Mắt Biếc

Chương 26



Rừng Sim mùa xuân phủ đầy lộc non. Ngó chung quanh, toàn một màu tơ biếc. Tôi và Hà Lan vứt xe ngoài bìa rừng, bên cạnh những chiếc khác, rồi thong thả len qua những bụi sim lá nõn, lốm đốm hoa tím. Tôi tháo cây đàn quàng trên vai xuống, cầm trên tay, chân dọ dẫm trên lối mòn đầy sỏi . Tôi đi trước mở đường, Hà Lan thơ thẩn bước theo sau, tay không quên hái những chiếc lá non ngậm trên miệng.

Ngoảnh lại, thấy chiếc lá đậu hững hờ trên môi Hà Lan, tôi cười:

– Hà Lan có nhớ năm nào Hà Lan ăn trâm tím cả miệng không?

– Nhớ.

Tôi chọc:

– Lát nữa, tôi lại trèo lên cây hái trâm cho Hà Lan nghen !

– Thôi đi !

Hà Lan tỏ vẻ giận dỗi . Tôi biết nó giả vờ nhưng tôi không nói gì, lại rảo bước.

Cùng dạo chơi trong rừng với tôi và Hà Lan hôm nay, còn biết bao nhiêu đứa khác. Nhưng đi suốt một đỗi dài, chúng tôi chẳng gặp ai . Con người nhỏ bé, rừng nuốt chửng tất cả. Thỉnh thoảng, tôi nhác thấy một tà áo dài thấp thoáng đâu đó sau rặng lá xanh, rồi biến mất, rồi lại bất chợt hiện ra .

Mùa xuân, cây cỏ tốt tươi, không khí dịu dàng và trong trẻo . Tôi đi bên cạnh Hà Lan, lòng bồng bềnh, hệt như Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai . Tôi thấy tôi chẳng giống chút nào với tôi trước đây, khi tôi cùng với ba tôi vào rừng sim. Bây giờ tôi chẳng buồn hái sim nữa . Tôi cũng chẳng tìm bông dủ dẻ. Tôi chẳng hái chà là. Tôi đi, thơ thẩn và bồi hồi, đầu óc trong veo, không chứa một ý nghĩ nào rõ rệt.

Chúng tôi đi lặng lẽ bên nhau, mắt bâng quơ nhìn trời ngắm đất, chẳng mất chốc đã xuyên qua mé rừng bên kia . Chúng tôi ngồi xuống một tảng đá phẳng và vuông vức dưới gốc bàng bìa rừng. Trước mặt là một cánh đồng cỏ xanh rì, chạy thoai thoải, đổ xuống thung lũng nằm khuất bên kia gò. D-ó là bãi bóng của trai làng tôi sau những vụ mùa . Nhiều măm về trước, mỗi khi có trận đá bóng, bọn nhóc tì chúng tôi thường được người lớn dắt theo để vừa làm khán giả vừa làm kẻ nhặt bóng. Chúng tôi đứng bao quanh bãi cỏ xem đá bóng, miệng không ngớt hò reo trong khi lòng hồi hộp chờ trái bóng bất ngờ văng ra xa để ba chân bốn cẳng đuổi theo . Có khi trái bóng văng tuốt xuống thung lũng, chạy xuống nhặt lên mệt muốn chết, vậy mà bọn nhóc chúng tôi cứ tranh nhau đi nhặt, lắm lúc phải sử dụng đến những quả đấm và trò ngáng cẳng, chỉ để được ôm trái bóng chạy lên sát bãi cỏ, có chân đá một cái cho trái bóng bay về phía các người lớn, mặt mày rạng rỡ như vừa làm được một kỳ công.

Bây giờ tôi đã lớn, chẳng còn ham thích trò nhặt bóng gian khổ kia nữa nhưng hình ảnh quen thuộc của bãi cỏ khiến lòng tôi dậy lên bao kỷ niệm và cảm thấy nao nao .
Thấy tôi ngồi hóa đá, Hà Lan hỏi:

– Làm gì Ngạn có vẻ thẫn thờ vậy ?

– Tôi nhớ ngày xưa .

– Ngày xưa sao ?

– Ngày xưa tôi thường chạy nhặt bóng, – và tôi chỉ tay ra trước mặt – trên bãi cỏ này nè !

– Nhặt bóng mà cũng nhớ !

