Mật Mã Tài Năng

Phần I: Tập luyện sâu – Chương 1: Điểm nhạy cảm



Bạn sẽ thông minh hơn nhờ trải qua những lỗi lầm của chính mình

— Ngạn ngữ Đức

NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC HAVARD SAU HàNG RàO MẮT CáO

Tháng 12 năm 2006, tôi bắt đầu ghé thăm những địa danh khiêm tốn, nhưng đã tạo ra một số lượng lớn những tài năng*. Cuộc hành trình của tôi bắt đầu từ một sân quần vợt đổ nát ở Mát-xcơ-va, và sau 14 tháng, nó đưa tôi đến một sân bóng đá ở São Paolo, Brazil, một phòng thu âm tại Dallas, bang Texas, một trường học ở nội thành San Jose, bang California, một học viện âm nhạc bị lãng quên ở vùng núi Adirondacks của bang New York, một hòn đảo yêu bóng chày đến điên cuồng ở vùng biển Ca-ri-bê, và rất nhiều địa chỉ khác nữa. Chúng nhỏ bé, khiêm nhường nhưng lại đạt được những thành tích vĩ đại đến mức một người bạn của tôi đã phong cho chúng cái tên “Những trường đại học Havard sau hàng rào mắt cáo”.

Cuộc hành trình này đặt ra trước tôi một vài thử thách, trước tiên là làm sao giải thích với vợ tôi và bốn đứa trẻ (toàn những người không hề ngốc nghếch chút nào) một theo cách hợp lý nhất có thể. Do đó, tôi đã quyết định dàn xếp nó như một cuộc Đại thám hiểm, giống như kiểu mà các nhà tự nhiên học thế kỷ XIX đã thực hiện. Tôi so sánh, với thái độ hết sức nghiêm túc, chuyến đi của mình với hành trình của Darwin trên con tàu Beagle; tôi diễn giải khôn ngoan cách thức mà những địa điểm nhỏ bé, xa xôi hẻo lánh tạo ra các mô hình và sức mạnh lớn hơn, kiểu như các đĩa thí nghiệm petri. Những diễn giải đó dường như có tác dụng – ít nhất là trong chốc lát.

“Bố chuẩn bị đi tìm kho báu,” tôi nghe thấy cô con gái mười tuổi của tôimình là Katie kiên nhẫn giải thích cho em gái. “Em biết đấy, giống như trong tiệc sinh nhật ấy mà!”

Tìm kho báu, tiệc sinh nhật – thật ra, cũng không quá khác nhau. Chín cái nôi tài năng mà tôi đến thăm gần như không có điểm gì chung, ngoại trừ việc chúng đều gần như không thực sự tồn tại. Chúng đều không có những thông tin thống kê, giống như một con chuột tuy không thể gầm lên như hổ, nhưng bằng cách nào đó vẫn có thể thống trị cả một khu rừng. Nhưng bằng cách nào nhỉ?

Manh mối đầu tiên đến từ một dạng mô hình không ai ngờ tới. Khi bắt đầu đến thăm những cái nôi tài năng, tôi hy vọng mình sẽ được khai sáng. Tôi hy vọng được chứng kiến những tốc độ, sức mạnh và sự khéo léo đẳng cấp thế giới. Những mong muốn đó của tôi đã được thỏa mãn và thậm chí còn hơn thế – chỉ trong khoảng một nửa thời gian. Trong một nửa thời gian, tôi có cảm giác: đứng ở một cái nôi tài năng giống như đứng giữa một bầy hươu đang chạy, mọi sự việc đều chuyển động nhanh hơn và trôi chảy hơn cuộc sống thường ngày. (Cái tôi của bạn không thật sự được kiểm nghiệm nếu bạn chưa bị một cậu bé 8 tuổi đánh bại trên sân quần vợt.)

Nhưng đó chỉ là một nửa thời gian mà thôi. Nửa thời gian còn lại, tôi tận mắt nhìn thấy một điều gì đó rất khác: những khoảnh khắc của sự phấn đấu chậm chạp, ngắt quãng, không giống những gì tôi đã được thấy trong đoạn băng về Clarissa. Giống như bầy hươu đột nhiên gặp phải một sườn đồi bị phủ đầy băng; chúng dừng lại, nhìn quanh và suy nghĩ cẩn trọng trước khi bước từng bước tiếp theo. Việc đạt được tiến bộ trở thành một tập hợp của những thất bại nhỏ, một mô hình nhịp nhàng của những hành động chắp vá; và cũng có một điểm khác nữa: biểu cảm trên khuôn mặt rất giống nhau. Vẻ mặt căng thẳng, cái liếc mắt có vẻ dữ dội khiến họ có nét hao hao như Clint Eastwood. (Tôi biết điều này nghe có vẻ hơi quái đản).

Hãy gặp Brunio, một cậu bé mười một tuổi. Cậu đang tập cách di chuyển mới trong bóng đá trên một cái sân bê-tông tại São Paolo, Brazil. Brunio di chuyển chậm rãi, cảm nhận quả bóng lăn bên dưới đế chiếc giày rẻ tiền của mình. Cậu bé đang cố gắng học kỹ thuật elastico, một kỹ thuật giữ bóng trong đó người chơi gạt bóng bằng má ngoài rồi nhanh chóng di chuyển bàn chân quanh bóng để đá về phía đối diện bằng mu bàn chân. Nếu làm chính xác, kỹ thuật này khiến người xem có cảm giác cầu thủ đang giữ quả bóng quanh chân bằng một sợi dây chun. Lần đầu tiên khi chúng tôi xem Bruinio thử chơi elastico, cậu bé đã thất bại, rồi dừng lại và suy nghĩ. Brunio làm lại, chậm hơn và lại thất bại – quả bóng trượt ra khỏi chân. Cậâu bé lại ngừng lại và suy nghĩ. Cậu thực hiện lại kỹ thuật này chậm hơn nữa, chia nó thành các chuyển động nhỏ hơn – như thế này, như thế này và như thế kia. Khuôn mặt cậu bé căng ra, đôi mắt tập trung đến nỗi trông chúng như đang ở một nơi nào khác. Rồi, một điều gì đó đã xảy ra: cậu bé bắt đầu giữ được bóng.

