Mật Mã Tây Tạng

CHƯƠNG 15: TẾ MẠN ĐÀN ĐÀ LA



Màu đỏ tươi ấy dường như không bám trên bình sứ, mà bao bọc lấy cái bình, như ngọn lửa cháy bùng bùng vậy. Nhìn thấy món đồ sứ này, ngay cả kẻ ngoại đạo như Trác Mộc Cường Ba cũng có thể lập tức nhận ra ngay. Bảo vật là gì chứ, đây chính là bảo vật! Hai chân Merkin mềm nhũn, suýt chút nữa thì quỳ sụp xuống đất. Chỉ nghe y kinh ngạc thốt lên: “Gốm đại hồng đấy, gốm đại hồng đấy!”
Trác Mộc Cường Ba vừa nhích lại gần, đã bị Merkin níu tay giữ lại, nét mặt y cực kỳ kích động, trông bộ dạng như cầu khẩn Trác Mộc Cường Ba hãy nghe y trình bày vậy: “Anh biết không? Anh biết không? Màu đỏ rực này, là màu sắc tượng trưng cho điềm lành, cho việc vui mừng ở đại đa số các nước trên thế giới, Trung Quốc các anh cũng không phải là ngoại lệ. Lúc kết hôn, người ta dán chữ song hỷ màu đỏ, đốt nến màu đỏ, không phải cũng là ý này sao? Việc trải thảm đỏ trong các buổi lễ lớn, cũng cùng một lẽ đó. Vì vậy, ở đất nước Trung Quốc khởi nguồn của đồ sứ các anh, cơ hồ như mỗi triều đại đều không ngừng theo đuổi thứ gốm sứ có màu đỏ rực. Nhưng ngay trong giới chơi đồ gốm sứ cổ cũng phổ biến nhận định rằng, gốm đại hồng màu đỏ rực chưa bao giờ nung thành công cả! Bởi tất cả các chuyên gia đều cho rằng, chỉ cần trên đời này xuất hiện gốm đại hồng thì chắc chắn sẽ được chế tác với số lượng lớn, chắc chắn sẽ được ghi vào sử sách, mà họ chưa từng phát hiện ra bất cứ món vật mẫu nào, ngay cả một mảnh vụn cũng không, thậm chí không tìm thấy bất cứ ghi chép nào trong sử sách. Huống hồ, những chuyên gia ấy còn cho rằng trước thế kỷ 20, người ta chưa từng phối chế được màu men có thể tạo ra thứ thành phẩm màu đỏ rực. Cho dù là gốm Tế Hồng thời Minh được xưng là đỏ như máu gà, trơn mịn như ngọc, sử chép cũng chỉ nung được chín món, mà đều đã tuyệt tích trên đời rồi. Một hai chục năm trở lại đây mới có chuyên gia nung được thứ gốm đại hồng đỏ rực. Thứ này, rốt cuộc được chế tác từ bao giờ vậy?
Muốn biết năm bao nhiêu hả? Đây là cái gì chứ? Của hồi môn của Văn Thành công chúa mang vào đất Tạng! Khoảng những năm 600 sau Công nguyên, anh nhìn xem, nhìn mà xem! Sớm hơn so với thời điểm các nhà sử học cho là gốm đại hồng xuất hiện chênh lệch tận gần 1500 năm, gần 1500 năm cơ đấy!”
“Tại sao trong danh sách của hồi môn của Văn Thành công chúa, không thấy ghi chép nào liên quan đến những món đồ gốm sứ này nhỉ?” Bọn Trác Mộc Cường Ba từng tốn vô số tâm huyết, tìm được mấy phiên bản danh sách các món hồi môn của Văn Thành công chúa mang theo vào đất Tạng, nhưng đều không thấy nhắc đến những món này.
Merkin chỉ nói một câu đã khiến Trác Mộc Cường Ba cứng họng: “Mấy danh sách mà các anh tìm được đều là do người đời sau viết lại theo trí tưởng tượng mà thôi, danh sách chính xác thời bấy giờ chỉ sợ đã thất lạc trong chiến loạn rồi, đến cả lịch sử còn bị xóa nhòa, huống hồ là một bản danh sách vớ vẩn như thế?”
