Một, Hai, Ba Những Cái Chết Bí Ẩn

Chương Chín



I

Ngày hôm sau, Hercule Poirot dành một phần buổi sáng tiếp một nhân viên sân khấu bạn của ông. Buổi chiều, ông đi tới Oxford. Ngày hôm sau, ông về nông thôn bằng ô tô và khi ông về nhà thì trời đã muộn.

Trước khi đi, ông đã hẹn với Alistair Blunt ông sẽ tới nhà ông này vào lúc 9 giờ rưỡi tối.

Nhà tài chính chờ ông ở thư viện. Ông ta ra đón ông và vừa bắt tay, vừa nói:

– Thế rồi ra sao?

Poirot gật đầu.

Vẫn hoài nghi, Blunt hỏi:

– Ông đã tìm thấy cô ta chưa?

– Vâng, tôi đã tìm thấy.

Poirot ngồi xuống và buông ra một tiếng thở dài.

– Ông mệt hay sao?

– Vâng, tôi mệt – thám tử nói – Vả lại điều mà tôi phải nói với ông không có gì là thích thú.

– Cô ta đã chết!

Chậm rãi, cân nhắc từng từ, Poirot trả lời:

– Cái đó còn tùy thuộc vào việc người ta xem xét sự việc đó như thế nào.

Blunt chau mày:

– Ông bạn thân mến ơi – ông ta đáp lại – hoặc chết hoặc sống. Không có sự trung gian. Hoặc là cô Sainsbury Seale đã chết hoặc cô ta còn sống.

– Đúng, nhưng cô Sainsbury Seale là ai?

– Ông muốn nói rằng cô ta không tồn tại hay sao?

– Không đâu! – Poirot tuyên bố – Cô Sainsbury Seale đã tồn tại. Cô ta đã sống ở Calcutta, ở đấy cô ta đã diễn thuyết và làm việc từ thiện. Cô ta đã trở về nước Anh trên chiếc tàu Maharanah cùng với ông Amberiotis. Họ đi cùng một hạng, và ông ấy đã có dịp giúp cô ta, xách hành lý. Hình như ông ấy là một người dễ mến trong cuộc sống bình thường. Và đôi khi lòng tử tế đã được đền bù lại một cách bất ngờ. Đang đi dạo ở London, ông Amberiotis có may mắn được gặp cô Sainsbury Seale một cách hết sức tình cờ. Điều đó làm cho ông ấy vui thích, bằng một động cơ tốt lành, ông ấy đã mời cô ta đi ăn trưa ở Savoy. Đối với cô ta đây là một cuộc chiêu đãi nhỏ mà cô ta không tính tới. Đối với ông ấy, đấy là một dịp may mà ông không bao giờ dám hy vọng. Vì không có sự tính toán về phía ông ấy và hẳn là ông ấy không tưởng tượng được rằng, khi mời cô đi ăn, cô gái già đã tàn úa này sắp hiến dâng cho ông một giá trị tương đương một mỏ vàng. Thế nhưng, đấy là điều cô đã làm, không nghi ngờ gì hết. Đấy là một cô gái trung hậu có nhiều thiện ý, nhưng không thông minh lắm. Tôi vui lòng nói rằng cô ấy có đúng là một bộ óc gà dò…

– Thế thì, không phải là cô ấy đã giết bà Chapman? – Blunt hỏi.

Poirot không trả lời vào câu hỏi.

– Tôi không biết kể cho ông nghe câu chuyện của tôi như thế nào – ông nói sau vài giây suy nghĩ – Chắc chắn là bắt đầu bằng cái gọi là sự bắtt đầu đối với tôi là tốt nhất, nghĩa là bằng chiếc giầy.

– Chiếc giầy?

Blunt hết sức ngạc nhiên. Poirot gật đầu, xác định với ông ta rằng ông ta đã nghe đúng.

– Vâng, chiếc giầy – ông lại nói – Một chiếc giầy có vòng. Tôi vừa qua nửa giờ trong chiếc ghế bành của Morley và tôi đã ở trên bậc thềm nhà 58, phố Hoàng Hậu Charlotte khi một chiếc taxi dừng lại sát lề đường. Cửa mở và tôi thấy bàn chân của một người đàn bà chuẩn bị xuống xe. Tôi thú thật là tôi thuộc về nhóm người mà một cái mắt cá đẹp không để cho vô tình được. Cái mắt cá mà tôi nhìn thấy không xấu, cái cẳng chân mang một chiếc tất hảo hạng, nhưng chiếc giày không làm cho tôi thích. Chiếc giầy mới, bằng loại da thuộc lóng lánh dưới ánh mặt trời, nhưng được trang trí một chiếc vòng to đã làm mất hết lịch sự mà bà ta có thể có. Lát sau, tôi đã thấy cái bà có bàn chân ấy, và thành thực mà nói, tôi rất thất vọng: bà đó gần năm mươi tuổi, không có duyên và ăn mặc tồi.

– Đấy có phải cô Sainsbury Seale không?

– Đúng cô ta. Khi xuống xe, bàn chân cô mắc vào cửa xe và cái vòng ở chiếc giầy đã bị giật đứt. Nó rơi xuống đất. Tôi đã nhặt lên và trả lại. Việc xảy ra đã kết thúc.

Tôi đã gặp lại cô đó vào buổi chiều khi tôi tới thăm cô ta với thanh tra trưởng Japp. Tôi để ý thấy cái vòng chưa được may lại. Cũng tối hôm đó, cô Sainsbury Seale đi ra khỏi khách sạn bằng chân không và biến mất. Ở đây kết thúc cái mà chúng ta sẽ gọi là, nếu ông muốn như vậy, chương thứ nhất.

Chương thứ hai bắt đầu khi thanh tra trưởng Japp yêu cầu tôi đến gặp ông ta ở Trạm Vua Leopold, trong một căn hộ mà ở đấy nói ta đã phát hiện thấy một thi thể nằm trong một cái hòm da lông thú. Tôi vào trong phòng, tôi liếc nhìn cái hòm bỏ ngỏ: và điều mà tôi thấy đầu tiên, đấy là chiếc giầy cũ có vòng ấy.

– Thế rồi sao nữa?

– Ông chưa thật hiểu tôi! Đấy là một chiếc giầy cũ, một chiếc giầy đã dược đi nhiều. Cô Sainsbury Seale cũng đến ở căn hộ này vào chiều hôm xảy ra vụ ám sát Morley. Buổi sáng, đôi giày của cô ta còn mới, và buổi chiều, chúng đã mòn. Đấy là một kết quả mà người ta không được có trong vòng vài giờ…

Mặc dù sự nhận xét không làm cho ông ta quan tâm quá đỗi, Blunt nêu ra một ý kiến bác bỏ:

– Đúng đấy, nhưng theo tôi, cô ta có hai đôi giầy giống nhau.

– Vâng – Poirot trả lời – nhưng tôi biết rằng không phải như thế. Japp và tôi, chúng tôi đã thăm cái buồng mà cô ấy ở tại Glengowire Court và kiểm tra kỹ lại đồ đạc, quần áo của cô ta… Tôi thừa nhận cô ấy có thể có một đôi giầy cũ mà cô ấy đi để nghỉ chân sau một ngày mệt nhọc, nhưng, trong trường hợp ấy, thì đôi giầy mới phải ở khách sạn – ông hãy thừa nhận rằng đấy là một điều lạ!

