Mỗi đứa trẻ một cách học

CHƯƠNG XII. SỰ KHÁC NHAU GIỮA PHONG CÁCH HỌC VÀ NHỮNG KHIẾM KHUYẾT TRONG VIỆC HỌC



Karen là một học sinh lớp một hết sức hiếu động và hoạt bát. Giáo viên của cô bé bắt đầu e ngại và khuyên phụ huynh cho cô bé đi kiểm tra dấu hiệu của sự kích động, hay Chứng Tăng động-Giảm Chú ý (A.D.D.). Cho dù Karen rất sáng dạ và sáng tạo, nhưng cô bé không chịu nghe lời. Cô bé thường không ngồi yên được và không thể kiên trì với một việc gì quá năm phút. Cô bé hiếm khi hoàn thành được bài tập viết, và mối cô bé khó hòa nhập với những bạn khác trong lớp.

Bố mẹ của Karen đưa cô bé đi khám. Sau đó, cô bé phải trải qua một quá trình xét nghiệm cường độ mạnh để xem có khiếm khuyết về học tập không. Sau quá trình kiểm tra, bác sĩ đã kết luận rằng cô bé là một ca tăng động-giảm chú ý nhẹ. Bác sĩ khuyên nên bắt đầu điều trị bằng thuốc để kiểm soát hành động.

Bố mẹ và ông bà cô bé thấy khó lòng ép cô bé hiếu động kia vào một chế độ điều trị nghiêm túc và liên tục. Họ bắt đầu tìm hiểu những biện pháp thay thế khác, và trong quá trình đó, họ được nghe về các phong cách học và ảnh hưởng của phong cách học đến thói quen và hành động. Khi bắt đầu hiểu về phong cách học của cô bé, họ nhận ra rằng cách mà Karen học không thích hợp với yêu cầu của một lớp học bình thường.

Ví dụ, Karen là một người thuộc phong cách vận động, cô bé luôn hoạt động kết hợp với lắng nghe. Nhưng giáo viên chỉ muốn cô bé ngồi yên. Bố mẹ cô bé quyết định thử một cách khác. Thay vì ép cô bé ngồi yên và chú ý nhìn họ khi nghe các chỉ dẫn, họ để cô tự do vặn vẹo và nhìn ngó xung quanh. Sau đó họ kiểm tra xem cô bé có lắng nghe không và họ đã phải kinh ngạc khi cô bé nhắc lại không sót một lời.

Thiên hướng tổng thể của Karen cho phép cô bé liên tục quan sát môi trường xung quanh, lắng nghe và chú ý vào rất nhiều giọng nói và các tác nhân kích thích khác trong cùng một lúc. Phong cách ngẫu nhiên của cô bé liên tục đi tìm sự thay đổi và cô bé có thể thấy được những khả năng mà những người khác có thể không thấy được rõ ràng. Đặc điểm cụ thể-ngẫu nhiên làm cô trở nên thiếu kiên nhẫn khi phải học những thứ mà mình không thấy hứng thú.

Cha mẹ cô bé cũng phát hiện được một số vấn đề tình cảm có thể giải thích được cho những biểu hiện vô tư của cô bé đối với các bạn trong lớp. Bằng cách giúp Karen nhận ra được các thế mạnh về phong cách học của mình, cha mẹ và giáo viên của cô bé đã giúp cô bé vượt qua được nỗi buồn bực đối với môi trường lớp học truyền thống. Họ không để Karen từ bỏ khi bắt gặp một vấn đề mà cô bé không thích, mà khuyến khích cô bé dùng những bản năng về học tập của mình. Họ buộc cô bé tìm ra cách để có thể thành công.

Phụ huynh của bé Karen đã rất khôn ngoan khi áp dụng những giải pháp thay thế để giải quyết những khó khăn ở trường. Họ coi điều trị bằng thuốc là giải pháp cuối cùng chứ không phải là phương pháp chữa cấp tốc. Dù một số đứa trẻ thật sự phải dùng đến thuốc, song tôi đã thấy rất nhiều giáo viên, nhà vật lý học, và những chuyên gia giáo dục lo lắng trước tình trạng rất nhiều trẻ đang bị chẩn đoán ẩu và bị gắn mác là tăng động-giảm chú ý hoặc một chứng bệnh tương tự và bị cho điều trị bằng thuốc quá sớm.