Rốt cuộc, Trác Mộc Cường Ba đành thở dài cảm khái: “Lại là một món hàng độc tuyệt thế!”
Merkin lặp lại mấy chữ “hàng độc tuyệt thế” đồng thời chầm chậm tiến lại gần, chầm chậm đưa tay ra, tựa hồ muốn chạm vào ngọn lửa rực cháy bao bọc lấy chiếc bình, vừa chạm vào rìa ngoài của ngọn lửa ấy, y đã lắp bắp thốt lên: “Công nghệ trong truyền thuyết… băng hỏa!”
Thấy Trác Mộc Cường Ba không hiểu gì, Merkin lại cất công giải thích: “Tôi cũng có sưu tầm đồ gốm đại hồng chế tác bằng công nghệ hiện đại, màu đỏ ấy chỉ là phủ lên bề mặt gốm sứ một lớp đỏ rực, tuy cũng bóng mịn, nhưng so với công nghệ “bang hỏa” trong truyền thuyết thì…” Y lắc đầu nói: “Anh cũng thấy rồi đấy, toàn thân cái bình này như được bọc trong lửa đỏ, từ xa cũng có thể trông thấy ánh lửa ngùn ngụt bốc lên. Trong các bút ký tiểu thuyết thời xưa có ghi, khi người ta đến gần loại đồ gốm sứ này, thậm chí có thể bị bỏng, nhưng nếu có lòng thành, ngọn lửa này chẳng những không nóng, ngược lại còn hơi man mát dìu dịu nữa.”
Trác Mộc Cường Ba khẽ đưa tay lại gần, thấy cũng không khác chiếc bình màu xanh da trời lúc nãy, cảm giác mát lạnh tự nhiên như chạm tay vào một lớp băng mỏng, nhưng chỉ dìu dịu không thấm vào xương, mát mà không lạnh. Nhìn bộ dạng chuyên chú của Merkin, gã lên tiếng nhắc nhở: “Phía trước chắc còn nữa chứ nhỉ?”
“Dĩ nhiên rồi, để tôi xem một chút đã nào.” Trong mắt Merkin đã hoàn toàn không còn Trác Mộc Cường Ba nữa.
Trác Mộc Cường Ba đành một mình tiếp tục đi lên phía trước, được khoảng trăm bước chân, lại thấy một cái bình cao bằng người nữa. Có điều, cái bình này hơi khác với hai cái đằng trước, hình như được đẽo từ ngọc phỉ thúy, nhưng so với phỉ thúy lại có thêm chất óng ánh như hạt băng trong không khí, gần như trong suốt, sắc xanh thuần vô cùng. Điều đặc biệt nhất là, nhìn qua thân bình có thể thấy đồ vật chứa bên trong, trông như quả cầu pha lê tròn tròn, to bằng nắm đấm.
“Merkin, ông lại đây xem, cái này là gì?” Trác Mộc Cường Ba lờ mờ cảm nhận được đầu mối, dường như đã nhìn thấy vật phẩm giống thế này ở đâu đó rồi, nhưng nhất thời không sao nhớ ra được.
Merkin rời khỏi cái bình sứ đỏ như lửa, nét mặt xem chừng ấm ức. Trác Mộc Cường Ba nói: “Cái này thì gọi thế nào? Xanh như ngọc bích à?”
Merkin lắc đầu: “Kỳ quái thật, cái này không phải đồ gốm sứ, mà là bình ngọc lưu ly, có biết tại sao người Trung Quốc cổ đại không gọi là thủy tinh, mà gọi là lưu ly không?” Là bởi đa phần chúng đều là hàng mỹ nghệ có màu sắc, chứ không phải đồ thủy tinh không màu mang tính thực dụng ở lưu vực Lưỡng Hà. Ở Trung Quốc cổ đại, lưu ly được coi như một loại châu ngọc nhân tạo có thể chế luyện được. Có điều, cái bình lưu ly này khí chất cao nhã, toàn thân không tì vết, sắc độ chẳng thua gì phỉ thúy cả, màu xanh biếc như muốn chảy ra vậy. Tôi dám khẳng định, các món đồ bằng ngọc lưu ly ở thế giới ngoài kia, tuyệt đối không có thứ nào so bì được với nó đâu.”