Hãy gặp Jennie, một cô gái 24 tuổi. Cô làm việc tại một phòng thu âm xập xệ tại Dallas và đang tập phần điệp khúc của một bài hát nhạc pop có tên “Thời gian trôi qua rồi.” Cô cố gắng thử một kết thúc tuyệt vời, trong đó cô muốn biến từ thời gian trở thành một dòng thác các nốt nhạc. Cô thử cách này, cách kia, làm mọi thứ rối tung lên, ngừng lại và suy nghĩ, rồi hát lại đoạn nhạc đó với tốc độ chậm hơn rất nhiều. Mỗi lần bỏ sót một nốt, cô lại dừng lại và quay lại từ đầu hoặc từ chỗ cô mắc lỗi. Jennie hát và dừng lại, hát và dừng lại liên tục. Rồi đột nhiên, cô gái đã có được điều mình mong muốn. Các mảnh ghép đã được đặt vào đúng chỗ. Sau sáu lần, cô đã hát được giai điệu đó một cách hoàn hảo.

Khi thấy người khác tập luyện có hiệu quả, chúng ta thường mô tả nó bằng các từ sức mạnh ý chí hay sự tập trung hay chú trọng. Nhưng những từ này không hoàn toàn phù hợp bởi chúng không nêu bật được nét đặc thù của sự kiện đó. Những con người mà tôi đã gặp tại chín cái nôi tài năng kia đã gắn mình vào một hoạt động mà nhìn qua, nó có vẻ kỳ lạ và đáng kinh ngạc. Họ đã tìm cách thoát khỏi sườn đồi phủ băng trơn trượt. Giống như Clarissa, họ chủ tâm hành động với toàn bộ khả năng cao nhất của mình, do đó họ sẽ làm mọi việc rối tung lên. Và, bằng mộttheo cách nào đó, làm mọi việc rối tung lên lại khiến họ trở nên tiến bộ hơn. Điều đó diễn ra như thế nào?

Cố gắng mô tả tài năng tập thể của các cầu thủ Brazil cũng giống như cố gắng mô tả định luật về trọng lực vậy. Bạn có thể đo tính nó – năm lần Vô địch thế giới; hàng năm có khoảng 900 tài năng trẻ đăng ký vào các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp của châu âu. Hoặc bạn có thể gọi tên nó – cuộc diễu hành của các ngôi sao siêu việt như Pelé, Zico, Socrates, Romário, Ronaldo, Juninho, Robinho, Ronaldinho, Kaká và những cầu thủ khác nữa, những người xứng đáng được trao tặng danh hiệu “cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”. Nhưng cuối cùng, bạn không thể nắm bắt được sức mạnh của tài năng Brazil dưới dạng con số hay cái tên. Nó phải được cảm nhận. Mỗi ngày, người hâm mộ bóng đá ở khắp thế giới chứng kiến những hình ảnh hoàn hảo nhất của họ: một nhóm cầu thủ đối phương bao quanh một cầu thủ Brazil, khiến cho anh ta không có sự lựa chọn, không có khoảng trống và hy vọng. Nhưng với một động tác huyền ảo như khiêu vũ – đòn nhử, cú gạt nhẹ, cú tăng tốc đột ngột – đột nhiên cầu thủ Brazil của chúng tađó rõ ràng đã thoát ra khỏi nhóm đối thủ lộn xộn, với sự tự tin của một hành khách bước khỏi chiếc xe buýt chật ních. Hàng ngày, Brazil hoàn thành những công việc vô cùng khó khăn và khác biệt: trong một trò chơi mà toàn bộ thế giới đang háo hức cạnh tranh, đất nước này tiếp tục sản sinh ra một số lượng lớn những cầu thủ điêu luyện nhất.

Cách chúng ta vẫn thường dùng để giải thích kiểu tài năng tập trung này là coi nó như sự kết hợp của giengen di truyền và môi trường sống, nói cách khác là của tự nhiên và nuôi dưỡng. Theo lối tư duy này, Brazil vĩ đại bởi nó có được sự hội tụ độc đáo của các yếu tố: khí hậu ôn hòa, niềm đam mê dành cho bóng đá và dân số 190 triệu người với giengen di truyền phong phú, 40% dân số sống trong tình trạng nghèo khổ đang khát khao tìm ra lối thoát nhờqua “trò chơi tuyệt đẹp” này. Cộng tất cả các yếu tố nói trên lại – và thế là bạn đã có được một nhà máy lý tưởng để sản xuất ra các cầu thủ bóng đá vĩ đại.

Nhưng có một vấn đề nhỏ trong cách lý giải này: Brazil không phải luôn luôn sản sinhxuất ra các cầu thủ xuất sắc. Vào thập niên 40 và 50 của thế kỷ trước, vẫn với ba yếu tố quan trọng (khí hậu, niềm đam mê và sự nghèo đói), “nhà máy lý tưởng” này đã tạo ra các kết quả không ai ngờ tới: không một lần nào giành được Cúp thế giới, 4 lần thất bại trước Hungary hùng mạnh lúc đó. Chỉ có nhờ một vài kỹ năng ngẫu hứng đáng chú ý mà sau này họ mới trở nên nổi tiếng. Mãi cho đến năm 1958, đội tuyển Brazil mới được công nhận là có đội hình xuất sắc, nổi bật là tài năng 17 tuổi Pelé trong World Cup được tổ chức tại Thụy Điển.* Nếu trong thập kỷ tiếp theo, Brazil đánh mất vị trí dẫn đầu trong thể thao (cũng giống như hiện tượng Hungary) thì lập luận về sự-độc-đáo-Brazil sẽ không dẫn chúng ta tới bất kỳ lời giải đáp hợp lý nào, ngoại trừ việc nhún vai thờ ơ và ăn mừng danh hiệu vô địch mới. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ có những nét đặc thù của riêng mìnhhọ.

