Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

5.



Trong thập niên 1960, tôi đã đi thăm và giao dịch nhiều hơn bất cứ một thời gian nào khác. Tại công ty Sony, trước khi tôi sang Mỹ, chúng tôi đặt biệt chú ý đến công nghệ chế tạo video. Ý định chế tạo máy video ghi băng ghi hình để sử dụng trong gia đình đã ám ảnh chúng tôi, và được vẽ trên đồ án trong một vài năm qua. Thời đó ti vi đen trắng đang rất thịnh hành trên thế giới, và chúng tôi thường bán hết tất cả những máy mà công ty có khả năng sản xuất. Công ty Ampex ở Mỹ lúc đó cũng đang chế tạo các máy video thu trên băng ghi hình cỡ lớn dùng cho các đài phát thanh. Cho nên tôi và lbuka nảy ra ý nghĩ tại sao lại không làm ra một loại máy video trên băng dùng cho gia đình cũng như trước đây, chúng tôi đã bán máy ghi âm trên băng cho họ. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ tích cực của nhưng kỹ sư và nhân viên trẻ rất sáng tạo và một số cộng sự viên. Một người trong số này là Norio Ohga, từng là sinh viên khoa thanh âm trường đại học Nghệ thuật Tokyo. Tôi đã chú ý đến anh vì năm 1950, khi thấy chiếc máy ghi âm trên băng đầu tiên, anh đã có nhiều ý kiến táo bạo phê bình những nhược điểm của chiếc máy này. Anh rất thích và ủng hộ hết mức máy ghi âm của công ty chúng tôi nhưng không phải vì thế mà anh không nói những điều anh chưa thấy hài lòng. Thí dụ, anh nói băng còn rất nhiều tạp âm, điều này rất đúng vì chiếc máy đầu tiên còn khá thô sơ. Chúng tôi đã mời anh làm người đánh giá sản phẩm cho công ty chúng tôi và trả tiền thù lao cho những ý kiến xây dựng của anh ngay từ khi anh còn học ở trường.
Các ý kiến của anh rất đáng quan tâm. Khi đó, anh nói: “Một vũ nữ ba lê cần gương để hoàn thiện khuôn mặt và kỹ thuật của mình. Một ca sĩ cũng vậy, cần một cái gương âm thanh” (Bây giờ, Ohga đã trở thành chủ tịch Hãng Sony). Ý tưởng về một chiếc “gương âm thanh” là rất tuyệt vời và chúng tôi đã có một loại “gương” trong máy ghi âm băng, và video còn là một “chiếc gương” tốt hơn băng ghi âm nữa. Điều duy nhất chúng tôi cần làm là hoàn thiện nó.
Nhưng chiếc máy video dùng băng ghi hình đầu tiên của công ty Ampex Mỹ dùng cho đài phát thanh có kích thước rất lớn, hầu như chiếm cả một gian phòng. Không những thế, nó được bán với giá rất đắt, tới hơn 100.000 đô la.
Các máy này sử dụng loại băng ghi hình rộng tới 2 inch trong những cuộn lớn cài bên ngoài máy và rất cồng kềnh. Vì thế, chúng tôi cần thiết kế những chiếc máy cỡ nhỏ để có thể đặt tại bất kỳ chỗ nào trong nhà nhưng cũng biết là phải mất khá nhiều thời gian mới đạt được kết quả mong muốn. Chúng tôi đã thiết kế hàng loạt mẫu sản phẩm, mẫu sau cố thu nhỏ hơn mẫu trước, bắt đầu với băng ghi hình 2 inch cuốn trong một ống cài bên ngoài máy mà chúng tôi bán cho công ty Pan Am và hãng Hàng không Hoa Kỳ (American Airlines) để giải trí cho hành khách trên máy bay vào thời kỳ đầu những năm 1960. Sau đó, chúng tôi thu nhỏ chiều rộng của băng ghi hình xuống còn 3/4 inch và cuốn băng vào một cát-xét để có thể cầm theo, giống như ở máy ghi âm cát-xét nhưng lớn hơn nhiều. Chúng tôi gọi máy video này là U-Matic, và kể từ khi được giới thiệu trên thị trường năm 1969, nó đã trở thành một máy tiêu chuẩn trên toàn thế giới, thay thế cho các máy video lớn, cồng kềnh dùng băng 2 inch vẫn thường được sử dụng ở các đài phát thanh.