Trác Mộc Cường Ba chẳng muốn nghe mấy điều này, gã chỉ hỏi: “Có thấy thứ ở bên trong bình không, ông thấy có gì đặc biệt không?”
Merkin hít sâu một hơi, phát ra tiếng “xì xì”, rốt cuộc vẫn không thể nói được đó là thứ gì. Xem ra hiểu biết của y đối với đồ ngọc lưu ly không được sâu như đồ gốm sứ cổ. Trác Mộc Cường Ba định thử lấy đồ vật bên trong ra xem, nào ngờ đường kính của thứ trông giống quả cầu pha lê ấy to hơn đường kính của miệng bình, không dốc ra được, đành thò tay vào lần mò, đúng là khá giống quả cầu pha lê, nhưng lại không có cảm giác như chạm vào pha lê, có lẽ bảo là những quả cầu bằng đá thì đúng hơn, có điều cầm lên tay lại thấy nhẹ bỗng.
Trác Mộc Cường Ba nói: “Chẳng lẽ trong những cái bình kia cũng đựng mấy thứ này sao?” Gã không khỏi lấy làm kinh ngạc, vừa nãy gã nâng cái bình đó lên đã thấy nhẹ lắm rồi, nếu trong bình đúng là đựng những quả cầu đá này nữa, vậy thì trọng lượng của riêng cái bình há chẳng phải là nhẹ như lông hồng rồi hay sao?
“Xem thì biết ngay thôi!” Merkin lại chạy lên phía trước, cái bình tiếp theo xuất hiện ở trước mắt họ, hiển nhiên chính là “trắng hơn tuyết” rồi.
“Công nghệ trong truyền thuyết… lưu vân phi bộc(12).” Còn chưa đến gần cái bình sứ trắng, Merkin đã đột ngột kêu toáng lên. Cả cái bình sứ tưởng như được điêu khắc từ bạch ngọc nguyên khối, trắng hơn tuyết sương, xung quanh tỏa ra một quầng sang trắng lóa. Màu sắc ấy như thể màu của dòng sông băng khổng lồ xưa nay chưa từng có người đặt chân đến ở Nam Cực, trong sắc trắng thuần khiết lại thấp thoáng ẩn một chút sắc lam cực nhạt, vô cùng nhạt.
Merkin không biết nên thể hiện tâm trạng của mình thế nào nữa, cứ luôn miệng lẩm bẩm về thứ công nghệ trong truyền thuyết đó: “Lưu vân phi bộc, một thác chín tầng, loại đồ sứ này nhìn xa thì giống như mây trắng tràn xuống khe núi, cuồn cuộn sôi trào, khí tượng ngút ngàn; nếu chăm chú nhìn ở cự ly gần, anh sẽ phát hiện thấy, tựa hồ tiết trời đã lạnh, có thể trông thấy cánh hoa lả tả rơi trên thân bình, rồi vô số đóa hoa tuyết bay giăng giăng khắp trời. Lấy ý cảnh từ thiên nhiên, trở về với thiên nhiên, đây chính là cảnh giới mà các thợ gốm thời xưa theo đuổi cả đời. Đám người châu Âu đến tận thế kỷ 18 mới nung được gốm trong xưởng, tưởng rằng đã vượt qua công nghệ của Trung Quốc, nhưng sắc màu trắng nhợt ấy làm sao có thể so sánh được với sắc trắng tự nhiên chân chính này cơ chứ. Công nghệ của bọn họ, so với công nghệ trong truyền thuyết này có đáng là gì, chẳng đáng là gì cả!”
Điều khiến Merkin càng kích động hơn là, từ vị trí này nhìn về phía trước, cả hành lang dài ngun ngút tưởng chừng vô tận này xếp đầy những bình sứ đứng lặng lẽ, trông ngợp cả mắt…
Merkin như biến thành đứa trẻ ba tuổi, rảo chân chạy đi chạy lại khắp chốn trên hành lang, nhìn thứ này rồi lại sờ thứ kia…
“Công nghệ trong truyền thuyết!”
