Một chữ tình

Chương 3



Bác Ái tuy bị cha mẹ ngăn cản đi Tây không được, phải ép chí ở nhà, nhưng mà ở nhà cũng làm vui vẻ như thường, cũng giữ tánh tình như cũ, chớ không phải như trẻ ngang ngạnh, hễ bó buộc thì để lòng phiền cha mẹ, hay là như đứa cùng trí, hễ thất vọng thì sanh chứng hoang đàng xài phá. Từ ngày anh ta nhứt định ở nhà làm ruộng, thì chẳng chơi bời với ai hết, trừ ra mấy nhà trong vòng bà con anh em thì có tới lui một ít lần, chớ còn người dưng, dầu ở trước cửa hay ở sau vườn, anh ta cũng không chịu bước chơn đến. Anh ta thường xin tiền mẹ rồi gởi lên Sài Gòn mua bốn năm thứ nhựt báo mà xem và gởi qua Tây mua sách, nhứt là mua mấy bộ tiểu thuyết hay để dành mà đọc. Anh ta lại xin phép cha rồi dọn trọn một cái chái nhà phía trên để làm thơ phòng, trong phòng ngủ thì để một cái gường sắt mùng nệm gối mền đều tinh khiết. Trên cái đầu gường có một cái tủ cẩm lai, đựng quần áo đầy dẫy, nào là đồ mát may bằng lụa trắng để bận trong nhà, nào là đồ Tây cổ bẻ bằng vải xám, vải vàng để mặc đi bắn chim hoặc đi thăm ruộng, nào là đồ Tây cổ bẻ bằng nỉ trắng hoặc nỉ màu để mặc đi chợ hoặc thăm bà con. Dựa chưn giường thì để giầy đủ thứ: Đi trong nhà thì giày cườm, giày da láng, dép Nhựt Bổn, dép Bắc Kỳ, đi ra ngoài thì giày thứ trắng để đi nắng, thứ vàng để đi chơi, thứ đen để đi ruộng.

Dựa cửa phòng thì móc nón cũng nhiều thứ: thứ nỉ đội ban đêm, thứ trắng đội che nắng. Trong phòng lại có một cái bàn gõ mặt cẩm thạch, để rửa mặt gội đầu, và cũng để có một cái bàn nhỏ với một cái ghế ngồi, để khi nửa đêm thức dậy chong đèn đọc sách.

Trong phòng ngủ mở cửa bước ra thì gặp thơ phòng. Chính giữa để một cái bàn viết bằng cây giá tị, trên bàn giấy, viết, mực chẳng thiếu món chi. Phía trong có một cái tủ kiếng đựng sách, phía ngoài có một cái kệ chứa nhựt trình, bên tay mặt thì giăng một tấm màn lớn bằng vải bông mà ngăn cho phân biệt để ngồi viết, hoặc đọc sách, khỏi ai ngó thấy, còn bên tay trái, dựa vách tường, thì có một cái ghế dài đặng khi ngồi mệt thì nằm mà đọc nhựt trình cho khỏe. Dựa bên cái ghế dài ấy có sẵn một cái cửa sổ, hễ mở thì ngó ra vườn thấy hàng sa bô chê (sapotier) trồng xen theo mấy hàng cau, trái đơm đầy nhánh là là gần sát đất, dường nhem thèm trẻ nhỏ đặng cho nó rờ rẫm tối ngày chơi, ngó xa xa lại có hai cây sứ trắng, bông trổ giáp mấy đầu nhành mà không có một lá.

Bác Ái muốn cho chỗ thơ phòng vui vẻ nên có gởi lên Sài Gòn mua bốn tấm tranh vẽ dầu, một tấm vẽ mặt trời mọc, một tấm vẽ mặt trời lặn, một tấm vẽ đêm vắng trăng trong, còn một tấm vẽ bờ sông cây cỏ u nhàn thanh tịnh, dưới sông có một người con trai với một nàng mỹ nữ bơi một chiếc thuyền nhỏ dạo chơi, trai liếc gái rất hữu tình, gái nhìn trai coi phỉ chí, Bác Ái dọn chỗ ngủ, chỗ chơi tốn hao rất nhiều, song vợ chồng ông Hội đồng vì cưng con, mà lại thấy con biết nghe lời, nên quyết làm cho vui lòng con, bởi vậy tốn hao bao nhiêu cũng chẳng tiếc.

