Mặt dày tâm đen

Chương 8: Dối trá mà không lừa lọc



“Phương tiện và mục đích là những thuật ngữ có thể hoán đổi trong triết lý về cuộc sống của tôi.”

– Mahatma Gandhi.

Từ Dối trá thường mang ý nghĩa tiêu cực theo những quan niệm tôn giáo của phương Tây về cái thiện và cái ác. Theo quan niệm phương Đông, thực tế cuộc sống trải rộng qua nhiều sắc độ xám. Hiếm khi nào thực tế cuộc sống chỉ có màu đen hay trắng. Tương tự như thế, chúng ta ít thấy người nào đó hoàn toàn trong trắng không vương chút ý nghĩ tội lỗi, hay một người thối nát đến tận xương tủy và không còn một chút lương thiện.

Sự dối trá, đối với người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen, là một công cụ được sử dụng để có được những lợi thế cần thiết. Tội lỗi không nằm trong bản thân sự dối trá mà ở người sử dụng và cách sử dụng. Trong cuốn sách Điều người ta không dạy bạn ở Trường kinh doanh Harvard của Mark H. McCormark, ông viết trong chương về đàm phán: “Mưu mẹo trong đàm phán là nói và làm những gì dập tắt những nhận thức quá gần với sự thật trong khi khích lệ những nhận thức khác xa sự thật nhất.”

Cuốn sách hai nghìn năm tuổi về chiến thuật quân sự Trung Hoa, Binh pháp Tôn Tử, là một cuốn hướng dẫn về cách dối trá. Tôn Tử viết: “Chiến tranh là một trò chơi dối trá… Nếu ta giỏi và mạnh thì ta giả vờ tỏ ra yếu kém và yếu… Khi quân ta đã sẵn sàng tấn công, ta phải tạo ra ấn tượng là ta sẽ không tấn công…”

Một thân chủ người Mỹ nói với tôi: “So với người châu Á, chúng tôi không giỏi dùng sự dối trá lắm. Chúng tôi từ chối xác nhận rằng chúng tôi có dùng đến nó, vì làm như thế sẽ trái ngược dữ dội với hệ thống niềm tin trong văn hóa của chúng tôi. Mặc dù con người trong nền văn hóa phương Tây cự tuyệt ý tưởng về sự dối trá, trong thực tế chúng tôi không thể tránh được nó.” Trong khi những người phương Tây thực hiện chuyện dối trá, giả vờ như họ không làm thế, con người châu Á chấp nhận thực tế về chuyện dối trá như một yếu tố quan trọng trong đời sống hằng ngày. Họ viết sách và tôn vinh việc nghiên cứu về nghệ thuật dối trá.

Tính hữu dụng của sự dối trá

Khi mỗi con người chúng ta tìm kiếm những con người và điều kiện có thể có lợi cho sự tồn tại của mình, đôi khi hầu như không thể hoàn thành một mục tiêu lớn hơn và cao cả hơn mà không sử dụng sự dối trá ở mức độ nào đó. Tổng thống vĩ đại nhất của chúng tôi, Abraham Lincohn, đã hiểu tinh thần của Mặt Dày, Tâm Đen: nghệ thuật dối trá tinh tế mà không lừa lọc.

Trong giai đoạn chính trị ban đầu chưa vững vàng của Abraham Lincohn, ông không bao giờ bảy tỏ công khai ý định giải phóng nô lệ và làm cho họ trở thành bình đẳng. Lập trường của ông là theo ý kiến đa số, ý kiến này đề nghị phân biệt đối xử với người da đen sau khi họ được giải phóng.

Sau một chiến thắng quyết định, Abraham Lincohn đã đọc bài diễn văn Gettyburg nổi tiếng, trong đó ông từ bỏ lập trường phân biệt đối xử và tuyên bố rõ ràng rằng tất cả mọi người sinh ra bình đẳng.

Abraham Lincohn không thể nói một cách tự do trong những thời kỳ đầu của sự nghiệp chính trị của ông. Ông phải sử dụng sự dối trá để bảo đảm có được những lá phiếu cần thiết để giành chức tổng thống – chỉ sau đó ông mới có thể làm điều tốt hơn cho những người da đen trong việc giải phóng họ khỏi những xiềng xích không thể chịu đựng nổi của chế độ nô lệ và sự bất bình đẳng.