“Công nghệ trong truyền thuyết!”
“Công nghệ trong truyền thuyết!”
Y kích động đến nỗi hai hàng lệ nóng rưng rưng tuôn từ khóe mắt. Y đứng giữa đống bình sứ, xòe hai tay, cơ hồ muốn đón lấy những món bảo vật vô hình trên trời rơi xuống, nước mắt thỏa sức chảy dài trên má, trong miệng phát ra tiếng cười dài sảng khoái: “Ha ha ha ha…” Càng cười, nước mắt y càng tuôn, toàn thân run bần bật. Trác Mộc Cường Ba thấy thế, biết ngay trạng thái tâm lý của Merkin lúc này đã vượt quá phạm vi khống chế của y rồi, sợ rằng để y thấy thêm một hai món bảo vật, thần trí sẽ không còn tỉnh táo nữa.
Không thể để Merkin mê man giữa đống bảo vật thế này được, Trác Mộc Cường Ba không chút do dự, khép bàn tay chặt mạnh một cú vào gáy đối phương, Merkin lập tức ngã vật ra. Sự thực là, dù Trác Mộc Cường Ba có không đánh ý, Merkin cũng đã vừa khóc vừa cười đến độ đứng còn chẳng vững nữa rồi.
Trác Mộc Cường Ba đỡ Merkin dậy, chẳng buồn để ý đến những chiếc bình sứ phát ra ánh sáng lóa mắt kia nữa, một lòng chỉ muốn tìm đường ra khỏi hành lang dài tít tắp này. Không bao lâu sau, Merkin đã dần tỉnh lại, nhưng trận cười điên đảo vừa nãy cơ hồ đã rút sạch thể lực của y. Y rũ người dựa vào Trác Mộc Cường Ba, nói: “Anh biết không, mỗi một tác phẩm nghệ thuật ở đây, dẫu là gạch lát sàn, bích họa, hay tường thủy tinh, đều chỉ có thể dùng bốn chữ ‘tuyệt không đâu có’ để hình dung, càng không cần phải nhắc đến những đồ gốm sứ kia làm gì, toàn bộ đều là những món nằm ngoài tầm tưởng tượng của người đời. Tôi có thể nói thế này, cứ cho là trước mắt chúng ta đây không phải những món đồ còn nguyên vẹn hoàn chỉnh, mà chỉ là một đống mảnh vỡ chăng nữa, anh tùy tiện nhặt một mảnh vỡ ấy mang ra ngoài, cũng đủ để ném một quả bom nguyên tử xuống giới nghiên cứu và sưu tầm đồ sứ rồi. Cách nhìn của họ đối với lịch sử ngành gốm sứ, nhận thức và lý giải của họ về kỹ nghệ truyền thừa gốm sứ cổ đại của thế giới, sẽ hoàn toàn bị lật nhào.”
Trác Mộc Cường Ba không buồn để ý đến Merkin nữa, chỉ xốc cánh tay, lôi y về phía trước, nhưng Merkin vẫn tiếp tục nói thao thao: “Anh tả lại những món đồ sứ anh vừa nhìn thấy cho bất cứ chuyên gia đồ sứ nào trên thế giới, hỏi họ xem có thứ như vậy hay không, tôi dám khẳng định, họ chắc chắn sẽ trả lời cho anh rằng: tuyệt đối không thể có! Bởi vì những chuyên gia giám định ấy chỉ xem các ghi chép trong cung đình, chỉ xem danh sách của các nhà sưu tầm, bọn họ làm sao biết đến những món đồ chỉ có trong truyền thuyết! Những ghi chép của cung đình trải qua nghìn năm, hủy hoại mất bao nhiêu, còn bảo tồn được bao nhiêu chứ? Những thứ tuyệt mật trong cung, liệu được ghi chép lại mấy phần trong sổ sách? Rồi thử hỏi, có được bao nhiêu món lưu lạc vào tay các nhà sưu tầm! Trong bọn họ, có bao nhiêu người đi nghiên cứu các tiểu thuyết thần quái từ sau thời nhà Đường trở đi, rồi bỏ công nghe ngóng những câu chuyện truyền miệng trong dân gian? Hừ…! Nếu không tận mắt nhìn thấy, bọn họ sẽ tuyệt đối không bao giờ tin đâu!”
