Mạng Nhện Của Charlotte

CHƯƠNG 22: MỘT LÀN GIÓ ẤM



Và thế là Wilbur quay về đống phân khô ưa thích của chú ở tầng hầm sân kho. Chuyến hồi hương của chú thật lạ kỳ. Ở cổ chú có đeo một chiếc huy chương danh dự; trong mõm chú ngậm một bọc trứng nhện. Chẳng có nơi đâu như ở nhà cả, Wilbur nghĩ thầm trong khi chú thận trọng đặt năm trăm mười bốn đứa con chưa ra đời của Charlotte vào một góc an toàn. Sân kho tỏa ra mùi dễ chịu. Các bạn cừu và ngỗng của chú vui mừng thấy chú trở về. 

Đàn ngỗng đón mừng chú một cách ồn ào. 

– Xin chúc – chúc – chúc mừng! – Chúng kêu lên. – Việc ổn quá. 

Ông Zuckerman tháo huy chương ra khỏi cổ Wilbur và treo lên một cái đinh ở phía trên chuồng lợn, nơi khách tham quan có thể xem xét nó. Bản thân Wilbur có thể nhìn ngắm nó bất kì khi nào chú muốn. 

Trong những ngày sau đó, chú rất hạnh phúc. Chú to ra rất nhiều. Chú không còn lo bị làm thịt nữa, vì chú biết rằng ông Zuckerman sẽ nuôi chú suốt đời. Wilbur thường nghĩ đến Charlotte. Vài sợi tơ ở chiếc mạng cũ của cô vẫn còn chăng trên cửa. Hàng ngày Wilbur đứng nhìn chiếc mạng nhện rách trống không và cổ họng chú tắc nghẹn lại. Chẳng ai đã từng có một người bạn như vậy – Biết bao trìu mến, cực kỳ trung thành và rất đỗi tài hoa. 

Ngày mùa thu trở nên ngắn hơn, Wilbur mang bí đao và bí ngô từ ngoài vườn vào kho để chúng khỏi bị thui chột đi trong những đêm sương giá. Cây gỗ thích và gỗ bu lô ngả màu vàng úa, và khi gió lay động, chúng trút từng chiếc lá xuống đồng cỏ, những quả táo đỏ con con rụng đầy trên mặt đất. Cừu gặm táo, ngỗng cũng gặm táo và đêm đêm lũ cáo mò tới ngửi ngửi. Vào tối hôm trước đêm giáng sinh, tuyết bắt đầu rơi. Tuyết phủ khắp tòa nhà, sân kho, những cánh đồng và khắp rừng. Trước đó Wilbur chưa bao giờ trông thấy tuyết. Sáng ngày ra chú bèn ra khỏi chuông và đào những đống tuyết trên sân của chú cho vui. Fern và Avery kéo lê những chiếc xe trượt tuyết đến. Chúng trượt xuống đường hẻm và lao ra hồ băng ngoài đồng cỏ. 

– Trượt tuyết là niềm vui thú nhất trên đời. – Avery nói. 

– Niềm vui thú nhất, – Fern cãi lại, – là vòng đu quay dừng lại khi em và Henry đang ở trên khoang cao nhất và Henry làm cho khoang đu đưa và bọn em có thể nhìn thấy mọi thứ từ xa hàng dặm, hàng dặm và hàng dặm. 

– Trời đất, mày vẫn còn nghĩ về cái vòng đu quay cổ lỗ sĩ ấy à? – Avery nói vẻ khinh miệt. – Hội chợ đã tan từ bao nhiêu tuần rồi. 

– Em nghĩ về nó suốt, – Fern nhặt tuyết ra khỏi tai và nói. 

