Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

NỀN THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU Vượt qua khủng hoảng 1.



Các chính khách và thương gia thiển cận trên thế giới thường nhìn nhận các vấn đề của họ từ hai khía cạnh: Các thương gia Mỹ lo lắng về những vấn đề có liên quan đến Nhật Bản còn các thương gia Nhật Bản lại lo tìm cách đối phó với những lời than phiền của chính phủ và thương gia Mỹ và châu Âu.
Một hôm, tôi được nghe một câu chuyện vui về một người Mỹ và một người Nhật cùng dạo chơi trong rừng. Họ gặp một con sư tử đói đang lao tới. Người Nhật lập tức ngồi xuống và xỏ chân vào đôi giày chạy. Người Mỹ tỏ vẻ chế nhạo anh ta và nói: “Thật là ngốc nếu anh nghĩ anh có thể chạy nhanh hơn con sư tử đói này!” Người Nhật trả lời ngay: “Tôi không cần phải chạy nhanh hơn con sư tử đó, tôi chỉ cần chạy nhanh hơn anh thôi”.
Nhưng con sư tử mà chúng ta đang phải đối mặt, tức cuộc khủng hoảng đang tới, lại mang tính toàn cầu. Tôi cho rằng hệ thống kinh tế thương mại thế giới đang đứng trước một hiểm họa lớn; những cuộc cãi vã về những vấn đề thương mại cụ thể giữa các nước chỉ là tấm bình phong che giấu những vấn đề thực tế đang còn tiềm ẩn. Giải quyết từng phần nhỏ của vấn đề thực ra không đem lại kết quả gì.
Tôi tin rằng vấn đề chủ yếu nằm ở đồng tiền của chúng ta. Để có thể tiến hành các hoạt động kinh tế trong một hệ thống kinh tế mở và tự do, chúng ta phải có các hoạt động mua và bán với giá cả hợp lý. Tất nhiên, giá cả sẽ bị chi phối bởi cung và cầu. Đó là cơ sở đơn giản của hệ thống kinh tế tự do.
Nếu tôi bán một sản phẩm trị giá 1.000 yen cho một người nào đó ở Mỹ hoặc
ở Anh, tôi có thể được trả bằng đồng đô la Mỹ hay bảng Anh tương đương với
1.000 yen. Tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền được sử dụng trong cuộc trao đổi này cần phải công bằng và phản ánh được tính cạnh tranh tương đối giữa các ngành công nghiệp ở các nước khác nhau, vì tôi tin rằng công nghiệp phải là nhân tố hàng đầu trong việc xác định giá tiền tệ của một nước.
Là một nhà công nghiệp, tôi biết cần phải cân đối tính cạnh tranh và tỷ giá hối đoái cần phải thực hiện chức năng của một cơ chế cân bằng. Tại hội nghị Bretton Woods năm 1944, các tỷ giá hối đoái được ấn định trong một bản hiệp định quốc tế. Các tỷ giá được tính dựa trên thực tế kinh tế thời bấy giờ và có tính đến những thay đổi có thể dự đoán được trong tương lai. Tỷ giá của đồng yên Nhật được xác định ở mức 360 yen bằng 1 đô la Mỹ trong thời kỳ ngay sau chiến tranh và được duy trì cho đến năm 1971 mặc dù sức cạnh tranh về công nghiệp của Nhật Bản đã tăng lên đáng kể. Lúc đó, đồng yên Nhật bị đánh giá thấp hơn trong so sánh với những đồng tiền khác. Một đồng yen yếu trong quan hệ với đồng đô la rất mạnh đã làm cho hàng hóa Nhật ở Mỹ trở nên rẻ hơn, và điều này đã khuyến khích các công ty Nhật đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó, cán cân thương mại nghiêng về phía có lợi cho Nhật Bản. Cũng do đồng đô la quá mạnh, hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên quá đắt.
Khi Tổng thống Richard Nixon đánh sụt giá đồng đô la năm 1971, tất cả các đồng tiền, kể cả đồng yen, đều được phép thả nổi, không còn bị ràng buộc vào các tỷ giá cố định nữa, và do đó, đồng yen lập tức tăng giá lên khoảng 15% so với đồng đô la. Tôi cho rằng việc đồng yên tăng giá là điều hợp lý. Trên thực tế, rất nhiều thương gia cho rằng chế độ thả nổi tiền tệ tốt hơn hẳn so với chế độ tỷ giá cố định vì nó giúp tạo nên thế cân bằng trong cạnh tranh công nghiệp của các nước.
Có thể thấy điều tương tự về chế độ mới này qua luật ưu tiên sử dụng trong chơi golf, một luật giúp cân đối khả năng của các đối thủ chơi golf. Hàng năm, sự ưu tiên đối với các golf thủ được điều chỉnh để phản ánh những thay đổi về khả năng của người chơi. Một gôn thủ có thể thắng hoặc thua khi được ưu tiên, được tính từ 0 đến 36 điểm, nhưng anh ta hiểu rằng cuộc chơi rất công bằng vì mọi người đều được đặt vào thế cân bằng khi tham gia thi đấu.
