Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

4.



Tôi đã trình bày rất nhiều về việc chúng tôi đã cạnh tranh như thế nào để đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp của đất nước. Tuy nhiên, tôi không thể phủ nhận mặt trái của bức tranh này, đó là ngày nay, trong xã hội của chúng tôi sự cạnh tranh dường như đã trở nên quá mức. Nó tồn tại trong giáo dục, trong đời sống xã hội, và thực sự là đã phá huỷ cuộc sống của rất nhiều thanh niên. Cuộc cạnh tranh để có được một vị trí trong trường học là rất gay gắt. Và cơ hội để được bước vào những trường học “tốt nhất” hoàn toàn dựa vào học lực. Vậy nên, cách duy nhất là vượt qua được những kỳ thi khó khăn. Chính điều này đã khiến cho nước Nhật một thời nổi tiếng với những “bà mẹ giáo dục”, những người đã đẩy những đứa con của mình vào một cuộc sống khó khăn và thiếu niềm vui vì gánh nặng học hành. Mấy năm trước đây, khi chuyển nhà đến quận Aoyama (Tokyo), tôi phát hiện ra rằng ở một vùng lân cận, có một ngôi trường dành cho những học sinh chưa đến tuổi vào mẫu giáo.
Có thể nói Đại học Tokyo là trường Đại học nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, nơi có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, nơi có nhiều cựu sinh viên đã trở thành thủ tướng chính phủ, các quan chức cấp cao, các nhà ngoại giao và các doanh nhân có thế lực. Có lần, một người nguyên là hiệu trưởng của Đại học Tokyo nói với tôi rằng: “Sau một thời gian luyện thi, các sinh viên bước vào trường đại học dường như đã dần kiệt sức”. Ở Nhật Bản, có một chuyện bi hài là, với nhiều sinh viên, hầu như họ không học gì ở trường đại học. Để thi đỗ được vào trường đại học, họ đã phải rất nỗ lực. Và khi thi đỗ, họ cho rằng mình đã đạt được mục đích của cuộc đời. Họ đã quá mệt mỏi và không còn ý chí, thậm chí không còn cảm thấy cần thiết phải học thêm nữa. Và một khi đã thi đỗ đại học, hầu như không có sinh viên nào trượt tốt nghiệp. Ở Nhật Bản, thật khó để thi đỗ đại học nhưng tốt nghiệp đại học lại rất dễ. Điều này hoàn toàn ngược lại so với ở Anh và ở Mỹ: thi đại học thì dễ nhưng tốt nghiệp đại học lại khó hơn nhiều.
Tinh thần cạnh tranh còn len lỏi cả vào trong các Bộ trong chính phủ. Nhìn bề ngoài, chính phủ Nhật Bản có vẻ như một tổ chức chức năng hoạt động rất trơn tru. Thành viên chính phủ là những người được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng nhất, có thể nói trên thế giới ngày nay, ở Nhật Bản có những cán bộ công chức được đào tạo kỹ càng nhất và tài năng nhất. Những công chức này thường xuyên đố kỵ với nhau về phạm vi thẩm quyền, thường xuyên xảy ra các cuộc tranh chấp giữa các cục, vụ, phòng ban trong nội bộ các Bộ và thậm chí giữa các Bộ trong chính phủ.
Sự cạnh tranh giữa các tờ báo và các kênh truyền hình cũng gây ra nhiều vấn đề rắc rối. Chất lượng của các chương trình truyền hình bị suy giảm vì cuộc cạnh tranh nhằm phát sóng những buổi biểu diễn phổ biến nhất. Trong lĩnh vực báo chí, những cái đầu khôn ngoan có thể giải quyết một vài vấn đề này nhưng lại gây ra một vài vấn đề khác. Vì hầu hết người dân Nhật Bản đều biết đọc biết viết, và dường như cả nước đều chung một múi giờ, tất cả chúng ta đều có thể được đọc những tờ báo phát hành trên phạm vi quốc gia, vì vậy sự cạnh tranh về tin tức thời sự là rất gay gắt. Những tờ báo lớn có cả máy bay và trực thăng, thậm chí có những tờ báo còn có cả phòng chụp ảnh ở nước ngoài nơi mà các nhiếp ảnh gia của họ có thể xử lý phim ảnh ngay khi các máy bay của họ còn đang trên đường trở về Tokyo sau chuyến công tác xa. Tờ Asahi Shimbun của Tokyo đã sử dụng loại máy ảnh không dùng phim hiệu Mavica của chúng tôi tại Thế vận hội Los Angeles 1984 và truyền hình ảnh về các sự kiện qua một đường dây điện thoại từ chiếc điện thoại Sony siêu nhỏ đặt trong chiếc xe ô tô mà các phóng viên của tờ Asahi sử dụng đến tất cả các khu vực. Và chính bằng những bức ảnh nóng hổi này mà tờ Asahi đã đánh bại nhiều tờ báo khác. Đây là một ví dụ cho thấy chúng tôi rất hài lòng với sản phẩm của mình. Tôi không có mặt ở Thế vận hội, nhưng tôi rất thích những bức ảnh đó.