Tạo nên ảo ảnh về tính hữu dụng

Trong hàng ngàn năm, những bậc thầy Trung Hoa thực hành Mặt Dày, Tâm Đen đã ghi chép lại những phương pháp khác nhau để tạo ra “miếng mồi” hấp dẫn nhằm thúc đẩy đối phương hành động theo những dự định bí mật của họ.

Con sâu thì lộ ra, nhưng lưỡi câu không thấy đâu. Cái vẻ bề ngoài lôi cuốn ta, nhưng cái được che giấu sẽ tóm lấy ta.

Theo cách tương tự, khi bạn muốn thúc đẩy người khác tham gia với bạn trong công việc cá nhân, bạn cũng cần tạo một miếng mồi hấp dẫn. Bạn phải làm cho những lợi ích trông thật rõ ràng để hấp dẫn những người tham dự mong muốn. Nếu bạn không thể tìm thấy lợi ích chính đáng thì tạo ra một ảo ảnh như thế. Áp dụng nguyên tắc này, bạn sẽ có thể lôi kéo đối tác tiềm năng tham gia cùng bạn. Với thời gian, những lợi ích sẽ thực sự trở thành hiện thực cho cả hai. Sau đây là một câu chuyện như thế.

Dối trá mà không lừa lọc

Hạt cỏ là một mặt hàng công nghiệp rất quan trọng ở Oregon. Bang này cung cấp gần 70% hạt cỏ mùa lạnh cho nước Mỹ và đáp ứng gần 50% nhu cầu hạt cỏ của thế giới. Các công ty kinh doanh hạt cỏ ở Oregon đã luôn luôn nghĩ đến việc bán hạt cỏ sang Trung Quốc. Vấn đề là những người trồng cỏ ở Oregon quyết tâm bán hàng cho người Trung Quốc bao nhiêu thì người Trung Quốc cũng quyết tâm không mua bấy nhiêu. Từ đầu thập niên 1980, Hiệp hội buôn bán các loại hạt Hoa Kỳ đã giới thiệu hạt cỏ với một thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc, chỉ để được một chữ dứt khoát “Không”! Thực sự là, xét đến quan niệm về cỏ của người Trung Quốc, lời đề nghị đó có vẻ lố bịch. Nó cũng tương tự như việc bán tủ lạnh cho người Eskimo.

Trong tiếng Hoa, từ cỏ thường được dùng trong phép ẩn dụ với hàm ý miệt thị. Một người ngu Trung Quốc được bảo là mang một bình cỏ giữa hai tai. Người Trung Quốc không bao giờ trồng cỏ để trang trí. Người Trung Quốc coi cỏ là loài cây dại và ý tưởng của họ về làm đẹp quan cảnh là nhổ hết cỏ đi chứ không phải là trồng cỏ. Khách hàng tôi khi muốn cố gắng bán hạt cỏ cho người Trung Quốc vào đầu những năm 1980, đang làm cái việc đề nghị tiêu những đồng ngoại tệ quý bàu cho việc mua cỏ để mất công nhổ và quăng đi! Người Trung Quốc coi ý tưởng mua hạt cỏ như một câu chuyện vô cùng tếu táo.

Tuy nhiên, vào năm 1986, tôi đã có khách hàng là một công ty kinh doanh hạt cỏ. Dường như khó có thể làm được điều gì, tôi nghĩ, nhưng nếu có bất cứ điều gì có thể làm được thì tôi sẽ làm được.

Tôi đến Trung Quốc và trình bày một bức tranh hấp dẫn cho chính phủ Trung Quốc, phác họa những lợi ích lớn lao cho họ và mô tả những người Mỹ như những kẻ khờ khạo. Vì các quan chức Trung Quốc luôn mang một tư tưởng chung rằng những người ngoại quốc thật khờ khạo, bản thuyết trình của tôi được đón nhận một cách thuận lợi.

