Ma Sói

CHƯƠNG 17



Để đến được Sautrey, Camille phải lái cái xe thùng leo lên một con đèo mới. Nhưng đường đi ít hiểm trở hơn, rộng rãi hơn, thẳng hơn, các đoạn ngoặt rộng hơn. Núi rừng đã rơi rụng mất những dải đất cuối cùng của vùng Provence, mười cây số trước khi đến đèo Chữ Thập Cao, họ đi vào một vùng sương mù lạnh lẽo và phủ đầy mây trắng như bông. Soliman và ông Canh Đêm đi vào vùng đất lạ và họ xem xét nó với vẻ vừa quan tâm vừa thù ghét. Tầm nhìn bị hạn chế nên chiếc cam nhông tiến từ từ. Ông Canh Đêm ném từng cái nhìn kiêu kỳ vào những mái nhà dài và thấp, như bị bẹp dí dưới sườn dốc mờ mờ thoai thoải. Camille đi qua con đèo vào lúc bốn giờ và nửa giờ sau thì đến Sautrey.
— Hàng đống củi, hàng đống củi, ông Canh Đêm làu bàu. Họ làm cái quái gì với từng ấy củi?
— Họ đốt củi sưởi gần như quanh năm, Camille nói.
Ông Canh Đêm lắc đầu, với vẻ thương hại và không hiểu nổi.
 
Trước tám giờ tối một chút, ông chủ quán cà phê ở Sautrey quay một vòng khóa quán. Một con chó lớn có bộ lông ngắn lẩn quẩn dưới chân ông ta. Họ đi ăn tối.
— Mày thấy không, hả chó, ông ta nói, một cô gái như thế mà lái xe cam nhông là không bình thường chút nào. Và rồi cũng sẽ không mang lại điều gì hay ho đâu. Còn hai tên ngốc đi theo cô ta nữa, mày không nghĩ rằng họ có thể lái xe hay sao? Dù sao cũng thật khó chịu khi nhìn thấy cảnh như vậy. Hả, có phải không chó? Cái xe thùng đó đáng vứt đi, thật không thể tưởng tượng nổi. Cô ta lại còn ngủ trong đó, cùng với một tên Đen và một lão già.
Ông chủ quán cà phê thở dài, vắt cái giẻ lau lên giá để bát đĩa.
— Này chó? ông ta tiếp tục. Mày nghĩ cô ta ngủ với ai? Mà mày đừng có bảo tao là cô ta không ngủ với ai cả nhé, tao không tin đâu. Rất có thể là với tên Đen. Cô ta không thấy tởm đâu. Cái tên Đen ấy, hắn nhìn cô ta như thể cô ta là một nữ thần vậy. Bọn họ làm cái quái gì ở đây, quấy rầy mọi người suốt cả một ngày dài cùng với những câu hỏi của họ? Lão Semot thì liên quan gì đến họ cơ chứ? Mày không biết hả? Ờ thì tao cũng không.
Ông ta tắt chút ánh sáng cuối cùng rồi đi ra ngoài, tay cài khuy áo vest. Nhiệt độ giảm xuống dưới mười độ.
— Này chó? Không bình thường chút nào, khi có người lại hỏi nhiều như thế về một người đã chết.
o O o
Vì lạnh và gió, Soliman bày bàn ăn trong xe cam nhông, trên một cái hòm kẹp giữa hai chiếc giường. Camille để Soliman lo việc bếp núc. Cậu còn coi sóc cái xe gắn máy, kiếm lương thực, nước. Cô chìa đĩa ra.
— Thịt, cà chua, hành, Soliman thông báo.
Ông Canh Đêm mở nút một chai rượu trắng.
— Trước kia, Soliman lên tiếng, vào thời kỳ bắt đầu thế giới, đàn ông không làm bếp.
— Ôi, mẹ kiếp, ông Canh Đêm nói.
— Và đối với muôn loài trên thế giới này cũng vậy.
— Phải, ông Canh Đêm vừa rót rượu vừa ngắt lời. Adam và Eva đã ngủ với nhau, tiếp đó họ sống trong khổ cực và phải nấu ăn suốt cả đời.
— Hoàn toàn không, Soliman nói. Câu chuyện không phải như vậy.
— Chuyện của cậu, cậu bịa chúng ra chứ gì.
— Thì sao nào? Ông có biết cách nào khác không?
Camille rùng mình, đi ra phía sau xe tìm một cái áo len. Trời không mưa nhưng sương mù dính nhớp vào người như một miếng vải ướt.
— Khắp mọi nơi, thức ăn ở ngay trong tầm tay loài người, Soliman tiếp tục. Nhưng con người chiếm hết thức ăn nên loài cá sấu than phiền về thói ham ăn ích kỷ của họ. Để làm rõ mọi việc, vị thần ao biến hình thành một con cá sấu và tự mình lên đường đi kiểm soát tình hình. Sau khi chịu đói ba ngày, vị thần ao triệu loài người đến và nói: “Hỡi Loài Người, từ giờ trở đi ngươi sẽ chia sẻ mọi thứ.” “Còn lâu”, Loài Người trả lời vị thần. “Tôi cóc quan tâm đến những kẻ khác”. Vậy là vị thần ao nổi trận lôi đình và lấy đi thói quen thích máu, thích thịt tươi, thịt sống của loài người. Kể từ ngày đó, loài người phải nấu chín những gì họ cho vào miệng. Việc này làm họ mất rất nhiều thời gian còn lũ cá sấu thì được yên thân trong vương quốc thịt sống của chúng.
