Mật Mã Tây Tạng

CHƯƠNG 26: Ý NGHĨA CỦA SỰ TỒN TẠI



Lữ Cánh Nam dìu pháp sư Á La, cùng tiến về phía bức điêu khắc khổng lồ. Dọc đường toàn là các tượng thần Phật cao lớn, trước mặt một số vị thần Phật quan trọng có kê một chiếc bàn đá khổng lồ. Đồ vật bày trên những bàn đá ấy đã không thể gọi là đồ thờ cúng được, toàn bộ đều là châu báu sáng lấp lánh, chất thành đống như quả núi nhỏ. Bọn lính đánh thuê đang mải mê leo lên leo xuống, qua qua lại lại giữa những ngọn núi báu vật. Chúng cứ hết hơi hết sức, khó khăn lắm mới leo lên được một cái bàn, trong đầu chỉ còn biết đống báu vật rực rỡ, sáng mắt lên lao bổ vào giữa một rừng pháp khí và châu báu, bị va đập mạnh cũng chẳng hề đau đớn. Nhưng khi chúng leo lên đến đỉnh một ngọn núi châu báu, nhìn sang bàn khác, lại phát hiện ra đống châu báu ở cái bàn đằng xa ấy to hơn đống bên này, bảo vật nhiều hơn, tinh xảo đẹp đẽ hơn, vậy là lại nhao nhao leo xuống, lao về phía cái bàn kia, đợi khi leo được lên đến đỉnh, lại có phát hiện mới, vậy là lại hùng hục xông đến một chỗ khác.
Bọn lính đánh thuê nhảy nhót leo trèo như khỉ, hùng hục lao như sói, túi quần túi áo nhét căng các loại đồ trang sức vàng bạc, có tên nhét đầy túi, hai tay cũng không cầm hết được, liền dùng miệng cắn, dùng đầu đội. Nhiều tên khác thì dùng túi da rắn cỡ lớn đã chuẩn bị từ trước, nhét đầy hai túi, buộc dây thừng vào lối đi xềnh xệch, rõ ràng đã nặng đến nỗi không kéo nổi nữa, mà vẫn ra sức nhét vào, trông thấy thứ gì trân kỳ là lại bất chấp tất cả lao xồng xộc tới, lại bỏ những thứ đã nhét vào vung vãi ra ngoài, trông bừa bãi hết sức.
Thi thoảng cũng có tranh chấp, nhưng Khafu trị thuộc hạ rất nghiêm khắc, luôn có một nhân vật kiểu như tiểu đội trưởng đứng ra hòa giải, hai bên lập tức ngừng ngay lại, càng không nói đến việc phải đụng dao đụng súng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là báu vật ở đây quá nhiều, cho dù bọn lính đánh thuê này có dốc hết tâm lực ra cũng chỉ mang đi được một phần không đáng kể mà thôi.
Kim cương xử, Thập tự kim cương xử, Phản vạn tự kim phù, Kim cương quyết, Hoàng kim cô lâu bổng, Cốt bổng, Thiên yết kiếm, Thiên yết mâu, Thiên yết câu, Hoàng kim lâu cốt, Thất bảo hải loa, Kim dực điểu, Ma yết, voi, hổ, ngựa, Hoa mạn cung, Câu hồn bài, Thổ bảo thử…
Các loại pháp khí và bảo vật Mật giáo nằm lăn lóc vương vãi khắp nơi, pháp sư Á La nhìn mà lắc đầu suốt, ông rảo chân bước nhanh ra phía xa, ít nhất cũng coi như khuất mắt trông coi.
Chẳng rõ đi được bao lâu, nhữmg tiếng cười the thé náo động, tiếng gào hét đã không còn lọt vào tai họ nữa, hai người dần rút ngắn khoảng cách với bức điêu khắc lớn nhất ở trung tâm, càng đến gần, lại càng thấy kinh hãi. Bức điêu khắc này quả thật rất lớn, cao chừng trăm mét, gần như chạm đến trần đại điện, khi đến gần họ mới phát hiện, hình như đây là một cái đầu người, phần họ trông thấy có lẽ là cái gáy.
