Ma Sói

CHƯƠNG 25



Adamsberg ngồi bên đầu giường đợi Camille thức dậy. Ngay sau khi cô mặc quần áo xong, anh dẫn cô đi dạo trên cánh đồng rồi nhẹ nhàng báo tin cho cô, hết sức nhẹ nhàng. Camille ngồi xếp bằng trên cỏ, gần như lả đi một lúc lâu, tay bám vào ủng, mắt nhìn xuống đất. Adamsberg giữ vai cô, đợi cho cơn sốc qua đi. Anh trầm giọng nói, và nói liên tục, cốt không bỏ mặc Camille một mình trong sự im lặng của việc khám phá tin dữ đó.
— Em không hiểu, Camille thì thầm nói. Em không nhìn thấy, không cảm thấy gì. Anh ta không có biểu hiện gì đáng lo ngại cả.
— Không, Adamsberg nói. Anh ta chia làm hai phần, người đàn ông trầm lặng và đứa trẻ bị giằng xé. Lawrence, và Stuart. Em chỉ có một phần thôi. Em không phải hối tiếc vì đã yêu anh ta đâu.
— Đó là một kẻ giết người.
— Đó là một đứa trẻ. Họ đã tàn phá anh ta.
— Anh ta đã giết hại Suzanne.
— Đó là một đứa trẻ, Adamsberg quả quyết nhắc lại.
— Họ đã không để cho anh ta bất kỳ cơ hội sống nào. Sự thật là vậy. Hãy nghĩ như vậy đi.
Ông Canh Đêm sững sờ nhận tin từ miệng Soliman rằng không còn bất cứ hy vọng gì về việc kẻ giết người là một con ma sói nữa. Rằng việc mổ Lawrence từ cổ họng xuống đến hòn dái sẽ chẳng có ích gì và rằng Massart vô hại đã chết từ mười sáu ngày nay. Ông già khó khăn đón nhận cái tin bẩn thỉu đó, nhưng nghịch lý thay, việc khám phá ra hoàn cảnh thật của cái chết của Suzanne, người bị xóa sổ như một quân tốt thí, lại làm ông nguôi ngoai. Nỗi ân hận vì mình đã bỏ đi, ngay vào thời điểm con sói tấn công Suzanne, vẫn gặm nhấm tâm trí ông. Nhưng Suzanne không phải là nạn nhân của một cuộc tấn công bất ngờ. Bà đã bị lôi vào một cái bẫy mà dù ông Canh Đêm có huy động toàn bộ sự cảnh giác của mình cũng không thể tránh cho bà được. Lawrence đã tính đến việc tách ông lão chăn cừu ra xa trước khi gọi Suzanne đến. Không ai cũng như không có điều gì có thể thay đổi được cái gì hết. Cuối cùng thì ông Canh Đêm cũng thở phào.
— Anh ấy, chàng trai của ta, ông nói với Adamsberg, ta từng cứu mạng anh.
— Tôi nợ ông một cái gì đó, Adamsberg nói.
— Anh đã trả cho ta rồi.
— Rượu á?
— Thủ phạm giết Suzanne. Nhưng phải thận trọng đấy chàng trai của ta ạ, hãy thận trọng. Suýt nữa thì hắn giết anh, cả cái cô tóc đỏ nữa.
Adamsberg gật đầu.
— Anh mơ mộng nhiều quá, chàng trai của ta ạ, ông Canh Đêm nói tiếp, nên anh canh chừng không đủ. Điều này, trong nghề của anh, là không tốt. Nhưng còn tôi, không phải bỗng dưng người ta gọi tôi là ông Canh Đêm đâu. Chân khỏe, mông dẻo, mắt tinh.
— Ông đã nhìn thấy gì hả ông Canh Đêm?
— Tôi nhìn thấy tên người Canada đi theo anh, và tôi thấy là hắn không muốn gì tốt cho anh cả. Tôi có mù đâu. Tôi cứ tưởng là vì cô gái trẻ. Và vì cô gái trẻ, tôi thấy hắn sẽ moi ruột anh. Tôi nhìn thấy điều đó rõ như tôi nhìn anh đây.
— Ông nhìn ra điều đó qua biểu hiện gì?
— Cách bước đi của hắn.
— Ông lấy đạn ở đâu vậy?