Tâm trạng Merkin lại kích động, Trác Mộc Cường Ba cảm thấy rõ thân thể y đang khẽ run từng chặp: “Bất cứ công nghệ cổ đại nào, hầu như đều trải qua một quá trình thế này: dần dần phát triển đến đỉnh cao, sau đó bắt đầu xuống dốc, cho tới khi thất truyền. Trong lịch sử đồ gốm sứ của Trung Quốc các anh, các nhà nghiên cứu lớn đều nhận định rằng thời Tống là đỉnh cao của kỹ nghệ gốm sứ, sau này mới dần xuống dốc, chỉ có mình tôi tin rằng gốm sứ thời Đường mới là các tác phẩm đỉnh cao của gốm sứ Trung Quốc! Cơ hồ tất cả các món đồ gốm sứ trong truyền thuyết đều xuất hiện ở thời Đại Đường thịnh thế. Lực lượng sản xuất của đế quốc Đại Đường thời bấy giờ có thể nói là đứng ở đỉnh cao toàn thế giới, rất nhiều ngành công nghệ phát triển tới đỉnh điểm. Chỉ tiếc rằng sau đại loạn Ngũ Đại Thập Quốc, các công nghệ Đại Đường lưu truyền hậu thế không còn được một phần mười, cho dù nói chỉ còn một phần trăm, một phần nghìn thôi cũng không hề quá đáng. Chính vì vậy, sau này, khi hậu thế muốn tìm hiểu, có rất nhiều kỹ nghệ phải đến các nước như Nhật Bản, hay vùng Trung Á để khảo chứng. Thực ra thì, đất nước ở gần Đại Đường nhất, kế thừa được nhiều kỹ nghệ nhất, có lẽ là Thổ Phồn. Bên trong tòa thần miếu này, chính là những tác phẩm đỉnh cao của thời kỳ đó rồi còn gì! Những tác phẩm kết tinh của trí tuệ cổ nhân ấy… đều ở nơi đây… tất cả đều ở nơi đây…”
Dọc đường đi, nước mắt không ngừng chảy xuống cằm Merkin, nhỏ xuống đất, phát ra những âm thanh tí tách tí tách. Để Merkin giữ được lý trí tỉnh táo, Trác Mộc Cường Ba không thể không nhấn mạnh: “Đừng kích động quá, chớ quên rằng, những thứ này chỉ là rặng san hô, rặng san hô thôi!”
Gọi là rặng san hô, là cách nói của Merkin khi kể lại những gì y biết với Trác Mộc Cường Ba. Theo nghiên cứu của gia tộc nhà y, bảo vật ở Shangri-la có thể chia làm ba cấp bậc. Những thứ nằm rải rác bên ngoài Shangri-la, giá trị có lẽ ngang với những bảo vật mà Morgan Stanley phát hiện, nên họ cũng dùng luôn cách nói của Morgan Stanley, gọi chúng là những hạt cát trên bờ biển; còn các vật bày biện ven đường trong Bạc Ba La thần miếu, được gọi là những rặng san hô dưới biển, giá trị cao hơn các món bảo vật Morgan Stanley phát hiện một bậc; còn những thứ cất giấu ở trung tâm của Bạc Ba La thần miếu, phải dùng chìa khóa mà sứ giả mang ra mới mở được, mới là kỳ tích mà biển cả thai nghén ra… trân châu! Có điều, xét những gì trước mắt họ đây, chỉ “rặng san hô” thôi đã thế này rồi, trân châu không hiểu sẽ thế nào nữa, thực tình Trác Mộc Cường Ba không tưởng tượng nổi. Quả nhiên, nghe Trác Mộc Cường Ba nhắc nhở, Merkin bật cười tự giễu, có thể nhìn thấy mấy “rặng san hô” này thôi, y đã thỏa mãn lắm rồi, chẳng mong cầu gì “trân châu” nữa.