Rất nhiều học sinh gặp rắc rối trong việc học ở trường chỉ đơn giản là vì có phong cách học không phù hợp với môi trường lớp học truyền thống và đòi hỏi của trường học. Đôi khi các phụ huynh vội cho rằng con mình có khiếm khuyết về học tập hoặc mắc một chứng rối loạn nào đó vì chúng không đạt được kết quả cao ở trường. Nóng lòng muốn con mình thành công, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng hao công tốn của tìm ra các phương pháp điều trị. Trong khi tất cả những gì họ cần làm là tĩnh tâm suy nghĩ lại xem có bao nhiêu vấn đề của con là do không phù hợp với phương pháp dạy học truyền thống.

Hãy nhớ rằng một lớp học truyền thống điển hình có những yêu cầu nhất định và bất di bất dịch. Học sinh phải ngồi yên (rất khó cho những học sinh có phong cách vận động), phải giữ trật tự (không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với những học sinh tiếp thu bằng việc nghe), làm việc cá nhân (thường phản tác dụng đối với học sinh có thiên hướng tổng thể hay các em có thiên hướng trừu tượng-ngẫu nhiên), và thể hiện kiến thức một cách có trình tự, chi tiết (đúng là một thử thách đối với những học sinh mang phong cách tổng thể và ngẫu nhiên).

Với những đứa trẻ sở hữu những phong cách phù hợp với yêu cầu của trường học, việc học dường như không bao giờ là vấn đề. Nhưng khi chúng thuộc nhóm khác thường đối với môi trường trường học, chúng sẽ cảm thấy bực bội với chính mình và bất mãn với hệ thống giáo dục. Nếu không có kiến thức và hiểu biết về các phong cách học, học sinh thường không thể nói với giáo viên học như thế nào sẽ có tác dụng với chúng và thế nào sẽ gây khó khăn, cũng như không biết cách kết hợp linh hoạt sao cho phù hợp với phong cách đối lập của giáo viên.

Còn rất nhiều khía cạnh khác có thể bàn đến. Rất nhiều vấn đề vượt lên cả phong cách học. Những thứ như bất hòa gia đình, bạo lực, rối loạn tình cảm, giới hạn thể chất đều có thể ảnh hưởng đến khả năng học của một học sinh. Thường thì những vấn đề này cần đến điều trị y tế và giúp đỡ của các chuyên gia. Thật ngạc nhiên khi biết rằng những can thiệp đó sẽ hiệu quả hơn khi chúng ta xác định được phong cách học của những người đang gặp khó khăn.

Bạn cần hiểu rằng kể cả những chương trình và cách tiếp cận tốt nhất cũng có thể hoàn toàn phản tác dụng nếu phong cách học của trẻ không phù hợp. Nếu có thể giúp trẻ xác định được và vận dụng những phong cách phù hợp với thế mạnh tự nhiên, bạn sẽ thấy con mình thành công hơn cả những gì bạn trông đợi.

Sau khi đọc cuốn sách này, bạn đã biết được nhiều hơn về phong cách học của con. Ngay cả khi con bạn cần sự can thiệp chuyên nghiệp của y học, bạn vẫn có thể hỏi những chuyên gia cung cấp phác đồ điều trị những điểm chính yếu của chương trình đó để xem có phù hợp với phong cách học của con hay không. Nếu bạn biết con mình thuộc phong cách theo trình tự, thì liệu chương trình đó có cung cấp những phương pháp đơn giản và logic không? Nếu con bạn thuộc phong cách ngẫu nhiên, thì liệu chương trình đó có đủ mềm dẻo hay thiên về cá nhân không?

Trong quá trình làm việc với các bác sĩ khoa nhi và các chuyên gia giáo dục, tôi nhận thấy rằng những người xử lý các vấn đề về khiếm khuyết trong học tập hiệu quả nhất là những người đưa ra được phương pháp điều trị/cách tiếp cận dung hòa với các phong cách học. Cách tiếp cận này chú ý đến cả phong cách học của trẻ bên cạnh các nhân tố khác như tâm lý, tình cảm và những khiếm khuyết về cơ thể.