Bác Ái ở nhà thong thả muốn chơi chỗ nào tự ý, muốn ngủ giờ nào tùy thích, cha mẹ chẳng hề sai biểu chi hết. Tuy vậy mà bởi bổn tánh kỹ càng, sở hành có tuần tự đã quen rồi, nên phân ngày giờ, khi học khi chơi đều có chừng, chớ không phải ở không luông tuồng như mấy cậu con nhà giàu có ở trong làng trong ruộng vậy. Sớm mai hễ đồng hồ 6 giờ thì thức dậy, khi thì ăn cháo, khi thì uống sữa bò, rồi thì biểu bạn chèo ghe lường, bữa thì ngồi xuống bơi một mình đi thăm ruộng. Đúng bữa cơm thì trở về, ăn cơm rồi nói chuyện chơi với em út trong nhà đến đứng bóng mới vào phòng ngủ trưa.

Hai giờ chiều thức dậy thì ngồi tại thơ phòng xem nhựt trình, hoặc đọc sách cho đến 4 giờ rưỡi trời đã dịu nắng, mới thay áo quần rồi đi dọc theo mé rạch Ông Chưởng hóng mát. Tối về ăn cơm rồi thì về thơ phòng đọc sách cho đến 10 giờ khuya mới ngủ. Ngày thường bữa nào cũng làm như vậy, duy có chúa nhựt thì không đi thăm ruộng, lấy súng hai nòng của anh là ông Cai Tổng Tâm rồi mang đi bắn chim, bắn cò chơi.

Tá Điền thấy Bác Ái nhỏ lớn mắc học hành chẳng hề ngó đến ruộng rẫy, nay lại cắc cớ lãnh phần đi coi ruộng, thì ai cũng cười thầm, tưởng rằng Bác Ái làm bộ đặng đi chơi cho giải khuây, chớ có biết cách gieo mạ, cấy lúa, coi gặt, giữ chim ra làm sao mà sai khiến nông phu được. Chẳng dè Bác Ái đến đâu cũng chỉ biểu hẳn hoi, thấy ai trễ thì rầy la nói sao không lo, thấy lúa bỏ ngoài đồng thì sai người gìn giữ bởi vậy cho nên tá điền hết dám dễ duôi nữa, ai cũng đều lo làm cho hoàn thành phận sự đặng khỏi tiếng quở rầy. Mà chẳng phải tá điền của ông Hội đồng thấy Bác Ái xem xét kỹ lưỡng nên đem lòng kính sợ mà thôi, thậm chí hương chức trong làng thấy Bác Ái tuy ngôn từ cang trực, tuy cử chỉ tự do, song chẳng khi nào thất lễ với ai, mà nhứt là thấy con gái dầu đẹp cho mấy đi nữa, cũng chẳng hề ghẹo chọc, thì ai ai cũng đều kiêng nể.

Một buổi chiều gió rung cây mát mẻ, sông dẫy nước dầy, Bác Ái ở trong phòng đương thay đổi áo quần đặng đi dạo chơi cho tiêu khiển, bỗng nghe phía chái dưới có tiếng con gái nói chuyện với mẹ mình, tiếng nói nghe lảnh lót và dịu dàng, khiến người vô ý cũng phải lắng tai, dầu kẻ đeo sầu cũng phải nguôi dạ. Bác Ái lật đật mặc áo, tính bước ra coi ai mà nói tiếng tốt vậy. Trong thơ phòng vừa mở màn lên thì thấy mẹ đương ngồi tại bộ ván phía chái dưới mà ăn trầu, trước mặt có để một dĩa quít, còn dựa cửa sổ thì có một nàng con gái, chừng 16, 17 tuổi, mặc áo nhiễu tím, quần lãnh đen, cổ đeo cây kiềng vàng chạm với một sợi dây chuyền, tay mặt đeo một chiếc vòng mắt tre, tay trái đeo một chiếc vàng chạm nhá, đương ngồi trên ghế mây, một tay thì để trên bắp vế, còn một tay thì chống trên bàn vuông. Bác Ái vừa gài cổ áo vừa xâm xâm đi lại, nón nỉ thì cập trong nách, cặp mắt thì ngó châm bẩm nàng ấy, thấy nước da đã trắng mà nhờ áo tím họa thêm, lại nhờ hai trái tai có đeo hột xoàn chiếu nữa, nên gương mặt nhìn sáng rỡ.