Đỡ Merkin đi cả một quãng đường khá dài, Trác Mộc Cường Ba cơ hồ đã hiểu được đôi chút về tòa thần miếu. Bạc Ba La thần miếu, kết cấu có vẻ giống một kim tự tháp, đáy lớn đỉnh nhỏ, từ các ô cửa kính có thể nhìn thấy kiến trúc dạng pháo đài thành trì bên dưới. Dĩ nhiên, cũng không thể khẳng định kiến trúc pháo đài duới đáy hồ chính là phần đáy của thần miếu. Tòa thần miếu này to lớn đến mức không theo một chuẩn mực nào, vị trí của bọn gã lúc này có lẽ ở trên đỉnh của thần miếu. Từ độ cong của hành lang có thể thấy, đỉnh thần miếu hình chóp nhọn, chỉ là hình tròn này lớn quá, nên gần như không nhận ra được độ cong của nó. Hành lang hình tròn, một nửa lộ ra ngoài đáy hồ, nửa còn lại thì ẩn bên trong lòng núi. Trác Mộc Cường Ba không hề biết rằng, tuyến đường bọn gã đi và tuyến đường bọn lính đánh thuê kia đi, vừa khéo vạch nên hai vòng xoáy đồng tâm theo hai hướng ngược chiều nhau, một bên xoáy vào trong, một bên lại xoáy ra ngoài.
Thậm chí Trác Mộc Cường Ba còn nghĩ, không hiểu có phải tòa thần miếu này có lối vào trên đỉnh ở tầng bình đài thứ ba, rồi thông xuống cả ba tầng bình đài hay không? Xây một tòa thần miếu dựa theo mạch núi Himalaya, từ đỉnh xuống đáy cách nhau gần 7000 mét! Nếu đúng thế thì không còn nghi ngờ gì nữa, tòa Bạc Ba La thần miếu này sẽ là kiến trúc nhân tạo vĩ đại nhất mà Trác Mộc Cường Ba có thể tưởng tượng ra được. Gã đột nhiên nghĩ đến lúc bọn gã từ tầng thứ nhất bám vách đá leo lên tầng thứ hai, tại sao lại có một con dốc nghiêng như thế? Liệu có phải đó là đường đáy của thần miếu hay không? Nói như vậy, há chẳng phải cả ba tầng bình đài Tu Di sơn này chỉ là ba cái lan can của Bạc Ba La thần miếu hay sao? Còn biển ngầm dưới lòng đất kia, chính là hồ trữ nước của thần miếu? Chính bản thân Trác Mộc Cường Ba cũng giật bắn cả người vì suy nghĩ này sắc mặt tái đi. Nếu đúng là có kiến trúc như vậy, e rằng tất cả những thứ gọi là kỳ quan thế giới cộng lại, chưa chắc đã bằng một phần mười của tòa thần miếu này!
Trác Mộc Cường Ba gạt những suy nghĩ vẩn vơ ấy ra khỏi đầu, hiển nhiên không thể nào có công trình kiến trúc khổng lồ như thế được, nhân lực vật lực ở nơi này đều không thể thảo mãn điều kiện để xây dựng công trình trong tưởng tượng ấy của gã. Gã lại tập trung suy nghĩ vào việc tìm lối ra, nếu hành lang này chỉ là một vòng tròn hoàn chỉnh, vậy thì đúng là hỏng bét. Merkin đã hồi phục một chút thể lực, lại tập trung chú ý vào đống bình sứ, chỉ là sau khi được Trác Mộc Cường Ba nhắc nhở, y không dừng lại săm soi từng cái bình một, mãi không chịu nhấc chân đi như lúc đầu nữa. Cứ đi như vậy, y cũng phát hiện ra một đặc điểm: những bình sứ này không phải toàn bộ đều là cực phẩm, những loại tinh phẩm từ trên xuống dưới đều như thể phủ một quầng ánh sáng, hiển nhiên là của hồi môn của công chúa Văn Thành mang vào đất Tạng, số lượng rất ít, đi lâu như vậy cũng chỉ thấy có năm chiếc; kém hơn một chút, có lẽ là do các thợ giỏi đi theo công chúa sử dụng nguyên liệu tại chỗ nung thêm, không có ánh sáng rõ rệt lắm, nhưng cũng là hàng cực phẩm trong các loại cực phẩm rồi; loại cuối cùng, hiển nhiên là sản phẩm của đời sau, kỹ thuật cũng như trình độ đều không thể so sánh với hai loại trên, song số lượng lại nhiều nhất, có vẻ như đem ra để góp cho đủ số, chỉ có thể coi là hàng cực phẩm thôi. Merkin vừa xem xét, vừa giải thích cho Trác Mộc Cường Ba.
