Mỗi đứa trẻ một cách học

CHƯƠNG XI. KẾT HỢP CÁC PHONG CÁCH



Tôi vừa kết thúc khóa dạy giao tiếp cấp tốc cho một trạm cảnh sát lớn. Cảnh sát trưởng gọi tôi vào văn phòng của ông để cảm ơn và đưa ra một đề nghị quan trọng. ông đưa tôi một bản danh sách đầy đủ tên tất cả nhân viên, bao gồm các cảnh sát, văn thư và những nhân viên khác. “Tôi muốn chị ghi phong cách học của mỗi người bên cạnh tên của họ.” ông nghiêm nghị nói.

Tôi cố nén bối rối trước ý muốn phân loại rành mạch của ông. Tuy nhiên, nhờ thế tôi cũng phần nào đoán ra phong cách của ông ấy. Vậy nên tôi nói, “Vâng, hãy bắt đầu với tên của ông. Tôi nên xếp ông vào phương pháp nào đây?”

ông suy nghĩ một lúc. “Tôi là một trừu tượng-ngẫu nhiên,” ông trả lời, “nhưng thực ra, tôi thỉnh thoảng cũng là một cụ thể-theo trình tự. Và, tôi có thiên hướng phân tích nhiều hơn là tổng thể. Và tôi tiếp thu bằng thị giác.”

Tôi cười. “Thế thì tôi nên viết gì bên cạnh tên của ông đây?”

ông nhíu mày vẻ phật ý, nhưng rồi thở dài. “Được rồi, được rồi, tôi hiểu ý của cô rồi. Không một phân loại riêng lẻ nào có thể đặc trưng cho một người. Nhưng nếu tôi có một danh sách cho biết chính xác đang phải làm việc với người thuộc phong cách nào thì có phải dễ dàng hơn không!”

Khi mới phát hiện ra những phong cách học này, chúng ta sẽ luôn có xu hướng muốn xếp mọi người và mọi thứ vào một phong cách học cụ thể, phân loại và nhét họ vào một cái hộp. Nhưng một khi đã hiểu rõ các phong cách học, bạn sẽ không mất công cố gắng phân loại mọi người. Mỗi người là duy nhất, y như dấu vân tay của họ vậy. Cho dù các dấu vân tay trông có vẻ giống nhau, nhưng không có cái nào giống hệt cái nào. Đôi khi rất khó nhận ra sự khác biệt, nhưng nhìn chung, chúng rất rõ ràng.

Trong cuốn sách này, tôi đã lần lượt giới thiệu với bạn năm mô hình phong cách học khác nhau để giúp bạn hiểu được mỗi con người là một kết hợp phức tạp và độc đáo của các thế mạnh bẩm sinh và các sở thích. Cùng nhìn lại một lượt:

Phương pháp của trí não (Gregorc)

Nhận biết được trí não hoạt động như thế nào.

Ưu tiên về môi trường học (Nhà Dunn)

Thiết kế môi trường học tập lý tưởng.

Các thể thức ghi nhớ (Barbe-Swassing)

Chiến lược ghi nhớ hiệu quả.

Cách xử lý thông tin theo kiểu phân tích-tổng thể (Witkin)

Phân biệt các phương pháp và các kỹ năng học hiệu quả.

Thuyết đa trí thông minh (Gardner)

Phân biệt 7 loại hình thông minh.

Mỗi phong cách học được xếp loại theo năm mô hình này đều mở ra cho chúng ta thêm hiểu biết về bản thân và những người xung quanh. Ngoài năm mô hình này ra, còn có hàng trăm mô hình nghiên cứu phong cách học khác. Trong cuốn sách này, tôi chỉ chọn giới thiệu với các bạn năm phương pháp tôi thấy tâm đắc nhất, vì tôi đã có cơ hội kiểm nghiệm tính chính xác và thiết thực của chúng, và cũng bởi vì năm mô hình đó đều có cơ sở đáng tin cậy. Giờ thì khi đã ý thức được về các phong cách học, bạn sẽ hiểu ý nghĩa của việc phân loại các phong cách. Hãy coi mỗi mô hình nghiên cứu hay các phân tích đó bổ sung thêm một tầng hiểu biết mới của bạn, chứ không phải là phủ nhận hoàn toàn, thay thế tất cả những gì bạn đã biết.

