Mỗi đứa trẻ một cách học

CHƯƠNG VI. PHONG CÁCH HỌC CỤ THỂ-NGẪU NHIÊN



Một bà mẹ có phong cách học cụ thể-ngẫu nhiên uống một ngụm nước cam rồi nhăn mặt và nhổ ra: “Trời đất! Chua quá!” Bà kêu lên.

Đứa con cũng phong cách cụ thể-ngẫu nhiên của bà cầm lấy cốc nước cam đó và hỏi:

“Con nếm thử được không ạ?”

Bà mẹ nhìn con sửng sốt: “Con không tin mẹ à? Tại sao con lại muốn nếm thứ mà mẹ đã bảo con là rất chua?”

Không phải cậu bé không tin mẹ – cậu chỉ muốn nếm thử trước khi thực sự tin vào điều đó.

NHỮNG NGƯỜI THUỘC PHONG CáCH HỌC CỤ THỂ-NGẪU NHIêN

Đây là nhóm ít tin vào lời nói của người khác nhất. Những người này luôn luôn thấy cần phải tự trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Họ không cố gắng giống những người bình thường. Nếu tất cả mọi người có chung một nhận xét, thì họ sẽ nói với bạn điều ngược lại, vì vậy những điều được coi là đúng với người khác thì thường với họ lại không.

Vì người cụ thể-ngẫu nhiên sống trong một thế giới thực, bất cứ điều gì họ chưa trải nghiệm qua đều là những điều không thể tin tưởng được. Họ luôn là những người ưa mạo hiểm. Họ tin rằng bạn không thể chạy trốn khỏi sự tầm thường trừ khi bạn sẵn sàng bước qua các giới hạn.

Người cụ thể-ngẫu nhiên có trực giác nhạy bén, họ nghĩ nhanh, tò mò và có tài xoay xở. Phần cụ thể khiến họ rất thực tế, nhưng phần ngẫu nhiên khiến họ trở nên khó đoán trước. Họ thường không có kế hoạch và các thói quen, và thích để mở các lựa chọn của mình. Mọi thứ dường như đi qua nhanh chóng mặt với họ vì họ không ngừng đi tìm các thử thách mới. Nếu một thứ bắt đầu trở thành thói quen hay trở nên nhàm chán, họ sẽ từ bỏ ngay lập tức và tìm đến một thứ khác hấp dẫn hơn.

Việc người cụ thể-ngẫu nhiên nhảy việc không phải điều lạ, đôi khi họ còn làm đồng thời cả hai công việc. Đó không hẳn là sự thiếu tập trung, mà họ muốn có cảm giác chinh phục những thứ chưa biết đến. Họ có thể biến những thứ hiển nhiên thành một điều gì đó không ai ngờ tới.

Một buổi tối, tôi đang lái xe về nhà, hai đứa con sinh đôi hai tuổi rưỡi của tôi chành chọe nhau trên ghế sau. Michael (cực kì cụ thể-ngẫu nhiên) đánh cậu em trừu tượng-ngẫu nhiên của nó, Robert. Dù tôi biết rõ chuyện, tôi vẫn phải dọa Michael một trận.

“Michael,” tôi nghiêm nghị nói, “mẹ sẽ tấp vào lề đường và bật đèn lên. Nếu đúng là con đang đánh em, con sẽ bị phạt nặng đấy.” Tôi dừng xe, bật đèn lên, và quay lại để xem Michael có đang đánh em không. Nhanh như chớp, Mike toét miệng cười và nói: “Cù này, cù này!”

Đây là một ví dụ hoàn hảo về khả năng gây ra và thoát khỏi rắc rối rất nhanh chóng của người phong cách cụ thể-ngẫu nhiên. Họ tự xoay xở rất nhanh nên bạn sẽ hiếm khi thấy họ vi phạm một luật lệ nào đó.

Họ coi hầu hết các luật lệ là các hướng dẫn. Đối với họ, luật lệ chỉ dành cho những người không biết làm đúng cách.

Tôi là một người mang đậm đặc điểm của phong cách cụ thể-ngẫu nhiên. Một năm khi đã gần đến Giáng sinh, tôi và người chị có phong cách trừu tượng-ngẫu nhiên của tôi, Sandee cùng đứa con nhỏ của chị đi mua sắm ở một cửa hàng bách hóa. Khi chúng tôi đến thang máy với một chiếc xe đẩy, Sandee đọc một biển chỉ dẫn: “Không đưa xe đẩy vào thang máy.” Khi chị đọc biển chỉ dẫn, tôi đang mải xếp đồ lên xe đẩy.