— Tôi lộn trái túi áo anh ra. Anh không phải đã làm thế khi lấy đạn của tôi sao?
 
Vào mười lăm giờ, Adamsberg đi đến đồn cảnh sát. Fromentin, Hermel, Montvailland, Aimont cùng bốn cảnh sát khác vây quanh Lawrence, hắn đang ngồi trên cái ghế, bình thản nhìn họ, tay bị còng lại. Gã người Canada chăm chú nhìn Adamsberg trong khi anh đi một vòng chào các đồng nghiệp.
— Brévant vừa gọi, anh bạn ạ, Hermel vừa bắt tay anh vừa nói. Họ vừa đào Massart lên, cách nhà anh ta tám mét, trên con dốc. Anh ta được chôn cùng với con chó dogue, tiền và toàn bộ dụng cụ đi núi. Móng tay anh ta bị cắt cụt.
Adamsberg ngước nhìn Lawrence, hắn vẫn chăm chú nhìn anh, với một câu hỏi trong ánh mắt.
— Camille thế nào? Lawrence hỏi.
— Cô ấy không nuối tiếc gì hết, Adamsberg trả lời, không biết có phải mình đang nói ra sự thật hay không. Có điều gì đó giãn ra trong cơ thể Lawrence.
— Có một điều mà chỉ anh mới biết, Adamsberg vừa nói vừa tiến lại gần hắn rồi kéo một cái ghế ngồi xuống bên cạnh. – Liệu anh còn phải giết ai nữa không, hay Hellouin là người cuối cùng?
— Người cuối cùng, Lawrence nói với một nụ cười thoảng qua. Đã giết hết bọn chúng.
Adamsberg gật đầu và hiểu rằng Lawrence sẽ không bao giờ mất bình tĩnh nữa.
Lawrence trả lời các câu hỏi của cảnh sát trong hơn hai mươi giờ mà không tìm cách phủ nhận điều gì. Thanh thản, xa cách, và hợp tác theo kiểu của hắn. Hắn yêu cầu một cái ghế sạch, vì hắn thấy cái ghế người ta đưa cho mình bẩn như hủi. Cả cái đồn cảnh sát nữa, cũng bẩn như hủi.
Hắn trả lời bằng từng một phần tư câu tỉnh lược nhưng cụ thể. Vì hắn không tự động mang lại bất kỳ một sự giúp đỡ nào và không bình luận gì hết mà thụ động ngồi chờ người khác hỏi, phần nhiều vì thái độ im lặng tự nhiên chứ không phải vì bất hợp tác, nên đám cảnh sát phải mất hai ngày mới lôi được từng mẩu từng mẩu một trong toàn bộ câu chuyện của hắn. Camille, Soliman, và ông Canh Đêm được hỏi vào thứ Ba, với tư cách là nhân chứng chính.
Tối ngày thứ ba, Hermel đề nghị đọc để ghi âm bản báo cáo mào đầu ngắn gọn đầu tiên thay cho Adamsberg. Adamsberg, vốn chán ghét kiểu bài tập logic và tổng hợp đó, nên rất biết ơn và chấp nhận lời đề nghị của ông ta rồi ngồi tựa lưng vào tường phòng làm việc. Hermel lướt nhanh qua các ghi chép của mình và của các đồng nghiệp, rải chúng ra bàn và nhấn nút máy ghi âm.
— Hôm nay thứ mấy anh bạn nhỉ? ông ta hỏi.
— Thứ Tư ngày mùng tám tháng Bảy.
— Được rồi. Nhanh thôi, anh bạn ạ, ta cứ ghi vào, rồi mai sẽ hoàn thiện nốt. “Thứ Tư mùng tám tháng Bảy, 23h45. Đồn cảnh sát Châteaurouge, Haute-Mame. Báo cáo về việc hỏi cung Stuart Donald Padweil, ba mươi lăm tuổi, con trai của John Neil Padwell, quốc tịch Mỹ, và Ariane Germant, quốc tịch Pháp, bị buộc tội giết người có chủ đích và tính toán trước. Cuộc hỏi cung trong các ngày 6, 7 và 8 tháng Bảy do cảnh sát trưởng Jean-Baptiste Adamsberg và thượng sĩ nhất Lionel Fromentin thực hiện, với sự có mặt của cảnh sát trưởng Jacques Hermel và đại úy Maurice Montvailland. John N. Padwell, cha của kẻ bị buộc tội, vào tù tại Austin, năm 19… – anh cho tôi ngày sau nhé, anh bạn vì tội giết có chủ đích người tình của vợ, ông Simon Hellouin, phạm tội trước sự chứng kiến của con trai ông ta, lúc đó mười tuổi”…
Hermel ngắt máy ghi âm, hất đầu ra hiệu hỏi Adamsberg.