Sau lễ Giáng sinh, hàn thử biểu tụt xuống âm mười độ. Lạnh lẽo ngự trị trên địa cầu. Bãi cỏ buốt giá và hoang vắng. Giờ thì đàn bò suốt ngày ở trong nhà kho trừ những buổi sáng có nắng chúng ra đứng ngoài sân kho cạnh đụn rạ cho khuất gió. Lũ cừu thì chúng ăn tuyết. Bầy ngỗng quanh quẩn ở sân kho cái lối mà bọn con trai quanh quẩn ở hiệu thuốc, ông Zuckerman cho chúng ăn ngô và củ cải để làm cho chúng phấn khởi. 

– Cám ơn nhiều, nhiều, nhiều! – Chúng luôn luôn nói vậy khi thức ăn tới. 

Khi mùa đông đến Templeton chuyển vào trong. Cái hang gã chuột ở dưới máng lợn quá lạnh lẽo, vì thế gã làm cho mình một cái tổ ấm cúng trong nhà kho ở phía sau thùng gạo. Gã lót ổ bằng những mảnh báo bẩn thỉu và giẻ rách, rồi bất kì khi nào gã tìm thấy một món nữ trang rẻ tiền hay một thứ đồ lưu niệm, gã đều tha về tổ và cất giấu ở đó. Gã tiếp tục đến thăm Wilbur mỗi ngày ba bận, đúng vào bữa ăn và Wilbur giữ lời hứa. Wilbur để cho gã chuột ăn trước. Rồi khi Templeton không thể tọng thêm một miếng nào nữa thì Wilbur mới ăn. Kết quả của việc ăn uống quá độ là Templeton trở nên to và béo hơn bất kì một con chuột nào mà bạn từng thấy. Gã to kếch xù. Gã lớn bằng một con mác mốt con. 

Một hôm bác cừu già bảo gã về sự phì ra của gã. “Cậu sẽ sống lâu hơn, – bác cừu già nói, – nếu cậu ăn ít đi”. 

– Ai lại muốn sống mãi? – Gã chuột chế nhạo. – Tôi vốn là một kẻ phàm ăn và những thú vui đánh chén mang đến cho tôi sự mãn nguyện không thể kể xiết – Gã vỗ vào bụng, nhe răng cười với bác cừu và leo lên bác đi nằm. Suốt mùa đông Wilbur canh chừng bọc trứng của Charlotte như thể chú đang canh gác lũ con của chính mình. Chú đã lựa ra một chỗ đặc biệt trong đống phân cho bọc trứng, cạnh thanh gỗ rào. Vào những đêm lạnh giá, chú nằm sao cho hơi thở của mình sẽ sưởi ấm nó. Đối với Wilbur, chẳng có gì trên đời lại quan trọng bằng cái vật tròn nhỏ này – chẳng có gì khác có ý nghĩa cả. Chú kiên nhẫn đợi mùa đông qua đi và những chú nhện con ra đời. Cuộc sống luôn luôn là một thời kì ổn định và vui vẻ khi bạn đang chờ đợi một cái gì đó xảy ra hoặc nở ra. Cuối cùng thì mùa đông cũng đã trôi qua. 

– Hôm qua ta nghe thấy tiếng ếch nhái, – một buổi tối bác cừu già nói. – Hãy lắng tai! Giờ thì cháu có thể nghe thấy tiếng chúng đấy. 

Wilbur đứng im và vểnh tai lên. Từ ngoài hồ, tiếng hàng trăm chú ếch con vọng vào như một bản đồng ca inh tai. 

– Mùa xuân, – bác cừu già tư lự. – Lại một mùa xuân khác tới. 

Lúc cừu bỏ đi, Wilbur thấy một con cừu con theo sau. Nó mới ra đời cách đây vài tiếng đồng hồ. 

