Lý Gia Thành – “Ông Chủ Của Những Ông Chủ”

Lời tựa



Có một câu nói đã trở nên quen thuộc với người dân Hồng Kông là: “Cứ mỗi một đô-la bạn tiêu thì có năm xu chảy vào túi của Lý Gia Thành”. Tầm ảnh hưởng của vị doanh nhân tỷ phú đối với nền kinh tế – xã hội của mảnh đất thuộc địa rộng lớn này được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn 1986-1987, khi tôi còn làm việc tại Đài truyền hình TVB – Hồng Kông với tư cách là một phóng viên, điều phối viên kiêm nhà sản xuất chương trình truyền hình. Thật vậy, gần như không có cuộc thảo luận nào về thương mại và công nghiệp tại Hồng Kông kết thúc nếu không đề cập tới Lý Gia Thành hay các công ty thương mại do ông làm chủ. Đối với tôi, cuộc đời của con người phi thường này là cả một câu chuyện thú vị. Nhưng thật không may, công việc hàng ngày ở Đài truyền hình lại buộc tôi tìm hiểu về cuộc đời của quá nhiều người và vì vậy, cơ hội để thuật lại chuyện đời của Lý Gia Thành ngày càng trở nên xa vời.

Dù biết khá rõ về những thành công trong kinh doanh của ông Lý nhưng dường như tôi đã quên mất ảnh hưởng của ông đối với cuộc sống hàng ngày của mình. Ví dụ, tôi thường lướt qua giá để tạp chí trong các cửa hàng thuốc Watson’s; thứ Bảy, tôi hay mua đồ ở hiệu Park‘N Shop gần nhà; để bắt được ba kênh truyền hình, tôi đã mua chiếc tivi đa hệ của Fortress, hãng sản xuất đồ điện tử lớn nhất Hồng Kông; một người tôi từng phỏng vấn trong chương trình của đài TVB là Michael Sandberg, Giám đốc điều hành Liên doanh Ngân hàng Hồng Kông-Thượng Hải (HSBC); tôi cũng đã có dịp phỏng vấn chủ tịch một công ty vận tải hàng hải lớn của Mỹ khi ông này đứng trên boong tàu, quay lưng lại Sân bay Quốc tế Hồng Kông,… Chuỗi cửa hàng Watson, Park’N Shop, hãng sản xuất đồ điện tử Fortress, Sân bay Quốc tế Hồng Kông – tất cả đều là công ty của Lý Gia Thành, còn Michael Sandberg của Ngân hàng Hồng Kông chính là nhân tố xúc tác giúp Lý nổi tiếng trên trường quốc tế với việc mua Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố vào năm 1979. Tôi nhận ra Lý Gia Thành thật sự là một phần rất quan trọng trong cuộc sống của mình và những người xung quanh. Một lần nữa, tôi nhận thấy cần phải kể về cuộc đời ông.

Năm 1987, khi giảng dạy tại trường Đại học California, Hayward, tôi đã đọc được bài viết về những thành công kinh doanh của Lý Gia Thành tại hai tỉnh của Canada là British Columbia và Alberta. Khi Lý quyết định chuyển hướng đầu tư sang phương Tây, tôi tin rằng ẩn sau quyết định ấy hẳn là một câu chuyện thú vị. Năm 1991, tôi rời California về nhận công tác tại Đại học Washington, Seattle. Tại đây tôi chính thức bắt đầu nghiên cứu về cuộc đời của Lý Gia Thành.