– Có lẽ – Blunt nói với một nụ cười – Nhưng theo tôi điều đó không quan trọng lắm?

Poirot nhăn mặt.

– Đúng, không quan trọng – ông lại nói tiếp – nhưng lại là phiền toái. Tôi không thích cái mà không thể giải thích được đối với tôi. Tôi tới gần cái hòm và tôi xem xét chiếc giày: cái vòng vừa mới khâu lại bằng tay. Sau khi có sự ghi nhận ấy, tôi phải thừa nhận là tôi nghi ngờ cả bản thân mình. “Ông Hercule thân mến của tôi ơi, tôi tự nói, ông nghĩ cái quái gì sáng ấy? Ông đã nhìn thiên hạ qua đôi kính màu màu hồng! Đôi giày cũ, ông coi chúng như là giày mới”.

– Có lẽ đấy là sự giải thích chăng?

– Không, đôi mắt đã không đánh lừa tôi. Bỏ chiếc giày lại, tôi quan tâm đến xác chết và tôi phải nói rằng điều mà tôi không thích: cái mặt ấy chỉ còn là một đám bột nhão không có hình dáng, tại sao người ta lại đánh nó với một sự dã man không thể tưởng tượng được để làm cho người khác khó nhận ra nó?

Alistair Blunt cựa quậy trong ghế bành:

– Có cần thiết nói lại điều đó không? Chúng ta biết…

Poirot ngắt lời ông ta bằng một giọng dứt khoát:

– Rất cần thiết! Tôi cần phải chỉ cho ông thấy, từng giai đoạn một, làm thế nào mà tôi đã đạt tới việc phát hiện ra sự thực. Đây là điều mà tôi tự nói trước xác chết đó: “Hercule thân mến của tôi ơi, trong đó có cái gì đó không khớp đấy! Người đàn bà chết này mặc quần áo cửa cô Sainsbury Seale – tôi không nói đến đôi giày, chúng là một vấn đề riêng – bà ta có ở gần mình cái xắc cầm tay của cô Sainsbury Seale và mặt bà ta bị biến dạng đi. Tại sao? Có phải là vì cái mặt này không phải là mặt của cô Sainsbury Seale không?…”. Ngay lập tức, tôi tập hợp tất cả nhưng điều mà tôi nghe nói về bề ngoài thể chất của người đàn bà kia, người đã thuê phòng, và tôi tự hỏi: “Cái thi thể nằm ở đây, có phải là thi thể của “người đàn bà kia”không? Tôi đi vào phòng ngủ của người đàn bà ấy và tôi thử hình dung bà Chapman ấy. Thoạt nhìn, bà ta ít giống người đàn bà kia: bà ta duyên dáng, ăn mặc khá lòe loẹt và rất son phấn. Nhưng chủ yếu, hai người đàn bà không khác nhau lắm: tóc cùng mầu, đường nét giống nhau, cùng tuổi tác. Thế nhưng có một điểm cần chú ý: Bà Chapman đi giày số 36, còn cô Sainsbury Seale – mà các chiếc tất thuộc cỡ “hai”, tôi biết điều đó – có lẽ phải đi giầy số 38. Bà Chapman có bàn chân nhỏ hơn bàn chân của cô Sainsbury Scale. Vì vậy tôi trở lại gần xác chết. Nếu ý nghĩ mà tôi thoáng có là đúng, nếu thi thể là của bà Chapman mặc quần áo của cô Sainsbury Seale, thì giầy phải rộng quá. Tôi nhận thấy chúng rất vừa vặn. Điều đó hình như chỉ cho tôi thấy rằng, trái với điều mà tôi tưởng, chung quy lại, đấy là xác chết của cô Sainsbury Seale mà tôi có ở dưới mắt mình. Nhưng thế thì, tại sao người ta lại làm biến dạng mặt cô ta, tại sao người ta lại để bên cạnh cô cái xác cầm tay dễ dàng mang đi chứng minh căn cước của cô?

Đấy là một điều bí ẩn, một câu đố… chống lại tôi. Không còn cách nào khác, tôi lấy sổ tay ghi địa chỉ của bà Chapman, để tìm địa chỉ nha sĩ của bà, là người sẽ giúp chúng tôi tìm ra căn cước cửa thi thể. Sự trùng hợp. Ông Morley là nha sĩ của bà Chapman. Ông ấy đã chết; nhưng sự nhận dạng vẫn còn có thể. Người nối nghiệp của Morley, ông biết điều đó, phải tới khai trương cuộc điều tra rằng xác chết đúng là của bà Albert Chapman.

Alistair Blunt tỏ ra sốt ruột, nhưng Poirot, lờ đi và tiếp tục nói:

– Bây giờ, tôi phải giải quyết một vấn đề thuộc phương diện tâm lý: cô Sainsbury Seale là hạng đàn bà nào? Câu hỏi gồm có hai câu trả lời. Câu đầu, rõ ràng, thể hiện qua cuộc sống của cô lúc ở Ấn Độ và qua lời chứng của các bạn bè riêng của cô: cô Sainsbury Seale là một người không thông minh lắm, nhưng rất hoạt động và rất có lương tâm. Song, còn có một cô Sainsbury Seale khác nữa không? Có thể trả lời là có. Có một cô Sainsbury Seale đã ngồi ăn trưa với một người đàn ông được biết rõ ràng như là một nhân viên của người nước ngoài. Một người đàn bà đã bắt chuyện với ông ở trên đường phố, cho rằng – một cách dối trá, chúng tôi gần như chắc chắn về điều đó – đã từng là bạn của người vợ quá cố của ông. Một người đàn bà đã đi khỏi nhà của một người đàn ông, không bao lâu trước khi vụ giết người được phát hiện, đã đến thăm một người đàn bà khác ngay trong buổi tối hôm ấy, mà người đàn bà khác ấy, rất có thể là đã bị giết chết, và từ đó đã biến mất và kể như là đã chết, tuy rằng bà ta biết rằng tất cả lực lượng cảnh sát của nước Anh đang tìm kiếm bà. Tất cả những điều đó có phải tương hợp với điều mà các bạn bè của bà nói với chúng ta về cô Sainsbury Seale không? Hình như, người ta có thể khẳng định là không đúng. Vậy thì, nếu cô Sainsbury Seale không phải là một con người tốt như cô ta đã tỏ vẻ, thì người ta có thể nghĩ rằng có thể cô ta là một kẻ giết người có tính bình tĩnh đáng chú ý hoặc ít nhất là kẻ tòng phạm của tên giết người.

Những kỷ niệm cá nhân làm cho tôi vững tin trong ý kiến đó. Chính tôi cũng đã có một cuộc nói chuyện với Mabelle Sainsbury Scale. Cô ấy đã gây cho tôi ấn tượng gì? Câu hỏi đó, ông Blunt, tôi đã phải vất vả lắm mới trả lời được. Những câu chuyện, những điệu bộ, những phong cách, thái độ, cách nói của cô, tất cả những cái này đều nhất trí hoàn toàn với điều mà người ta nói về cá nhân cô. Nhưng tất cả điều đó cũng có thể là sự việc của một người đóng kịch tốt diễn một vai trò và, dù sao, đấy chính là cô Sainsbury Seale đã bắt đầu trong cuộc sống như một diễn viên.

Tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi một câu chuyện mà tôi nói với ông Barnes ở Taling, ông này cũng vậy, đã tới số nhà 58 phố Hoàng Hậu Charlotte vào hôm đó, để nhận sự chăm sóc cửa Morley. Với một niềm tin có ý nghĩa, ông ta đã tuyên bố với tôi rằng cái chết của Morley và cái chết của Amberiotis, trong chừng mực nào đó là những sự bất trắc và con người mà người ta muốn thủ tiêu đi, chính là ông…

– Rồi! – Blunt nói – Hình như ông đi quá xa…

– Ông tưởng thế ư? – Poirot hỏi, không để cho ông ta có thời gian nói hết câu – Không đúng hay sao là vào cùng lúc ấy có nhiều nhóm người có lợi dụng điều mà ông bị gạt ra, không gây được một ảnh hưởng nào đó đối với công việc giao dịch, đối với họ điều chủ yếu là ông biến mất?

– Tôi đồng ý. Nhưng tại sao lại thiết lập một sự quan hệ giữa những âm mưu của những người đó với cái chết Morley?

– Bởi vì theo tôi hình như vụ này có một tầm quan trọng rất lớn. Đối với kẻ giết người, tiền bạc không là gì, cả mạng người cũng không nốt!

– Ông không tin rằng Morley đã tự tử bởi vì ông ta phạm một sai lầm bi thảm sao?

– Tôi không bao giờ tin điều đó cả. Một giây cũng không. Không, Morley đã bị giết, như Amberiotis đã bị giết, cũng như một người đàn bà có khuôn mặt không nhận ra được đã bị giết. Tại sao? Ông hãy tin rằng tiền cược là đáng giá. Theo Barnes, một người nào đó đã thử mua Morley hoặc người hợp tác với ông ta để ông ta giết ông!

– Điều đó không đứng vững!

– Ông có chắc không? Một người muốn thủ tiêu một người khác. Nhưng người khác ấy cảnh giác, ông ta được bảo vệ và khó tiếp cận. Muốn giết ông ta, cần phải làm cho ông ta không nghi ngờ. Ở đâu thì ông ta sẽ ít cảnh giác hơn. Khi ông ngồi trong ghế bành của nha sĩ?

– Có lẽ ông nói đúng, nhưng tôi thừa nhận rằng đấy là một việc mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

– Chắc chắn tôi đúng. Và, khi thuyết này được thừa nhận, tôi bắt đầu đoán thấy sự thật.

– Như vậy là ông chấp nhận giả thuyết của Barnes? Xét mọi lẽ, thì ông Barnes ấy là ai?

– Barnes là một người bệnh mà Reilly đã tiếp vào buổi trưa. Đấy là một con người nhỏ bé, không đáng kể, đã làm việc ở Bộ Nội vụ và đã về nghỉ ở Ealing. Nhưng ông đã nhầm khi nói rằng tôi đã chấp nhận giả thuyết của ông ấy. Tôi chỉ giữ lại cái nguyên tắc của nó mà thôi.

– Nghĩa là?

– Từ đầu đến cuối của vụ này, tôi đã dấn vào những con đường không đi tới đâu cả. Khi thì người ta không thể thấy nó, khi thì vì người ta muốn nó trong một ý đồ đã được xác định. Người ta đã cố gắng để thuyết phục tôi rằng người đàn ông phải đóng vai trò nạn nhân chính, không bị nhắm vào với tư cách là tư nhân mà với tư cách là nhân vật trọng yếu cửa quốc gia. Và người đàn ông đó, ông Blunt ạ, đấy là ông, không phải là cá nhân ông, nhưng là ông chủ Ngân hàng, nhà tài chính, người chi phối thị trường, lãnh tụ của các truyền thống bảo thủ.

Nhưng – và đấy là cái mà tôi đã có – cái lỗi là quên mất – tất cả nhân vật trọng yếu của quốc gia đều có một đời tư. Tôi đã không nghĩ ngay tới điều đó, và thế nhưng, cũng như người ta có thể có những lý do đặc biệt để giết Morley – lý do của Frank Carter chẳng hạn – cũng như người ta có thể có lý do đặc biệt, những lý do riêng tư để giết ông. Ông! Chẳng lẽ ông không có ai thừa kế gia sản khi ông chết, và bên cạnh những người yêu ông, lại có những người ghét ông. Không phải với tư cách là nhân vật trọng yếu của quốc gia, mà với tư cách là con người bình thường hay sao?

Và như vậy tôi đi tới chỗ nói lại với ông về cái “con bài bắt buộc ấy” mà tôi đã ám chỉ hồi nãy. Việc này, như vấn đề mưu sát mạo xưng mà Frank Carter phạm tội chống lại ông. Nếu là một vụ mưu sát thực sự, thì thoạt nhìn đây là một vụ ám sát chính trị. Nếu không có một sự giải thích khác… và sự giải thích đã không thể có một người thứ hai, con người đã nhảy chồm lên Carter bắt anh ta phải bất động. Con người đó rất có thể đã bắn vào ông và ném khẩu súng lục của hắn xuống chân Carter, điều đó đã tất yếu dẫn tới việc Carter nhặt nó lên.

Howard Raikes đặt ra một vấn đề mà tôi đã xem xét cẩn thận. Raikes đã tới đường Hoàng hậu Charlotte vào buổi sáng mà Morley chết. Con người đó là kẻ thù công khai của ông và của tất cả cái vì nó mà ông chiến đấu. Hắn còn hơn thế nữa: hắn là người có thể cưới cháu gái của ông. Sau khi ông biến mất, cô Olivera sẽ hưởng thụ một món thu nhập kha khá, món thu nhập của cái vốn mà ông đã định để lại cho cô ta bằng cách chăm lo cho cô ta không thể xâm phạm đến nó, một sự phòng ngừa rất khôn ngoan.

Nhưng chung qui lại nếu đấy là vấn đề một vụ tội ác thuộc lĩnh vực thuần túy riêng tư, vì lúc đó tôi nghiêng về ý nghĩa đó, chỉ có một động cơ khác là cái mồi tầm thường về món lợi, vậy thì tại sao tôi lại tin rằng đấy là nhân vật quan trọng của quốc gia mà người ta nhắm vào? Đơn giản bởi vì, ý nghĩ đó, người ta đã gợi ý cho tôi không phải một lần, mà là nhiều lần; bởi vì người ta cố gắng làm cho tôi phải chấp nhận, hơi giống như nhà ảo thuật làm cho khán giả lấy con bài mà ông ta đã chọn cho họ, “con bài bắt buộc!”

Chính lúc tôi hiểu điều đó mà tôi bắt đầu, vẫn còn rất mơ hồ, nghi ngờ sự thật vào lúc đó, tôi đến nhà thờ, hát bài thánh ca về vấn đề những cái bẫy và những tấm lưới có mắt. Có thể là người ta đã chăng cho tôi một cái bẫy chăng? Tại sao không? Nhưng, thế thì ai có thể đã âm mưu việc đó? Tôi chỉ thấy một người cho vấn đề đó, và giả thuyết hình như vô lý. Khá chắc là vì tôi không nhận định vụ này như nó phải như thế. Tôi đã nắm lấy nó bằng đầu xấu. Tiền bạc không được tính đến chăng? Đồng ý. Tính mạng con người cũng không được tính nữa. Cũng đồng ý. Vậy, đây chính là cái đó. Và điều đó, bởi vì cái được thua là rất lớn.