Đa số chúng ta cho dù có cố vận dụng bao nhiêu phong cách học đi chăng nữa, vẫn thấy rằng thế mạnh bẩm sinh và sở thích của mình luôn luôn trước sau như một. Ví dụ, tính cách ngẫu nhiên của tôi rất thích hợp với thiên hướng tổng thể của tôi. Tôi không gặp khó khăn để hiểu bản thân mình và luôn biết chính xác mình cần gì trong hầu như tất cả tình huống. Mặt trái của tính nhất quán cao độ này là những khi tôi cần dùng đến phương pháp trái ngược với thế mạnh tự nhiên của mình, tôi cần phải rất kỉ luật và làm việc chăm chỉ, và rồi cuối cùng tôi lúc nào cũng thấy bực bội và kiệt sức.

Một trong những người bạn thân của tôi thấy mình rất ngẫu nhiên, nhưng cũng lại có thiên hướng phân tích. Điều này gây ra rất nhiều mâu thuẫn trong bản thân cô. Cô cần những thông tin có tổ chức và chi tiết do phong cách phân tích quy định, nhưng là một người có tính cách ngẫu nhiên mạnh mẽ, cô lại khó lòng tổ chức hay để tâm đến các chi tiết được. Cho đến khi hiểu về các phong cách học, cô đã biết khéo léo vận dụng những đặc tính tưởng chừng rất trái ngược nhau của mình để tự cân bằng. Cô luyện cách sử dụng thiên hướng phân tích khi cần chi tiết và sử dụng đặc tính ngẫu nhiên khi muốn thấy được bức tranh tổng quát.

Một số người cảm thấy bực bội vì dường như chẳng rơi trọn vào phong cách học hay giao tiếp nào cả. Tôi thường vui vẻ đùa rằng họ hoặc là rất cân bằng, hoặc quá lộn xộn. Họ tự nhận ngay là mình rất lộn xộn, nhưng chỉ cần hiểu biết sâu hơn một chút, luyện tập thêm một chút cách sử dụng các phong cách học, là họ đã bắt đầu nhận ra thế mạnh trong tính cách của mình, và dễ dàng thay đổi phương pháp linh hoạt tùy theo từng trường hợp.

Một trong những điều cốt lõi khi bàn về các phong cách học đó là phải luôn ghi nhớ rằng các phong cách học là các giá trị trung lập. Không có phong cách nào là tốt nhất. Không có phong cách riêng lẻ nào thông minh hơn phong cách nào, cũng như không có sự kết hợp phong cách nào là tốt hay tồi cả. Chìa khóa nằm ở cách bạn sử dụng thế mạnh tự nhiên của mình như thế nào và bạn sẵn sàng học hay giao tiếp theo cách có vẻ khó với bạn đến đâu.

SỬ DỤNG CáC PHONG CáCH HỌC ĐỂ CHIẾN ĐẤU Và CHIẾN THẮNG!

Sau những năm tháng giảng dạy về phong cách học cho hầu như đủ mọi thành phần khán giả, tôi đã phát hiện ra quy trình từ hiểu cho đến sử dụng thành công các khái niệm và chiến lược về phong cách học. Theo đó, dù là trẻ con hay người lớn cũng đều trải qua năm giai đoạn.

Giai đoạn một – Nhận thức

Khi phát hiện ra những điểm khác nhau giữa các phong cách học, chúng ta mới ở giai đoạn nhận thức. Sẽ có rất nhiều tiếng “à! Ra thế” và những khám phá mới được làm sáng tỏ, và thường thì chúng ta lấy làm thú vị vì đã khám phá ra “bản chất” của mình. Đối với nhiều người, nó vừa làm yên lòng, những cũng vừa gây lo ngại vì hóa ra còn có những người cũng nhìn cuộc sống giống mình. Đặc biệt là những đứa trẻ vốn gặp khó khăn trong việc học sẽ rất hào hứng khám phá ra rằng chúng cũng thông minh, và sẽ háo hức cho chúng ta biết chúng thích gì và phải thế nào thì chúng mới học vào nhất.