— Sao lại không nhỉ, Camille nói.
— Vậy là loài người, bị hạ nhục khi trở thành loài duy nhất ăn đồ chín, chuyển hết công việc sang đàn bà. Trừ tôi, Soliman Melchior, bởi vì tôi vẫn là người tốt, bởi vì da tôi vẫn đen, và tiếp theo là bởi vì tôi không có vợ.
— Nếu cậu cho là vậy, Camille nói.
Soliman lại rơi vào im lặng, chén sạch đồ trong đĩa.
— Dân làng này không hay chuyện gì cả, cậu nhận xét.
Cậu chìa cốc cho ông Canh Đêm.
— Bởi vì họ nhát chết, ông Canh Đêm vừa rót rượu cho cậu vừa nói.
— Họ không hở ra một lời.
— Bởi vì họ không có gì để nói, Camille nói. Họ không biết gì nhiều hơn ta đâu. Họ chỉ nghe qua đài, chỉ thế thôi. Nếu họ biết điều gì thì đã nói rồi. Cậu biết người nào biết một điều gì đó mà không nói ra không? Chỉ một người duy nhất thôi?
— Không.
— Đấy cậu thấy không. Tất cả những gì họ biết thì họ đã nói rồi. Rằng ông đó là giáo viên ở Grenoble, rằng ông ta về hưu từ ba năm nay.
— Nghỉ hưu ở đây, ông Canh Đêm nhắc lại, vẻ nghĩ ngợi.
— Làng này là quê vợ ông ấy.
— Điều này không có nghĩa gì nhiều.
— Mọi việc mắc kẹt ở đây, Soliman nói. Ta ngủ ở đây như quả sung rụng dưới gốc cây. Có phải không?
— Chúng ta sẽ không bị mắc kẹt trong đống củi này, ông Canh Đêm nói, chúng ta tiếp tục cái roade-mouvie. Chúng ta bám sát đít hắn.
— Đừng có nói những chuyện vớ vẩn như vậy! Soliman kêu lên. Ta thậm chí còn không biết rằng cái đít của Massart đang ở đâu, mẹ kiếp! Liệu nó ở đây, ở phía trước ta, ở phía sau hay ở trong nhà thờ!
— Đừng có nóng, chàng trai của ta.
— Nhưng ít ra thì ông cũng phải hiểu chứ! Ông không thấy rằng chúng ta đang mất đầu mối hay sao? Rằng chúng ta thậm chí còn không có đầu mối mà lần? Rằng chúng ta không thể biết được liệu có phải Massart, chính hắn hay chó chết gì, đã cứa cổ Semot? Nếu biết được thì cảnh sát đã kiếm ra ai rồi, có thể là con trai ông ta, có thể là vợ ông ta? Còn chúng ta thì làm gì, trong cái cam nhông này?
— Chúng ta ăn, uống, Camille nói.
Ông Canh Đêm rót đầy rượu cho cô.
— Cẩn thận nhé, nó bẫy người đấy.
— Chúng ta dốt nát, Soliman vừa nói vừa nổi nóng. Chúng ta dốt nát một cách nhẫn nại và kiên trì. Chúng ta dốt nát hàng giờ liền. Và đêm tới cũng sẽ là một đêm dài của sự dốt nát.
— Bình tĩnh lại đi, ông Canh Đêm nói.
Soliman lưỡng lự, cuối cùng buông thõng hai bàn tay lên đầu gối.
— “Dốt nát”, cậu nói bằng giọng thư thái hơn. “Sự thiếu hiểu biết chung, thiếu tri thức.”
— Chính vậy đó, Camille nói.
Ông Canh Đêm bắt đầu cuốn, liếm và dán ba điếu thuốc lá.
— Phải rời khỏi đây thôi, ông nói. Chỉ việc đi gặp đám cảnh sát chịu trách nhiệm về vụ Semot. Bọn họ ở đâu nhỉ?
— Ở Villard-de-Lans.
Soliman nhún vai.
— Có lẽ ông nghĩ rằng cảnh sát sẽ chịu nhúc nhích để chỉ cho ta xem hồ sơ của họ ư? Rằng họ sẽ chịu nhúc nhích để kể cho ta nghe những gì ông bác sĩ nói ư? Nói với tôi? Hay với ông? Hay với chị ấy?
— Không, ông Canh Đêm nhăn mặt trả lời. Tôi nghĩ rằng họ sẽ chịu nhúc nhích để hỏi giấy tờ của chúng ta rồi tống cổ ta ra ngoài.
Ông chìa một điếu thuốc cho Camille, một điếu khác cho Soliman.
— Mà ta còn không được nói cho họ biết là ta truy lùng Massart, phải thế không? Soliman tiếp tục. Liệu ông nghĩ cảnh sát sẽ làm gì với một tên da đen, một ông già và một cô gái lái xe tải đang truy lùng một kẻ vô tội để tra vấn hắn? – Họ giam ba người đó lại.