Nếu cái ý nghĩ lạ lùng đã đến với tôi ấy là đúng, thì nó phải giải thích tất cả điều bí ẩn về hai nhân vật rất khác nhau, về cô Sainsbury Seale, cũng như điều khó hiểu về cái vòng của chiếc giầy. Và nó cũng phải trả lời cho câu hỏi sau: Bây giờ cô Sainsbury Seale ở đâu?

Này, nó giải thích tất cả điều đó… và các việc khác nữa. Để bắt đầu, tôi hiểu rằng cô Sainsbury Seale là tất cả vụ này: phần đầu, phần giữa và phần cuối của nó. Đối với tôi, hình như có hai Mabelle Sainsbury Seale chăng? Không có gì là lạ! Bởi vì thực tế là có hai Mabelle Sainsbury Seale. Người đầu đấy là một người đàn bà chân thành, tử tế, và hơi đần độn mà các bạn bè nói biết bao điều tốt; người thứ hai, người có dính líu vào hai vụ giết người, người nói dối, người đã biến mất một cách bí ẩn…

Có lẽ ông còn nhớ, người gác cổng của Trạm vua Léopold đã tuyên bố với chúng ta rằng cô Sainsbury Seale đã đến lần đầu tiên ở nhà bà Chapman. Xem xét lại vấn đề, tôi có ngay niềm tin rằng cuộc viếng thăm ấy là cuộc viếng thăm duy nhất mà cô dành mãi mãi cho căn phòng mà không bao giờ cô ta trở ra nữa. Cô Sainsbury Seale kia đã thế chỗ cô. Cô Mabelle Sainsbury Seale thứ hai này mặc quần áo giống như quần áo của cô Mabelle Sainsbury Seale thực, và đôi giày của người chết là quá lớn đối với cô, những chiếc giày mới có trang trí vòng, chính cô này đã đi đến khách sạn Russell Square. Cô ta đã chọn giờ cô đến vào lúc mà tất cả mọi người đang có nhiều việc làm, thu nhặt quần áo của cô Sainsbury Seale và sau khi chuẩn bị xong vali và trả tiền ở, cô đi tới ở tại khách sạn Glengowire Court. Từ ngày ấy, các bạn bè của Mabelle thực không thấy cô nữa. Cô kia đóng vai trò của cô trong hơn tám ngày: cô là Mabelle Sainsbury Seale, cô mặc quần áo cửa Mabelle SainBbury Seale, cô bắt chước giọng nói của Sainsbury Seale. Nhân tiện, chúng ta hãy lưu ý rằng, cô ấy đã phải mua một đôi giầy buổi tối, cỡ bé hơn cỡ giầy của Mabelle Sainsbury Seale thực. Một ngày kia, cô ta biến mất. Người ta đã thấy cô lần cuối cùng vào buổi tối hôm ông Morley chết, đi trở về Trạm vua Leopold.

– Ông có cho rằng – Alistair Blunt hỏi – rút cục là cái xác ở trong hòm đúng là cái xác của cô Sainsbury Seale không?

– Nhưng, tất nhiên – Poirot nói to – Đây là một ngón bịp kép đặc biệt khéo léo! Bộ mặt của người chết đã bị làm biến dạng đi chỉ để nêu lên vấn đề nhận dạng. Nhưng tên sát nhân có nghĩ là cảnh sát sẽ cho xem xét bộ răng của xác chết không? Tôi nghĩ là có, sự giám định chỉ có thể giao phó cho chính nha sĩ đã chăm sóc nạn nhân, và lý do tốt nhất là ông ta đã chết. Ông ta, chính ông ta, sẽ nhìn nhận công việc của mình và cho biết tên người chết với một sự chắc chắn tuyệt đối. Người nối nghiệp của ông, ông này chỉ có thể dựa theo phiếu của người bệnh… và những phiếu đó đã bị làm giả. Hai người đàn bà là khách hàng của Morley, chỉ cần lấy tấm phiếu của họ, và cho sao lại bằng cách đổi tên.

Và đấy là lý do tại sao, ông Blunt, hồi nãy khi ông hỏi tôi xem cô Sainsbury Seale đã chết chưa, tôi đã trả lời ông: “Cái đó còn tùy!…” Bởi vì khi ông nói: “Cô Sainsbury Seale”, ông nói về cô nào? Về người đàn bà đã biến mất khỏi khách sạn Glengowire hay Mabelle Sainsbury Seale thực?

Sau một lúc im lặng lâu, Alistair Blunt trả lời:

– Ông Poirot, tôi biết rằng ông có thanh danh xứng đáng, và vì vậy cho nên tôi chỉ nghi ngờ về giả thuyết – tôi lưu ý từ “giả thuyết” – mà ông đưa ra là không có căn cứ vững chắc, thế nhưng, tất cả vụ này theo tôi là huyễn hoặc khó tin! Ông khẳng định rằng, nếu tôi hiểu đúng cô Mabelle Sainsbury Seale đã bị ám sát và Morley cũng đã bị giết, về ông ta và chỉ có ông là mới có khả năng nhận dạng xác chết. Cái chết của ông ta đã được giải thích. Nhưng còn người kia? Một cô gái già, hoàn toàn vô tội, có nhiều bạn bè, và theo người ta biết được thì không có kẻ thù, quái làm sao mà người ta đã muốn thủ tiêu cô ta?

– Thực tế – Poirot nói – Tại sao? Đấy là vấn đề được đặt ra. Ông đã nói rằng Mabelle Sainsbury Seale là một người vô tội, không làm hại đến một con ruồi. Vậy thì tại sao người ta đã giết cô ta? Tại sao người ta ra sức làm khổ cái xác chết của cô với một sự man rợ ghê tởm? Tại sao? Này! Tôi sẽ cho ông biết ý kiến tôi về điều đó.

– Tôi xin nghe ông.

– Tôi tin chắc rằng – Poirot chậm rãi nói tiếp – Mabelle Sainsbury Seale bị giết chết bởi vì người ta thấy rằng cô ta có trí nhớ về các nét mặt.

– Ông muốn nói gì?

– Chúng tôi đã thiết lập – Poirot giải thích – một sự phân biệt giữa hai Mabelle Sainsbury Seale. Một mặt, có một bà tử tế đã sống ở Ấn Độ và mặt khác, một cô diễn viên giỏi đã đóng vai trò của bà tử tế đã sống ở Ấn Độ, chỉ còn lại việc xác định một điểm của hai cô Mabelle Sainsbury Seale này: ai là người đã bắt chuyện với ông ở trên thềm nhà ông Morley? Cô ấy đã khẳng định rằng, ông còn nhớ điều đó, là một người bạn lớn của người vợ quá cố của ông. Sự khẳng định không đúng, nếu chúng ta liên hệ tới điều mà những người quen biết cô Sainsbury Seale đã nói với chúng ta và nếu chúng ta tùy vào những khả năng đúng đơn giản. Vậy thì chúng ta có thể nói rằng: Người đàn bà ấy đã nói dối. Cô Sainsbury Seale thực không nói dối. Vậy thì đây là một lời nói dối của cô Sainsbury Seale giả, trong một ý đồ đã được xác định.

Alistair Blunt gật đầu:

– Lập luận là rất rõ – ông nói – Điều mà tôi không thấy, đấy là lý do của sự nói dối này.

– Xin ông chờ cho – Poirot lại nói tiếp – Chúng ta hãy dự tính một cách khác các sự việc. Cái bà đã bắt chuyện với ông đấy là cô Sainsbury Seale thật – cô ta không nói dối. Vậy thì điều mà cô ta nói là thực.