— Anh tưởng tượng ra hả anh bạn? ông ta nói. Trước mặt thằng bé. Thế sau thì thằng bé đó đi đâu?
— Nó ở với mẹ nó cho đến khi xử án.
— Nhưng sau đó? Sau khi mẹ nó bỏ đi thì sao?
— Nó vào một viện, kiểu như trại mồ côi Nhà nước.
— Kỷ luật sắt phải không?
— Không, một trại tử tế, theo như Lanson nói. Nhưng nếu như đứa trẻ có cơ may thoát khỏi chứng loạn tâm thần thì chính người cha đã hủy hoại vĩnh viễn cơ may đó.
— Với những bức thư phải không?
— Phải. Trong năm đầu, ông ta viết năm hay sáu lá, sau đó dày đặc hơn. Một tháng một lá, rồi một tuần một lá từ năm thằng bé mười ba tuổi cho đến khi nó mười tám tuổi.
Hermel gõ tay lên bàn, trầm tư.
— Thế còn bà mẹ?
— Không có tin gì cả. Không bao giờ gặp lại con trai. Bà ta chết tại Pháp năm anh ta hai mươi mốt tuổi.
Hermel lắc đầu, nhăn mặt.
— Anh kể một câu chuyện bẩn thỉu, anh bạn ạ.
Ông ta với tay ấn nút ghi âm.
… “Trong vòng gần mười năm, qua việc viết thư thường xuyên, John Neil Padwell chuẩn bị để người con trai, anh thanh niên Stuart, sẵn sàng cho nhiệm vụ tối cao ông ta muốn anh phải hoàn thành – tôi trích lời tội phạm. Vì mục đích đó, vào năm hai mươi hai tuổi, Stuart thay đổi lai lịch, nhờ vào sự giúp đỡ của một người đã từng ngồi tù, bạn của cha anh ta, rồi đi biệt xứ sang Canada – anh cho tôi ngày tháng sau nhé anh bạn. Trong quãng thời gian thụ án cho đến tận khi vợ chết, John Padwell thuê một thám tử tư – tôi không có tên của ông ta – theo dõi vợ mình, bà này về lại Pháp sau khi xử án. Nhờ vậy, cha và con trai có thông tin về đời sống tình cảm của Ariane Germant, vợ Padwell, và lai lịch hai người tình sau Simon và Paul Hellouin, họ lại phạm vào tội kép – tôi vẫn trích lời – là đánh người và tách rời mẹ khỏi con. Không bao giờ họ có ý định xâm phạm cuộc sống của người mẹ, trong mắt Kẻ tội phạm và cha anh ta, chỉ bốn người đàn ông đó là chịu trách nhiệm về thảm họa của gia đình họ – tôi trích lời. Simon Hellouin bị tiêu điệt, Stuart cần phải hoàn thành nốt sự nghiệp cứu nguy – vẫn là dẫn lời – bằng cách đến lượt mình tiêu diệt Paul Hellouin, người cùng Ariane bỏ trốn sang Pháp – anh sẽ cho tôi ngày tháng sau nhé anh bạn, cũng như Jacques-Jean Semot và Femand Deguy, những người bà ta quen biết trong thời gian sau này ở Grenoble, vào năm 19… – để điền sau. John Padwell khích lệ con trai, ông ta rất thận trọng trong việc liên lạc với anh ta kể từ khi anh ta thay đổi lai lịch, nên dành thời gian cần thiết để lập nên một chiến lược giúp anh ta ngoại phạm, hòng mong muốn tránh cho anh ta phải chịu án tù như mình. Stuart Padwell – dưới tên Lawrence Donald Johnstone – liên tục dựng nên nhiều phương án khác nhau, mà không tìm thấy phương án nào thỏa mãn hoàn toàn ý mình – trích lời. Sau khởi đầu bằng nghề bảo vệ các khu bảo tồn của Canada – anh nói cho tôi biết ở đâu sau nhé anh bạn, tôi chẳng biết gì về Canada cả – anh ta tự tạo cho mình, trong vòng mười ba năm, bằng cách làm việc miệt mài và bằng sự cô lập – lời trích – một danh tiếng tốt trong giới nghiên cứu tuần lộc ở Canada.”