Tôi nói với người Trung Quốc rằng công ty Mỹ đang tìm một nguồn sản xuất giá rẻ. Công ty Mỹ muốn hạt cỏ được trồng ở Trung Quốc, và sẽ mua lại với giá tương tự như giá họ đang mua của nông dân Mỹ. Theo cách này, dự án sẽ tạo cho chính phủ Trung Quốc cơ hội để kiếm nguồn ngoại tệ đang rất cần. Tôi được chào đón rất thân thiết và được đối xử như một bà hoàng.

Tôi biết Trung Quốc không thể sản xuất hạt cỏ có chất lượng với chi phí hợp lý, xét đến điều kiện thời tiết và các phương pháp canh nông. Để bán trở lại Mỹ với những điều kiện tương tự các nông dân Mỹ, Trung Quốc sẽ bị lỗ.

Khi người Trung Quốc hăng hái bắt tay vào việc sản xuất cỏ, tôi bắt đầu thường xuyên đến thăm Trung Quốc. Đi cùng với các chuyên gia kỹ thuật Mỹ, tôi dạy người Trung Quốc những kỹ năng sản xuất cần thiết và cố vấn cho họ về những lợi ích của hạt cỏ và làm thế nào để duy trì một thảm cỏ xanh mát mắt.

Vài năm sau, người Trung Quốc bắt đầu ngưng sản xuất hạt cỏ Mỹ vì nó quá tốn kém đối với họ. Tuy nhiên, trong quá trình đó, họ bắt đầu biết được giá trị của hạt cỏ Mỹ. Họ bắt đầu mua trực tiếp từ công ty khách hàng của tôi.

Như tôi đã tiên liệu từ đầu, tiện ích và vẻ đẹp của sản phẩm Mỹ đó không bị quên lãng bởi những người Trung Quốc, nước chủ nhà của Á vận hội 1990. Với bảy nghìn vận động viên tranh tài trước sự chứng kiến của hàng nghìn phương tiện truyền thông quốc tế và hàng trăm nghìn khán giả, sự kiện này trở thành một cuộc trình diễn cho nước Trung Quốc hiện đại. Họ đã dùng loại hạt cỏ Mỹ tốt hơn trong các sân vận động làng Olimpic, và đó là một thành công rực rỡ.

Sau thành công của Á vận hội, hạt cỏ Mỹ nhập khẩu trở thành một mặt hàng sốt nhất và được đặt hàng với giá tới năm đô la một pao cho tình hình cung cầu (loại hạt cỏ như thế được bán chưa tới một đô la một pao ở Mỹ). Mặc dù thu nhập bình quân một tháng của một công nhân Trung Quốc là 25 USD, các thảm cỏ bắt đầu nở rộ ở các địa điểm công cộng. Người Trung Quốc bây giờ đã thấy những thảm cỏ màu xanh ngọc dày mượt là đẹp mắt thay vì không ưa thích. Giờ đây các thảm cỏ Mỹ thậm chí đã mọc trong sân của vườn thượng uyển cổ kính của Bắc Kinh, nơi hiện đang là nhà ở và nơi làm việc của các quan chức cao cấp nhất Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình và cả tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Trong việc này, cả người Trung Quốc và khách hàng Mỹ của tôi đều đã được lợi từ việc dối trá của tôi khi tạo ra ảo ảnh cần thiết.

Nguyên tắc hữu dụng

Mặc dù chúng ta coi mình là văn minh và rèn luyện bản thân để cư xử với sự nhã nhặn và lịch sự, sau khi tháo bỏ vẻ ngoài giả tạo này chúng ta thấy mình bị thúc đẩy bởi nhu cầu tự vệ, giống như tất cả các sinh vật. Mọi điều ta làm bị ảnh hưởng bởi bản năng này.