— Chính xác.
Soliman lại im lặng và rít thuốc lá.
— Ba kẻ dốt nát, sau vài phút cậu vừa nói vừa lắc đầu. Ba kẻ dốt nát trong câu chuyện ngụ ngôn.
— Câu chuyện ngụ ngôn nào? Camille hỏi.
— Một câu chuyên ngụ ngôn mà tôi sắp nghĩ ra và sẽ đặt tên là “Ba kẻ dốt nát”.
— À ra vậy.
Soliman đứng lên, đi lại trong xe cam nhông, tay chắp sau lưng.
— Xét cho cùng thì điều chúng ta cần, cậu nói tiếp, là một tay cảnh sát đặc biệt. Một tay cảnh sát cực kỳ đặc biệt. Một cảnh sát cho ta biết mọi thông tin mà không gây khó dễ gì cho chúng ta và không ngăn cản chúng ta đuổi theo con ma cà rồng.
— Đừng có mơ giữa ban ngày, ông Canh Đêm nói.
— Ảo tưởng, Soliman nói. “Ý nghĩ hão. Sự tưởng tượng hão huyền.” – Phải.
— Nhưng không có ảo tưởng thì ta coi như bỏ đi. Không có ảo tưởng thì ta là một lũ vô tích sự.
Chàng thanh niên ra mở cửa xe, vứt đầu mẩu thuốc ra ngoài. Camille nhặt đầu mẩu thuốc của cô lên, liệng nó qua hàng song sắt.
— Tôi có quen một ảo tưởng, cô nói.
Camille nói gần như thầm thì. Soliman quay người lại, nhìn cô. Người nghiêng về phía trước, khuỷu tay chống gối, cô xoay cái cốc trên tay.
— Không, cậu nói. Tôi nói về một tay cảnh sát.
— Tôi cũng vậy.
— Một cảnh sát đặc biệt. Việc biết một cảnh sát đặc biệt.
— Tôi biết một cảnh sát đặc biệt.
— Không đùa chứ?
— Không đùa một chút nào.
Soliman đi lại cái hòm được dùng làm bàn ăn, dọn hết trên mặt bàn, nâng cái nắp lên. Quỳ xổm trên gối, cậu lục lọi bên trong và lôi ra một gói nến.
— Không nhìn thấy gì trong xe nữa, cậu nói.
Anh đốt nến chảy vào lòng một cái đĩa, cắm vào đó ba ngọn nến. Camille vẫn xoay rượu trong cốc của mình.
Ánh sáng của những ngọn nến chiếu đến nơi Camille ngồi. Nét mặt nghiêng của cô hiện lên trên nền tấm vải bạt màu xám, phía đầu giường Soliman. Cùng với đêm đang xuống dần, và viễn cảnh những giờ trải dài đây đó trên tấm vách ngăn bằng vải, Soliman hơi do dự. Cậu đến ngồi đối điện với cô, bên cạnh ông Canh Đêm.
— Chị biết người đó lâu chưa?
Camille ngước mắt nhìn cậu thanh niên.
— Có lẽ là được mười năm.
— Kẻ thù hay bạn?
— Bạn, tôi cho là vậy. Tôi không biết nữa. Tôi không gặp anh ấy từ nhiều năm nay rồi.
— Đặc biệt như thế nào?
Camille nhún vai.
— Khác những người khác, cô nói.
— Thật là không như những cảnh sát khác không?
— Tệ hơn nữa. Thật không như những người khác.
— Vậy hả, Soliman nói, hơi sững sờ. Vậy thì anh ấy như thế nào, trong vai trò là cảnh sát? Không ngại ngần gì ư?
— Ngại ngần rất nhiều và không có nhiều nguyên tắc lắm.
— Ý chị là anh ấy là đồ bỏ đi ư?
— Không, hoàn toàn không phải là bỏ đi.
— Vậy thì là gì?
— Thì là đặc biệt, tôi đã nói với cậu rồi mà.
— Đừng bắt phải nhắc lại, ông Canh Đêm nói.
— Thế mà họ giữ kiểu người ấy lại trong ngành cảnh sát à?
— Anh ấy rất có khiếu.
— Anh ấy tên gì?
— Jean-Baptiste Adamsberg.
— Già lắm không?
— Việc đó thì liên quan gì? ông Canh Đêm ngắt lời.
Camille suy nghĩ, loáng thoáng đếm trên đầu ngón tay.
— Tầm bốn mươi lăm.
— Anh ấy ở đâu, cái anh cảnh sát đặc biệt ấy đấy?
— Ở đồn cảnh sát quận Năm, tại Paris.
— Cảnh sát trưởng hả?
— Cảnh sát trưởng.
— Thật thế hả?
— Thật thế.
— Cái anh đó, anh Adamsberg đó, anh ấy có thể gỡ bí cho chúng ta ư? Anh ấy có thế lực lắm hả?
— Anh ấy rất giỏi, tôi đã nói với cậu rồi.
— Chị có thể gọi cho anh ấy ư? Chị biết cách liên lạc với anh ấy hả?
— Tôi không có ý định tìm cách gặp anh ấy.
Soliman nhìn Camille chằm chằm, ngạc nhiên.
