Một, Hai, Ba Những Cái Chết Bí Ẩn

Chương Bốn (2)



IV

Vừa xuống lại cầu thang để trở về căn hộ của bà Chapman, Japp vừa lẩm bẩm:

– Các vong linh của Philips Oppenhein, của Valentine Williams và của William le Queux – ông la lên – tôi có cảm giác rằng tôi phát điên mất.

Trung sĩ Beddoes chờ thủ trưởng của mình, anh ta báo cáo với ông bằng giọng kính cẩn thích hợp.

– Chúng tôi không thể rút ra điều gì bổ ích từ cô hầu gái cả – ông trình bày – Bà Chapman thay đổi người ở khá thường xuyên và cô này mới đến ở từ một hoặc hai tháng nay. Cô ta tuyên bố rằng bà Chapman là một bà chủ dễ chịu, cởi mở, thích máy thu thanh, cô bé tin rằng ông chồng bà tán gái cũng khá, nhưng bà Chapman không nghi ngờ điều đó thỉnh thoảng bà ta nhận được thư từ nước ngoài gửi tới. Cô hầu gái nhớ có nhiều lá thư từ Đức tới, hai từ Mỹ, một từ Italia và một từ Nga. Người yêu của cô ta sưu tầm tem. Và bà Chapman đã cho cô những con tem ở trên thư của bà.

– Anh không phát hiện thấy gì trong các giấy tờ của bà ta?

– Không, thưa ông, tuyệt đối không! Bà ta không giữ lại gì nhiều. Vài chiếc hóa đơn, vài cái biên lai, tất cả đều ở London. Vài cái chương trình xem hát cũ, hai hoặc ba công thức nấu nướng cắt ở trong các báo hàng ngày ra, và một bản chỉ dẫn của các hội truyền giáo ở Zenana. Và tôi thấy khá rõ ai đã đưa bà ấy đi. Tóm lại, hình như không có điều gì chỉ dẫn là bà ấy đã giết người. Ấy thế mà hẳn là bà ta đã làm điều đó. Trong giả thuyết, thuận lợi nhất, ít nhất bà ta là đồng phạm.

– Tối hôm đó, người ta không thấy những người lạ đáng nghi rình mò ở xung quanh sao?

– Người gác cổng không nhớ là đã không để ý, nhưng có thể là anh ta quên. Có nhiều người đi qua trước phòng gác cửa anh, cái tay này án ngữ cả một nhóm nhà. Nếu anh ta nhớ lại đúng cái ngày mà cô Sainsbeny Seale đến thăm, đó bởi vì là ngày hôm sau anh bị đưa đến bệnh viện và ngay chiều hôm đó, anh ta cảm thấy không khỏe.

– Trong các căn hộ bên cạnh, có ai nghe thấy gì?

– Không, thưa ông, ở trên cũng như ở dưới, người ta không nhận thấy có một tiếng động đáng nghi nào. Nhưng tôi biết rằng, trong cả hai căn hộ, máy thu thanh vẫn mở…

Bác sĩ pháp y đi ra khỏi buồng tắm, nơi ông vào rửa tay.

– Không ngon lành lắm đâu, cái xác chết của ông – Ông ta kêu lên với tâm trạng vui vẻ – Ông gửi nó cho tôi, khi nào ông muốn, để tôi xem kỹ hơn một chút.

– Bác sĩ, ông có một ý nghĩ nào đó về nguyên nhân của cái chết không?

– Không thể xác định với ông về việc đó được trước khi mổ xác. Tôi tin rằng những vết thương ở mặt là tôi có thể nói vào lúc này. Đấy là một người đàn bà giữa bốn mươi và năm mươi tuổi, phải là rất khỏe và tóc bắt đầu trở thành hoa râm. Bà ấy nhuộm màu. Tôi hi vọng tìm thấy ở trên cái xác những dấu hiệu đặc trưng, bởi vì, nếu không có, thì có lẽ sẽ khó nhận dạng. Ông có biết bà ta không?… Thế thì, tuyệt… Ông bảo đấy là một người đàn bà biến mất mà người ta đã nói tới nhiều? … Tôi xin lỗi, nhưng tôi không bao giờ đọc báo. Tôi bằng lòng với trò chơi ô chữ.

Sau khi bác sĩ đi rồi, Poirot nhặt ở trong tủ bàn giấy một cuốn sổ tay ghi các địa chỉ, có bìa màu nâu.

Trung sĩ Beddoes không mệt mỏi theo dõi những động tác của ông và chỉ dẫn cho ông.