– Đấy rõ ràng là một sự giả thuyết mà người ta có thể đưa ra – Blunt thừa nhận – nhưng nó là huyền hoặc khó tin!

– Tôi đồng ý – Poirot nói – Nhưng chúng ta cũng cứ xem xét nó. Cô Sainsbury Seale đã nói đúng: cô ta đã biết vợ ông, cô ta đã biết bà rất rõ. Từ đó, tiếp sau là bà nhà phải là một trong những người mà cô Sainsbury Seale có thể rất thân tình, một người nào đó mà hoàn cảnh không khác lắm với hoàn cảnh của cô, một người đàn bà Anh sống ở Ấn Độ, có thể gần với một hội truyền giáo hoặc để đi xa hơn, một nữ diễn viên. Dù thế nào đi nữa, không phải Rebecca Arnholt!

Và chắc là bây giờ ông thấy rồi, ông Blunt, vì sao hồi nãy tôi đã nhấn mạnh đến các từ “đời sống công cộng” và “đời sống riêng tư”. Ông là một chủ ngân hàng lớn, nhưng ông cũng là một người đàn ông đã lấy vợ giàu. Và trước đám cưới của ông, trong ngân hàng, ông chỉ là một người hùn vốn trẻ, và sau khi ra khỏi Oxford, ông không ở trong các vụ giao dịch đã từ lâu.

Bây giờ, ông xem đây, tôi bắt đầu nhìn vụ này như là cần phải nhìn. Tiền bạc không được tính đến chăng? Đối với ông, đấy là rất rõ! Tính mạng con người, cũng không nữa? Cũng đúng như thế! Đã từ lâu, thực tế ông là một nhà độc tài… và đối với một nhà độc tài thì tính mạng của ông ta là quí, còn tính mạng của người khác thì không quan trọng!

– Ông ám chỉ cái gì, ông Poirot? – Alistair Blunt hỏi.

Vẫn bình tĩnh, Poirot trả lời:

– Đơn giản thôi, ông Blunt, khi ông cưới Rebecca Arnholt, ông đã có vợ rồi. Ông không thiết tha trở nên giàu sụ, nhưng triển vọng nắm một quyền lực gần như vô hạn đó đã làm lóa mắt ông. Ông đã giấu cuộc hôn nhân đầu tiên này và hiển nhiên ông trở nên một người có hai vợ với sự đồng ý của người vợ cả, người vợ chính thức của ông.

– Và người vợ cả đấy là ai?

– Chính dưới cái tên của bà Albert Chapman, mà bà ấy sống ở trong một căn hộ ở Trạm Vua Leopold, cách dinh thự cá nhân của ông năm phút đi bộ. Ông đã mượn tên của một thám tử mật còn sống thực sự, để mọi người dễ dàng tin hơn khi biết chồng bà ta làm trong các dịch vụ phản gián. Kế hoạch của ông đã thành công mỹ mãn và không bao giờ có ai nghi ngờ bất cứ một điều gì. Nhưng mà, sự kiện hãy còn, không thể tranh cãi vào đâu được: cuộc hôn nhân của ông với Rebecca Arnholt không bao giờ có lấy một tí giá trị pháp lý và ông tự trở thành kẻ phạm tội về hai vợ. Những năm tháng đã trôi qua và ông đã nghĩ rằng mọi nguy hiểm bây giờ đã bị gạt bỏ. Sự đe dọa đột nhiên đã nảy sinh từ một người đàn bà tội nghiệp khá buồn phiền. Khi gặp lại ông hai mươi năm sau đã nhớ lại rằng ông là chồng của bà bạn bà ta. Sự tình cờ đã đưa bà ấy trở lại nước Anh. Đặt bà ta trên con đường đi của ông và vẫn sự tình cờ cô cháu gái lại ở với ông và đã nghe hết câu chuyện của người đàn bà này. Nếu tôi không biết họ, có lẽ tôi đã không đoán ra được sự thực.

– Nhưng, ông Poirot thân mến, những câu chuyện ấy, chính tôi đã kể cho ông nghe.

– Không phải, chính cháu gái của ông đã nằn nì để nói với tôi về việc đã xảy ra, một ý nghĩ mà ông không thể đập tan một cách quá công khai mà không gợi ra những sự nghi ngờ về số mệnh rõ ràng là đã chống lại ông. Sau khi gặp ông, Mabelle Sainsbury Seale lại gặp Amberiotis, ông này mời cô ta đi ăn trưa và cô ta đã kể lại với ông này với một sự ngạc nhiên như thế nào việc gặp lại ông. “Đã nhiều năm tôi không thấy ông ấy. Ông ấy đã già tất nhiên, nhưng hầu như không thay đổi”.

Dĩ nhiên là tôi đoán, nhưng các sự việc chắc đã xảy ra như vậy. Tôi không tin rằng, cái tên mà ông ta mang hiện nay là khá thông thường, cô Sainsbury Seale đã nhận thấy rằng; ông Blunt, người đã lấy bà bạn của mình, không phải ai khác chỉ là một nhà tài chính có thế lực mà cô đã nghe nói tới như tất cả những người khác. Nhưng Amberiotis không phải chỉ là một người tình báo, mà còn là một kẻ tống tiền. Như tất cả những người cùng hạng, ông ta đã ngửi thấy những điều bí mật mà những người khác muốn giấu. Ông Blunt này mà Mabelle Sainsbury Seale đã nói chuyện có phải là Blunt lớn không? Ông ta tự hỏi mình điều đó và không gặp khó khăn gì để nắm tình hình. Về việc đó, tôi tin chắc, ông ta đã bắt quan hệ với ông, hoặc bằng thư hoặc bằng một cú điện thoại. Không chút nghi ngờ là ông ta đã rơi vào một mỏ vàng.

Poirot im lặng vài giây, rồi lại nói:

– Phương tiện hiệu nghiệm duy nhất để tống khứ kẻ tống tiền táo tợn và khéo léo là buộc hắn ta im lặng. Tôi đã nhầm đối tượng – không phải như tôi đã nghĩ: “Thủ tiêu Blunt như thế nào?” mà là “thủ tiêu Amberiotis như thế nào?” – nhưng câu trả lời vẫn là một. Tốt nhất là tấn công khi đối tượng mất cảnh giác. Và nơi nạn nhân ít ngờ vực nhất là khi họ đã ngồi vào ghế bành của nha sĩ chăng?

Một nụ cười nửa miệng đã mím hai môi Poirot, ông tiếp tục:

– Sự thực đã được nói ra hoàn toàn do tình cờ hầu như vào lúc bắt đầu nhất của vụ này, điều lý thú là ghi lại điều đó. Alfred, người phục vụ đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám gọi là: Cái chết tới vào lúc 11h45′ . Chúng ta phải thấy ở trong cái tên này một cái điềm xấu, vì thực tế là vào lúc đó Morley đã bị giết. Ông đã hạ ông ta đúng vào lúc ông từ biệt ông ta. Tiếp theo đó, ông đã ấn nút gọi người phục vụ, ông đã mở vòi nước của chậu rửa – đặt ở trong góc, đứng ở sau cửa chính – và ông đã đi ra. Ông đã tính toán giờ giấc sao cho ông tới phía dưới cầu thang vào lúc mà cậu Alfred đưa cô Mabelle Sainsbury Seale giả vào thang máy. Ông đã mở cửa vào, cũng có thể là ông đã vượt qua ngưỡng cửa, nhưng ngay khi thang máy bắt đầu chạy, ông đã quay lại và lên lại cầu thang.