Tôi bắt đầu tích lũy mọi thông tin về ông trùm tư bản này, và những điều đã đọc đều khiến tôi tò mò. Khi Hồng Kông tiến gần đến ngày 1 tháng 7 năm 1997 định mệnh, tôi bắt đầu xem câu chuyện về ông Lý như một “phong vũ biểu” đối với những thay đổi sắp xảy ra trên mảnh đất thuộc địa Hồng Kông, Trung Quốc và toàn thế giới. Tôi chưa thể kể câu chuyện về ông ngay được vì phải mất khá nhiều thời gian. Và khi tôi vẫn chưa có dịp tiếp xúc với ông thì những cuộc phỏng vấn với nhà tư bản này đã được đăng tải trên tạp chí Far Eastern Economic Review (Toàn cảnh nền kinh tế Viễn Đông) và Fortune (Di sản).

Cuốn sách này là câu chuyện về một ông vua kinh doanh tầm cỡ quốc tế mà đế chế của ông đã đặt nền móng cho ngành thương mại Hồng Kông; một người đàn ông mà sự hiện diện đã làm thay đổi thái độ và nhận thức của toàn bộ vùng thuộc địa; một người có tầm ảnh hưởng to lớn, giúp Hồng Kông hội nhập với thế giới.

Thời gian viết cuốn sách này kéo dài trong bốn năm nhưng tôi không hề đơn độc. Bạn bè và đồng nghiệp ở Hồng Kông đã giúp đỡ tôi trong giai đoạn nghiên cứu đầu tiên. Họ cũng là những người động viên, khích lệ tôi trong giai đoạn cuối cùng để hoàn thành bản thảo. Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất và lời cảm ơn tận đáy lòng đến Giáo sư Dora Choi thuộc Đại học Trung Hoa – Hồng Kông, K. K. Chan của Nhà xuất bản Culturecom, Louis Liu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Truyền hình châu Á, Giáo sư Chow Pak-kiu của Viện học Mở, Giáo sư Daniel Kwan – cựu giảng viên trường Đại học Hồng Kông Baptist, nay là giảng viên Đại học Fraser Valley.

Tôi xin chân thành cảm ơn họ hàng và bạn bè ở Canada và Mỹ vì đã gửi cho tôi những bài báo về Lý Gia Thành và các công ty của ông. Xin gửi lời cảm ơn đến cha tôi, Steven Chan, Andrienne Chan của Đại học Douglas, David Lam – từng làm việc tại Tập đoàn Truyền thông Canada, nay công tác tại Đại học Tây Bắc Ấn Độ, Giáo sư John Campbell – từng làm việc tại Đài TVB, nay là giảng viên Đại học Bắc Arizona. Tôi cũng muốn cảm ơn Kenvin Kawamoto, trợ lý của tôi tại Đại học Washington. Nhờ sự chăm chỉ của anh mà chúng tôi có được những thông tin quý giá làm nền tảng vững chắc cho cuốn sách này. Và cuối cùng xin dành lời cảm ơn cho người phụ tá nghiên cứu của tôi, Thái Trắc Nghiên, vì đã giúp tôi có được những thông tin vô cùng hữu ích.

Tôi còn mang ơn người bạn đời của mình, Giáo sư Wei Djao, trường Đại học Cộng đồng Bắc Seattle. Những kiến thức của cô đã giúp tôi hiểu hơn về bức tranh lịch sử – xã hội đầy màu sắc của Hồng Kông và Trung Quốc để tôi có thể viết những chương đầu tiên trong cuốn sách này. Sự hài hước và những bữa tối thịnh soạn mà cô dành cho bố con tôi đã khích lệ tôi rất nhiều. Cô con gái nhỏ của tôi Lian Djao Chan cứ thắc mắc mãi không biết lúc nào bố mới rời máy tính. Chính nụ cười vô tư và niềm yêu đời của con đã giúp tôi có thêm sức mạnh để hoàn thành cuốn sách này.

Cuối cùng, tôi xin cảm ơn các bạn đồng nghiệp của tôi tại Macmillan Canada – chủ bút Karen O’Reilly, trưởng ban biên tập Kirsten Hanson, biên tập bản thảo Christian Allard và biên tập bản in Liba Berry đã hỗ trợ tôi xuất bản cuốn sách này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.