Bác Ái đi vừa đến đầu bộ ván chỗ Bà Hội đồng ngồi, thì nàng nọ vừa đứng dậy chắp tay “Thưa anh Tư …” tiếng nghe ngọt ngào, miệng như hoa nở. Bác Ái bợ ngợ không biết là ai, bà Hội đồng thấy vậy nói rằng: “Con không biết nó hay sao? Con của mợ ba con đó đa.”

Bác Ái lại liếc nàng nọ rồi hỏi mẹ rằng:

– Mợ ba nào?

Bà Hội đồng nói tiếp rằng:

– Mợ Hương sư con ở trển chớ mợ ba nào! Con nó lớn rồi nó quên bà con láng giềng hết!

Bác Ái nghe nói chưng hửng, trở lại bộ ghế giữa ngồi rồi nói rằng:

– Té ra là cô Hai đây sao? Lâu gặp quá nên có nhớ đâu.

Nàng nọ nói:

– Em xuống thăm cô dượng hoài, anh mắc đi học nên ít hay gặp.

Bác Ái hỏi:

– Mợ ba trên nhà mạnh em há?

Nàng nọ nói:

– Thưa mạnh … Má em nghe nói anh thi đậu thì mừng hết sức, xưa rày tính xuống thăm anh, mà mắc nhà đơn chiếc lặn giặng hoài chưa đi được!

Bác Ái thò tay lấy thuốc đốt hút rồi nói rằng:

– Tôi về hổm nay gần hai tháng mà chưa lên thăm mợ ba được, thiệt là lỗi quá.

Nàng sợ Bác Ái tưởng mình nói như vậy là cố ý trách móc, nên liền đáp rằng:

– Anh thi đậu mới về, bà con mừng phải đến thăm anh chớ ở nhà có sao đâu mà anh phải đến thăm.

Nàng nói dứt lời rồi ngó Bác Ái mà cười. Bác Ái bợ ngợ nên nín thinh, nàng mới tiếp mà nói rằng:

– Hôm nọ em thấy anh ngồi ghe đi đâu ngang qua nhà em đó, mà có mang súng nữa vậy?

Bác Ái ngó ngay rồi đáp rằng:

– À phải! Hôm trước tôi có đi bắn qua phía trển một lần.

Bà Hội đồng chen vào nói rằng:

– Con Hai nó đem cho một dĩa quít đường đây, mợ ba mở trồng quít lớn quá, con ăn thử coi ngọt hay không?

Bác Ái đứng dậy lấy một trái lột ăn, rồi khen nước nhiều mà lại ngọt nữa. Ăn quít xong rồi Bác Ái mới thưa mẹ và kiếu nàng nọ đi chơi. Ra khỏi cửa ngõ, đứng ngẫm nghĩ coi phải đi lên hay đi xuống. Không biết vì chiều bữa trước đã dạo chơi phía dưới rồi nên bữa nay không muốn đi xuống nữa, hay là vì nghĩ cô Hai một lát sẽ đi về, nếu đi lên thì ắt sẽ gặp cô, nên đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi lại đi lên phía trên. Bác Ái một tay thì cầm điếu thuốc, còn một tay thì đút vô túi quần tây, đi chầm chậm trên bờ, dựa mé rạch ông Chưởng, khi thì đứng coi trẻ nhỏ tắm lội đua, khi thì vác đất liệng chim sâu nhảy nhót trên cành quít.

Bác Ái đi được khúc xa xa, tới một cái cầu ván bắc ngang qua xẻo Ông Thục, bèn đứng trên cầu mà ngó về trong đồng, thấy đồng ruộng mênh mông, lúa có chỗ chín, có chỗ còn đương trổ rồi gió chiều thổi oặt qua ngả lại, xem chẳng khác nào như vừng hồng chiếu mặt biển, sóng dợn thấy canh vàng. Đầu cầu phía bên nầy có mấy bụi tre gió thổi đưa trèo trẹo dường như ai đưa võng bên tai, còn đầu cầu phía bên kia có một cái nhà lá xiêu vẹo, cửa im lìm chẳng khác chòi hoang miễu bỏ.

Bác Ái nhìn cảnh thú u nhàn, hấp thanh phong mát mẻ, trong lòng thơ thới, ngó vô đồng coi mấy người làm ruộng bươn bả đi về, bỗng nghe có tiếng bước động đất liền day lại thì thấy cô cho quít hồi nãy đã đi gần tới. Cầu lót bằng hai tấm ván xuôi, nếu hai người tránh nhau trên cầu ắt phải đụng nhau, bởi vậy cho nên Bác Ái thấy cô đi gần tới liền đi riết qua đầu cầu bên kia rồi đứng nép bên đường mà tránh.