Giai đoạn hai – Chia nhóm

Sau niềm vui ban đầu của phát hiện mới, giai đoạn tiếp theo có thể khiến chúng ta lo lắng. Khi quan sát tính cách của những người có phong cách trái ngược, chúng ta dễ nghĩ rằng phong cách của chúng ta tốt hơn hẳn. Dù không cố ý, chúng ta có thể sẽ đi quá đà đến mức xúc phạm những người có phong cách trái ngược.

Bởi trẻ con đôi khi có xu hướng phóng đại sự khác biệt, người lớn có thể sẽ thấy lo lắng khi nghe thấy những đứa trẻ có thiên hướng tổng thể hay ngẫu nhiên bị gọi là “người giời” hay những đứa trẻ có thiên hướng phân tích hay theo trình tự bị gọi là “lũ mọt sách”. Một phụ huynh khôn khéo trong trường hợp này sẽ khéo léo can thiệp, nhắc đi nhắc lại rằng không có phong cách nào là tốt hơn cả, và thế mạnh của mỗi người đều cần thiết để giữ thế giới cân bằng. Giai đoạn tiêu cực này chỉ là một phần bình thường của quá trình thấu hiểu các phong cách học. Và rất may là nó không kéo dài.

Giai đoạn ba – Trân trọng

Sau khi quyết định rằng mình yêu quý phong cách tự nhiên của bản thân, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra những mặt hạn chế. Lúc này, chúng ta sẽ biết trân trọng phong cách học đối lập. Chúng ta tự nhận ra rằng mỗi phong cách đều có điểm mạnh riêng, và ai cũng đều được lợi từ tất cả những điểm mạnh đó. Ví dụ, khi một học sinh có thiên hướng tổng thể phải nghỉ ở nhà hai hay ba ngày và cần phải xem lại các ghi chép và bài tập, thì học sinh đó hiếm khi chọn mượn bài của một học sinh tổng thể khác. Dù rất yêu quý người bạn tổng thể của mình, nhưng họ biết rằng những người bạn có thiên hướng phân tích chắc chắn sẽ chép bài trên lớp cẩn thận hơn.

Cũng thế, những người có thiên hướng phân tích thường không muốn làm việc trong một nhóm mà tất cả mọi người đều thuộc phong cách đó. Chỉ vì, có vẻ như những người phân tích thường không để tâm đến cảm nghĩ của người khác. Ai cũng chỉ chăm chăm tới việc bày tỏ quan điểm của mình, chẳng buồn để ý tới phản ứng của người khác. Một vấn đề nữa là trong một nhóm có thiên hướng phân tích, không ai thấy được bức tranh tổng quát. Họ đều mắc vào chi tiết. Và không sớm thì muộn họ cũng sẽ phải nhìn quanh và nói: “Chúng ta cần một số người tổng thể trong nhóm này.” Đây chính là giai đoạn trân trọng, giai đoạn mà từ trẻ em đến người lớn đều nhận ra được giá trị của những người thuộc phong cách khác mình.

Giai đoạn bốn – Bào chữa

Sau giai đoạn tích cực trên, chúng ta tiến đến giai đoạn mà các phụ huynh và các thầy cô giáo rất khó khoan dung, vì họ luôn phải nghe những câu như: “Em thuộc phong cách ngẫu nhiên – em không làm toán đâu”, hay “Em có thiên hướng phân tích – em không thích làm việc nhóm”.

Một lần nữa, nhất thiết phải nhắc lại rằng nếu vẫn còn lấy phong cách học của mình ra làm cái cớ, thì chúng ta vẫn chưa học được cách tận dụng phong cách học để đi đến thành công. Khi tìm ra thế mạnh của mình, chúng ta có thể dùng nó để vượt qua gần như tất cả mọi thứ. Và một khi đã học được cách sử dụng thế mạnh của mình, thì

chúng ta sẽ không cần đến sự bào chữa.