— Vậy tại sao chị lại kể về viên cảnh sát đó cho tôi?
— Tại vì cậu hỏi tôi.
— Vậy tại sao chị không muốn gặp anh ấy?
— Tại vì tôi không muốn biết tin gì về anh ấy.
— Thật vậy sao? Tại sao lại không? Anh ấy là một tên đểu hả?
— Không.
— Hay là một kẻ ngu ngốc?
Camille lại nhún vai lần nữa. Cô đưa đi đưa lại ngón tay qua ngọn lửa tỏa ra từ những ngọn nến.
— Thế rồi sao? Soliman hỏi. Tại sao chị lại không muốn biết tin gì về anh ấy?
— Tôi đã nói với cậu rồi. Vì anh ấy đặc biệt.
— Đừng có bắt phải nhắc lại, ông Canh Đêm nói.
Soliman đứng lên, tuyệt vọng.
— Cô ấy mới là người quyết định, ông Canh Đêm nhắc nhở, chạm đầu gậy vào vai Soliman. Nếu cô ấy không muốn gặp anh ấy thì cô ấy sẽ không gặp, có vậy thôi.
— Mẹ kiếp! Soliman hét lên. Nhưng mà ta mặc xác việc anh ấy có đặc biệt hay không! Thế còn hồn Suzanne thì sao, hả Camille? cậu vừa nói vừa quay lại phía cô. Liệu chị có nghĩ đến hồn Suzanne không? Bị mắc kẹt mãi mãi trong nhánh sông cụt hôi thối khốn kiếp cùng với lũ cá sấu? Chị không nghĩ rằng Suzanne đang ở trong một tình thế đặc biệt ư?
— Về việc nhánh sông cụt thì không có gì chắc chắn, ông Canh Đêm nhận xét. Tôi sẽ không nhắc lại hàng trăm lần điều này với cậu.
— Ông không tin rằng Suzanne trông đợi vào chúng ta ư? Soliman tiếp tục. Rằng vào giờ này, hẳn bà đang tự hỏi chúng ta đang làm cái quái gì? Liệu ta có quên bà hay không? Liệu chúng ta có vừa đang ních đầy rượu vừa mặc xác khá nhiều thứ hay không?
— Không, Sol ạ, tôi không tin như vậy.
— Không ư, Camille? Vậy tại sao chị lại ở đây?
— Cậu không nhớ ư? Để lái xe.
Soliman đứng thẳng lên, lau trán. Cậu nổi nóng. Cậu nổi nóng quá nhiều vì cô. Có thể là bởi vì cậu muốn cô và cậu không biết làm thế nào đi hết được năm mươi mét khốn kiếp chia cách cậu với cô. Trừ khi Camille làm điều gì đó, nhưng cô lại không làm gì cả. Camille hầu như có toàn quyền trên cái cam nhông này và điều đó quả là quá mệt mỏi. Toàn quyền quyến rũ, toàn quyền lái xe, và toàn quyền truy đuổi, chỉ mong sao cô muốn gọi cho người đàn ông đặc biệt kia.
Một phần bị khuất phục, Soliman ngồi xuống.
— Chị ở đây chỉ để lái xe là không đúng.
— Không.
— Chị ở đây vì Suzanne, chị ở đây vì Lawrence, chị ở đây vì Massart, để siết hắn lại trước khi hắn kịp hủy hoại những người khác.
— Có thể là vậy, Camille vừa nói vừa uống cạn cốc rượu.
— Có thể hắn đã hủy hoại một người khác nữa rồi, Soliman nói với vẻ nhấn mạnh. Nhưng điều này thì ta cũng không thể biết được. Chúng ta thậm chí không có nổi những tin tức mới nhất về một con ma cà rồng mà chúng ta là những người duy nhất biết đến sự tồn tại. Chúng ta là những người duy nhất có thể chặn đứng hắn.
Camille đứng dậy.
— Trừ khi chị gọi viên cảnh sát kia, tất nhiên rồi.
— Tôi đi ngủ đây, cô nói. Đưa điện thoại đi động của cậu cho tôi.
— Chị sẽ gọi anhấy chứ? cậu thanh niên hỏi, mặt sáng bừng lên.
— Không, tôi muốn gọi Lawrence.
— Nhưng ta cóc cần biết đến kẻ đánh bẫy.
— Tôi thì không thế.
— Dù sao thì hãy suy nghĩ đi, Camille ạ. Do dự là tính xa xỉ của những kẻ khôn ngoan. Chị có muốn biết câu chuyện về người đàn ông không muốn do dự hay không?
— Không, ông Canh Đêm nói.
— Không, Camille nói theo. Sự khôn ngoan làm tôi chán ngấy.
— Vậy thì, đứng có nghĩ nữa. Hành động đi. Sự táo bạo là tính xa xỉ của những tâm hồn mạnh mẽ.
Camille mỉm cười, ôm hôn Soliman. Cô do dự trước ông Canh Đêm, bắt tay ông rồi biến mất sau tấm vải bạt.
— Mẹ kiếp, Soliman gầm lên.
— Kháng cự khá đấy, ông Canh Đêm bình luận.