Cô nọ qua cầu rồi đứng ngay mặt Bác Ái mà nói rằng:

– Anh đi chơi tới trên nầy sao? Bữa nào có đi phía trên nầy anh ghé nhà em chơi. Nhà em ở gần đây, đi tới một chút nữa thì tới.

Bác Ái nghe nói thì gật đầu, còn miệng thì chúm chím cười.

Cô nọ nói:

– Thôi anh ở đó chơi. Thưa anh em về. Mà anh biết nhà em hay không?

– Biết chớ! Cô về xin thưa dùm tôi kính lời thăm mợ Hương nhé!

Rồi hai người bỏ đi, cô nọ thì đi lên, còn anh ta qua cầu rồi lần lần đi về.

Cô nầy tên là Trần Xuân Hoa, vốn là con của ông Hương sư Trần Văn Thể, nhà ở cách nhà ông Hội đồng Thời chừng một ngàn thước Tây. Xuân Hoa chẳng có anh em chi hết. Khi mới được bảy tuổi thì cha chết, lúc ấy trong nhà tiền bạc không có dư, duy có 12 mẫu ruộng, mỗi năm nếu ra công mà làm thì té được chừng một ngàn giạ lúa, còn như cho người ta mướn góp có bốn trăm giạ mà thôi. Bà Hương sư là một người đàn bà có hạnh, chồng chết không đành tái giá, cố tâm thủ tiết mà nuôi con, đã vậy mà bà lại giỏi giắn trong việc làm ăn, nên chồng chết để của cải không bao nhiêu, mà trong mười năm bà làm ra của thêm nhiều, bây giờ huê lợi mỗi năm kể đến, bốn năm ngàn giạ lúa, còn nhà thì bà dỡ nhà lá cũ rồi bà cất lại một cái nhà ngói ba căn chái, vách gạch, cửa cuốn coi đẹp đẽ lắm.

Trong làng trong tổng, người có vợ ai cũng đều phân bì trách vợ mình sao không giỏi được nhưa bà Hương sư Thể, còn người góa vợ lại muốn chấp tơ nối chỉ, tính thầm hễ cưới bà Hương sư nầy thì chắc mau giàu. Tuy bên tai rền tiếng giọng kèn, ngoài ngõ ong qua bướm lại, nhưng bà Hương sư Thể làm mặt ngơ tai điếc, đêm thì quyết chí dạy con cho nó biết đủ công dung ngôn hạnh, đặng ngày sau xuất giá nó hiểu nghĩa vợ chồng, biết đạo làm dâu, ngày thì gia công coi bạn cho nó siêng lo cày cấy trục bừa, tính làm cho có của để lại cho con, đặng sau nó khỏi nghèo nàn lam lũ.

Xuân Hoa nhờ mẹ chỉ từ chút, dạy từ lời, nên 17 tuổi mà vá may, nấu nướng, bánh trái, thêu thùa, mọi việc trong nhà chẳng hề thua sút ai, lại có nhờ ông Giáo Hạp là cụ giáo làng ở gần nhà, ông dạy dùm nên biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ nữa. Bà Hương sư dạy con thiệt là ân cần, nhưng mà vì bởi bà là một người ở trong chốn thôn quê, dạy con thì chỉ dạy cho nó thông thạo việc gia đình thôi, chớ không dè còn phải tập cho nó quen cách giao tiếp với người ngoài nữa, bởi vậy thuở nay Xuân Hoa chẳng hề có đi đám cưới, đám hỏi, mà cũng chưa từng ngồi nói chuyện với khách lạ. Trong nhà Bà Hương sư lại còn cấm nhặt tôi tớ không được nói đến sự Xuân Hoa lấy chồng, bởi vì bà sợ con gái nghe những lời như vậy, nó mất nết đi. Tại cách giáo dục như vậy, nên Xuân Hoa tới tuổi đó, là tuổi con gái nào thấy trai cũng mắc cở, mà cô ta gặp Bác Ái là một chú trai đẹp đẽ, tuy ở trong xóm mà không quen, song nói nói, cười cười chẳng chút chi bợ ngợ, coi cũng như gặp một người thân hay là gặp một chị em bạn gái vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.