Sandee hốt hoảng: “Biển chỉ dẫn nói là không được đẩy xe đẩy vào thang máy!”

Tôi nhìn chị: “Ồ, vậy cảnh sát sẽ tới bắt chúng ta à? Chị Sandee, đây là biển chỉ dẫn dành cho những người không biết cách đẩy xe đẩy vào thang máy an toàn. Em biết cách làm, và cái biển đó chẳng có ý nghĩa gì đối với em cả.”

Chị không chịu đi theo tôi lên tầng, không muốn mọi người nhìn thấy chị đang đi cùng một người không tuân theo luật lệ. Đối với tôi, đó chỉ là một lời hướng dẫn.

Thật khó để những người cụ thể-ngẫu nhiên chấp nhận các giới hạn và các hạn chế, nhất là khi các luật lệ độc đoán. Hầu hết những người cụ thể-ngẫu nhiên tin tưởng vào việc làm một công dân tuân thủ pháp luật, và họ rất tỉnh táo trong việc nêu gương tốt cho con mình. Họ chỉ gặp nhiều rắc rối nhất với các luật lệ có vẻ vô lý đối với cuộc sống của mình.

Người cụ thể-ngẫu nhiên không bao giờ bị nhụt chí bởi từ “bất khả thi” nếu họ đã kiên quyết đạt được mục đích của mình. Ngược lại, một mục đích khác rất dễ đạt được lại có thể bị bỏ qua nếu họ thấy rằng việc đạt được nó không quan trọng.

Một người phụ nữ có phong cách cụ thể-ngẫu nhiên trẻ đã tới gặp tôi sau một buổi hội thảo và kể cho tôi nghe câu chuyện của chính cô. Khi học môn Hóa học ở trường đại học, cô đã rất ngạc nhiên khi nghe lời tuyên bố lạnh lùng của thầy giáo ngay trong buổi học đầu tiên. ông nói với học sinh rằng: không ai có thể được điểm A trong bài kiểm tra nếu họ không làm bài tập về nhà, nên bài tập về nhà sẽ chiếm nửa tổng số điểm của cả học kì.

Người phụ nữ này cảm thấy tức giận. “Ngay lúc đó,” cô nói với tôi, “Tôi quyết định sẽ không làm một bài tập về nhà nào hết. Và tôi đã giành được điểm A trong tất cả các bài kiểm tra.”

Tôi cười và nói: “Nhưng điểm tổng kết của chị là C, đúng không?”.

Cô ấy cười: “Đúng thế, nhưng đó là điểm C tuyệt vời nhất mà tôi từng có!”

Người cụ thể-ngẫu nhiên đôi khi làm người khác bực mình vì họ hành động không

giống ai, và họ luôn luôn tìm cách để thay đổi hệ thống đã có sẵn hay thử những cái mới. Nhưng cũng chính điều này thúc đẩy những người xung quanh xem xét đến những khả năng mới lạ và chưa được thử nghiệm.

CáC BẬC PHỤ HUYNH THUỘC PHONG CáCH HỌC CỤ THỂ-NGẪU NHIêN

Một buổi tối, một người bố trẻ thuộc phong cách cụ thể-ngẫu nhiên đọc truyện cho đứa con bốn tuổi của mình trước khi đi ngủ. Cậu bé cũng thuộc phong cách cụ thể-ngẫu nhiên. Trong lúc người bố sắp rời khỏi phòng, cậu bé bảo: “Bố ơi, bố để đèn hành lang sáng nhé.”

Người bố trả lời: “Không được con ạ, phải tắt đèn đi.”

“Đi mà bố, con muốn đèn hành lang sáng.”

“Không, không bật được.”

“Đi mà bố!”

“Không!”

“Đi mà bố!”

“Không!” Và đèn hành lang tắt phụt.

Cậu bé bắt đầu khóc. Bố mẹ cậu bé nghĩ rằng cậu sẽ khóc một lúc rồi ngủ. Nhưng hai tiếng đồng hồ sau đó, cả ba người đều mệt mỏi. Cậu bé đã khóc khản tiếng, nhưng cậu không chịu bỏ cuộc. Bố mẹ đã chán phải nghe cậu khóc, nhưng họ kiên quyết không bật đèn hành lang.