Tuyết tan ra và chảy đi. Các dòng suối và con mương róc rách, sủi tăm lên theo dòng nước xiết. Một chú chim sẻ với cái ức có vệt bay đến và hót ca. Ánh dương dài ra và ban mai đến sớm hơn. Hầu như ngày nào cũng có thêm một con cừu con mới ra đời trong chuồng cừu. Ngỗng cái đang nằm ấp chín quả trứng. Bầu trời dường như rộng ra và một làn gió ấm thổi về. Những sợi tơ cuối cùng ở chiếc mạng nhện cũ của Charlotte bị cuốn đi và biến mất. Vào một buổi sáng nắng đẹp, sau bữa điểm tâm, Wilbur đứng ngắm cái bọc quý giá của mình. Chú chẳng nghĩ ngợi mấy về điều gì. Khi đứng đó, chú nhận thấy rằng có cái gì đó đang chuyển động. Chú bước lại gần hơn và chăm chú nhìn. Một con nhện tí hon đang bò ra từ bọc. Nó không nhỉnh hơn một hạt cát, không nhỉnh hơn cái đầu của một cái đinh ghim. Thân nó màu xám, bên dưới có một sọc đen. Chân nó màu xám và nâu. Trông nó giống hệt Charlotte. 

Khi nhìn thấy nó toàn thân Wilbur run lên. Con nhện con vẫy vẫy chú. Rồi Wilbur nhìn gần hơn. Thêm hai con nhện nữa bò ra và vẫy vẫy. Chúng trèo quanh bọc trứng, thăm dò thế giới mới. Rồi ba con nhện tí hon nữa. Rồi tám con, rồi mười con. Cuối cùng thì lũ con của Charlotte đã ra đời. Tim Wilbur đập thình thịch. Chú bắt đầu kêu rống lên. Rồi chú bắt đầu chạy vòng quanh, đá tung đống phân khô lên không. Rồi chú lăn một vòng lưng. Rồi chú chổng hai chân trước và đi tới trước mặt của đàn con của Charlotte. 

– Xin chào nhé! – Chú nói. 

Con nhện đầu tiên chào lại, nhưng giọng nó nhỏ quá đến nỗi Wilbur chẳng nghe nổi. 

– Tôi là một người bạn cố tri của mẹ các cháu, – Wilbur nói. – Tôi rất vui được gặp các cháu. Các cháu ổn cả chứ? Mọi việc ổn cả chứ? 

Những con nhện tí hon vẫy chú bằng chân trước. Qua cách chúng hành động, Wilbur có thể thấy là chúng vui mừng được gặp chú. 

– Tôi có thể lấy cho các cháu cái gì không? Các cháu có cần gì không? 

Bọn nhện con chỉ vẫy vẫy. Trong vòng mấy ngày và mấy đêm, chúng bò chỗ này rồi chỗ kia, lên và xuống quanh quanh, quẩn quẩn, vẫy chào Wilbur, kéo lê những sợi tơ nhỏ li ti nhỏ ở đằng sau và thăm dò chỗ ở. Có tới hàng tá và hàng tá con. Wilbur không thể đếm nổi, nhưng chú biết rằng chú có thêm rất nhiều bạn mới. Chúng lớn nhanh như thổi. Chẳng mấy chốc mỗi con đã to bằng một viên đạn súng hơi. Chúng dệt những cái mạng nhện nhỏ xíu gần bọc trứng. Rồi đến một buổi tối yên ả, ông Zuckerman mở cánh cửa phía bắc ra. Một làn gió nhè nhẹ thổi qua tầng hầm sân kho – không gian tỏa ra mùi của đất ẩm, của rừng cây và của mùa xuân ngọt ngào, bầy nhện con cảm thấy gió ấm bốc lên. Một con leo lên đầu mút hàng rào. Rồi có một điều khiến cho Wilbur vô cùng sửng sốt. Con nhện chúc đầu xuống, chổng ngược cơ quan chăng tơ của nó lên không và nhả ra một đám mây lụa rất đẹp. Đám lụa hình thành một quả khinh khí cầu. Trong khi Wilbur đứng nhìn, con nhện nhảy ra khỏi hàng rào và bay lên không. 

– Tạm biệt! – Nó nói trong lúc bay qua cửa. 

– Đợi một phút đã! – Wilbur kêu lên. – Cháu định đi đâu vậy. 