Lấy ví dụ, chế độ hôn nhân thường bị buộc bởi nguyên tắc hữu dụng này. Người chồng và người vợ tạo ra một môi trường nuôi dưỡng người kia. Họ phụ thuộc vào nhau trong sự hỗ trợ về cảm xúc, tinh thần và tài chính. Nếu hai người không còn cảm thấy tình yêu và sự âu yếm, họ sẽ còn ở bên nhau chừng nào việc sống chung có nhiều lợi ích hơn là chia tay. Những lợi ích này có thể là sự đảm bảo về tài chính, lợi ích của con cái hay là địa vị xã hội. Những lý do để giữ một cuộc hôn nhân đã chết có vô số, nhưng động cơ thì chỉ có một: bản năng tự vệ. Khi một người đàn ông và một người phụ nữ không còn thu được lợi ích nào từ mối quan hệ của họ, họ chia tay nhau.

Quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng không thể thoát khỏi quy luật này. Những người mẹ sẽ không thể yêu thương con cái họ nếu Thượng đế đã không gieo trồng tình yêu đó trong họ. Cha mẹ cảm nhận được sự nuôi dưỡng chính bản thân trong lúc nuôi dưỡng con cái họ một cách vô điều kiện.

Một số bậc cha mẹ không coi con cái như một nguồn yêu thương, thay vào đó họ thấy chúng là một gánh nặng: sử dụng con cái như đối tượng của những thất vọng của họ trong đời bằng việc hành hạ chúng về thể xác, tinh thần và cảm xúc.

Đứa trẻ được nuôi dưỡng ở với cha mẹ nuôi dưỡng nó vì tình yêu thương của họ đối với nhau. Tình yêu họ cảm thấy bên trong mình giống như cơn mưa phùn mùa xuân, làm dịu và nuôi dưỡng trái tim người kia.

Những đứa trẻ bị hành hạ ở với cha mẹ chúng vì bản năng tồn tại. Ngay cả những bậc cha mẹ tồi tệ cũng rất cần thiết cho sự tồn tại về thể chất của bọn trẻ. Tuy nhiên, bọn trẻ bỏ đi khi sự đau đớn trở nên không thể chịu đựng nổi.

Nguyên tắc hữu dụng thống trị mọi việc chúng ta làm; chúng ta thực hiện nguyên tắc hữu dụng để hỗ trợ sự tồn tại của ta. Ngay cả khi chúng ta làm những việc không vì bản thân mà vì người khác, chúng ta luôn luôn được lợi ngang với hay nhiều hơn người nhận.

Trong thế giới kinh doanh, chúng ta dành thời gian cho những ai có thể hoặc sẽ cải thiện địa vị xã hội hay tài chính của chúng ta. Nếu một mối quan hệ không có lợi ích chung, chúng ta sẽ dành cho nó rất ít thời gian.

Gần đây, khi bàn luận về nguyên tắc hữu dụng này với một người bạn, anh ấy hỏi tôi: “Không phải điều này rất tiêu cực sao, khi bạn đồng nhất con người với những đặc tính này?”

Tôi đã trả lời: “Không, nếu tôi bảo anh rằng nếu anh cho tay vào lửa anh sẽ bị bỏng, hoặc nếu anh không biết bơi và muốn nhảy xuống biển thì anh sẽ chết đuối, điều đó có khiến tôi xấu xa không? Sẽ là sai trái chăng khi tôi báo cho anh biết bản chất của sự vật? Tôi không tin sẽ là tốt đẹp khi cứ khăng khăng không chịu biết bản chất con người.”

Sự hỗ trợ vô điều kiện

Khoảng hai nghìn bảy trăm năm trước ở Trung Quốc, có một người dòng dõi khanh tướng họ Quản, tên Trọng, vương quốc của tổ tiên ông đã bị tiêu diệt trước khi ông sinh ra. Gia đình ông đã chạy trốn đến nước làng giềng Tề và rơi xuống tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Một học giả giàu có họ Bảo tên Thúc Nha có dòng dõi vương thất đã nhận ra trí tuệ của Quản Trọng và kết bạn với ông. Gia đình Quản Trọng nghèo đến mức ông thậm chí không đủ ăn, khi Bảo Thúc Nha cấp vốn cho một thương vụ của Quản Trọng, Quản Trọng đã dùng tiền chi tiêu cho bản thân. Bảo bênh vực Quản rằng: “Quản quá nghèo và nuôi mẹ già nên rất cần tiền. Anh ta không bao giờ có ý định xấu.” Không bao lâu cả hai trở thành đề tài đàm tiếu trong nước. Người ta cười nhạo Bảo là ngu ngốc và Quản là vô ơn.