Tôi cho rằng với sự thỏa thuận chung của các nước, chế độ thả nổi sẽ được giám sát và các tỷ giá sẽ không được phép dao động quá lớn hoặc bị tác động bởi những yếu tố nhân tạo. Điều chúng ta đã không chắc chắn được là một nhân tố khác hẳn sức mạnh cạnh tranh hàng hóa, đó là những người buôn bán tiền tệ, có thể tác động đến giá trị các loại tiền tệ trên thế giới hay không. Chưa một cơ chế nào được lập ra để theo dõi hệ thống này và nói một cách khác là tạo ra các ưu tiên. Những người đầu cơ tiền tệ chỉ nghĩ đến cách thu được nhiều lợi nhuận nhất trong buôn bán tiền tệ. Điều này dẫn đến tình trạng tỷ giá hối đoái luôn luôn biến động nhưng lại hoàn toàn không liên quan đến tính cạnh tranh về công nghiệp. Đối với những người tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế, việc làm này chẳng khác gì việc một kẻ phá đám hống hách đi vào sân gôn và thay đổi quyền ưu tiên của chúng ta sau mỗi lỗ gôn.
Trong tình hình này, giá cả hàng hóa trở thành một vấn đề thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Để minh họa cho vấn đề này, giả sử giá một chiếc ti vi của chúng ta không được tính bằng đồng đô la, yên, bảng, franc hay đồng lia mà tính bằng giá của mười cổ phiếu của Sony tại thời điểm mua chiếc ti vi đó. Ai sẽ mua hàng trong những tình huống như vậy trong khi cổ phiếu vẫn đang được mua đi bán lại và giá cả biến động từng ngày? Ai có thể sản xuất hàng hóa trong tình hình như vậy?
Đối với những nhà tư bản công nghiệp, tiền là một thứ thước đo. Chúng ta sử dụng tiền làm tiêu chuẩn để đánh giá hoạt động kinh tế, tài sản, hàng tồn kho và cả kết quả lao động của con người. Khi giá cả lại do những nhân tố khác ngoài tính cạnh tranh của các sản phẩm chế tạo quyết định thì tất yếu sẽ làm cho chúng ta mất lòng tin vào sự đầu tư. Tôi là một người có lòng tin vững chắc rằng công nghiệp của một quốc gia phải là nền móng của nền kinh tế. Để có được quyết định đầu tư khôn ngoan, chúng ta cần phải dự đoán được số lợi nhuận có thể thu được từ khoản đầu tư đó. Nếu không có khả năng dự đoán lợi nhuận, chúng ta sẽ phải nhờ tới giác quan thứ sáu hoặc sự liều lĩnh để đầu tư.
Chúng ta cũng hiểu rõ rằng nếu không có đầu tư, nền công nghiệp sẽ sụp đổ và khi đó, tiền tệ không còn ý nghĩa gì và thậm chí các thị trường tài chính cũng sẽ bị sụp đổ.
Điều làm tôi lo lắng là ngày nay, một số nhà công nghiệp đã bắt đầu tham gia vào trò chơi buôn bán tiền tệ. Do không thể dự tính được số lợi nhuận thu được từ những khoản đầu tư tiềm năng, nhiều nhà tư bản công nghiệp đã ngừng đầu tư vào công ty của mình và bắt đầu bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc vào các vụ sát nhập và mua lại công ty. Việc làm của họ đã biến các công ty thành một thứ hàng hóa bị mua đi, bán lại. Đây không phải là vai trò tự nhiên và đúng đắn của công nghiệp mà nhiệm vụ chủ yếu của nó phải là cải tiến các mặt hàng có sẵn và tạo ra những sản phẩm mới. Nhìn thẳng vào tình hình với nhãn quan của một người Nhật, tôi không thể tin được là các nhân viên ở những công ty đó lại có thể có niềm say mê với công việc. Làm thế nào để trau dồi cho họ ý thức trung thành và nâng cao năng suất một cách đồng đều được trong một môi trường với các nhà quản lý chỉ quan tâm đến việc công ty họ sẽ thôn tính một công ty khác hay sẽ bị thôn tính? Triển vọng chẳng đáng mừng chút nào. Đây chính là lý do tại sao tôi luôn luôn nhấn mạnh đến nhu cầu thiết lập một chế độ mới về tỷ giá hối đoái dựa vào những giá trị công nghiệp chứ không dựa vào thị trường tiền tệ.
Cú sốc về dầu lửa năm 1973 và 1979 là một đòn đánh mạnh vào hệ thống tiền tệ thế giới do các nước xuất khẩu dầu lửa đã thu về những khoản tiền khổng lồ. Dưới chế độ kinh tế của Tổng thống Reagan, Mỹ đã thắt chặt cung tiền tệ và nâng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Những khoản tiền lớn của Nhật Bản đã chạy sang Mỹ dưới hình thức đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận từ những tỷ lệ lãi suất cao. Trên thực tế, tiền từ khắp nơi trên thế giới đã đổ vào Mỹ. Điều này làm cho đồng đô la thêm đắt giá và đánh hạ mọi đồng tiền khác, đồng thời giúp cho chính phủ Mỹ có thể tiêu xài nhiều hơn và do đó nợ nước ngoài cũng tăng lên. Trò chơi tiền tệ trên thế giới đã đi vào giai đoạn sôi nổi, mạnh mẽ nhất.