Cuối cùng người bố đi xuống phòng cậu bé, và thấy rằng cậu đã thò một bàn chân ra khỏi chăn. Cậu bé thổn thức: “Bố ơi, nếu bố đắp chân cho con thì con sẽ đi ngủ.”

Người cha đắp chân cho con và cậu đi ngủ. Bạn thấy đấy, cuộc chiến chẳng đáng thắng – nhưng đối với cả người bố và cậu bé thuộc phong cách cụ thể-ngẫu nhiên, đầu hàng vô điều kiện là chuyện không thể.

Các phụ huỵnh thuộc phong cách cụ thể-ngẫu nhiên luôn thấy bực mình nếu con cái không nghe lời. Nhưng chính họ cũng là những con người bướng bỉnh, không bao giờ làm những việc được yêu cầu. Một khi đã quyết định một việc phải như thế nào, họ thường sẽ đưa ra những nguyên tắc và mệnh lệnh mà chính họ có thể đã từng không bao giờ muốn tuân theo.

Các phụ huynh cụ thể-ngẫu nhiên rất tin tưởng vào sức thuyết phục của mình. Họ muốn điều tốt nhất cho con mình, nhưng đôi khi họ khăng khăng dạy con mình theo cách của mình dù chúng có thích hay không.

Các phụ huynh cụ thể-ngẫu nhiên thường là những người bạn vui tính của con. Họ tham gia vào hầu hết mọi thứ và động viên con chơi hết mình. Cuộc đời đối với họ là một cuộc phiêu lưu, và họ muốn là những người đầu tiên chinh phục những vùng đất mới.

Vì phụ huynh cụ thể-ngẫu nhiên hiểu được tính cách cũng cụ thể-ngẫu nhiên của con mình, họ luôn nghĩ sẽ sống hòa hợp với chúng. Dù đôi lúc họ rất hòa hợp nhưng việc giống nhau không mang lại nhiều lợi ích. Do họ không bao giờ chịu thua, cũng như những đứa con ương bướng của họ, nên giữa họ và con cái hay xảy ra những cuộc chiến tranh lạnh dài bất tận.

NHỮNG ĐỨA TRẺ THUỘC PHONG CáCH HỌC CỤ THỂ-NGẪU NHIêN

Một giáo viên mẫu giáo giao cho học sinh của mình một bài tập vẽ sáng tạo: “Cô muốn các em vẽ một bức tranh về một người mà các em thực sự ngưỡng mộ.” Như cách các giáo viên vẫn làm, cô vẽ mẫu một bức tranh về một người cô ngưỡng mộ nhất. Sau khi hầu hết các học sinh đã vẽ xong, cô thấy rằng hầu như chúng sao y nguyên bức tranh của mình. Một cậu bé thuộc phong cách cụ thể-ngẫu nhiên vẫn còn đang hí húi vẽ. Khi cô hỏi cậu đang vẽ ai, cậu bé liền tự hào trả lời: “Đây là bức tranh vẽ Chúa.”

Cô giáo cười bối rối và nói rằng: “Nhưng không ai biết Chúa trông như thế nào.”

Cậu bé chỉ trả lời: “Họ sẽ biết nếu họ xem bức tranh của em!”

Những đứa trẻ này không bao giờ thiếu năng lượng, sự tò mò và những ý tưởng mới. Nhàm chán là kẻ thù số một của chúng, và trường học thường được coi như một nhà tù. Chúng sẽ phải chịu đựng cách giáo dục cứng nhắc cho tới khi chúng tự biết mình nên học gì.

Trong một thập kỉ giảng dạy về các phong cách học, tôi chưa từng nói chuyện với một người cụ thể-ngẫu nhiên nào không táo bạo. Điều này không có nghĩa là họ nổi loạn hay ngang ngạnh, mà chỉ kiên quyết sống theo cách của riêng mình. Họ không tự động phản đối các luật lệ, nhưng họ mong đợi tính thực tế trong các luật lệ đó.

Họ có một bản năng chống lại mọi sự bắt buộc. Nếu bạn nói “hãy làm đi không thì…”, thì họ sẽ chọn “không thì…”. Họ có thể âm thầm thể hiện điều đó, nhưng họ biết rằng ngoại trừ việc chết ra thì họ không bắt buộc phải làm gì cả. Họ luôn sẵn sàng làm mọi việc, nhưng chỉ khi điều đó thực sự cần thiết. Hầu như những người thuộc phong cách học khác sẽ không bỏ qua những điều lặt vặt, nhưng họ sẽ sẵn sàng bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt đó.