Máy U-Matic còn trở thành một máy dùng trong công nghiệp. Hãng ô tô Ford đã mua luôn một lúc 5.000 chiếc sử dụng ở các đại lý để huấn luyện công nhân cơ khí và nhân viên bán hàng. Rất nhiều công ty khác cũng bắt chước mua hàng ngàn loại máy này để huấn luyện các kỹ thuật viên và nhân viên bán hàng. Máy này hiện nay vẫn còn thông dụng và vẫn được tiếp tục sản xuất và bán trên thị trường thế giới. Có thể nói U-Matic là loại máy được ưa chuộng nhất trong ngành phát thanh. Chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên với tốc độ nhanh chóng máy camera video và hệ thống U-Matic của chúng tôi thay thế phim cỡ 16mm tại các đài phát thanh. Phương pháp thu tin bằng điện tử ENG đã trở nên quen thuộc với mọi người vì các máy móc phục vụ cho việc này rất tiện lợi. Các camera vừa nhỏ, nhẹ và dễ điều khiển hơn so với việc sử dụng băng video nên việc quay phim và phát hình không còn mất thì giờ và cũng không cần nhiều chi phí cho việc xây dựng và bảo dưỡng các phòng xử lý phim ảnh.
Nhưng lbuka vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Giá chiếc máy này hãy còn cao và quá đắt để trở thành một thứ vật dụng thông thường trong gia đình. Với việc sử dụng băng ghi hình 1/2 inch, chúng tôi đã sản xuất được máy video toàn tranzito dùng cho gia đình đầu tiên trên thế giới. Sau đó, công ty chúng tôi vẫn tiếp tục cho ra đời những mẫu mới được cải tiến hơn, nhưng Ibuka vẫn thấy chưa được vừa lòng. Ông muốn sản xuất một chiếc máy thực sự nhỏ dùng băng cát-xét thuận tiện và dễ sử dụng hơn. Một hôm, khi trở về văn phòng công ty sau một chuyến đi thăm Mỹ, ông triệu tập toàn nhóm phụ trách thiết kế máy video lại. Ông nhấn mạnh rằng công trình quan trọng nhất của công ty hiện nay là phải chế tạo bằng được máy video dùng cho gia đình, và chủ yếu nhất là phải thu nhỏ kích cỡ máy. Ông thò tay vào túi áo rút ra một cuốn truyện giải trí mà ông mua ở sân bay New York rồi đặt nó trên bàn và nói: “Đây là cỡ của hộp băng, và tôi muốn các bạn nghiên cứu thiết kế cho bằng được hộp băng cỡ này. Tôi đề nghị hộp băng này phải đủ chạy cho một chương trình 60 phút”. Đó là yêu cầu dẫn đến việc chế tạo ra máy Befamax đầu tiên.