 
Camille tự động tỉnh giấc vào khoảng bảy giờ, dấu hiệu chính của trạng thái căng thẳng và mâu thuẫn. Dấu hiệu của thứ rượu vang bẫy người nữa, rất có thể.
Đêm hôm trước, cô đã nói chuyện với Lawrence qua điện thoại và cô hài lòng vì nghe được giọng anh chàng người Canada, dù chỉ là vài mẩu tiếng nói đứt đoạn. Trong điện thoại, Lawrence nói nhát gừng hơn bao giờ hết. Ở dưới vùng Mercantour, Crassus Trụi lông vẫn mất hút. Hầu hết những con sói có tiếng đều đã được thống kê trên lãnh địa của chúng nhưng Crassus cao lớn thì vẫn không có tin gì. Augustus vẫn nghiến ngấu những con thỏ rừng trao tay còn Mercier thì ngạc nhiên khi thấy lão già, với bộ răng bỏ đi của nó, lại có thể trụ vững lâu đến thế. “Anh thấy không, anh ta nói với Lawrence, muốn nghĩa là có thể.” Còn Lawrence thì chỉ im lặng gật đầu. Anh chàng người Canada lo lắng khi nhận tin Jacques-Jean Semot bị cứa họng. Có, anh có nghĩ đến Massart. Nhưng anh không thích sự chuyển hướng hoang dại của cuộc đua xuyên núi rừng này. Anh không thích biết việc Camille chỉ cách Massart có vài bước, bị cô lập trong cái xe cam nhông, đối mặt với nguy hiểm. Dù thế nào thì anh cũng không thích khi biết rằng Camille bị nhốt trong cái cam nhông hôi hám cùng hai gã đàn ông khác. Cùng với bất cứ gã đàn ông nào, trong bất kỳ chiếc cam nhông nào. Không, anh không phản đối việc một viên cảnh sát nhúng tay vào, trái lại ấy chứ. Ngay từ đầu những gì họ muốn là có một tên cảnh sát nhúng tay vào, phải thế không? Vậy thì, nếu cô quen ai đó, cô cứ việc gọi anh ta, đặc biệt hay không đặc biệt, điều đó có nghĩa gì, miễn anh ta là cảnh sát. Anh ta sẽ hiệu quả hơn cả ba bọn họ, nếu như anh ta thật sự muốn quan tâm đến con ma sói đó. Nếu như.. Và Lawrence quả quyết rằng sự tham gia của một viên cảnh sát sẽ chấm dứt ngay tắp lự cuộc phiêu lưu mù quáng của cô gái, ông già và đứa trẻ. Và đó chính là điều anh mong muốn hơn hết. Anh sẽ tìm cách bắt kịp họ tối mai trên chiếc cam nhông, nói chuyện với cô, ngủ với cô, cô sẽ phải báo trước cho anh nếu họ dời đi.
Nằm ngửa, Camille ngắm ngày trôi qua kẽ hở của những song sắt và đám bụi run rẩy trong luồng sáng nghiêng nghiêng. Trong đám bụi đó, hẳn phải có hàng tá thứ khác ngoài những nguyên tố cơ bản. Những phân tử rơm, mỡ, phân cừu lơ lửng, chơi đùa trong ánh bình minh. Đó hẳn phải là một đám bụi rất đậm đặc, một thứ hỗn hợp hiếm có. Camille kéo chăn lên cằm. Tại cái làng đầy mây mù này, đêm nay trời không nóng, họ phải lấy mấy cái chăn mỏng được Buteil chuẩn bị sẵn ra đắp. Gọi cho Adamsberg thì cô mất gì nào? Chẳng mất gì cả, như Soliman đã nói. Cô cóc quan tâm đến Adamsberg, anh đã biến mất đâu đó trong những cạm bẫy của ký ức, nơi tất cả bị nghiền nát, cháy rụi và được tái chế, như những nhà máy xử lý vật liệu, nơi ta sản xuất ra một cái ghế mây mới toanh từ chiếc máy cày cũ.
Trên thực tế, Adamsberg đã được tái chế. Không phải là thành ghế mây, không, chắc chắn là không, vì Camille không cần đến. Mà thành những chuyên phiêu du, thành những bản nhạc, những cái đinh vít 5,80, thành người Canada, sao lại không chứ. Bộ nhớ làm những gì nó muốn với những vật liệu ta thải cho nó, điều đó chỉ liên quan đến mình nó, ta không được tham gia vào việc của nó. Dù sao chăng nữa, những gì còn lại từ Jean-Baptiste Adamsberg, người cô từng yêu biết bao, là không gì cả. Không một rung động, không một tiếng vọng, không một nuối tiếc. Một vài hình ảnh, tất nhiên, phẳng lặng, bất động. Khả năng nghiền nát con người và tình cảm của bộ nhớ từng khiến Camille; vào một khoảnh khắc nào đó, rụng rời chân tay. Bỏ ra bao nhiêu thời gian để quan tâm đến một gã cuối cùng bị biến thành một cái vít cỡ 5,80 đáng cho ta phải tư lự lắm chứ. Camille đã tư lự nhiều. Tất nhiên, bộ nhớ của cô đã mất thời gian để làm việc đó. Chắc chắn đó là một việc rất lớn. Những tháng ngày bất tận để nghiền nát và đè bẹp. Rồi tư lự. Rồi không gì cả. Không một cái giật mình, không một cái máy mắt. Chỉ một vài kỷ niệm về một thế giới khác.