Nhưng con nhện đã khuất dạng. Rồi một con nhện con khác bò lên đỉnh đầu hàng rào, chúc đầu xuống, làm thành một quả khinh khí cầu và bay đi. Rồi một con nhện khác. Rồi một con khác. Chẳng mấy chốc không gian đầy những quả khinh khí cầu bé tẹo, mỗi quả mạng theo một con nhện. 

Wilbur phát điên lên. Đàn con thơ của Charlotte đang biến dần đi nhiều.

– Quay trở lại, các con ơi! – Chú kêu to. 

– Tạm biệt! – Chúng chào. – Tạm biệt, tạm biệt nhé! 

Sau cùng một con nhện con đủ thời gian để dừng lại trò chuyện với Wilbur trước khi làm quả khinh khí cầu của mình. 

– Nhưng đi đâu cơ chứ? – Wilbur hỏi. 

– Bất kì nới nào gió đưa đến. Cao, thấp, gần, xa, đông, tây, nam, bắc. Tụi cháu bay theo gió và đi đây đó theo ý thích. 

– Chẳng lẽ các cháu đi hết tất cả ư? – Wilbur hỏi. – Các cháu không thể đi hết được. Tôi sẽ bị bỏ lại, không bạn bè. Mẹ của các cháu không muốn điều đó xảy ra đâu, tôi chắc chắn như vậy. 

Không gian lúc này đã kín đặc các nhà khinh khí cầu khiến cho tầng hầm sân kho trông gần giống như thể một màn sương mù tụ lại. Hàng tá khinh khí cầu bay lên, lượn vòng và bị cuốn qua cửa, bay đi theo gió nhẹ. Những tiếng kêu “tạm biệt, tạm biệt, tạm biệt!” thoảng vào tai Wilbur. Chú không chịu nổi việc đứng nhìn thêm nữa. Chú vật mình xuống đất và nhắm nghiền mắt lại, sầu muộn. Bị đàn con của Charlotte bỏ lại một mình giống như ngày tận thế. Wilbur khóc cho đến khi chú thiếp đi. 

Khi chú tỉnh dậy thì trời đã chiều tà. Chú nhìn bọc trứng. Nó rỗng không. Chú nhìn lên không trung. Các nhà khinh khí cầu đã ra đi. Rồi chú đờ đẫn đi tới cửa, nơi trước đây vẫn thường có chiếc mạng nhện của Charlotte. Chú đứng đó, đang nghĩ về cô thì chú nghe thấy một tiếng nói nhỏ. 

– Xin kính chào! – Giọng nói đó. – Cháu ở trên này. 

– Cháu cũng thế! – Giọng nói lí nhí thứ hai cất lên. 

– Cháu cũng thế! – Một giọng thứ ba nói. – Ba chúng cháu ở lại, bọn cháu thích chỗ này, và bọn cháu quý mến chú. 

Wilbur ngước lên. Trên vòm cửa có ba chiếc mạng nhện đang được chăng ra. Trên mỗi chiếc mạng là một cô con gái của Charlotte đang bận rộn làm việc. – Tôi có thể cho rằng điều này nghĩa là, -Wilbur nói, – các cháu dứt khoát sẽ ở lại tầng hầm sân kho này, và tôi sẽ có tới ba người bạn cơ ư? 

– Thật đấy chú ạ, – ba cô nhện nói. 

– Tên các cháu là gì vậy? – Wilbur run lên vì vui sướng hỏi. 

– Cháu sẽ cho chú biết tên, – cô bé nhện thứ nhất đáp, – nếu chú cho cháu biết vì sao chú lại run lên như thế. 

– Tôi run lên vì niềm vui, – Wilbur nói. 

– Thế thì tên cháu là Joy (niềm vui). – Cô bé nhện đầu tiên nói. 

– Chữ đầu tên đệm của mẹ cháu là gì? – Cô bé nhện thứ hai hỏi. 

– A. – Wilbur nói. 

– Thế thì cháu tên là Aranea. 