Một cái đầu người cao cả trăm mét, đặt chính giữa các loại thần Phật của nhiều tôn giáo khác nhau, người Qua Ba cổ đại rốt cuộc muốn biểu đạt điều gì? Cả pháp sư Á La lẫn Lữ Cánh Nam đều hiểu rõ, bức điêu khắc lớn thế này, đến quá gần sẽ chỉ có thể nhìn thấy một bộ phận, hai người bèn quyết định không tiến lên nữa, mà xuyên qua các tượng thần Phật, đi vòng ra phía chính diện bức tượng đầu người khổng lồ.
Đi mất gần một tiếng, Lữ Cánh Nam đột nhiên dừng lại, tò mò nhìn xuống mặt đất xung quanh. Pháp sư Á La lướt ánh mắt qua, lập tức hiểu Lữ Cánh Nam phát hiện ra điều gì. Mặt đất chỗ họ đang đi có màu sắc hơi khác với mặt đất chỗ đằng xa kia, có điều, vì diện tích quá lớn nên không dễ gì phát hiện được. Màu sắc dưới đất lại vẽ nên những đường tròn đồng tâm xung quanh tượng đầu người, để ý quan sát sẽ thấy các tượng thần Phật phân bố trên mỗi vòng tròn ấy đều khác nhau. Pháp sư Á La ngẫm nghĩ hồi lâu, thầm nhủ: “Bố cục này, kết cấu này, lẽ nào là Đại diễn Luân hồi đài trong truyền thuyết?” Ông bất giác nhớ lại miêu tả về Luân hồi đài trong kinh điển Mật giáo: “Các vị thần Phật, đưa mắt nhìn vào, sinh tử luân hồi, mãi không chấm dứt…”
Lữ Cánh Nam xem xét một lúc rồi nói với pháp sư A La: “Chỗ này cũng có cơ quan, chỉ là chưa khởi động thôi.” Pháp sư Á La chầm chậm gật đầu. Hai người càng thêm dè dặt, các tượng đá ở đây cái nhỏ nhất cũng cao năm sáu mét, cái lớn thì cao đến hai ba chục mét, nếu cơ quan khởi động thật, tuyệt đối chẳng phải chuyện chơi. Không biết bao lâu sau, hai người rốt cuộc cũng đến được phía trước tượng đầu người đó, cảnh tượng đạp vào mắt không khỏi khiến họ sững sờ. Đây chính xác là một bức tượng đầu người khổng lồ, ngũ quan rõ nét, đầu không có tóc, nhưng không liên quan gì đến hình tượng Phật hay La hán trong tôn giáo mà lại hơi giống những hình người ở chỗ Cánh cửa Chúng sinh: không có tóc, cũng không phân biệt nam nữ. Không thể phân biệt được các đường nét trên gương mặt pho tượng đầu người này, bởi toàn bộ phần mặt bò lúc nhúc các loại trùng kiến, toàn là những loài sinh vật hung dữ, có độc, khiến người ta nhìn mà phát sợ. Các loại sinh vật có độc bò ngang dọc khắp trên bộ mặt khổng 1ồ ấy, mỗi con đều được điêu khắc tinh xảo giống hệt vật sống, nhìn từ xa thậm chí còn có cảm giác như chúng đang nhung nhúc di động.
Bản thân gương mặt của tượng đầu người ấy vốn đã rất hung dữ, cái miệng há to, lỗ mũi hếch lên, bộ dạng như thể đang chọn người để cắn nuốt, hai mắt lồi hẳn ra ngoài, tròng mắt tựa hồ đang trừng lên nhìn sinh vật trước mặt mình. Nhãn cầu được điêu khắc như mắt của đứa trẻ bị não úng thủy, chỗ lông mày tuy bị độc trùng phủ kín, song vẫn nhìn ra được hai hàng lông mày chau lại như thể đang trầm ngâm nghĩ ngợi điều gì đó. Nhìn từ xa, đây là một bức tượng đầu nguời bị buộc phải banh miệng ra, hai mắt hết sức kinh hãi, đồng thời lại lộ ra dáng vẻ lo lắng trầm tư. Thị lực của pháp sư Á La rất tốt, ông còn trông thấy trong cặp mắt trũng xuống và cái miệng khổng lồ đang há to ra ấy dường như còn thứ gì khác, bèn cùng Lữ Cánh Nam tiến lại gần hơn để nhìn cho rõ.