— Gấu xám, Adamsberg chỉnh lại.
… “Gấu xám. Tin bầy sói trở về trên đỉnh Alpes của nước Pháp đến tai giới tự nhiên học Canada vào đúng lúc John Padwell đột ngột qua đời. Stuart coi đó là một điềm báo và cuối cùng là cơ hội để hoàn thành sứ mệnh của anh ta – lời trích – nên anh ta làm việc một năm để chỉnh sửa lại từng mảnh ghép. Anh ta được cử đến khu Bảo tồn Thiên nhiên Mercantour, một sứ mệnh anh ta dễ dàng kiếm được với danh tiếng của mình. Anh ta dừng chân giữa chừng tại Paris vào tháng Mười hai – ngày tháng, anh bạn ơi, ngày tháng nhé tại đây – anh ta hoàn thành nốt tư liệu về truyền thuyết về những con ma sói tại Pháp và gặp Camille Forestier. Anh ta khuyến khích người phụ nữ trẻ đi theo anh ta, vừa vì anh ta quyến luyến cô – lời trích – và cũng là vì một người đàn ông độc thân sẽ tạo nên nhiều lời xì xào bàn tán cũng như tò mò trong làng – vẫn là lời trích. Từ Valberg, Alpes-Maritimes, nơi anh ta tạm trú, anh ta bắt đầu tìm kiếm một vật thí mạng. Anh ta tìm được ba ứng cử viên cho vai này – tôi trích lời – và chọn Auguste Massart, trú tại làng Saint-Victordu-Mont, thuộc Alpes-Maritimes, nơi anh ta ở vào khoảng thời gian tháng Giêng, cần phải xác định lại ngày tháng. Anh ta ở làng Saint-Victor sáu tháng, bỏ thời gian cần thiết để tìm hiểu về Massart, bảo đảm cho danh tiếng và sự thành công của sứ mệnh của anh ta. Anh ta mở đầu chiến dịch của mình vào thứ Ba ngày 16 tháng Sáu bằng cách giết nhiều cừu cái trong đêm, tại trại cừu ở Ventebrune, những đêm tiếp theo là tại Pierrefort và Saint-Victor – ngày tháng, anh bạn ơi, ngày tháng nhé – bằng một hộp sọ của giống sói Canada với bộ răng được mài nhọn. Thứ Bảy ngày hai mươi tháng Sáu, kẻ phạm tội tung tin rằng Auguste Massart là một con ma sói, với sự làm chứng giả mạo của Suzanne Rosselin, người nuôi cừu tại Saint-Victor. Trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật ngày hai mốt tháng Sáu, anh ta gây mê người yêu là Camille Forestier rồi rời nhà và giết hại Auguste Massart, chôn Massart cùng quần áo đi núi và con chó của anh này, sau đó cứa cổ Suzanne Rosselin. Anh ta bỏ lại nhà Massart một tấm bản đồ đi đường có gạch dưới, nhằm tạo mối liên hệ hiển nhiên giữa Massart và lũ cừu bị giết. Sau khi tuần tự tấn công vào các trại cừu ở Guillos và ở… – cho tôi tên, anh bạn ơi?…
— La Castille.