Giai đoạn năm – Uốn nắn phong cách

Uốn nắn phong cách có nghĩa là chúng ta không chỉ biết vận dụng thế mạnh phong cách học tự nhiên của mình mà còn biết uốn nắn mềm dẻo, biến hóa phong cách đó thành một phong cách mới dung hòa được những đặc tính vốn không quen thuộc với chúng ta. Đó là việc hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng phải khi nào chúng ta thật sự quyết tâm. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng làm một việc trái ngược với phong cách của mình dễ dàng đến thế nào một khi bạn đã biết được nguyên nhân nằm ở đâu. Đến lúc đó, bạn có thể tự mình thu xếp, xử lý được khó khăn.

Thông thường, con cái hay phản ứng lại với bố mẹ nhất là khi chúng không hiểu tại sao lại cứ bị ép phải học theo cách mà chúng thấy là chả ích gì. Và nếu cứ bị buộc phải làm những thứ không phù hợp với phong cách tự nhiên của mình, cho dù là lúc đó khéo chúng còn chưa biết nó là gì đi chăng nữa, thì bọn trẻ sẽ luôn cảm thấy bực bội và tự ti vì thường kết quả đạt được không cao cho lắm. Ngược lại, một đứa trẻ có cơ hội nhận biết và sử dụng các thế mạnh của mình, sẽ dần lấy lại tự tin, và dám dũng cảm bước ra khỏi môi trường thoải mái quen thuộc của mình để thử chinh phục những thử thách khó khăn hơn.

GIúP CON BẠN THàNH CôNG TRONG VIỆC HỌC TRêN LỚP

Đôi khi phụ huynh tưởng rằng con họ sẽ học tốt nhất khi được dạy bởi giáo viên có cùng phong cách học và có cùng thế mạnh tự nhiên với chúng. Tuy nhiên, học với một giáo viên có phong cách hoàn toàn đối lập thật ra lại tốt hơn nhiều. Ví dụ, một giáo viên có thiên hướng tổng thể có thể truyền tải kiến thức tổng quát hơn đến một đứa trẻ có thiên hướng phân tích. Một giáo viên thuộc phong cách sắp xếp theo trình tự có thể mang đến ý thức về thứ tự cho một học sinh thuộc phong cách ngẫu nhiên.

Không cần phải thắc mắc về điều đó – bọn trẻ phải được học cách thích nghi với nhiều phong cách học khác nhau nếu chúng muốn thành công trong thế giới đa đạng và thay đổi liên tục này. Điều quan trọng cần nhớ là con bạn phải muốn học cách hòa hợp với các phong cách học khác. Và mỗi đứa sẽ có một động cơ thúc đẩy khác nhau.

Khi nói chuyện với học sinh, tôi thường cố gắng sử dụng nhiều minh họa để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dung hòa các phong cách học khác với phong cách học tự nhiên của các em, như thế cơ hội thành công của chúng sẽ rộng mở hơn. Đây là một trong những minh hoạ điển hình:

Giả sử bạn sống ở nước ngoài trong hai năm. Bạn không định học ngôn ngữ của nước đó, và bạn sẽ chỉ nói chuyện với những người nói được tiếng Anh. Hơn nữa, bạn cũng không định thay đổi cách sống của mình bằng cách làm quen với văn hóa và thói quen ở nước đó. Bạn chỉ có ý định làm những gì phù hợp với bản thân mình.

Chắc chắn là thế thì bạn vẫn có thể sống sót, nhưng bạn sẽ không thể có được những trải nghiệm nhờ học ngôn ngữ và phong tục của đất nước đó. Tương tự như việc học ở trường, ở nhà, và sau này ở nơi làm việc. Chịu khó học hỏi và thích nghi được với những phong cách học khác, bạn sẽ mở rộng được phạm vi ảnh hưởng của mình và thành công hơn.

KẾT LUẬN

Phong cách học này có thể khác hoàn toàn phong cách học kia, như hai ngôn ngữ khác nhau vậy. Là phụ huynh và giáo viên, nếu chúng ta có thể kết hợp các phong cách khác nhau, thì chúng ta có thể dạy bọn trẻ cách sử dụng những phong cách khác mà không phải hy sinh phong cách của mình. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta có thể giúp chúng thành công cho dù điều kiện trường học hay nơi làm việc có như thế nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.