Khi khoảng cách rút ngắn lại, những sự vật trong miệng và trong nhãn cầu của tượng đầu người cũng dần trở nên rõ ràng hơn. Lữ Cánh Nam và pháp sư Á La càng lúc càng thêm kinh ngạc. Chỉ thấy trên cặp mắt của pho tuợng đầu người khống lồ ấy toàn là những hình chạm khắc các tư thế giao hợp của nam và nữ, còn trong cái miệng há to kia lại có cả chim bay thú chạy, cây cỏ hoa lá, đủ các loại người, thần Phật yêu ma… không gì là không có. Quan sát ở cự ly gần mới thấy, lũ độc trùng trên gương mặt kia không chỉ đang cắn xé bộ mặt người khổng lồ, mà đồng thời cũng đang cắn xé lẫn nhau. Phần xương đầu phía trên trán một chút đã bị bọn độc trùng cắn thủng một lỗ, cơ hồ tất cả lũ độc địa ấy đều chen chúc, tranh nhau bò về phía cái lỗ ấy, cũng có rất nhiều độc trùng bò ra từ trong tai, lỗ mũi và khóe mắt của pho tượng, song số nhiều hơn lại muốn chui vào… Pháp sư Á La và Lử Cánh Nam chưa bao giờ gặp tác phẩm điêu khắc nào giống thế này, không có trong Mật giáo, Phật giáo hay Bản giáo, thậm chí cả trong các truyền thuyết thần thoại lưu truyền trong dân gian cũng không có thứ kỳ dị đặt giữa trung tâm của chư thần chư Phật này rốt cuộc là gì?
“Pháp sư đại nhân, thứ… thứ này… trong điển tịch có nhắc đến không?” Lữ Cánh Nam hỏi với vẻ đầy nghi ngại.
Pháp sư Á La khẳng định: “Không có, tuyệt đối không có! Có lẽ, người Qua Ba sau khi tới đây mới điêu khắc ra thứ này. Ta tin chắc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cũng không thể tìm được một bức điêu khắc tương tự. Thứ này rốt cuộc tượng trưng cho điều gì? Đặt nó ở vùng trung tâm của tất cả tượng thần Phật, để các vị thần linh suy tư, rốt cuộc là suy tư vấn đề gì?”
“Tồn tại!” Giọng nói của người trẻ tuổi kia vang lên ở đằng trước, kế đó, hai người liền thấy y bước ra từ phía sau một pho tuợng đá lớn. Thì ra, sau khi Lữ Cánh Nam và pháp sư Á La đi, người trẻ tuổi ấy cũng tò mò đến xem xét bức điêu khắc trung tâm đại điện. Y đi lối tắt, nên đến phía dưới bức tượng đầu người khổng lồ trước Lữ Cánh Nam và pháp sư Á La, và đã ở đây quan sát được một lúc lâu rồi.
“Tồn tại?” pháp sư Á La và Lữ Cánh Nam thực sự không thể liên hệ tác phẩm điêu khắc trước mắt với lời người trẻ tuổi kia vừa nói.
“Đúng thế, sự tồn tại.” Người trẻ tuổi chắp hai tay sau lưng bước tới, nét mặt lộ vẻ đắc ý, bộ dạng tựa như một hướng dẫn viên thâm niên trong viện bảo tàng, chậm rãi giải thích cho hai người: “Trong tất cả các sinh vật, những loài sở hữu ý thức tự ngã cực kỳ hiếm hoi, voi, cá heo, tinh tinh, gorilla… đếm được trên đầu ngón tay, đại đa số các sinh vật còn lại đều chỉ hành động theo bản năng. Mục đích tư duy của chúng cũng chỉ là để thỏa mãn nhu cầu mang tính bản năng: lãnh địa, ăn, giao phối. Những sinh vật cấp thấp hơn nữa còn không có năng lực tư duy, ngay cả phương thức hành vi của chúng cũng đều được di truyền trực tiếp từ đời cha ông. Bọn chúng chỉ là một bản sao của chính mình, không ngừng lặp lại bản thân trong dòng thời gian vô tận. Chỉ có con người các ngươi, mới thực sự học được và có khả năng sử dụng tư duy để sáng tạo.”
Nói đoạn, người trẻ tuổi giơ tay chỉ về phía bức tượng đầu người khổng lồ. Điểm này thì Lữ Cánh Nam và pháp sư Á La chỉ có thể gật đầu thừa nhận, xét cho cùng, ngoại trừ sinh vật ngoài hiành tinh có trí tuệ cao xưa nay vẫn luôn nằm trong vòng nghi vấn, con nguời có thể xem là vạn vật chi linh, là loài duy nhất trên địa cầu nắm được năng lực tư duy và vận dụng nó một cách thành thục. Đây là sự thật đã được công nhận rộng rãi.