“… và ở La Castille, anh ta liên lạc với thượng sĩ nhất Brévant và hướng Soliman Diawara, con trai nuôi của Suzanne Rosselin, và Philibert Fougeray, gọi là ông Canh Đêm, hành nghề chăn cừu tại làng Saint-Victor, đi truy lùng người dẫn sói. Người yêu anh ta, Camille Forestier, đi cùng họ. Anh ta tuần tự cứa cổ Jacques Jean Semot ở Sautrey, tỉnh Isère, trong đêm hai mươi tư rạng sáng hai mươi lăm tháng Sáu, và Fenànd Deguy ở Bourg-en-Bresse, tỉnh Ain, trong đêm hai mươi bảy rạng sáng hai mươi tám tháng Sáu. Anh ta hướng cuộc điều tra đến một khách sạn ở Combes nơi anh ta để lại đó hai cái móng tay và một sợi tóc lấy trên người Massart. Tiếp đó anh ta cứa cổ Paul Hellouin ở Belcourt, tỉnh Haute-Mame, trong đêm mùng hai rạng sáng mùng ba tháng Bảy, đánh dấu con đường tàn sát cừu phạm pháp về phía… – anh cho tôi danh sách sau nhé, anh bạn, tôi chẳng biết dường nào mà lần, nói thẳng ra là tôi chẳng biết đường nào mà lần, với mục đích khiến mọi người tin vào sự phạm tội của người dẫn sói. Anh ta luôn giết người theo một modus operandi (phương thức hành động) giống hệt nhau, di chuyển bằng mô tô để giết hại, với chứng cứ ngoại phạm là đang ở Mercantour, nơi miền đất trống trải vô cùng rộng lớn khiến không ai có thể kiểm chứng được. Anh ta có ít nhất ba chuyến đi ngắn lên đó vì thận trọng – tôi trích lời tội phạm – và trong lần cuối cùng anh ta lấy về những sợi lông sói mà ta tìm thấy trên người Paul Hellouin sau này. Trong buổi tối Chủ nhật ngày mùng năm rạng sáng thứ Hai mùng sáu tháng Bảy, tại Châteaurouge, tỉnh Haute-Mame, cảm thấy bị đe dọa bởi cuộc điều tra của cảnh sát trưởng Adamsberg về hồ sơ của Padwell, hắn tấn công ông tại nơi có tên là Trại Cạo Đầu, cuộc tấn công bị gián đoạn do sự can thiệp của Soliman Diawara. Cảnh sát trưởng Jean-Baptiste Adamsberg công nhận cố tình ném một vật vào Stuart D. Padwell, nhắm vào đầu, gây ra một vết thương được xác định là không đáng lo ngại, theo biên bản khám nghiệm của bác sĩ Vian tại bệnh viện Montdidier, thứ Hai mùng sáu tháng Bảy hồi 1h50 sáng. Việc bắt giữ kẻ bị buộc tội được thượng sĩ nhất Lionel Fromentin tiến hành ngay ngày thứ Hai mùng sáu tháng Bảy vào 1h10 sáng.”…
Hermel ngắt băng ghi âm.
— Tôi có quên gì không nhỉ?
— Crassus Trụi lông và Augustus.
— Chúng là ai vậy?
— Hai con sói. Lawrence chắc đã giấu con thứ nhất ngay khi hắn vừa đến. Trừ khi chính Crassus tự biến mất, điều này rất có thể. Đó là con lớn nhất trong đàn. Augustus là một con sói già được hắn che chở. Trong chuyến phiêu lưu mù quáng của mình, hắn không cho nó ăn được và con sói già bị chết. Lawrence rất buồn vì điều này.
— Hắn giết hại năm người và cảm thấy đau lòng vì một con sói ư?
— Đó là con sói của hắn.
 
Adamsberg quay về chiếc cam nhông lúc hơn một giờ sáng. Ngồi khoanh chân trên giường, Camille dùng đèn pin tra cứu cuốn Danh mục các Dụng cụ Nghề nghiệp. Adamsberg ngồi xuống cạnh cô, xem xét trang về máy khoan-mài.
— Em định tìm gì trong đó vậy? anh nói.
— Niềm an ủi.
— Đến mức đó ư?
— Mọi cái đều bất ngờ, lộn xộn và bấp bênh, trừ cuốn Danh mục.
— Em có chắc không?
Camille nhún vai, khẽ cười.
— Mai người ta sẽ chuyển Lawrence lên Paris, Adamsberg nói. Anh đi theo anh ta.
— Anh ta thế nào?
— Như mọi ngày. Bình thản. Anh ta nói đám cảnh sát hôi mùi mồ hôi.
— Thế có đúng không?
— Tất nhiên là đúng.
— Em sẽ viết cho anh ta. Khi nào em về lại núi.
— Em quay lại Saint-Victor à?
— Em đưa họ về trại Écarts. Em cũng về.
— Phải.
— Em là người lái xe.
— Phải, tất nhiên rồi.
— Họ không biết lái xe.
— Phải. Đi đường cẩn thận đấy.
— Vâng.
— Em cẩn thận nhé.
— Em sẽ cẩn thận.
Adamsberg quàng cánh tay lành của mình qua vai Camille rồi im lặng nhìn cô, trong ánh sáng từ chiếc đèn pin.