– Tôi không tìm thấy điều gì bổ ích cả. Địa chỉ của các hiệu cắt tóc, hiệu thợ may, v.v… Tôi đã ghi tên và địa chỉ của các tư nhân…

Poirot giở quyển sổ tay ở vần D.

Ghi ở trên đầu trang, tên của bác sĩ Davis số 17 đường Hoàng tử Albert, đứng trước tên của Drake và Pomponetti, hai người hàng cá. Trên dòng thứ hai, Poirot đọc: nha sĩ, ông Morley, số 58 đường Hoàng hậu Charlotte”

Một tia sáng lóe lên trong mắt của nhà thám tử:

– Tôi bắt đầu tin rằng – ông nói – không có gì khó khăn để nhận dạng xác chết một cách chắc chắn.

Japp nhìn chòng chọc vào mặt Poirot vẻ lo lắng.

– Tôi hi vọng điều đó – ông nói – Ông không tin…

Poirot ngắt lời ông:

– Cái mà tôi cần, đấy là một sự xác thực vấn đề, không phải là điều mà tôi tin.

V

Cô Morley đã rời London để về sống ở vùng quê. Cô ở một biệt thự nhỏ, gần Hertford và chính ở nơi đây mà Poirot đến gặp cô. Cô đón tiếp ông với thái độ hết sức vui vẻ. Cô luôn luôn có vẻ là người giám thủ cứng rắn, mặt cô có lẽ còn rầu rĩ, nhưng sự tới thăm của Poirot đã làm cô vui lòng. Từ đầu, ông đã để cho cô hiểu rằng ông không tán thành những kết luận của cuộc điều tra mà cô cũng bác bỏ, cô rất chạnh lòng bởi cái bóng đen mà những kết luận ấy đã trùm lên tiếng tốt của em cô, phạm lỗi ít nhất là vì một điều sai lầm nghề nghiệp không thể tha thứ được, nếu như người ta thừa nhận quan điểm của quan biện lý sơ thẩm của nhà vua.

Vì vậy, cô đã trả lời những câu hỏi của Poirot hết sức thiện ý. Các giấy tờ của ông Morley được cô Nevill sắp xếp lại đã được chuyển giao cho người thừa kế ông. Một số người bệnh của ông Morley đã trở thành người bệnh của ông Reilly, một số người khác đã giao cho một người cộng tác mới săn sóc, cuối cùng một số người khác đã đến làm khách hàng của những nha sĩ khác.

– Như vậy – cô Morley nói, khi cô đã cho Poirot biết những điều chỉ dẫn mà ông yêu cầu – ông đã tìm thấy lại cô Sainsbury Seale, cũng là một người bệnh của Henry. Và cô này cũng thế, đã bị giết chết!

Cô ta đã nhấn mạnh một cách có ý nghĩa bốn chữ trong câu cuối cùng:

– Ông em cô có bao giờ đặc biệt nói về cô ta không? – Poirot hỏi

– Không – cô trả lời – tôi không nhớ! Khi em tôi có việc cần phải giải quyết với một người bệnh đặc biệt chán, hoặc khi một trong những người bệnh nói với hắn điếu gì vui vui, thì hắn báo cho tôi biết. Nếu không, hắn không bao giờ nói công việc của hắn với tôi. Hết ngày, hắn thường hay bị mệt và hắn thích nghĩ tới việc khác.

– Trong số những người bệnh mà ông ấy đã nói với cô, cô có nhớ tới bà Chapman không?

– Chapman?… Theo tôi, hình như không. Thực tế là nên đặt câu hỏi này cho cô Nevill.

– Tôi rất muốn gặp cô Nevill. Hiện nay cô ta ở đâu nhỉ?

– Theo tôi, cô ta đã nhận một công việc ở chỗ một nha sĩ ở Ramsgate.

– Thế thì, cô ta chưa cưới cậu Frank Carter à?

– Chưa và tôi hi vọng rằng đám cưới ấy chẳng bao giờ tiến hành cả. Con người thanh niên ấy, tôi không tin tưởng, ông Poirot ạ. Ở anh ta, có cái gì đó tồi và tôi vẫn cứ nghĩ rằng anh ta không có một chút đạo đức nào cả.

– Cô có nghĩ rằng anh ta đã có thể giết cậu em của cô không?

Cô ta trả lời không hấp tấp, cân nhắc từng chữ.