Vậy, gọi cho Adamsberg thì ảnh hưởng gì? Không gì cả. Trừ sự phiền muộn được trù liệu trước, trừ sự chán nản phải lay động những mảnh bất động của một quá khứ xa lạ. Trạng thái chán nản như khi ta phải quay ngược lại con đường để kiểm tra núm vặn bình ga. Những hành trình ngoằn ngoèo, thời gian đã mất, thời gian chết. Sự mệt mỏi vì một ngã rẽ vô ích lên những cánh đồng cháy trụi của bộ nhớ.
Nhưng Soliman, với nỗi đau đớn lộ rõ, với cái nhìn đầy sức thuyết phục, với những câu chuyện ngụ ngôn, những truyện cổ tích và những định nghĩa, đã đánh vào tuyến phòng thủ của tính ích kỷ trong cô, và, suốt cả đêm đó, Camille đã do dự, thói xa xỉ của những kẻ khôn ngoan. Và suốt đêm, Massart cùng với những nanh vuốt của anh ta, bà béo Suzanne, đứa trẻ da đen mới đẻ và ông Canh Đêm của bà kéo đến quấy rối ý chí giận dỗi xấu xa của cô.
Sáng ra, cô thấy mình đi vào ngõ cụt, dao động trên đỉnh cao nhất của sự do dự, bị chia làm hai phần bằng nhau chằn chặn giữa sự từ chối việc thất bại quay về trại Écarts và sự chống cự gay gắt của cô đối với việc gọi Jean-Baptiste Adamsberg.
Phía bên kia tấm bạt, Soliman và ông Canh Đêm đã thức dậy. Cô nghe tiếng cậu thanh niên nhấc cái xe gắn máy lên, chắc chắn là đi tìm bánh mì nóng. Rồi đến lượt ông Canh Đêm mặc áo, rồi mặc quần. Sau đó có mùi cà phê, tiếng chiếc xe gắn máy quay về. Camille mặc áo vest, rồi đến quần bò, đi ủng vào trước khi chân chạm đất – ta không thể đi chân trần trên cái xe thùng.
Soliman mỉm cười khi nhìn thấy Camille còn ông Canh Đêm thì dùng gậy chỉ cho cô một cái ghế đòn. Cậu thanh niên rót đầy chén cho cô, bỏ vào đó hai cục đường, cắt bánh mì cho cô.
— Giờ thì tôi sẽ tự xoay xở, Camille nói.
— Chúng tôi cũng đã nghĩ đến chuyện đó, ông Canh Đêm nói.
— Ta về thôi, Soliman thông báo. “Quay về. Việc đi, di chuyển, theo chiều ngược lại của chuyển động trước đó.” Quay về không có nghĩa là thất bại. Cuốn từ điển rất rõ ràng về điểm này: nó không nói đến sự thất bại.
Camille nhíu mày.
— Không đợi được sao? cô nói. Một hai ngày nữa, có thể có thêm vài con cừu mới. Ta sẽ biết phải đi đâu.
— Thế rồi sao? Soliman nói. Ta sẽ luôn bị chậm. Ta luôn đi sau hắn. Ta không thể nào bắt quả tang hắn được nếu luôn đi sau hắn, phải không? Phải đi trước. Và để có thể đi trước thì phải biết nhiều hơn rất nhiều. Chúng ta chẳng có tích sự gì cả. Chúng ta theo hắn, chúng ta bò ra trên đường, chúng ta không thể nào rờ tới hắn. Ta về thôi Camille ạ.
— Bao giờ?
— Hôm nay, nếu chị cảm thấy có khả năng đi qua con đèo. Tối nay là ta có thể về đến trại Écarts.
— Ít ra thì lũ vật sẽ hài lòng, ông Canh Đêm thì thầm. Chúng không được ăn uống tử tế khi tôi đi vắng.
Camille uống cốc cà phê, tay luồn vào trong tóc.
— Tôi không thích thế này, cô nói.
— Mọi việc là thế đó, Soliman nói. xếp tính kiêu ngạo của chị vào ủng đi. Chị có biết chuyện ba tên dốt nát muốn khám phá bí mật của cây có một trăm hai mươi ngọn không?
— Nếu tôi gọi thì sao? Camille nói. Nếu tôi gọi viên cảnh sát đó?
— Nếu chị gọi viên cảnh sát đó, thì sẽ là câu chuyện về ba kẻ dốt nát và một gã có tài muốn khám phá bí mật của người đàn ông không có lông.
Camille gật đầu, giữ vẻ tư lự trong vài phút. Soliman vừa nhai vừa cố tránh gây tiếng ồn, ông Canh Đêm, lưng thẳng, tay đặt trên đầu gối, quan sát Camille.
— Tôi gọi cho anh ấy, cô vừa đứng dậy vừa nói.
— Chị là người lái, Soliman nói.
 
Tôi là người thay anh ấy, trung úy Adrien Danglard nhắc lại lần thứ ba qua điện thoại. Có kiện tụng gì chăng? Ăn cắp? Đe dọa? Tấn công?