Ba lần Quản bị kẻ thù thách đấu, cả ba lần anh ta đều bỏ chạy. Bảo biện minh cho sự hèn nhát của anh ta rằng: “Quản có mẹ già ở nhà. Sẽ là bất hiếu nếu anh ta đưa mình vào chỗ chết!” Khi Bảo được cử làm tể tướng, ông từ chối và tiến cử Quản.

Quản Trọng đã chứng tỏ ông là một trong những vị tể tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, không có sự hỗ trợ vô điều kiện và sự tin tưởng của Bảo Thúc Nha, cả Quản Trọng và đất nước Trung Quốc sẽ chịu mất mát. Khổng Tử luận rằng: “Không có sự cai quản tài trí của Quản Trọng, nền văn minh Trung Quốc đã bị tan rã vào thời kỳ đó.”

Phần lớn cuộc đời mình, tôi đã tuân theo nguyên tắc hỗ trợ vô điều kiện theo gương Quản Trọng và Bảo Thúc Nha. Qua kinh nghiệm cuộc sống, tôi nhận ra quan hệ giữa Quản Trọng và Bảo Thúc Nha là một ngoại lệ hơn là một quy luật. Mối quan hệ phổ biến của con người thông thường có một luật lệ khác.

Lợi ích đôi bên

“Khi lợi ích là cho cả đôi bên thì sẽ có sự hợp tác.

Sự hợp tác giữa đôi bên tạo ra lợi ích.

Và từ đó dẫn đến tình cảm quý mến.”

– Thái Công.

Thái Công sống vào khoảng ba nghìn một trăm năm trước, vào thời đó ông đã viết văn bản về quân sự đầu tiên trên thế giới. Triết lý của ông về sau được ứng dụng bởi vô số các chiến lược gia quân sự Trung Quốc; ngay cả cuốn Binh pháp Tôn Tử rất được ca ngợi cũng dựa trên tác phẩm của ông. Chiến thuật quân sự của ông không chỉ dựa trên việc thao luyện và bày trận, mà là vào sự hiểu biết bản chất con người. Qua những quan sát cá nhân và những nghiên cứu về hành vi con người, ông khám phá ra rằng tồn tại những quy luật bất thành văn về nguyên tắc hữu dụng và lợi ích đôi bên mà con người tuân theo một cách vô thức. Bằng cách sử dụng hiểu biết này, ông có thể tiên đoán diễn biến của một tình huống nào đó, nhờ đó tối ưu lợi thế của mình. Ông là người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen đầu tiên được biết đến trong lịch sử Trung Quốc.

Như Thái Công đã viết ở trên: “Khi lợi ích là cho cả đôi bên thì sẽ có sự hợp tác…” Đây là nguyên tắc hữu dụng rất đơn giản. Nguyên tắc này ứng dụng trong quan hệ quốc tế cũng như trong đời sống cá nhân của chúng ta. Những câu chuyện sau đây minh họa cho luận điểm của tôi.

Nelson Mandela ở Nhật Bản

Nelson Mandela, nhà lãnh đạo phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, đã đến thăm Nhật Bản vào cuối tháng Mười năm 1990. Ông đã bị thất vọng và ngạc nhiên khi biết thủ tướng Toshiki Kaifu đã từ chối yêu cầu của ông về hai lăm triệu đô la mà Mandela cần để ủng hộ sự nghiệp của Đại hội Dân tộc Phi (African National Conngress). Lý do chính thức ngài Kaifu đưa ra là chính phủ Nhật Bản không ủng hộ bất kì tổ chức chính trị nào.

Hai lăm triệu đô la không phải là một số tiền lớn đối với Nhật Bản, một trong những quốc gia giàu nhất của thế giới hiện đại. Vấn đề không phải ở hai mươi lăm triệu đô la, mà là ở “tính hữu dụng”. Nếu chính phủ Nhật Bản đã nhận thấy họ có thể thu được lợi ích như thế nào trong việc ủng hộ sự nghiệp của Nelson Mandela, sự giúp đỡ tài chính sẽ xảy ra.