– Anh ta có thể làm việc đó, tôi tin chắc như vậy, vì anh ta không có một chút tự chủ nào đối với mình, nhưng thực sự tôi không thấy được vì sao anh ta giết em tôi và có thể giết được vào lúc nào. Nếu em tôi đã thành công trong việc thuyết phục Gladys Nevill không gặp chàng thanh niên ấy nữa, thì tôi sẽ không lập luận như thế. Những điều mà em tôi nói với cô ta không có tác dụng gì cả, và cô ta vẫn dính chặt với cậu Frank Carter ấy.

– Và nếu người ta thuê anh ta giết cậu em của cô?

– Thuê à? Để giết em tôi ư? Đấy là một ý kiến…

Một cô hầu nhỏ xinh xắn mang trà ra vào lúc ấy. Khi cô này rút lui rồi, Poirot tuyên bố rằng ông biết cô ấy.

– Đúng là cô bé mà cô đã có ở London? – Ông nói.

– Đúng, đấy là Agnes. Ở đấy, tôi dùng cô này làm hầu buồng. Tôi đã cho đi cô nấu bếp không muốn xuống nông thôn, và ở đây Agnes là người làm tất cả. Cô đang trở thành một người nấu bếp cừ…

Poirot tán thành…

Ông biết hoàn toàn nhà của Morley ở London đã được tổ chức như thế nào. Nha sĩ và bà chị của ông chiếm hai tầng trên của căn hộ. Các phòng ở tầng trệt, trừ phòng đợi, đều bỏ không dùng. Một cái hành lang hẹp dẫn đến sân sau, ở đây có một máy trục hàng mà các nhà cung cấp dùng. Ở bên cạnh, cũng có một ống truyền âm. Người ta chỉ có thể vào trong nhà bằng cửa vào, ở đấy có Alfred trông nom. Cho nên cảnh sát đã có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng không có một người lạ nào đã vào trong nhà, sớm hôm đó. Còn như hai người ở, cô hầu buồng và cô làm bếp, họ đều ở tại gia đình.

Gia đình Morley ở đó đã từ lâu, và người ta đã có những nhận xét tốt nhất về họ. Về lý thuyết, người ta có thể coi rằng một trong hai người đã xuống tầng hầm để giết ông chủ, nhưng trên thực tế, giả thuyết này không thể được chú ý một cách nghiêm túc. Vả chăng, hai cô này đã trả lời không lúng túng những câu hỏi cung và người ta không thấy bất kỳ một lý lẽ nào để chứng minh hành động phạm tội ác về phần họ.

Song, lúc Poirot ra về, Agnes, lúc đưa can và mũ cho ông, đã hỏi ông với thái độ hơi căng, một câu hỏi mà hẳn là ông không hề chờ đợi.

– Thưa ông, có phải… có phải là người ta biết điều gì mới về cái chết của ông chủ?

– Không, không có gì mới – Poirot trả lời.

– Họ điều luôn luôn tin rằng ông chủ đã tự sát, vì ông ta đã phạm một sai lầm?

– Đúng. Nhưng tại sao cô hỏi tôi điều đó?

Agnes xoắn đi xoắn lại cái tạp dề.

– Chính bởi vì cô Morley không tin điều đó – cô vừa nói vừa ngoảnh đầu đi.

– Tôi nghĩ, cô có đồng ý với cô ấy không?

– Tôi à? Ô… tôi… thưa ông, tôi không hiểu. Nhưng tôi không được chắc…

– Tôi tưởng tượng rằng – Poirot nói với giọng rất nhẹ nhàng – cô sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, nếu cô được chắc rằng đấy đúng là một vụ tự tử, không một chút nghi ngờ có thể nào cả, phải không?

– Vâng, thưa ông, đúng là như thế.

– Nhưng tại sao?… Đối với việc đó, cô có một lý do đặc biệt?

Cô gái mở to hai mắt nhìn Poirot.

– Không, thưa ông – cô nói – Tôi muốn biết, thế thôi.

Hercule Poirot đi khỏi.

“Tại sao cô ta lại hỏi ta điều đó?” Câu hỏi làm ông bận tâm suốt hành trình đi về nhà. Ông phải tự thú nhận là ông bất lực để trả lời.

Nhưng ngay cái việc mà ông đặt ra cho mình câu hỏi đó đã thúc đẩy ông tin rằng ông dần dần tiếp cận lời giải chung của bài toán.

VI

Một người khách mà ông ít tính đến đã chờ ông ở nhà: ông Barner.

Con người nhỏ bé mà đôi mắt luôn luôn hấp háy, giải thích rằng ông ta đã nhất định tới thăm ông Hercule Polrot. Nhà thám tử đã trả lời rằng ông rất hân hạnh được tiếp ông Barnes, và hỏi ông ta thích dùng gì: cà phê, trà hoặc một cốc uýt-ki?