Mắt thấy đoạn hành lang ngoài sáng sắp đi đến tận cùng, phía trước đã là bóng tối như mực, Trác Mộc Cường Ba bỗng giật thót mình, nhớ ra rồi! Những bình sứ và các quả cầu trong bình ấy, gã từng đọc về chúng khi nghiên cứu tài liệu, đây là một tế đàn Mạn đà la! Tùy theo số lượng và phương vị các bình sứ khác nhau, vị chủ thần được bái tế ở đây cũng khác nhau, nhưng có một điểm có thể khẳng định chắc chắn, trong kinh điển Mật giáo, các vị thần phật ấy đều sở hữu sức mạnh cực kỳ đáng sợ! Sâu thẳm bên trong Trác Mộc Cường Ba lập tức dâng lên một dự cảm chẳng lành, theo kinh nghiệm của gã, vẻ hùng vĩ của kiến trúc cùng vẽ tinh xảo đẹp đẽ của nội thất bên trong xưa nay đều tỷ lệ thuận với mức độ nguy hiểm của kiến trúc ấy! Tòa thần miếu này không chỉ là nơi tập trung của các món báu vật trong truyền thuyết, mà còn tập hợp cả những thành tựu vĩ đại nhất trong các lĩnh vực cơ quan học, cổ độc, nuôi dưỡng sinh vật! Vừa nhớ đến đoạn ghi chép tìm thấy trong làng của người Qua Ba, Trác Mộc Cường Ba không khỏi rùng mình ớn lạnh.
“Thần kỳ quá!” Đội ngũ lính đánh thuê đông đảo cũng phát ra tiếng thở dài cảm khái hệt như Trác Mộc Cường Ba và Merkin, có điều, cảnh tượng mà bọn chúng trông thấy khác hẳn với hai người bọn Trác Mộc Cường Ba.
Những bức điêu khắc cuối cùng của Cánh cửa Chúng sinh càng lúc càng nhỏ dần, hình người cuối cùng đã thu nhỏ lại chỉ bằng hạt đậu. Bước qua cánh cửa này là một hành lang dài tràn ngập ánh sáng, so với bên trong cánh cửa đã chật hẹp, không gian đột nhiên rộng mở, ánh sáng chiếu khắp phòng khiến tinh thần ai nấy đều phấn chấn hẳn lên.
Chắn ngang trước mắt bọn lính đánh thuê là một đường hầm khoét vào lòng núi, trông như thể ống thoát nước được phóng to. Đường hầm này rất tròn, chính giữa lại có một dòng nước nhỏ chảy róc rách, khiến nó trông càng giống đường cống ngầm hơn. Sở dĩ, không ai cho rằng đây là đường cống ngầm, là bởi ánh sáng chói lòa ở khắp mọi nơi.
Phía trên đường hầm ngầm treo hai hàng gương đồng lớn, không hiểu người xưa đã dẫn ánh sáng từ chỗ nào, ánh mặt trời chói lóa được những tấm gương đồng chuyển tiếp lan đi khắp chốn, một nhóm gương phản xạ, một nhóm gương khúc xạ, có tia sáng chiếu xuống mặt song rồi lại phản xạ hắt lên, giao nhau chằng chịt, tạo thành một mạng lưới ánh sáng phủ khắp bên trong đường hầm. Nhìn lưới ánh sáng đó, tất cả đều thấy dâng lên một cảm giác thần kỳ khôn tả, tựa như đang đứng trước con đường thông lên cõi Thiên đường vậy!
