Lý Trí Và Tình Cảm

CHƯƠNG 18



Elinor quan sát anh bạn cô xuống tinh thần mà cảm thấy bất an. Chuyến thăm viếng của anh chỉ khiến cô hài lòng chút ít, trong khi anh dường như không được vui trọn vẹn. Hiển nhiên là anh không được hạnh phúc; cô cũng mong hiển nhiên là anh vẫn còn đối xử với cô một cách đặc biệt hơn những người khác qua ý tình mà có lần cô chắc chắn đã nhận ra; nhưng cho đến giờ này dường như không chắc anh còn như xưa. Thái độ giữ kẽ của anh đối với cô trong một khoảnh khắc trở nên mâu thuẫn với những gì mà ánh mắt sinh động của anh đã thầm nói lên trước đấy.
Sáng hôm sau, anh gặp cô và Marianne trong phòng điểm tâm trước khi những người khác đi xuống. Marianne luôn sốt sắng thúc đẩy hạnh phúc của họ càng chóng thành càng tốt, nên cô muốn hai người được riêng tư với nhau. Nhưng trước khi cô bước lên được phân nửa thanh lầu cô nghe cánh cửa hành lang mở ra và, ngoái nhìn lại, cô ngạc nhiên thấy chính Edward đi ra ngoài.
Anh nói:
– Tôi đi đến làng để xem các con ngựa của tôi, vì gia đình chưa sẵn sàng dùng điểm tâm; tôi sẽ trở lại ngay.
 
° ° °
 
Edward trở lại với thêm lời ca ngợi cảnh quan quanh vùng. Trên đường đi đến ngôi làng, anh đã thấy nhiều cảnh thung lũng đẹp. Ngôi làng ở trên vùng cao hơn nhà nghỉ mát, từ đây mở ra toàn quang cảnh khiến anh rất thích thú. Đây là đề tài thu hút sự chú ý của Marianne, và cô bắt đầu diễn tả ca ngợi của riêng cô về các cảnh quan này, hỏi han anh kỹ càng hơn về những gì làm anh thích nhất.
Edward ngắt lời cô:
– Marianne, cô không nên hỏi quá xa; xin nhớ tôi không có kiến thức về cảnh quan. Qua dốt nát và kém khiếu thẩm mỹ, tôi sẽ xúc phạm cô nếu ta bàn đến chi tiết. Tôi sẽ gọi các triền đồi là nghiêng thay vì dốc đứng hùng vĩ; mặt đất lạ lùng và hoang dại thay vì là nhấp nhô và lượn sóng; cảnh vật ngoài tầm mắt thay vì là xa mờ qua làn sương đục. Cô nên hài lòng với cách thưởng thức mà tôi diễn tả mộc mạc. Tôi gọi vùng đất này là đẹp: các đồi dốc, các khoảnh rừng có nhiều gỗ tốt, thung lũng trông thoải mái và ấm cúng, với các đồng cỏ phì nhiêu, đây đó vài nông trại ngăn nắp. Tất cả đều đúng như ý tưởng của tôi về một vùng đất đẹp, bởi vì nó hài hòa vẻ đẹp với chuyên dụng; và tôi tin chắc vùng này cũng nên thơ, bởi vì cô tán thưởng nó. Tôi có thể dễ dàng tin rằng cũng có đá sỏi và doi đất, rêu xám và lùm bụi, nhưng tôi không nhận ra. Tôi không biết gì về vẻ nên thơ.
Marianne nói:
– Tôi e anh nói đúng, nhưng tại sao anh lại khoe khoang như thế?
Elinor nói:
– Chị đoán là khi né tránh một tình cảm, Edward lại sa đà vào một tình cảm khác. Bởi vì anh ấy tin rằng nhiều người giả vờ ca ngợi những vẻ đẹp nhiều hơn là chính họ cảm nhận được. Anh khinh thường giả dối như thế, nên khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp anh muốn dửng dưng nhiều hơn và ít phân biệt hơn so với tâm hồn của anh. Anh kỹ tính và từ đó sẽ mang thói giả tạo.
Marianne nói:
– Đúng thật là việc chiêm ngưỡng cảnh quan đã biến thành đặc ngữ đơn thuần. Mọi người giả vờ cảm nhận và gắng gượng diễn tả qua khiếu thẩm mỹ và lịch lãm của người đầu tiên định nghĩa thế nào là phong cảnh nên thơ. Tôi có ác cảm với mọi loại đặc ngữ, đôi lúc tôi giữ lấy những cảm xúc cho riêng mình, vì tôi không thể tìm ngôn từ nào để diễn tả ngoại trừ theo mấy lối mòn nhàm chán về nhận thức và ý nghĩa.
Edward nói:
– Tôi tin cô thực sự cảm thấy mọi thích thú với một toàn cảnh tinh tế mà cô cho rằng mình đã cảm nhận được. Nhưng, để đáp lại, chị cô phải cho phép tôi không cảm thấy gì khác hơn là tôi diễn tả. Tôi thích toàn cảnh tinh tế, nhưng không dựa theo các nguyên tắc về vẻ nên thơ. Tôi không thích cây cối bị gãy khúc, vặn vẹo, xơ xác. Tôi say mê những cây cao hùng vĩ, vút thẳng, sum suê lá cành. Tôi không thích những ngôi nhà nghỉ hư hại, đổ nát. Tôi không yêu dây tầm gai, cây kẽ, hoặc thạch nam. Tôi yêu một nông tranh ấm cúng hơn là một tháp canh; những dãy làng ngăn nắp an bình hơn là những thảo khấu anh dũng nhất thế gian.
Marianne nhìn Edward với vẻ ngạc nhiên thú vị, và nhìn chị cô với lòng thương hại. Elinor chỉ cười.
Họ không bàn cãi thêm; và Marianne lại im lặng trong suy tư, cho đến khi cô đột nhiên chú ý đến một vật. Cô đang ngồi kế bên Edward, và trong khi đón nhận tách trà từ tay bà Daswood bàn tay anh đưa ngay trước mặt cô, cho thấy rõ ràng một chiếc nhẫn với một lọn tóc. Cô thốt lên:
– Edward, tôi chưa bao giờ thấy anh mang nhẫn. Có phải đây là tóc của Fanny không? Tôi nhớ nghe chị ấy hứa tặng anh ít tóc. Nhưng tôi nghĩ tóc chị ấy sẫm màu hơn.
Marianne nói ra điều cô nghĩ mà không đắn đo; nhưng khi cô thấy mình đã gây bối rối cho Edward đến thế, nỗi bứt rứt vì kém suy nghĩ không thể kém sự bối rối của anh.
Anh đỏ bừng mặt, rồi nhìn thoáng qua Elinor, đáp:
– Vâng, đây là tóc của em gái tôi. Khi đính lên nhẫn, tóc luôn có màu sẫm hơn, cô biết đấy.
Elinor đón nhận ánh mắt của anh, cũng lộ vẻ tỉnh táo như anh. Cũng như Marianne, cô an tâm rằng đây chính là tóc của em gái anh; riêng kết luận của hai người là khác biệt. Trong khi Marianne cho rằng đây là món quà của em gái anh, cô đoán là do lấy trộm hoặc một sự sắp đặt nào đấy mà cô không rõ. Tuy nhiên, cô không cảm thấy sỉ nhục. Ra vẻ không để ý đến những gì đã xảy ra, cô bắt ngay sang chuyện khác. Trong tâm tư cô tự nhủ từ bây giờ trở đi cô sẽ tranh thủ mọi cơ hội để nhìn qua lọn tóc và để xác nhận đúng là màu tóc của em gái anh.
Edward bối rối một hồi lâu, rồi trấn tĩnh lại trong trầm tư. Anh đặc biệt nghiêm nghị trong cả buổi sáng. Marianne tự trách móc thậm tệ về câu nói của mình; nhưng thói quen tự tha thứ có thể còn nhanh chóng hơn, vì cô không mường tượng được mình đã xúc phạm chị cô đến thế nào.
 