Trong vô tuyến truyền hình, màu sắc là một điều rất quan trọng. Chúng tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm về ti vi đen – trắng, nhưng truyền hình màu là một điều hoàn toàn mới lạ đối với chúng tôi. Vào thời kỳ đầu những năm 1960, đã có sự phát triển khá phong phú trong lĩnh vực ghi hình màu, và mặc dù hệ thống màn che của RCA đã được FCC tiêu chuẩn hóa nhưng Ibuka nghĩ rằng công ty Sony cần phải xem xét các thành quả về mặt này để tự phát minh ra loại truyền hình màu riêng. Chúng tôi đã chậm bước về mặt truyền hình màu so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác, nên chúng tôi muốn cho ra đời một loại truyền hình màu mới có chất lượng cao hơn. Ibuka muốn nghiên cứu truyền hình màu trên các nguyên tắc cơ bản. Chúng tôi không thích loại thiết kế lọc quay của hãng CBS hay loại thiết kế màn che của hãng RCA. Giáo sư Ernest O. Lawrence của trường đại học California đã phát minh ra một hệ thống khác có vẻ liên quan. Giáo sư Lawrence chính là nhà vật lý đã phát minh ra xiclotron. Đèn hình màu của ông được gọi là Chromatron, và nó khác biệt đáng kể so với những thiết kế khác. Về mặt kỹ thuật, khái niệm này thực sự rất tuyệt vời nhưng khá phức tạp, nhưng khi được điều chỉnh một cách hợp lý thì hệ thống này sẽ rất rõ nét và có hiệu quả cao. Mặc dù biết rằng chi phí sản xuất cho đèn hình sẽ rất cao và sẽ có rất nhiều vấn đề về kỹ thuật nhưng chính chúng tôi đã rất tin tưởng vào hệ thống này ngay từ ban đầu bằng cách mua giấy phép sử dụng vào năm 1962 từ Hãng phim Paramount vì họ đang nắm giữ bằng sáng chế hệ thống này. Chúng tôi chỉ tạo ra có 13.000 bộ Chromatron và bán tất cả số lượng này tại Nhật Bản trước khi từ bỏ dự án này. Cùng lúc đó, chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển loại đèn của chính chúng tôi. Đó là một ý tưởng mới mẻ mà cuối cùng chúng tôi gọi đó là Trinitron.
Những đối thủ của chúng tôi lúc đó đang sử dụng một hệ thống trong đó, ba chiếc súng bắn electron riêng rẽ phía đằng sau đèn hình phát ra ánh sáng lên màn hình TV dưới dạng các chùm electron màu đỏ, xanh lá cây và xanh lam. Những tia này hội tụ nhờ những thấu kính trên màn che bóng. Đây chính là một cái đĩa với rất nhiều lỗ đặt phía sau bề mặt đèn hình. Những tia electron phải được hội tụ trên những cái lỗ của màn che, rồi được chuyển đến bề mặt đèn hình. Tại đây, chúng tạo ra hình ảnh khi bị kích hoạt trong chất phốt pho màu phía bên trong bề mặt đèn hình. Hệ thống Chromatron chỉ sử dụng một súng bắn electron thay vì ba súng để tạo ra ba tia electron cũng như một bộ những đường dây rất nhỏ thay vì một màn hình mờ cho phép tạo ra nhiều tia electron hơn để có thể đạt tới bề mặt của đèn hình. Tại đây, thay vì những điểm lân quang, chúng tôi đã sử dụng những vạch phốt pho màu. Hệ thống này đem lại một hình ảnh tươi sáng và rực rỡ hơn nhiều so với bất kỳ một hệ thống nào khác. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề kỹ thuật khác cần giải quyết. Điện thế cao, việc tắt và mở phải được ứng dụng cho những đường dây này, và ngay từ ban đầu chúng tôi đã gặp rắc rối nhằm làm nó hoạt động một cách đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong lúc cố gắng sửa chữa hệ thống này, chúng tôi vẫn cật lực phát triển hệ thống mới của chính chúng tôi. Ibulka không bao giờ muốn tự hài lòng với kiểu thiết kế của một ai đó, và thậm chí khi chúng tôi cố gắng khiến cho hệ thống Chromatron hoạt động, anh đã dành hàng giờ đồng hồ trong phòng thí nghiệm cùng sát cánh với những kỹ sư nghiên cứu về Chromatron và về hệ thống mới mà chúng tôi đang nỗ lực phát triển.
Chúng tôi đã cải tiến hệ thống ba súng bắn “delta”, gói gọn chúng thành một súng mà vẫn có thể phát ra ba tia electron như đối với đèn hình Chromatron. Nhưng chúng tôi hội tụ chúng với một thấu kính lớn thay vì một loạt những thấu kính. Chúng tôi đang hướng tới sự nhỏ gọn và hiệu quả. Thay vì một lưới sắt với những bộ dây lằng nhằng hay một màn hình bóng, chúng tôi đã sản xuất một loại lưới kim loại đơn giản, rẻ tiền, mà đó thực sự là một cái đĩa với những khe hở dài có khắc axit lên đó.