Vậy bằng cách nào mà Brazil có thể sản sinh ra nhiều cầu thủ vĩ đại đến vậy?

Câu trả vô cùng bất ngờ: Brazil tạo ra nhiều cầu thủ xuất chúng bởi từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, các cầu thủ Brazil đã được đào tạo theo một phương pháp riêng biệt, với một công cụ riêng biệt cho phép cải thiện kỹ năng giữ bóng nhanh hơn bất cứ đất nước nào khác trên thế giới. Giống như cô bé Clarissa, người Brazil đã tìm ra cách để tăng tốc độ học tập – và giống như Clarissa, họ hầu như không nhận thức được điều này. Tôi gọi hình thức đào tạo này là tập luyện sâu; và như chúng ta sẽ thấy, nó được áp dụng trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ trong bóng đá.

Cách tốt nhất để hiểu được khái niệm tập luyện sâu là thực hiện nó. Bạn hãy dành vài giây để nhìn hai danh sách dưới đây; nhớ dành thời gian như nhau cho mỗi danh sách.

Bây giờ, hãy lật sang trang khác. Không nhìn vào danh sách đó, thử nhớ lại các cặp từ có trong hai danh sách càng nhiều càng tốt. Ở cột nào, bạn có thể nhớ lại nhiều từ hơn?

Nếu giống như hầu hết mọi người, sự việc sẽ gần như thế này: bạn sẽ nhớ nhiều từ ở cột B hơn, những từ có ký tự trống. Nghiên cứu cho thấy bạn sẽ nhớ nhiều hơn gấp 3 lần. Đó là bởi, chỉ trong vài giây ngắn ngủi đó, các kỹ năng ghi nhớ của bạn bỗng trở nên nhạy bén. Nếu đây là một bài kiểm tra thì điểm số cho cột B sẽ cao hơn tới 300%.

Chỉ số IQ của bạn không tăng lên khi bạn nhìn vào cột B. Bạn không cảm thấy điều gì khác biệt. Bạn sẽ không cảm thấy mình là “thiên tài” (rất tiếc là như vậy). Nhưng khi gặp phải các từ có ký tự trống, có một điều gì đó sâu thẳm và không thể cảm thấy được đã xảy ra. Bạn dừng lại. Bạn vấp, dù chỉ một chút thôi, rồi tìm ra chữ cái còn thiếu. Bạn trải qua một phần triệu giây vật lộn, và chính một phần triệu giây đó đã tạo ra sự khác biệt. Bạn không tập luyện vất vả hơn khi nhìn vào cột B. Nhưng bạn đã tập luyện sâu hơn.

Một ví dụ khác: hãy tưởng tượng bạn đang ở một bữa tiệc và đang cố gắng nhớ tên của một ai đó. Nếu có người nói cho bạn cái tên ấy, khả năng bạn lại quên biến đi là rất cao. Nhưng nếu bạn thu xếp để tự nhớ lại được – tự kích hoạt các tín hiệu, giống như chống lại việc thu nhận thông tin bị động – bạn sẽ khắc sâu nó vào trong trí nhớ. Điều này không phải vì cái tên đó quan trọng hay bởi trí nhớ của bạn đã được cải thiện tốt hơn, mà bởi bạn đã tập luyện sâu hơn.

Hoặc hãy hình dung bạn đang ở trên một chiếc máy bay, và không biết đã lần thứ bao nhiêu trong đời, bạn xem tiếp viên hàng không trình bày phần minh họa rõ ràng, chính xác về cách mặc áo phao cứu hộ trong vòng một phút. (“Mặc áo phao qua đầu,” người hướng dẫn nói, “và buộc hai cái dải màu đen ở phía trước áo lại. Làm phồng áo bằng cách kéo hai cái dải màu đỏ.”) Sau một giờ bay, máy bay chòng chành, và giọng nói khẩn trương của cơ trưởng vang lên từ hệ thống liên lạc thông báo cho hành khách phải mặc áo phao cứu hộ. Bạn làm việc này nhanh đến mức độ nào? Các dải màu đen quấn quanh người ra sao? Dải màu đỏ để làm gì?

Đây là một kịch bản khác: vẫn chuyến bay đó, nhưng lần này, thay vì quan sát một người khác thực hiện phần minh họa, bạn hãy thử tự làm việc này. Bạn chui đầu vào áo, buộc hai dải màu đen và kéo hai dải màu đỏ. Một giờ sau, máy bay chao đảo, và giọng của cơ trưởng vang lên trên hệ thống liên lạc. Bạn sẽ thao tác nhanh hơn bao nhiêu lần?

Tập luyện sâu được xây dựng dựa trên cơ sở một nghịch lý: xoay xở theo các phương pháp có mục đích nào đó – hành động ở khu vực rìa tới hạn của khả năng, nơi bạn dễ dàng mắc lỗi – sẽ khiến bạn trở nên thông minh hơn. Hoặc nói một cách khác, những trải nghiệm khi bạn buộc phải làm chậm lại, mắc lỗi và sửa lỗi – giống như khi đi trên một sườn đồi có phủ băng, bạn dễ bị sảy chân và ngã – bắt buộc bạn phải hành động mau lẹ và khéo léo hơn. Nhưng chính bạn không hề nhận ra điều đó.

“Chúng tôi nghĩ rằng, làm việc mà không cần phải nỗ lực thật đáng mong muốn, nhưng đó thật sự là một phương pháp tệ hại nếu dùng để học tập,” Robert Bjork, người đã xây dựng những ví dụ trên, đã nói. Bjork là trưởng Bộ môn Thần kinh học tại Đại học California, ông đã dành gần như toàn bộ cuộc đời để nghiên cứu sâu các vấn đề về trí nhớ và học tập. ông là một học giả vui tính, tinh thông về các đường cong suy giảm trí nhớ và lý do ngôi sao bóng rổ nhà nghề Mỹ Shaquille O’Neal, người lừng danh với những cú ném tự do, thường luyện tập từ những cự ly kỳ quặc – 14 và 16 bộ* thay vì cự ly tiêu chuẩn 15 bộ. (Theo phán đoán của Bjork, “Shaq cần phát triển khả năng điều chỉnh chương trình vận động của mình. Đến lúc đó, anh ta sẽ trở nên rất đáng gờm.”)