Hạn chế về cơ thể tồn tại ở một số trẻ, và tôi cảm thấy biết ơn rằng chúng ta có rất nhiều chuyên gia xuất sắc và tận tâm để chẩn đoán, điều trị các bệnh này. Tuy nhiên, tôi muốn khuyên các bậc phụ huynh rằng họ cần kiên nhẫn trong thời kì đầu tiên. Trước khi tác động mạnh hoặc can thiệp tới trẻ, chúng ta cần bỏ thời gian và công sức tìm hiểu con mình. Chúng ta không nên quá vội vàng kết luận rằng những thói quen khó chịu và những cư xử không đúng mực của con là biểu hiện của chứng rối loạn việc học. Đôi khi phụ huynh chúng ta quá để ý đến việc chúng ta muốn con mình làm mọi việc như thế nào mà quên mất chúng ta muốn con mình đạt được những gì. Nếu chú trọng nhiều hơn đến kết quả chứ không quá xét nét phương pháp thực hiện, chúng ta sẽ thấy con mình hoàn toàn có thể thành công theo cách chúng ta chẳng bao giờ ngờ được. Khi đã xác định rõ được mình muốn con làm được những gì – kết quả mong muốn – và không quá bận tâm đến quá trình con thực hiện, bạn sẽ tìm thấy được một số biện pháp thay thế cho phương pháp dạy và học truyền thống.

Dưới đây là một số ví dụ về những rối loạn cư xử thường làm cha mẹ nghĩ rằng con mình có vấn đề về khả năng học, trong khi thực ra đó chỉ là biểu hiện cho thấy phong cách học tập của chúng không phù hợp với các yêu cầu giáo dục đưa ra.

Vấn đề

Trẻ rất hiếu động; Không bao giờ chịu ngồi yên.

Bạn cần trẻ đạt được điều gì?

Tôi cần các em nghe câu chuyện mà tôi đang đọc.

Giải pháp

Cứ để trẻ ngồi trên sàn hoặc tùy ý thay đổi tư thế chỉ sao cho tránh làm ảnh hưởng đến những bạn xung quanh. Sau đó yêu cầu trẻ kể lại các diễn biến chính và cốt truyện.

Bạn cần trẻ đạt được điều gì?

Tôi cần các em hiểu được khái niệm đang được dạy.

Giải pháp

Yêu cầu trẻ giải thích lại khái niệm đó cho cha mẹ, giáo viên hoặc bạn cùng lớp, nói hay viết đều được.

Bạn cần trẻ đạt được điều gì?

Tôi cần các em làm theo lời tôi.

Giải pháp

Yêu cầu trẻ nhắc lại để kiểm tra xem trẻ có hiểu những lời chỉ dẫn đó không.

Bạn cần trẻ đạt được điều gì?

Tôi muốn các em không làm các bạn khác mất tập trung.

Giải pháp

Thử đố trẻ tìm ra được cách hoạt động mà không làm phiền người khác. Ví dụ như vẽ nguệch ngoạc lên giấy, ghi chép hay nhịp nhịp chân trong yên lặng.

Kết hợp các giải pháp cho trẻ hiếu động

Một giáo viên tiểu học phát hiện ra rằng việc quản lý lớp học sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu cô xác định trước kết quả mà mình mong muốn. Trong lớp, cô đang phải thật sự đánh vật với một cậu bé hiếu động vì cậu không bao giờ muốn ngồi yên tại chỗ và lắng nghe câu chuyện cô đọc. Mặc dù hết sức bực tức, song cô cố nén lại, dừng một vài phút và tự nhủ: “Mình đang cần gì nhỉ? Mình cần cậu bé ngồi yên trên ghế, hay mình cần nó lắng nghe câu chuyện kia?” Rồi cô cho phép cậu bé được ngồi ở bất cứ chỗ nào cậu muốn, miễn là cậu phải trật tự lắng nghe câu chuyện và không làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Và cô đã hoàn toàn bất ngờ, khi thấy cậu bé ngoan ngoãn ngồi xuống sàn nhà ở cuối lớp và hoàn toàn tập trung nghe cô nói.

Vấn đề

Trẻ không chịu hoàn thành bài tập

Bạn cần trẻ đạt được điều gì?

Tôi cần các em phải hoàn thành những gì đã bắt tay vào làm.

Giải pháp

Giúp trẻ chia bài tập ra thành nhiều phần nhỏ dễ quản lý hơn. Không nhất thiết bắt trẻ làm hết bài tập đó trong một buổi, nhưng phải liên tục nhắc nhở là trẻ phải có trách nhiệm làm toàn bộ các phần đó.

Bạn cần trẻ đạt được điều gì?

Tôi cần các em chứng minh được là đã hiểu bài.

Giải pháp

Giao hẹn là trẻ phải duy trì được điểm số nhất định (92 hay cao hơn) trong các bài kiểm tra, và chỉ yêu cầu trẻ làm số bài tập chúng cảm thấy đủ để hiểu được bài.