Khi tôi còn nhỏ, tôi và mẹ mâu thuẫn dai dẳng vì phòng ngủ bừa bộn của tôi. Nếu tôi còn tìm thấy cái giường thì với tôi mọi thứ vẫn còn sạch sẽ. Tuy nhiên, mẹ tôi mong đợi nhiều hơn thế.

Phòng của tôi là nguồn gốc của rất nhiều tranh cãi của hai mẹ con. Một ngày, đột nhiên tôi quyết định rằng tôi sẽ làm một điều gì đó tốt và bất ngờ với mẹ tôi. Tôi kiên quyết dọn sạch sẽ như mẹ tôi muốn. Đó là một bất ngờ tuyệt vời phải không? Trên đường đi về phòng, tôi gặp mẹ. Mẹ đã qua một ngày mệt nhọc. Bà đã dọn dẹp phòng ốc cả ngày.

Mẹ tôi chỉ tay vào tôi và nói: “Cynthia Kay Ulrich, về phòng con ngay. Con sẽ không được bước ra khỏi đó cho đến khi con dọn sạch nó.”

Điều mà tôi rất muốn làm bỗng nhiên trở thành một tối hậu thư. Tôi lập tức phản đối ngay lời ép buộc đó. Tôi quyết định rằng mẹ tôi sẽ không thể bắt tôi dọn phòng.

Tôi nhận tất cả mọi hình phạt: Tôi bị đánh đòn. Tôi bị cấm ra khỏi phòng. Tôi phải nhịn bữa tối. Chẳng có gì tỏ ra có hiệu quả. Mẹ tôi có thể đốt cháy căn phòng và tôi sẽ vẫn chọn cách không tuân lệnh.

Tôi không cố tình không nghe lời mẹ. Khi có cảm giác bị kiểm soát, tôi sẽ từ chối không hợp tác. Mệnh lệnh đã được đưa ra, và tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chứng tỏ rằng tôi không bắt buộc phải nghe lời.

Khả năng cụ thể luôn giúp họ rút được ý chính từ các luật lệ. Họ sẽ tìm được cách làm những việc mình thích mà không thật sự đi ngược lại với các luật lệ.

Carol, một trong những giáo viên tham dự lớp học cách dạy những đứa trẻ bướng bỉnh, kể lại một kỷ niệm hồi còn nhỏ, thể hiện rõ tính cách bướng bỉnh của một người phong cách cụ thể-ngẫu nhiên như cô. Khi đang học ở một trường trung học cơ sở, một ngày, cô giáo cho cả lớp chuyền tay một cây liễu để xem. Cô giáo bảo cả lớp thoải mái được cầm và chơi với cây liễu, nhưng không được để chúng gần tai. Carol là người cuối cùng được cầm cây liễu. Trong khi chờ tới lượt mình, cô bé Carol phát điên lên không hiểu tại sao cô giáo lại nói rằng không được để nó vào tai. Tại sao lại không được? Chuyện gì sẽ xảy ra?

Khi cây liễu được chuyền đến tay Carol, cô bé cúi xuống ngăn bàn, giấu mặt mình đi, và nhét cây liễu không phải vào tai, mà là vào mũi. Và cô bé phải đứng góc lớp khá lâu vì thử nghiệm đó của mình. Tới bây giờ, Carol vẫn bực mình với giáo viên của mình. Cô đã không nhét cây liễu vào tai mình, vậy đâu phải cô đã không nghe lời?

Dù những đứa trẻ thuộc phong cách cụ thể-ngẫu nhiên rất dễ làm cho cha mẹ mình bực mình, chúng lại rất muốn cha mẹ mình là những người dẫn đường. Các em luôn muốn được biết trước ranh giới và tiếp nhận sự an toàn khi biết được giới hạn. Thử thách lớn nhất là cách cha mẹ truyền đạt những chỉ dẫn đó tới đứa con mình.

