ bề ngoài là bảo vệ Cửu Long và Tân Giới, bao gồm đoàn Scotland hoàng gia thứ hai, đoàn 5/7 Rajputs và đoàn 2/14 Punjabis. Tổng cộng 12 nghìn lính đã được điều động để bảo vệ mảnh đất thuộc địa của nước Anh, trong đó có khoảng 2 nghìn người trong quân đoàn Tự vệ Hồng Kông và Lực lượng phòng thủ hải quân. Dù những người đại diện đa sắc tộc của thuộc địa vô cùng can đảm nhưng họ vẫn không phải là đối thủ của quân đội Nhật Bản.

Vào 8 giờ sáng ngày 8 tháng 12 năm 1941, Sư đoàn 338 của Nhật đã tràn vào sân bay Khải Đức. Hải quân Nhật đã đánh chìm hai chiến hạm của hải quân Anh là Repulse và Prince of Wales. Hàng phòng thủ Hồng Kông đã chiến đấu anh dũng song cũng chỉ cầm cự được tới ngày Giáng sinh năm đó, và Nhật rốt cuộc cũng có được trong tay “món đồ trang sức” Trung Quốc của nước Anh. Đến ngày 22 tháng 2 năm 1942, Trung tướng lsogai Rensuke tới nhậm chức Thống đốc Hồng Kông và là người châu Á đầu tiên giữ chức vụ này. Mark Young, người được bổ nhiệm thay thế vị trí của Geoffrey Northcote là thống đốc người Anh cuối cùng trong thời chiến vào ngày 10 tháng 9 năm 1941, đã bị bắt làm tù binh. Hơn 7 nghìn người khác bị cầm tù tại trại lính Shumshuipo. “Món đồ trang sức” của Anh trên bờ biển Trung Quốc giờ được gọi là ”Vùng đất Hồng Kông bị chinh phục”.

Hồng Kông không còn là thành trì an toàn mà nhiều người tị nạn vẫn tìm đến khi chạy trốn khỏi ách cai trị của Nhật trên đại lục Trung Quốc. Hồng Kông cũng không còn là nơi lý tưởng để xây dựng một cuộc sống gia đình ổn định nữa. Dĩ nhiên, cha của Lý Gia Thành chưa bao giờ coi Hồng Kông là “mảnh đất lành” cho người vợ và ba đứa con nhỏ. Gia đình gồm năm thành viên của Lý Vân Kinh cũng trở thành một gánh nặng đối với người cậu bà con, người đã luôn bao bọc họ ở Hồng Kông; điều này càng làm cho ước muốn được sống bên nhau của họ ở vùng thuộc địa trở nên khó thực hiện. Bởi vậy, Lý Vân Kinh đã quyết định đưa vợ, con gái và con trai, hai em của Lý Gia Thành, trở lại Trung Quốc. Ông chỉ để Lý Gia Thành ở lại cùng mình tại Hồng Kông.

Không lâu sau khi nắm quyền kiểm soát thuộc địa và nhận thức rõ việc ép buộc người dân Hồng Kông từ bỏ những nếp sống phương Tây có thể gây ra nhiều rắc rối, Nhật đã bắt tay vào một chương trình đồng hóa và truyền giáo kỹ lưỡng. Nhằm bảo đảm cho chế độ thực dân của mình và để khai thác được một lớp sĩ quan thuộc địa tài giỏi và trung thành, Nhật đòi hỏi những cậu bé Trung Quốc phải được dạy dỗ bằng tiếng Nhật. Đến lượt mình, những viên chức Trung Quốc “đã được Nhật hóa” sẽ phục vụ tận tụy đế quốc Nhật hoàng. Tuy nhiên, trước cả khi Isogai Rensuke chiếm quyền từ Mark Young, các trường học ở Hồng Kông đã yêu cầu tất cả học sinh tiểu học và trung học, trong đó có Lý Gia Thành, học tiếng Nhật ít nhất bốn giờ một tuần. Cùng với việc tuyên bố tiếng Anh đã là một ngôn ngữ chết, chính quyền thuộc địa mới đã xây dựng 39 ngôi trường chuyên về tiếng Nhật. Tại một số ngôi trường này, học sinh còn phải học quyền công dân, tinh thần phương Đông chân chính và đạo lý Nhật Bản.