° ° °
 
Trước buổi trưa, Ngài John và bà Jennings đến thăm họ để xem xét anh sau khi được tin có một người quý phái đến thăm viếng nhà nghỉ mát. Có bà mẹ vợ hỗ trợ, chẳng bao lâu Ngài John đã khám phá là tên của Ferrars bắt đầu bằng chữ F, và điều này tạo nên một cái mỏ để ông khai thác mà giễu cợt Elinor trong tương lại, nhưng ông chưa bắt đầu bây giờ vì họ chỉ mới quen biết Edward. Qua những ánh mắt đầy ẩn ý, cô chỉ nhận thấy là họ đã biết được bao nhiêu qua hướng dẫn của Margaret.
Ngài John không bao giờ thăm viếng gia đình Daswood mà không mời họ đến dùng bữa hôm sau, hoặc dùng trà vào tối hôm ấy. Vào dịp này, để anh khách được vui hơn và ông cũng vui vì có đóng góp, ông mời cả anh cùng đến. Ông nói:
– Anh phải đến dùng trà với chúng tôi tối nay vì chúng tôi khá quạnh hiu; và ngày mai nhất định anh phải đến dùng bữa tối với chúng tôi vì chúng tôi sẽ có đông người.
Bà Jennings nhấn mạnh việc cần thiết phải làm:
– Và ai biết được, anh sẽ khởi đầu một buổi khiêu vũ. Thế là hấp dẫn đối với cô đấy, Marianne.
Marianne thốt lên:
– Khiêu vũ! Không thể được! Ai sẽ khiêu vũ?
– Ai nữa! Chính các cô đấy, rồi còn nhà Carey và Whitaker, chắc hẳn rồi. Sao! Cô nghĩ không ai sẽ khiêu vũ bởi vì một người giấu tên nào đó đã ra đi!
Ngày John thốt lên:
– Với cả tâm tư, tôi ước mong Willoughby sẽ trở lại với chúng ta.
Câu này, cùng với gương mặt đỏ hồng của Marianne, làm Edward thắc mắc. Anh hỏi nhỏ cô Daswood lúc này ngồi kế anh:
– Willoughby là ai?
Cô đáp ngắn gọn. Vẻ mặt Marianne càng trở nên đầy ý nghĩa. Edward nhìn và không những đủ hiểu hàm ý của những người khác, mà còn đọc được cảm nghĩ của Marianne vốn đã từng khiến anh cảm thấy khó hiểu. Khi hai vị khách ra về, anh đi ngay đến cô, thì thầm:
– Tôi đã đoán được. Tôi có nên nói cho cô biết tôi đoán gì không?
– Anh có ý gì?
– Tôi có nên nói không?
– Được.
– Thế thì, tôi đoán anh Willoughby thích đi săn.
Marianne ngạc nhiên và ngượng ngùng, tuy thế cô không thể ngăn nụ cười với vẻ tinh nghịch trầm lặng của anh. Sau một khoảnh khắc im lặng, cô nói:
– Ồ, Edward! Làm thế nào anh đoán được? Nhưng sẽ đến lúc, tôi hy vọng… tôi tin anh sẽ mến anh ấy.
– Tôi chắc thế.
Anh ngạc nhiên thấy cô sôi nổi và nồng nàn; vì nếu anh không hiểu đấy là câu pha trò dựa trên chuyện gì đấy hoặc không có gì cả giữa anh Willoughby và cô, thì hẳn anh sẽ không nhắc đến tên người kia.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.