Như tôi đã trình bày ở trên, có thể với đôi chút ác cảm, rất nhiều nhà kinh doanh Mỹ phải điều hành công ty của mình với mục đích cao nhất là ngày càng giành được nhiều lợi nhuận và luôn luôn lo sợ rằng giá cổ phiếu của họ có thể sụt xuống nếu cổ tức hàng quý không tăng đều. Trong một hoàn cảnh như thế, khi việc theo đuổi lợi nhuận ngày càng trở nên mạnh mẽ, các nhà quản lý buộc phải tìm kiếm những cách làm dễ nhất để sinh lời. Hai điều nguy hiểm đã xảy ra: một số nhà quản lý thấy rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn một cách dễ dàng bằng cách buôn bán tiền tệ thay vì buôn bán hàng hóa; những người khác lại thấy rằng chế tạo hàng hóa ở những nơi có chi phí rẻ nhất là cách tốt nhất để đem lại lợi nhuận một cách nhanh chóng, mặc dù điều này có nghĩa là họ phải chuyển quá trình sản xuất sang các nước khác.
Hiện tượng này đang dẫn tới tình trạng mà tôi gọi là chảy máu công nghiệp Mỹ. Các cơ sở công nghiệp của Mỹ đang giảm xuống tới mức chỉ còn bộ khung bên ngoài. Tình hình cũng diễn ra tương tự trên toàn Châu Âu. Một số công ty Nhật cũng có thể sớm đi theo đà này. Nhiều công ty đang bắt đầu xuất khẩu quá trình sản xuất. Các công ty Mỹ như Motorola, Texas Instruments, Fairchild và nhiều công ty khác đã chuyển các cơ sở sản xuất sang Nhật Bản hoặc xây thêm những cơ sở mới tại đây. Tuy nhiên, nhiều dàn biểu tại những khu vực công nhân, viên chức mất việc làm đã than phiền rằng Nhật phải chịu trách nhiệm về sự giảm sút công ăn việc làm ở Mỹ. Năm 1984, IBM Nhật Bản là nhà xuất khẩu máy tính lớn nhất từ Nhật. Một lý do khiến các công ty Mỹ chuyển sang Nhật hoặc mua các linh kiện công nghệ cao của Nhật chính là để tận dụng những kỹ năng có sẵn ở đây, vì ngày nay người ta không những cần tranh thủ nguồn nhân công rẻ mà còn cần cả những lao động có kỹ thuật cao.

Nhưng Sony cũng đã tìm được các kỹ năng cần thiết ở chính nước Mỹ và nhiều nước khác. Sử dụng các công nghệ sản xuất và áp dụng những triết lý kinh doanh dài hạn của chúng ta, chúng ta vẫn có thể kiếm được tiền ở những nơi các công ty địa phương thường rút đi nơi khác, vì họ đòi hỏi phải thu nhanh và thu đều lợi nhuận.
Vào mùa thu năm 1985, tôi đi thăm châu Âu cùng Yoshihiro Inayama, chủ tịch của Keidanren (Liên hiệp các tổ chức kinh tế Nhật Bản). Chúng tôi gặp khá nhiều các nhà kinh doanh Châu Âu và họ thường khoe khoang: “Nhật Bản chẳng có ý tưởng mới nào cả. Chính chúng tôi là người tạo ra ý tưởng, trên chính đất Châu Âu này”. Tôi nói với họ: “Này, việc khoe khoang rằng mình có lắm ý tưởng chẳng có ý nghĩa gì, vì theo tôi, người nào mà chẳng có một ý vài ý tưởng được cho là tốt. Điều quan trọng là phải biết cách áp dụng những ý tưởng của mình vào trong ngành công nghiệp. Nhật Bản đã bỏ rất nhiều công sức trong lĩnh vực đó trong khi các ông thì không, vậy có chi mà các ông lại khoe khoang đến vậy”.
Các nước châu Âu thường đánh giá cao những nhà khoa học, điều này tất cả chúng ta đều biết rõ. Nhiều nhà khoa học lỗi lạc của Mỹ có gốc rễ hoặc được đào tạo ở châu Âu: đó chính là một trong những tiềm lực to lớn của nước Mỹ.
Nhưng phải nói rằng trong khi Mỹ và Nhật Bản rất trọng thị các kỹ sư, những người có vai trò đưa những tiến bộ khoa học vào quá trình sản xuất hàng hóa, thì nhiều nước châu Âu, do tính chất trưởng giả, lại thường có xu hướng tránh học ngành kỹ sư và tham gia rèn luyện thực tế. Đã từ lâu, các kỹ sư ở châu Âu chỉ được coi là những thợ thủ công tầm thường. Chính nước Mỹ và nước Nhật đã công nhận tầm quan trọng lớn lao của các kỹ sư. Các trường đại học của cả hai nước đều có chuyên ngành kỹ sư. Trong những năm gần đây, Nhật Bản còn tập trung nhiều đến việc đào tạo kỹ sư hơn cả các trường đại học ở Mỹ, do Mỹ hiện đang tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực tố tụng và vì ngành luật đang có sức hấp dẫn lớn đối với thanh niên Mỹ.