“Những sự việc có vẻ như chướng ngại vật lại trở nên rất đáng mơ ước nếu xét về lâu dài,” Bjork nói. “Một cuộc đọ sức thật sự, dù chỉ trong vài giây, còn hữu dụng hơn hàng trăm lần quan sát.” Bjork trích dẫn một thí nghiệm do Henry Roediger tại Đại học St. Louis ở Washington tiến hành, trong đó sinh viên được chia thành hai nhóm cùng nghiên cứu một bài luậnkhóa về lịch sử tự nhiên. Nhóm A học trên tài liệu trong 4 tiết. Nhóm B chỉ học 1 tiết nhưng được kiểm tra 3 lần. Một tuần sau, cả hai nhóm cùng làm bài kiểm tra và nhóm B đạt kết quả cao hơn 50% so với nhóm A. Họ chỉ học 1/4 thời gian nhưng lại thu được nhiều kiến thức hơn. (Catherine Fritz, một trong số những sinh viên của Bjork, nói cô đã áp dụng những ý tưởng này vào những bài tập tại trường và đã nâng điểm trung bình lên 1,0 trong khi thời gian học chỉ cần một nửa.)

Nguyên nhân nằm ngay trong cách não bộ của chúng ta được tạo ra, Bjork giải thích.

“Chúng ta có xu hướng cho rằng trí nhớ của con người giống như một máy ghi âm, nhưng điều này là sai lầm,” ông nói. “Nó là một cấu trúc sống, một bộ khung dàn có kích thước gần như vô tận. Chúng ta càng tạo ra nhiều động lực thúc đẩy, càng đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn thì bộ khung này càng được mở rộng; điều này đồng nghĩa với việc chúng ta càng có thể học hỏi với tốc độ nhanh hơn.”

Khi tập luyện sâu, các quy luật thông thường của thế giới như bị tạm thời hoãn lại. Bạn sử dụng thời gian hiệu quả hơn. Những nỗ lực nhỏ tạo ra các kết quả lớn và lâu dài hơn. Bạn đặt bản thân vào một vị trí mà tại đó bạn có thể suýt bị thất bại và chuyển nó thành kỹ năng. Mẹo ở đây là lựa chọn mục tiêu cao hơn một chút so với những khả năng mà bạn đang có, nhằm mục đích phấn đấu. Thất bại mù quáng sẽ không có ích gì. Nhưng lại đạt được một điều gì đó.

“Vấn đề là phải tìm ra được điểm nhạy cảm,” Bjork nói. “Có một khoảng cách tối ưu giữa cái bạn đã biết và cái bạn đang cố gắng thực hiện để đạt được. Khi tìm ra được điểm nhạy cảm đó, việc học tập sẽ được chắp cánh bay xa.”*

Tập luyện sâu là một khái niệm mới lạ bởi hai lý do. Thứ nhất, nó chống lại hiểu biết trực giác của chúng ta về tài năng. Trực giác mách bảo chúng ta rằng việc tập luyện liên quan đến tài năng cũng tương tự như đá mài liên quan đến lưỡi dao: đá mài vô cùng quan trọng nhưng lại không có ý nghĩa gì nếu thiếu lưỡi dao cứng, hay còn gọi là khả năng thiên phú. Tập luyện sâu nảy sinh một khả năng hấp dẫn: tập luyện có thể là cách để tôi luyện chính lưỡi dao.

Lý do thứ hai khiến tập luyện sâu là một khái niệm bất thường chính vì nó tận dụng các sự kiện mà chúng ta thường cố gắng tránh xa – đó là các lỗi – và biến chúng thành kỹ năng. Để hiểu được tập luyện sâu có tác dụng ra sao, trước tiên, cần xem xét tầm quan trọng không ngờ nhưng thiết yếu của lỗi lầm đối với quá trình học hỏi. Thực tế, hãy cùng phân tích một ví dụ sâu sắc đặt ra dưới dạng câu hỏi: bạn có thể làm giỏi một công việc nào đó bằng cách nào khi việc mắc lỗi có thể khiến bạn thất bại thảm hại?

THIẾT BỊ KỲ DỊ CỦA EDWIN LINK

Mùa đông năm 1934, Tổng thống Franklin Roosevelt có một vấn đề cần phải giải quyết. Phi công của Lực lượng Không quân Mỹ (USAAC) – theo mọi người đánh giá là những phi công lão luyện và tinh nhuệ nhất của quân đội – bị thiệt mạng rất nhiều do các vụ rơi máy bay. Vào ngày 23 tháng 3, một phi công bị nhấn chìm khi hạ cánh xuống bờ biển New Jersey; một người khác thiệt mạng khi máy bay bổ nhào xuống biển Texas. Ngày 9 tháng 3, bốn phi công nữa hy sinh do máy bay đâm xuống Florida, bang Ohio và Wyoming. Các cuộc tàn sát không phải do chiến tranh. Chỉ đơn giản là họ đã cố gắng bay qua bão tuyết để vận chuyển thư từ.