Nhưng pháp sư Á La lại để ý thấy, người trẻ tuổi kia không nói “con người chúng ta”, mà là “con người các ngươi”, nhìn vẻ mặt khinh khỉnh của y, tựa như không thèm tự nhận mình là con người vậy.
“Rất rõ ràng, người Qua Ba cổ đại từ hơn một nghìn năm trước đã nhận thức được đại não, chứ không phải trái tim, mới là hạt nhân của tư tưởng, sớm hơn châu Âu cả mấy trăm năm,” người trẻ tuổi cười gàn lạnh lẽo, nói: “Vì vậy bản thân bức tượng đầu người này hẳn là đại diện cho một con ngườỉ. Trung khu của năng lực hành vi, năng lực phán đoán, năng lực tư duy đều nằm ở đại não, đó cũng là điểm duy nhất khác biệt giữa nhân loại và các loài sinh vật khác. Khi quan sát từ xa, các người có nhận ra gương mặt này hơi quen quen không? Không tính đến thể tích khổng lồ và những loài độc trùng bò đầy mặt kia, trông nó có giống bức “Người suy tưởng” của Rodin hay không? Nếu không xét tới bộ mặt kinh khủng như vậy, cũng không xét tới cái miệng há to, mà chỉ nhìn vào hai hàng chân mày nhíu chặt kia, rõ ràng những người Qua Ba cổ đại đó đã nắm bắt được cách biểu đạt hai chữ “suy tưởng” một cách rất hoàn mỹ” Nghe người trẻ tuổi chỉ ra vậy, Lữ Cánh Nam và pháp sư Á La đều chau mày, nghxi kỹ lại cũng thấy hơi giống thật. Hiển nhiên năng lực quan sát của người trẻ tuổi này sắc bén hơn họ rất nhiều, nhưng càng như vậy, hai người lại càng thêm lo lắng, đồng thời cũng không khỏi run sợ trong lòng. Họ cảm thấy có điều gì đó không ổn, nhưng lại không sao nói ra được.
“Trong cặp mắt toàn là dục vọng.” người trẻ tuổi thu nụ cười lại, ngước nhìn hai mắt pho tượng, “có lẽ các người cho là vậy, nhưng thực ra không phải, tin rằng cả hai đều không lạ lẫm gì với Hoan hỉ thiền trong Tạng truyền Phật giáo, chắc cũng từng gặp vô số các bức điêu khắc miêu tả cảnh quan hệ nam nữ. Hai người xem những hình khắc nam nữ giao cấu trong đôi mắt này, so với những bức điêu khắc ấy, có chút khác biệt nào không? Những hình khắc này kỳ thực chỉ là những bức tranh giao phối rất nguyên thủy, rất bình thường mà thôi, chúng tượng trưng cho sự sinh sản. Bất cứ loài nào muốn duy trì sự tồn tại của mình, cho dù sử dụng phương thức nào chăng nữa, cũng không thể tách khỏi hai chữ ‘sinh sản’ được. Sinh sản là phương pháp duy nhất để mọi thể sống hữu hạn bảo tồn được hệ thống tự thân của chúng, nhân loại các người cũng không ngoại lệ.”
Nghe đối phương giải thích, Lữ Cánh Nam mới ngẩng lên nhìn lại cặp mắt của bức tượng đầu người, quả nhiên, những hình tượng nam nữ trong đó tuy đang tiến hành giao phối với nhiều phương vị, tư thế khác nhau, nhưng thứ được nhấn mạnh ở đây đích thực không phải tính dục, thậm chí người xưa còn cố ý ẩn đi vẻ hoan lạc của hai bên. Nét mặt của các cặp nam nữ đều nghiêm túc dị thường, giống như những cặp khổ sai đang lao động vất vả vậy. Lột bỏ đi tấm áo ngoài văn minh, thực ra hành vi mà nhân loại phê phán, ngợi ca, cảm thấy thần bí, cảm thấy tò mò, cảm thấy hổ thẹn, cảm thấy khinh thường ấy, chẳng qua chỉ vì một mục đích cực kỳ đơn giản… sinh sản!
