Mạnh Hơn Sợ Hãi

PHẦN MỞ ĐẦU



Sân bay Bombay, ngày 23 tháng Giêng năm 1966, 3 giờ sáng. Những hành khách cuối cùng đáp chuyến bay Air India 101 đang qua đường băng và lên cầu thang dẫn vào chiếc máy bay Boeing 707. Trong phòng chờ vắng vẻ, hai người đàn ông đứng kề nhau quay mặt nhìn ra vách kính.
– Có gì trong phong bì này?
– Tôi muốn ông không biết gì thì hơn.
– Tôi phải trao lại nó cho ai?
– Đến sân bay trung chuyển ở Genève, ông hãy tới uống chút gì đó tại quầy bar, một người đàn ông sẽ lại gần và đề nghị mời ông một cốc gin-tonic.
– Tôi không dùng đồ uống có cồn, thưa ông.
– Thế thì ông đành phải nhìn cái cốc thôi vậy. Người kia sẽ xưng danh là Arnold Knopf. Phần còn lại thì chỉ cần kín đáo là được và tôi biết ông được thiên phú phẩm chất này.
– Tôi không thích bị ông lợi dụng vào những chuyện làm vặt vãnh của ông.
– Ai đã khiến ông hiểu rằng đây là chuyện làm ăn vặt vãnh vậy, Adesh thân mến?
George Ashton nói với giọng không vừa ý.
– Thôi được, nhưng sau chuyến này, chúng ta đường ai nấy đi, đây là lần cuối cùng các ông được dùng hành lý ngoại giao của Ấn Độ vào những mục đích cá nhân.
– Chúng ta sẽ đường ai nấy đi khi nào tôi quyết định làm như vậy. Còn để ông liệu cách xử sự, thì chẳng có gì gọi là cá nhân trong các việc mà tôi yêu cầu ông hoàn thành. Đừng có để lỡ chuyến bay của ông, tôi sẽ bị khiển trách nặng nề nếu còn làm chậm trễ chuyến bay này thêm nữa. Hãy tranh thủ thời gian bay để nghỉ ngơi một chút, tôi thấy ông có vẻ mệt mỏi. Vài ngày tới ông sẽ phải tham dự cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại New York. Ông thật may mắn đó, tôi giờ chẳng thể xơi nổi đồ ăn của nước ông nữa rồi, có những đêm tôi còn mơ được ăn một chiếc xúc xích tuyệt ngon trên đại lộ Madison. Ông hãy ăn thêm một chiếc cho phần tôi nhé.
– Tôi không ăn thịt lợn, thưa ông.
– Ông làm tôi bực mình rồi đấy, Adesh, nhưng dù sao cũng chúc ông một chuyến đi may mắn.
Adesh Shamal sẽ không bao giờ gặp được người cần gặp ở quầy bar sân bay Genève. Sau chặng trung chuyển tại Delhi rồi Beyrouth, máy bay cất cánh trở lại vào 3 giờ sáng. Một trong hai thiết bị định vị vô tuyến của máy bay đã bị hỏng.
6 giờ 58 phút 54 giây, viên cơ trưởng nhận được tín hiệu từ trung tâm kiểm soát không lưu khu vực Genève cho phép hạ mức bay xuống FL 190 sau khi vượt dãy Mont-Blanc.
7 giờ 00 phút 43 giây, cơ trưởng D’Souza thông báo đã vượt qua dãy Mont-Blanc và bắt đầu hạ độ cao theo hướng Genève. Nhân viên kiểm soát phản hồi ngay lập tức với anh ta rằng vị trí máy bay bị sai và rằng họ vẫn còn cách dãy Mont-Blanc tới năm dặm. Cơ trưởng D’Souza báo nhận được lời truyền đạt vào 7 giờ 01 phút 06 giây.
7 giờ 02 phút 00 giây, sáng 24 tháng Giêng 1966, tín hiệu radar từ chuyến bay Air India 101 đánh dấu một vị trí cố định trong vòng một phút trước khi biến mất trên màn hình của nhân viên kiểm soát không lưu.
Chiếc Boeing 707 có tên gọi Kanchenjunga vừa đâm vào vách đá của mỏm Tournette, ở độ cao 4.670 mét. Không ai trong số 11 thành viên phi hành đoàn cùng 106 hành khách sống sót sau vụ va chạm.
Mười sáu năm sau vụ rơi chiếc Malabar Princess, chiếc máy bay thứ hai của hãng hàng không Air India tan xác trên núi Mont-Blanc tại cùng một vị trí.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.