Tình trạng rơi máy bay như vậy có thể nói là một vụ bê bối tập thể. Điều tra của Thượng nghị viện được tiến hành đã vạch trần một âm mưu hàng triệu đô-la liên quan đến việc điều chỉnh giá giữa các hãng hàng không thương mại đã ký hợp đồng vận chuyển thư từ cho nước Mỹ. Tổng thống Roosevelt đã nhanh chóng phản hồi bằng cách hủy toàn bộ các hợp đồng nói trên. Để thư từ vẫn được chuyển đều đặn, Tổng thống đã kêu gọi lực lượng không quân thực hiện nhiệm vụ này. Những vị tướng của lực lượng này luôn sẵn sàng chứng tỏ sự tự nguyện và lòng dũng cảm của đội ngũ phi công. (Họ cũng muốn cho Roosevelt thấy Không quân xứng đáng là một binh chủng hoàn chỉnh, tương đương với Lục quân và Hải quân.) Những vị tướng này hầu như đã nghĩ đúng về đội ngũ phi công: họ luôn sẵn sàng và rất dũng cảm. Tuy nhiên, trong những cơn bão tuyết hung hãn năm 1934, những vụ tai nạn máy bay của USAAC vẫn xảy ra. Sáng sớm ngày 10 tháng 3, sau khi phi công thứ chín thiệt mạng trong vòng 20 ngày, Roosevelt đã cho gọi tướng Benjamin Foulois, chỉ huy Lực lượng Không quân, đến Nhà Trắng. “Tướng quân,” Tổng thống giận dữ nói, “bao giờ thì những vụ chết người do chuyển thư bằng máy bay này mới dừng lại?”

Đó là một câu hỏi hay, câu hỏi mà Roosevelt có lẽ đã nhắm vào toàn bộ công tác đào tạo phi công. Việc huấn luyện phi công trước đó đã dựa trên niềm tin vô cùng vững chắc rằng phi công giỏi là do bẩm sinh chứ không phải được đào tạo mà có. Phần lớn các chương trình đào tạo đều tuân theo một trình tự như nhau: người hướng dẫn đưa các học viên có triển vọng lên máy bay và biểu diễn một loạt động tác nhào lộn. Nếu học viên nào không bị say máy bay thì anh ta được cho là có khả năng trở thành phi công. Và sau vài tuần học trên mặt đất, anh ta dần dần được phép giữ cần điều khiển. Học viên được học thông qua việc “đi nhờ”, hay “bay kiểu chim cánh cụt”, hay “bay và hy vọng”. (Biệt danh Lindy May Mắn* đã ra đời từ đó.) Hệ thống đào tạo này hoạt động không hiệu quả. Tỷ lệ thiệt mạng tại một số trường không quân của quân đội là 25%. Năm 1921, 8 trong số 14 phi công Mỹ chết do tai nạn máy bay. Đến năm 1934, kỹ thuật và công nghệ đã được cải thiện nhưng việc đào tạo phi công vẫn như giai đoạn sơ khai. Hãng vận chuyển thư tín bằng đường hàng không Fiasco, nhờ sự thay đổi của Roosevelt mà trở nên nổi tiếng, đã hỏi một cách mỉa mai: Có cách nào tốt hơn để học bay không?

Câu trả lời xuất hiện từ một người rất đặc biệt: Edwin Albert Link, Jr., con trai của một người thợ làm đàn dương cầm và đàn ống, tại Binghamton, New York. ông đã lớn lên và làm việc ngay tại xưởng của cha mình. Gầy gò, mũi khoằm và nổi tiếng bướng bỉnh, Link là một anh chàng lăng xăng bẩm sinh. Năm 16 tuổi, Link bắt đầu đam mê bay lượn và tham gia một khóa học bay với học phí 50 đô-la của Sydney Chaplin (anh em cùng cha khác mẹ của ngôi sao điện ảnh). “Phần hay nhất của bài học đó là chúng tôi được nhào lộn, xoay vòng và bay sát mọi thứ trong tầm nhìn,” Link nhớ lại. “Nhờ Trời mà lúc đó tôi không bị say, nhưng khi hạ cánh, tôi không thể kiểm soát được gì nữa. Tôi đã nghĩ, ‘Thật là một cách dạy bay kinh khủng.’”

Sự mê hoặc lớn dần. Anh bắt đầu bám sát những nhà vận động chính trị địa phương để xin tham gia các lớp học bay. Cha của Link không đánh giá cao đam mê bay lượn của anh – ông sa thải chàng Edwin trẻ tuổi khỏi xưởng đàn ống khi phát hiện ra niềm yêu thích của anh. Nhưng Link vẫn không từ bỏ, thậm chí cuối cùng anh đã mua một chiếc máy bay Cessna bốn chỗ ngồi. Tâm trí của anh chàng lăng xăng này không ngừng quẩn quanh ý định cải tiến việc đào tạo phi công. Năm 1927, bảy năm sau buổi học vỡ lòng với Chaplin, Link bắt đầu hành động. Mượn ống bễ và bơm nén khí từ xưởng đàn ống của cha, ông tạo ra một thiết bị thu nhỏ lại các thành phần thiết yếu của một máy bay trong khoảng không gian chỉ rộng hơn cái bồn tắm một chút. Nó có đôi cánh ngắn, dày, đuôi nhỏ, bảng điều khiển và một động cơ điện giúp thiết bị đảo cánh, lao xuống và chuyển hướng tương ứng với sự điều khiển của phi công. Một chiếc đèn nhỏ ở mũi thiết bị sáng lên khi phi công mắc lỗi. Link đặt tên cho nó là “Thiết bị đào tạo bay của Link” và đăng quảng cáo: ông sẽ dạy cách bay thông thường và cách bay dựa vào các dụng cụ đo lường – đó chính là khả năng bay khi không nhìn thấy gì trong sương mù và bão, chỉ dựa vào các thiết bị đo. ông sẽ dạy cho các phi công có thể bay được trong khoảng thời gian chỉ bằng một một nửa phương pháp huấn luyện thông thường và với chi phí thấp hơn.