Theo kinh nghiệm, tôi biết rất chính xác là Alfred đã xử sự như thế nào khi dẫn một người khách hàng vào cho ông chủ cửa cậu: cậu ta gõ cửa, rồi mở ra và đứng tránh ra để nhường cho người bệnh đi qua. Cậu ta đã làm như thường lệ. Khi nghe nước chảy ở vòi cậu ta nghĩ là Morley, đang rửa tay.

Cậu ta đến đóng cửa lại và trở về thang máy.

Ngay khi ông nghe tiếng thang máy xuống lại, ông lại đi lên cầu thang và trở về phòng Morley. Được đồng lõa giúp đỡ, ông đã mang thi thể vào trong căn phòng nhỏ và tìm trong các cặp xếp để lấy tấm phiếu của bà Chapman và của cô Sainsbury Seale mà đã nhanh chóng làm giả mạo. Ông đã mặc một cái áo bờ-lu trắng, và có lẽ bà vợ ông, do sự hóa trang khéo léo, đã phần nào thay đổi được chút ít dáng mặt của ông. Thực ra, tôi không tin rằng cần phải làm như vậy. Amberiotis đến thăm Morley lần sau tiên, ông ta cũng chưa hề gặp ông và ảnh của ông chỉ xuất hiện trên các báo hàng ngày từng quãng thời gian, hẳn là ông ta không biết mặt của ông. Cuối cùng, ông ta không ngờ vực: một người xảo trá hay dọa người không có gì để sợ một nha sĩ. Cô Sainsbury Seale – cô giả – đi ra, do người phục vụ lại dẫn ra. Đèn báo bắt đầu màu trắng và Alfred dẫn Amberiotis đến cho ông, Amberiotis thấy nha sĩ đang rửa tay. Ông đưa ông ta ngồi vào trong ghế bành, ông ta nhe cái răng đau cho ông, ông đã đưa ra những lời phỉnh khéo thường dùng và đã nói rằng gây tê cho hàm răng là không có hại gì. Ông ta chấp nhận và ông đã tiêm cho ông ta một liều procain và adrenalin, liều thuốc sẽ giết ông ta. Một lúc sau, ông ta rút lui, mà không nghi ngờ một chút gì và khả năng nghề nghiệp của ông đã làm cho ông ta hết sức hài lòng.

Sau khi ông ta đi ra rồi, ông kéo thi thể của Morley ra khỏi căn phòng nhỏ và kéo nó ở trên tấm thảm, vì bây giờ ông phải làm một mình, ông đưa nó vào phòng, ở đấy ông để nó trên mặt đất. Ông lau chùi khẩu súng lục trước khi đặt nó vào bàn tay xác chết, chùi vết tay ở núm cửa rồi ông đi ra, xuống cầu thang bằng những bước đi êm êm và đi qua phòng lớn vào lúc thuận lợi. Đấy là khoảnh khắc duy nhất mà thật sự ông đã bị vài điều nguy hiểm đe dọa.

Trên thực tế, tất cả xảy ra tuyệt đẹp. Hai người đe dọa sự an ninh của ông. Cả hai người đều đã chết. Ông cũng cần phải hy sinh một nạn nhân thứ ba, nhưng theo quan điểm của ông, ông không có cách nào để làm khác được. Và tất cả đã được giải thích tốt nhất trần gian. Morley đã tự tử vì ông ta đã phạm sai lầm, kéo theo cái chết của Ambertiotis. Đấy là những việc xảy ra.

Không may cho ông, tôi ở đây. Tôi ngờ rằng vụ này, cũng không đơn giản như người ta tưởng, tôi nêu các lý lẽ bác bỏ. Tất cả mọi sự không trôi chảy như ông hy vọng, và ông phải dự tính một đường phòng ngự thứ hai: nếu đấy là tuyệt đối cần thiết, một người vô tội sẽ chịu tội thay cho ông! Ông được cho biết rất tỉ mỉ về điều đã xảy ra trong nhà Morley và cuộc sống của Frank Carter. Anh ta sẽ được việc đây! Người đồng lõa của ông dàn xếp để anh ta đến làm thuê cho ông, như là người làm vườn, nhưng trong điều kiện bí mật đến nỗi mà sau này khi anh ta kể lại, không ai muốn tin cả, nó tỏ ra rất buồn cười và đáng ngờ.

Một hôm; người ta phát hiện thấy xác chết đặt ở trong một cái hòm da lông. Trước tiên, người ta tin rằng đấy là thi thể của cô Sainsbury Seale. Sự giám định răng sẽ chứng minh là không phải thế đâu. Một sự chuyển biến bất ngờ! Không phải vô cớ, như người ta tưởng, nhưng cần thiết. Ông không quan tâm đến việc tất cả lực lượng cảnh sát của nước Anh bắt đầu đi tìm kiếm một bà Chapman. Không! Mặc dầu được nghe nói bà Albert Chapman đã chết và người ta tiếp tục khua khắp cả nước để tìm thấy lại cô Sainsbury Seale.

Cô này, người ta sẽ không bao giờ tìm thấy lại nữa. Vả chăng, ông có khá nhiều uy thế để làm cho những cuộc tìm kiếm này không kéo dài ra. Chỉ cần ông biết điều mà tôi làm. Vì điều đó, ông đã cho gọi tôi đến và ông yêu cầu tôi tìm lại cô Sainsbury Seale. Và cố chấp, ông chơi tôi một cú về “con bài bắt buộc”. Người đồng lõa của ông gọi điện thoại cho tôi: lời cảnh cáo lâm ly, dùng để làm cho tôi khiếp sợ thì ít mà để thuyết phục tôi – luôn luôn – rằng đấy là một vụ gián điệp, rằng nếu ông dính vào câu chuyện, đấy là với tư cách là nhân vật quan trọng của quốc gia. Vợ của ông là một diễn viên tuyệt vời, nhưng khi muốn đổi khác giọng nói của mình, tất nhiên người ta có khuynh hướng bắt chước giọng nói của một người khác. Vợ ông đã lấy giọng nói của bà Olivera, điều đó có hiệu quả là làm cho tôi phải lạc hướng mất một lúc, tôi phải thú nhận việc này.

Tiếp sau đó là sự mời đến Esxham. Chính là ở đây ông đã đạo diễn màn chót. Có gì đơn giản hơn là giấu một khẩu súng lục đã nạp đạn vào trong một bụi cây trắng, đặt nó như thế nào để cho người phụ trách việc tỉa cành của hàng rào tất yếu sẽ làm cho súng nổ? Vũ khí rơi xuống chân anh ta. Ngạc nhiên, anh ta nhặt nó lên. Còn đòi hỏi gì hơn nữa? Anh ta đã bị bắt quả tang!

Anh ta sẽ kể một câu chuyện khó tin, về câu chuyện về việc hợp đồng ông thuê làm và khẩu súng lục của anh ta là anh em với khẩu đã hạ Morley.

Anh ta đã bị bắt… và Hercule Poirot tuyệt vời đã bị mắc lừa!

Alistair Blunt xoay người trong ghế bành, vẻ mặt ông nghiêm trang và hơi buồn.

– Ông Poirot – ông nói – ông chớ hiểu lầm ý nghĩa của những lời tôi nói. Trong tất cả điều đó, phần của giả thuyết là gì và ông biết chính xác cái gì?