Ngoài ra, các thương nhân Trung Quốc cũng được khuyến khích học và sử dụng tiếng Nhật trong các hoạt động buôn bán thường ngày. Ví dụ, những thương lái có quan hệ với Singapore không thể gửi một bức thư tới “Singapore”. Thay vào đó, họ phải ghi là “Shonan”, tên tiếng Nhật chính thức dành cho nước Singapore mà Nhật vẫn dùng lúc bấy giờ. Hơn nữa, bất cứ người Trung Quốc nào làm việc cho chính quyền thuộc địa của Nhật thì ít nhất là phải học qua trung học và thông thạo tiếng

Nhật – đặc biệt là những viên chức của cục thuế phải thông thạo tiếng Nhật để có thể quản lý các vấn đề liên quan.

Mặc dù chính quyền thuộc địa mới luôn nỗ lực nhằm tạo dựng một bộ máy hành chính trung thành với hoàng đế Hirohito thì vẫn có nhiều gia đình Trung Quốc không muốn hợp tác với họ. Một số gia đình từ chối việc đưa con cái tới trường học của Nhật; một ví dụ điển hình tại huyện SuzyWong thuộc quận Loan Tử là năm 1942, chỉ còn một trường học hoạt động, trong khi con số trước khi Nhật xâm chiếm là ba mươi trường học. Trong khi tại Tokyo có những học bổng dành cho học sinh Trung Quốc định cư ở Hồng Kông và học tiếng Nhật thì vẫn có rất ít người chấp thuận “giải thưởng” đó.

Nhật có một kế hoạch đặc biệt là thủ tiêu mọi dấu tích của Anh ở Hồng Kông, bắt đầu bằng việc gỡ bỏ và sau đó đặt lại tên tiếng Nhật cho các địa danh và biển hiệu ở mọi địa hạt, con phố và công trình công cộng của Anh. Isogai muốn khẳng định với những người dân Trung Quốc là nước Nhật đại diện cho dân da màu cứu nơi này thoát khỏi sự áp bức của người da trắng. Với sự nỗ lực có phần cứng nhắc nhằm lấy lòng những thần dân mới, các nhà cầm quyền người Nhật tổ chức nhiều lễ hội quy mô lớn và kỷ niệm những quốc lễ như ngày lễ kỷ niệm hoàng đế Meiji, sự kiện Manchurian năm 1941, lễ hội Kanname-sai tháng mười (mùa gặt đầu tiên), lễ Tenchosetsu (ngày sinh hoàng đế Hirohito), và cả lễ hội gây phẫn nộ nhất với những người Trung Quốc yêu nước – lễ hội đền Yasukuni tôn vinh những vị anh hùng Nhật Bản đã hy sinh trong chiến tranh. Đối với người Trung Quốc, những kẻ thống trị người Nhật vẫn chỉ là những kẻ cướp dã man và bạo ngược không hơn không kém, những kẻ đã chặn mọi ngả đường tới Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh và Quảng Châu; điều này khiến dân chúng vô cùng căm phẫn. Nhưng giống như những vị tiền nhiệm người Anh, người Nhật với sự tự đắc và ngạo mạn không giấu giếm không thể hiểu được rằng những người mà họ muốn thống trị đang khinh bỉ và nhạo báng sau lưng họ.

Sau khi đưa vợ và ba con trở lại Trung Quốc năm 1941, khi Nhật xâm chiếm Hồng Kông, Lý Vân Kinh lại cùng với Lý Gia Thành, là hai trong số những người nghèo khổ quay trở lại mảnh đất thuộc địa này. Với lòng yêu nước nồng nàn, Lý Vân Kinh luôn đau đớn trước sự xâm chiếm của Nhật và cố gắng tìm giải pháp nào đó cho tình trạng hỗn độn này. Khi ông nghĩ đến việc trốn chạy khỏi Hồng Kông thì chiến tranh xảy ra khiến người dân không thể đi đâu ngoại trừ trở lại chiến trường hỗn loạn hoặc tới vùng chiếm đóng quân sự ở Trung Quốc. Khi còn ở Trung Quốc, gia đình họ Lý đã chứng kiến làn sóng xâm lược tàn ác của Nhật, và khi vượt tới Hồng Kông, họ tưởng đã thoát khỏi thảm họa quân Nhật. Nhưng quân Nhật như một cơn gió lạnh buốt không ai mong muốn cứ bám riết theo sau và ngăn cản bất cứ sự chuyển dời nào tới những vùng đất được coi là “an toàn”. Thực tế, Hồng Kông là mảnh đất tị nạn duy nhất. Có một nghịch lý là năm 1937, năm của sự kiện Lư Câu Kiều và vụ cưỡng hiếp Nam Kinh, chỉ có hơn một triệu người sống ở Hồng Kông, trong đó có 984 nghìn người Trung Quốc thì tới năm 1941, theo bước tiến quân tàn ác của Nhật về phía Nam, dân số Hồng Kông đã tăng lên 1.822 nghìn người, với số người phương Tây chỉ chiếm 1/17 trong tổng số.