Một vài năm trước, đang ngồi trong một nhà hàng, tôi nghe thấy một cuộc nói chuyện căng thẳng ở bàn bên cạnh. Tôi liếc sang và nhìn thấy một đôi vợ chồng trẻ với đứa con khoảng tám tuổi. Người cha đập chiếc dĩa xuống bàn và chỉ tay vào con: “Bố để con tự chọn đồ trong thực đơn cho trẻ em, rồi con lại không ăn những gì con gọi. Từ bây giờ bố sẽ gọi đồ và con sẽ phải ăn.”

Cậu bé không biết là cậu vừa nghe thấy một luật lệ mới. Người cha cúi gần cậu bé hơn. “Và chúng ta sẽ không rời khỏi đây cho đến khi con ăn hết những gì con đã gọi.”

Tôi liếc nhìn cậu bé. Không cần nói một lời, nét mặt cậu bé đã hiện rõ thông điệp: “Bố bảo họ mang giấy tờ thuê nhà ra đây, chắc chúng ta sẽ ở lại và sống ở đây đấy.” Mệnh lệnh đã được đưa ra, và cậu bé rõ ràng không có ý định tuân theo. Người cha đang ngồi quay lưng về phía tôi, nhưng tôi vẫn có thể thấy được anh ta đang tức nghẹn lên tận cổ. Anh ta nổi gân xanh, và anh ta giận run lên. Người mẹ có vẻ đang khó chịu. Chắc rằng cô đã trải qua tình trạng này rất nhiều lần. Cố gắng để làm dịu bớt tình hình, cô đẩy đĩa của mình cho đứa con: “Con có thể ăn đồ trên đĩa của mẹ này,” cô nói. “Em không được giúp nó!” Người cha gầm gừ. “Nó sẽ phải làm theo cách của anh!”

Một vài phút sau, tôi nhìn gia đình này rời khỏi quán ăn. Người cha đùng đùng bước ra ngoài, gần như sắp lên cơn đau tim. Người mẹ rơm rớm nước mắt, và đứa con, với vẻ mặt thờ ơ, bỏ lại một đĩa còn nguyên thức ăn.

Là một người mẹ, tôi hoàn toàn có thể thông cảm với đôi vợ chồng này. Nhưng bản thân vốn là người bướng bỉnh, tôi biết rằng hầu như các cách tiếp cận của họ đều không có tác dụng.

Tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh, và bạn có biết điều gì sẽ khiến tôi nghe lời không? Nếu bố tôi nói: “Con có định ăn nó không?” và tôi trả lời: “Không ạ,” bố tôi sẽ gọi bồi bàn để lấy một túi đựng mang về. Bố tôi sẽ quay sang tôi và nói: “Được thôi. Con không phải ăn nó bây giờ, nhưng bữa tiếp theo con sẽ phải ăn nó. Con thấy đấy, luật là con phải ăn những thứ con đã gọi.” Nếu bố tôi cho tôi một chút quyền quyết định sẽ ăn món ăn đó khi nào, thì tôi sẽ luôn nghe lời. Điều này thuộc vấn đề sự kiểm soát hơn là sự chỉ dẫn.

ĐIỀU Gì LàM HỌ CĂNG THẲNG?

Các bậc phụ huynh và những đứa trẻ có phong cách cụ thể-ngẫu nhiên có rất nhiều điểm tương đồng về những nguyên nhân làm họ căng thẳng và cách giải toả được căng thẳng.

Bạn đã có một số hiểu biết về các phong cách học và hi vọng là đã có thể nhận biết được cách học của chính mình, hãy lấy ra một tờ giấy và vẽ một bức tranh minh họa một số tính cách của con hoặc của chính bạn. Để bắt đầu, đây là một bức tranh biển thị đặc điểm của một người cụ thể-ngẫu nhiên.

Hãy giữ lại bức tranh của bạn. Chúng ta sẽ còn thêm nhiều yếu tố vào đó.

KẾT LUẬN

Tôi thường nói với các phụ huynh của những đứa trẻ cụ thể-ngẫu nhiên bướng bỉnh rằng những đứa trẻ đó sẽ làm thay đổi thế giới mà không có trường hợp ngược lại. Một khi biết được thế mạnh của những người cụ thể-ngẫu nhiên, bạn sẽ kinh ngạc khi thấy họ đã đóng góp vào sự biến đổi của thế giới như thế nào. Thay vì cố gắng bắt họ phải tuân lệnh, chúng ta nên để ý tới những ý tưởng mới thật sự có tác dụng của họ. Phần cụ thể-ngẫu nhiên trong mỗi chúng ta luôn giúp chúng ta vượt qua được chính mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.