— Việc riêng thôi, Camille giải thích. Hoàn toàn riêng tư.
Cô do dự khi nói từ đó ra. Cô không thích nói “riêng tư”, như thể từ đó vượt quá thẩm quyền của cô, đó là một mối liên quan ngoài ý muốn của cô. Có những từ như vậy, không chịu phục tùng trên những mảnh đất không thuộc về chúng.
— Tôi thay thế anh ấy, Danglard nói bằng một giọng lừng chừng. Cô cho tôi biết rõ hơn về mục đích cuộc gọi của cô đi?
— Tôi không muốn nói rõ hơn về mục đích cuộc gọi của tôi, Camille bình thản nói. Tôi muốn nói chuyện với cảnh sát trưởng Adamsberg.
— Chuyện riêng, hả?
— Đó chính là những gì tôi đã nói.
— Cô đang ở quận Năm phải không? Cô gọi từ đâu?
— Bên lề một con đường tại tỉnh Isère, quốc lộ 75.
— Nơi đó không thuộc phạm vi của chúng tôi, Danglard nói. Cần liên lạc với cảnh sát địa phương.
Ông vớ lấy một tờ giấy, viết lên đó một cái tên bằng những chữ cái hoa, Sabrina Monge, hất đầu ra hiệu rồi chìa nó cho một đồng nghiệp ngồi bên phải ông. Dùng đầu bút chì, ông nhấn núm loa điện thoại.
Camille nghĩ đến chuyện cúp máy. Cơ may mở ra, cảnh sát trưởng đang phong tỏa, số phận chống lại ta. Họ không muốn chuyển máy cho Adamsberg, cô sẽ không tranh đấu để được nói chuyện với anh. Nhưng Camille, một khi trận đấu đã bắt đầu, lại không có mấy khiếu để có thể chối bỏ nó, một khiếm khuyết nhỏ của thói nhún nhường từng luôn khiến cô tiêu phí rất nhiều năng lượng để rồi mất trắng.
— Tôi tin rằng ông chưa hiểu, cô kiên nhẫn nói.
— Được thôi, Danglard nói. Cô muốn nói chuyện với cảnh sát trưởng Adamsberg. Nhưng không ai có thể nói chuyện với cảnh sát trưởng Adamsberg.
— Anh ấy đi vắng ư?
— Không thể gặp được anh ấy.
— Việc này quan trọng, Camille nói. Hãy cho tôi biết có thể tìm anh ấy ở đâu.
Danglard trao đổi một cái hất đầu với đồng nghiệp. Cô gái Monge để lộ mưu kế một cách ngây thơ không thể ngờ. Quả thật cô ta đang coi cảnh sát là một lũ ngốc.
— Không thể gặp được, Danglard nhắc lại. Bay mất, tan biến mất. Không còn cảnh sát trưởng Adamsberg nữa. Tôi là người thay thế anh ấy.
Một quãng lặng trong điện thoại.
— Chết rồi ư? Camille hỏi bằng một giọng không chắc chắn.
Viên trung úy nhíu mày. Sabrina Monge hẳn không nói bằng ngữ điệu đó. Danglard là một người tinh tế. Ông không nghe thấy sự nghi ngờ cũng như tức giận mà ông vẫn chờ đón ở Sabrina. Cô gái nói điện thoại với ông chỉ đơn giản tỏ ra hoài nghi và bối rối.
Camille chờ đợi, căng thẳng, nhiều phần ngạc nhiên hơn là lo lắng, như thể cô được tin cây gậy bất tử đã ngã xuống. Không thể nào. Nếu vậy cô sẽ đọc được tin trên báo, và cô sẽ biết tin. Adamsberg là một người nổi tiếng.
— Chỉ đơn giản là vắng mặt, Danglard đổi giọng, đính chính lại. Cứ để tên và địa chỉ liên lạc của cô lại. Tôi sẽ chuyển tin cho anh ấy và anh ấy sẽ gọi lại cho cô.
— Như vậy không được, Camille nói, vẻ căng thẳng chùng xuống. Điện thoại đi động sắp hết pin và tôi thì đang ở bên lề đường.
— Tên cô là gì? Danglard nhấn mạnh.
— Camille Forestier.
Viên trung úy ngồi thẳng lại trên ghế, ra hiệu thôi cho người đồng nghiệp và tắt loa điện thoại. Camille Forestier, con gái Mathilde, con gái duy nhất của Hoàng hậu Mathilde. Cô gái mà Adamsberg, nhiều lần, nhiều thời điểm, nhiều quãng thời gian khác nhau, từng tìm cách định vị trên bề mặt trái đất, như khi ta tìm một đám mây, rồi sau đó thì quên mất. Viên trung úy với một tờ giấy khác, với sự hồi hộp của một gã đi câu cá lớn suốt nhiều ngày rồi, nay bỗng nhiên cảm thấy mồi giật giật.
— Tôi nghe cô đây, ông nói.
Một cách thận trọng, Danglard tra vấn Camille trong vòng gần mười lăm phút trước khi bị thuyết phục về danh tính của cô. Ông chưa gặp cô bao giờ nhưng ông biết khá rõ người mẹ để có thể thử Camille về hàng tá những chi tiết mà Sabrina Monge, ngay cả khi được cung cấp đầy đủ thông tin nhất, cũng không thể nào biết được. Và bà mẹ mới đẹp làm sao chứ, trời ạ.