— Liệu em có quay về không? anh hỏi.
— Em sẽ ở lại đó vài ngày.
— Rồi em đi chứ?
— Vâng. Em sẽ nhớ họ.
— Liệu em có quay về không?
— Về đâu cơ?
— À thì, anh không biết. Paris chẳng hạn.
— Em không biết.
— Chà, mẹ kiếp, Camille ạ, đừng có nói theo anh. Sẽ chẳng đi đến đâu cả, nếu em cũng nói như anh.
— Càng tốt, Camille nói, nó tiện cho em. Em thấy hài lòng khi cứ như thế này.
— Nhưng ngày kia, mọi sự sẽ khác đi. Ngày kia, sẽ không còn có lề đường, không còn có cam nhông, không còn có phù du, không còn có tạm bợ. Cũng không còn có cả bờ sông nữa.
— Em sẽ tạo ra chúng.
— Những bờ sông ư?
— Vâng.
— Bằng cách nào?
— Bằng cuốn Danh mục. Cuốn Danh mục có thể làm tất cả.
— Nếu em nói thế. Em sẽ làm gì với những bờ sông ấy?
— Em sẽ ra đó xem có anh không.
— Anh sẽ có mặt ở đó.
— Có thể, Camille nói.
Sáng ngày hôm sau, Camille ngồi vào sau tay lái, khởi động động cơ rồi lùi cái xe thùng lại để quay xe trong tiếng ầm ĩ của những mảnh tôn. Đứng thành hàng, người này cạnh người kia, lặng lẽ, là ông Canh Đêm đã đứng thẳng lại được, với sự giúp đỡ của cây gậy, Soliman và Adamsberg thì nghiêm trang nhìn chiếc cam nhông thao diễn. Camille đi qua con đường liên tỉnh và lại lùi lại, đỗ dọc theo lề phải của con đường, đầu xe hướng về phía Đông, rồi tắt máy.
Adamsberg chậm rãi băng qua đường, leo lên hai bậc thang để trèo vào buồng lái, hôn Camille, tay đặt lên tóc cô, rồi quay lại đồng cỏ nơi hai người đàn ông đang đứng đợi. Anh bắt tay ông. Canh Đêm.
— Nhớ canh chừng anh đây, chàng trai của ta, ông Canh Đêm nói. Ta luôn ở phía sau anh.
— Không phải ai cũng cần ông quẩn chân đâu, Soliman nói.
Soliman liếc mắt nhìn Camille, rồi bắt tay Adamsberg.
— “Chia ly”, cậu nói. “Việc chia rẽ, cắt đứt một mối liên hệ, rời bỏ nhau.”
Cậu đi về phía chiếc xe, trèo lên cửa bên phải, bế ông Canh Đêm lên ghế của ông rồi đóng cánh cửa lại. Adamsberg giơ tay lên và cái xe thùng chuyển động trong tiếng ầm ầm của hàng song sắt. Anh nhìn chiếc xe đi xa dần, rồi dừng lại cách đó tám mươi mét. Soliman phóng vụt ra khỏi buồng lái và chạy về phía anh.
— Cái chậu, mẹ kiếp.
Cậu đi ngang qua Adamsberg mà không dừng lại và chạy thẳng đến chỗ đậu cũ của chiếc cam nhông rồi nhặt cái chậu giặt của mình lên, nó lẫn trong đám cỏ bị bánh xe và những vết chân giày xéo. Cậu quay lại, thở hổn hển, bước từng bước lớn. Đến cạnh Adamsberg, cậu dừng lại, chìa tay cho anh lần nữa.
— “Số phận”, cậu nói. “Những tình huống có thể xảy ra, những cuộc gặp gỡ. Sự ngẫu nhiên, hoàn cảnh khiến ta gặp gỡ, hoặc là tình cờ hoặc không, một người hay một vật nào đó.”
Cậu mỉm cười rồi đi lại phía chiếc xe thùng, cái chậu giặt xanh lơ đung đưa duyên dáng trên tay. Chiếc xe nổ máy rồi rẽ vào khúc ngoặt của con đường.
Adamsberg lôi cuốn sổ từ túi quần sau, giở nó ra và vì vẫn còn nhớ được, anh ghi vào đó định nghĩa cuối cùng của Soliman.
 
HẾT

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.