Không dừng lại ở đó, người trẻ tuổi tiếp tục cất tiếng: “Mắt nhìn xa hơn, vì vậy nó nhìn thấy ý nghĩa bản chất của sự tiếp diễn giống nòi… sinh sản, còn miệng, trong cái miệng lớn này có vô số thứ, bao la vạn tượng, nhưng bất luận thế nào cũng không thể thoát ra khỏi phạm trù vật chất hữu cơ. Nó tượng trưng cho sự tuần hoàn của năng lượng, ừm, nói vậy có vẻ hơi thâm ảo quá, có lẽ người xưa biểu đạt đơn giản hơn một chút, nhưng tôi cảm thấy, nó chính là tượng trưng cho sự tuần hoàn của năng lượng. Một giống loài muốn tiếp tục tồn tại thì không thể tách rời khỏi sự sinh sản, còn một cá thể sinh vật muốn tiếp tục tồn tại thì không thể không có tuần hoàn năng lượng. Đối với nhân loại bình thường, đó cũng chính là… ăn. mọi thứ điêu khắc bên trong cái miệng này, đều có thể ăn được.” Người trẻ tuổi nhếch mép lên, như cười mà không phải cười, liếc nhìn cái miệng khổng lồ đó.
“Những… những tượng Phật ấy…” Lữ Cánh Nam kinh ngạc chỉ vào phía trong cùng, trong đó còn có cả tượng thần Phật yêu ma cơ mà!
Người trẻ tuổi nhìn có vẻ giễu cợt, đoạn quay sang pháp sư Á La nói: “Nếu trên đời này có yêu ma thần Phật, con người lại trong tình trạng đói không thể chịu nổi nữa, nói không chừng cũng đành bắt lấy mà ăn thôi, phải vậy không?”
Pháp sư Á La ớn lạnh cả sống lưng, đối với tôn giáo, câu nói này thực sự là một điều đại bất kính, nhưng ông lại nhất thời quên cả phản bác, trong lòng ngấm ngầm cảm thấy, có lẽ người trẻ tuổi này đã nói đúng! Trong các thần thoại truyền thuyết khác nhau, chuyện ăn thịt thần, ăn thịt ma cũng không hiếm, thí dụ như trong Tây Du Ký, bất kể là yêu ma quỷ quái hay những kẻ xấu bình thường, chẳng phải đều muốn bắt Đường Tăng ăn thịt đấy hay sao?
Người trẻ tuổi lại đưa ánh mắt thương hại liếc nhìn Lữ Cánh Nam và pháp sư Á La, châm biếm: “Phàm những thứ có thể tìm được, có thể bỏ vào miệng, có loại nào mà con người chưa từng ăn chứ? Có điều, những người Qua Ba cổ đại này cũng không phê bình hành vi đó, họ chẳng qua chỉ biểu đạt một thứ bản năng bằng phương pháp đơn giản và nguyên thủy nhất mà thôi, một con người muốn tồn tại, ắt phái có sự trao đỏi náng lượng, ăn chinh là điéu kiện cơ bán nhất để nhân loại duy trì sự tồn tại của mình.”
Nói tới đây, người trẻ tuổi mới dừng lại, quay đầu tiếp tục quan sát bức tượng đầu người khổng lồ. Pháp sư Á La liếc nhìn bóng lưng của y, thầm thắc mắc, người trẻ tuổi này nhắc đến cặp mắt, đến cái miệng, nhưng điểm đặc biệt, rõ ràng nhất của pho tượng này thì y lại không hề nhắc đến. Ông rốt cuộc cũng không nén được, cất tiếng hỏi: “Những độc trùng trên mặt, tượng trưng cho thứ gì?”
Người trẻ tuổi quay đầu lại, bộ dạng như một ông cụ đang dạy đời cho lũ trẻ con: “Tượng trưng cho vấn đề mà tất cả thần Phật trong đại điện này đều đang suy tư… ý nghĩa của sự tồn tại,” nét mặt y lúc này tựa hồ một vị trí giả đã nếm trải đủ ngọt bùi đắng cay của cuộc đời, trong mắt toát lên niềm cảm ngộ cùng sự xót thương trước thế sự đa đoan. Pháp sư Á La thầm kinh hãi, mỗi cử động dù là nhỏ nhặt nhất của người trẻ tuổi này, không ngờ đều mang theo ám thị tâm lý rất mạnh mẽ, khiến người ta chấp nhận quan điểm của y một cách vô thức, thủ đoạn này… đáng sợ, thật sự quá đáng sợ!