Riêng tôi lại rất quan tâm đến xu hướng mở rộng buôn bán tiền tệ vì nó không có lợi cho việc mở rộng trao đổi hàng hóa. Đồng thời, việc chúng ta thiếu quan tâm đến nhu cầu thay đổi công nghệ và sản xuất các mặt hàng mới cũng làm tôi lo lắng. Vấn đề không đơn thuần nằm ở việc tỷ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng yên chưa hợp lý. Năm 1986, Thượng nghị sĩ Mỹ Thomas Eagleton đã đưa ra một lời bình luận gây ấn tượng tại một cuộc họp mặt ăn điểm tâm của Phòng Thương mại Mỹ tại Tokyo khi trả lời cho câu hỏi về sự suy giảm về năng lực công nghiệp của Mỹ. Eagleton cho rằng nước Mỹ phải bảo hộ và mở rộng nền công nghiệp và ông khẳng định Mỹ sẽ không bao giờ cho phép mình trở thành một quốc gia chỉ hoạt động về các ngành dịch vụ. Nội dung lời tuyên bố của vị thượng nghị sĩ này có hàm ý là nước Nhật cần cố gắng hơn nữa trong việc điều chỉnh sự mất cân đối trong cán cân thương mại hai nước, nếu không Mỹ sẽ phải áp dụng chính sách bảo hộ nền công nghiệp trong nước. Tôi rất thông cảm với tâm trạng thất vọng của ông ta, nhưng vấn đề cần làm gì để giúp Mỹ lại nằm ở phía Mỹ nhiều hơn là ở phía Nhật. Tiếp tục xuất khẩu nền sản xuất ra nước ngoài và chơi trò buôn bán tiền tệ không phải là những biện pháp tốt để đảm bảo một nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ và lành mạnh cho Mỹ.
Donald Regan, Bộ trưởng Tài chính gần đây nhất của Mỹ, trước kia đã từng là chủ tịch tập đoàn Merrill Lynch Pierce Fenner and Smith Inc. Tập đoàn này cũng là một cơ quan kinh doanh tiền tệ lớn. Do không có những hiểu biết thực tế về công nghiệp, triết lý của những người buôn bán tiền tệ thường coi một đồng đô la mạnh là điều tốt nhất cho nước Mỹ và cho rằng các vấn đề mất cân đối về tiền tệ sẽ tự điều chỉnh theo thời gian. Khi James Baker thay Regan giữ chức vụ bộ trưởng tài chính, ông đã nắm ngay được vấn đề. Trong một trong những bài diễn văn đầu tiên, ông đã thể hiện rõ quan điểm là chỉ khi nào chúng ta thay đổi hệ thống tỷ giá hối đoái trên thế giới và điều chỉnh lại tình hình không bình thường của đồng đô la mạnh, thì vấn đề mất cân đối lớn về tiền tệ sẽ không còn quấy rấy chúng ta nữa. Quan điểm này đã dẫn tới cuộc họp đầu tiên của nhóm G5 gồm bộ trưởng tài chính các nước Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp và Đức về vấn đề này và kết quả là đi đến sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái năm 1985.
Những cố gắng của Baker và nhóm G5 đã mang lại một sự thay đổi bất ngờ và quá mạnh về tỷ giá hối đoái, đẩy đồng yên lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử và khiến cho việc điều chỉnh hợp lý thông qua công việc kinh doanh thật sự trở nên không thể thực hiện được. Chỉ trong vòng hơn nửa năm sau khi các ngân hàng trung ương của các nước G5 can thiệp bằng cách tung ra các đồng tiền khác nhằm làm giảm giá trị đồng đô la, đồng yên bị tăng hơn 35% so với đồng đô la, một sự tăng giá mạnh khó có thể đối phó, đặc biệt là đối với các công ty vừa và nhỏ. Mặc dù các nhà sản xuất hàng xuất khẩu của Nhật bị buộc phải tăng giá hàng hóa của họ lên vì giá trị đồng yên bị đẩy lên cao, chúng tôi cũng rất thất vọng khi thấy các công ty Mỹ cũng lại tăng giá hàng hóa của họ, từ đó tạo ra một chiều hướng lạm phát cao.
Dù hành động của nhóm G-5 có ý nghĩa tốt đẹp đến đâu thì với tôi, rõ ràng thế giới không thể dựa vào một sự phối hợp chính sách độc đoán giữa một số nước để giữ các tỷ giá hối đoái ở mức phù hợp với thực tế. Các nước cần phải gặp gỡ và bàn bạc để cùng nhau tạo ra một cơ chế quốc tế nhằm bình ổn tỷ giá. Và chúng ta cần ngăn chặn mọi ý đồ theo đuổi lợi nhuận tiền tệ thông qua đầu cơ hơn là những nỗ lực sản xuất.
Các nhà lãnh đạo bảy nước công nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh về kinh tế tại Tokyo tháng Năm năm 1986 đã không có một hành động quan trọng nào về tỷ giá hối đoái. Nhưng họ đã nhìn nhận những vấn đề phát sinh khi có những biến động lớn về tỷ giá và với việc nhất trí giám sát tình hình, họ đã tiến một bước tới điều mà tôi hy vọng là một nghị quyết. Nhưng tôi đã rất thất vọng vì họ không đi xa hơn nữa để thiết lập một cơ chế chính thức nhằm kiểm soát các tỷ giá hay ít nhất là triệu tập một cuộc họp nhằm nghiên cứu một hệ thống mới.
Sự can thiệp liệu có thể đem lại những gì và trong bao lâu? Lượng tiền lưu chuyển trên khắp thế giới đang ở mức khổng lồ so với số tiền mà một mình Nhật Bản hay bất kỳ một nước nào khác có thể sử dụng cho việc can thiệp. Vì thế, những người tham gia vào trò chơi tiền tệ đang ngồi chờ thời vì họ cho rằng sớm muộn gì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn đối với họ. Nếu lượng tiền có trong các ngân hàng trung ương dùng để can thiệp vào tỷ giá hối đoái trên thị trường là chưa đủ, hệ thống này có thể sẽ bắt đầu dao động và dẫn tới hỗn loạn. Do đó, một lần nữa tôi khẳng định cần phải thay đổi hệ thống tỷ giá hối đoái này.