Phải nói rằng thế giới đã coi thường thiết bị huấn luyện bay của Link một cách thái quá. Thực tế là cả thế giới nhìn thiết bị đó với một lời tuyên bố phũ phàng: “Không.” Không một ai trong số những người Link tiếp xúc tỏ ra quan tâm đến thiết bị của ông – từ các học viện quân đội đến các trường đào tạo phi công tư nhân, thậm chí cả các nhà vận động chính trị. Cuối cùng thì bạn có thể học lái máy bay như thế nào khi ở trong món đồ chơi trẻ con này? Không một nhà chức trách nào ngoài Văn phòng Sáng chế Mỹ tuyên bố “một thiết bị giải trí độc đáo và có ích.” Và thế là thiết bị đó cứ như thể được dành cho giải trí thật. Trong khi Link bán được 15 thiết bị cho các công viên để họ làm máy bay trò chơi bằng tiền xu, chỉ có 2 chiếc đến được với các cơ sở đào tạo thực sự: một cho Trường đào tạo phi công của Hải quân tại Pensacola, Florida và một chiếc được bán chịu cho đơn vị Phòng vệ Quốc gia New Jersey ở Newark. Đến đầu những năm 30, Link phải cho một thiết bị của mình lên xe tải và chở đến bãi họp chợ của hạt để cho thuê với giá 25 xu mỗi lần chơi.

Khi hãng vận chuyển thư tín theo đường hàng không Fiasco bị hủy bỏ hợp đồng vào mùa đông năm 1934, một nhóm thuộc Lực lượng Không quân Mỹ đã gần như trở nên tuyệt vọng. Casey Jones, một phi công kỳ cựu, người đã từng đào tạo rất nhiều phi công cho quân đội, nhắc tới thiết bị của Link và thuyết phục một nhóm sỹ quan của Lực lượng Không quân Mỹ xem xét lại vấn đề này. Đầu tháng 3, Link được triệu tập từ nơi ông sống ở Cortland, New York đến Newark để diễn giải về thiết bị huấn luyện mà ông đã bán chịu cho đơn vị Phòng vệ Quốc gia. Ngày hẹn gặp hôm đó có khá nhiều mây, tầm nhìn gần như bằng không, gió lớn và mưa to. Các chỉ huy của Lực lượng Không quân Mỹ, lúc này đã khá quen với những hậu quả có thể xảy ra của những mối nguy hiểm trên, phỏng đoán rằng sẽ không có phi công nào, dù dũng cảm hay thành thạo đến đâu, có thể bay trong thời tiết đó. Họ đang rời khỏi sân bay thì nghe thấy tiếng động cơ ở phía trên những đám mây đang dần dần thấp xuống. Máy bay của Link xuất hiện như một bóng ma, dần hiện ra chỉ cách đường băng vài mét, rồi đáp xuống đất một cách hoàn hảo và lăn bánh về phía các tướng lĩnh đang sững sờ. Anh chàng gầy gò trên máy bay trông không giống Lindbergh nhưng có thể bay như Lindbergh vậy – và chỉ dựa vào các thiết bị đo. Link bắt đầu trình diễn thiết bị của mình, và đây là một trong những trường hợp có ghi chép đầu tiên nói về một thế lực tầm thường đã đánh bại truyền thống của quân đội. Các sỹ quan đã hiểu được những tiềm năng chiếc máy này ẩn chứa. Các vị tướng đã đặt lô hàng thiết bị của Link đầu tiên. Bảy năm sau, Thế chiến thứ II bắt đầu cùng với nhu cầu đào tạo hàng nghìn con người trẻ tuổi không có chút kỹ năng lái máy bay thành phi công càng nhanh chóng, càng an toàn càng tốt. Nhu cầu đó đã được đáp ứng bởi 10.000 thiết bị của Link; và đến cuối cuộc chiến, nửa triệu phi công đã dành hàng triệu giờ trong cái mà họ yêu quý gọi là “Hộp xanh”*. Năm 1947, Lực lượng Không quân Mỹ (USAAC) đổi tên thành Không lực Hoa kỳ (USAF), và Link tiếp tục chế tạo các thiết bị mô phỏng cho máy bay phản lực, máy bay ném bom, và cả một số mô-đun cho tàu thám hiểm mặt trăng Apollo.

Thiết bị huấn luyện bay của Edwin Link đã hoạt động hiệu quả bởi cùng một lý do như bạn đã ghi được số điểm cao hơn 3 lần trong bài kiểm tra của Bjork. Thiết bị của Link cho phép các phi công được tập luyện sâu hơn, được dừng lại, nỗ lực, mắc lỗi và học từ những lỗi đó. Khi ở vài giờ trong cỗ máy trên, một phi công có thể “cất cánh” và “hạ cánh” vài chục lần. Anh ta có thể lao xuống, làm máy bay bị chết máy, và phục hồi lại, dành hàng giờ để thích nghi với điểm nhạy cảm tại rìa tới hạn của khả năng theo những cách mà anh ta không bao giờ dám thực hiện trong một máy bay thật. Các phi công của Lực lượng Không quân Mỹ được đào tạo nhờ thiết bị của Link không hề dũng cảm hay thông minh hơn những người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn máy bay. Chỉ đơn giản là họ có cơ hội tập luyện sâu hơn mà thôi. ý tưởng về tập luyện sâu tạo ra quan điểm hoàn hảo khi đào tạo các nghề nguy hiểm như phi công chiến đấu và nhà du hành vũ trụ. Tuy nhiên, sẽ thú vị hơn khi chúng ta áp dụng nó cho những dạng kỹ năng khác. Ví dụ, cho các cầu thủ bóng đá Brazil chẳng hạn.