Đối với gia đình yêu nước như gia đình Lý Gia Thành thì sự xâm lược của Nhật là một nỗi nhục lớn. Tuy vậy, cả Lý Vân Kinh và người con trai không thể chống đối được. Chống đối đồng nghĩa với cái chết; im lặng mới có thể tồn tại. Giống như hầu hết những người Trung Quốc khác, gia đình ông Lý đành chọn cách làm ngơ. Thật vậy, thích ứng với những luồng gió độc đã là một đặc tính của nhiều người Trung Quốc ở Hồng Kông, thậm chí, điều đó có nghĩa là làm việc dưới quyền của người Nhật và cùng với người Nhật. Từ năm 1841, để tồn tại, người Trung Quốc ở Hồng Kông đã phải làm việc dưới một số chính quyền thuộc địa của Anh, dù hầu hết họ sống với địa vị thấp hơn, bị chế độ quân chủ nước ngoài cai trị từ xa. Tuy nhiên, sống dưới ách cai trị của Nhật đồng nghĩa với việc không có lựa chọn nào khác mà phải tuân lệnh. Làm trái lại chỉ dẫn đến việc bị trục xuất hoặc chịu cái chết.

Sống ở Hồng Kông dưới sự cai trị của Nhật cũng đồng nghĩa với việc không ngừng chịu sự đàn áp thương mại. Với sự kêu gọi của một nhóm những người cộng tác Trung Quốc có ảnh hưởng và hy vọng việc chuyển giao quyền lực của Nhật sẽ không phá vỡ những hoạt động thường nhật, Nhật cũng biết cách để cho Hồng Kông tự phát triển. Là nơi tụ họp của những tay trùm thuốc phiện và thương nhân tự do, Hồng Kông đã “ăn sâu” vào trong tiềm thức của những người làm hoạt động kinh doanh. Dù có chiến tranh hay không, Hồng Kông vẫn ăn, ngủ và thở cùng với những hoạt động buôn bán và nhu cầu tăng lợi nhuận. Buôn bán là nguồn sống của mảnh đất thuộc địa này. Giao dịch buôn bán được hợp pháp hóa, và hoạt động trao đổi tài chính liên tục đem lại uy tín cho Hồng Kông. Trong khi một số thành phố cần tới những vườn hồng, những kênh đào, những cây cầu khổng lồ, những ngọn núi thơ mộng hay những tòa tháp nghiêng để khẳng định “thương hiệu” thì Hồng Kông chỉ có những doanh nhân. Và ước muốn duy nhất của họ là duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh sinh lời.

Trước khi bị Nhật chiếm đóng, Hồng Kông đã đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của châu Âu về mũ bảo hiểm, mặt nạ chống độc, bi đông đựng nước, điện thoại vô tuyến và các thiết bị điện báo. Khi thoát khỏi cuộc chiến năm 1941, Hồng Kông là một trong số ít các thành phố cảng và khu sản xuất còn tương đối nguyên vẹn, bởi vậy nhiều thị trường luôn săn tìm sản phẩm của Hồng Kông. Trên thực tế, thị trường Hồng Kông còn gồm cả Nhật với nhu cầu mở rộng nguồn tài nguyên thiên nhiên, cụ thể là chì, sắt, vônfram, cao lanh, cát, sỏi và đá xây dựng.