Không ai biết rõ nên xác định tỷ giá hối đoái như thế nào cho công bằng và bản thân tôi cũng không có phép thần gì để đưa ra một đề nghị đúng đắn về mặt này. Nhưng Quỹ Tiền tệ quốc tế có thể họp mỗi năm một lần và cùng nhau thỏa thuận điều chỉnh tiền tệ cho phù hợp với thực tế, chỉ cho phép tỷ giá hối đoái dao động nhẹ ở trên hoặc dưới con số tối ưu giữa các giới hạn được quy định trước. Trong ngành công nghiệp, chúng ta phải bỏ ra rất nhiều công sức mới có thể hạ chi phí gốc xuống khoảng 1 – 2 phần trăm, nhưng theo hệ thống hiện nay, giá trị tiền tệ của chúng ta có thể dao động tới 10 – 15% chỉ trong một ngày, như thế mọi cố gắng tiết kiệm chi phí sản xuất của chúng ta đều tiêu tan. Điều này làm xói mòn ý chí sản xuất, đổi mới công nghệ, làm mất đi một động lực cơ bản trong hệ thống kinh tế tự do. Thật là khó khăn khi muốn kinh doanh và vạch kế hoạch cho tương lai mà chẳng hiểu rõ giá trị đồng tiền của mình sẽ ra sao.
Mặc dù có những điều không chắc chắn như vậy, chúng tôi vẫn quyết định đầu tư vào một nhà máy chế tạo ở San Diego. Khi Kazuo Iwama là chủ tịch Sony America, anh cũng như tôi đều rất quyết tâm xây dựng một nhà máy sản xuất TV trong nước, dù tình hình kinh tế có vẻ không thật sự sáng sủa. Đồng đô la vẫn được cố định ở mức 360 yen bằng 1 đô la (ở chợ đen thì tỷ giá này ít nhất phải là 420 yen bằng 1 đô la). Các công ty Mỹ như RCA, Zenith và Admiral đang chuyển việc sản xuất TV sang các nước như Mexico hay Singapore. Iwama và tôi, những người đã có nhiều kinh nghiệm về thị trường Mỹ, thấy rằng chúng tôi nên đi theo hướng ngược lại, tức là đi vào nước Mỹ vì chính ở nơi đó mới có thị trường tiêu thụ.
Nhưng để sản xuất máy thu hình thời bấy giờ, trước khi có sự ra đời của mạch tích hợp, chúng tôi đã phải thực hiện khá nhiều công đoạn bằng tay với giá nhân công Mỹ cao hơn và tất nhiên, chúng tôi phải xây dựng một nhà máy với chi phí ước tính ít nhất là 25 triệu đô la. Chúng tôi đã điều Junichi Kodera, người sau này sẽ là giám đốc đầu tiên của nhà máy tại San Diego, trở về Nhật để đánh giá và dự toán kỹ mọi chi phí hiện tại và tương lai khi tiến hành kinh doanh ở Mỹ. Nhóm dự án này biết rõ rằng mạch tích hợp đang được hoàn chỉnh và sẽ sớm thay thế bóng bán dẫn và chỉ trong khoảng 3 – 4 năm nữa, khi số lượng các linh kiện cần thiết cho việc chế tạo chiếc máy thu hình giảm đi, và như thế thời gian lắp ráp cũng rút ngắn lại, sẽ bù đắp lại số tiền trả cho nhân công ở Mỹ cao hơn trong so sánh với ở Nhật.
Nhưng đây mới chỉ là ánh sáng duy nhất lóe lên từ cuối đường hầm. Kodera ngày nay vẫn nhắc lại rằng, khi đến ban quan trị công ty để trình bày về các con số và dự toán, anh vẫn cảm thấy rất bi quan. Với tỷ giá hối đoái 360 yên bằng 1 đô la, mặc dù chúng tôi có thể thấy trước một sự chuyển biến lớn về kinh doanh trong vòng 3 năm tới, các con số dự toán lúc bấy giờ, vào tháng Tám năm 1971, cũng không thể biện minh cho việc xây dựng nhà máy. Nhưng Ibuka và tôi lúc đó là những người đứng đầu ban quản trị và chúng tôi đều nắm vững những con số đó, tuy nhiên chúng tôi cũng cảm thấy đây sẽ là một quyết định khôn ngoan nếu xét về lâu dài. Chúng tôi hiểu rằng tình trạng đồng yen yếu sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Chúng tôi đã khiến Kodera ngạc nhiên vì thậm chí đã không đòi anh ta trình bày về các con số. Chúng tôi bảo anh ta hãy xúc tiến công việc đi. Chúng tôi cử anh ta đến nhà máy lắp ráp TV chính của công ty tại Ichinomiya để học hỏi về những hệ thống sản xuất mới nhất nhằm chuẩn bị cho anh ta những kiến thức cần thiết cho việc quản lý nhà máy tương lai tại San Diego.