VŨ KHí Bí MẬT CỦA BRAZIL

Giống như nhiều người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới, huấn luyện viên bóng đá Simon Clifford bị các kỹ năng siêu phàm của các cầu thủ Brazil làm cho mê hoặc. Tuy nhiên, không giống hầu hết những người khác, ông quyết định tới Brazil để xem liệu mình có thể tìm ra phương pháp mà họ đã dùng để phát triển những kỹ năng đó hay không. Một khởi đầu tham vọng, bất thường khác của Clifford. ông đã tích góp được toàn bộ kinh nghiệm huấn luyện của mình tại một trường tiểu học Công giáo tại một khu vực không phải là mảnh đất màu mỡ cho bóng đá thuộc Leeds, nước Anh. Do đó, Clifford không phải người mà bạn có thể coi là bình thường. ông cao lớn, đẹp trai và bảnh bao. Từ ông tỏa ra sự tự tin đầy thuyết phục mà người ta thường liên tưởng tới các nhà truyền giáo và các vị hoàng đế. (Vào năm khoảng 20 tuổi, Clifford đã bị chấn thương nặng trong một tai nạn bóng đá kỳ lạ – bị tổn thương nội tạng, cắt bỏ một bên thận – và có lẽ, kết quả là ông sống thêm mỗi ngày với sự nhiệt huyết hơi thái quá.) Mùa hè năm 1997, khi 26 tuổi, Clifford vay 8.000 đô-la từ Hội Giáo viên và tới Brazil với chiếc ba-lô trên lưng, máy quay phim và cuốn sổ tay kín đặc số điện thoại mà ông đã xin được từ một cầu thủ nước này.

Khi đến nơi, Clifford dành hầu như toàn bộ thời gian để khám phá thành phố São Paolo đông đúc, ban đêm ông ngủ tại những nhà ở tập thể đầy gián, và ông say mê ghi chép hàng ngày. ông đã gặp nhiều điều mà ông nghĩ là sẽ thấy: sự đam mê, truyền thống, các trung tâm huấn luyện được tổ chức bài bản, các buổi tập luyện nhiều giờ. (Các cầu thủ tuổi vị thành niên tại các học viện bóng đá của Brazil tập 20 giờ một tuần, trong khi ở Anh thời lượng đó chỉ là 5 tiếng một tuần.) ông nhìn thấy sự nghèo khổ cùng cực của các khu nhà ổ chuột và sự tuyệt vọng trong mắt các cầu thủ.

Nhưng Clifford cũng nhìn thấy một điều mà ông không ngờ tới: một trò chơi kỳ lạ.

Nó tương tự bóng đá, thứ bóng đá được chơi trong một phòng điện thoại công cộng và các cầu thủ có uống thuốc kích thích. Quả bóng có kích thước bằng một nửa nhưng nặng gấp đôi bình thường; do đó nó khó có thể nảy lên được. Các cầu thủ tập luyện, không phải trên sân cỏ rộng mênh mông, mà một khoảng sân bằng bê-tông và đất bẩn có kích thước chỉ bằng một cái sân bóng rổ. Mỗi bên, thay vì có 11 cầu thủ, chỉ có 5 hoặc 6 người. Trong nhịp độ và tốc độ điên cuồng, trò chơi có vẻ giống bóng rổ hay khúc côn cầu hơn là bóng đá: nó gồm hàng loạt kỹ thuật phức tạp: những cú chuyền bóng nhanh có kiểm soát và hành động không ngừng từ đầu đến cuối. Trò chơi được gọi là futebol de salão, tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa “bóng đá trong phòng”. Hiện thân hiện đại của nó là bóng đá futsal.

“Rõ ràng đây chính là nơi các kỹ năng Brazil ra đời,” Clifford nói. “Giống như tìm thấy liên kết còn thiếu vậy.”

Futsal đã được sáng tạo vào năm 1930 như một phương án tập luyện vào ngày mưa của một huấn luyện viên người Uruguay. Người Brazil nhanh chóng nắm lấy và soạn ra những luật lệ đầu tiên vào năm 1930. Từ đó, trò chơi này đã lan rộng giống như một loại virus, đặc biệt tại những thành phố đông đúc của Brazil, và nó nhanh chóng chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt trong văn hóa thể thao của đất nước này. Những nước khác cũng chơi futsal, nhưng Brazil trở thành nước duy nhất bị ám ảnh bởi futsal, một phần bởi trò chơi này có thể chơi được ở bất cứ nơi đâu (một lợi thế không nhỏ tại đất nước mà sân cỏ rất hiếm). Futsal phát triển để điều khiển những đam mê của trẻ em Brazil theo cách mà bóng rổ kiểm soát trẻ em thành phố ở nước Mỹ. Theo Vicente Figueiredo, tác giả cuốn Lịch sử của Futebol de Salão, Brazil độc chiếm loại hình thể thao này, họ đã thắng 35 trong số 38 giải đấu quốc tế. Nhưng con số đó chỉ gợi ý thời gian, nỗ lực và năng lượng mà Brazil đổ vào trò chơi kỳ lạ “cây nhà, lá vườn” này. Như Alex Bellos, tác giả cuốn Bóng đá phong cách Brazil đã viết, futsal “được coi là vườn ươm của tâm hồn Brazil.”

Sự “ươm mầm” này được phản ánh trong tiểu sử của các cầu thủ bóng đá. Từ Pelé trở về trước, gần như mọi cầu thủ vĩ đại nào của Brazil cũng chơi futsal khi còn là một đứa trẻ, đầu tiên là tại khu dân cư họ sống, sau đó là tại các học viện bóng đá của Brazil. Tại đây, trẻ em trong độ tuổi từ 7 đến 12 dành 3 ngày mỗi tuần để chơi futsal. Một cầu thủ Brazil đỉnh cao chơi futsal hàng nghìn giờ đồng hồ. Ví dụ như, Juninho đã từng nói anh chưa bao giờ đá một quả bóng đúng kích cỡ trên sân cỏ trước khi 14 tuổi. Đến năm 12 tuổi, Robinho đã dành một nửa thời gian tập luyện của mình cho futsal.*

Giống như một người làm rượu vang nhận ra một giống nho ngon, một người sành sỏi như tiến sỹ Emilio Miranda, giáo sư về bóng đá tại Đại học São Paolo, nhận thấy fulsat gắn liền vớơi từng mánh khóe trong bóng đá của các cầu thủ Brazil nổi tiếng. Kỹ thuật rê bóng elastico của Ronaldinho giống như chơi con lắc yo-yo chẳng đã trở nên phổ biến rồi sao? Nó khởi nguồn từ futsal. Bàn thắng nhờ cú vẩy bóng bằng mũi chân của Ronaldo trong World CupCúp Thế giới 2002 thì sao? Lại futsal. Các kỹ thuật d’espero, el barret và vaselina thì sao? Tất cả đều từ futsal. Khi tôi nói với Miranda rằng tôi hình dung người Brazil sáng tạo ra các kỹ năng khi chơi bóng trên bãi biển, ông phá lên cười. “Các nhà báo thường bay đến đây, đến bãi biển, chụp ảnh và viết nên các câu chuyện. Nhưng các cầu thủ lớn không đến từ bãi biển. Họ đến từ các sân tập futsal.”