Chỉ riêng người thanh niên kia là thoáng thất vọng, so với Cánh cửa Chúng sinh, mạng lưới ánh sáng này cùng lắm cũng chỉ có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật thị giác, vẫn chưa thể khiến người ta rung động đến tận sâu thẳm tâm linh. Y lặng lẽ nhìn con sông chảy ngang trước mắt, vì có ánh sáng phản xạ, mặt sông lấp lánh ánh vàng, có thể thấy những vệt sóng lăn tăn gợn nhẹ, nước chảy không xiết, song cũng không quá chậm. Có một điều hơi lạ là trong không gian có hiệu quả vọng âm rất cao thế này, dòng sông ấy lại không hề phát ra bất cứ âm thanh nào. Người trẻ tuổi đó nghiêng tai lắng nghe một hồi, không sai, y chỉ nghe thấy toàn tiếng bàn tán xì xào của bọn lính đánh thuê, dòng sông này không hề có tiếng nước chảy.
“Đây là sông Phù sinh sao? Chẳng qua cũng có vậy mà thôi, cùng lắm chỉ có thể coi là một cái kênh lớn.” Trong lòng y không khỏi có chút bất mãn, “Gượm đã, đó là gì vậy?”
Y hơi khom người xuống, đôi mắt cơ hồ muốn nhìn xuyên qua mặt nước, nhưng dòng sông này không ngờ lại sâu hơn y tưởng, dưới đáy sông dường như có thứ gì đó, nhờ ánh sáng phản xạ hắt lên, có thể thấy được mấy mảng màu sắc mơ hồ. “Hình vẽ à? Chẳng lẽ cổ nhân đã đục đẽo đáy sông thành các hình khắc? Điêu khắc dưới đáy sông để cho ai xem chứ?” Người trẻ tuổi lấy làm thắc mắc, bèn ngồi xổm hẳn xuống, nhô người ra phía mặt sông xem thử. Quả nhiên, dưới đáy sông có những hình khắc lồi lõm, vả lại, không biết người xưa đã tận dụng màu sắc thiên nhiên của đá núi lửa hay sử dụng phương thức đặc thù gì khác, mà các hình khắc ấy đều lên màu. Lòng sông không hề bằng phẳng, mặt sông liên tục nổi sóng, khoảng cách quá xa, lại thêm sóng nước dập dềnh, căn bản không thể nhìn rõ được dưới đáy sông khắc những gì. Tuy nhiên, người thanh niên ít nhất cũng hiểu được hai vấn đề, một là đường hầm này không phải hình tròn, mà là hình số 8; không gian phía trên và phía dưới mặt nước hoàn toàn đối xứng, chỗ bọn họ đang đứng chính là phần thắt eo của số 8 ấy. Thứ hai, nhiệt độ của nước sông khác nước hồ bên ngoài, nước hồ bên ngoài do nước tuyết đọng trên núi chảy xuống, tuy được địa nhiệt trung hòa, song vẫn hơi lạnh, còn dòng sông này lại chịu ảnh hưởng của địa nhiệt, nước sông nóng hơn một chút so với nước sông hồ bình thường ngoài kia. Vừa bước chân vào đường hầm này, y đã cảm thấy ẩm thấp, hiển nhiên là do hơi nước từ mặt sông bốc lên, đồng thời, cũng vì trong đường hầm mù mịt hơi nước, nên các cột ánh sáng kia mới để lại những dấu vết rõ rệt trong không trung, đan thành mạng lưới ánh sáng hiện lên trước mặt cả bọn như thế.
“Hừ, sông Phù sinh, đây cũng gọi là sông Phù sinh à?” Người trẻ tuổi lạnh lùng cười, ra lệnh: “Đừng nhìn nữa, mau đi theo hướng dòng sông chảy.”
Chú thích
(12) Lưu vân phi bộc: mây bay thác chảy

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.