Camille cúp máy, mệt mỏi vì một loạt những câu hỏi của Danglard. Adamsberg được bảo vệ như thể anh có một đoàn những tên giết người bám sát tận đuôi. Hình như kỷ niệm về mẹ cô đã giúp ích rất nhiều trong việc phá vỡ những đợt rào cản bắn ra từ viên trung úy. Cô mỉm cười. Chỉ mình Hoàng hậu Mathilde là đủ để có giấy thông hành, từ trước đến nay vẫn vậy. Adamsberg đang ở Avignon, cô có tên khách sạn và có số điện thoại.
Vẻ đăm chiêu, Camille đi lại một lúc lâu bên lề quốc lộ. Cô mơ hồ khoanh vùng Avignon trên bản đồ nước Pháp và thấy có vẻ không xa lắm. Nói chuyện trực tiếp với Adamsberg thay vì qua điện thoại chợt trở nên thích hợp hơn rất nhiều. Cô nghi ngờ cái xe không có khả năng chạy trong những tình huống hơi tế nhị hơn một chút. Điện thoại được phát minh để cho những cuộc nói chuyện bán buôn hoặc bán buôn nhỏ, nhưng hoàn toàn không dành cho những vụ bán lẻ. Và việc gọi cho một người ta không gặp từ nhiều năm nay, hơn nữa lại đang đi ẩn náu, để yêu cầu giúp đỡ trong một vụ việc mang nhiều giả thuyết về một con ma sói không ai thèm quan tâm, đối với cô chợt trở thành một hành động bấp bênh, ngu ngốc. Gặp người ấy sẽ có nhiều hy vọng hơn.
Soliman và ông Canh Đêm đợi cô ở phía sau xe cam nhông, trong tư thế đã trở nên quen thuộc với họ, cậu thanh niên ngồi trên bậc lên xuống bằng kim loại, ông lão chăn cừu đứng thẳng bên cạnh cậu, con chó nằm sát dưới chân.
— Anh ấy ở Avignon, Camille nói. Tôi không gặp anh ấy trên điện thoại. Tôi nghĩ rằng ta có thể đi đến đó.
— Chị cũng không biết Avignon ở đâu ư? Soliman hỏi.
— Tôi vừa mới biết thôi. Có xa không?
Soliman nhìn đồng hồ.
— Chúng ta đi đường cao tốc phía Nam Valence, cậu nói, rồi tiếp đó đi dọc theo sông Rhône. Ta có thể đến nơi vào lúc một giờ. Chị không muốn gọi điện ư? – Gặp anh ấy thì tốt hơn.
— Tại sao vậy?
— Đặc biệt, Camille nhún vai nói.
Ông Canh Đêm chìa tay cho Camille để lấy cái điện thoại.
— Nó gần như hết sạch pin, Camille nói. Phải nạp thôi.
— Không mất nhiều thời gian đâu, ông Canh Đêm vừa đi ra xa vừa làu bàu.
— Ông ấy gọi cho ai vậy? Camille hỏi Soliman.
— Bầy cừu. Ông ấy gọi cho bầy cừu.
Camille nhướn mày.
— Thế ai sẽ nhấc máy? Cô hỏi – Một con cừu? Mauricette à?
Soliman lắc đầu, nổi cáu.
— Buteil, tất nhiên rồi. Nhưng tiếp theo… ờ thì… Buteil chuyển vài con cừu cho ông ấy. Hôm qua ông ấy cũng làm vậy. Hôm nào ông ấy cũng gọi.
— Ý cậu là ông ấy nói chuyện với lũ cừu ư?
— Tất nhiên. Còn với ai nữa? Ông ấy dặn chúng đừng có lo lắng, ăn cho ngon, đừng có buồn. Ông ấy nói chuyện với con cừu đầu đàn nhiều nhất. Chuyện bình thường thôi.
— Ý cậu là Buteil đặt điện thoại vào tai con cừu đầu đàn?
— Ừ mẹ kiếp, đúng thế đó, Soliman nói. Chị muốn ông ấy phải làm thế nào khác?
— Thôi mà, Camille nói. Tôi không tìm cách làm cậu bực mình đâu. Tôi chỉ hỏi cho biết thôi.
Cô quan sát ông Canh Đêm đang đi đi lại lại bên lề đường cùng cái máy, khuôn mặt chăm chú, lời nói đi liền với những hành động xoa dịu. Cái giọng trầm của ông vọng đến tận chỗ cô, cô nghe thấy vài tiếng rõ ràng hơn như “Hãy nghe ta nói nào bà bạn già”. Soliman dõi theo ánh mắt Camille.
— Chị tin rằng một viên cảnh sát có thể quan tâm đến tất cả những thứ thế này ư? cậu hỏi với một động tác mơ hồ, có vẻ như muốn ôm trọn cả núi rừng, ba bọn họ và cái xe thùng chở súc vật.
— Tôi cũng đang tự hỏi, Camille thì thầm. Chưa coi như xong được đâu.
— Tôi hiểu, Soliman nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.