– Còn cháu thì sao? – Cô bé nhện thứ ba hỏi. – Chú lấy một cái tên hay dễ nhận thấy đặt cho cháu – một cái tên không dài quá, không kêu quá và không ngớ ngẩn quá được không? 

Wilbur nghĩ rất lung. 

– Nellie? – Chú gợi ý. 

– Được rồi, cháu rất thích, – cô nhện thứ ba nói. – Chú có thể gọi cháu là Nellie. – Cô bé duyên dáng buộc sợi tơ của mình theo hình cầu vào nấc bên cạnh của chiếc mạng. 

Trái tim Wilbur ngập tràn hạnh phúc. Chú cảm thấy rằng chú nên có một bài diễn văn ngắn nhân dịp rất quan trọng này. 

– Joy! Aranea! Nellie! – Chú bắt đầu. – Xin chào mừng các cháu đến tầng hầm sân kho. Các cháu đã chọn cái khung cửa thiêng liêng này để chăng mạng nhện của các cháu. Tôi nghĩ các cháu nên biết rằng tôi sẽ xin hết lòng tận tâm với mẹ của các cháu. Tôi nợ cô ấy chính cuộc đời của tôi. Cô ấy thật tài giỏi, xinh đẹp và trung thành cho đến phút chót. Tôi luôn trân trọng những kỉ niệm về cô ấy. Với các cháu, những đứa con gái của cô ấy, tôi nguyện sẽ là người bạn mãi mãi và mãi mãi. 

– Cháu nguyện dâng tình bạn của cháu. – Joy nói. 

– Cháu cũng vậy, – Aranea nói. 

– Và cả cháu nữa, – Nellie vừa cố tóm được một con muỗi mắt bé, vừa nói. Hôm đó là một ngày hạnh phúc đối với Wilbur. Và rất nhiều ngày hạnh phúc thanh bình lại nối tiếp. 

Thời gian trôi đi, năm qua tháng lại, không bao giờ chú thiếu bạn cả. Fern không còn đến sân kho đều đặn như trước nữa. Cô đã lớn và thận trọng tránh những trò ngây ngô trẻ con như ngồi trên một cái ghế vắt sữa gần chuồng lợn chẳng hạn. Nhưng các con, cháu và chắt của Charlotte năm này qua năm khác sinh sôi ở khung cửa. Mỗi độ xuân về lại có thêm nhện con mới nở chiếm chỗ của các con cũ. Phần lớn chúng bay đi trên những quá khinh khí cầu. Nhưng luôn luôn có hai hoặc ba con ở lại quản lí gia đình trên khung cửa. 

Suốt quãng đời còn lại của mình, Wilbur được ông Zuckerman chăm sóc tử tế, và luôn luôn có bạn bè và những người hâm mộ đến thăm chú, bởi vì không ai có thể quên được năm tháng vinh quang của chú và điều kì diệu của chiếc mạng nhện. Cuộc sống ở sân kho thật dễ chịu. Ngày cũng như đêm, mùa đông cũng như mùa hạ, mùa xuân cũng như mùa thu, những ngày ảm đạm cũng như ngày tươi sáng. 

Đây là chốn tuyệt nhất, Wilbur thầm nghĩ, với tầng hầm ấm áp khoan khoái này, với các cô nàng ngỗng lắm mồm, với các mùa thay đổi, với cái nóng nực của mặt trời, những chú chim én di trú, với thói chi li của lũ chuột, nét đơn điệu của bầy cừu, với tình thương mến của đàn nhện, mùi phân khô và với niềm hạnh phúc trong mọi điều. 

Wilbur không bao giờ quên được Charlotte. Mặc dù chú rất thương yêu đàn con và lũ cháu của cô, không một con nhện mới nào có thể chiếm hẳn được vị trí của cô trong tim chú. Cô tuyệt vời hơn cả. Không mấy người khi có người nào vừa là một người bạn chân tình đồng thời là một nhà văn tài năng. Charlotte là cả hai điều đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.