Một nguyên nhân khác thuộc về toán học. Theo một nghiên cứu của Đại học Liverpool, các cầu thủ futsal chạm bóng nhiều hơn rất nhiều so với cầu thủ bóng đá bình thường – nhiều hơn 6 lần mỗi phút. Bóng càng nhỏ, càng nặng càng đòi hỏi những hành động phải chính xác hơn – như các huấn luyện viên đã nói, bạn không thể thoát khỏi vị trí bị kèm chặt bằng cách đá bóng sang phía sân của đối phương. Động tác chuyền bóng sắc nét là tối quan trọng: toàn bộ trò chơi chỉ là tìm kiếm các khe hở và khoảng trống, nhanh chóng kết hợp với các cầu thủ khác. Kiểm soát và quan sát bóng là vấn đề sống còn, đến khi các cầu thủ futsal chơi bóng đá với tất cả các yếu tố đúng tiêu chuẩn, họ cảm thấy như đang có hàng vài héc-ta khoảng trống để thể hiện. Khi quan sát các trò chơi ngoài trời chuyên nghiệp tại São Paolo cùng Tiến sỹ Miranda, ông đã chỉ cho tôi biết cầu thủ nào đã từng chơi futsal: dựa trên cách cầu thủ đó giữ bóng, họ không quan tâm rằng đối thủ đã áp sát đến mức độ nào. Như Miranda tổng kết lại, “không có thời gian và không có không gian tạo ra các kỹ năng tốt hơn. Futsal chính là phòng thí nghiệm quốc gia dành cho sự ứng biến.”

Nói cách khác, bóng đá Brazil khác với tất cả các kiểu bóng đá khác trên thế giới, bởi Brazil sử dụng một hình thức thể thao tương đương với thiết bị huấn luyện của Link. Futsal cô đọng các kỹ năng thiết yếu của bóng đá trong một chiếc hộp nhỏ; nó đặt các cầu thủ trong khu vực tập luyện sâu, mắc lỗi và sửa lỗi, không ngừng tạo ra những giải pháp cho các vấn đề diễn ra dồn dập. Cầu thủ chạm bóng nhiều hơn 600% sẽ học được nhanh hơn, mà không hề nhận ra điều đó. Khi chơi trò chơi ngoài trời trong không gian rộng lớn, độ nảy của bóng tốt hơn (tại đó, ít nhất là theo suy nghĩ của tôi, các cầu thủ dẫn bóng cũng giống như Clarissa chơi bản “Sông Danube xanh”). Nói rõ hơn: futsal không phải là nguyên nhân duy nhất khiến bóng đá Brazil trở nên vĩ đại. Các lý do khác thường được nhắc tới – khí hậu, sự đam mê và sự nghèo đói – cũng rất quan trọng. Nhưng futsal chính là yếu tố đòn bẩy mà thông qua đó các yếu tố khác truyền được tác động của mình.

Khi Simon Clifford nhìn thấy futsal, ông đã vô cùng phấn khích. ông trở lại Anh, bỏ việc giảng dạy và lập nên Liên đoàn Futsal Quốc tế tại một căn phòng trống trong chính nhà của mình, phát triển một chương trình bóng đá cho trẻ em lứa tuổi tiểu học và trung học phổ thông mà ông gọi là Trường Bóng đá Brazil. ông xây dựng một loạt các hình thức tập luyện chặt chẽ, tỉ mỉ dựa trên cách di chduyển của futsal. Các cầu thủ của ông, phần lớn đến từ khu vực nghèo và khó khăn của Leeds, bắt đầu bằng việc bắt chước Zico và Ronaldinho. Để tạo môi trường học tập thật chính xác, Clifford bật nhạc samba từ máy cát-xét.

Hãy lùi lại một chút và có cái nhìn khách quan với những việc mà Clifford đang làm. ông đang tiến hành một thí nghiệm để xem liệu nhà máy sản xuất những đôi chân trị giá hàng triệu đô-la của Brazil có thể ghép vào một mảnh đất hoàn toàn xa lạ thông qua trò chơi nhỏ có vẻ như ngốc nghếch này hay không. ông đang đánh cược rằng chơi futsal sẽ tạo ra một hình ảnh sinh động của phép màu Brazil để nó bám rễ và phát triển tại mảnh đất Leeds đầy bụi bặm và giá lạnh này.

Khi người dân của Leeds nghe nói đến kế hoạch của Clifford, họ coi như mình đang được thư giãn nhẹ nhàng. Khi trực tiếp chứng kiến trường bóng đá của ông hoạt động, họ gần như suýt chết vì cười trước cảnh tượng: vài chục đứa trẻ Yorkshire xanh xao, má ửng hồng, cổ rụt lại đang đá những quả bóng nhỏ rất nặng và học những kỹ thuật lạ lùng theo điệu nhạc samba. Chỉ có tiếng cười nhạo, trừ một chi tiết – Clifford đã đúng.

Bốn năm sau, đội bóng đá U14 của Clifford đã đánh bại đội tuyển quốc gia U14 của Scotland; đội tiếp tục đánh bại đội tuyển quốc gia U14 của Ireland. Một trong những cậu bé Leeds đó, chàng hậu vệ có tên Micah Richards, hiện đang chơi cho đội tuyển quốc gia Anh. Trường Bóng đá Brazil của Clifford đã được mở rộng tới vài chục quốc gia trên thế giới. Clifford nói rằng ngày càng có nhiều ngôi sao đang bắt đầu tỏa sáng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.