Kết hợp các giải pháp để giúp trẻ hoàn thành bài tập

Sarah là một cô bé lớp 5 sáng dạ và có năng khiếu, và sau học kỳ đầu tiên tỏ ra vượt trội ở môn toán, cô bé đột nhiên quyết định không làm bài tập toán về nhà nữa. Giáo viên và cha mẹ của Sarah rất lo lắng. Bài tập cũng chiếm một phần không nhỏ trong việc xếp hạng học kì, và giờ điểm trung bình của cô bé đang tụt xuống nghiêm trọng.

Tôi được mời đến nói chuyện với cô bé để tìm ra nguyên nhân làm cô bé thay đổi đột ngột như vậy, cũng như khuyên cô bé tiếp tục làm bài tập. Không cần phải đợi lâu, Sarah đã nói cho tôi biết tại sao cô bé không thích làm bài tập nữa.

“Chán lắm ạ,” cô bé giải thích một cách đơn giản. “Cháu ghét phải giải tới 20 bài toán khi chỉ cần giải 5 bài là đủ hiểu cách làm rồi. Thế nên cháu quyết định là chẳng việc gì phải tốn công thế.”

“Và cháu vẫn qua được bài kiểm tra toán chứ?” Tôi hỏi.

“Vâng, tất nhiên rồi ạ,” cô bé trả lời. “Lúc nào cháu cũng đạt điểm A.”

Sau vài buổi nói chuyện với Sarah, bố mẹ, và giáo viên của cô bé, chúng tôi đã nghĩ ra một giải pháp cho vấn đề này. Sarah đồng ý sẽ làm ít nhất nửa số bài tập được giao mỗi tối. Nếu bài kiểm tra nào cô bé cũng làm được 92% hoặc nhiều hơn, giáo viên của cô bé sẽ vẫn cho cô bé điểm làm bài tập tối đa. Còn nếu điểm cô bé thấp hơn 92, cô bé sẽ phải hoàn thành bất cứ bài tập nào mà giáo viên cảm thấy cần thiết.

Sarah đã duy trì thành công giao kèo này. Có những hôm cô bé làm nhiều hơn một nửa số bài tập, vì bây giờ thì cô bé đã hiểu rằng cô cần làm đủ để hiểu được bài học. Và trong các bài kiểm tra suốt năm học đó, cô bé chưa bao giờ bị điểm dưới 92/100.

Vấn đề

Trẻ không chịu tập trung vào việc gì quá vài phút.

Bạn cần trẻ đạt được điều gì?

Tôi cần các em tập trung vào chỉ một thứ một lúc.

Giải pháp

Cho trẻ được lựa chọn. Quyết định xem những gì cần phải làm, rồi gợi ý một hoặc hai cách để làm được việc đó. Cho trẻ tự do thay đổi cách làm nếu muốn, và để trẻ hoạt động tùy thích trong lúc làm bài. Thuyết phục trẻ làm từng việc một, cho dù trẻ có thể rất hay nhảy từ việc này sang việc nọ. Giúp trẻ nhận biết các phương pháp chúng đang dùng để làm việc.

Bạn cần trẻ đạt được điều gì?

Tôi muốn các em làm theo cách của tôi!

Giải pháp

Là các bậc cha mẹ, chúng ta phải thừa nhận rằng sẽ dễ hơn cho chúng ta nhiều nếu con trẻ làm theo cách của chính chúng ta. Hãy cố gắng giải thích cho trẻ tại sao cách của chúng ta lại có hiệu quả, và cho phép trẻ tự do làm theo cách của nó miễn là trẻ chứng minh được là cách của chúng cũng có hiệu quả. Điều khó khăn nhất là bạn phải cực kì kiên nhẫn và khoan dung, cho phép con bạn thử cách của chúng.

Kết hợp các giải pháp để giúp trẻ duy trì một công việc

Vài năm trước, tôi từng nhận được một bức thư của một bà mẹ đã đến dự một trong những buổi hội thảo của tôi. Bức thư đó vẫn là một trong những bức thư yêu thích nhất của tôi bởi vì nó minh họa sống động cho giá trị của việc để con mình tự chọn cách riêng để hoàn thành công việc. Bà mẹ này đã viết:

Nhận thức được các phong cách học đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi. Sau khi biết được điều này, tôi tìm cách khuyến khích Dan sáng tạo và thành công. Chúng tôi có một trang trại nhỏ, và Dan có một miếng đất nhỏ riêng cho mình. Nó luôn tưới nước bằng một cái vòi và bình tưới. Đây đúng là một cực hình và Dan không ngừng lải nhải điều đó với tôi. Tôi bảo nó thử nghĩ ra cách để giải quyết chuyện tưới nước và tốt nhất là lên một danh sách 5 cách. Và sau đó, có thể “bán” lại phát minh cho chúng tôi. Gia đình tôi có hai nhà kính đã lâu không dùng đến. Dan đưa ra một hệ thống tưới nước dùng những vòi cứu hỏa của hai nhà kính đó. Tôi nghĩ đó là một giải pháp rất hay, vì
(a) nó có thể làm được bằng những đồ dùng sẵn có và (b) nước từ các vòi cứu hỏa sẽ nhanh chóng tưới ẩm toàn bộ khu vườn. Tôi bảo nó thử lắp vòi nước cứu hỏa với vòi phun và bình tưới xem hiệu suất bơm là bao nhiêu. Nó mới 11 tuổi. Nó đã đồng ý và nghiên cứu hệ thống trong một tuần.

Nó dành cả một tuần tự mày mò nghiên cứu và dùng gấp 6 lần số vòi nước mà tôi hay dùng, cả những vòi chữ T, mấu nối, mấu chặn, những cái kẹp. Nhưng nó đã tự làm mọi thứ, và hệ thống đó tưới ẩm hết khu đất chỉ sau ba lần quay. Thậm chí những vòi nước ở giữa còn phun nước thành hình tên của Dan. Hệ thống đó độc đáo y như Dan vậy!

Bạn đừng nên tin rằng con bạn chỉ thông minh và thành công nếu đạt được kết quả tốt ở trường học. Có rất nhiều kiểu thông minh. Nếu có thể giúp con mình nhận ra được vùng thông minh của nó và phát huy năng lực đó, bạn sẽ giúp con tự tin hơn và bộc lộ những khả năng khác mà thậm chí bạn chưa hề nghĩ đến. Và ngay cả trong trường hợp bạn tin rằng con mình mắc các khiếm khuyết hay rối loạn về học tập, bạn vẫn có thể giúp con thành công bằng cách xác định phong cách học của chúng và xem khó khăn nào của con bạn là do sự khác biệt phong cách học và khó khăn nào hoàn toàn vì lí do tình cảm hay thể chất.

David là một cậu bé 15 tuổi nổi loạn. Cha mẹ của cậu bé đã gần như hết cách. Họ đã không biết bao nhiêu lần đến gặp giáo viên, các nhà tâm lý học để được tư vấn, nói chuyện với các chuyên gia y tế, và tới nhà thờ cầu nguyện. Họ đã thử phạt, thưởng, trao đổi, đe dọa, kể cả đưa ra những tối hậu thư. Nhưng chẳng có tiến triển gì, David càng ngày càng khó kiểm soát. Khi David bỏ nhà đi lần thứ ba trong 6 tháng và bị bắt do ăn cắp vặt, bố mẹ cậu quyết định áp dụng biện pháp mạnh. Họ sẽ đưa cậu đến một trường giáo dưỡng và cậu sẽ bị giam lỏng 24/24. Ở đó, cậu sẽ phải tuân theo kỉ luật nghiêm ngặt để uốn nắn cách cư xử của những thiếu niên hư hỏng.

Ngay trước đợt giáo dưỡng của David, bố mẹ của cậu đã dự hội thảo về phong cách

học của tôi. Khi được nghe về phong cách cụ thể-ngẫu nhiên mạnh mẽ, họ ngay lập tức nhận ra phong cách của con mình. Khi họ khám phá ra được cách làm việc của một trí não cụ thể-ngẫu nhiên và xác định được cách cổ vũ và kỉ luật thích hợp đối với phong cách này, quan điểm về David của họ đã thay đổi. Trong buổi hội thảo cuối cùng, khi được hỏi cách xử trí với David thế nào, họ đã có một câu trả lời làm những người còn lại sửng sốt.

Họ kể: “Đêm qua, chúng tôi đã nói với David rằng hãy tha thứ cho chúng tôi. Chúng tôi bảo cháu rằng chúng tôi cảm thấy có lỗi vì đã không để ý tới ý kiến của nó. Chúng tôi không xin lỗi vì đã trông chờ nó phải tốt hơn nhưng giờ đây chúng tôi nhận ra rằng trong nhiều trường hợp đáng lẽ chúng tôi hoàn toàn có thể giải quyết theo cách phù hợp với lối suy nghĩ của David. Chúng tôi đã có thể giúp nó hiểu được rằng nó là một phần rất quan trọng trong gia đình.”