Bất kể việc chính phủ Nhật Bản không công khai ủng hộ một tổ chức chính trị nào, luôn luôn có nhiều cách để tiến hành việc này. Chính phủ Nhật đã có thể khuyến khích các khoản ủng hộ từ các khu vực tư nhân. Các tập đoàn lớn của Nhật Bản luôn có một mối liên hệ làm việc chặt chẽ với chính phủ của họ. Sau ba ngày cố gắng gây quỹ, Mandela rời đó với chỉ có ba ngàn đô la tiền hiến tặng của cá nhân các công nhân Nhật Bản đồng cảm với sự nghiệp của ông. Số tiền này thậm chí không đủ trang trải những chi phí đi lại cho Mandela.

Người Nhật đã làm theo cộng đồng châu Âu hủy bỏ quan hệ thương mại với Nam Phi. Tuy vậy, Nhật Bản đã có một mối quan hệ hữu hảo truyền thống với lực lượng thống trị da trắng ở Nam Phi. Không có lợi ích rõ ràng nào trong việc làm xấu thêm một mối quan hệ đã và đang sút giảm với chính phủ đó. Hơn nữa, ủng hộ cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản nói chung không nhạy cảm đối với những cuộc đấu tranh về chủng tộc.

Khi Nhật Bản chọn làm theo những thế lực kinh tế của thế giới trong việc tẩy chay buôn bán với Nam Phi, đó không phải là do họ bị thúc đẩy bởi những vấn đề về quyền con người mà đơn giản là họ làm theo chương trình của chính mình trong việc tạo cho họ một hình ảnh người lãnh đạo thế giới mới.

Khi và chỉ khi chính phủ Nhật Bản có thể xác định những lợi ích rõ ràng trong việc ủng hộ sự nghiệp của Nelson Mandela, thì sự ủng hộ về tài chính mới xảy ra.

Câu chuyện trên không phải là về những vấn đề chính trị, mà nó nhằm làm rõ động cơ đằng sau quyết định từ chối ủng hộ sự nghiệp của Mandela của chính phủ Nhật Bản.

Một chiến thuật để sinh tồn

Vào thời kì tốt đẹp hay tồi tệ, thời xưa hay thời nay, luôn luôn có một số cá nhân trẻ tuổi, đang lên, những người thể hiện được tài nghệ và những khả năng phi thường trong lĩnh vực chọn lựa của họ.

Trước khi họ “lên tới” đỉnh, trong lúc họ còn trong quá trình chứng tỏ bản thân và sử dụng tất cả nguồn lực của mình để đưa họ tiến lên, họ thường bị gán cho cái mác “những kẻ bon chen”. Thật thú vị, xã hội chúng ta vẫn khinh thường những người bon chen. Tôi tin rằng chúng ta nên giúp đỡ những người bon chen thực sự có tài. Trừ khi chúng ta sinh ra trong những gia đình như nhà Kennedy hay Rockefeller, mỗi chúng ta đều trên con đường lên một nấc thang mới. Người hôm nay chưa là gì có thể trở thành một ai đó vào ngày mai. Khi bạn đang trên con đường thăng tiến, hãy giúp đỡ người khác, vì quyền lợi của chính mình.

Trong một cuộc phỏng vấn, một phóng viên hỏi Gregory Peck tại sao anh ấy tình nguyện chia sẻ vai diễn chính trong phim kỳ nghỉ ở Roman với một nữ diễn viên không tên tuổi, Audrey Hepburn. Câu trả lời của anh là: “Động cơ của tôi rất ích kỉ. Cô ấy rất có tài năng, đến độ tôi biết rằng khi bộ phim được trình chiếu, cô ấy sẽ trở thành ngôi sao ngay lập tức. Nếu tôi độc chiếm vai diễn chính, nó sẽ biến tôi thành trò cười. Đó hoàn toàn là bản năng sinh tồn.”