Ngay chiều hôm đó, ngày 16 tháng Tám (ở Mỹ vẫn còn là ngày 15 tháng Tám), Tổng thống Nixon thông báo một sự thay đổi về chính sách tiền tệ của Mỹ, theo đó đồng đô la bị đánh sụt và đồng yên được tăng giá lên khoảng 15% so với đồng đô la. Nixon cũng ra lệnh tạm thời hoãn thực hiện cam kết chuyển đổi số đô la trong các ngân hàng trung ương các nước thành vàng hoặc các tài sản tiền tệ khác. Tổng thống còn cắt bớt viện trợ nước ngoài và đánh thuế phụ thu 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Đó là một bước ngoặt kỳ diệu khiến cho dự án xây dựng nhà máy ở San Diego của chúng tôi trở nên tốt hơn nhiều. Mặc dù chúng tôi đã quyết tâm xây dựng nhà máy này, ngay cả khi điều đó có thể dẫn tới những khó khăn tài chính trong vài năm, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất phấn khởi khi nhận được điềm lành cho tương lai này, điều sẽ giúp chúng tôi chế tạo những sản phẩm mang dòng chữ: “Sản xuất tại Mỹ”.
Điều nực cười là ở châu Âu, dường như vị Thủ tướng đảng Xã hội Francois Mitterand là nhà lãnh đạo duy nhất hiểu rõ sự cần thiết phải thay đổi hệ thống tỷ giá hối đoái. Ông thường nói rằng hệ thống hối đoái hiện hành là sai lầm và ông muốn áp dụng Hệ thống tiền tệ châu Âu (EMS) đối với đồng đô la và đồng yên.
Các nước châu Âu buôn bán với nhau trong hệ thống EMS duy trì những tỷ giá hối đoái cố định nhưng được EMS điều chỉnh theo định kỳ. Thương mại với các nước ngoài hệ thống này được tiến hành theo các tỷ giá trên thị trường hối đoái và có thể dao động mạnh, nhưng trong nội bộ hệ thống này đã có sự phối hợp chặt chẽ để tránh mọi sự biến động lớn do những người đầu cơ tiền tệ hoặc những sự kiện đột biến gây nên.
Các bạn hãy tưởng tượng xem, lời khuyên đúng đắn về thị trường tự do này lại xuất phát từ người lãnh đạo của một chính phủ xã hội chủ nghĩa, trong khi các vị nguyên thủ của quốc gia thường xuyên tuyên bố họ tin tưởng vào một nền kinh tế tự do lại tỏ ra không hiểu biết gì về điều này. Tôi cho rằng điều đó thật nực cười và nguy hiểm.
Một vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Nhật Bản. Tôi đã từng nhiều lần nhấn mạnh đến điểm này. Tuy nhiên, các chuyên gia tiền tệ thường rất thiển cận. Họ nói: “Chúng ta không thể làm được việc này” hoặc “Ồ, thế thì nguy hiểm lắm đấy”. Dường như họ thiếu sự sáng tạo và óc suy xét.
Trước đây, tôi có lần đề nghị các chuyên gia trong Bộ Tài chính về việc phải can thiệp vào thị trường tiền tệ và hãy mua đồng yên để tăng thêm sức mạnh cho nó, họ đã trả lời: “Không, chúng ta không thể can thiệp theo cách ấy được, số tiền chúng ta có để nâng đỡ đồng yên là rất nhỏ”. Nhưng sau khi có quyết định của nhóm G-5, Ngân hàng Nhật Bản lại can thiệp rất có hiệu quả để nâng giá trị đồng yên.
Tôi cũng đã nói về sự cần thiết này ở Mỹ trước khi sự việc xảy ra. Các chuyên gia tiền tệ nước này đã nói: “Làm thế nào để chúng tôi quay lại hệ thống tỷ giá cố định được? Nếu không thể trở lại tỷ giá cố định thì chế độ thả nổi như hiện nay là tốt nhất rồi. Không có sự lựa chọn nào khác”. Tôi đã phát cáu lên khi nghe họ nói vậy. Tôi đã nói với họ rằng, nếu các kỹ sư cũng nghĩ rằng hệ thống họ có ngày nay là những gì tốt nhất họ có thể tạo ra và không còn sự lựa chọn nào khác, thì họ sẽ chấm dứt mọi sự cải tiến. Các nhà khoa học và các kỹ sư chúng tôi đã làm việc liên tục để đưa ra những ý tưởng mới. Ngày mà chúng tôi đưa ra một phát minh, sáng chế cũng là ngày chúng tôi bắt tay ngay vào việc cải tiến nó, đó chính là phương pháp thúc đẩy quy trình công nghệ tới điểm hoàn thiện. Tôi đã trả lời một chuyên gia như sau: “Nếu như các ông nói không thể quay lại hệ thống tỷ giá cố định, rằng hệ thống thả nổi như hiện nay là sự lựa chọn duy nhất và không còn cách làm nào khác thì chẳng khác gì các ông tuyên bố bất lực trước toàn thể thế giới”.
Một thách thức chủ yếu đối với hệ thống thương mại thế giới là việc xây dựng lại cơ cấu công nghiệp Mỹ. Tôi cho rằng đã có những dấu hiệu của sự bắt đầu, nhưng cũng có những dấu hiệu ngược lại cho thấy các ngành công nghiệp đang phải rút lui và đổ lỗi cho người khác về sự thất bại của họ. Mặc dù nhiều người Mỹ tuyên bố rằng các ngành dịch vụ là tương lai của nền thương mại Mỹ, một điều khá rõ ràng là không một nước nào có thể từ bỏ tất cả cơ sở hạ tầng công nghiệp trọng yếu của mình và trở thành một quốc gia của những nhà hàng thịt gà rán như một vị thượng nghị sĩ đã nói. Nhưng tôi không thấy Quốc hội Mỹ xem việc hồi phục này là một ưu tiên.