Hệ thống này của chính chúng tôi đã đạt độ nét hơn 30% vì tại đây, nhiều tia electron được phóng đến bề mặt của đèn hình hơn là trong hệ thống sử dụng màn che. Hệ thống này của chúng tôi đem lại hình ảnh tươi sáng hơn gấp hai lần và cũng tiêu tốn ít điện năng hơn. Chúng tôi bắt đầu tạo ra màn hình Trinitron loại 7 và 12 inch, và tất nhiên, giá rất cao chưa kể chúng tôi còn đặt ra một mức giá cao cho sản phẩm này. Tại cuộc họp thường niên của hãng RCA, Chủ tịch Robert Sarnoff được hỏi về kiểu thiết kế đèn hình mới, có sức cạnh tranh của chúng tôi và ông đã trả lời rằng chỉ có kiểu thiết kế màn che của hãng RCA “mới có thể vượt qua thử thách quan trọng là sản xuất hàng loạt trên cơ sở tính kinh tế”. Khi được hỏi về lời bình luận này, tôi chỉ mỉm cười. Tôi nói với một phóng viên tạp chí Business Week “Họ cũng đã cười chúng tôi khi chúng tôi đưa ra đài bán dẫn và ti vi loại nhỏ”.
Chúng tôi không có đối thủ cạnh tranh trong việc sản xuất các máy ti vi mầu loại nhỏ. Tại Mỹ, người ta thường mua một máy ti vi 23 inch đen trắng với giá 400 đô la trong khi chúng tôi bán loại máy ti vi mầu cá nhân cũng với số tiền đó. Khi đó, tôi dự đoán là vào cuối năm (đó là năm 1968), sẽ có khoảng 10 triệu gia đình ở Mỹ mua ti vi mầu để đặt ở phòng khách. Nhưng tôi cũng tin và niềm tin này trở thành hiện thực là mọi người đều muốn có một máy ti vi riêng mà họ có thể đặt ở bất kỳ đâu, trong bếp hoặc ở trong phòng ngủ, hoặc ngay cả khi họ đi chơi ngoài trời ban ngày. Khi đi dự các buổi tiệc chiêu đãi ngoài trời hay khi nằm nghỉ trên một chiếc võng mắc ở sân sau nhà, người ta đều muốn mang theo một máy ti vi xách tay với hình mầu rõ nét. Chúng tôi có thể đáp ứng dễ dàng cả hai yêu cầu nói trên. Chiến lược tạo ra loại ti vi nhỏ của chúng tôi là không phải là điều mới mẻ. Những chiếc ti vi tranzito đen trắng đầu tiên mà chúng tôi chế tạo năm 1959 đã làm thay đổi những gì nhiều người thường nói về xu hướng của thị trường là tìm mua các loại máy ti vi cỡ lớn. Khi bắt đầu cho ra đời mạch tổ hợp dùng cho các thiết bị điện tử, chúng tôi đã sản xuất được các loại radio chỉ nặng có ba ounces (đơn vị đo lường bằng 28,35g) mà mọi người có thể mang ở đầu dây chìa khóa hoặc bỏ vào trong một cái túi nhỏ, nhưng thật ra cũng chỉ là để cho mọi người thấy rõ hoàn toàn khả năng thực hiện được điều này. Tất nhiên, với những tiến bộ mới về công nghệ, chúng tôi có thể chế tạo những chiếc ti vi có thể cho vào túi áo được. Thật vậy, nhờ những nỗ lực trong việc thiết kế loại ti vi mầu của mình, chúng tôi rất hài lòng khi năm 1972, Viện Hàn lâm Quốc gia về Khoa học và Kỹ thuật Truyền hình Mỹ đã tặng giải thưởng Emmy cho công ty Sony về thành tích sáng chế bộ ống hình mầu trinitron. Đó là lần đầu tiên, giải thưởng Emmy được trao tặng cho một sản phẩm. Công ty Sony còn nhận được giải thưởng Emmy lần thứ hai vào năm 1976 vì đã sáng chế ra hệ thống băng ghi hình video U-Matic.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.