Nhân lúc người trẻ tuổi ấy không để ý đến mình, pháp sư Á La khẽ nói với Lữ Cánh Nam: “Nghe y nói, chớ nhìn vào mắt y.” Lữ Cánh Nam cơ hồ đột nhiên tỉnh ngộ, làm một động tác nhỏ, biểu thị ý “đã biết” với ông, mắt vẫn nhìn về phía người trẻ tuổi kia, nhưng ánh mắt thì đã chếch ra tít đằng xa.
Người trẻ tuổi kia hoàn toàn không phát giác ra động tác nhỏ của hai người, hoặc giả đối với y, kiểu cách nói chuyện đầy ám thị này sớm đã trở thành một thosiquen rồi cũng nên. Y tiếp tục giải thích: “Ý thức của trẻ con lúc mới sinh ra là một mảng trống rỗng, như một tờ giấy trắng vậy, khi nó phát ra tiếng khóc đầu tiên, nghe thấy âm thanh đầu tiên của thế giới này, cũng giống như vạch lên tờ giấy trắng ấy một nét bút, khi nó mở mắt ra, bắt được tia sáng đầu tiên, cũng giống như vạch thêm một nét bút nữa lên tờ giấy trắng ấy, cứ thế trải qua một đời người, những gì nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, nếm được, tiếp xúc được, cảm tri được, tất thảy mọi thứ đều vạch lên vô số đường nét khác nhau trên tờ giấy trắng ấy. Đối với bức tượng này, mỗi sự vật trên thế gian, đều được biểu đạt bằng một con độc trùng, có lẽ ẩn hàm đạo lý ‘Ngũ sắc khiến mắt người ta mù lòa, ngũ âm khiến người ta điếc lác’ của Đạo gia. Cuối cùng, đời người sẽ giống như bức tượng này vậy, bị các loại độc trùng bò khắp nơi, chui vào trong óc, bụp…” Người trẻ tuổi phát ra âm thanh như thể tên lửa bắn vút lên, tay làm động tác biểu thị mọi thứ dều kết thúc.
Pháp sư Á La thấp giọng nói: “Lời từ một phía, không thể tin hết được.”
Lữ Cánh Nam hỏi: “Ngươi nói các vị thần Phật ở đây đều đang suy nghĩ, suy nghĩ cái gì? Trên mặt bò đầy sâu bọ, tượng trưng cho ý nghĩa của sự tồn tại ư?”
Người trẻ tuổi đáp: “Toàn bộ bức tượng này biểu đạt một sự mâu thuẫn của tồn tại, cặp mặt tượng trưng cho sự tồn tại của giống loài, cái miệng tượng trưng cho sự tồn tại của cá nhân, còn các loại sâu độc bò khắp mặt tượng trưng cho mâu thuẫn của hai sự tồn tại này, đây là một cuộc giao tranh rất dữ dội. Ai cũng biết, một sinh mệnh sinh ra trên đời này, kết quả cuối cùng là cái chết, chưa bao giờ có ngoại lệ, từ đó suy rộng ra, kết quả cuối cùng của bất cứ loại vật chất nào xuất hiện trên thế gian này cũng đều là diệt vong, tiêu vong. Kể từ ngày bắt đầu sự tồn tại của mình, nó đã bước trên con đường dẫn đến sự không tồn tại. Ngay cả chúng ta, trong vũ trụ này, chúng ta cũng chỉ sinh ra từ một điểm đơn lẻ, cuối cùng lại trở về một điểm đơn lẻ, sinh ra trong hư vô, rồi lại trở về với hư vô. Đây chính là điểm quy tụ cuối cùng của toàn bộ vật chất mà thời gian và không gian có thể bao hàm. Như vậy, sẽ nảy sinh một vấn đề nếu sinh ra chỉ là bắt đầu của chết đi, mục đích cuối cùng của sự tồn tại đều là hủy diệt, vậy thì, ý nghĩa của sự tồn tại rốt cuộc là ở đâu? Vì cớ gì mà phải tồn tại? Kể từ khi nhân loại sở hữu ý thức tư tưởng có hệ thống đến nay, ngoài việc tìm hiểu xem bản thân là ai, thì vấn đề này cũng là một mệnh đề triết học chung