Ông Barnes chọn cà phê. Các người ở Anh chuẩn bị cà phê nói chung khá tồi, nhưng ông tin rằng người ở của ông Poirot là ngoại lệ.

Những hành động lễ độ khác tiếp sau.

Rồi sau khi đã húng hắng ho để cho trong giọng, ông Barnes nói:

– Ông Poirot, tôi muốn nói với ông một cách thành thực. Chính sự tò mò đã dẫn tôi đến chỗ ông. Tôi tự nói rằng ông phải biết rõ tất cả các chi tiết của cái vụ lạ lùng ấy. Qua báo chí, tôi đã được biết rằng cái cô Sainsbury Seale bị biến mất ấy đã được tìm thấy, rằng cuộc điều tra đã được tiến hành, rằng phiên tòa đã được hoãn lại do thiếu chứng cứ để cho phép tòa ra lệnh, và cuối cùng rằng cái chết đã được gây ra do một liều lượng thuốc ngủ quá mức.

– Tất cả điều đó đều đúng – Poirot nói.

Sau một lúc yên lặng, ông nói thêm:

– Ông Barnes này, có bao giờ ông nghe nói tới Albert Chapman không?

– Chồng của cái bà mà cô Sainsbury Seale đã chết ở trong nhà ấy? Nhân vật này có vẻ không thể nắm được!

– Tôi khá tin rằng ông ấy không tồn tại.

– Ông nhầm rồi – ông Barnes trả lời – Ông ấy tồn tại… Không một chút nghi ngờ nào về việc đó cả. Ông ấy tồn tại… hoặc ông ấy đã tồn tại. Tôi đã nghe nói rằng ông ấy đã chết, nhưng đấy chỉ là một tin đồn…

– Và ông Chapman ấy là ai?

– Tôi ngờ rằng người ta nói đến ông ấy ở cuộc điều tra, nếu người ta không thể làm khác được. Tôi giả thiết rằng người ta sẽ kể rằng ông ấy là đại diện của một xưởng vũ khí.

– Vậy thì ông ấy là người của cơ quan tình báo Anh?

– Tất nhiên!… Nhưng ông ấy không cần nói điều đó với bà vợ ông. Sự thực là ông ấy đã phải rời bỏ cơ quan tình báo khi ông ta cưới vợ… Những nhân viên thực sự, những người có máu tình báo nói chung không kết hôn…

– Và Chapman có thuộc vào những người đó không?

– Có chứ. Q. X. 912. Người ta biết ông ấy dưới mã số này. Người ta không dùng tên riêng khi người ta làm tình báo… Q.X. 912 không phải là một nhân viên đặc biệt quan trọng, cũng có lẽ không phải là đặc biệt xuất sắc, nhưng ông ấy làm được việc bởi vì ông ấy không bị chú ý. Ông ấy có một vẻ mặt vô vị, một khuôn mặt tầm thường mà người ta quên ngay tức khắc. Ông ấy thường làm nhiệm vụ người đưa thư. Một công việc mà có lẽ ông biết… Người ta gửi cho đại sứ một lá thư rất đáng kính, rất chính thức, và người ta tăng gấp đôi bằng một lá thư khác, lá này là không chính thức, nhưng là lá duy nhất được coi trọng… Chính là Q.X. 912 tức là ông Albert Chapman hộ tống lá thư này.

– Vậy thì ông ấy phải biết nhiều việc thú vị ?

– Hẳn là ông ấy không biết gì hết – ông Barnes trả lời với thái độ vui vẻ – Công việc của ông ấy là đi tàu hỏa, tàu thủy, và máy bay, và có một câu chuyện kể nhằm giải thích tại sao ông đi và đi ở đâu?

– Ông đã nghe nói rằng ông ấy đã chết?

– Vâng. Nhưng không nên tin tất cả điều mà người ta nói. Ở chỗ tôi, đấy là nguyên tắc.

Poirot chăm chú nhìn ông Barnes bằng đôi con mắt bé nhỏ sắc sảo của ông:

– Ông có tin là đã xảy ra cho bà vợ ông ấy điềuu gì đó không? – Ông hỏi.

– Không có một ý niệm gì cả!… Còn ông?

– Tôi có một ý niệm…

Ông ngưng lại và nói thong thả:

– Thật là khó để thấy rõ trong vụ này.

Ông Barnes cúi xuống phía Poirot.

– Có điều gì đó làm cho ông chán lắm phải không?

Poirot thở dài:

– Vâng – ông trả lời – Và đấy là điều mà tôi đã thấy bằng chính mắt tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.