– Tôi có bản sao của một giấy phép kết hôn – ông nói – đăng ký gần Oxfort và mang các tên của Martin Alistair Blunt và của Geida Grant. Frank Carter đã thấy hai người rời khỏi phòng của Morley một lát sau mười hai mươi lăm. Người thứ nhất, một người to béo, là Ambertiotis, người thứ hai chỉ có thể là ông. Nhưng Frank Carter, chỉ thấy ông từ trên cao và từ phía lưng nên không nhận ra ông.

– Rất tốt cho ông là đã nêu ra chi tiết ấy.

– Carter vào trong phòng và đã thấy thi thể của Morley. Hai bàn tay của ông này đã lạnh và xung quanh vết thương có một ít máu đã đông lại và đã khô. Điều đó chứng minh rằng Morley đã chết được một thời gian nào đó rồi và do đó mà nha sĩ đã chăm sóc cho Amberiotis không phải là Morley, mà là kẻ đã giết Morley.

– Không có gì khác?

– Có. Helene Montressor đã bị bắt chiều nay.

Alistair Blunt hơi giật mình rồi ông ta bình tĩnh lại và nói:

– Trong những điều kiện ấy, thì không có gì để bàn cãi nữa.

– Tôi tin là như vậy – Poirot nói – Helene Montressor thực, người chị em họ xa của ông đã chết ở Canada, cách đây bảy năm. Ông đã giữ kín sự kiện này và ông đã lợi dụng nó.

Bóng của một nụ cười lướt qua khuôn mặt của Alistair Blunt. Tiếp đó ông ta nói với một thái độ vui vẻ hồn nhiên và bằng cách tự nhiên nhất.

– Tất cả cuộc phiêu lưu này, tôi muốn ông hiểu cho rằng nó đã làm cho Geida vui một cách kỳ diệu. Tôi đã cưới cô ấy mà không nói gì với gia đình tôi về điều ấy cả. Cô ấy làm ở rạp hát, bố mẹ tôi là những người khá ra vẻ đoan trang, tôi sắp đi vào ngành ngân hàng, tốt hơn là im lặng. Geida tiếp tục biểu diễn. Mabelle Sainsbury Seale cũng thuộc vào nhóm đó. Cô ta đã bỏ nhóm để đi với đoàn tuần du diễn kịch rời khỏi nước Anh. Từ Ấn Độ, nơi cô ta ở, cô đã viết thư cho Geida một hoặc hai lần, rồi chúng tôi bặt tin. Thế nhưng, chúng tôi được biết rằng Mabelle không có một sự đặc biệt thông minh lỗi lạc, đã phải lòng một người theo đạo Hindu nào đó. Cô ta thuộc những người con gái hay tin tất cả những điều mà người ta kể cho họ.

Tôi yêu cầu ông hiểu về sự gặp gỡ của tôi với Rebecca và đám cưới cửa tôi với cô ta. Geida, cô ấy hiểu điều đó. Tôi vui lòng nói rằng người ta hiến cho tôi một ngôi vua. Tôi đã lấy một hoàng hậu, tôi trở thành một loại quận công, thậm chí một loại vua. Đấy đúng là như thế. Cuộc hôn nhân mới không hề làm phai nhạt tình cảm của tôi đối với Geida: tôi luôn luôn yêu cô ấy và tôi đã không lìa bỏ người mà tôi gọi là “vợ quí tộc”. Vả lại, các sự việc đã xảy ra tốt đẹp. Tôi đã dành nhiều sự trìu mến cho Rebecca, người đặc biệt có khiếu về tài chính, cũng như tôi chúng tôi đã tạo thành một kíp xuất sắc, chúng tôi làm việc cùng nhau với cùng một niềm vui thích, cô ta là một người bạn lý tưởng đối với tôi, và tôi tin rằng tôi đã làm cho cô ta sung sướng. Cái chết của cô ta đã gây cho tôi một sự buồn rầu vô hạn.

Điều lạ lùng là Geida và tôi đã bén mùi về sự bí mật của các cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Chúng tôi đã nhờ cậy đến hàng ngàn mưu mẹo tài tình làm cho chúng tôi khoái trá. Diễn viên hài kịch nòi, Geida có một vốn tiết mục gồm từ bảy đến tám nhân vật. Ở London, cô ấy là bà Albert Chapman. Ở Paris, cô ấy trở thành một bà vợ góa Mỹ, mà tôi gặp ở đây khi công việc gọi tôi đến Pháp. Cô ấy đã biến đổi thành nghệ – họa sĩ để đi Nany, nơi mà tôi đến lấy cớ là đi câu cá. Cuối cùng, tôi biến cô ấy thành người em gái họ của tôi, Hélène Montressor. Trò chơi này đã làm cho chúng tôi vui thú và tình yêu của chúng tôi, tôi tin rằng, rất đẹp. Sau khi Rebecca chết, chúng tôi có thể cưới lại nhau, nhưng chúng tôi không làm. Geida không thích cuộc sống hơi “tiêu biểu”, hơi “chính thức” mà tôi bắt buộc phải sống và nhất là, những sự gian díu bí mật làm cho chúng tôi vui thích, sống dưới một mái nhà, mọi người đều biết, đối với chúng tôi hình như là tẻ nhạt và không hấp dẫn.

Blunt dừng lại. Rồi đổi sang một giọng cứng rắn hơn, ông ta lại nói tiếp:

– Và mụ đàn bà ngu ngốc ấy đã đến làm hỏng tất cả! Tại sao, sau nhiều năm như thế mà mụ ta mà nhận ra tôi? Tại sao mụ ta không có gì vội hơn là đi nói cuộc gặp gỡ ấy với Amberiotis? Ông phải hiểu rằng cần phải làm một cái gì đó. Không phải chỉ là vấn đề của tôi và tôi không nhận định tình thế chỉ theo quan điểm cá nhân của tôi. Vụ tai tiếng sẽ phá tôi, sẽ làm cho tôi sạt nghiệp, nhưng quốc gia, quốc gia của tôi, nó cũng sẽ bị đụng chạm! Bởi vì, ông Poirot, xin ông miễn cho tôi nói việc đó. Tôi đã làm một việc gì đó cho nước Anh. Tôi thuộc vào nhóm nhỏ của những người ấy, nhờ họ mà nước Anh đã thoát khỏi cái nạn độc tài của phe hữu cũng như của phe tả. Tiền bạc, với tư cách là tiền bạc, không làm cho tôi quan tâm. Tôi thích quyền lực, nhưng tôi ghê rợn sự bạo ngược. Nước Anh là dân chủ, thực sự dân chủ. Chúng tôi phê bình những người cầm quyền của chúng tôi, chúng tôi nói với họ những điều chúng tôi suy nghĩ, chúng tôi thường chế nhạo họ, nhưng chúng tôi tự do. Sự tự do ấy, tôi đã chiến đấu vì nó suốt cả cuộc đời tôi. Nếu ngộ tôi biến mất và ông biết, ông Poirot, hẳn điều gì sẽ xảy ra. Quốc gia cần đến tôi. Một tên Hy Lạp nhỏ bé, bẩn thỉu, một tên tống tiền, một tên kẻ cướp, không tín ngưỡng, chẳng lương tâm sẽ phá hoại sự nghiệp của cả cuộc đời tôi. Cần phải làm một cái gì đó. Geida nhất trí ý kiến với tôi. Đúng là với một nỗi buồn mà chúng tôi nghĩ đến số phận đang chờ đợi Mabelle Sainsbury Seale, nhưng không thể cứu được cô ta. Cần phải giành được sự im lặng của cô ta, nhưng cô ta không thuộc vào những người biết giữ mồm giữ miệng. Geida đến thăm và mời cô ta đến uống trà ở nhà mình, bảo cô ta rằng bà ấy ở trong căn phòng của ông Chapman và cô ta phải hỏi bà Chapman. Mabelle đã đến không ngờ vực. Cô ấy đã chết mà không biết. Thuốc “medince” đã ở trong trà. Đấy là một loại thuốc độc giết người không đau đớn: người ta ngủ và không tỉnh dậy. Sau đó, cần phải làm biến dạng cô ta. Một công việc bẩn thỉu làm cho tôi ghê tởm, nhưng chúng tôi nhận thấy là cần thiết; bà Chapman cần phải biến mất thực sự.