Tuy nhiên, việc một số lượng rất đông các phóng viên được phân công thu thập tin tức về bất cứ một sự kiện nào và tinh thần làm việc say mê của các phóng viên lại gây ra một vấn đề lớn cho tất cả mọi người. Các phóng viên và nhà quay phim thường đóng trại xung quanh ngôi nhà của nhân vật trung tâm của sự kiện đó, và đôi khi làm phiền những người ra vào ngôi nhà đó. Có những lúc con số thực sự khiến cho người ta phải ngạc nhiên. Tại tất cả các Bộ và các cơ quan chủ chốt, các phóng viên thường xuyên đưa tin về hoạt động và về các thành viên của những cơ quan này đã thành lập những câu lạc bộ với một số quy tắc hoạt động và đưa tin nhất định. Mục đích là để kiềm chế các phóng viên “liều lĩnh”. Nhưng nếu hàng trăm phóng viên đều tập trung vào một Bộ trong chính phủ hay một đội ngũ cán bộ công chức để thu thập tin tức thì có lẽ sẽ không có ai có thể có được một giấc ngủ yên lành vào ban đêm.
Theo quan điểm của tôi, mặc dù có những mặt trái, nhưng cạnh tranh chính là chìa khóa cho sự phát triển nền công nghiệp và công nghệ, và điều này hoàn toàn đúng cả ở Mỹ cũng như ở Nhật Bản. Cần phải hạn chế tối đa mọi sự can thiệp vào sự tự do cạnh tranh. Về mặt này, chính quyền Reagan rất được hoan nghênh vì có những động thái tiến đến sự xây dựng một đạo luật về chống độc quyền, vì đạo luật này có thể mang lại một cách tiếp cận hợp lý với các vấn đề phù hợp với bản chất của nền kinh tế. Nước Nhật chúng tôi cũng cần phải nỗ lực hơn nữa để loại bỏ những điều có thể gây ra sự hạn chế không cần thiết đối với sự hoạt động tự do của thị trường. Những quy định và thông lệ thương mại lạc hậu và vô nghĩa cần phải bị loại bỏ. Tôi đã luôn luôn phản đối thói quen quá câu nệ vào tập tục và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy.
Tuy nhiên, tôi có một lời cảnh báo muốn nói với những người bạn Mỹ.
Chính sách ngoại giao của Mỹ đã từng được George Kennan mô tả là “phù hợp với đạo đức và luật pháp”. Tôi nghĩ cho đến ngày nay, điều này vẫn còn đúng.

Cũng giống như mỗi cá nhân có đặc điểm khác nhau, mỗi quốc gia có điều kiện lịch sử và văn hóa riêng, nên quan điểm rằng có thể áp đặt quan điểm và học thuyết pháp luật của nước Mỹ vào một nước khác trên thế giới, như nhiều người Mỹ vẫn nghĩ, là không đúng.
Điều tôi muốn nói là sự cạnh tranh tranh giành thị phần thường dẫn đến những sự hiểu nhầm. Đó là lý do tại sao tôi luôn tán thành quan điểm rằng các nhà quản trị kinh doanh cấp cao từ khắp nơi trên thế giới nên tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Các luật sư thường khuyên chúng ta không nên tổ chức những cuộc tiếp xúc như vậy, vì chúng có thể khiến chúng ta gặp rắc rối trong một vụ kiện liên quan đến chống độc quyền. Tôi đánh giá cao lời khuyên đó, nhưng không có đạo luật chống độc quyền nào quy định rằng các nhà quản trị kinh doanh không được phép tiếp xúc và tìm hiểu rõ hơn về nhau. Với sự thận trọng cần thiết, với sự tài trợ của chính phủ, và với việc công bố những biên bản của cuộc họp, thì những cuộc họp này tạo điều kiện để các bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau và nên được khuyến khích. Một ví dụ tiêu biểu là hàng loạt những cuộc họp liên tiếp giữa các Hiệp hội công nghiệp điện tử của Anh và Nhật Bản đã được tổ chức trong vòng 19 năm trở lại đây. Rõ ràng là các cuộc họp giữa nhóm được gọi là “Nhóm các nhà thông thái”, sau đó phải kể đến các cuộc họp giữa Hội nghị Doanh nhân Nhật Bản – Hoa Kỳ, và các cuộc họp giữa Uỷ ban Cố vấn Hoa Kỳ – Nhật Bản vào năm 1984 là những bước đi quan trọng thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.
Tuy nhiên, cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa các bên. Tôi cảm thấy khá thú vị khi biết phản ứng giận dữ của Mỹ trước việc năm 1985 là năm thứ tư liên tiếp Nhật Bản công bố chương trình được gọi là “tình nguyện” hạn chế ôtô. Sau ba năm các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản cắt giảm sản lượng ô tô xuất sang Mỹ, các quan chức trong chính quyền Washington, trong đó có cả một đại diện thương mại của Mỹ, đã nói rằng năm thứ tư hạn chế ô tô này có thể là không cần thiết, vì công nghiệp Mỹ đã có thời gian “xả hơi”. Ngành công nghiệp của Mỹ đã được trang bị lại và xe ô tô của Mỹ giờ đây có tính cạnh tranh cao”.