Chế độ bảo hộ, một thiết chế bóp nghẹt mậu dịch tự do, là một cách kỳ dị để mở rộng tự do buôn bán, nhưng nhiều khi nó lại là câu trả lời ngắn gọn và đơn giản hóa quá mức của các nghị sĩ Mỹ và các quan chức chính phủ và nghị viện ở châu Âu. Tôi đã nhiều lần nói với chính phủ Nhật Bản là phải nói thẳng với phía Mỹ biết không phải nước Nhật gây ra những trục trặc trong nền công nghiệp Mỹ mà đó là vấn đề của chính nước Mỹ. Chính Lee Iacocca cũng đã thừa nhận điều này. Từ lâu tôi đã có ý nghĩ là, thay cho việc bóp nghẹt thương mại của chúng tôi bằng cái gọi là các cam kết hạn chế xuất khẩu tự nguyện như đã làm với công nghiệp chế tạo xe hơi và một vài ngành khác, tốt hơn là nên ban bố hẳn một đạo luật về bảo hộ mậu dịch. Ít nhất như thế những người áp đặt những hạn chế này sẽ phải thừa nhận những gì họ đang làm. Họ sẽ không thể tự coi mình là những người ủng hộ tự do thương mại được nữa.
Vài năm trước đây, khi chúng tôi bị chỉ trích mạnh mẽ về thương mại với Mỹ, tôi đã nói với thủ tướng Nhật: “Nếu ngài chơi thân với Tổng thống Reagan như vậy, xin ngài hãy nói cho ‘Ron’ (tên thân mật của Tổng thống Reagan) rõ nguồn gốc của vấn đề nằm ở đâu, rằng cần phải trách cứ Mỹ chứ không phải Nhật Bản về những vấn đề đã xảy ra đối với họ”. Nhưng Thủ tướng đã trả lời là không muốn làm một việc tồi tệ như vậy. Tôi nói: “Bất cứ khi nào có dịp đến Mỹ tôi đều làm việc tồi tệ đó. Tôi tìm mọi cách để nói những điều khiến mọi người phải chú ý và bắt họ phải suy nghĩ về các vấn đề của chúng ta”.
Konosuke Matsushita, người sáng lập ra công ty Matsushita Electric, và tôi cùng viết chung một cuốn sách năm 1976 với nhan đề Yuron, dịch nôm na là “Hãy nói lên mối quan ngại của chúng ta”, một cuốn sách nói về sự cần thiết phải làm những gì tốt đẹp. Khi chúng tôi sắp sửa xuất bản cuốn sách thì Matsushita gọi tôi và hỏi xem những chỉ trích của ông trong cuốn sách liệu có tác động xấu đến công việc kinh doanh của đất nước hay không. Tôi đã nói: “Không, thưa ông, nếu chúng ta giữ im lặng vì lợi ích của công việc kinh doanh thì nước Nhật sẽ bị suy sụp mà không ai hiểu tại sao”. Trên thực tế, những lời chỉ trích có thể đụng chạm đến công việc kinh doanh, nhưng xem xét các vấn đề từ nhiều góc độ lại rất quan trọng đối với các hoạt động kinh doanh, đối với các cá nhân và với cả các quốc gia. Sở dĩ Nhật Bản bị tàn phá trong Chiến tranh Thế giới thứ hai là do chỉ nhìn nhận từ quan điểm của riêng mình.
Trong hơn một thập kỷ, chính phủ chúng ta luôn luôn trả lời: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề đó” mỗi khi người Mỹ hoặc người châu Âu nói với chúng ta rằng thị trường Nhật chưa hoàn toàn mở cửa cho hàng hóa nhập khẩu. Sau đó các biểu thuế được nới lỏng, một vài hàng rào phi thuế quan được bãi bỏ, đẩy thị trường Nhật mở rộng hơn nữa. Khi xuất hiện những lời than phiền mới, chúng ta lại vạch ra kế hoạch hai và thực hiện thêm một số bước tương tự. Và cuối cùng, đến khi thực hiện xong kế hoạch tám, thị trường Nhật vẫn chưa đủ mở rộng. Tất cả những kế hoạch này sẽ không giải quyết được vấn đề mất cân đối trong cán cân thương mại. Tôi đã nhiều lần nói là thị trường Nhật mở cửa quá chậm chạp. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng mất cân đối thương mại lại là vấn đề tỷ giá hối đoái. Tình hình này không hề được cải thiện cho đến trước cuộc họp của nhóm G5. Và sau đó khoảng dao động của tỷ giá hối đoái lại quá lớn và giá đồng yên được nâng tới mức kỷ lục, chẳng thực tế chút nào.
Quan điểm của tôi là, người Nhật chúng ta cần phải cứng rắn hơn về tỷ giá hối đoái và phải thẳng thắn khi xác định nguyên nhân của sự mất cân đối trong thương mại, chứ không phải cứ gật đầu và cố gắng tìm thêm các biện pháp mở rộng thị trường mà mọi người đều biết là không thể giải quyết được tình trạng mất cấn đối đó. Thái độ của Nhật Bản tại các cuộc thương lượng quốc tế là quá nhún nhường. Chúng ta hình như chưa từng ngẩng cao đầu và nói thẳng ra những điều chúng ta nghĩ.