cục. Kỳ thực, cả hai cũng có thể coi là một vấn đề. Kể từ khi con người biết ghi chép lịch sử, đã xuất hiện vô số triết gia, vĩ nhân, nhưng chưa một ai làm rõ được vấn đề này. Nói một cách đơn giản là, ta từ đâu đến? Sau này sẽ đi đâu? Gần như mọi tôn giáo đều được sinh ra để giải quyết vấn đề này. Những tôn giáo thâm ảo một chút thì cố trình bày cho rõ, tại sao con người lại sống, tại sao con người lại chết. Những tôn giáo nông cạn hơn thì trực tiếp nói với ta, con người nên sống như thế nào, và phải đối mặt với cái chết như thế nào. Nhưng sự thực là không có tôn giáo nào tìm được một đáp án chính xác, những câu trả lời mơ hồ nửa nạc nửa mỡ cuối cùng sẽ dẫn đến kết quả, những người khác nhau đọc giáo lý của cùng một tôn giáo, lại có được những câu trả lời khác nhau, thậm chí còn có nhân sinh quan và thế giới quan khác nhau nữa.” Nói tới đây, y nghiêng mặt nhìn Lữ Cánh Nam nói: “Cô có biết cô tồn tại vì cái gì không?”
Lữ Cánh Nam không cần nghĩ ngợi, lập tức đáp ngay: “Đương nhiên.”
Người trẻ tuổi lộ vẻ mặt như thể mình đã hỏi sai người, vỗ vỗ trán nói: “À, quên mất, cô là kẻ sống gửi.”
Lữ Cánh Nam biến sắc, không tự chủ được giơ tay lên chỉ mặt người trẻ tuổi nói: “Ngươi… ngươi…”
Pháp sư Á La cũng ngầm kinh hãi, cả chuyện bí mật như vậy mà đối phương cũng biết, người trẻ tuổi này rốt cuộc đã nắm trong tay bao nhiêu bí mật?
Người trẻ tuổi cười cười nói tiếp: “Đối với một kẻ sống gửi đã quên đi bản thân mình, chỉ tồn tại vì người khác như cô, hỏi vấn đề này thành ra lại thừa thãi mất rồi.”
Người trẻ tuổi lại hướng ánh mắt dò hòi sang phía pháp sư Á La, pháp sư bèn đáp lại bằng một câu kệ: “Làm theo tâm mình, cả đời không hối.”
Chỉ nghe đối phương bật cười châm biếm: “Ta hỏi ông tồn tại vì cái gì, còn câu trả lời của ông lại là một phương thức tồn tại.” Y lắc lắc đầu, nói tiếp: “Nói gì thì nói, điều pho tượng khổng lồ trước mặt chúng ta đây muốn biểu đạt, chính là ý này, nó đang chất vấn mọi vị thần Phật, nếu mục đích của tồn tại là để hủy diệt, vậy thì ý nghĩa của sự tồn tại rốt cuộc nằm ở đâu?”
Đôi mắt u uất của người trẻ tuổi bất ngờ ngước lên, trong mắt lóe sáng, pháp sư Á La và Lữ Cánh Nam không hẹn mà cùng chìm vào suy tư. Chỉ là, điều pháp sư Á La băn khoăn không phải ý nghĩa của sự tồn tại, mà là: “Câu cuối cùng của người trẻ tuổi này hình như có nhầm lẫn, không nên nói mục đích của tồn tại là để hủy diệt, mà phải nói kết quả cuối cùng của sự tồn tại đều là hủy diệt mới đúng chứ nhỉ?”
Cả ba dường như đều đắm chìm trong suy nghĩ của riêng mình, nhất thời không ai lên tiếng. Lúc này, Lữ Cánh Nam nhìn lại bức tượng đầu người khổng lồ ấy, tức thì có cảm giác khác biệt hẳn ban đầu. Nếu không có người trẻ tuổi này giải thích, ai có thể nghĩ ra bức tượng đầu nguời thoạt trông thì xấu xí, dữ tợn và đáng sợ này, lại ẩn hàm ý nghĩa sâu xa đến thế? Nhìn mãi, nhìn mãi, cô trông thấy bên dưới cái miệng khổng lồ ấy, hình như có mấy bóng người!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.