Ông Lâm, một nhà kinh doanh và lãnh đạo chính trị Đài Loan, đã bảo tôi: “Nhiều năm trước, Tổng bí thư hiện nay của Trung Hoa Cộng hòa, Y. S. Tsiang, “tình nguyện” tách mình khỏi trường chính trị và bắt đầu công việc dạy học. Vào lúc đó, rất ít người đến thăm ông. Ai cũng nghĩ ông không còn tương lai trong đời sống chính trị nữa. Vì tôi ngưỡng mộ uy tín của ông, tôi mời ông đến nhà mình ăn tối hay dùng trà. Khi đó không ai có thể tưởng tượng nổi ông giữ chức vụ Tổng bí thư hôm nay.”

Bạn không bao giờ có thể hiểu hay biết được bí ẩn của số phận. Chúng ta nên giúp đỡ những cá nhân có khả năng trong thời kỳ của họ đang trên đường phấn đấu. Đối với người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen, đây là chiến thuật tự vệ tốt.

Chìa khóa để thành người quan trọng

Ông bà Smith là những nông dân ở miền trung California. Họ chỉ là những người bình thường thực hiện những bổn phận hàng ngày của mình. Họ không có tiền bạc hay quyền thế để có ảnh hưởng với người khác hay thay đổi bất cứ điều gì. Giống như phần lớn chúng ta, họ không đặc biệt “quan trọng”.

Con gái họ kể với tôi: “Cha và mẹ tôi thật trái ngược nhau. Toàn bộ thái độ của cha đối với người khác là cố gây ấn tượng cho họ biết ông quan trọng thế nào, vì trong thâm tâm ông biết mình không được thế. Ngược lại, mẹ tôi biết bà không quan trọng, và bà chấp nhận điều đó. Bà không bao giờ cố gây ấn tượng với bất kì ai hay chứng tỏ điều gì đó để tỏ ra là bà quan trọng. Bên dưới vẻ lặng lẽ và dịu dàng, bà rất khôn ngoan và thực tế. Bà hiểu phẩm cách cơ bản của cuộc đời – phục vụ đồng bào mình. Qua việc làm, bà làm tăng giá trị của bà đối với cộng đồng. Vì thế, tự động bà trở thành quan trọng.”

Ngược lại, Philip là một nhà thiết kế đồ họa tài năng. Xưởng thiết kế nhỏ của anh phải vật lộn để tồn tại từng tháng một. Không phải chất lượng tác phẩm nghệ thuật của anh ngăn cản thành công tài chính, mà chính là tính cách cá nhân anh. Như ông Smith, Philip cảm thấy mình thiếu quan trọng. Đối với Philip, điều quan trọng nhất không phải là thành công trong kinh doanh hay việc kiếm tiền. Điều quan trọng nhất là trở nên “quan trọng” trong mắt người khác.

Anh đang làm đúng điều ngược lại với những gì bà Smith làm. Thay vì làm cho bản thân mình hữu ích đối với khách hàng nhờ sự phục vụ tuyệt vời, anh thường có cuộc va chạm cái tôi với chính những người anh cần phục vụ. Bất cứ khi nào một khách hàng nói với anh bằng một giọng điệu mà anh cho là thiếu tôn trọng, anh sẽ từ chối công việc, mặc dù lịch làm việc của anh hoàn toàn trống rỗng và anh đang cần tiền khủng khiếp. Không may là, hầu hết khách hàng triển vọng của anh không đạt được tiêu chuẩn của anh về sự kính trọng. Tôi đã hỏi anh tại sao anh lại cảm thấy bị xúc phạm như thế bởi những người này. Câu trả lời của anh là: “Họ nghĩ rằng chỉ vì họ có một ít tiền mà họ có thể ra lệnh này nọ cho tôi.”

Bất cứ khi nào người ta khen ngợi anh, anh sẽ nuốt lấy nó như một miếng bọt biển khô được nhúng nước. Anh có thể sung sướng với lời khen đó hàng ngày trời.

Mặc dù Philip tuyệt vọng tìm kiếm sự khẳng định rằng anh là “quan trọng”, và thèm khát được kính trọng, không như bà Smith, anh không hiểu được chìa khóa để trở nên quan trọng là làm cho bạn hữu ích đối với người khác.