Năm 1979, cùng với ông Nobuhiko Ushiba, cựu Bộ trưởng Ngoại giao, kiêm đại sứ tại Mỹ, nay đã quá cố, chúng tôi tiến hành một cuộc họp của Nhóm quan hệ kinh tế Mỹ – Nhật. Nhóm làm việc này có 8 công dân đại diện cho giới tư nhân và phía Mỹ do ông Robert Ingersoll, cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản dẫn đầu. Vào thời điểm đó, các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ đang nói về quy chế có đi có lại về thương mại. Một vài người đòi hỏi trong kinh doanh, những gì được cho phép ở Mỹ cũng cần phải được cho phép tại Nhật và ngược lại, và họ gọi như thế là có đi có lại. Quan điểm của chúng tôi về “Nhóm những người khôn ngoan” không thuộc hình thức có đi có lại mà sử dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa hai quốc gia. Quan điểm này đã thắng. Điều chúng tôi nói có nghĩa là tất cả người ngoại quốc trên đất Nhật đều có thể tham gia vào mọi hoạt động mà người Nhật được phép tham gia, và ở Mỹ, người Nhật cũng có thể làm những gì mà người Mỹ được phép làm.
Nhưng hầu hết những người Mỹ mà tôi quen biết đều tin rằng, do nước Mỹ có ít quy định hạn chế nhất nên Mỹ được quyền đặt ra tiêu chuẩn buộc các nước khác tuân theo. Tuy nhiên, tại cuộc họp nhóm làm việc, chúng tôi đã tuyên bố rằng cho phép người nước ngoài được hưởng những đặc quyền mà chính người Nhật cũng không được hưởng là một điều không thể chấp nhận được. Nguyên tắc có đi có lại sẽ có nghĩa là phải thay đổi luật trong nước để áp dụng những chế độ của nước ngoài có thể không phù hợp với nền văn hóa của chúng ta.
Trong bản báo cáo, chúng tôi đã nói rằng: “Các nhà thương thuyết của Nhật Bản cần phải mạnh mẽ hơn nữa để phản bác lại những chỉ trích của phía Mỹ một cách thẳng thừng hơn, với mục đích thu hẹp những hiểu lầm hoặc nhận thức sai của phía Mỹ về quan điểm của mình. Khi chính phủ Mỹ chỉ trích chính sách của Nhật Bản hoặc đưa ra những yêu cầu cụ thể, chính phủ Nhật Bản cần phải có những giải thích hợp lý về lập trường của mình và có những lý lẻ phản bác lại chứ không thể chỉ ngồi lặng im, tỏ ra đồng ý hoặc chỉ nói “không” một cách đơn giản”.
Tôi tin rằng tương lai của hệ thống thương mại thế giới phụ thuộc vào việc mở rộng chứ không phải việc hạn chế thương mại. Về mặt này, hiện nay nước Nhật đang tự đào mồ chôn mình. Nếu sự mất cân đối trong cán cân thương mại không thay đổi, phản ứng của các nước sẽ là yêu cầu áp dụng ngày càng nhiều các biện pháp hạn chế đối với hàng xuất khẩu của Nhật Bản. Chúng ta cần phải tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa của những vấn đề này, chứ không thể chỉ phản ứng trước những sự việc bề nổi. Tính cạnh tranh về công nghiệp của Mỹ cần phải được phục hồi. Chúng ta sẽ sớm đi tới thời điểm nước Mỹ có thể cần đến Nhật Bản và hàng xuất khẩu của Nhật ở mức độ tương đương hoặc cao hơn so với việc Nhật Bản cần đến thị trường Mỹ, do Mỹ đã mất đi ngành công nghiệp chế tạo của mình.
Một vài nhà phân tích của Mỹ đã nói Nhật Bản sẽ tiến chậm dần, rằng nước này đang mất đi tinh thần làm việc, v.v… Nhiều người Nhật, đặc biệt là những người hoài cổ, cũng cho rằng chúng ta đã mất đi ý thức trung thành, hay người dân Nhật Bản hiện nay chỉ làm việc đủ để kiếm tiền ăn chơi nhảy múa mà thôi. Tư duy của con người thay đổi theo thời gian, nhưng dù có những biến đổi tự nhiên giữa các thế hệ về mặt thái độ, đạo đức công việc của người Nhật vẫn tồn tại rất vững vàng.
Vị thế của nước Nhật trên trường quốc tế ngày càng trở nên mạnh mẽ và quan trọng, vì thế chúng ta không thể cứ sống lặng lẽ ở một góc trời để tự giải quyết những nhu cầu của riêng mình. Nếu chúng ta muốn nói một điều gì đó, hãy nói theo cách để đối phương hiểu rõ ý định của chúng ta. Chúng ta thực ra không quen với cách làm như vậy, mặc dù ngày nay chúng ta có trong tay nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng nếu chúng ta muốn có mối quan hệ thân thiện với láng giềng, chúng ta phải có cách làm khác trước. Chúng ta có những vấn đề đối với người Mỹ và những vấn đề này rất khó giải quyết vì người Mỹ tỏ ra quá dễ xúc động. Nhưng qua kinh nghiệm bản thân khi giao dịch với người Mỹ, tôi thấy nếu mình tỏ ra thẳng thắn, cởi mở và có sức thuyết phục thì họ sẽ lắng nghe và thậm chí có thể thay đổi ý kiến của họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.