Quy mô phần thưởng giành cho các hãng ô tô của Mỹ vào năm 1984 lớn đến mức có nhiều bài xã luận của các tờ báo đã gọi đây chẳng khác gì những vụ xì- căng-đan. Nhưng hãng General Motors và Ford đã yêu cầu tăng số lượng những chiếc xe chế tạo tại Nhật Bản mà họ có thể bán được tại Mỹ dưới thương hiệu của họ. Các công ty nhỏ hơn của Nhật Bản có hạn ngạch rất thấp trong thời kỳ hạn chế ô tô đã rất vui mừng khi thấy sự hạn chế này đã kết thúc, họ lại có thể xuất khẩu ô tô với số lượng nhiều hơn Mỹ. Những người có kinh nghiệm trong Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (MITI) thấy rằng, nếu như không có sự hạn chế này, thì tất cả các công ty sẽ ồ ạt xuất khẩu ô tô sang Mỹ, điều này có thể gây nên sự hỗn loạn tại thị trường Mỹ. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản đã quyết định hạn chế hạn ngạch xuất khẩu thêm một năm nữa, và chỉ nâng tổng số xe được phép xuất khẩu lên mức đáng kể là 24%. Nhưng chính phủ Nhật biết rõ rằng tính cạnh tranh của ô tô chế tạo tại Nhật Bản có thể sẽ giảm đi nếu các công ty không bị một giới hạn nào về hạn ngạch. Sự gia tăng này mang lại hạn ngạch lớn hơn cho các công ty nhỏ có sản phẩm được bán tại các công ty của Mỹ, những sản phẩm được gọi là “hàng nhập khẩu bất đắc dĩ” (hãng Mitsubishi chế tạo xe cho hãng Chrysler, hãng Mazdas chế tạo xe cho hãng Ford, còn Isuzus thì chế tạo cho hãng General Motors).
Công bố này đã gây nên một sự phẫn nộ và giận dữ đối với Detroit và vùng công nghiệp trung tâm phía bắc Hoa Kỳ. Một vài tờ báo đã đăng những bài xã luận nói rằng Nhật Bản nên tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế hạn ngạch như trước đây, cho dù không qui định số lượng cắt giảm cụ thể nào. Các nghị sĩ quốc hội thì phản đối kịch liệt. Họ không hiểu được tinh thần cạnh tranh của người Nhật. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là một số hãng sản xuất ô tô của Mỹ bắt đầu phàn nàn, không phải vì các công ty Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ quá nhiều ôtô, mà chính vì nhu cầu nhập khẩu ô tô ngày càng tăng của họ đã không được đáp ứng. Trong năm thứ tư hạn chế xuất khẩu ô tô này, hãng Chrysler tăng được 70% số lượng ô tô nhập khẩu do Mitsubishi sản xuất so với hạn ngạch năm trước, hãng General Motors tăng được 211,8% số lượng ô tô hiệu Suzuki nhập khẩu và 140% số xe vận tải hiệu Isuzu. Cả hai công ty này và hãng Ford đều tăng sản lượng nhập khẩu để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng Mỹ đối với ô tô sản xuất tại Nhật. Điều này có vẻ rất khó hiểu đối với các công ty Nhật Bản. Tại sao các nghị sĩ quốc hội Mỹ thì phàn nàn về sự cạnh tranh của ô tô Nhật Bản, trong khi chính các công ty ô tô của Mỹ lại muốn tăng sản lượng nhập khẩu từ Nhật Bản và thậm chí còn phàn nàn vì họ không mua được đủ số lượng mong muốn.
Tuy nhiên, khi cạnh tranh trong một thị trường mà các công ty Nhật Bản hiểu rõ như chính bản thân mình, thì đôi khi họ lại sử dụng những sách lược có vẻ không được “đứng đắn” cho lắm. Sau khi tăng được thị phần, các công ty lại giảm giá đến mức tối thiểu, thậm chí đến mức hầu như gần bằng chi phí sản xuất. Và người giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành thị trường chính là người có thể chịu thua lỗ trong thời gian dài nhất. Cách làm như vậy đã gây nên những hiểu lầm và sự khó chịu trong giới kinh doanh ở một số nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, nơi các công ty Nhật Bản thường áp dụng các sách lược cạnh tranh quen thuộc của họ bất chấp chế độ hiện hành ở các nước chủ nhà như thế nào. Nhưng trong lĩnh vực sản xuất ôtô, các công ty Mỹ lại đang áp dụng sách lược của công ty Nhật, và nếu như không phải họ chính là những người hiểu rõ nhất về thị trường và người tiêu dùng, thì tôi không thể hiểu được ai là người như vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.