Sự khác biệt giữa kẻ lạm dụng sự tín nhiệm và một doanh nhân

Một người bạn có lần đã nói: “Một doanh nhân và một kẻ lạm dụng sự tính nhiệm, cả hai điều hiểu giá trị của sự dối trá. Sự khác nhau duy nhất giữa hai người là: một doanh nhân cuối cùng sẽ tạo ra những lợi ích mà anh ta đã hứa. Kẻ lạm dụng sự tín nhiệm thì không.”

Một doanh nghiệp giỏi có khả năng chỉ ra một cách rõ ràng cho khách hàng những lợi ích của việc làm ăn với anh ta. Anh ta thuyết phục những người khác rằng anh ta có khả năng tạo ra những lợi ích đó. Anh ta khiến những người khác cảm thấy an tâm về sự chọn lựa khôn ngoan của họ trong việc làm ăn với anh ta.

Ngay cả khi một doanh nhân đánh lừa những người khác, anh ta làm thế với ý định là cuối cùng sẽ thực hiện được những gì mà anh ta đã hứa. Đôi khi, anh ta có thể không đủ khả năng kiểm soát tất cả các yếu tố, điều đó có thể dẫn đến việc anh ta không giữ được lời hứa. Ngược lại, khi một kẻ lợi dụng tín nhiệm đánh lừa các nạn nhân của hắn, hắn không bao giờ có ý định biến lời hứa của mình thành sự thật.

Có một câu nổi tiếng ở Mỹ: “Hãy giả bộ giống như thật cho đến khi bạn làm điều đó.” Câu nói này áp dụng cho một kẻ lợi dụng sự tín nhiệm cũng như một doanh nhân. Cả hai ứng dụng những kỹ xảo dối trá và làm cho người khác thấy những lợi ích thu được bằng cách tham gia cùng họ. Sự khác nhau giữa một kẻ lợi dụng tín nhiệm và một doanh nhân không nằm ở những hành động bên ngoài của họ, mà là ở suy nghĩ trong tâm hồn họ.

Kết luận

Ý nghĩ bàn luận về sự dối trá đầu tiên có thể gây cảm giác khó chịu đối với một số người, tuy nhiên đây là dứt khoát là công cụ hữu ích nhất để ứng phó với bản chất thực dụng của con người. Nó có thể giúp cho mỗi chúng ta tránh được những trở ngại không cần thiết và giúp ta giành được lợi thế.

Tóm tắt những điểm chính

  • Tội lỗi không nằm trong bản thân sự dối trá mà ở người sử dụng và cách sử dụng.
  • Con người dành thời gian và sức lực cho những ai có thể có ích nhất cho họ, trong hiện tại hoặc trong tương lai. Đây là nguyên tắc hữu dụng đơn giản trong mọi việc chúng ta làm; chúng ta thực hiện nguyên tắc hữu dụng để hỗ trợ tồn tại của ta. Ngay cả khi chúng ta làm việc không vì bản thân mà cho người khác, chúng ta nhận được những phần thưởng tinh thần. Người cho luôn luôn được lợi ngang với hay nhiều hơn người nhận.
  • Một thương vụ làm ăn tốt kết hợp chặt chẽ tư tưởng sau: Trong việc kinh doanh của tôi, tôi tính đến lợi ích của anh; trong việc kinh doanh của anh, anh tính đến lợi ích của tôi.
  • Chúng ta nên giúp đỡ những cá nhân có tài năng và tham vọng, vì quyền lợi sinh tồn của chính mình.
  • Chìa khóa để làm cho bạn trở thành quan trọng là giúp ích cho mọi người. Qua việc làm, bạn làm tăng giá trị của bạn đối với người khác.
  • Có kẻ lợi dụng sự tín nhiệm và người doanh nhân đều ứng dụng những kỹ xảo dối trá và làm cho người khác thấy những lợi ích thu được bằng cách tham gia cùng họ. Sự khác nhau giữa một kẻ lợi dụng tín nhiệm và một doanh nhân không nằm ở những hành động bên ngoài của họ, mà là ở suy nghĩ trong tâm hồn của họ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.