– Nhớ chứ ! – Rồi tôi nói thêm một cách ngô nghê – Nhặt cái gì cũng nhớ hết !

Hà Lan tròn mắt:

– Ngạn còn nhặt cái gì nữa ? Tôi ngó lơ chỗ khác, nói:

– Như nhặt… thị chẳng hạn.

Nghe tôi nhắc chuyện cũ, Hà Lan cười khúc khích. Nó hỏi:

– Ngạn còn nhớ gì nữa không ?

Hà Lan hỏi vậy khác nào xúi tôi . Tôi muốn nói “nhớ Hà Lan” vô cùng. Tôi nhớ lời dùi Xuân Diệu “phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần”. Nhưng tôi không đủ can đảm. Tôi chỉ nói:

– Tôi nhớ … đủ thứ. Những gì đã xảy ra trong đời tôi, tôi đều nhớ.

Khi nói như vậy, tôi hy vọng Hà Lan thừa thông minh để hiểu ý tứ của tôi . Không biết nó có hiểu không, mà nó nói:

– Ngạn hát cho Hà Lan nghe đi ! Tôi so dây đàn, hỏi:

– Hà Lan muốn nghe bản gì ?

– Bản “Có một ngày như thế” của Cung Tiến.

Tại sao quỷ không tha ma không bắt ông Cung Tiến này đi giùm tôi ! Tôi bấm bụng hát, bâng khuâng và sầu muộn. Hà Lan ngồi nghe, say sưa, mơ màng, tóc xõa tung trong gió. Ngồi giữa rừng xanh hoa tím, Hà Lan bỗng đẹp thần sầu . Nhưng tôi không nhìn nó. Trong khi hát, tôi nhìn lên bầu trời, dõi theo những cụm mây trắng đang lững lờ trôi cuối chân trời xa và thấy tâm hồn mình như đang phiêu dạt.

Hết nhạc Cung Tiến, tôi hát nhạc D-oàn Chuẩn. Toàn của giả. Nhưng tôi đã thôi buồn. Khi lời ca cất lên, tôi như thấy tình yêu đang vỗ cánh. Tôi trải lòng ra với thiên nhiên như chàng Trương Chi đa tình trải lòng mình trên sóng nước, tự dưng cảm thấy được an ủi rất nhiều . Mỵ Nương bó gối ngồi nghe, không nói một lời .

D-ến khi tôi hát bản “Thà như ngày thơ ấu”, bản này tôi chưa hát cho Hà Lan nghe lần nào, thì Hà Lan chợt hỏi:

– Bản nhạc này Ngạn sáng tác phải không ?

Câu hỏi đột ngột và thẳng thừng khiến tôi ngớ người ra . Nếu Hà Lan hỏi như trước đây tôi vẫn trả lời .

Của Phạm D-ình Chương. Của Trịnh công Sơn. Hay của một nhạc sĩ xa xôi nào đó. D-ằng này, nó đột nhiên thay đổi câu hỏi . Tôi buộc phải thay đổi câu trả lời . Tôi gật đầu . Và lòng bối rối ghê gớm.
Hà Lan bỗng dưng buột miệng khen:

– Ngạn làm nhạc hay ghê !

Tôi sững sờ, và cảm thấy sung sướng đến lịm người . Tôi không chờ đợi điều đó. Tôi chỉ mơ ước đến một ngày nào Hà Lan hiểu ra những bản nhạc tôi hát chính là những bản nhạc tôi đã thức trắng đêm để viết ra, cho nó và vì nó. Bây giờ không những nó biết tôi viết bản “Thà như ngày thơ ấu”, nó còn khen hay . Tôi cao hứng quên phéng cả rụt rè, bộp chộp khoe:

– Những bản nhạc tôi chép cho Hà Lan trước đây cũng đều do tôi sáng tác.

Nói xong điều thầm kín bấy lâu, tự nhiên tôi đâm ra ngượng ngùng và vội vã nhìn xuống đất. Tôi càng choáng váng hơn nữa khi vẳng bên tai tôi giọng nói tỉnh khô của Hà Lan:
– Hà Lan biết điều đó từ lâu rồi !

Mặt đất dưới chân tôi tự dưng nghiêng hẳn đi . Nó đang quay . Tôi lập tức nhắm mắt lại . Và hiểu rằng những khó khăn của cuộc sống vừa mới đi qua .


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.