Tuy nhiên, ngoài việc quan tâm đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, Nhật còn cần duy trì nỗ lực quân sự để tiếp tục điều hành Hồng Kông. Thật vậy, sau sự kiện Trân Châu Cảng, cuộc chiến đã mở rộng bao gồm cả Mỹ, đường viện trợ của Nhật từ Trung Quốc và hầu hết các nước Đông Nam Á đang trở nên quá tải. Và trong khi cần đảm bảo dân thuộc địa có nguồn ga, điện và nước ổn định, Nhật cũng phải đảm bảo vấn đề lương thực. Trên thực tế, do có quá nhiều dân tị nạn và từng ấy miệng ăn, chính quyền của Isogai đã tiến hành trục xuất dân Trung Quốc một cách có hệ thống. Lời tuyên bố đầu tiên của Isogai vào ngày 20 tháng 2 năm 1942 đã khẳng định quyết tâm đó: “Ta đã nhận trách nhiệm lớn lao làm thống đốc của vùng thuộc địa Hồng Kông và hôm nay, đích thân ta đã tới đây. Với những kẻ vượt quá quyền hạn và không biết giữ đúng vị trí của mình, ta sẽ trừng trị bằng quân luật, không dung thứ.”

Không lâu sau ngày Isogai nhậm chức, cha của Lý Gia Thành mắc bệnh lao. Lý Vân Kinh cuối cùng đã gia nhập phong trào kháng chiến ở Hồng Kông, nhưng hoạt động ngầm với những căng thẳng và lo toan kèm theo điều kiện sống hết sức khó khăn, đã khiến ông lâm bệnh và phải nằm viện. Căn bệnh truyền nhiễm này là một tai họa với người dân Hồng Kông đang thiếu thức ăn, nước uống, điều kiện vệ sinh và chăm sóc y tế. Chỉ trong năm 1939, có tới 4 nghìn người đã chết vì bệnh lao. Không một xu dính túi, thiếu ăn và bị nhồi nhét vào những khu nhà ở ngột ngạt, người nghèo là những người khó có thể vượt qua được căn bệnh truyền nhiễm này nhất.

Vào năm 1943, sau một năm lâm bệnh, Lý Vân Kinh biết mình khó có thể qua khỏi. Trong một lá thư gửi người em trai ở Trung Quốc, ông viết: “Anh đang trên giường bệnh. Bệnh của anh chữa lâu rồi mà không khỏi. Anh không có tiền để đi bác sĩ và mua thuốc. Không có cách nào để chữa lao. Anh biết điều đó là vô vọng. Sau khi anh chết, trong điều kiện có thể, mong em hãy bao bọc vợ con anh.”

Vào một đêm mưa giá lạnh, Lý Vân Kinh gọi Lý Gia Thành tới bên giường. Ông nói với con trai mình: “Cha không thể hoàn thành trách nhiệm với con, và cha không thể cho con tiếp tục đi học. Bởi thế, con phải là một người đàn ông có hoài bão. Con phải có nghị lực quyết tâm. Lúc đó, con có thể với cao đến tận trời. Và hãy nhớ, bất cứ khi nào mọi việc không được như ý mình, đừng bao giờ nản chí. Đừng quên con là ai. Đừng quên nguồn gốc của con.”

Những giọt nước mắt chảy tràn xuống hai má, Lý Gia Thành cầm tay cha và đáp: “Cha, cha đừng lo. Con sẽ học cách làm ăn và kiếm thật nhiều tiền.” Không lâu sau, Lý Vân Kinh qua đời – cái chết của một thân phận nghèo túng.

Trong lúc đau đớn về cái chết của cha, Lý Gia Thành thề sẽ ghi tạc những lời trăng trối của cha và quyết tâm luôn giữ cốt cách của một người Trung Quốc. Với sự giúp đỡ của họ hàng ở Hồng Kông, Lý Gia Thành đã chôn cất cha trong một phần mộ từ thiện. Lúc này, đơn độc ở Hồng Kông, không có chút tiền nào để lại từ người cha, Lý Gia Thành còn có trách nhiệm với vận mệnh của mẹ và các em đang ở Trung Quốc. Vài tháng sau, Lý Gia Thành bỏ học. Đến cuối thời chiến, số người Trung Quốc ở Hồng Kông, hoặc bị trục xuất bởi thiếu lương thực và nơi ở, bị chết do dịch bệnh, hoặc bị quân Nhật sát hại, đã vượt quá con số một triệu người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.