Trong những tuần tiếp theo, cha mẹ của David đã nói chuyện với cậu về các giới hạn, những kết quả họ chờ đợi và giải thích hậu quả khi cậu không chịu làm. Rồi họ để David bộc bạch những gì cậu cần và những gì cậu không chịu được. Với sự giúp đỡ của một nhà tư vấn, họ bắt đầu một quy trình hàn gắn và trở lại là một gia đình.

David nhận ra rằng cậu vẫn phải trả giá cho những hành động nổi loạn và phạm tội. Cho dù trại giáo dưỡng là một chương trình có hiệu quả đối với một số phong cách học, cha mẹ cậu nhận thấy rằng biện pháp của trại có thể sẽ phản tác dụng đối với phong cách của David. Với sự tiến bộ của David và sự giúp đỡ của nhà tư vấn, họ đã tìm thấy một chương trình cải tạo phù hợp với phong cách cụ thể-ngẫu nhiên của cậu. Quy trình rất chậm và đôi khi rất khó khăn, nhưng David và bố mẹ cậu tin rằng nhận ra và trân trọng các phong cách học khác nhau đang giúp họ xây dựng lại gia đình của mình.

Rất nhiều tình huống xảy ra mà các bậc phụ huynh có thể hiểu nhầm là con họ cố tình trêu ngươi hay chọc tức mình nhưng thực ra đó chỉ là vì khác biệt trong cách tiếp cận và quan điểm. Nếu chúng ta có thể phân biệt được đâu là phản ứng do khác biệt phong cách và đâu đơn thuần là chống đối hay thách thức, chúng ta sẽ trở thành những bậc cha mẹ thông thái hơn.

Tôi từng điều hành một buổi hội thảo với các giáo viên mẫu giáo và các nhân viên khác. Chúng tôi chia họ ra thành 2 nhóm, ngẫu nhiên và theo trình tự, với mỗi nhóm, tôi đặt ra cùng một câu hỏi.

“Nếu bạn không được tăng lương, thì ban giám hiệu sẽ phải làm gì để bạn vẫn vui vẻ ở lại làm việc?”

Gần như tất cả đều nhất trí: “Vậy họ đừng bắt chúng tôi phải dạy những lớp khó nữa.”

Nhưng khi tôi yêu cầu họ định nghĩa thế nào là một “lớp khó”, thì ý kiến giữa hai nhóm trái ngược rõ rệt. Những giáo viên thuộc nhóm theo trình tự cho rằng đó là những học sinh quá nhiều tính cách ngẫu nhiên đến mức chúng không thể tuân theo dù chỉ một chỉ dẫn đơn giản nhất. Những đứa trẻ đó rất bột phát, khó đoán trước và thường rất bừa bộn.

Các giáo viên thuộc nhóm ngẫu nhiên kịch liệt phản đối. Họ cho rằng “lớp khó” đấy là những đứa trẻ mang quá nhiều tính cách liên tiếp. Chúng rất kiểu cách và cứng nhắc, và chẳng bao giờ thể hiện rằng chúng hài lòng cả. Chúng luôn đòi phải có thời khóa biểu cố định và rất chú ý vào chi tiết.

Cuối cùng, tất cả chúng tôi đã thống nhất đưa ra kết luận. Không có cái gì thực sự gọi là một “lớp khó”. Chúng chỉ là những đứa trẻ không nghĩ theo cách của chúng ta mà thôi!

KẾT LUẬN

Chúng ta đã bỏ kha khá thời gian để đi hết cuốn sách này và cố nhận biết được những nét đặc trưng của các phong cách học của từng cá nhân. Cho dù chúng ta có thể học cách xác định nhiều phong cách khác biệt, chẳng ai lại chỉ mang hoàn toàn các đặc điểm của một phong cách và chúng ta sẽ không bao giờ có thể phân loại “ai vào phong cách nấy”. Bởi vì tính cách con người rất phức tạp, nên có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có thể đánh giá đầy đủ được tất cả những sự khác biệt đó.

Giúp đỡ con mình thành công trong thế giới khó hiểu này chưa bao giờ quan trọng đến thế. Bạn sẽ ngạc nhiên về tiến bộ vượt bậc của con mình nếu chịu khó bỏ thời gian và công sức khám phá phong cách học tập của con bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.