Tôi đã cho “cô em họ” Hélène một ngôi biệt thự ở Exsham, nơi mà cô sống. Chung qui lại chúng tôi đã quyết định rằng chúng tôi sẽ cưới nhau ít lâu sau này. Nhưng trước đó phải thủ tiêu Amheriotis. Kế hoạch của chúng tôi đã thành công mỹ mãn! Không có một giây nào, ông ta ngờ vực rằng ông ta không có việc cần giải quyết với một nha sĩ chính thức. Tôi đã xoay xở rất khéo với cái kìm nhổ răng và các cái kìm, nhưng tôi đã không liều cầm cái khoan răng. Lẽ dĩ nhiên, sau khi tiêm xong, ông ta không cảm thấy gì nữa. Thực ra, có lẽ tốt hơn là…

– Các khẩu súng lục? – Poirot hỏi

– Chúng là của một người thư ký của tôi ở Mỹ. Anh ta đã mua ở đây và quên mang đi khi từ biệt tôi.

Sau một lúc im lặng, Alistair Blunt nói thêm:

– Ông còn có việc gì khác để hỏi tôi nữa không?

– Morley? – Poirot nói đơn giản.

– Tôi rất tiếc về điều đã xảy ra cho ông ấy.

Poirot trả lời bằng một lời càu nhàu và hai người ngồi im trong một lúc lâu.

Blunt nó trước tiên:

– Và bây giờ? – Ông nói.

– Hélène Montressor đã bị bắt – Poirot nói.

– Và bây giờ, đến lượt tôi?

– Đấy là điều mà tôi muốn nói.

– Nhưng điều đó không làm cho ông thích sao?

Alistair Blunt nói nhẹ nhàng.

Poirot thở dài.

– Không, điều đó không làm cho tôi thích!

Alistair Blunt lại hỏi:

– Tôi đã giết ba người. Vậy thì, tôi đoán phỏng là tôi phải bị treo cổ. Nhưng ông đã nghe lời bào chữa của tôi.

– Là cái gì?

– Theo sự tin chắc của tôi, tôi tin rằng tôi rất cần cho sự duy trì nền hòa bình và thịnh vượng của đất nước này.

– Rất có thể như thế – Poirot nói.

– Đấy là ý kiến của ông?

– Đấy là ý kiến của tôi. Ông bảo vệ tất cả những tư tưởng thân thiết đối với tôi!

– Cám ơn.

Sau một sự im lặng dài, Alistair Blunt hỏi:

– Thế thì, ông quyết định như thế nào?

Poirot nhìn ông ta.

– Ông nghĩ rằng… tôi phải bỏ vụ này chăng?

– Đúng.

– Còn vợ ông?

– Tôi có những mối quan hệ, tôi sẽ dàn xếp. Chúng tôi sẽ chứng minh không khó khăn rằng người ta đã nhầm người.

– Và nếu tôi từ chối.

– Thế thì, tôi sẽ phải trả giá – Blunt trả lời với giọng bình tĩnh.

Ông ta nói thêm ngay lúc ấy:

– Ông Poirot, sự quyết định là ở trong tay ông, nhưng tôi xin nhắc lại – ông hãy tin tôi, đấy không phải cứu tôi là mục đích duy nhất – thiên hạ cần đến tôi. Và ông biết tại sao không? Này! Bởi vì tôi là một con người lương thiện! Và cũng là vì tôi có lương tri và tôi không có những tham vọng cá nhân.

Poirot gật đầu đồng ý. Tất cả điều đó, dù nó có tỏ ra là rất lạ lùng, ông vẫn tin.

– Đấy là một quan điểm – ông nói – ông là “con người cần có ở chỗ cần có”, ông có tinh thần thẳng thắn, ông có sự đánh giá đúng đắn, ông là một người thanh liêm. Nhưng mặt khác, có ba người chết.

– Đúng, nhưng họ là ai? – Blunt nói to – Mabelle Sainsbury Seale, chính ông đã nói là một người đàn bà đáng thương chỉ có bộ óc đần độn. Amberiotis, ông ta là một tên bịp và là một tên gian xảo dọa người lấy tiền!

– Còn Morley?

– Tôi đã nói tới ông, tôi rất tiếc về việc đã xảy ra đối với ông ta. Nhưng dù sao, đấy là một người tử tế, cộng thêm là một nha sĩ giỏi. Có những nha sĩ giỏi khác!

– Vâng, có những nha sĩ giỏi khác – Poirot thừa nhận – Nhưng Frank Carter? Ông đã để cho anh ta chết mà không thương tiếc.

– Tôi dành lòng thương của tôi cho những người xứng đáng với lòng thương đó – Blunt đáp lại – Đấy là tên du côn, một tên vô lại…

– Nhưng đấy là một con người!

– Chúng ta tất cả đều là con người!

– Đúng, ông Blunt, chúng ta đều là con người và đấy đúng là điều mà ông đã không nhớ! Mabelle Sainsbury Seale chỉ là một người điên rồ đáng thương, Amberiotis một tên bịp bợm, Frank Carter một tên vô lại và Morley, một nha sĩ như nhiều nha sĩ khác. Đúng đấy, nhưng đối với phần còn lại tôi không nhìn các sự vật như ông. Đối với tôi, tính mạng của những con người ấy cũng quan trọng như tính mạng của ông.

– Ông nhầm rồi.

– Không, tôi có lý. Ông là một con người lương thiện. Ông đã phạm tội nặng, nhưng nhìn bề ngoài, ông vẫn là như thế: Thanh liêm, đứng đắn, trung thực. Nhưng thực ra ở trong người ông, sự thèm khát quyền lực đã lớn lên trong những quy mô khổng lồ. Và một hôm, vì nó, ông đã hy sinh bốn mạng người, tự nói với mình rằng, họ là ít giá trị.

– Nhưng, Poirot, thế là ông không hiểu rằng, trong một mức độ rất rộng, sự an ninh và hạnh phúc của quốc gia phụ thuộc vào tôi chăng?

– Tôi không quan tâm đến các quốc gia, ông Blunt, mà quan tâm đến các cá nhân. Cái tài sản vô giá này là của họ, tính mạng, không ai có quyền tước đi của họ!

Poirot đứng dậy.

– Vậy thì đấy là câu trả lời của ông? – Alistair Blunt hỏi.

Thong thả với giọng mệt nhọc, Poirot trả lời:

– Vâng, đấy là câu trả lời của tôi.

Ông đi ra cửa và mở ra. Hai người đàn ông đi vào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.